Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

PHẬT GIÁO HÒA HẢO


PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Trên mãnh đất Việt Nam, ngoài Tam giáo đồng lưu, năm thế kỷ qua, sự có mặt của Kyto giáo được tồn tại trong một cơ chế chặt chẽ cũng xác định một vị thế khiêm tốn trong lòng dân tộc. Trong khi đó, Phật giáo tồn tại hàng ngàn năm trên mãnh đất màu mỡ, cũng phát triển qua nhiều hình thức tông môn chi phái, trong đó, Phật giáo Hòa Hảo là một trong những tôn giáo nội sinh thuần túy dân tộc tính, đâm chồi bén rễ sâu rộng trong khu vực miền Tây Nam bộ.

Giáo chủ:
Đức Huỳnh Phú Sổ, sinh 15/11/1920 ( 25/11/Kỷ Mùi) tại làng Hòa Hảo. Thân phụ là Huỳnh Công Bộ. Tín đồ thường gọi là Đức Thầy. bẩm sinh là một cậu bé ốm đau bệnh hoạn. Ngài được thân phụ cho ăn học đến bậc sơ học Pháp Việt tại trường Huyện. Ngài tính trầm lặng, thích chốn thanh vắng, có tài thi phú. Thông minh và bén nhạy. Ngài lên núi Cấm tìm thầy chữa bệnh, do duyên lành, ngài thụ giáo với Đức Phật thầy Tây An, tục danh là Đoàn Minh Huyên, nguyên là giáo chủ phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Hoàn cảnh xã hội:
Đầu thế kỷ XX, đất nước đang bị hai thế lực Pháp- Nhật xâm chiếm. Xã hội bất an, tôn giáo như Phật Khổng đứng trước nguy cơ đen tối bởi áp lực của văn hóa phương Tây và tôn giáo La Mã bành trướng. Giới trẻ nghiêng về Tây học, nho giáo co cụm, các đồ Nho và sư sãi gắn bó nhau để tìm lối thoát thích ứng với trào lưu. Các chùa am đa phần còn lại các sư cụ chỉ biết chữ Hán.Tín đồ vì cuộc sống mới và kinh tế căng thẳng cũng ít đến chùa.Phật giáo biến thành tôn giáo phục vụ cho ma chay, vì thế, các sư biến thành thầy tụng để không bị loại trừ ra khỏi sinh hoạt cộng đồng. Muốn duy trì ngôi chùa tồn tại với thôn làng, các sư không có người thừa kế, buộc phải lập gia thất, sống tự lập trên những thửa ruộng có sẳn; dần dà, các sư biến thành hình ảnh quen thuộc khi quá thân cận gần gủi với quần chúng trong đám cúng làng xã, ma chay tộc họ. Càng ngày, Phật giáo càng chìm sâu vào mê tín, Lúc bấy giờ tu sĩ Phật giáo chưa bắt kịp trình độ thế học, không đủ cơ hội phổ biến sâu rộng trong lớp trẻ tân học, vì thế khó thích nghi với sinh hoạt xã hội mới. Trước những áp lực lớn về chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo trong buổi giao thoa tân cựu, để linh hoạt hóa và xã hội hóa đạo Phật, Đức Huỳnh Phú Sổ thừa mệnh thiên cơ đứng ra hành đạo, lập đạo, hướng dẫn quần chúng trì niệm Lục Tự Di Đà theo pháp môn Tịnh độ.Ngái áp dụng lối truyền bá rất bình dị bằng thơ văn dễ hiểu. Nhân lúc trị bệnh cho quần chúng, ngài khuyến phát nhân dân tu tập, chẳng bao lâu, Phật giáo Hòa Hảo phát triển sâu rộng tại miền Tây Nam bộ.
Ngài chọn ngày 18/5/kỷ Mão làm ngày khai đạo, tức vào năm 1939. Ngài là vị giáo chủ trẻ nhất khi chưa tới 20 tuổi, Từ đó, làng Hòa Hảo tỉnh An Giang là nơi khởi xuất của đạo Phật Việt Nam, gọi là Phật giáo Hòa Hảo hay còn gọi là Đạo Hòa Hảo.

Xu thế chính trị:
Giữa hai thế lực ngoại xâm, Ngài tạm thời chọn giải pháp thân Nhật để chống Pháp, vì thế có lần bị Tây bắt nhốt; Ngài liên kết được một số nhân vật chính trị thân Nhật ủng hộ lực lượng Hòa Hảo. Sau khi Ngô Đình Diệm chấp chánh, lực lượng của Ba Cụt ( Lê Quang Vinh), Năm lửa ( Trần văn Soái ) lần lượt bị tiêu diệt. Sau 1963, Phật Giáo Hòa Hảo củng cố tổ chức, hệ thống hóa cơ sở từ Trung ương trở xuống cấp huyện xã. Năm 1946,Đức Thầy cũng thành lập tổ chức chính trị để đáp ứng nhu cầu thời cuộc như Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, Việt Nam quốc gia độc lập đảng, Thành lập đội quân mang tên Nghĩa quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực…Do nội bộ bất đồng mà Phật Giáo Hòa Hảo chia làm ba nhóm, một do Lương Trọng Tường, một do Huỳnh văn Nhiệm, rồi Lê Quang Liêm tách ra từ nhóm Lương trọng Tường vào năm 1972. Tuy vậy, Phật Giáo Hòa Hảo cũng đã thành lập được một Đại học Hòa Hảo và sáu trường trung học phổ thông cùng hai bệnh viện.

