Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

TÂM SỞ: TÀM-QUÝ

TÀM-QUÝ là hai tâm sở thiện trong "Đại Thiện Địa Pháp" của Nhất Thiết Hữu Bộ thuộc Pháp tướng Tông, gọi chung là: HỔ THẸN. Luận Câu Xá quyển 4 nêu ra 2 cách giải thích về Tàm và Quý như sau:

Cách thứ nhất: Tàm là lòng tôn kính các công đức và người có đức, Quý là lòng sợ tội lỗi.

Cách thứ hai: Tàm là khi mình phạm tội mặc dù không có ai biết nhưng tự cảm thấy hổ thẹn, còn Quý là khi mình tạo tội mọi người đều biết mà mình xấu hổ.

(Phật Quang Đại Từ Điển tập 4)
KINH TRUNG A HÀM

5. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG

45. KINH TÀM QUÝ  

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu có Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu không có ái và kỉnh thì làm tổn hại tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm chánh trí. Nếu không có chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Nếu Tỳ-kheo nào biết hổ thẹn thì có ái và kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu giải thoát thì liền được Niết-bàn.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. 

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tàm quý,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.259)

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có hai diệu pháp ủng hộ thế gian. Thế nào là hai? Nghĩa là có tàm, có quý. Này các Tỳ-kheo, nếu không có hai pháp này, thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có em, có vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ sẽ cùng lục súc heo, gà, chó, trâu, dê v.v... đồng một loại. Do thế gian có hai pháp này ủng hộ, nên thế gian ắt phân biệt có cha, có mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ, cũng không đồng với lục súc. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tập có tàm, có quý. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

HT T.Trí Quảng cũng đã nói:

Hạnh TÀM QUÝ là thiện tâm sở rất quan trọng; vì không có hạnh này, người ta dễ tạo tội lỗi và đi vào thế giới ác ma. Cảm thấy xấu hổ khi người xem thường mình, cảm thấy xấu hổ khi được người kính trọng, nhưng thực sự mình không đáng kính trọng. Biết xấu hổ thì tiến tu được. Dẹp được tâm vô tàm vô quý, trí tuệ chúng ta sáng lần, thấy được việc chính xác hơn; với tâm trung thực, chúng ta mới nhận ra sai lầm của mình trước kia.

Theo tu viện Chơn Như: TÀM QUÝ

Tàm là mắc cỡ, xấu hổ trước mặt mọi người về một việc làm sai trái của mình.
Quý là tự mình cảm thấy xấu hổ về việc làm sai trái của mình mặc dù không có ai thấy, hay biết.

Người muốn giữ gìn giới luật mà không biết xấu hổ thì không bao giờ giữ gìn giới luật được. Cũng như người muốn tu thiện pháp mà không biết xấu hổ thì không bao giờ tu thiện pháp được.
Người muốn giữ gìn đức hạnh làm người, làm Thánh mà không biết xấu hổ thì chẳng bao giờ giữ gìn đức hạnh được. 
Người muốn tu hành giải thoát mà không biết xấu hổ thì không bao giờ có giải thoát được.

                    *****
                                
Qua kinh điển và lời giáo huấn của chư Tôn túc, Tàm-Quý là căn bản trong 11 thiện tâm sở, giúp cho "con" có giá trị làm người. Một người làm sai không biết hổ thẹn, hối lỗi thì người chỉ có giá trị của bản chất "con" như  bao con động vật khác.

Bậc cao đức do từ Tàm-Quý mà đã trở thành khiêm hạ trước mọi đối tượng. Có vị tu sĩ tuổi đã cao, thế mà nói chuyện với bất cứ ai cũng tự xưng mình là con. Họ không bao giờ dám xưng thầy đối với ai cho dù đức độ của họ đáng là bậc thầy. Ngược lại, người thiếu tính Tàm Quý thì thường xưng thầy trước mọi đối tượng, cho dù đối tượng đó đáng tuổi cha mẹ ông bà.

