Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

CHÙA NON NƯỚC SÓC SƠN


11g30, sư ông và 60 vị trong Tăng đoàn làng Mai đã ra khỏi sân bay Nội Bài, đi giữa rừng người cầm cờ và hoa, từ các tỉnh đổ về rất sớm; không khí nhộn nhã hơn hẳn năm 2005; Các bà chuyện trò rối rít, cười đùa cứ như trẻ con được bánh. Sinh viên đứng riêng một nhóm, chăm chú đọc cốn sách của Thiền sư hoặc tờ chương trình của chuyến đi tại Hà Nội. Tôi theo xe riêng của thầy Giác Thiện ( trong Ban kinh sư của TT Lệ Trang, ở SG ) về chùa Sùng Phúc, nơi sư ông và Tăng thân từ Nha Trang ra cư trú.

Sùng Phúc là ngôi chùa cổ, được Thiền sư Thanh Từ đại tu, đệ tử ngài là TT Tâm Thuần trụ trì.Thiền sư Thanh Từ trùng hưng tái thiết tại phía Bắc nhiều ngôi đại tự, trong đó, Trúc Lâm Yên Tử, cội nguồn Thiền phái Trúc Lâm rất nổi tiếng. Trong chuyến về 2 năm trước, chương trình được thỏa thuận với nhà nước VN chỉ có bốn điểm đoàn đến: Hà Nội – TP HCM – Bình Định ( HT Huyền Quang) và Huế, vì thế không thế đến Trúc Lâm Đà Lạt kính viếng T.S Thanh Từ, tuy nhiên tình đạo vị giữa các ngài như mạch nước ngầm giao thoa trong lòng đất. Chuyến nầy về, bổ sung thêm điểm đến là Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng-Cam Ranh Nha Trang, Ninh Bình- Vĩnh Phúc. Tại Hà Nội, Tăng đoàn tạm trú tại các chùa như Bồ Đề-Sùng Phúc-Đình Quán và Cảnh Phúc, mỗi nơi cách nhau trên 10km. Các tự viện của HT. Thanh Từ tại miền Bắc chuẩn bị tiếp đón đoàn thật nhiệt tình. Một tấm hình lịch sử hai ngài đội nón lá ngồi bắt tay nhau tươi cười trông thật dễ thương, hai cây đại thụ biểu trưng linh hồn của PGVN hiện nay mà có kẻ manh tâm triệt hạ!

Người miền Bắc như cây nắng hạn, khi chính sách thông thoáng về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, họ vung tay phát lộc trong các tụ điểm đồng bóng Tứ phủ, đốt áo giấy vàng mã như đốt rác thừa, thậm chí cúng cả xe ô tô cho các sư họ thích, mê tín dị đoan càng phát triển nhanh, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng của các sư thiểu phẩm chất sau nầy. Từ Hà Nội đến sân bay Nội Bài trên 30 km, thế mà vẫn có những phật tử tự túc đi đón, một số tỉnh xa như Ninh Bình, Vĩnh Phúc cũng có mặt. Đó là tinh thần Phật tử miền Nam vào những năm 1963-1964, hy vọng PG miền Bắc không đi vào vết lầy của PG miền Nam đã và đang vướng phải.