Hệ thống giáo lý:
Ngài soạn cuốn Thi Văn giáo lý Sấm giảng gồm 6 tập:
Sấm khuyên người đi tu niệm
– Kệ giảng người khùng
– sấm giảng
– Giác mê tâm kệ
– khuyến thiện
– những điều sơ học cần thiết của người tu hiền.
Nội dung là học Phật tu nhân. Phần giáo lý được giản lược dễ hiểu để hướng dẫn tín đồ ăn ở hiền lành làm thiện. Chủ trương thực hiện tứ ân của Tứ Ân Hiếu nghĩa do Đức Phật thầy Tây An khởi xướng,- ân tổ tiên – ân đất nước – ân đồng bào nhân loại và ân Tam bảo. Chủ trương vừa học Phật vừa tu nhân để lập công bồi đức thành bậc hiền nhân. Đạo Hòa Hảo chủ trương hành thiện xã hội hơn là đi chùa lễ bái. Ngày nay tín đồ bắt tay vào công tác từ thiện như bếp ăn tình thương, làm cầu đóng giếng, cấp học bổng, cứu trợ bệnh nhân nghèo, xây nhà tình thương…vì thế nghi lễ tôn giáo rất đơn giản và việc ma chay cưới hỏi cũng đơn giản. Họ dồn lực lượng thực hiện việc công ích thực tiển hơn.
Hòa Hảo là một tôn giáo không có tu sĩ, không có giáo phẩm. Đồng đạo đề cử người đứng ra lo việc đạo tại các cơ sở địa phương gọi là chức sắc. Cũng không có thờ thượng cốt. Tín đồ tin Phật và thờ cúng tổ tiên hoặc các anh linh tiền hiền có công với đất nước mà không nặng về thần thánh. Ngoài bàn thờ chính trong nhà còn có bàn thờ Thông thiên, chỉ cúng hoa và nước trắng. Đọc Sấm giảng và niệm Di Đà để tĩnh tâm.

Ngày lễ trong năm:
Tết Nguyên Đáng
Rằm Thượng Nươn
Lễ Phật Đản
Lễ khai đạo 18/5
Rằm tháng bảy
Vía Đức Phật thầy Tây An 12/8
Rằm tháng 10
Vía Di Đà rằm tháng 11
Sinh nhật Đức Thầy 25/11
Phật thành đạo 8/12

Tóm lại, Phật giáo Hòa Hảo là một hệ phái của Phật giáo chính thống, phát sanh do thời cuộc, mục đích hướng dẫn quần chúng Học Phật tu Nhân hành thiện, giải trừ mê tín dị đoan. Một tôn giáo nội sinh mang sắc thái thuần túy dân tộc, ảnh hưởng màu sắc Nam bộ, thích hợp với quần chúng bình dân. Thời gian ngắn đã củng cố giáo quyền lẫn chính quyền có quân đội.Mang tinh thần dân tộc. Sau ngày thống nhất tổ quốc, Hòa Hảo chuyên tu và làm từ thiện xã hội. Tín đồ phần lớn phát triển quanh vùng Tứ giác Long xuyên và một số vùng phụ cận ở miền Tây Nam bộ.

