Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

TƯỞNG NIỆM 50 NĂM BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC


Ngày 20/4/ Quý Tỵ nhằm ngày 29/5/2013, chùa Quán Thế Âm, đường Thích Quảng Đức, Phú Nhuận đã cử hành tưởng niệm 50 năm ngày Bồ Tát thích Quảng đức tự thiêu để bảo vệ  sinh tồn cho Phật giáo Việt Nam.

Chủ trương chung của Giáo Hội, môn nhơn pháp quyến tại chùa Quán Thế âm đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm, có sự tham dự của chư Tôn giáo Phẩm các cấp, các ban ngành đại diện Trung ương, Thành Phố, quận Phú Nhuận, Tăng ni một số quận huyện nội ngoại Thành và Phật tử, nghệ sĩ, các websites Phật giáo, tôn giáo bạn cùng có mặt.

Trước đó một ngày, tức chiều 28/5, chùa Quán Thế Âm cũng thiết đãi trai phạn cho chính quyền TP, quận Phú Nhuận, anh chị em nghệ sĩ Phật tử...

Ngày 20/4/1963, ngày lịch sử mà ngọn đuốc Bồ Tát Thích Quảng Đức đã đánh động lương tâm thế giới về nhân quyền và sự bình đẳng các tôn giáo mà đạo dụ số 10 đã khép Phật giáo vào pháp nhân của những hội đoàn

Hiện nay, mỗi người đứng một góc độ để nhìn và đánh giá ngọn đuốc sống đó. Nội tình Phật giáo Việt Nam dĩ nhiên xem sự tự thiêu của Bồ Tát là một hạnh nguyện cao cả trước sự bất công của một chế độ; Nhưng một góc độ khác của tầm nhìn chính trị, họ xem Bồ Tát chỉ là nạn nhân, không phải nạn nhân của một chế độ mà cả chế độ đương thời đều là nạn nhân của một chiến lược trong tay các thế lực chi phối Việt Nam lúc bấy giờ; Một nhóm khác ác cảm với Phật giáo thì xem Bồ Tát Thích Quảng Đức là nạn nhân của nhóm  người nuôi mộng quốc sư; gần đây, có những bài viết xuyên tạc sự hy sinh của Bồ Tát một cách méo mó, cho là Ngài bị cưỡng bức phải thiêu...

Ai cũng có quyền đánh giá ngọn đuốc sống đó theo quan điểm và nhận thức của mình, nhưng kết quả mà không ai có thể phủ nhận là ngọn lửa của Ngài đã đốt cháy một chế độ mà những ngọn đuốc trước đó chưa đủ lực đánh thức lương tri của nhân loại. Thực tâm của Ngài cũng như Phật giáo lúc bấy giờ không ai muốn thay đổi một thể chế mà chỉ cần thay đổi một chính sách bất bình đẳng giữa các tôn giáo. Bao nhiêu sự hy sinh thầm lặng cũng như bảy ngọn đuốc lấy thân mình thay cho tiếng nói để nhà cầm quyền biết lắng nghe nguyện vọng của người dân, rất tiếc, do chủ quan và do gia đình trị nắm mọi quyền lực, xem thường sức mạnh người dân nên sự sụp đỗ của nhà Ngô là điều tất yếu khi có bàn tay bên ngoài xen vào; Như thế, việc Phật giáo hy sinh thân mạng và việc Ngô triều sụp đỗ là hai việc khác nhau, tuy có liên đới bởi một sợi dây mong manh nào đó. Như vậy không nên bảo Phật giáo có công lật đổ một chế độ mà hãy nói rằng một chế độ bị lật đổ do không biết lắng nghe và không biết tháo gỡ những mắc mứu một cách tế nhị. Hơn nữa, nhà Ngô và anh em họ Ngô không tin Phật giáo là một lực lượng quần chúng khi quanh họ có lực lượng Cần Lao Nhân Vị làm vệ tinh, và hậu thuẩn vững chắc bởi lực lượng Giáo Hội Kito giáo Vatican; Tham vọng của Đức giám mục Ngô Đình Thục cũng là nguyên nhân tạo bức xúc cho quần chúng không theo Ki tô giáo.

Sự kiện xầy ra tại đài phát thanh Huế đã làm bùng lên những ngọn lửa của Tăng Ni Phật tử lúc bấy giờ mà nhiều năm liền, các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, các Phật tử tại gia, các quân nhân và cán bộ hành chánh luôn bị sách nhiễu, đe dọa, thậm chí bị bắt cóc thả sông mà báo cáo các tỉnh miền Trung luôn gửi về văn phòng Giáo hội lúc bấy giờ. Khi Ủy Ban Liên Phái được thành lập để có tiếng nói chính thức với nhà nước,lại là lúc nhà nước vừa đánh vừa đàm, bên ngoài thì xoa dịu, hứa hẹn, nhưng bên trong vẫn tiếp tục khủng bố, bắt cóc, ám sát, bỏ tù...

Chuyện đã qua trên 50 năm, nhắc lại để thấy cái lỗi không phải từ Phật giáo mà một số vị thất sủng luôn quy chụp vu khống những cao Tăng lãnh đạo phong trào lúc bấy giờ. Phật giáo không hận thù bất cứ ai thì chúng ta cũng nên hòa ái để tính tương liên giữa tôn giáo với tôn giáo thể hiện đức cao thượng của các đấng giáo chủ chúng ta đang tôn thờ. Lịch sử chỉ là giai đoạn, và chẳng may, dân tộc ta là nạn nhân của một sách lược trong một giai đoạn, hận thù luôn đưa dân tộc vào con khốn đốn. Một dân tộc được thấm nhuần nhiều tôn giáo lớn như Việt Nam, chẳng lẽ, tâm linh của những tôn giáo lớn không đủ giúp cho dân tộc vượt qua mọi hận thù đau khổ! Những ai vinh danh tín đồ của một tôn giáo thì cũng không nên nhuộm đen sự trong sáng của tôn giáo mình khi vinh danh tôn giáo đem lại đau khổ cho anh em trong một dân tộc.