Thế gian vì thiếu tính Tàm - Quý mà không phân biệt đúng sai phải quấy đã đành; tôn giáo, một tu sĩ không có Tàm-Quý thì không còn nhân cách một tu sĩ. Cho dù đứng trước hàng vạn người thao thao bất tuyệt mà không biết Tàm-Quý có nghĩa là không biết xấu hổ việc sai phạm mình vừa làm thì có nghĩa biết rất nhiều, biết đủ thứ mà không biết xấu hổ, xem như không đủ nhân cách để làm thầy thiên hạ.

Đối nghĩa của Tàm-Quý là vô tàm, vô quý, là bất thiện tâm sở, một trong những chướng ngại lớn trên con đường tiến hóa tâm linh. Một khi  đã vô tàm vô quý thì sẽ không đủ trí tuệ phân biệt đúng sai, kiến thủ, chấp thủ. Cho dù kinh điển hay các bậc cao minh xác định điều đó là sai, nhưng vì vô tàm vô quý, cứ khư khư cố chấp nên đi xa chánh pháp, xa chính lý để tự mình chấp nhận con đường đi xuống; chẳng những thế còn đanh mất "ái" "kính". Ái kính không có thì "tín" cũng không có, dẫn đến không có chánh tư duy, đánh mất chánh niệm chánh định... lạc vào tà kiến, dẫn dắt đồ chúng sa vào ngụy tín.

Theo định nghĩa của Đại Tự điển Phật Quang, người biếtTàm là người có lòng tôn kính các công đức và người có đức, nghĩa là người biết khiêm hạ và biết lắng nghe, không xem sự hiểu biết của mình là vượt trội mọi người, thậm chí xem kinh điển là lỗi thời hạn hẹp... Tự mình lập thành học thuyết tà mị vì chối bỏ kinh điển cổ nhân. Người vô Tàm là người cao ngạo, không bao giờ biết tiến thủ. Còn Quý là lòng sợ tội lỗi. Vì không biết Quý nên không tội lỗi nào mà không dám làm. Có thể làm tội lỗi không ai biết nhưng người có lương tâm phải biết ăn năn sợ tội, vì không biết ăn năn sợ tội nên tiếp tục sa vào hành động sái quấy, chỉ che mắt được mọi người nhưng lương tâm không thể không cảm thấy sợ sệt, nếu phạm lỗi mà không biết sợ sệt thì thuộc dạng không còn thuốc chữa, thuộc loại nhất xiểng đề.

Tóm lại, TÀM-QUÝ là một trong 11 thiện tâm sở, là căn bản bước đầu cho việc tu tập của người con Phật đúng nghĩa. Sau khi Phật thành đạo triệt phá được ma quân nội tâm, dẫn dắt đệ tử tiếp tục hành trình chuyển hóa nghiệp chướng, khai mở tuệ giác, Ma vương bất lực, tuyên thệ trước mặt đức Thế tôn: 

Ta không phá được ngươi, ta thề sẽ phá đệ tử người sau khi người nhập diệt. Ăn cơm Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, trụ xứ Như Lai để hủy pháp Như Lai, đó là hiện tượng ngày nay đã xuất hiện khắp nơi mà trang mạng chỉ là một phát hiện nhỏ giữa cuộc sống bộn bề. Ma quân cũng như ma vương làm gì có Tàm-Quý!!!


MINH MẪN
27/11/2015


BÀI HỌC "ĐỂ QUÊN LẠI".....

- Bản dịch của Ks. Thái Vũ

Inline image 1

Người con trai đưa cha già vào nhà hàng ăn tối. Người cha già nua yếu ớt khi ăn cứ làm rơi vãi đồ ăn lên quần áo.

Khách các bàn ăn chung quanh ai cũng liếc nhìn ông ta không dấu vẻ ghê tởm, nhưng chàng trai vẫn điềm tĩnh như bình thường.

Ăn xong, anh con trai không một chút lúng túng, lặng lẽ đưa cha mình vào phòng vệ sinh, lau sạch các mẩu đồ ăn, các vết dơ, chải lại mái tóc bạc cho cha, sửa lại cặp kính lão cho ngay ngắn trên sống mũi cha.