MINH MẪN
28/2/10

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010

HÒA THƯỢNG T.QUẢNG ĐỘ


Một tháng nay, trên các phương tiện truyền thông VN loan tin HT T. Quảng Độ cùng TT Không Tánh , Minh Nguyệt và một số nhân sự tay chân của ngài có mặt tại toà nhà Quốc Hội đường Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận, tay cầm loa, tay cầm túi tiền giơ cao và tuyên bố….
Là một người dân và là một Phật tử, chúng tôi không khỏi bức xúc và đau buồn thấy hình ảnh một tu sĩ Phật giáo bị rêu rao như thế!
Số thông cảm và đồng tình với việc làm của quý Ngài thì quá ít ở trong nước, số phản đối và hiểu về nội tình PGVN trong nước thì khá nhiều, và số đông còn lại, họ không hiểu gì về PG, nhưng qua truyền hình, báo chí, họ cảm thấy bất mãn cho các sư PG.
Chúng ta không xét đến số đồng tình hay phản đối, chỉ lắng nghe trong quần chúng vô tư, qua tình trạng xẩy ra tại Sài Gòn và Hà Nội: Một người ngồi quán cà phê vỉa hè nói: Nếu các sư vì tình nghĩa đồng bào ruột thịt như thế thì quá tốt, nhưng với điều kiện các sư đừng tuyên bố bất cứ cái gì. Dân khiếu kiện đã có gần hai năm nay chứ không phải mới một ngày một bửa, sao lâu nay nhà nước vẫn để yên, tại các sư đến khích động nên nhà nước mới giải tán, như vậy các sư đã giúp cho nhà nước một cái cớ khó xử trước tình cảnh ăn vật nằm vạ đó!
Một người khác nói: Đồng bào nước ngoài cũng từng gửi tiền về giúp dân khiếu kiện một cách thầm lặng từ lâu, nhà nước biết hết, nhưng không gây khó dể gì!Tại sao cứ phải mang hai chữ Thống Nhất ra để đi uỷ lạo, cứu trợ?tự mình chướng ngại cho việc làm của mình!
Người khác góp ý: Nhờ tạo chướng ngại như thế mới thể hiện tinh thần Chống Cộng chết bỏ, và không đội trời chung với CS
Người khác chen vào: Trước 1975 các sư xuống đường, bây giờ tiếp tục chống đối, vậy các sư muốn gì? Nhưng có khác là ngày xưa hầu như 90% tổng lực PG xuống đường, bây giờ chỉ có vài ba vị, vậy đâu là chính nghĩa?
Một trí thức Phật tử ở nước ngoài về , đến thăm HT T. Quảng Độ, sau khi vấn an sức khoẻ Ngài, góp ý: Bạch Thầy, qua hơn 30 năm chống đối không có kết quả, sao Thầy không thay đổi sách lược để đạt mục đích hơn và mình còn đóng góp được lợi ích nào đó cho Phật Giáo, ba mươi năm nay mình không làm được gì, như vậy thầy đấu tranh cho ai, cho cái gì?
Ngài đáp: Đối với CS không thể thoả hiệp, không tương nhượng, mục đích cuộc đấu tranh để bảo vệ hai chữ THỐNG NHẤT…
Nếu chỉ vì hai chữ Thống Nhất thôi thì tại sao kêu gọi Đa nguyên Đa Đảng và liên kết với 8406, chưa nói đến hai chữ Thống Nhất vô nghĩa kia, vì thật sự nội bộ có thống nhất đâu! vị Việt kiều kia tự hỏi!
Người Phật tử thật đau buồn nếu các Ngài lâm vào tù tội lần nữa, nhưng cũng chẳng vui khi báo đài ra rả ngày này qua ngày nọ nhắc đến hình ảnh của quý ngài với những lời lẽ không tôn kính. Chuyện ngài làm nếu có phạm pháp thì có pháp luật xử trị như từng xử trị Nguyễn văn Lý, nếu đủ chứng cứ, người dân không ai thắc mắc, nhưng đừng vì hình ảnh ngài đứng trước quần chúng kêu gọi… rồi lấy cớ vu khống đời tư, bêu xấu là một việc thiếu lương thiện.
Còn 8 tháng nữa, VN và PGVN tổ chức Đại lễ Phật Đản mang tầm quốc tế, tinh thần và tâm huyết đều dồn cho mục đích tốt đẹp đó, có một số ít quá khích chống đối, kể cả các sư; Ví như ngày sinh nhật của bố mẹ, những người con trong gia tộc bất mãn nhau, chống đối việc tổ chức chúc thọ, như thế có đúng ? Người ta bảo nhà nước lợi dụng cuộc lễ để vinh danh tự do tôn giáo tại VN, rửa mặt cho chế độ; cho dù đó là sự thật, dù sao Phật tử VN cũng hãnh diện, suốt 2000 năm có mặt, chưa hề được tổ chức mang tầm vóc như thế, gần nhất, từ thời Pháp thuộc đến nay, kể cả sau 1963, chỉ một lần duy nhất lễ Phật Đản tổ chức tại bờ sông Bạch Đằng ,SG, nhưng cũng chỉ là tầm vóc quốc nội, và sau nầy, biết đâu PGVN không bao giờ có dịp được tôn vinh đấng cha lành như thế!
Trong cuộc tranh thủ đăng cai tổ chức Phật Đản, cũng đã có ba nước tham gia, nhưng do Thầy Lê Mạnh Thát và ĐĐ T. Nhất Từ cố gắng ngoại giao, nên VN đã đạt được mục đích đúng lúc. Chuyện nhà nước VN lợi dụng tôn giáo là chuyện của họ, vì chính trị nào không lợi dụng tôn giáo, nhưng cái khôn khéo là mình biết lợi dụng tình huống như thế để hãnh diện đấng cha lành đã được quốc tế tôn vinh như một nhà VĂN HÓA nhân loại.Tại sao Kito La Mã, Kito Tin Lành hay Hồi giáo, Ấn Giáo không được Liên Hiệp Quốc chọn lựa? Tại sao cái may mắn đó trong tầm tay, chúng ta không tranh thủ mà chúng ta chống đối lọt vào ý đồ của ngoại giáo và chính trị? Cơ hội tốt khó đến hai lần ( phước bất trùng lai) Vì vậy, cho dù anh em hục hặc nhau, bất mãn nhau, vẫn phải tôn kính ngày Sinh Nhật của