1963 -2013, tuy 50 năm trôi qua với nhiều biến thiên của dân tộc, nhưng ngọn đuốc của Bồ Tát Quảng Đức vẫn được thế giới đánh giá là một ngọn đuốc lịch sử không mang màu sắc chính trị hay một hận thù bạo động, Những ngọn đuốc của Phật giáo đương thời luôn là một hy sinh tột cùng để yêu cầu một nguyện vọng tất yếu và nhỏ nhoi nhất.
Hãy để ngọn đuốc đó, không chỉ là biều tượng của Phật giáo trong một giai đoạn mà là ngọn đuốc của nhân loại đốt tan bóng tối vô minh của lòng người. Bằng sự tôn kính của người con Phật, bằng lương tri của con người trước mọi vô minh, Bồ Tát Quảng Đức vẫn là biểu tượng của nhiều thế kỷ về sau.
                                                         
                                                          MINH MẪN
                     

                                        29/5/2013

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

THICH NGỘ CHÁNH LÀ AI???



Đọan băng ghi âm cuộc đối thoại giữa ông Nguyễn Hữu Tư, trưởng Ban tôn giáo kiêm Phó sở  Nội vụ Tỉnh Bình Phước và tu sĩ Thích Ngộ Chánh cho thấy  những vấn đề mắc mứu còn nặng nề quanh vụ tượng Phật bị chặt đầu ở Bà Rá mà người quay trực tiếp sẵn sàng làm chứng.

Đang là mùa Phật Đản, giữa niềm hân hoan của người con Phật cộng với đại tang của Phật giáo mà các cao Tăng chức sắc lần lượt ra đi, ngỡ chừng vui buồn lẫn lộn, thì trong số hàng chục ngàn tu sĩ hiện nay trong nước, xuất hiện một tu sĩ với tên gọi: Thích Ngộ Chánh, luôn bức xúc sự kiện đã xầy ra tại Bình Phước làm xôn xao trong cộng đồng Phật giáo, tưởng rằng các văn bản giải trình của BTSPG Bình Phước và chính quyền Bình Phước khỏa lấp được những việc đáng tiếc đó, nhưng chuyện đáng tiếc vẫn là nỗi bức xúc chưa được thỏa mãn của  một tu sĩ ở vùng sâu vùng xa, địa đầu giới tuyến của tỉnh Bình Phước.

Tu sĩ T. Ngộ Chánh đã gửi văn bản yêu cầu ông Nguyễn Hữu Tư lên tiếng xin lỗi  Phật giáo về hành động hủy phá tượng Phật ngoài ý muốn mà cơ chế Phật giáo hiện nay đồng thuận với sự giải trình mập mờ của BTSPG Bình Phước, không được phúc đáp, tu sĩ  T. Ngộ Chánh trực tiếp gọi điện thỉnh ý với lời lẽ và xưng hô thật khiêm hạ của một tu sĩ đối với một quan chức đương quyền; Nội dung không ngoài vấn đề để bảo vệ danh dự cho  nhà nước trước sự kiện đó, nếu ông Nguyễn Hữu Tư khôn ngoan thì nên trả lời một cách khiêm tốn, vừa lòng kẻ chất vấn cũng như quần chúng sẽ thấy được cái tâm tôn trọng của ông đối với Phật giáo. Có lẽ do thói quen cửa quyền, ông ta nói: "muốn gì thì cứ lên gặp ông ta", ông ta không cần trả lời vì cơ quan đương quyền trả lời rồi, chẳng những thế  ông ta còn hăm he đe dọa  sẽ đến xã Đăng Hà để kiểm tra cơ sở của tu sĩ T. Ngộ Chánh.

T.Ngộ Chánh đang gặp khó khăn tại địa phương, tại sao lại phải đương đầu với một quan chức nắm quyền sinh sát tôn giáo như Nguyễn Hữu Tư? Tu sĩ T. Ngộ Chánh có suy nghĩ kỷ khi lên tiếng vụ việc nầy? Nếu Nguyễn Hữu tư với tâm nhỏ hẹp, liệu tu sĩ T. Ngộ Chánh sẽ được yên thân giữa chốn hoang vu rừng núi?

Tuổi trẻ có những bốc đồng để bộc lộ tâm tư của mình trước vấn nạn mà cha anh không ai dám lên tiếng, có lẽ vì thế mà tu sĩ T. Ngộ Chánh trực tiếp đặt vấn đề với ông Nguyễn Hữu tư chỉ cần một lời xin lỗi với Phật giáo, cho dù  xin lỗi không thật lòng, nhưng ông Nguyễn Hữu Tư chưa quen nếp văn hóa khiêm hạ khi mà sự khiêm hạ của một tu sĩ trẻ đối với một quan chức chưa hẳn vì e sợ quyền lực của ông ta.
Rất tiếc những cán bộ đương quyền không biết cách gắn bó với quần chúng bằng sự thân thiện mà luôn tỏ ra uy quyền không cần thiết.

Hãy nghe cuộc đối thoại giữa tu sĩ T,. Ngộ Chánh và ông Nguyễn Hữu Tư qua đoạn băng ghi âm sau đây.
                                                                       MINH MẪN
                                                                          21/5/2013

http://voluongcongduc.com/news/news/Su-Kien/Noi-chuyen-cua-DD-Ngo-Chanh-voi-nguoi-quay-phim-vu-dap-pha-tuong-Phat-tai-Binh-Phuoc-188/

DIỄN VĂN MỪNG KHANH ĐẢN 2013 TẠI NHÓM KHIẾM THỊ HỐC MÔN


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

kinh bạch chư tôn ĐĐ Tăng
kinh thưa quý huynh đệ hiện diện

Trước hết, tôi xin thay mặt nhóm Thiện nguyện, trang trọng kính đến tất cả lời chào đón chân thành và hỷ lạc.

