Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

TRĂNG MÙA TÂY NGUYÊN


Trời về khuya, rừng núi Tây nguyên phả từng hơi thở mát lạnh; Những ngày trước, mưa còn thấm đẫm lòng đất đỏ nhão nhoẹt, thế mà đêm rằm, bầu trời quang đãng không một gợn mây. Một bầu cẩm thạch xanh đen làm nền cho cung Hằng tròn vánh sáng dịu, tạo vẻ u huyền cho rừng núi Tây nguyên.

Hai mẫu đất dọc ven lộ của rừng nguyên sinh, thuộc xã Dakmar, huyện Dakha, chùa Tháp Kỳ Quang tuy hơn một năm xây dựng, cũng đã nổ lực tạo nhiều sân chơi cho tuổi trẻ địa phương, và tương trợ cho con em sắc tộc trong bản làng; Trung Thu về với Kon Tum, hai mẫu đất đó không đủ dung chứa trên ba ngàn người tham dự hội trăng rằm. Củi rừng cũng không đủ thắp sáng một góc sân cho cuộc chơi đêm. Chiếc sân khấu 20m vuông đủ cho các em Gia Đình áo Lam và học sinh cấp hai trình diễn vũ điệu Trung Thu một cách nhuần nhuyển. Tháp tùng lên Tây Nguyên có cả một số nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, như Công ty cổ phần truyền thông và tổ chức biểu diễn: Tân Gia Bảo của nghệ sĩ Tống Thanh Tùng; màn biểu diễn xuất sắc nhất là bé Châu, thần đồng ca nhạc từng nổi tiếng trong và ngoài nước từ lúc lên ba. Bé Châu năm nay 12 tuổi, cái tuổi hồn nhiên trong trắng đã sớm diễn xuất nhạc tình lãng mạng với chủ đề Tình Phai, và hợp ca với ĐĐ Nguyên An. Điều mà làm cho khán giả quan tâm là các động tác nhún nhảy thật điêu luyện của bé trùng khớp với âm điệu nhạc nền. cũng trong đêm đó, bé Châu được huyện Dakha mời trình diễn tại hội trăng rằm của huyện cách đó 5km.

Các phần quà mang từ TP HCM lên phân phối cho đồng bào hiện diện, kể cả GĐPT và HS cấp hai đến tham dự trong đêm. Tuy lượng người quá đông, nhưng cuối cùng quý thầy cũng giải quyết được những phần quà đến tay từng người. Chương trình văn nghệ quần chúng cũng như lửa trại, ĐĐ Nguyên An, ĐĐ Minh Khương khơi dậy không khí sinh động ấm nóng giữa cái lạnh của núi rừng; -tuổi trẻ cứ như rực lửa.

Ngày hôm sau là khóa tu một ngày cho các vị lớn tuổi. Tuy thầy Minh Khương áp dụng lối sinh hoạt cho tuổi trẻ, thế mà các vị cao niên cũng cảm thấy phấn khởi mà hầu hết các khóa tu khác cứ như trần lắng mệt mỏi. Tăng Ni sinh trong Ban Hoằng Pháp Sinh Viên Thiện Nguyện góp phần không nhỏ cho những sinh hoạt Phật giáo gần đây, tuy hoạt động đơn điệu, nhưng với nhiệt tâm tuổi trẻ, số sinh viên Vạn Hạnh đó đã giúp một số địa phương lấy lại sinh khí và tươi trẻ hóa cửa chùa như Tây Nguyên hiện nay;

Cộng đồng sắc tộc nằm sâu trong các buôn làng, trẻ em đến trường trong áo quần nhếch nhác, Trung Thu cũng đem đến cho các em những bộ đồ mới , bánh kẹo mà chùa Kỳ Quang mang từ TP HCM lên. Các em rất trật tự và ngoan, vì thế không sót em nào khi các phần quà trao đến, môt số phụ huynh các em sắc tộc cũng được hưởng quà Trung Thu một cách sung sướng, hoan hỷ; Người dân TP chứng kiến tận mắt cuộc sống nghèo khó của đồng bào sắc tộc. Chính quyền địa phuơng cố tìm lối ra, nhưng vẫn chưa có phương án khả dĩ khi mà định cư cho các sắc tộc vốn dĩ du canh du cư trước kia. Chùa Tháp Kỳ Quang do ĐĐ Quang Hạnh điều hành, dự định tạo việc làm bằng thủ công cho họ. Một năm trước, cơn lũ bão hung tàn cuốn phăng tài sản và sinh mạng đồng bào, có những làng bị xóa vết qua cơn đất chuồi, ruộng vườn xơ xác, thế mà giờ đây, sức sống nhanh hồi sinh trên màu xanh của cây lá, và trẻ em cũng đều đặn đến trường. Nhà nước có chính sách ưu đãi sắc tộc nên các em không phải đóng học phí như người kinh. Thế nhưng, có nơi, phải vận động khuyến khích phụ huynh cho con em đi học; cô thầy đến từng nhà mua quà bánh để dụ dỗ các em.

Ba ngàn phần quà đem lên Kontum thì buôn làng đã hơn một ngàn bánh kẹo , chưa nói đến áo quần mới cho trẻ em; Tuy phần quà không là bao, nhưng đem lại niềm vui cho tuổi trẻ nhân mùa Trung Thu truyền thống; Tuy đất nước còn nghèo, dẫu sao các em vẫn còn hưởng được mùa Trăng thanh bình trong khi đó còn bao trẻ em trên thế giới, những quốc gia lâm chiến, chui trốn dưới đạn bom, không nhìn được ánh sáng của Thiên nhiên, làm sao có quà trao tận tay để trẻ em vui lớn theo tuổi hồn nhiên mà tất cả đều có quyền được hưởng;

Khắp nơi, nhà chùa trở thành điểm sinh hoạt, không những tín ngưỡng tôn giáo mà còn là sinh hoạt văn hóa cộng đồng như chùa tháp Kỳ Quang ở Dakha hiện nay; Phải chăng, Phật giáo đang trở lại thời kỳ hòa nhập với xã hội như Lý Trần mà qua thời gian dài do chinh chiến, do ngoại thuộc mà Phật giáo đã co cụm trong bốn vách chùa?

Xã hội hóa là nét đẹp văn hóa của Phật giáo, vì thế gian pháp tức là Phật pháp! Do đó, Phật Đản, Vu Lan, Trung Thu, Tết nhất, quần chúng đã chọn chùa là điểm gửi gấm niềm vui sau những tháng ngày mỏi mệt với cuộc sống hiện nay!

MINH MẪN
23/9/2010