đấng Từ Phụ, chỉ có ngoại đạo cực đoan mới chống lại chuyện đó; Tuy người Phật tử nghèo, không đủ khả năng cho một chi phí như thế, được nhà nước hợp tác, nhưng tấm lòng người Phật Tử có thừa để cùng chan hòa chung vui với dân tộc khi nguồn năng lượng Từ Ái của đức Bổn sư ban rãi trên mãnh đất Rồng Tiên chúng ta. Tuy chưa công khai tuyên bố Đại Lễ Tam Hợp, nhưng cả thế giới đều biết VN sắp mở ra một Festival PG, chuyện chưa từng có mà Trung quốc cũng thèm muốn như vậy, đồng thời, nắm 2008, Pakistan, quốc gia đa phần Hồi Giáo cũng long trọng tuyên bố tổ chức Đại lễ Phật Đản! Ngoài thế gian dù giận nhau, ngày giổ tổ tiên, con cái đều phải đoàn tụ! Hải Ngoại, ngoài một số Tăng Ni và Phật tử ( dĩ nhiên có cả những người không thích chế độ VN) HT T.Quảng Ba, người từng lớn tiếng chống Cộng, thế mà vẫn ngỏ lời mong người Phật tử nên về tham dự đại lễ Tam Hợp vào năm 2008, và dĩ nhiên thầy cũng bị không ít kẻ quá khích nặng lời đả kích, cũng như Tăng ni và Phật tử bị hăm doạ cô lập tẩy chay nếu về VN, vì thầy và những người có tâm đạo nghĩ đến ngày trọng đại của PG chứ không đặt nặng làm tăng uy tín cho chế độ, trong trường hợp nầy sẽ cho thấy sự khôn ngoan hay tính cố chấp của chúng ta.
Trong sinh khí phấn chấn và chờ đợi ngày vui Đức Phật đến với dân tộc, bổng xuất hiện vụ HT T.Quảng Độ trên truyền hình và các mặt báo; Chuyện làm của quý ngài phi pháp hay không, để nhà nước thẩm định, chúng ta không phán xử mà chỉ đau lòng một hiện tượng xuất hiện vào thời đỉêm như thế, làm lu mờ hình ảnh một đại lễ, hay ít ra tạo cho đại bộ phận quần chúng trong xã hội có thành kiến với PG.
Tôi chưa đọc được bài nào kết án các ngài là Dâm Tăng, tuy đã nghe một vài người nói lại, nhưng trên mạng, một người có tên MINH THUY đã đề tựa THICH DAM TUC sẽ bị trừng trị, với những lời lẽ bất kính! Có thể tôi không đồng tình thái độ hành xử của HT Quảng Độ, chính sự cực đoan của ngài trong thời gian làm việc sau 1975 mà tôi đã bị 10 năm tù một cách vô lý, sau ngày tự do, tôi vẫn tôn kính phẩm chất đạo đức, trí thức của Ngài, nhưng tôi đã kính nhi viễn chi, tôi vẫn thầm mong ngài được an lành chuyên tâm biên dịch kinh điển, ngài đã hoòan tất bộ Phật Học Đại Từ Điển Phật Quang, văn hoá, giáo dục là sở trường của Ngài, nhưng lãnh đạo một tổ chức như PG, ngài đã lâm vào bế tắt.
Người ta có thể tôn vinh thái độ cương nghị cực đoan của ngài nếu họ thích, nhưng cũng không thiếu Tăng Ni Phật tử lấy làm tiếc những quyết định nóng nảy của ngài đã đưa nội bộ vào chỗ suy yếu, chia rẽ và không có lối thoát; Tu sĩ GHTN và Gia Đìng Phật Tử cũng là nạn nhân bị hụt hẩng khi ngài dùng biện pháp hành chánh để thanh trừng. Ngài không phải là người đáng trách, vì quanh ngài không có ai để tham vấn, ngài không được đi khắp nước để thấy được thực tế xã hội, những kẻ dua nịnh đã tạo cho Ngài một cảm giác có thực lực; Hành động nóng nảy của Ngài có thể đúng với Ngài và một số người mượn Ngài để thoả mãn ý đồ chính trị, nhưng không thể đúng khi quy chụp Ngài là một Dâm Tăng, điều nầy có thể đúng với một Không Tánh hay ai khác, nhưng với tư cách của HT T.Quảng Độ, tôi từng thân cận nhiều năm, làm việc cho Ngài, tôi không bao giờ tin đó là sự thật, và tôi thật sự ghê tởm những ai bẻ cong ngòi bút hay vì áp lực chính trị mà vu khống một bậc chân tu như thế, tôi không còn là người của GHTN, nhưng tôi không thể chấp nhận một vu khống trắng trợn.
Người cầm bút phải có lương tâm, đối tượng có thể không đồng quan điểm chính trị với mình nhưng không thể bảo họ là người hoàn toàn xấu; HT có thể là người kém khả năng lãnh đạo, nhưng bản tánh cương trực, cố chấp không phải hoàn toàn xấu của một cá nhân. Ngài chọn lầm sở đoản làm sở trường, ngài hành xử bằng cá tánh hơn là vị trí một lãnh đạo tôn giáo; Ngài lấy quá khứ để đánh giá hiện tại, đó là những lầm lẫn nhưng không thể và tôi tin rằng ngài không thể lầm lẫn hạnh giới của một chân tu với tính dục, hoàn toàn Ngài trong sạch từ thể chất đến tinh thần, đừng bao giờ gán ép cho Ngài về tội Dâm dục mà ngài không hề có, ngoài ra, bất cứ gì , nếu ai muốn, cũng có thể gán ép cho Ngài tùy ý.
Tôi không đồng quan điểm về hành xử và thái độ chính trị của ngài để tự mình trói tay mình, tôi cũng không chấp nhận những vu cáo cho bậc trong sạch như ngài mà một số người đã viết trên báo.
Dẫu sao, hiện tượng HT T.Quảng Độ và các thầy gần đây là một đau nhức cho PGVN chúng ta, chúng ta không thiên về bên nào, nhưng bên nào chúng ta cũng muốn tìm một lối thoát êm đẹp để đất nước ta, PG ta đoàn kết vươn lên, vì cuộc sống nhân dân ta vẫn còn nhiều khốn khó, PGVN chưa hề là tội phạm của dân tộc ta.
14/9/07

phong thuoc tu thien

doan tu thien

HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN CỦA CHI HỘI BẢO HÒA


Sáng 25 thang 3 năm 2010, với truyền thống chẩn bần, cứu đói và những công tác liên hệ đến từ thiện, chi Hội Bảo Hòa tại 220 Đinh Tiên Hoàng,Q 1, TP HCM đã đáp lời yêu cầu chính quyền xã Tân Thành, huyện Chơn Thành, Bình Phước, đưa hàng cứu trợ đến cơ sở thuốc từ thiện của PGHH tại Tân Thành.

Dự định 100 phần quà gồm gạo, đường, nước tương và mì gói được chuyển đến trước, đoàn khởi hành từ kho gạo Lý Thường Kiệt, Tân Bình, trên hai chiếc Toyota loại 16 chỗ, hơn 5 giờ sáng. Tuy ghé nhiều nơi trên đường đi, đoàn cũng đã đến điểm lúc 9.30 sáng, Những người tham gia đoàn, kết hợp với nhân viên y tế và cán bộ xã, phân phối quà vào từng phần.

Cái nắng và nóng miền cao thật khó chịu, mồ hôi cứ rịn âm ẩm, vườn tược cây cối ít, hơi nóng cứ táp vào mặt từng hồi. Người dân đến lãnh quà đứng ngồi lao nhao. Địa phương chưa có kinh nghiệm nên việc phát quà không tránh khỏi lộn xộn.

Tân Thành là vùng đất khô, vùng đất pha màu, trước 1975, rừng cao su phủ kín, cũng là nơi có những cuộc giao tranh khốc liệt. Sau 1980, cư dân từ Bắc và Trung đổ vào; xã được thành lập sau đó, nhưng địa phương vẫn chưa có lối thoát cho cuộc sống cơ cực của người dân. Nông nghiệp chưa phải là cơ bản cho cuộc sống, vì đa phần là rừng cao su. Một số vùng khai khẩn trồng tiêu, điều rộ nở một thời, giờ đây nông sản đó cũng biến thành tiêu điều xơ xác. Là vùng cao đất đỏ, bụi phủ lớp áo trên cây lá, nhà cửa, biến cảnh vật và cuộc sống trở nên nhem nhuốc đáng thương. Người dân hiện rõ nét cơ cực qua làn da rám nắng, tay chân chai sạm, giọng nói mệt mỏi, nặng nề. Nơi đây, tuy không xa Thành phố là bao, nhưng chưa có đoàn từ thiện nào chiếu cố như các vùng sâu vùng xa khác, chính vì thế, khi đoàn từ thiện Bảo Hòa đến, những món quà khiêm tốn lại là một ân sũng quá lớn đối với họ. Một cán bộ xã nói với bà con: Đây là món quà tình nghĩa của bà con thành phố đem đến, quý bà con cô bác để ăn được vài hôm, đừng mang đi bán lấy tiền xài nhé! Mọi người ồ lên: không có ăn lấy đâu đem bán…Cán bộ xã và nhân viên chữ thập đỏ nói lời cám ơn với anh Tư trưởng đoàn, anh Tư cũng đáp lại bằng sự chân tình ngắn gọn.

Cơ sở thuốc từ thiện của PGHH tại xã Tân Thành, đang xây dựng, vì thế mặt bằng bề bộn. nguồn thuốc Nam nơi đây không những giúp bà con địa phương nghèo mà còn cung cấp về Thành phố cho một số phòng thuốc khác. Đặc biệt của cộng đồng PGHH, cũng như Tịnh Độ cư sĩ, không có tu sĩ, hướng dẫn tu tập và điều hành công việc từ thiện đều do huynh đệ hỗ trợ nhau. Đa phần họ ăn chay trường và làm từ thiện một cách nhiệt thành vô tư. Chủ trương công đồng tín đồ PGHH theo lời dạy Đức Thầy là học Phật tu nhân. Tuy họ tự tầm tu, tự học và hành thiện, nhưng vẫn không bị lệch lạc ra khỏi giáo lý.

Từ thập niên 1990, một vài nơi miền Tây Nam bộ do cá nhân ra công làm từ thiện, sau đó được xâu kết thành một tổ chức dưới sự điều hành của chi hội Bảo Hòa, giúp bà con các vùng sông nước đồng bằng Cửu Long có cầu để đi, có giếng đóng để xử dụng, có nhà để một số đồng bào cơ cực trú ngụ. Học sinh nghèo được trợ cấp học bổng và vô số công tác lợi ích xã hội khác. Riêng bếp cơm từ thiện cho những bệnh nhân nghèo, hiện nay gần 20 cơ sở có mặt song hành với các bệnh viện. Chính vì thế, ngày 24/3/2010, chi hội Bảo Hòa tiếp tục hợp đồng với bệnh viện Chơn Thành để cung cấp những suất cơm chay cho bệnh nhân, do các đồng đạo đứng ra thực hiện như anh Lưu Thái Trực, Lê văn Hấn, Lê Hồng Hài, Nông hữu Nghĩa, Nguyễn văn Cận, Phạm văn Nghĩa, và Lê Thị Dũng, đều từ Đồng Tháp lên thiết lập. Tuy xa xôi, vận chuyện lương thực thực phẩm khó khăn, nhưng anh chị em Hòa Hảo không ngại nhọc nhằn, vui vẻ giúp bà con bệnh nhân nghèo như Bảo Hòa, Nhân Hòa từng có mặt trên 15 năm tại TP HCM và các vùng lân cận.

Điểm đặc sắc của cộng đồng PGHH là làm từ thiện, không cần danh, không nghĩ đến lợi, và bản thân anh em đều trường chay tuyệt đối. Cho dù đang ngon giấc về khuya, có điện thoại xin chở bệnh nhân hay đưa người quá cố về quê hàng trăm km, họ cũng sẳn sàng phục vụ một cách vui vẻ, bời vì họ hiểu rằng: Phục vụ chúng sánh tức cúng dường chư Phật.

Tuy nhân dân ta còn nghèo, xã hội ta chưa thuần lá lành đùm lá rách, thế mà vẫn có những người con Phật luôn chia xẻ tấm lòng bằng những lá rách đùm lá nát. Những tấm lòng hiếu thiện trong nước cũng như ngoài nước, một số biết việc trên đây, họ đã tiếp tay để có những bữa cơm thanh đạm tiếp tục đến với bệnh nhân nghèo, kể cả y, bác sĩ cũng có dịp thưởng thức cơm chay để gieo duyên cùng Phật Pháp.