Kinh thưa quý vị, Năm nay, đặc biệt chính phủ cho phép toàn quốc tổ chức đón mừng Phật Đản suốt tuần từ mồng 8 đến rằm; không những các am tự viện, các cơ sở  Phật giáo, ngay cả tư gia thiện tín cũng được phép treo cờ giăng đèn, căng băn rôn và làm vườn Lâm Tỳ Ni…nghĩa là mọi cách để tôn vinh ngày Đản sanh của đấng cha lành trong 6 cỏi; đồng thời, kỷ niệm 50 năm ngày Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu để bảo vệ công bằng cho Phật giáo mà đạo dụ số 10 bị nhà Ngô dùng làm phương tiện kềm hãm và triệt tiêu Phật giáo. Suốt thời gian để có ngọn đuốc làm lay động lương tâm thế giới như thế, đã có nhiều tu sĩ, tín đồ bị sát hại trong thầm lặng ở miền Trung Việt Nam chúng ta vào thập niên 1963 về trước.

Phật giáo tồn tại và phát triển được như hôm nay, chư Thánh tử đạo đã hy sinh bao xương máu một cách bất bạo động, lấy thân mình làm ngọn đuốc soi sáng chân lý, và ngoài ý muốn, ngọn đuốc của Bồ Tát Thích Quảng Đức lại là giọt nước cuối cùng cuốn trôi chế độ độc tài gia đình trị của nhà Ngô. Ngọn lửa Từ bi đó đã xóa tan lửa hận thù mà đảng Cần Lao Nhân Vị, vệ tinh bảo vệ chế độ đã bị cháy theo thân xác của các Thánh tử đạo. Sở dĩ chúng tôi nói là ngoài ý muốn, vì Nguyện vọng của Phật giáo chỉ đòi hỏi quyền bình đẳng giữa các tôn giáo mà nhà Ngô đã khép PG vào  luật của các hiệp hội, ngoại trừ Công giáo lúc bấy giờ. Và sau đó, 1964, PGVN đã có một mùa Phật Đản huy hoàng tổ chức tại bờ sông Bạch Đằng, tại quận nhất, Sài gòn. và kể từ đó, mùa Phật đản lịch sử  sau đó chìm lặng  bởi khói lửa đao binh, cho đến 2008, nước nhà thống nhất, Phật đản được tái hiện dưới danh nghĩa đại diện Liên Hiệp Quốc, Vesak tại Hà nội hình thành.

Năm nay, tuy Phật giáo chịu nhiều tang chế của những đại lão chức sắc trong giáo hội viên tịch, chúng ta vẫn cố gắng tưởng niệm ngày Đản sanh của đức Từ phụ nhân kỷ niệm 50 năm Bồ Tát T.Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Nơi đây, để hưởng ứng tinh thần chung của GH đề ra, trong khung viên chật hẹp của con hẽm xóm lao động, nhóm Thiện nguyện được quý thầy, các anh chị em đạo hữu tham dự kỷ niệm mùa Khánh đản  và tưởng nhớ  50 năm ngày Bồ Tát T. Quảng Đức, vị pháp thiêu thân.

Ngưỡng bạch chư tôn đức và kính liệt quý huynh đệ. Nhân dịp đón mừng Khánh đản năm 2557, xin thay mặt nhóm,  thông qua ý nghĩa xuất hiện của Thái Tử Tất Đạt Đa cách đây gần ba ngàn năm về trước, để quần chúng tín đồ được am tường:

“Gần ba ngàn năm qua, bao biến thiên trên hành tinh, bao tiến bộ của loài người, bao học thuyết ra đời và bao giáo chủ xuất hiện, thế mà giáo thuyết Phật giáo, lịch sử đức Phật được vẫn xem là một huyền thoại khó tin, vẫn tồn tại trong cuộc sống của nhân loại cho đến hôm nay, cứ như là mới lạ đối với loài người trong thời đại văn minh tiến bộ hiện tại.

Thảo nào - Albert Einstein bảo:  “ Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo chung cho cả vũ trụ. Tôn giáo này siêu việt trên một đấng Thiêng liêng nào đó và tránh hết mọi giáo điều và thần học. Bao trùm cả thiên nhiên lẫn tinh thần tôn giáo, tôn giáo này phải căn cứ vào ý niệm đang phát sinh từ những thực nghiệm của mọi vật, thiên nhiên và tinh thần như một sự thuần nhất đầy đủ ý nghĩa. Ðạo Phật đáp ứng được điều đó” – Albert Einstein (trang 54).

Những biểu tượng từ lúc Thái tử sanh ra, người ta cho là huyền thoại được thánh hóa bởi những tín đồ cuồng nhiệt, sự thật, đã là biểu tượng đều hàm tàng triết lý của một bậc thánh nhân. Phải hiểu rằng, biểu tượng hay dụ ngôn là một chiếc bóng đi kèm với hiện thể.

Cổ nhân thường ví, cái gì thuộc bên phải, thuộc lẽ phải – là chân  lý. Hình ảnh Thái tử sanh ra từ hông phải của hoàng hậu Maya, không phải từ nách chui ra mà Thái tử xuất hiện  từ một chân lý, một lẽ phải của đời người;  Chẳng những thế, con người mang đủ thất tình lục dục, hỷ nộ ái ố…trong thân chúng sanh do tham sân si mà ra, nhưng, Thái tử Tất Đạt Đa, từ chân lý mà ra, vì thế, vượt trên mọi thất tình phàm tục đó,  thất tình được chuyển hóa thanh tịnh  thành bảy hoa sen đỡ gót ngọc, nghĩa là Ngài vượt trên thất tình phàm tục, chính vì thế. Khi Thái tử đưa tay mặt chỉ Trời, tay trái chỉ đất bảo: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ!”.