Thầy Pháp Ấn trông có vẽ mệt mỏi, thầy cũng đang bị thấp khớp hoành hành, những nhân sự trong đoàn đều vất vả, riêng thầy bị áp lực công việc khá nặng. Ngoài việc tiền trạm, thầy còn thay mặt làng Mai trong các trai đàn chẩn tế quỳ đội sớ suốt mùa, hoặc đầu trần dưới cái nắng gay gắt trọn buổi. Hôm chẩn tế tại Vĩnh Nghiêm, một Tăng sĩ mua ủng hộ làng Mai mấy trăm sách Lá Thư Làng Mai, đem phân phối tại các nơi đang phát hành tại chỗ mà những người khác đang bán băng sách dĩa từ các nguồn khác nhau, thế mà An ninh văn hoá đã lập biên bản, yêu cầu Ban Tôn giáo ký giấy tống xuất thầy khỏi VN trong vòng 2 giờ, nhưng BTG đã du di thông cảm. Những mắc mứu pháp lý họăc thủ tục các địa phương đối với đoàn, thầy là người đứng mũi chịu sào. Cũng thế, đoàn ra làm lễ tại Đại Tòng Lâm, sư bà chùa Kiều Đàm mời sư ông quá bộ dùng cơm, cách đó vài trăm mét, thế mà địa phương không cho, vì không có trong chương trình, đòi lập biên bản xử lý vi phạm luật pháp VN, có lẽ địa phương sợ trách nhiệm nếu có sự cố.( Ở SG thì chính quyền vẫn du di cho sư ông lên Bảo Lộc thăm Bát Nhã và Phương Bối vào năm 2005 mà không có trong chương trình). thầy Pháp Ấn cũng là người bị hạch sách mỗi khi nhà nước và đoàn không thống nhất với nhau vấn đề nào đó, và thầy cũng bị đoàn trách nhẹ mỗi khi có lệch lạc trong chương trình, chẳng hạn chuyến Khất thực cổ Phật tại Huế, vì sợ quá nắng, nên đổi lại 6 giờ sáng, sớm hơn ấn định 2 tiếng, báo đài và phật tử bị hố nên không tham gia được.Thầy nói: Trong các nơi hoằng pháp trên thế giới, VN là điểm có nhiều áp lực nặng nề và mỏi mệt nhất ( Chính quyền quá ư nguyên tắc, phần lớn nội bộ PG lạnh lùng, các sư PGTN chống đối xuyên tạc).
Thật ra trong việc thiết lập Đại Đàn chẩn tế, sư ông dự tính tổ chức tại chùa Pháp Vân SG, chùa Từ Hiếu, Huế, chùa Bồ Đề hoặc Đình Quán, Hà Nội, có tính cách nội bộ làng Mai, nhưng không hiểu thế nào, GHPGVN năn nỉ xin được hợp tác, làng Mai nghĩ rằng như thế cũng tốt. Do đó, ba bên, làng Mai, nhà nước và GHPGVN thống nhất các địa điểm hiện nay. Ai cũng biết Đại đàn Vĩnh Nghiêm xứng Đáng với tầm vóc quốc gia và là đại đàn đầu tiên sau nhiều thế kỷ, Thành Hội và TT Lệ Trang đã gánh vác hết 70% công việc cho đoàn, kinh phí hoàn toàn do TT Lệ Trang đài thọ, nhưng khi thiết lập chẩn đàn tại Huế, kinh phí toàn bộ làng Mai gánh vác, trang trí, quét dọn cũng do làng Mai, anh em tiếp hiện và phật tử theo đoàn đảm trách, nhưng Ban kinh sư Huế do HT Thanh Liêm thực hiện rất chu tất. Đến khi ra Hà Nội, điểm quy định ban đầu là Học Viện PG Sóc Sơn, nhưng chả hiểu thế nào, giờ chót dời qua chùa Non ở núi cách Học Viện 500m trên độ cao hơn trăm thước, đi bộ rất vất vả, thiếu nước tiêu dùng, phòng ốc vệ sinh cho hàng ngàn người trong ba ngày không có. Bên Học viện năm dãy lầu 3 tầng có thể chứa hàng ngàn người, nhưng hiện tại chỉ có bốn trăm học viên, thế mà không cho mượn mặt bằng làm đàn, không có phòng cho Tăng đoàn tạm trú, không có một phòng dành cho Thiền sư Nhất Hạnh qua đêm. Ngay tại chùa Non cũng thế, dãy nhà của Ban quản lý dự án xây dựng Học Viện đóng cửa, cũng không cho mượn.Mấy thầy làng Mai lao động cật lực để trần thiết đàn tràng mà không hề có Tăng ni sinh hay phật tử phụ lực, một số anh em tác viên theo đoàn cũng không lên Sóc Sơn phụ giúp được, vì không có chỗ lưu trú. Mấy thầy làm việc phải mướn phòng trọ cách đó ba cây số để tối về ngã lưng. Tiền trạm của đoàn tại sao phải chấp nhận sự o ép như thế, và THPG Hà Nội cũng như trung ương GH nghĩ gì khi chẩn đàn cầu nguyện cho quốc dân , từ đầu xin tham gia mà giờ đây phủi tay tọa thị??? phải chăng đó là tinh thần tu sĩ PGVN hiện nay?