Trong âm thầm hàng chục năm qua, tín đồ Hòa Hảo thực hiện lời dạy của Phật, đồng hành và hòa hợp cùng dân tộc, thể hiện Bồ Tát hạnh trong mọi ngõ ngách cuộc sống, nhất là vùng đồng bằng miền Tây Nam bộ.Người tốt việc tốt như thế, xã hội nên tán dương và nhà nước cần hỗ trợ tạo thuận lợi để đồng bào đón nhận những tấm lòng vàng giữa cuộc sống đang trân trọng vàng bạc.

Tháng thứ hai của đầu năm Tân Sửu. chi hội Bảo Hòa thực hiện trên 10 chuyến công tác từ thiện.Từ thiện như thế chỉ là mưối bỏ biển, cần có kế hoạch giúp cho dân tự túc hơn là cứu đói tượng trưng, nhưng dẫu sao vẫn là hành động và tấm lòng vàng được xâu kết để xã hội bớt cảm thấy cô đơn trong cuộc bon chen hiện nay và chứng minh, người Việt vẫn còn nhiều tâm hồn cao thượng. Phật giáo vẫn có những tín đồ thuần thiện gương mẫu, một tổ chức Phật giáo không có hình bóng chư Tăng mà vẫn gia tăng ngày một nhiều những con người có tinh thần xã hội và đạo đức như thế, đáng tán dương!

Ai cũng biết hy sinh như thế thì lo gì đất nước ta thiếu tinh thần cộng đồng đoàn kết và nền tảng đạo đức không phát triển

MINH MẪN
25/3/2010

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

VỀ HUẾ


THÁNG NĂM...
TRÔI LẠC BÊN ĐỜI
TÔI VỀ
GOM LẠI GÓC TRỜI NHỚ QUÊN
HUẾ...
TRÀN HƯƠNG NGÁT MÙA SEN
TỊNH TÂM
SOI BÓNG CHIỀU NGHIÊNG
TÍM HỒ
MỘT THỜI
HUẾ ĐẸP VÀ THƠ
AI NGƯỜI XA XƯ
CÒN MƠ...NHỚ VỀ!

TÁC GIẢ : TRẦN DZẠ LỮ KIỀU. GIỌT MẮT ĐẮNG

ĐẠI ĐÀN TÂY NGUYÊN (tiếp )


Thế là Đại trai đàn chẩn tế năm tỉnh cao nguyên và năm tinh duyên hải trung phần kết thúc khá tốt đẹp.

Hơn 4 tháng phát động, một trai đàn do một cư sĩ đề xướng, Đại Đức Quang Hạnh, ĐĐ Minh Thọ, ĐĐ Lệ Hưng, ĐĐ Minh Khương đích thân liên kết Ban Trị Sư năm tỉnh Tây nguyên đồng đứng đơn xin tổ chức. Đáng ra Đại lễ được diễn ra tháng 11 âm lịch năm Tân Sửu, nhưng thời gian quá cận, vả lại theo đề nghị của TT T.Thanh Phong, nên chọn ngày 15/3, ngày kỷ niệm Giải phóng Tây nguyên, tổ chức có ý nghĩa hơn.

Khởi đầu một đại đàn với tầm vóc toàn bộ miền trung Nam bộ như thế, kinh phí chưa có, nhân sự không đồng bộ, không có một cuộc họp sơ bộ cho năm BTS Tây nguyên và năm BTS duyên hải trung Việt. Không có một HT hay một vị có kinh nghiệm trong việc lập đàn, hướng dẫn. Không tới một tuần đến ngày khai đàn, thầy Quang Hạnh tuy tuổi trẻ, nhờ tính hoạt bát, lịch thiệp, đã được anh chị em Tăng ni sinh đồng khóa, quý huynh đệ trẻ hợp lực, nhóm Hoằng pháp thiện nguyện của thầy Minh Khương, các phật tử thân thiện, mỗi người một tay tạo cho buổi lễ thật hoành tráng. Các cụ ông cụ bà địa phương khuân vác, chính quyền cho xe ủi dọn sạch khu vực rừng, cho mượn các nhà bạt; nhà dù; các ban ngành yểm trợ những gì có thể, điện lực chu cấp điện ba pha. Chùa Vạn Phước cho một thầy trẻ đệ tử HT Minh Tâm vào thiết đàn, thoáng nhìn qua, ai cũng ngờ khả năng của tu sĩ đó; thầy đến bằng hai bàn tay không, tại chùa tháp Kỳ Quang xã Dakmar, huyện Dakha, Kon tum không có một cái gì để thiết lập đàn chẩn, ngay cả các thánh tượng cũng không có, thế mà, chỉ cần ba hôm thôi, mọi sự đã hoàn chỉnh với công sức quý thầy cô, quý Phật tử, các cấp chính quyền hổ trợ, mọi người vui vẻ nhiệt tình. Ông chủ tịch xã túc trực ngày đêm tại chỗ để đôn đốc nhân viên. Ông chủ tịch Huyện sáng chiều đến tận nơi quan sát giúp đỡ những điều cần thiết. Đồng bào ở thị xã và những vùng xa gần 30km cũng thường xuyên góp tay tham gia vào các tiểu ban. Anh em Gia Đình Phật tử Daknong, Kontum đắc lực trong việc trật tự, văn nghệ…Nhóm Bố Đại Hòa Thượng do anh Tâm Hải,anh Lợi, anh Nghinh, anh Tâm phụ trách cũng tham gia. Anh Sĩ, anh Hà, nhà thơ Trần Dzạ Lữ Kiều từ Daknong,Daklak cũng có mặt mấy hôm trước. Nhạc sĩ võ ngọc Toản hướng dẫn các em trong Câu lạc bộ thanh thiếu niên chùa tháp Kỳ Quang để trình diễn cho ngày lễ. Mọi người đều hồ hởi, vì đây là lần đầu tiên núi rừng Tây nguyên có lễ hội văn hóa tôn giáo tầm vóc vùng Trung bộ.
Những tiểu tốp đó, kết thành đêm văn nghệ lửa trại gồm 500 đồng bào sắc tộc,Gia Đình Phật tử, nhóm Bố Đại HT, câu lạc bộ thanh thiếu niên chùa Kỳ Quang Dakmar… biến một góc Tây nguyên thành một đêm dậy sóng núi rừng từng ngủ quên qua bao thế kỷ.