Chúng sanh trôi lăn trong 6 đường, tâm nhiễm ô bị sai sử bởi danh-lợi-tình; tâm dính mắc mà tự cho là bản Ngã của mình, nhưng khi tâm được chuyển hóa, khai ngộ, tuệ giác xuất hiện thì cái Ngã đó không còn là chấp ngã phàm phu, thức  thứ 8 chuyển thành “Bạch tịnh thức” để rồi Thức  biến thành Trí; cái ngã mà Thái tử tuyên bố như một tuyên ngôn lịch sử của bậc giác ngộ, không còn là cái ngã phàm phu tục tử, vì thế, không thể nói là Ngài cao ngạo khi bảo: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, bởi vì, tiếp câu đó là: “Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ!”.

Có nghĩa: Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè... của ngươi đã bị mục rã cả rồi...” Pháp Cú câu 154

Rõ ràng là Ngài đã tận diệt mọi nguyên nhân làm thân chúng sanh miên viễn trong luân hồi lục đạo. Tuyên ngôn vững chắc đó kết hợp với bảy bước chân giải thoát trên “thất tình”  đã chuyển hóa thành hoa sen, chính vì vậy, Ngài xuất hiện từ bên phải của chân lý, đã xác định một “tính giác” trên trời dưới trời là một “tánh giác tuyệt đối mà vô số kiếp trôi lăn sanh tử, nay được đoạn tuyệt.

Ý nghĩa ra đời của Thái tử  là một hàm ý trọng đại xác định Phật tính trong mỗi chúng sanh khi đã hoàn giác thì  cái “duy ngã” đó là một tối thượng chứ không phải là đấng được độc tôn như cái hiểu đầy ngã chấp thường tình.

Từ sự xuất hiện mang tính biểu tượng triết học lẫn văn học, hoàn toàn tự lực của mỗi cá thể, thoát khỏi tín điều Thần học của các tôn giáo đương thời tại Ấn Độ cũng như về sau, một Tuyên Ngôn có một không hai xác định giá trị của từng cá thể, đó là một chân lý tuyệt đối đáng cho các triết gia, học giả và nhân loại tán dương như một Albert Einsten đã từng ca tụng. Như thế, việc đón mừng ngày Đản Sanh của Đức Từ phụ, không chỉ là một thủ tục mừng ”sinh nhật” bình thường của con người hay ngày sanh của một giáo chủ, mà là ngày nhắc nhở những người con Phật phải luôn ý thức về khả năng trong mỗi chúng ta về con đường đang đi như đức Bổn sư đã đi.

Tuy gần ba ngàn năm đức Phật nhập diệt, nhưng những biểu tượng từ lúc ra đời đến lúc nhập diệt, suốt 49 năm giáo hóa, Kinh tạng vẫn là một hàm ý hiện thể cho các “học giả” và cũng như nhập thể cho các “hành giả”. Suốt ba ngàn năm đó vẫn xuất hiện những hành giả nhập lưu và xác định sự thành đạt của các hành giả đang hành trì miên mật. Giá trị một biểu tượng xuyên suốt “ngôn hành” hợp nhất đó đã xác định một chân lý của Phật giáo. Ngưỡng mong tất cả chúng ta tinh tấn và nắm bắt được cốt tủy của Phật giáo để một đời làm người và một đời  làm con Phật không uổng phí.

Kinh mừng  một mùa Phật đản an lạc, hạnh phúc thực thụ chứ không là một huyền thoại như lầm tưởng suốt thời gian dài dưới mắt hoang tưởng của chúng ta.

 Thay mặt ban tổ chức đại lễ Phật Đản nhóm thiện nguyện , tôi xin được tuyên bố lý do  buổi lễ hôm nay

                        NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT
                                    
                                      mồng 10/4/quý tỵ 19/5/2013




PHẬT ĐẢN 2013 CỦA NHÓM KHIẾM THỊ HỐC MÔN





































Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Phật đản về với nhóm khiếm thị Hóc Môn


Quý Phật tử khiếm thị cùng thầy cử hành khóa lễ Phật đản

17 giờ chủ nhật ngày 19/5/2013, tại khu lao động xã Xuân Thới Thượng, ấp ba, gần chợ đầu mối nông sản Tân Xuân, hàng năm, lễ Phật Đản đều được giăng cờ treo đèn chạy dọc trong xóm ra đến đầu ngõ, từ căn nhà cấp 4 của vợ chồng Tài-Trâm, một gia đình khiếm thị, cũng là một gia đình Phật giáo ngoan đạo, gương mẫu trong khu lao động nghèo thuộc huyện Hốc Môn, ngoại vi TP HCM.