Thật khó hiểu nếu bảo rằng nhà nước VN hạn chế tự do tôn giáo, thì tại sao lại đúc pho tượng Bổn sư bằng đồng cao 6m5 nặng 30 tấn, đây là Đại Phật tượng đúc liền khối, lớn nhất Đông Nam Á, bảo rằng chủ yếu làm nơi du lịch để thu lợi thì cần gì phải đúc pho tượng quý giá như thế!
Chùa Non Nước còn gọi Sóc Thiên Vương Thiền Tự, trên dỉnh núi, được bao quanh dãy núi, thuộc xã Phù Linh, hyện Sóc Sơn, cách Hà Nội độ 50km. Thiền sư đầu tiên trụ trì là Ngài Ngô Chân Lưu(933-1011). Năm 971 Đinh Tiên Hoàng phong ngài là Khuông Việt Đại sư, và là Quốc sư, Tăng thống đầu tiên thời phong kiến VN, Ngài cùng Vạn Hạnh Thiền sư phù trợ Lý Công Uẩn lên ngôi, mở đầu thời kỳ hưng thịnh nhất của đất nước.Cuối đời Lý, chùa nầy xuất hiện hai vị cao Tăng xuất chúng là Trường Nguyên ( 1110-1165) và Nguyện Học(? – 1181) cả ba vị đều thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông, là tiền thân của dòng thiền Trúc Lâm VN.
Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất VN mang đậm sắc thái văn hoá VN và PGVN. Khi phát hiện qua thời gian hơn ngàn năm bỏ quên, nhà nươc đã tu tạo và đúc pho tượng trên đây. Được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. NHà nước cũng đã xây một bức thánh tượng Lý Thái Tổ và tái tạo nhiều cơ sở văn hoá tôn giáo,.

Tại sao với một Đại đàn Chẩn tế cầu siêu các vong linh và cầu an cho đất nước tại Thủ đô như thế mà không đuợc nhà nước quan tâm tác động với Thành hội PG HN chọn một vị trí thuận lợi? Phải chăng tu sĩ PGVN phần lớn có tính vô trách nhiệm và ngấm ngầm một thành kiến? Xét cho cùng, không hẳn đã thế. Tại sao chuyến về lần đầu, sư ông được đón tiếp, tuy không rầm rộ nhưng bằng nhiều ưu ái của mọi giới, từ GHPGVN đến Tăng đoàn Thừa Thiên, đã có Bố Tát chung tại Linh Quang. HT Thái Hoà đon đả nhiệt tình, thế mà giờ đây, tất cả quay mặt, lòng lạnh như tiền, còn gặp phải chống đối; Tất cả bắt nguồn từ sự hiểu lầm.Sư ông chỉ hướng đến thượng tầng kiến trúc lãnh đạo PG mà quên rằng các thành tố hạ tầng vẫn quan trọng, sư ông không để thời gian tiếp xúc mọi thành phần PG để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ bằng một cuộc “trà dư tửu hậu” như tình thầy trò huynh đệ. Bằng vài khóa tu, dăm buổi pháp thoại, vài cuộc thiền hành và những bài hát ru lòng vẫn chưa đủ thấm đậm làm tan rã khối băng thành kiến mặc cảm, và từ pháp toà của sư ông đến chỗ đứng của tu sĩ VN còn một khoảng cách nhất định. Làm sao tu sĩ VN hiểu được sư ông khi mà sư về phòng riêng, xa cách mọi người sau những thời pháp thoại? người VN không thể cảm thông nhau giữa thầy giáo trên bục giảng và học trò ngồi lắng nghe, nếu sau đó không gặp nhau trên bàn nước tiệc trà thân mật. Người phương Tây chỉ cần nhắm mắt nghe nội dung lời thầy trao truyền trên giảng đường mà không cần đến sự thân cận của bản thân thầy giảng. Người VN cần tình cảm mang tính huyết thống gia tộc hơn những lời giáo đầu.Các thầy tiền tạm , tuy là người Việt, nhưng ảnh hưởng phong cách làm việc Tây phương, chưa tạo cảm thông, nếu không nói là buồn lòng các đối tác PGVN vốn là một dân tộc nặng tình hơn lý. Còn lắm hiểu lầm nhau để việc làm của làng Mai năm 2007 gặp nhiều trở ngại. Làng Mai phải xét lại chứ không chỉ phía PGVN. Tuy việc làm của làng Mai là một thiện ý giúp đất nước và PGVN có một sắc thái mới, nhưng làng Mai chưa chứng tỏ cho mọi người thấy cái chính nghĩa của mình, đừng mong mọi người phải hiểu mình mà mình hãy tiên phong đem đến Hiểu và Thương cho họ trước đã.
Nhà nước VN không cần một làng Mai để làm sáng tỏ tự do tôn giáo và tín ngưỡng như nhiều người lên án. Ở góc độ thành kiến, họ quy kết làng Mai trang điểm cho chế độ, tay sai cho CSVN, Biệt kích văn hoá, Trí vận…nhưng làng Mai cũng không dễ dàng thuận lợi cho mọi hoạt động quen thói phương Tây. Người Việt chúng ta chưa ngồi lại với nhau để vực dậy đất nước bởi chưa cảm thông, còn nhiều hiểu lầm.
Phía nhà nước làm việc theo nguyên tắc đã ký kết; PGVN còn mặc cảm giữa người trong nước và uy thế đoàn nước ngoài; Làng Mai làm việc tạo cho người trong nước có cảm giác bị áp đặt. Các tu sĩ mong sư ông có tiếng nói mời mọc hơn là họ tự động đến với sư ông như đến với người có địa vị. Cái chung của làng Mai, nhà nước VN và toàn bộ PGVN là tình tự dân tộc, ai cũng có tình cảm sâu đậm hơn là bản chất của kẻ khủng bố ôm bom tự sát.