Khi họ trở ra, cả nhà hàng im phăng phắc nhìn hai cha con họ. Không hiểu sao lại có người có thể làm cho tất cả mọi người đều ngượng nghịu chung như thế.

Người con trai trả tiền bữa ăn xong, rồi dìu cha ra về.
Lúc ấy, một người đàn ông lớn tuổi trong số các thực khách buột miệng gọi với theo người con, ông ta hỏi: 
- Anh bạn trẻ này, anh có nghĩ là anh để quên cái gì đó ở đây không vậy?

Chàng trai liếc nhanh chỗ ngồi ban nãy rồi trả lời: 
- Không, thưa ông, cháu đâu có để quên gì ở đây ạ!”

Người đàn ông nhẹ nhàng bảo: 
- CÓ, ANH CÓ QUÊN. ANH ĐÃ ĐỂ QUÊN LẠI NƠI ĐÂY MỘT BÀI HỌC CHO TẤT CẢ NHỮNG AI LÀM CON, VÀ ĐỂ QUÊN LẠI NIỀM HY VỌNG CHO TẤT CẢ NHỮNG AI LÀM CHA.

Nhà hàng chìm vào yên lặng...

LỜI KHUYÊN ĐỂ CÓ 1 CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC

Đây là những lời khuyên của các tu sĩ Tây Tạng để có một cuộc sống hạnh phúc, nhưng không phải lời khuyên nào cũng thích hợp với bạn. Dù vậy bạn cũng nên đọc và suy ngẫm.

1. Hãy luôn ghi nhớ rằng tình yêu và thành công luôn bao gồm cả rủi ro.

2. Khi bạn trắng tay, cái bạn còn lại là những bài học.

3. Hãy luôn tuân thủ nguyên tắc 3T:

Tôn trọng chính bản thân mình, tôn trọng người khác, và chịu trách nhiệm về tất cả những gì bạn đã làm.

4. Không đạt được những điều mình muốn có khi cũng là một điều may.

5. Hãy nghiên cứu những quy tắc để biết cách phá vỡ chúng một cách hợp lệ.

6. Đừng để bất đồng nhỏ làm tổn thương mối quan hệ lớn.

7. Khi bạn nhận ra bạn đã phạm phải sai lầm, hãy sửa chữa ngay.

8. Hàng ngày, hãy dành một ít thời gian ngồi một mình.

9. Hãy dang rộng vòng tay để đón nhận những giá trị mới, nhưng đừng làm mất đi giá trị của bạn.

10. Im lặng đôi khi là cách trả lời hay nhất.

11. Hãy sống một cuộc đời tử tế đáng kính. Để mai này, khi bạn già nua ngồi nhìn lại, bạn sẽ có cơ hội được tận hưởng cuộc đời thêm một lần nữa.

12. Bầu không khí chan hòa tình yêu thương trong gia đình bạn là nền tảng tốt nhất cho cuộc đời bạn.

13. Khi tranh cãi với những người bạn yêu thương, chỉ đề cập đến chuyện đang xảy ra. Đừng bao giờ bới lại chuyện cũ.

14. Hãy chia sẻ kiến thức của bạn. Đó là cách để bạn sống mãi trong lòng những người khác.

15. Mối quan hệ tốt nhất mà bạn có được là mối quan hệ mà trong đó, tình yêu thương dành cho nhau nhiều hơn gấp mấy lần sự cần thiết có nhau.

Sưu Tầm

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

KHOẢNG TRỐNG

 - Nguyễn Duy Nhiên

khoangtrongChúng ta thường nghĩ rằng một người thành công, hay là một người có ích cho đời là một người rất bận rộn. Người ta hay nói thì giờ là vàng bạc, vì vậy lúc nào ta cũng phải biết tận dụng thi giờ của mình, không được hoang phí. Nhưng có một nhà văn Trung Hoa, ông Lâm Ngữ Đường, nói rằng, “Thì giờ có ích lợi nhất khi nó không bị bắt dùng cho một việc gì hết. Thì giờ cũng được ví như khoảng trống trong một căn phòng.” Khoảng trống ấy đâu có sử dụng cho việc gì đâu, nhưng nó rất là cần thiết.
Cũng như trong nghệ thuật cắm hoa. Một yếu tố quan trọng trong sự cắm hoa là khoảng không gian chung quanh những nhánh hoa, những cành lá. Chứ không phải hễ càng cắm cho nhiều hoa, chen chúc với nhau, là đẹp. Nhìn vào ta phải thấy nhẹ mát, phải cảm nhận được một không gian thênh thang.
Ta có thể ví dụ cuộc sống như là một bài nhạc. Trong một bài nhạc bao giờ cũng có những khoảng cách giữa hai nốt nhạc với nhau. Thiếu những khoảng trống ấy, thì bản nhạc không thể là một bản nhạc, nó chỉ là một âm thanh kéo dài vô nghĩa mà thôi.
Một nhạc sĩ dương cầm tài danh, Artur Schnabel, chia sẻ về nghệ thuật chơi đàn của ông như sau, “Tôi không nghĩ là mình chơi đàn hay hơn bất cứ một nhạc sĩ nào khác, những nốt nhạc trong một bài nhạc đều giống y như nhau, chúng cũng chỉ có vậy thôi. Nhưng tôi biết cách sử dụng những khoảng cách giữa hai nốt nhạc. Mà nghệ thuật nằm ở những chỗ nghỉ đó. Chúng làm cho bản nhạc hay hơn.”
Trong cuộc sống mình cũng vậy, bạn hãy làm cho nó được tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, trong sáng hơn, bằng cách chú ý và trân quý đến những khoảng trống, những notes nghỉ trong đời mình. Và bạn biết không, nghệ thuật sống của chúng ta nằm ở nơi những khoảng trống đó.

LÀM SAO ĐO ĐƯỢC CUỘC ĐỜI

Tối hôm kia, tôi có đến trường xem buổi trình diễn Khánh Như hát chung với các bạn trong lớp. Khánh Như bây giờ đã lớn, vài năm nữa là đã lên đại học rồi! Tưởng chừng như mới hôm qua đây mỗi ngày tôi vẫn còn đưa nó đến lớp mẫu giáo.
Nhớ một sáng nào, ngày đầu tiên chở nó đến trường, ẵm vào trao cho cô giáo, lên xe đến sở mà lòng tôi cứ lo không biết ngày đầu đi học sẽ ra sao. Rồi mỗi trưa chúng tôi thường chạy đến trường, đứng ngoài xa xa để lén xem KN thế nào. Lúc ấy, nó mặc chiếc áo đỏ đứng bơ vơ một mình ở một góc sân, quan sát những đứa trẻ khác chạy giỡn với nhau. Giờ này mà bước đến bên nó, thấy chúng tôi chắc KN sẽ mừng vui biết đến chừng nào. Nhưng đứng nhìn một hồi lâu đến giờ chúng vào lớp, chúng tôi cũng trở về lại sở làm thôi. Ngôi trường mẫu giáo cũ kỹ ngày nào giờ đây đã bán cho người khác, họ phá xuống và xây lại thành những căn nhà mới và to hơn.
    Bây giờ, tôi ngồi đây xem Khánh Như cùng với đám bạn bè trung học đứng trên sân khấu hát. Đêm nay là lần trình diễn cuối năm của lớp nên cũng có khá đông phụ huynh đến tham dự. Vài tháng trước, trường cũng có một buổi trình diễn nhạc tương tự. Lần ấy, lớp nó có hát một bài hợp ca khá đặc biệt. Cô giáo lên giới thiệu rằng bài hát này được sáng tác từ một câu kinh Phật giáo, “Gate Gate Paragate Parasamgate Bodhi Svaha.” Cả lớp trình diễn theo một hình thức mới lạ vui tươi, có chen vào những nhịp vỗ tay, dậm chân cùng tiếng hallelujah. Tôi vui khi thấy đạo Phật cũng đã bắt đầu từ từ đi vào đại chúng và giới trẻ Tây phương bằng nhiều phương tiện khác nhau. Xong buổi trình diễn ấy, Khánh Như gặp tôi cười nói, “Con biết hôm nay Ba thích nhất bài hát nào!”
Làm sao đo được cuộc đời?
Nhưng thật ra nó đâu biết rằng tối nay tôi thích nhất bài nào! Buổi trình diễn cuối năm được kết thúc với bài “Seasons of Love” trong vở nhạc kịch Rent. Bài hát ấy có những lời như sau:
Năm trăm hai-mươi-lăm ngàn sáu trăm phút
Năm trăm hai-mươi-lăm ngàn sáu trăm thời gian yêu dấu
Làm sao ta đo lường được một năm?
Bằng nắng sớm - bằng hoàng hôn
Bằng đêm khuya - bằng những tách cà phê
Bằng tiếng cười - bằng tiếng khóc
Bằng thước tấc - bằng dặm đường
Năm trăm hai-mươi-lăm ngàn sáu trăm phút
Năm trăm hai-mươi-lăm ngàn sáu trăm dự định trong cuộc đời
Làm sao ta đo lường được một năm của đời mình?
Làm sao ta đo được một cuộc đời của anh hay chị?
Bằng những sự thật mà anh đã học được
Hay bằng những lần chị đã khóc
Bằng những chiếc cầu anh đã đốt đi
Hay bằng cách mà chị đã qua đời
Năm trăm hai-mươi-lăm ngàn sáu trăm phút
Làm sao ta đo được một năm của đời mình?
Tình thương thì sao!
Hãy nhớ đến tình thương
Chia sẻ tình thương, san sẻ tình thương, ban rải tình thương
Hãy đo lường cuộc đời mình bằng những tình thương...
“Hãy đo lường cuộc đời mình bằng những tình thương”. Tôi nghĩ, những người có tình thương lớn có thể là những người đôi khi rất ngây thơ, khờ dại khi phải tiếp xúc với những bon chen, ganh tỵ của cuộc đời. Nhưng cuộc đời của họ sẽ mang lại niềm tin cho người khác, giúp cho cuộc sống chung quanh tươi đẹp hơn, bầu trời xanh hơn, dòng nước trong hơn, và con người lại gần nhau hơn. Họ không đo lường cuộc đời mình bằng những thăng trầm, mất còn, hơn thua, hay địa vị cao thấp trong cuộc sống, mà bằng những hạnh phúc họ san sẻ.
    Một tình thương rộng mở phải có một cái nhìn rất lớn và một hiểu biết thật sâu. Bài hát này tôi đã có dịp nghe đâu đó lâu rồi, đơn sơ, nhưng có những lời thật đẹp. Dường như thời gian và những biến đổi trong cuộc đời khiến mỗi lần tình cờ nghe lại, mình lại thấy thấm thía hơn. Hình như càng lớn tuổi, mình lại càng thấy nó hay hơn, sâu sắc hơn. Mà thật vậy, nếu không đo lường cuộc đời mình bằng tình thương thì ta còn biết là gì nữa…
Bớt dục vọng và thêm tình thương
Tôi nhớ có nghe một vị giáo thọ người Hoa kỳ chia sẻ, khi bà ta đi hướng dẫn những khóa tu ở Tây phương, vào mỗi cuối khóa bà hay giảng về phần giới luậtcho các thiền sinh. Vì khi người ta bắt đầu trở về và tiếp tục cuộc sống thường ngày của mình, giới luật là quan trọng. Và thường thì bà trình bày Năm Giới thành lại như là một giới - nguyện nuôi dưỡng tuệ giác và biểu hiện nó ra thành lòng bao dung và tâm từ.  Bà nói, sống với tâm từ là một biểu hiện của một tuệ giác sâu sắc.
    Trong quyển Ánh Đạo Vàng cụ Võ Đình Cường có kể một câu chuyện về đức Phật.
"Có lần trên đường tầm đạo sau khi theo đuổi con đường tu khổ hạnh, một ngày nọ Phật kiệt sức, ngài được một cô thiếu nữ, Tu-xà-đa, đến dâng cho một bát cháo sữa.  Sau khi dùng xong bát cháo sữa ấy, Phật lấy lại sức khoẻ, ngài hỏi cô Tu-xà-đa
    - Hôm nay ta nhờ bát cháo sữa của người mà được mạnh khoẻ như xưa, công ơn ấy ta biết lấy gì đền đáp lại cho người?
Cô Tu-Xà-đa đáp:
    - Thưa ngài! Lòng con là một đoá hoa lan nhỏ bé, chỉ vài giọt sương mai là đủ để tươi thắm rồi. Con không có một mong ước tham cầu nào hết. Con sống không đòi hỏi cũng không từ chối: thản nhiên nhận lấy mọi việc không may xảy đến cho con, không oán trách cũng không trốn tránh.  Nhưng bao giờ con cũng tin chắc rằng những điều xảy đến ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay, vì như con đã thấy, những việc ác sẽ gây hoạ, và những việc thiện sẽ gây phúc. Một hạt giống tốt sẽ mang lại một chuỗi hạt lúa vàng. Luật sống của con chỉ tóm tắt trong hai điều này mà thôi:  bớt dục vọng và thêm tình thương.
Ðức Phật mỉm cười bảo:
    - Những gì người nói rất đích đáng. Sự hiểu biết của người không cần kinh sách. Người đi trúng đường không cần ai chỉ bảo, như con bồ câu bay trúng hướng một cách tự nhiên. Nhưng trong nhân loại, đếm được mấy người hiểu và sống như thế?  Và biết bao người cần phải có kẻ chỉ dẫn! Chính vì thế mà ta đi tìm đạo. Thôi người hãy về đi. Ta chúc người làm tròn phận sự của người. Còn ta, ta sẽ làm tròn phận sự của kẻ đi tìm phương giải thoát cho nhân loại."
Tôi thấy lời chia sẻ của cô Tu-xà-đa rất sâu sắc là: “Luật sống của con chỉ tóm tắt trong hai điều này là bớt dục vọng và thêm tình thương”. Mà tôi nghĩ rằng thật ra hai điều ấy chỉ là một mà thôi, hễ bớt dục vọng thì ta sẽ có thêm tình thương, và ngược lại nếu ta có thêm tình thương thì ta cũng sẽ bớt đi dục vọng. Tình thương đâu có khác gì với tuệ giác phải không bạn?
Measure your life in love
Ở sở tôi làm có một hồ nước mà vào mùa này, những ngày yên gió, trời, lá và nước làm thành một bức tranh thật tĩnh lặng. Mặt hồ phẳng lặng in hình bầu trời xanh cùng mây và lá. Trưa nào tôi cũng ra nơi đây ngồi trên chiếc băng gỗ hoặc đi dạo chơi. Những ngày mát tôi đi dạo quanh hồ, bước lên những chiếc lá thu đủ sắc màu trên con đường nhỏ và nhớ đến bài hát ấy: “Five hundred twenty-five thousand six hundred minutes. Five hundred twenty-five thousand journeys to plan. How do you measure the life of a woman or a man?... How about love? Measure your life in love... Remember a year in the life of friends”.
    Hơn hai ngàn năm trăm năm trước có một người thật sự tin rằng tình thương là năng lượng của sự sống và hạnh phúc. Ngàn năm sau, có những Xuân, Hạ, Thu, Đông... rồi lại Xuân. Vòng xoay vẫn tiếp tục. Cuối mùa thu trời thường có những cơn mưa bất chợt, tôi thấy tình thương là mỗi hạt nuớc mưa rơi xuống làm tươi mát và đẹp thêm cuộc đời này. Trong một ngày mưa, chúng ta thường có dịp ngồi yên nhìn những hạt mưa bay bay bên khung cửa sổ cuộc đời và nghĩ lại quảng đường mình đã đi qua. Và làm sao ta đo lường được cuộc đời của mình bạn hả? Tình thương, và chỉ có thể bằng tình thương, phải không bạn?

PHẦN THƯỞNG CHO LÒNG TỬ TẾ

Vào một đêm muộn đầu xuân, mọi người đều đã ngủ say, có một đôi vợ chồng tuổi đã cao bước vào một khách sạn, đáng buồn thay khách sạn đó đã hết phòng. Nhân viên lễ tân không đành lòng để cho cặp vợ chồng đó lại đi tìm khách sạn, anh ta liền dẫn họ vào một căn phòng:

“Có thể đây không phải là căn phòng tốt nhất nhưng ít nhất hai bác cũng không phải chạy đi tìm phòng nửa đêm nữa”. 

Cặp vợ chồng thấy căn phòng được dọn dẹp sạch sẽ nên quyết định ở lại đó.

Ngày thứ hai, khi họ thanh toán, nhân viên lễ tân đó liền nói: 

“Hai bác không cần thanh toán đâu ạ, vì căn phòng hai bác ở đó là phòng của cháu. Chúc hai bác có một hành trình du lịch vui vẻ ạ!”.

Thì ra, nhân viên lễ tân đó đã ngủ một đêm tại quầy bàn để nhường phòng cho họ. Cặp vợ chồng hết sức cảm động và nói: 

“Chàng trai trẻ à, cậu là nhân viên lễ tân khách sạn tốt nhất mà chúng tôi từng gặp đấy. Cậu nhất định sẽ được đền đáp”. 

Chàng trai liền cười rồi tiễn cặp vợ chồng ra cửa và rồi nhanh chóng quên đi chuyện hôm đó.

Bỗng có một ngày, anh ta nhận được một bức thư, trong đó có một tấm vé đi du lịch New York một mình, chàng trai đi đến một căn biệt thự trang hoàng theo như chỉ dẫn trong thư. 

Thì ra, hai người mà anh ta tiếp đón trong đêm muộn hôm đó chính là một nhà tỷ phú cùng với vợ của ông ấy. Ông ấy đã mua tặng chàng trai một tiệm rượu lớn sau đó giao cho anh quản lý.

Thực ra nhân quả đều do mỗi người nắm giữ, khi chưa xác định được mục tiêu vĩ đại của đời người thì hãy dùng tấm lòng của mình để làm việc gì đó. Mỗi một cá nhân đều là một nhân viên phục vụ, những điều lớn lao đều bắt nguồn từ việc chúng ta phục vụ cho người khác, khả năng một người phục vụ cho người khác lớn bao nhiêu thì kết quả chúng ta có được càng lớn bấy nhiêu.

Sống trong đời cần phải trải nghiệm nhiều. Trên đường đời, chúng ta có thể có tiếng cười sảng khoái, nhưng cũng có thể có cả những giọt nước mắt khổ đau; trên đường đời, có niềm tin từ sự thành công, cũng có thức tỉnh từ sự thất bại, nhưng chúng ta đều phải biết quý trọng.

Sự giàu có của đời người đến từ một trái tim vô tư, không ích kỉ; cái tốt đẹp của cuộc đời đến từ một trái tim giản dị. Trên đường đời không cần điều gì cao quý, chỉ cần làm việc bằng một trái tim chân thực là đủ.

Nếu muốn có được những người bạn tốt, trước tiên bạn phải đối tốt với người khác.

Nếu muốn được vui vẻ, hạnh phúc, trước tiên bạn hãy mang hạnh phúc đến cho người khác, không lâu sau bạn sẽ nhận thấy bản thân càng ngày càng hạnh phúc.

Chúng ta có khả năng làm việc tốt cho bản thân mình mới có khả năng đi làm việc tốt cho người khác. Yêu người, yêu cuộc đời, cho yêu thương, nhận yêu thương và rồi... trưởng thành trong tình yêu thương!

Tâm Ngôn

Trái đất đẹp:

30 nơi đẹp trên thế giới
30 beautiful places in the world
***



#5 Hồ Baikal ở Nga khi đóng băng có màu ngọc lục bảo:

Emerald Ice On Baikal Lake, Russia





















#25 Hồ Chấm Bi (Spotted Lake) ở Canada :

Spotted Lake, Canada

Spotted Lake, Canada