Những năm trước, được TT Chân Tính chùa Hoằng Pháp đến chứng minh và chủ lễ,  năm vừa rồi (2012) được sư cô giảng sư Thích nữ Hương Nhũ thuyết giảng. Tuy nằm trong con hẽm sâu, nơi đây, tuy vừa là tư gia cũng vừa là niệm Phật đường, mọi sinh hoạt như vừa là cá nhân nhưng cũng vừa là công cộng. HT T. Huyền Diệu cũng từng đến nơi đây trò chuyện cùng anh chị em và quý Phật tử.
Hai vợ chồng làm gia công chổi nhựa  để sống, nhưng không rời sự tu tập và làm từ thiện. Nhóm có số lượng trên dưới 60 vị, một số là người sáng mắt tham gia để giúp công việc cho anh chị em khiếm thị. Mỗi năm lễ Phật Đản, họ đều huy động anh chị Phật tử đến hỗ trợ; so với một nhà tư gia thì đây là một tư gia gương mẫu tổ chức Phật Đản không thua một ngôi chùa, ngược lại có nhiều chùa không treo cờ hay sinh hoạt mừng Phật đản như một tư gia như thế.
Năm nay, tuy không rầm rộ như những năm trước, nhưng hình thức tổ chức không kém phần long trọng. có lân cung nghinh ngọc Xá Lợi từ Hốc Môn về niệm Phật Đường, có chư Tăng làm chủ lễ, có văn nghệ mừng Khánh Đản, và dĩ nhiên có đãi ăn nhẹ mà món ăn không ai quên được hương vị đậm đà, đó là bún Huế.
Nhóm Thiện Nguyện sinh hoạt gần 6 năm, do tùy tâm đóng góp của các thành viên, để cứu trợ thiên tai, giúp nạn nhân trong cơn ngặt nghèo, cúng dường  những vị chân tu ẩn cư; ngoài ra, hai vợ chồng bỏ tiền túi, chép băng dĩa giảng của quý thầy để làm pháp thí.  Tuy là tư gia, nhưng vẫn sinh hoạt như ngôi chùa, bất cứ ai đến cũng được, vui thì ở lại, chán thì ra đi, những anh em thất nghiệp,  về đây nằm nghe pháp. Có lẽ đây là nhóm khiếm thị duy nhất trường trai, biết làm từ thiện và chuyên tu tập. Chính vì toàn tâm hướng về Tam Bảo mà được mọi người yểm trợ mỗi khi tổ chức lễ lộc. Gia đình nầy được xóm giềng dành cho sự kính trọng  và quý mến. Những cuộc cải vả gây gổ trong xóm dần dần cũng giảm bớt khi thấy gia đình khiếm thị sống rất hạnh phúc, hòa thuận vui vẻ, giang tay rộng đón mọi người.
Múa lân mừng Phật Đản
Sau khi đoàn lân  lễ bái Tam Bảo và ngọc Xá Lợi, năm nay lân của GĐPT Đức Hiền tiến bộ hơn, biết phun lửa biểu diễn, chào giáo kỳ, diễn văn khai mạc, thầy chủ lễ nói chuyện với đại chúng, văn nghệ do các em khiếm thị trình bày, đại chúng lần lượt đến chiêm bái Ngọc Xá Lợi và các anh chị khiếm thị lễ bái Tam bảo.
Phật tử Trâm hát mừng thầy
Cơn mưa đầu giờ chiều ngưng lại cho buổi lễ được hoàn thành trong niềm hoan hỷ của những ai có mặt. Khung viên chật nhưng lòng người bao la để đón mùa Phật Đản nhiều hương vị tại xóm lao động nghèo. Đó là mùa Phật đản thứ 6 của nhóm khiếm thị từ thiện tại Hốc Môn.
  MINH MẪN                                                                       
20/5/2013

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Khi tôn giáo bị mắc bệnh béo phì