Đáng ra năm 2005 sư ông đã thống lãnh mọi thành phần PGVN, nhưng cơ hội vuột khỏi tầm tay, phần lớn là các giáo thọ thiếu tinh tế khi giải quyết vụ Từ Hiếu, Diệu Nghiêm bằng tình cảm và đồng cảm, đó là đốm lửa lan nhanh khi tu sĩ trẻ chưa hiểu nhiều về làng Mai. Và một số vấn đề khác.

Còn rất nhiều điều nhạy cảm mà làng Mai cần lắng nghe và PG trong nước cần bộc bạch. Sau chuyến đi VN của làng Mai, những nhận định, góp ý lấp bớt khoảng cách đó, sẽ đến với độc giả. Còn hiện tại, Đại đàn chẩn tế đang được HT Thanh Nhiễu, trụ trì Trấn Quốc chăm sóc, một nam cư sĩ Nam Định, tên Tâm,37 tuổi chỉ đạo trần thiết, Ban kinh sư là ai, đủ kinh nghiệm lễ tế truyền thống mà hơn 30 năm dưới thể chế XHCN miền Bắc đã xoá sạch? tất cả đang chơi vơi trên vực thẳm như cái vực thẳm của chẩn Đàn đang thiết lập trên một diện tích không đủ chỗ cho Tăng thân tham dự, làm sao có chỗ cho Phật tử, và có lẽ cũng không có Phật tử bao nhiêu khi vị trí hành lễ quá xa TP, trên núi cao và dốc, xa cách dân cư như các trại tôi từng đi cải tạo.

Còn ba tuần nữa là hoàn tất chuyến di nhiều phiền muộn nhưng đầy thiện ý của làng Mai. Những người ở lại, một số ít hành trì pháp thở và cười cảm nhận cười và thở một mình giữa cuộc sống lao xao hộc tốc, một phần lớn bộ phận PG vẫn quay cuồn trong cơn lốc vong thân chưa tìm được lối thoát tâm linh cho chính mình. Một bộ phận ưu tư cho tiền đồ PG đang tuột dốc, chưa tìm được mấu chốt đi ra; những vị từng làm mưa làm gió trong guồng máy PG trứơc 1975, giờ vẫn an thân thủ phận; những vị im hơi bặt tiếng trước 1975, giờ tung hô đá đảo cuồng nhiệt đảo điên. Quần chúng Phật tử không biết phương mô mà hướng, không biết đâu là minh sư để trụ. Tội nghiệp cho quần chúng đánh mất niềm tin, tội nghiệp cho dân tộc vẫn còn lắm đói no từng bữa, vì mình chưa biết thương mình, mình vẫn còn làm khổ cho nhau theo từng cơn co giật của tâm vô thường. Tăng đoàn tiếp tục du phương như Hồng Hạc nhẹ cánh rời khỏi quê cha đất tổ với nổi lòng…

Ôi, một VN tôi, một đạo Phật tôi trong cái tôi của mọi người như chưa hề quen nhau, hiểu nhau và thương nhau!



MINH MẪN
17/4/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét