Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

SAU CUỘC CHIẾN


Em nghe gì không em ơi, con chim hót ở trên đầu cành…
Vụ án Bát Nhã đã chìm vào quá khứ, nhưng dư âm và tàn tích vẫn chưa phai nhoà sau gần hai tháng. Thầy trò họ Đồng hả hê thiết tiệc ăn mừng đã giải phóng toàn bộ mặt bằng, thống nhất cơ đồ, nhưng không có quần chúng, nhân sự tu sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay càng làm tăng vẻ cô tịch giữa đồi núi bạt ngàn một tu viện mà trước đó không lâu, từng có hàng trăm tu sĩ thảnh thơi dưới tàng thông, hàng ngàn tín đồ quây quần như trẩy hội.

Khi lãnh sự Mỹ đến viếng,cơ sở vật chất được tô trét phục hồi vội vã, Đức Nghi huy động một số Tăng sĩ các nơi, kể cả những công nhân di dân kinh tế cạo đầu mặc áo vẫn không đủ lấp trống cái không gian mênh mông của Bát Nhã mà gọi là 400 tu sĩ trẻ từng có mặt. Đám đệ tử ngây ngô và những công nhân hái chè thuê của Đức Nghi tin rằng họ thành công vẻ vang như sự thành công giải phóng đất nước, thu hồi độc lập từ tay đế quốc! Nhưng hơn ai hết, sư phụ của họ thấm thía đứng nhìn những hoang tàn sau cuộc chiến, uy tín mất mát, quần chúng tẩy chay, đồng đạo xa lánh, Giáo Hội tuy chưa làm phép Yết ma để cử tội phá hoà hợp Tăng, nhưng tự thân Đức Nghi cũng đã thấy những cơ sở vật chất chiếm đoạt của Làng Mai, giờ đây vô nghĩa và vô dụng, tình thầy trò đã bị màn vô minh ngăn cách; Một số quân sư muốn Đức Nghi làm đơn sám hối để cứu vãng thanh danh cả đôi bên, nhưng không dễ gì thực hiện; Thầy trò họ Đồng chưa biết làm gì với cơ ngơi mênh mông đó, chỉ chờ nhượng lại cho Trung quốc khai quật Bauxite, hợăc hy vọng làm cảnh du lịch vui chơi…

Về mặt chính quyền, đang tìm mọi cách hướng dư luận sang một suy nghĩ khác về thực tế của Bát Nhã, với những phương tiện truyền thông sẵn có, nhưng vẫn chưa có một luận cứ hợp lý, báo đài càng chống chế, càng bộc lộ sự vụng về thô thiển. Nếu sự cố do nội bộ Bát Nhã, nói đúng ra do Đức Nghi không bảo lãnh cho Tăng sinh tu theo pháp môn Làng Mai thì hà cớ nhà nước phải tận dụng cả một hệ thống báo đài rầm rộ đồng loạt đánh vào cá nhân TS Nhất Hạnh mà không đá động gì đến Đức Nghi? Dưới nhãn quan nhà nước Việt Nam, TS Nhất Hạnh có cái sai nào đó mà chưa chứng minh hợp lý để phải có hành động không đáng có như vậy, thì dưới tầm nhìn quốc tế, Việt Nam đã có cái sai không thể phủ nhận đối với hiến pháp và công pháp; Về mặt chính trị, rõ ràng Việt Nam đã non cơ hơn Làng Mai một bước. Mọi người vẫn thắc mắc tại sao TS Nhất Hạnh không hề lên tiếng khi đệ tử bị khủng bố hơn một năm, đến khi bị tan đàn xẻ nghé thì dưới bút danh Nguyễn Lang tha thiết chua chát một cách ngắn gọn gửi cho Nguyễn Minh Triết, gọi những thành phần khủng bố đó không phải là con cháu Cách Mạng! xin kêu cứu, thì thế giới thấy được sự im lặng đáng sợ của Đạo lực và những hành động ấu trĩ của quyền lực, thêm một vết đen cho chính sách Việt Nam đối với tôn giáo. Nói theo kỳ thủ, Làng Mai đã đi những con cờ buộc đối phương lâm vào thế bí khó xử! Bàn cờ tuy đã phân định, nhưng vẫn còn nhùng nhằng chưa dứt khoát , vẫn không sắp lại, cũng không giải tán để ai về nhà nấy. Có như thế mới thấy rằng Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào thì dễ mà không dễ bứng gốc những tu sinh lòng non dạ trẻ xuôi tay cho bạo hành! Để gỡ gạc hầu chứng minh nhà nước khách quan trong vụ án, là xử rõ trắng đen cơ sở vật chất để quy tội Đức Nghi lật lọng chiếm đoạt làm tai tiếng cho chính sách, nhưng Làng Mai có đâm đơn thưa kiện đâu mà xử, đó là một sự khôn ngoan thứ hai. Ngày vào Việt Nam, nhà nước đâu buộc Làng Mai phải chính thức làm đơn xin sinh hoạt theo luật pháp Việt Nam, mà nhà nước đã thông qua con cờ Đức Nghi bảo lãnh một cách ngắn gọn khi mà con cờ Làng Mai đang có giá, trong lúc đó, các tôn giáo có mặt trong nước từ trước 1975, phải làm đúng thủ tục để được xét duyệt chấp nhận sinh hoạt hợp pháp, rất nhiều năm. Đây không phải lỗi Làng Mai mà lỗi nhà nước đã không công bằng trước luật pháp đối với mọi tổ chức tôn giáo, do đó việc cấm đoán hay trục xuất, giải tán, là gậy ông đập lưng ông. Chính những sơ suất hay chủ quan bước đầu đã đưa nhà nước vào chỗ bế tắt.Nhà nước thành công dùng vũ lực giải phóng đất nước, triệt mọi lực lượng yêu nước để nắm thế chủ động trong cuộc chiến là điều dễ hiểu và có thể chấp nhận trong cuộc chơi quyền lực, và có chính nghĩa khi đánh đuổi những người không đồng chủng tộc có mặt trên quê hương, được xem là Đế quốc xâm lược. Tăng sinh Bát Nhã không phải người ngoại quốc, những giáo thọ có quốc tịch ngoại đều bị tống khứ, những tu sĩ non trẻ đó là công dân có quyền ở bất cứ nơi nào trên đất nước mình một cách hợp pháp, và có quyền chọn cho mình một pháp môn tu hợp lý, họ không phải là những lực lượng đe doạ quyền lợi của Đảng và nhà nước,việc giải thể bằng bạo lực như giải tán đế quốc hoàn toàn thất nhân tâm. Tam Toà, Loan Lý, Khâm sứ…có lý do về tài sản công thổ, Bát Nhã hoàn toàn không có một lý cớ để hành xử như vậy. Người trí có lối hành xử của người trí. để di dời một tảng đá lớn, nhiều người lực lưỡng dùng sức một cách khó nhọc, ỳ ạch, nhưng người trí chỉ dùng đòn bẩy nhẹ nhàng đẩy đi, không tốn công vô ích. Cuộc sống không có bất cứ vấn đề nào không thể giải quyết nếu có Tâm và có Trí mà không cần đến vũ Lực.

Ngày xưa, khi học thuyết Mac Lê triển khai trên đất nước, lực lượng công nhân thợ thuyền được tôn vinh, trí thức bị xem nhẹ và tôn giáo là rào cản của chủ nghĩa xã hội, quan niệm sai lầm đó đã đưa những quốc gia cọng sản vào chỗ trì trệ. Ngày nay đổi mới, tất cả cán bộ đều phải có trình độ, họ phấn đấu, tối thiểu phải có cử nhân, đa phần là Tiến sĩ, thậm chí, một cán bộ xã cũng mon men lấy cho được Tiến sĩ, đó là điều đáng mừng một đất nước lấy kiến thức và trí thức làm chủ lực để xây dựng tổ quốc, chứ không thể đem dân tộc làm thí điểm một cách mù loà, sai đâu sửa đó như quá khứ, và nhà nước đã dành một sân chơi cho các tôn giáo, cho dù để trang trí hay làm phương tiện vận động quần chúng vẫn tiến bộ hơn 70 năm trước liệt tôn giáo vào thành phần không đáng tồn tại trong xã hội. Thế nhưng, với mớ kiến thức cử nhân, Tiến sĩ đó, vẫn chưa giúp cán bộ hành xử trí thức hơn, tập quán bạo lực đã ngăn che những trí tuệ phát sanh từ trí thức. Ngày nay tôn giáo rộ nở khắp ba miền mà bảo là đàn áp Tôn giáo, không hợp lý. Bát Nhã là tôn giáo, nhưng tôn giáo không chỉ có Bát Nhã. Đàn áp Tam Toà, đàn áp Loan Lý, đàn áp Bát Nhã chứ không thể gọi là đàn áp Tôn giáo, không nên cường điệu trong vấn đề nầy. Những cuộc trấn áp trên đều có lý do của nó, cho dù lý do nào, bạo lực không nên có khi xã hội ngày một văn minh. Ngay cả xứ sở cờ hoa, cảnh sát đã bạo lực đối với người dân da màu do óc kỳ thị, đây không phải chính sách của toà Bạch ốc hay Lầu Năm góc. Nhưng bạo lực như thế, một phần do phạm nhân da màu không hành xử theo đúng luật lệ sở tại để những kẻ có roi điện lạm dụng trả thù. Một lời hăm doạ của Hồ Quang Phương, du sinh tại Mỹ, tưởng chừng vô hại, nhưng luật pháp Hoa kỳ không cho phép tồn tại trong xã hội đó. Cộng đồng Việt kiều phản đối thái độ bạo lực của cảnh sát Mỹ là đúng và thể hiện được tình đồng hương trên đất khách. Buồn cho thân phận người Việt có mặt khắp các quốc gia, phần lớn thành phần lao động đã bị ngược đãi xem thường, một số rất ít trí thức khoa học người Việt được các nước sở tại được trọng dụng kính nể. Chính quyền Việt Nam cũng phản đối một du sinh Hồ Quang Phuơng bị bạo hành, phải chi những nạn nhân lao động khác, nhất là ngư phủ bị sát hại ngay trên lãnh hải của mình mà được nhà nước lên tiếng bảo vệ như thế thì người dân bớt phần khốn đốn. Nhà nước cũng đã mạnh dạn phản đối Indonesia về luật biển nhằm đe dọa sinh mạng ngư dân ta.Như vậy, bạo hành, nơi nào cũng có, nó thể hiện trình độ của người hành xử, chỉ khác là bạo hành tự phát hay có chủ trương. Những người có quyền lực, cứ nghĩ các đế quốc hùng mạnh nhất thế giới còn đánh được, hà huống những nhóm người không có tấc sắt trong tay! Đành là vậy, nhưng di chứng ung thư làm sao mà chữa?

Bứng khỏi Bát Nhã những tu sinh Làng Mai cũng trầy trật sau hơn một năm, khi mà Đức Nghi dùng hung khí đe dọa đánh đập không thành công, thầy trò họ Đồng trở thành kẻ phụ hoạ cho chiến dịch ngày 29/9/09. Trò họ Đồng mở tiệc ăn mừng trong khi sư phụ ruột gan não nuột như tương Tàu, biết mình đã sai lầm làm chốt thí để thân bại danh liệt. Chính sách giải tán Làng Mai tại Việt Nam đã thành công một nửa, một số phụ huynh đã đem con em về, nhưng số còn lại vẫn bám trụ, vì không có thầy tổ, chùa tổ để về. Một tổ đình ở tận bên Pháp, một thầy tổ gọi là sư phụ đã bán đứng bầy con, các chùa khác không được phép bảo lãnh…Nhà nước, Làng Mai đều lúng túng trước vấn đề số phận cho những tu sinh non trẻ. Đưa vào trại mồ côi? Đưa vào trại tâm thần? đưa ra côn đảo? đưa lên trại tập trung lao động hay đưa trở lại phần đất tại Bát Nhã do làng Mai tạo mãi mà Đức Nghi đứng tên? Thật ra không có gì khó xử nếu chấp nhận họ là những người có quyền công dân, họ không vi phạm luật pháp, họ chọn một lý tưởng tốt mà luật pháp Việt Nam cho phép thì tại sao họ không có chốn dung thân trên quê hương của họ, trong khi những tên da đen xứ lạ đang cư trú trong Thành phố lớn, từng cướp giựt, sống bằng mại dâm, không giấy tùy thân mà nhà nước vẫn cho họ cư trú?

Đã có người đề nghị dùng giải pháp Nhành Cây Lạ để hoá giải, nhà nước vẫn quản lý được mọi sinh hoạt của số tu sĩ kia, Giáo hội vẫn kiểm soát được Tăng sĩ của mình, xã hội được có thêm những tinh hoa làm men giống cho dân tộc, quần chúng có điểm tựa tâm linh, thế mà, sự việc tưởng chừng dễ lại hoá khó, Bột ngọt Vedan bị truy tố tội thải nước ô nhiễm môi trường, tưởng là đang khó xử , hoá ra dễ khi được vinh tặng ba giải thưởng Top trong 100 giải về vệ sinh an toàn thực phẩm. Xã hội ta có nhiều chuyện tréo ngoe, người dân không biết đâu mà mò.

Cái khó hiện nay của vụ án Bát Nhã, tự nhà nước đưa mình vào thế khó xử sau khi đã sai lầm trong cách hành xử, tiếp đến là chối bai bãi mọi trách nhiệm, rồi cho báo chí tuyên truyền xuyên tạc vu khống mà đáng ra nên im lặng. Nếu nội bộ Bát Nhã thì nhà nước mở chiến dịch truyền thông như thế để làm gì? Càng chống chế, càng bộc lộ thế yếu của một nhà nước trước một cá nhân như TS Nhất Hạnh, chả lẽ cá nhân một Việt kiều lưu vong có thể làm khuynh đảo một thể chế? Một bộ mặt lớn như TS Nhất Hạnh được thế giới ngưỡng mộ mà cố tình bôi nhọ là việc thiếu khôn ngoan, quốc gia nào có một người dân làm rạng danh cho dân tộc, hãnh diện cho một quốc gia mà mình lại muốn dìm xuống bùn đen. Cá nhân TS Nhất Hạnh không quan trọng, nhưng quan trọng là sự thành đạt của một người Việt Nam trên đất khách, làm thầy của những chính khách quốc tế và là một lãnh tụ tinh thần của Phật giáo mà Phật giáo Việt Nam nên hãnh diện. Thế nhưng, rất tiếc, của quý không biết xài! Thế giới chê cười cho một Việt Nam từng nhận có 4.000 năm văn hiến là vậy! Dĩ nhiên sự sai lầm nầy do nhân sự cấp dưới bộ làm không đúng, nhà nước phải lãnh đủ, con dại cái mang đã đành, còn tâm tư tình cảm của 80 triệu dân trước những tan thương niềm tin thì sao??? Trong nước đã thế, ngoài nước, một nhân sĩ trí thức như Trần Chung Ngọc lại tiếp tay đổ dầu vào lửa, bôi nhớt lên khuôn mặt mang tầm Phật giáo quốc tế mà cứ ngỡ là bôi trơn chế độ, thật ngỡ ngàng cho giới trí thức và quần chúng Phật tử từ lâu tôn sùng Trần Chung Ngọc là thần tượng sau Charlie Nguyễn! châm thêm một ngòi nổ vô hình làm hoang mang quần chúng và tan nát niềm tin trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam, đã đến lúc đời người đổi trắng thay đen nhanh thế sao! Quyền lực và bạo lực có thể làm được tất cả nhưng khó có thể khuất phục nhân tâm nếu thiếu chính nghĩa, chính nghĩa không thể là hệ quả tất yếu hướng dư luận về một chiều.Khâm sứ hay đâu đó của Kitô giáo gặp khó, cả thế giới kitô giáo đoàn kết la ó, ngược lại những tu sinh trẻ bị giải quyết không thấu đáo, thì người của Phật giáo lại tiếp tay phân hoá nội tình, như thế mới thấy hai tôn giáo có hai trình độ, hai tổ chức quá cách biệt

Hơn 30 năm thống nhất tổ quốc, công trạng nầy được trọn vẹn và thế giới ngưỡng mộ nếu không có những trại tù cải tạo, không có những cuộc di dân thế kỷ, không đánh tư sản mại bản và hoà hợp hoà giải thật sự, thì dân tộc ta, đất nước ta không thua Nhật Bản sau khi bị tàn phá bởi Hiroshima và Nagasaki. Xã hội Việt Nam ngày nay, đô thị phát triển, cuộc sống người dân khá hơn, nhưng vẫn thua xa các nước trong khu vực. Các công trình đồ sộ đều bị rút ruột khác nào một ông phổng nhẹ như phao! phồn hoa giả tạo vì người dân vẫn chạy ăn hằng ngày, con em bị thất học, quần chúng không ổn định cuộc sống, tuổi trẻ mất phương hướng sống xô bồ đua đòi, và đạo đức xã hội, đạo đức tâm linh không có chân đứng, đồng tiền khuynh loát từ cơ quan, tôn giáo ra đến ngõ ngách; nền tảng gia đình bị biến dạng, mái tóc tuổi trẻ bị đổi màu theo xu thế thời trang hợm hỉnh.Nền giáo dục Việt Nam đang lên xuống theo cơn thủy triều…

Nhà nước cố gắng đưa quốc gia vào quỹ đạo hưng thịnh, phát triển uy tín trên thế giới, nhưng một bộ phận cán bộ đã đi lệch hướng làm con thuyền quốc gia chông chênh. Chuyện đoàn kết và hoà hợp dân tộc với khúc ruột ngàn dậm đang còn dang dở thì vụ án Bát Nhã đã làm mất niềm tin sâu xa với mọi người.

Sau cuộc chiến, cảnh vật tan hoang, đổ nát, còn có thể xây dựng lại, vì con chim lạc bầy còn có thể hót trên nhánh cây sống sót; lòng người vỡ vụn thì lấy gì xâu kết. Vụ án Bát nhã, cảnh hoang phế vẫn chưa được hàn gắn, mọi tàn tích còn nguyên trạng trong cộng đồng Phật giáo. Họ có cảm tưởng cuộc sống không còn chính nghĩa, tất cả ngoài tầm tay. Một bài học sau ngày thống nhất đất nước vẫn còn đó, một bài học cho vụ án Bát Nhã ngỡ chừng nhỏ bé như Khâm thiên; Tam Toà vẫn chưa phai, mong rằng sẽ không xẩy ra những bất toàn trên đất nước đang trong thời hội nhập. Cá nhân có sĩ diện cá nhân, quốc gia có sĩ diện quốc gia, khi hành xử, phải nghĩ đến sĩ diện đó mà đừng vì lòng tham hay tự ái mà tội nghiệp cho dân tộc, và cũng đừng tạo thêm cớ cho những ai muốn phá hoại sự bình an của đất nước, có lý do để họ hô hào.
Vụ án Bát Nhã đã kết nối nhiều thành phần gọi là hiệp thông, nhưng trong nội tình Phật giáo có sự phân hoá trầm trọng, tuy một số không đồng tình với TS Nhất Hạnh nhưng không ai vui vẻ nhìn con em mình bị khủng bố thê lương, bị đánh đuổi giữa mưa bão đói rét. Quần chúng trong mọi thành phần của xã hội cũng bất nhẫn trước tai nạn vô lý đối với những bậc chân tu. Bầy chim non đó không muốn xa đàn, đành chấp nhận phong ba bảo tố.

Dư luận thế giới về vụ án Bát Nhã rồi cũng sẽ quên đi, vết hoen ố của bạo lực cũng sẽ qua đi, tập quán thiếu văn hoá cũng sẽ quen đi, nhưng tình người, lương tâm sẽ còn ray rứt mãi, lịch sử sẽ khó bỏ qua những sai lầm trầm trọng. Thể hiện một thiện chí để cải thiện cũng không quá khó nhưng khó là tạo được cái nhìn thiện cảm của con người với con người để chung sức xây dựng quê hương có niềm tin chính nghĩa. Tình trạng tu sĩ Bát Nhã không thể tiếp tục để lững lờ như thế hầu mong cứt trâu để lâu hoá bùn, vì số tu sĩ kia còn bất an thì quần chúng Phật tử liên hệ không thể yên tâm làm ăn, một bộ phận quần chúng chưa an thì xã hội làm sao phát triển. Vua chúa thời phong kiến còn biết thương dân như con đỏ mới giữ vững cơ nghiệp, cơ chế dân chủ ngày nay được tiếp thu văn minh chả lẽ xem thường lòng dân. Người lãnh đạo đất nước luôn nghĩ đến an nguy tổ quốc, phát triển xã hội đoàn kết lòng người chứ không chỉ duy trì vị thế của riêng ta. Sau thời gian dài đổi mới, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, để bắt kịp với cộng đồng thế giới, chúng ta cần cố gắng nhiều hơn, tránh những tai tiếng không cần thiết như thế.

Tiếng chim hót trong buổi bình minh hay lạc bầy trước lúc hoàng hôn cũng tạo một chút nao lòng, huống nữa lời khát vọng của người dân chả lẽ không đủ đánh động lương tri của người có trách nhiệm? Bát Nhã vẫn là niềm đau của đất nước!

MINH MẪN
30/10/09

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

CHIẾM DỤNG ĐẤT CHÙA THIÊN ẤN


TT trụ trì tổ đình chùa Thiên Ấn và chư Tăng Quảng Ngãi đã phản ảnh vấn đề chính quyền Quảng Ngãi có mưu tính chiếm dụng 260 hecta đất chùa để quy hoạch Dự án Lâm Viên Thiên Ấn mà toàn bộ Phật giáo Quảng Ngãi chưa đồng thuận.

Theo văn thư báo cáo của TT trụ trì Tổ đình Thiên Ấn ngày 15/02/2009 thì Cty Thanh niên xung phong thuộc Ban quản lý Dự án Lâm Viên Thiên Ấn, tự động đổ vật liệu xây dựng tại Thiên Ấn mà không hề thông qua Tổ đình cũng như thông báo cho Ban Trị Sự PG Tỉnh. Đây là thái độ xem thường PG. TT trụ trì và Tăng chúng ra ngăn cản, sau đó, ngày 26/02/09 UBND tỉnh mới mời BTS PG tỉnh họp liên tịch tại Ủy Ban do ông Trương Ngọc Chi, phó chủ tịch tỉnh chủ trì với sự tham dự các ban ngành hữu quan; phía PG có Thường trực BTS tỉnh, BĐD PG các quận huyện, TT trụ trì cùng môn phong tổ đình Thiên Ấn; được UBND tỉnh cho biết sẽ quy hoạch quần thể núi Thiên Ấn và khu dân cư quanh núi với tổng diện tích là 260 hecta để làm công viên Thiên Ấn, từ đỉnh núi xuống chân núi qua ba tầng với nhiều hạn mục.

Qua biên bản phiên họp tại chùa Thiền Lâm, quận 6,TP HCM, ngoài chư Tăng đồng hương Quảng Ngãi còn có ông Trần văn Thanh, giám đốc sở nội vụ, Quảng Ngãi, ông Nguyễn Vĩnh Lạc, phó giám đốc nội vụ kiêm trưởng BTG tỉnh Quảng Ngãi. Phía nhà nước Quảng Ngãi trình bày dự án công trình, chư Tăng phản hồi ý kiến, cuối cùng vẫn chưa thống nhất thoả thuận.

Từ phía Bắc như Quảng Bình, miền Trung như Thừa Thiên, chính quyền đều chiếm dụng đất của tôn giáo để xây dựng những dự án dưới danh nghĩa công viên, lâm viên, trường học…đã đưa đến những xô xát và tai tiếng lan toả khắp thế giới.Gần đây, vụ án Bát Nhã Lâm Đồng, chính quyền lại hổ trợ cho Đức Nghi tống xuất 400 tu sĩ ra khỏi chùa để thu hồi cơ sở, nhà nước đang lâm vào thế khó xử trước áp lực quốc tế. Giờ đây, dự án chưa được sự đồng thuận của Phật giáo tỉnh nhà, chưa có sự nhất trí của Tổ đình và quần chúng Phật tử, có sự giằng co giữa đôi bên, vì thế dự án dậm chân tại chỗ.

Thiên Ấn là khu di tích có trên 300 năm, được chúa Nguyễn Phúc Chu ban sắc tứ, là linh hồn của PG Quảng Ngãi, là niềm tự hào của nhân dân Quảng Ngãi, vì thế cần phải được bảo tồn, không nên làm mất vẻ uy nghiêm thanh tịnh của tổ đình. Thiết nghĩ, Quảng Ngãi nằm dựa vào Trường Sơn, phía Bắc giáp Quảng Nam, Tây giáp Kontum, Nam giáp Bình Định, Đông giáp biển. Một địa thế núi đồi sông ngòi mang dáng dấp thắng cảnh vượt trội. Tuy Thiên Ấn và Trà Khúc là hai danh thắng lâu đời, nhưng Quảng Ngãi còn nhiều địa điểm nếu biết quy hoạch sẽ trở nên điểm thu hút du khách. Thiên Ấn là thắng cảnh thiên nhiên vốn có đã được công nhận cấp quốc gia, nếu có sự can thiệp của bàn tay con người, sẽ bị biến dạng và cưỡng dụng; chưa nói đến chiếc nôi tâm linh của bao đời mà quần chúng tin là chốn thiêng liêng tôn kính, với dáng vẻ như chiếc Ấn trời bên cạnh dòng sông xanh, gọi là Thiên Ấn niêm hà. Chùa được xây năm 1694 đời vua Lê Huy Tông, do Thiền sư Pháp Hoá, người Phúc Kiến khai sơn, là tổ đình truyền thừa qua 15 đời trụ trì luôn bảo tồn tâm linh của người dân bản xứ. Qua bao cuộc chiến, Thiên Ấn tuy bị hủy hoại và tái tạo, nhưng chưa có một thể chế nào chiếm dụng Thiên Ấn để làm khu du lịch với mục đích kinh doanh. BTS PG Quảng Ngãi và TT trụ trì có bổn phận bảo tồn chốn thiền lâm do chư cổ đức khai lập. UBND Quảng Ngãi nên xét lại dự án tránh tổn thương tâm lý và tình cảm của toàn bộ người dân Quảng Ngãi.

Qua sự phản kháng của chư Tăng cũng như GHTW chưa đồng thuận, thiết nghĩ, dù là dự án văn hoá, cũng khó được sự chấp thuận của nhân dân, huống nữa, nhân sự của UB tỉnh xưng hô với chư Tăng không thích hợp với văn hoá tôn giáo và truyền thống dân tộc thì làm sao công trình gọi là văn hoá đúng nghĩa tinh thần văn hoá?

Đất nước đang đối đầu với bao khó khăn về tai tiếng đối với tôn giáo, thiết nghĩ UBND tỉnh Quảng Ngãi nên cân nhắc và chấm dứt dự án trên để tìm nơi thích hợp hơn, đừng xúc phạm đến niềm tin quần chúng mà Thiên Ấn là biểu tương ngàn đời. Quần chúng Phật tử xem thường sinh mạng khi đức tin của họ bị lợi dụng trong việc kinh doanh thiếu tôn kính. Chưa quá muộn để quý Ban ngành quyết định đình chỉ. Toàn thể Tăng tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước đang theo dỏi sự động tịnh của tổ đình Thiên Ấn.


MINH MẪN
24/10/09

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

LIÊM SĨ và DŨNG KHÍ


Khi học thuyết Khổng Mạnh đề cao đức tính Chính Nhân Quân tử, nhiều thế kỷ từ Trung Quốc đến Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam, xã hội ảnh hưởng sâu đậm một nề nếp Nho gia, từ giới bình dân đến cung đình, từ doanh nhân đến chính trị, từ gia đình đến cộng đồng đều thể hiện một phong thái đáng trân quý và xã hội sinh hoạt theo một nề nếp tôn ti.

Với văn hoá ngày nay của nhân loại, một số tiêu chuẩn của xã hội Nho gia không thích hợp, nhưng lúc bấy giờ nó là thước đo nhân cách văn hoá của con người; Khổng Tử là người san định Ngũ kinh: Kinh Thi – Kinh Thư – Kinh Lễ - Kinh Dịch – Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc.

Nho giáo xuất hiện từ Tây Chu, vào thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Khổng Tử đã mạnh dạn triển khai tư tưởng của Chu Công, hệ thống hoá thành một học thuyết Nho gia, về sau được các đệ tử tập thành sách Đại học, Luận Ngữ, Trung Dung, cho đến thời Mạnh Tử, đã hình thành một Nho gia và Nho giáo Khổng Mạnh, vừa mang tính học thuyết, vừa mang bản sắc tôn giáo. Nho giáo nguyên thủy là vậy, đến thời Hán, biến Nho giáo thành một hệ thống bảo vệ quyền lực giai cấp lãnh đạo Phong kiến với quan niệm người đứng đầu đất nước gọi là Thiên Tử, thay mặt trời để cai quản thần dân, buộc xã hội phải tuân hành cúi phục! vì thế Nho giáo nghiễm nhiên là quốc giáo và chi phối tư tưởng xã hội suốt hàng ngàn năm.

Sang đến đời Tống, Nho giáo bổ sung thêm triết lý siêu hình của Lão và yếu tố tâm linh của Phật để có thêm màu sắc và chiều sâu giáo dục nhân quần, chỉnh chu quan lại, cán bộ. Riêng vua chúa, Khổng tử dẫn dụ tiền thư để giáo dục, răn đe về tư cách đạo đức lãnh đạo, tránh xa vô đạo như Kiệt Trụ mà lấy gương Nghiêu Thuấn làm một minh quân.

Trong Tứ Thư: Luận ngữ - Đại Học – Trung Dung - Mạnh Tử, thì Đại Học là sách gối đầu giường cho những ai có tâm hồn muốn trở thành chính nhân quân tử! Như vậy Nho gia trở thành học thuyết chính trị đương thời đã đưa xã hội vào nề nếp ổn định. Lúc bấy giờ quan niệm cho rằng Chính nhân quân tử là giai cấp chuyên trị và kẻ có học thức, ngược lại bần dân thứ chi là thành phần tiểu nhân, nhưng khi Nho giáo phát triển sâu rộng thì quan niệm Quân tử và Tiểu nhân là hai trạng thái, hai phong cách trong mỗi con người; cho dù là giai cấp cao trong xã hội mà không có phẩm chất cao thượng, vẫn xem là tiểu nhơn, ngược lại, dân đen mà cao thượng, vẫn được xem là quân tử.
Khổng tử đặt ra Tam cương ngũ thường cho nam giới, Tam tùng tứ đức cho nữ giới để làm giềng mối tôn ti trật tự xã hội, đó là căn bản đạo đức cho một nhân thân. Ngoài ra, Thi ,Thư, Lễ ,Nhạc trang bị cho con người một kiến thức, một tâm hồn nâng cao giá trị hiểu biết trong cung cách sống.