Trong xã hội có cuộc sống sung túc, con người hưởng thụ không biết dè chừng, đưa đến béo phì, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh hoạn. Bố mẹ cưng chiều con bằng những dinh dưỡng không cân nhắc, cũng biến con thành trẻ béo phì. Ngành nghề nào cũng thế, béo phì là trạng thái lạm phát không cân xứng, dẫn đến nhiều nguy cơ bất cập cho tự thể.
Trong lãnh vực tôn giáo, lịch sử thế giới cho thấy những tôn giáo được chế độ trọng dụng, lạm dụng, biến tôn giáo trở thành sức mạnh hậu thuẩn chế độ như thời Constantine, Ki-tô giáo lúc bấy giờ trở thành quốc giáo, đồng thời là đại nạn cho chính bản thân của tôn giáo nầy. Ngày nay, Miến Điện xem Phật giáo là quốc giáo, các sư lạm quyền quá đà gây tang thương cho những người không cùng tín ngưỡng. Hồi giáo cực đoan cũng vậy, gieo bao chết chóc cho nhân loại vì vị thế của họ được luật pháp sở tại chăm bón một cách tuyệt đãi, và tổ chức của họ tự nhận mình "thế thiên hành đạo" để sẽ nhận phần thưởng cao quý ở Thiên đường khi đồng loại là đối tượng cần triệt tiêu!
Việt Nam, Đạo Phật  một thời từng là quốc giáo, nhưng rất may, các vua chúa đều là những cư sĩ chân tu, không sử dụng Phật giáo làm lực lượng hậu thuẩn chế độ, nhưng chế độ ưu đãi Phật giáo không quá mức đến độ tín đồ Khổng Lão đương thời phải ghen tỵ. Chư Tăng bấy giờ có khuynh hướng giải thoát hơn là bành trướng thế lực, đó là điều kiện Phật giáo không đi quá đà trong xã hội bấy giờ. Cái tinh túy  của Phật giáo trong kỷ nguyên Lý Trần Lê được phổ biến và thâm nhập sâu rộng trong đời sống quần chúng và vua quan, chính vì thế, vừa chất vừa lượng song hành cân đối; Chùa chiền phát triển, đạo chúng huân nghiêm, hành giả đắc pháp  làm nơi nương tựa cho quần chúng và mẫu mực cho xã hội, do vậy, trên bốn thế kỷ, đất nước thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp, ngoại xâm không dám dòm ngó.
Những thế kỷ cận đại, đất nước chìm trong binh biến, thời gian dài vắng bóng  hành giả thành tựu; khi văn minh Tây phương tràn ngập vào xã hội, thế hệ trẻ tiếp thu thiếu chọn lọc, thế hệ cha anh còn ngỡ ngàng trước văn hóa xa lạ của cổ nhân, mọi sinh hoạt bị đảo lộn, các Tăng sĩ lúc bấy giờ bị đẩy vào bóng tối, hòa nhập với quần chúng bằng ma chay đám tiệc; văn tự Hán Nôm khó cạnh tranh với chữ La tinh, do đó Phật giáo bị đình đốn trong việc truyền bá. Gần một thế kỷ sau, mới xuất hiện một số cư sĩ trí thức và một ít Tăng sĩ thích nghi với văn hóa mới để trang bị  và cập nhật kiếh thức thời đại, cuối thế kỷ XIX, Phật giáo VN cùng với Phật Giáo thế giới vươn mình đứng dậy. Tuy nhiên, Phật Giáo Việt Nam cũng chưa đủ năng lực tự mình vươn lên để chấn hưng nội lực giữa khói lửa quê nhà. Lúc nầy Tăng trẻ bận tâm việc trang bị kiến thức thế học; đời sống Thiền môn quy củ, sinh hoạt tông môn dần dà bị pha loãng. Với kiến thức cập nhật như thế dễ dàng cho việc hoằng pháp, nhưng nội lực hành trì đã bỏ trống.
Những năm gần đây, Phật giáo trong nước được nhiều thuận lợi, đã phát triển ồ ạt về cơ sở vật chất, về từ thiện xã hội lẫn về số lượng tu sĩ. Phần lớn cơ sở vật chất có khuynh hướng làm kinh tế dưới danh nghĩa "du lịch  tâm linh" (tâm linh làm sao mà du lịch được, mà đã là du lịch thì không có sự chuyên tu nơi đó). Mỗi cơ sở  tiêu tốn hàng chục tỷ đồng trong khi người dân nghèo đói bệnh tật tràn lan. Tu sĩ lạm phát từ chính thống đến phi chính thống (phi chính thống là các sư giả); Về từ thiện do một số bậc chân tu thực hiện, số còn lại mượn danh để kinh doanh...
Nhìn chung, về hình thức, Phật giáo phát triển nhiều mặt. Nhưng, Phật giáo không phải là một tổ chức thế tục cần số lượng khi mà chất lượng là mạch sống cốt lõi của tâm linh, vì thế, chú trọng quá nhiều về hình thức thì phần tâm linh bị hụt hẩng; đây là dạng béo phì thiếu cân xứng giữa chất và lượng đối với Phật giáo hiện nay. Hậu quả của béo phì ai cũng biết, nó phá nội tạng, suy tổn mạch sống, biến chứng đủ loại, vì thế, không lạ khi thấy một số chức sắc Phật giáo thể hiện quyền lực như một thế lực đối với các tu sĩ, điều hành Phật sự vượt cả quyền hạn mà "nội quy Tăng sự, Hiến chương GHPGVN cũng như Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo" quy định. Điều nầy, chư tôn giáo phẩm Trung ương đều biết, nhưng không biết phải điều chỉnh thế nào khi mà vẫn còn trọng dụng một số cán bộ hành chánh thiếu nhân cách, một số tu sĩ các am tự viện thiếu chuyên tu hướng về nội lực mà chỉ hướng về vật chất bên ngoài để có một cơ sở, một ngôi chùa tương xứng làm nơi du lịch cho khách tham quan hơn là một tu viện đào tạo hành giả tâm linh thực thụ.
Phật giáo Việt Nam thạnh hay suy, xin nhường lại nhận xét của mọi người, nhất là cộng đồng Phật tử hiện nay đang hướng về Tam Bảo.
Minh Mẫn (16/5/2013)

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

CHƯA !!!





Photo: CHƯA..

Thích Tánh Tuệ

Chưa đi thì chẳng có về
Chưa đến thì cũng chẳng hề ở đây.
Chưa vui vì cuộc sum vầy
Thì đâu buồn.. sẽ một ngày chia xa?

Chưa lại, thì đâu có qua
Chưa bình minh.. chẳng bóng tà huy phai .
Chưa thức, đâu biết đêm dài
Chưa chờ, đâu thấy tháng ngày lê thê..
Chưa yêu, ai biết não nề
Lạy dài '' ba chữ '' ê chề nhân sinh. ( *__* )

Chưa cô độc, kiếp một mình
Thì đâu thương những tâm tình tái tê.
Chưa lạnh lẽo lúc Đông về
Nào thương .. cơ nhỡ bên hè phố đêm.

Chưa một lần biết lặng im
Sao ta nghe được nhịp tim mọi người!
Chưa hề khóc, chẳng biết cười
Chưa cho.. sao tận lòng ngời nỗi vui.

Chưa nhìn xuống.. để ngậm ngùi..
Thì chưa biết '' Tạ ơn đời '' một phen . 
Chưa tha thứ được nhỏ nhen
Răng mà.. xóa sạch thói quen giận hờn!.

Chưa hay kiếp sống chập chờn
Nhọc nhằn thương, ghét, thua, hơn.. còn dài..
Chưa lần đến trước Phật đài
Rầu rầu sáu nẻo gọi hoài ... chạy quanh..

Chưa lặng thầm ngắm mộ xanh
Bôn ba, tất bật... để thành hư vô.
Và chưa biết tiếng '' Nam Mô..''
Tình trần chưa cạn, chưa khô nặng nề...

Chưa Đi thì chẳng có Về
Chưa Sinh thì Tử chẳng hề gọi tên
Sau mưa, trời vẫn nắng lên 
Cửa Vô Sinh vẫn rộng thênh đợi người..

Thiên thu có dáng Phật cười
Còn ta, thấp thoáng bên đời này thôi !!! ( *__ * )

Xứ Cà ri
Chiều hạ vàng
                                    Chưa...                      
Chưa đi thì chẳng có về
Chưa đến thì cũng chẳng hề ở đây.

Chưa vui vì cuộc sum vầy
Thì đâu buồn.. sẽ một ngày chia xa?

Chưa lại, thì đâu có qua
Chưa bình minh.. chẳng bóng tà huy phai .
Chưa thức, đâu biết đêm dài
Chưa chờ, đâu thấy tháng ngày lê thê..
Chưa yêu, ai biết não nề
Lạy dài '' ba chữ '' ê chề nhân sinh.

Chưa cô độc, kiếp một mình
Thì đâu thương những tâm tình tái tê.
Chưa lạnh lẽo lúc Đông về
Nào thương .. cơ nhỡ bên hè phố đêm.

Chưa một lần biết lặng im
Sao ta nghe được nhịp tim mọi người!
Chưa hề khóc, chẳng biết cười
Chưa cho.. sao tận lòng ngời nỗi vui.

Chưa nhìn xuống.. để ngậm ngùi..
Thì chưa biết '' Tạ ơn đời '' một phen . 
Chưa tha thứ được nhỏ nhen
Răng mà.. xóa sạch thói quen giận hờn!.

Chưa hay kiếp sống chập chờn
Nhọc nhằn thương, ghét, thua, hơn.. còn dài..
Chưa lần đến trước Phật đài
Rầu rầu sáu nẻo gọi hoài ... chạy quanh..

Chưa lặng thầm ngắm mộ xanh
Bôn ba, tất bật... để thành hư vô.
Và chưa biết tiếng '' Nam Mô..''
Tình trần chưa cạn, chưa khô nặng nề...

Chưa Đi thì chẳng có Về
Chưa Sinh thì Tử chẳng hề gọi tên
Sau mưa, trời vẫn nắng lên 
Cửa Vô Sinh vẫn rộng thênh đợi người..

Thiên thu có dáng Phật cười
Còn ta, thấp thoáng bên đời này thôi !!! 
( *__ * ) 
Thích Tánh Tuệ - Kathmandu chiều hạ vàng 

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

NGƯỜI ĐI ĐỂ LẠI NHỮNG GÌ?


Tuần thất thứ ba của Trang Thị Ngọc Phượng được anh chị em nhóm khiếm thị do chị Nga hướng dẫn, tổ chức cầu siêu tại  chùa Thiên Quang – Bình Dương sáng ngày 05/4/2013.
Chị Nga là một người khiếm thị đầu tiên có duyên lớn  nhận được bản kinh chữ nổi  (braille) Mà cô Tịnh Trí  đã quan tâm với những anh chị em khiếm thị, tiếp sau đó, chị Trang Thị Ngọc Phượng từ Canada về, qua sự trợ lực của sư cô Hương Nhũ  (cũng là chị em kết nghĩa của Phượng), các bản kinh dành cho người thiếu ánh sáng lần lượt ra đời, từ đó, ba người nhận được kinh là chị Nga- Phương Trâm và chị Thảo, dần dà những vị khác tiếp tục nhận được kinh để rồi từ đó, phần lớn anh chị em khiếm thị đều đọc tụng thuộc làu khi tham dự các khóa tu chung với người sáng mắt.  Hay tin chị Trang Thị Ngọc Phượng ra đi,  tất cả nhóm khiếm thị như hụt hẩng, tuy biết rằng ngày đó sẽ đến, năm 2012, chị Phượng từ Canada về thăm quê, đã tổ chức khóa tu an lạc một ngày và chẩn thí cho hơn 300 anh chị em khiếm thị tại Thiên Quang, sức khỏe bị suy kiệt thấy rõ, nhưng chị vẫn cố gắng tạo niềm vui với các bạn khiếm thị. Tuy biết mang bệnh nan y, nhưng Ngọc Phượng vẫn quên mình để hướng về những người bất hạnh. Chị Phượng là đệ tử của đại lão T. T.Tâm Châu, được kể, khi đến chùa Từ Quang, Phượng không quan tâm đến tu tập kinh kệ, mà chị luôn chăm sóc các bàn thờ hương linh; lúc về nước, chị thân cận với người khiếm thị, thường nhắn nhũ với sư cô Hương Nhũ về mọi quan tâm dành cho người khiếm thị. Thuận theo vô thường, Ngọc Phượng đã ra đi với tấm lòng vị tha của một Phật tử, sau khi trở lại Cananda gần một năm tròn.
Để tưởng nhớ ân tình của chị, gần một trăm  người khiếm thị từ quận tư, quận nhất, Hốc Môn, Thủ Đức…đã hội tụ về cầu siêu nhân tuần thất thứ ba của chị. Sau khóa lễ kỳ siêu, sư cô giảng sư T. Nữ Hương Nhũ nhắc lại những kỷ niệm đẹp, những công hạnh thâm trầm của Ngọc Phượng với nhiều xúc động. 51 tuổi chưa đủ một đời người theo quan niệm thế gian, nhưng quá đủ một kiếp người có bản chất vị tha, từ tâm của người con Phật; có lẽ do phước báu hướng đến và giúp đỡ người bất hạnh mà Ngọc Phượng không bị cơn đau dằn vật kéo dài như nhiều bệnh nhân khác.
Buổi lễ do chị Nga đại diện nhóm khiếm thị xin chủ động tổ chức, nhưng sau khóa lễ, vẫn được sư cô trụ trì Thiên Quang dành cho những phần quà ngoài dự tính.
Một ân nhân của khiếm thị ra đi, để lại nhiều xót xa cho người còn lại; có lẽ, trong tâm tư của từng người, vẫn luôn hướng về Ngọc Phượng với tình thương và lời cầu nguyện chân thành,  Nguyện Hồng Ân Tam Bảo hướng linh Trang thị Ngọc Phượng tái sanh vào cảnh an lành, thuận duyên cho việc tu tập trong tương lai với một thân thể khỏe mạnh, tốt đẹp hơn.
                                                   MINH MẪN
                                                      05/4/2013

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

HUYỀN THOẠI NGÀY ĐẢN SANH


Gần ba ngàn năm qua, bao biến thiên trên hành tinh, bao tiến bộ của loài người, bao học thuyết ra đời và bao giáo chủ xuất hiện, thế mà giáo thuyết Phật giáo, lịch sử đức Phật được vẫn xem là một huyền thoại khó tin, vẫn tồn tại trong cuộc sống của nhân loại cho đến hôm nay, cứ như là mới lạ đối với loài người trong thời đại văn minh tiến bộ hiện tại.

Thảo nào - Albert Einstein bảo:  “ Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo chung cho cả vũ trụ. Tôn giáo này siêu việt trên một đấng Thiêng liêng nào đó và tránh hết mọi giáo điều và thần học. Bao trùm cả thiên nhiên lẫn tinh thần tôn giáo, tôn giáo này phải căn cứ vào ý niệm đang phát sinh từ những thực nghiệm của mọi vật, thiên nhiên và tinh thần như một sự thuần nhất đầy đủ ý nghĩa. Ðạo Phật đáp ứng được điều đó” – Albert Einstein (trang 54).

Những biểu tượng từ lúc Thái tử sanh ra, người ta cho là huyền thoại được thánh hóa bởi những tín đồ cuồng nhiệt, sự thật, đã là biểu tượng đều hàm tàng triết lý của một bậc thánh nhân. Phải hiểu rằng, biểu tượng hay dụ ngôn là một chiếc bóng đi kèm với hiện thể.

Cổ nhân thường ví, cái gì thuộc bên phải, thuộc lẽ phải – là chân  lý. Hình ảnh Thái tử sanh ra từ hông phải của hoàng hậu Maya, không phải từ nách chui ra mà Thái tử xuất hiện  từ một chân lý, một lẽ phải của đời người;  Chẳng những thế, con người mang đủ thất tình lục dục, hỷ nộ ái ố…trong thân chúng sanh do tham sân si mà ra, nhưng, Thái tử Tất Đạt Đa, từ chân lý mà ra, vì thế, vượt trên mọi thất tình phàm tục đó,  thất tình được chuyển hóa thanh tịnh  thành bảy hoa sen đỡ gót ngọc, nghĩa là Ngài vượt trên thất tình phàm tục, chính vì thế. Khi Thái tử đưa tay mặt chỉ Trời, tay trái chỉ đất bảo: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ!”.

Chúng sanh trôi lăn trong 6 đường, tâm nhiễm ô bị sai sử bởi danh-lợi-tình; tâm dính mắc mà tự cho là bản Ngã của mình, nhưng khi tâm được chuyển hóa, khai ngộ, tuệ giác xuất hiện thì cái Ngã đó không còn là chấp ngã phàm phu, thức  thứ 8 chuyển thành “Bạch tịnh thức” để rồi Thức  biến thành Trí; cái ngã mà Thái tử tuyên bố như một tuyên ngôn lịch sử của bậc giác ngộ, không còn là cái ngã phàm phu tục tử, vì thế, không thể nói là Ngài cao ngạo khi bảo: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, bởi vì, tiếp câu đó là: “Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ!”.

Có nghĩa: Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè... của ngươi đã bị mục rã cả rồi...” Pháp Cú câu 154

Rõ ràng là Ngài đã tận diệt mọi nguyên nhân làm thân chúng sanh miên viễn trong luân hồi lục đạo. Tuyên ngôn vững chắc đó kết hợp với bảy bước chân giải thoát trên “thất tình”  đã chuyển hóa thành hoa sen, chính vì vậy, Ngài xuất hiện từ bên phải của chân lý, đã xác định một “tính giác” trên trời dưới trời là một “tánh giác tuyệt đối mà vô số kiếp trôi lăn sanh tử, nay được đoạn tuyệt.

Ý nghĩa ra đời của Thái tử  là một hàm ý trọng đại xác định Phật tính trong mỗi chúng sanh khi đã hoàn giác thì  cái “duy ngã” đó là một tối thượng chứ không phải là đấng được độc tôn như cái hiểu đầy ngã chấp thường tình.

Từ sự xuất hiện mang tính biểu tượng triết học lẫn văn học, hoàn toàn tự lực của mỗi cá thể, thoát khỏi tín điều Thần học của các tôn giáo đương thời tại Ấn Độ cũng như về sau, một Tuyên Ngôn có một không hai xác định giá trị của từng cá thể, đó là một chân lý tuyệt đối đáng cho các triết gia, học giả và nhân loại tán dương như một Albert Einsten đã từng ca tụng. Như thế, việc đón mừng ngày Đản Sanh của Đức Từ phụ, không chỉ là một thủ tục mừng ”sinh nhật” bình thường của con người hay ngày sanh của một giáo chủ, mà là ngày nhắc nhở những người con Phật phải luôn ý thức về khả năng trong mỗi chúng ta về con đường đang đi như đức Bổn sư đã đi.

Tuy gần ba ngàn năm đức Phật nhập diệt, nhưng những biểu tượng từ lúc ra đời đến lúc nhập diệt, suốt 49 năm giáo hóa, Kinh tạng vẫn là một hàm ý hiện thể cho các “học giả” và cũng như nhập thể cho các “hành giả”. Suốt ba ngàn năm đó vẫn xuất hiện những hành giả nhập lưu và xác định sự thành đạt của các hành giả đang hành trì miên mật. Giá trị một biểu tượng xuyên suốt “ngôn hành” hợp nhất đó đã xác định một chân lý của Phật giáo. Ngưỡng mong tất cả chúng ta tinh tấn và nắm bắt được cốt tủy của Phật giáo để một đời làm người và một đời  làm con Phật không uổng phí.

Kinh mừng  một mùa Phật đản an lạc, hạnh phúc thực thụ chứ không là một huyền thoại như lầm tưởng suốt thời gian dài dưới mắt hoang tưởng của chúng ta.

                                                               MINH MẪN
                                                                  29/4/2013