Về tự thân và xã hội, một chính nhân quân tử cũng phải tự rèn luyện nhân thân (tu thân), biết xây dựng gia phong (tề gia) đó là nền tảng cơ bản rồi mới nói đến lãnh đạo đất nước (trị quốc) và an bang tế thế (bình thiên hạ). Trung Dung có dạy: Đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo bạn bè, đạo anh em. để ràng buộc trách nhiệm và đạo đức trong mối tương quan cộng đồng. Luận ngữ cũng đề cập đến cái Dũng, một trong ba cái Nhân-Trí-Dũng, tương thích với Bi-Trí-Dũng của Phật giáo. Cái Dũng không thể thiếu hai yếu tố kia, bởi Dũng mà không có Nhân và Trí dễ trở thành thảo khấu; ngày nay đã bộc lộ rõ ở những cá nhân cũng như tập thể mà hằng ngày báo chí, truyền thông loan tải. Ôm bom tự sát và sát hại hàng trăm mạng người là cái Dũng đơn độc. Bi và Trí không cho phép cái Dũng hành xử như vậy. Một cơ chế dùng quyền hành để áp đảo nhân viên mà không theo đúng luật pháp và thiếu tình người, không thể gọi đó là Dũng. Một cá nhân lạm dụng quyền lực để hành xử theo bản năng tham dục cá nhân, làm khổ kẻ khác thì cái Dũng của kẻ Trí không thể có mặt, và khi hành xử theo lòng Tham cọng thêm quyền lực hoặc bạo lực thì không thể xem đó là chính đạo của người quân tử. Cái quan trọng trong học Thuyết Khổng Tử là: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, đó là nền tảng cho một chính nhân quân tử khi ra tay hành xử cần phải xét nét, người thiếu lòng Nhân và thiếu Trí tuệ thường hành xử thô bạo, đem đến khổ đau cho kẻ khác. Một khi Trí và Nhân vắng mặt thì quyền lực trở thành vũ khí tàn phá đạo đức cá nhân cũng như an bình xã hội.

Khoa học kỷ thuật tiến quá nhanh, nền tảng đạo đức tôn giáo không kịp song hành, đưa xã hội đến khủng hoảng tâm lý. Cá nhân thành đạt địa vị, danh vọng quá dễ và quá sớm, thiếu trang bị đạo đức tâm linh và không có Nhân chi sơ tánh bản thiện, cá nhân đó có nguy cơ thành người độc ác, làm tổn thương cộng đồng và suy thoái nhân phẩm.

Cái chính nhân quân tử sẽ :Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Một chính nhân quân tử của Nho gia thể hiện chí trượng phu của bậc xuất gia giả nhà Phật. Ngọn lửa Thích Quảng Đức đại biểu cho bao nhiêu ngọn lửa vào năm 1963, thể hiện tính Uy Vũ bất năng khuất. Phật giáo có rất nhiều trang sử Tăng lữ xem thường sinh mạng vì đại nghĩa. Những giáo đoàn vào chốn hiểm nguy, đã xác định tính kiên cường, xem nhẹ cái chết như lông hồng khi Đức Phật cật vấn trước lúc ra đi hoằng pháp, nhưng, trong hàng Tăng lữ ngày nay, cũng không thiếu những bậc “Thiên nhân chi đạo sư” lại vì chút danh vọng đành khuất phục trước thế quyền, sẳn lòng bán đứng đồng đạo để bảo vệ hư danh và quyền lợi. Con trâu chọi hay con gà đá được o bế trước khi lâm trận, không bỏ mạng trên chiến địa, cũng bị phanh thây trên bàn nhậu sau đó. Tự mình thiêu hủy uy tín của một tu sĩ, tiếp tay cho ma quân phá hoà hợp tăng, tức làm thân Phật chảy máu phải chăng tự tay mở cửa địa ngục, tự đào hố chôn mình, để sống không an, chết không dễ, làm sao ngẩng mặt nhìn đời. Ngồi trên cơ sở, tài sản kết sù như ngồi trên chông gai gươm giáo, ích lợi gì!. Thế gian mông muội không hiểu luật nhân quả, hành xử thô bạo do lòng tham xúi dục đã đành, một xuất thế tục gia, dám bỏ máu mủ huyết thống tộc họ, bỏ sự nghiệp gia thế để đi tu mà vẫn còn bị lòng tham vô minh đẩy vào hành động phản loạn. Một Xuất phiền não gia phát nguyện ra khỏi ngôi nhà phiền não khi thế phát quy y, lại tự mình tạo chiếc kén não phiền cột trói mình và làm não loạn đồng đạo vì chút lợi dưỡng hư danh. Một Xuất Tam giới gia nguyện ra khỏi ba cỏi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới mà vẫn còn tạo ác nghiệp để cột trói trong sáu nẻo luân hồi, rồi tự thán : do bị áp lực! Thế quyền áp lực hay vô minh áp lực? Cho dù áp lực từ đâu, nội tâm hay ngoại cảnh đều nói lên cái thiếu Dũng khí của bậc đại trượng phu.Ai cũng một lần chết, chết cho đạo nghĩa, cho lý tưởng lại sợ, chết cho hư danh lợi dưỡng và thế quyền thì tình nguyện như con thiêu thân. Một khi thân bại danh liệt, đạo không có chỗ dung thân, đời không được nhìn bằng mắt, suốt ngày ru rú trong phòng, không dám gặp ai, thử hỏi sống để làm gì??? Chí trượng phu quân tử vậy sao hởi bậc phát túc siêu phương! Tuy nhiên, vẫn không thiếu những bậc cao thượng, đứng giữa áp lực thế quyền và đạo lữ đồng môn, can đảm từ chức như HT TBTS Lâm Đồng, T. Pháp Chiếu. TT chánh ĐD PG Thị xã Bảo Lộc, toạ chủ chùa Phước Huệ tuy bị áp lực phải trục xuất 400 Tăng sinh ra đi giữa bão tố, ngài can đảm bất tuân chỉ thị, vì đã nặng tình đồng đạo và nghiêng về lẽ phải mà không hề ân nghĩa gì với Làng Mai. ĐĐ trụ trì Linh Phước Đà Lạt, ĐĐ Linh Toàn và nhiều vị trong BTS cũng sẳn sàng bao bọc các con em trước uy vũ của nhà nước. Thế mà vẫn không có một lời cám ơn hoặc gửi gấm con em mình cho GH trong nước, từ phía Làng Mai. Có như thế mới thấy chí trượng phu, đức uy dũng của bậc thầy mà không phải ai cũng bán rẽ lương tri như thầy trò họ Đồng.Thế mà TW GH không hề chứng tỏ quyền hạn độc lập để bênh vực lẽ phải hoặc xử lý hợp tình.

Phật giáo thường tự hào chưa hề làm đổ giọt máu trên bước đường truyền bá, chả lẽ tự hào đã đấu đá nội bộ như một Bát Nhã và Nam Triều Tiên trên 5 năm về trước? Lật lọng phản phúc không những là chuyện thường ngày trong xã hội mà chốn Thiền môn cũng từng bị lợi danh, quyền thế tác động. Các tôn giáo đều không tránh khỏi tình trạng nầy, chứng tỏ Satan và Thiên thần đều do Thượng đế sáng tạo cùng một lúc, nói theo tinh thần PG, tính giác và vô minh luôn song hành trên bước đường của hành giả.

Qua biến động của Bát Nhã hơn một năm, thể hiện tính chân tu của 400 Tăng ni trẻ, càng bộc lộ nét ương hèn của một sư phụ họ vì đánh mất Liêm sĩ và Dũng khí của người tu. Dĩ nhiên hành động lật lọng và thô bạo được tiếp sức bởi thế quyền. Về hình thức là tranh chấp nội bộ, Thầy trò họ Đồng chỉ là con chốt thí, ngày hôm nay, trăm dâu đổ đầu tằm, đành ngậm đắng nuốt cay, sống không yên, chết không đặng.
Với mạng truyền thông nhanh nhạy hôm nay, không thể che dấu bất cứ chuyện gì; những biến cố tại Bát Nhã, ngay cả 400 tu sĩ trẻ và một số quần chúng hiện là nạn nhân và là nhân chứng, làm sao phủ định được, toàn thế giới đều nắm bắt, không những tin tức bài vở mà cả phim ảnh, thế mà báo chí Việt Nam, sau thời gian im hơi lặng tiếng, giờ lại rộ nở hàng loạt luận điệu giống nhau, là phủ nhận mọi biến cố có thật do sự can thiệp sâu của chính quyền, theo thầy Thanh Thắng, từ cấp bộ trở xuống. Một đứa trẻ, con nhà gia giáo, khi phạm lỗi đã cảm thấy xấu hổ và thành thật nhận lỗi với cha mẹ. Học sinh nhận lỗi trước thầy cô chứng tỏ em đó có tiến bộ và có ý thức trung thực. Ngày xưa thầy trò đức Khổng Tử, lưu lạc sang xứ người để tránh nạn đói, khi thấy đệ tử nấu cơm chín, bốc bỏ vào miệng trước khi đem lên dâng thầy và cúng tổ tiên, Khổng tử than buồn, nhưng khi đệ tử bộc bạch do bụi bẩn rơi vào cơm, không đành vứt bỏ, nên bỏ vào miệng, lúc ấy Khổng Tử lấy làm áy náy vì hiểu không thấu đáo về người học trò của mình. Người quân tử thường tự xử, vì thế có những quan chức thế giới từ chức khi nhân viên mình vi phạm. Tai nạn giao thông ngoài ý muốn thế mà bộ trưởng giao thông Nhật, những năm về trước, cũng từ chức. Hồ chủ tịch can đảm đứng trước nhân dân xin lỗi về vụ Cải cách ruộng đất. Giáo hoàng JP 2 cũng can đảm xưng thú 7 núi tội đối với nhân loại trước thế giới, và những lính viễn chinh Mỹ cũng xin lỗi nhân dân Việt Nam vì họ đã nhúng tay làm đổ máu người dân vô tội. Xin lỗi hay nhận tội đều thể hiện tính ý thức tự trọng và có giáo dục. Lưu manh hình sư ít khi nào nhận lỗi hay ăn năn khi phạm tội, vì họ không được giáo dục về nhân cách. Làm người ai cũng qua một lần sai phạm, như vậy sai phạm không phải là đìều xấu mà xấu là không biết và không nhận thức mình đã sai phạm, không chấp nhận mình đã sai phạm, đó là cảm tính u trệ nhất khó làm cho ta tiến bộ, chưa nói đến những thái độ biện bạch sai phạm để đổ lỗi cho kẻ khác, thể hiện một nhân cách thiếu văn hoá. Những luận điệu báo chí nêu ra, biến những nạn nhân của Bát Nhã thành những phạm nhân vô cớ, biến những kẻ có tội thành người lương thiện, biến những kẻ chủ động thành người vô can, phủi tay một cách trắng trợn như chưa hề nhúng chàm. Một đất nước mà “xã hội đen” hoành hành như thế, một xã hội mà người chân chánh luôn gặp hoạn nạn, một cộng đồng mà mọi loại tội phạm sống hiên ngang, một tập thể mà nhân tài không có đất dụng võ, một luật pháp dùng hành động côn đồ làm phương tiện thì tất yếu lòng dân bất an; Bộ áo đại cán, comple đắc giá, mà những ý nghĩ đen tối ẩn sau cặp kính trí thức, không che dấu được bản chất của phi liêm sĩ. Chả lẽ 84 triệu dân không đủ trí tuệ để tìm một phương án hợp lý giải quyết những vấn nạn tôn gíao? Những hành động thô bạo rập khuôn từ Bắc chí Nam nói lên điều gì về nhân cách của chính nghĩa???Thay vì một lời nhận lãnh những sai sót từ thuộc cấp, cho dù lời hứa sửa sai suông đuột cũng làm nhẹ lòng người nghe hơn là cố tình bóp méo sự thật, một sự thật mà ai cũng biết, càng làm cho thế giới khinh bỉ.
Đất nước ta còn lâu lắm mới là con rồng châu Á khi mà ý thức văn hoá và nhân cách chưa có, xử sự thiếu tự trọng và thiếu tôn trọng. Không trung thực, đó là những tiêu chuẩn để đánh giá về con người và đất nước, về một đối tác để hợp tác phát triển kinh tế. Một đất nước phát triển kinh tế song hành với văn hoá, một bộ phận trong xã hội bất hảo thì chỉ là hiện tượng đơn lẻ. Một đất nước phát triển kinh tế mà thiếu chân đứng văn hoá dễ trở thành một xã hội mafia thời đại, làm sao tồn tại và cọng sinh trên hành tinh nầy.Dân tộc ta vốn có trên 4.000 năm văn hoá, lẽ nào xã hội dung dưỡng những nhân cách thiếu văn minh.

Chuyện Bát Nhã, phần lớn trí thức không lên tiếng vì họ nghĩ chuyện của Làng Mai, Làng Mai không lên tiếng thì họ xen vào làm gì!
Khi mà lòng tham biến thành chính sách và bạo động thì chẳng ai muốn rước hoạ vào thân, hoặc do áp lực nhiều phía nên họ đành câm lặng.
Đức Nghi có cái sai của Đức Nghi, Làng Mai có cái hở của Làng Mai, nhà nước có cái hố của nhà nước, Ban Tôn giáo có cái dở của BTG, GHPGVN có cái nhát của PGVN thì Kitô giáo đòi bảo lãnh số tu sĩ Bát Nhã là mũi tên bắn vào mọi phía, nỗi đau và nhục nào hơn. Biết rằng đó chỉ là trò chơi rung cây nhát khỉ để bỉ mặt PG khi cả một Giáo Hội không đủ can đảm bênh vực con em mình. Là lời cảnh báo với nhà nước Việt Nam khi đẩy Kitô và PG vào thế liên tôn, tuy là lối nhát ma nhưng thể hiện tính đối kháng của nhân dân đối với chính sách nhà nước, đồng thời cho thấy chính sách quá vụng của một bộ phận lãnh đạo gây khó cho trung ương và tầm vóc chung của đất nước mà không nên có trong lúc nầy, một tai tiếng vô lý bởi tính chủ quan của bộ phận an ninh thiếu cập nhật kiến thức chính trị quốc tế. Một bộ phận đó đã thăm dò trong giới chức sắc PG Lâm Đồng cũng như TW, và một vài nhân sĩ PG hải ngoại, tuy làm việc cẩn trọng và bài bản trước khi ra tay dẹp tiệm Bát Nhã, nhưng bài bản máy móc đó không hiệu quả, vì PG không phải một tổ chức nhất quán như Vatican, chức sắc PG không bao giờ nói thật lòng mình trước quyền lực thăm dò. Các nhân sĩ hải ngoại không nắm bắt hết tình hình PG, Tinh thần quần chúng bàng bạc khó đo lường. Khi sự cố đưa đến đường cùng buộc nạn nhân sẳn sàng hy sinh thì sự quan tâm quốc tế đã làm thức tỉnh giới lãnh đạo.Nếu vẫn phủ nhận những sai sót của thuộc cấp và đổ lỗi cho nạn nhân một cách ngoan cố, biết đâu quốc tế sẽ mở cuộc điều tra? Nhưng dẫu sao, TS Nhất Hạnh vẫn đặt quyền lợi tổ quốc lên trên, biết rằng về Việt Nam sẽ gặp lắm khó khăn, ngài chấp nhận để cứu vãn sự sa đoạ của tuổi trẻ và đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình đang đổ vỡ, xây lại nền móng đạo đức xã hội bị băng hoại. Làng Mai cũng không bao giờ tranh chấp tài sản nên không có vụ trưng dẫn chứng từ tạo mãi do Thầy Đức Nghi nhận lãnh. Tranh giành làm gì khi tình người đen bạc như thế, tranh chấp làm gì khi pháp môn làng Mai không được tồn tại và phát triển tại quê hương. Không phải TS Nhất Hạnh quá tin hay sai lầm mà ngài cố tận nhơn lực để tri thiên mạng, hầu chuyển đổi giúp đất nước tốt hơn! Vì thề, ngài sẽ không để cuộc điều tra xẩy ra.
Như vậy có quyền lực không có nghĩa con roi điện trong tay muốn xử dụng thế nào cũng được khi mà không tạo được niềm tin trong quần chúng,danh bất chánh, ngôn bất thuận. Xử dụng vụng về con roi điện có nghĩa tự mình giết mình trước khi giết kẻ khác. Một Lê Long Đỉnh róc mía trên đầu sư, cuối cùng Phật giáo vẫn tha thứ. Đề Bà Đạt Đa hại Phật mà tương lai vẫn là Phật sẽ thành, bởi chúng sanh nào cũng có Phật tánh, biết đâu, những ai làm đổ máu và gây khốn đốn cho 400 tâm hồn trong trắng vô tội kia, có lúc về đêm cũng phải suy nghĩ về việc làm thất đức của mình. Khi nằm xuống cũng cần chư Tăng làng Mai đến chú nguyện. Oan gia nghi giải bất nghi kiết đó là tinh thần nhà Phật. Tinh thần nhà Nho là liêm sĩ và dũng khí.

Người tu có Liêm sĩ và Dũng khí của nhà tu. Cán bộ có dũng khí và Liêm sĩ của cán bộ. Người cầm bút có Dũng khí và Liêm sĩ của người cầm bút thì đất nước lo gì không cường thịnh và được thế giới ngưỡng mộ. Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội phạm nào cũng có tương lai, đó là câu nói của bậc minh triết, nên xoá bỏ quá khứ, chấp nhận những sai lầm, bắt tay vào hiện tại với lòng trung thực của một con người xuất thân từ nền văn hoá trên 4.000 năm đã có, đó là tính Dũng khí và liêm sĩ của chính nhân quân tử!

MINH MẪN
21/10/09

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

những hình ảnh bão lũ












TÂY NGUYÊN TRONG BÃO LŨ


Trong nhiều năm qua, Tây Nguyên chưa bao giờ hứng chịu sự hung hãn của thiên tai như cơn bão số 9 vừa qua.

Bão lụt, kể cả lũ là chuyện thường niên của quê hương khốn khó Trung Việt. Đất hẹp, sỏi đá nhiều hơn cỏ dại, mùa nắng cơn nóng từ Hạ Lào tràn qua, các tỉnh miền Trung hứng chịu hơi thở khô khốc của khí trời, toàn bộ người dân phải ra sân, ngồi dưới bóng râm, hoặc bên các giòng nước, con sông, hy vọng nước bốc hơi giảm phần oi bức, nhưng hấp tia nắng mặt trời, nước từ các giòng chảy cũng hâm hấp như nước trên lò đang đun. Mình mẩy con người luôn rịn mồ hôi như thợ làm bánh đứng trước miệng lò… Ấy thế mà, cơn mưa Thu-Đông ập đến, luôn mang theo tai hoạ khôn lường, để rồi cư dân tích góp nửa năm của cải, gia súc, kể cả hoa màu mùa màng, được Hà bá mang đi một cách ngang ngược; một số người dân bổn mạng hạp với Long cung, cũng bị rước đi một cách ngỡ nàng không hề được thông báo! Trời làm cơn lụt mỗi năm cứ như là chuyện thường ngày ở huyện.

Riêng Tây nguyên, chuyện ông Trời nổi nóng là chuyện không bình thường, chính vì thế mà các cấp chính quyền cho đến cư dân vẫn ỷ y như người vô sự, vì xưa nay Tây nguyên, ngoài cuộc chiến, thời tiết khí hậu chưa bao giờ đe doạ cuộc sống người dân, thậm chí, người sắc tộc vẫn tự tin mình là con cưng của ông Giàng, và những di dân từ các tỉnh miền Trung và phía Bắc vào lập nghiệp cứ nghĩ họ là người lương thiện nhất, đem mồ hôi nước mắt đổ lên luống đất tô đắp cho đời sống, đem công sức phá rừng san núi để xây dựng cơ đồ; và những kẻ săn bắn từng dầm mưa dãi nắng đêm ngày để bắt những loại thú quý hiếm cung ứng cho thị trường; công ty xí nghiệp giải quyết cuộc sống cho nhiều công nhân, thỉnh thoảng, thải chút ít độc khí hoặc nước bẩn môi trường xem như là điều tất yếu…

Nhưng, cuộc sống càng phát triển theo sự phát triển của các thành phố lớn, Tây nguyên đã mất dần sự thơ mộng của phố núi; Xứ sở sương mù như Đà Lạt, giờ đây phải dùng máy lạnh. Rừng cao su, đồi thông đã được thu hẹp cho phố thị phát triển. Màu xanh của núi rừng bạt ngàn tiếp nối Trường Sơn nhạt màu bởi gỗ quý bị triệt hạ. Lá phổi thiên nhiên đã teo dần thì khí hậu phải đổi thay theo luật nhân quả công bằng, kết quả, cơn bảo số 9 thăm viếng các tỉnh cao nguyên, để lại cho Daklak,Gia Rai, Kontum một chứng tích thương đau thế kỷ!

Sau cơn bảo, các tôn giáo và người dân đã bắt tay vào cuộc kịp thời cứu tế những người còn sống và mai táng những kẻ kém may vừa ra đi. Từ Quảng Trị trở vào, các chùa nhận sự đóng góp và hướng dẫn những tấm lòng nhân ái đến tận nơi thăm viếng ủy lạo. Chính quyền địa phương bắt tay chỉnh trang quốc lộ, hương lộ, cầu cống, nhà cửa cho đồng bào. Các kiều bào cũng chia sớt niềm đau bằng những đồng tiền khó nhọc kiếm sống trên quê người, gửi qua các ban từ thiện đưa đến tay đồng bào ruột thịt tại quê hương.

Ngày 14/10/09, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Liên Hoa, Kỳ Quang…cũng đưa phẩm vật đến, mà trước đó cũng từng có nhiều đoàn từ thiện sớm có mặt. Theo tổng kết chưa đầy đủ, tại làng Mố Bành, xã Dakna, huyện Tu mơ Rông đã có 30 người thiệt mạng, 5 người bị thương, 6 người mất tích, 49 nhà sập đổ hoặc bị cuốn trôi, 52 nhà hư hỏng nặng. và một người mất tích do lỡ núi. Cầu Daktrăm bị sập. cầu Dakrơ ông bị cuốn trôi. Tại xã Yaxiar huyện Sa Thầy 12 ngôi nhà dân bị đánh sập. 9 hộ dân ở xã Dakha bị chìm trong lũ. Huyện Konprong cũng thiệt hại nặng nề. Mực nước sông Dakbla lên cao. Tại TP Kontum, một số nơi cũng bị sạt lở nặng như Dã tượng. Suối Dactơcan cuốn trôi cầu sắt Benlây. Làng Konhnông, lúa và hoa màu bị nhấn chìm trong nước. Xã Dakna làng Mô Bành gần 10 người bị nước cuốn trôi, nhiều nhà sập đổ. Làng Tamring, sắc tộc Xê đăng ruộng rẫy hoa màu đều ngập chìm trong lũ. 3 người trong gia đình bị núi lở chôn vùi mất xác. Xã Dakrơ có 4 người chết, 21 căn nhà sụp đổ, hai cầu treo hư hại, trên 30 trâu bò bị trôi, hàng trăm gia cầm mất mát, hai đập thủy lợi bị phá hủy hoàn toàn.

Tuy Tây nguyên không là trọng điểm của bão lũ, nhưng đã để lại sự tàn phá nặng nề với huyện Daktô và Tumơrông, trên 50 mạng người mất, ước tính trên 2 ngàn tỷ đồng cho toàn Kontum, một sự cố nằm ngoài khả năng của địa phương tự khắc phục. Trước mắt, đã có các tổ chức phi chính phủ hổ trợ 2,8 triệu USD và 20 tấn gạo cho miền Trung và Tây nguyên. Riêng UBMTTQ Kontum đã nhận được 6tỷ7 tiền mặt và hàng nghìn thùng mì ăn liền, 7 tấn gạo, 600 suất quà, áo quần, chăn mền… từ các doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai 1 tỷ đồng, công ty Đầu tư SG-Tây nguyên 500 triệu, Viettel Kontum 200 triệu, cty cổ phần nông sản thực phẩm Quảng Ngãi 50 triệu, tổ chức lương nông Liên Hiệp Quốc hổ trợ Kontum 200.000 USD. Binh chủng phòng không- không quân cũng góp phần vận chuyển vật phẩm từ Đà Nẵng lên Kontum, bộ đội Kontum cũng xông pha vào vùng sâu vùng xa vận chuyển lương thực và giúp đồng bào về chỗ an toàn.
Ngoài ra những đơn vị như Y tế, hội chữ thập đỏ, báo chí,các cơ quan, đơn vị và tư nhân đã nổ lực vận chuyển cứu trợ kịp thời.

Trong chiều hướng đó các chùa và Phật tử ráo riết vận động quyên góp hàng ngày đều có các chuyến hàng chuyển về Tây nguyên như: Chùa Kỳ Quang, chùa Liên Hoa Quận 5, chùa Vĩnh Nghiêm…mỗi ngày trên 10 chuyến hàng cứu trợ. Sáng 15/10/09, văn phòng Ban Thường Trực TW GHPG cũng có mặt.
Đoàn chùa Kỳ Quang 2 kết hợp với thầy Truyền Cường, quý sư cô và Phật tử người Hoa, thầy Huệ Minh, Minh Khương, Minh Thọ, Vân Phong…vào tận xã Dak p’xi, cách Dakha trên 30km đường lầy lội.phải nhờ xe cẩu đưa các xe bị lún sình qua truông, thế nhưng, vào hơn 10km nữa, đến xã Dak P’xi, đoàn phải chuyến xe hai bánh để vào 9 ấp vào sâu trong vùng chập chùng núi rừng. Trên 10 km đường lầy lội, có nơi phải qua bộ, nước chiếm hầu hết các truông và vùng trủng, thậm chí cắt đứt ngang đường, tạo một hố sâu, xe phải lội nước lấy trớn lên đồi dốc thật cao, có xe bị trơn trượt lật ngã rơi xuống suối. Con đường bình thường bắt qua bởi chiếc cầu đúc, nay sình ngập lên đến thành cầu. Mặc dù đường đất đỏ ôm sát sường núi, nhưng mặt đường biến thành những rãnh lươn sâu hoắm, xe hai bánh vất vả lắm mới khỏi lọt bánh xuống mương. Đáng ra, chính quyền phải thông báo cho dân biết quy tập ra xã để nhận hàng, tuy ban tổ chức đã thông báo trước, nhưng khi hàng vào đến nơi, dân không ai biết, đoàn phải chia làm nhiều toán vào tận các ấp thì lúc đó dân đã đi rẫy!
Chiều phát tại Dak H’ring quà, sáng hôm sau lại vượt trên 80 km đèo dốc hẹp và trơn đến trao quà cho dân tại huyện K’long. Tuy đường sâu, xa và mệt, nhưng mọi người đều hoan hỷ.

Các ấp vùng xa bị cắt đứt với thế giới bên ngoài bởi sông suối và đất lở; Có vùng, tuy dân không bị thiệt mạng nhưng tài sản không còn gì, ruộng rẫy bị ngập chìm dưới khối sình hơn một thước. Nhà bên nay sông của xã Dak P’xi, số nhân mạng thất thoát cũng như tài sản thiệt hại quá lớn, hầu như không còn gì để gầy dựng lại sự nghiệp; Các chuyến cứu trợ không cách nào vào tận nơi.

Người dân quanh năm sống bằng nương rẫy, mùa thu hoạch cà phê cũng là lúc đồng bào sắc tộc đi làm thuê có thêm con mắm con khô cho bữa ăn mặn mòi, thường họ ăn lá khoai mì hoặc rau rừng thiếu cả muối hột.Nhưng người sắc tộc có 2 vấn đề mà chính quyền nên truyền thông cho thích hợp với cuộc sống, đó là con quá đông và thường uống rượu quá nhiều.
Người dân hiền hòa chất phát, các vùng sâu đa số theoTin Lành. Dak hà là Huyện sung túc nhất trong 7 huyện. Dak hà có 5 hồ mà hồ Dak Uy lớn nhất tỉnh. Riêng Dakhà có 8 xã, cuộc sống Dak Hà khá sung túc và nhiều ưu thế hơn các xã khác.

Vị trí địa lý:
Kon Tum là một tỉnh miền núi vùng cao, biên giới ở phía Bắc Tây Nguyên. Nằm trong tọa độ địa lý, có kinh độ kéo dài từ 107o20’12" đến 108o32’30" độ kinh đông; có vĩ độ từ 13o55’10" đến 15o27’15" vĩ độ bắc.
Tỉnh Kon Tum phía Bắc giáp với tỉnh Quảng Nam, có chiều dài 142 km, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai với chiều dài 203km; phía Đông giáp Quảng Ngãi với chiều dài 74km; phía Tây giáp 2 nước bạn Lào và Campuchia dài 275km. Dân số gần 38 vạn người, với các dân tộc bản địa là Xê Đăng, Jẻ Triêng, Ja Rai, Ba Na, Brâu, Rơ Mâm và dân tộc Kinh và nhiều dân tộc thiểu số khác cùng chung sống
Đến nay Kon Tum có 9 đơn vị hành chính là thị xã Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi và Đăk Glei. Với diện tích gần 10.000 km2 chiếm 3,1% diện tích cả nước. Với diện tích gần 10.000 km2 chiếm 3,1% diện tích cả nước. Với 2 vùng khí hậu Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn.
Nhìn chung, phần lớn lãnh thổ Kon Tum nằm ở phía Tây Trường Sơn, địa hình có hướng thấp dần từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Địa hình đa dạng: đồi núi, cao nguyên và thung lũng xen kẽ nhau.


1. Dân số chia theo giới tính, thành thị/Nông thôn và đơn vị hành chính 1/4/2009
Tỉnh/thành phố Tổng số Thành thị Nông thôn
Tổng số Nữ Tổng số Nữ Tổng số Nữ

Kon Tum 430.037 211.662 145.484 72.208 284.553
139.454


(tư liệu của hành chánh Kontum)


Như vậy, với mật độ dân số và diện tích như thế, Kontum có nhiều lợi thế để phát triển. Qua cuộc loạn lũ và bão, cho thấy Kontum chuẩn bị khá tốt nên tổn thất tương đối nhẹ so với các bản làng xa xôi có nơi trên dưới trăm km. Tại xã huyện Dak Hà, ông chủ tịch Phạm Đức Hạnh đã đích thân vào các xã ấp để điều động nhân sự ứng cứu cấp thời. Ông ta cũng thiết lập một số thùng đựng nước để cho nhân dân các xã có nước dùng khi con suối đã đục màu khốn khổ.

Một số núi bị cày xới,không đủ rễ để giữ đất, đưa đến sạt lở, cây to bị sát phạt nên bảo dễ hoành hành, nước tuôn từ thượng nguồn làm ngập các thôn làng; những yếu tố môi trường không được bảo vệ tốt, người dân đã xem nhẹ các nguyên nhân đưa đến thiên tai khủng khiếp như hiện nay.

Thiên tai không chừa một ai, các nhà khoa học và tôn giáo, các nhà lãnh đạo tâm linh luôn báo động về tình trạng thay đổi khí hậu hiện nay, nhưng chưa quốc gia nào có biện pháp chế tài để người dân nghiêm chỉnh chấp hành hầu bảo vệ hành tinh xanh và cuộc sống an lành của nhân loại.

Tây Nguyên hay miền Trung, Việt Nam hay Indonesia, Philippines, Ấn độ bất cứ quốc gia nào cũng đều là nạn nhân của sóng thần, của núi lửa, động đất, bão lũ, bệnh tật, thời khí… dấu tích thiên tai trên hành tinh nầy còn xuất hiện đó đây. Đã có trên 25 hòn đảo chìm vào đại dương và 200 hòn đảo có nguy cơ không còn trên địa dư thế giới. Dự báo vào năm 2050, miền Tây Nam bộ Việt Nam sẽ bị biển xâm lấn phần lớn.
Phải chăng, Thiên tai đến với Việt Nam qua cơn bảo số 9 là một cảnh báo khẩn mà nhà nước nên quán triệt đến toàn dân về nguy cơ môi sinh, về cách sống bản thân và ngay cả thực dưỡng.

Cứu trợ để chia sớt, Chứng kiến để cảm thông, cũng chưa đủ mà phải cảm nhận cái khổ đó là của chính mình, của dân tộc mình trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Ta làm gì hơn chứ không chỉ chia sẽ và cảm thông là đủ.

MINH MẪN
15/10/09