Nhìn tổng thể, một lễ hội vừa mang tính tôn giáo, vừa có tính văn hóa xã hội hài hòa rất thành công, ngoài sự có mặt phần lớn chư tôn đức Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự v/p 2, Thành hội PG TP HCM, Ban Trị sự mười tỉnh thành, chư Tăng Ni một số nơi, một vài quan chức chính quyền TP HCM, tại địa phương còn có ông chủ tịch Tỉnh Kontum, chủ tịch huyện Dakha, một số quan chức khác.
Khi nhận được danh sách thành phần Ban Tổ chức, ông chủ tịch huyện thắc mắc, từ đầu khởi xướng cho đến hoàn thành đàn tràng đều do thầy Quang Hạnh năng động, thế mà văn bản toàn những nhân vật mà ông ta chưa hề nghe tiếng, chưa từng thấy mặt tại địa phương. Từ trưởng BTC đến phó Ban, chỉ có HT Quảng Xã Trưởng BTS Kon tum là ông ta biết mặt. Đối với tinh thần Phật giáo, danh xưng không quan trọng, quan trọng là mình làm được gì cho cộng đồng hay không. Sự thành công của buổi lễ, ngoài sự nhiệt tình của quần chúng địa phương, ngoài sự hổ trợ của chính quyền Huyện, ngoài hợp pháp hóa từ Giáo Hội TW, tất cả phải nói đến công lao to lới của quý tu sĩ trẻ, quý Phật tử vô danh âm thầm đóng góp. Hình thức đại lễ nói lên sự thành công ngoài dự đoán. Tinh thần Đại đàn cũng đáp ứng được sự mong cầu của tín ngưỡng quần chúng. Trong nhà bạt dưới sức nóng trên 35 độ, thế mà ban kinh sư, do thầy Phước Trí chủ sám, y áo dầy cộm phải ngồi đàn chẩn suốt 5giờ liền. Trên năm ngàn người tham dự trong khu đất ba hecta cứ như chật hẹp, nắng và bụi thế mà ai cũng vui.

Một thất vọng nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đối với tinh thần bạt độ bình đẳng đúng theo tinh thần Phật giáo, trong nghi lễ hành chánh, hai tinh thần trái ngược nhau, đã làm một số quần chúng trí thức phải thốt: bỏ công việc, mất thời gian, tốn tiền bạc,vượt 700km đến để nghe những diễn văn sặc mùi thù hận từ cửa miệng của các chức sắc Phât giáo trung ương.Trong khi đó, đại diện chính quyền Kontum, ông chủ tịch Huyện lại có những lời lẽ quá ư hòa hợp, không hề nhắc đến đau thương và hận thù. Ta hãy nghe một đoạn trong diễn văn khai mạc của BTC Đại lễ Cầu siêu do HT Thiện Nhơn, V/P 2 đọc:

……Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng tỉnh Kontum, và hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, tỉnh Kontum nói riêng, các tỉnh Tây nguyên nói chung đều tổ chức nhiều hoạt động chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của dân tộc như: 80 năm ngày thành lập Đảng, 35 năm giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, 120 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh. 1.000 năm Thăng Long Hà nội, Đại Hội Đảng các cấp hướng tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Đẩy mạnh tuyên truyền vận động” Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động” Người VN ưu tiên dùng hàng VN”…
Đọc đoạn văn trên đây tưởng chừng một cán bộ chính trị lợi dụng diễn đàn Phật giáo để nhắc nhở tu sĩ về quan điểm, chính sách nhà nước, kỷ niệm ngày thành lập Đảng, đại hội Đảng.!!!. Một trai đàn chẩn tế bạt độ lại kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, ( cũng rất may không đưa lên khẩu hiệu Hàng VN chất lượng cao);
Đạo từ của Trung ương càng nặng mùi tử khí hơn: …Trong hai cuộc kháng chiến,thống nhất tổ quốc, các dân tộc Tây Nguyên đã cùng các chiến sĩ giải phóng quân sát cánh bên nhau trong chiến hào để bảo vệ từng tấc đất, ngọn rau của Tây Nguyên.
Như chúng ta biết, vùng đất Tây Nguyên có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự đối với thế lực xâm lược và chính quyền SG, nhất là tài nguyên khoáng sản dồi dào, cho nên họ luôn luôn tìm mọi cách để thôn tính Tây Nguyên.
Ngược dòng thời gian, khi thực dân Pháp và sau nầy là đế quốc Mỹ hoàn tất việc xâm lược VN, đồng bào 5 tỉnh Tây nguyên đã cùng nhau kiên cường, bất khuất đấu tranh với kẻ thù chung vì độc lập, tự do của tổ quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em Tây Nguyên đã tạo thêm sức mạnh để lập nên những chiến công hiển hách, những kỳ tích lịch sử để giải phóng quê hương, giành độc lập cho tổ quốc….
Kính thưa quý liệt vị,
Đại lễ tưởng niệm và cầu siêu bạt độ cho anh linh các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn hôm nay, là một trong những dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng nhau thực hiện một truyền thống tốt đẹp của Đạo Phật, của dân tộc về sự biết ơn và nhớ ơn đối với sự kiên trung, anh dũng hy sinh của các chiến sĩ giải phóng quân, những người con ưu tú của đất nước đã nằm xuống cho sự vẹn toàn Tổ quốc, cho sự bình yên của vùng đất Tây Nguyên.
Kỷ niệm 35 năm giải phóng Tây nguyên đã gợi lại trong ký ức nhân dân VN và đồng bào các dân tộc Tây nguyên về một chiến công hiển hách, thần kỳ và thần tốc của các chiến sĩ Giải phóng quân, nên chỉ trong 4 ngày đêm chiến đấu, Buôn mê Thuộc được giải phóng, tiếp theo toàn bộ các tỉnh Tây Nguyên được giải phóng hoàn toàn, buộc quân đội viễn chinh Mỹ và SG phải tháo chạy về miền xuôi.. Kết quả cuối cùng là 50 ngày sau, chính quyền SG đã sụp đổ, sự nghiệp giải phóng miền Nam,thống nhất tổ quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn, Nam Bắc chung một bóng cờ, giang sơn VN nối liền một dãy…..
Một diễn văn gọi là Đạo từ, chẳng có chút gì tâm Từ của Đạo. Người viết không nắm vững giai đoạn chiến sử: lúc chuẩn bị kết thúc cuộc chiến, Mỹ đã rút quân, giao lại cho chính phủ Nguyễn Văn Thiệu Việt Nam hóa chiến tranh làm gì có việc buộc quân đội viễn chinh Mỹ phải tháo chạy về miền xuôi trong 4 ngày giải phóng Tây nguyên. Vả lại cuộc chiến diễn ra trên toàn bộ miền Nam chứ đâu chỉ riêng Tây nguyên mà gọi là: Tài nguyên khoáng sản dồi dào cho nên họ luôn luôn tìm mọi cách để thôn tính Tây Nguyên.

Sau ngày thống nhất tổ quốc, tinh thần hòa giải hòa hợp được đề cao, hà cớ đã hơn một phần tư thế kỷ, đất nước đang hội nhập thế giới mà cứ nhắc lại những khẩu hiệu khích động trong thời chiến bằng những ngôn từ vẹt của một chính trị viên nói về chiến sử của mình!!! Một trai đàn bạt độ theo tinh thần bình đẳng của nhà Phật, không phân biệt thân thù, sao lại phân biệt chính kiến và giới tuyến. Người nằm xuống không ai có tội vì ai ở trong hoàn cảnh nào phải theo hoàn cảnh đó!
Trái lại, chủ tịch huyện, ông Phạm Đức Hạnh thay mặt chính quyền và nhân dân tỉnh phát biểu: Kính thưa quý vị,
Việc tổ chức đại lễ “Uống nước nhớ nguồn, Đại trai đàn kỳ siêu bạt độ anh linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải trung bộ” là một hoạt động thể hiện những giá trị đạo đức nhân ái của Phật giáo Việt Nam, luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Truyền thống ấy đã và đang được nhân rộng, phát huy trong công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vun đắp cho khối đoàn kết, trách nhiệm giữa” việc đời- việc đạo”ngày càng đơm hoa kết trái. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dakha quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng danh anh hùng lao động ngày càng đổi mới…..
Chuyên trái khuấy, cán bộ nhà nước lại đề cao tinh thần nhân ái và trách nhiệm của Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong đại đàn kỳ siêu thì cán bộ Phật giáo trung ương lại đề cao những khẩu hiệu thời thượng để phân biệt kỳ thị các vong linh quá cố. Bình đẳng giải oan như thế sao??? Phật giáo đã từng đứng ngoài vòng danh lợi, đứng lên trên mọi tranh chấp đúng sai phải quấy, vượt khỏi sự cám dỗ địa vị mới đủ tâm từ ban rãi một cách khách quan đến mọi sinh linh. Còn bỉ thử, thân thù là tâm còn hẹp hòi làm sao đứng ở vị trí thầy của Trời người? Đáng ra, những quá khứ không đẹp, đừng nên nhắc lại.
Chắc chắn nhà nước không cần quý thầy nói vuốt đuôi cho vừa lòng họ mà hành xử không đẹp cho xã hội. Đất nước cần một Phật giáo khách quan, một tu sĩ chân chánh trung thực và một giáo hội tự chủ năng động để làm gương và nơi nương tựa cho quần chúng. Làm đẹp cho xã hội bằng giới đức. Bất cứ tu sĩ của một tôn giáo nào, không làm thầy thiên hạ thì cũng không thể làm tớ cho bất cứ ai, nếu làm tôi tớ thì là tôi tớ cho mọi chúng sanh chứ không riêng một lãnh vực nào, phạm vi hẹp, có thể làm tôi cho dân tộc, cho đất nước mà thôi. Một sĩ phu Nho giáo còn thẳng lưng chả lẽ tu sĩ Phật giáo lại cong mình vì địa vị chức danh?
Tuy một văn bản bằng những con chữ vô nghĩa, nhưng nó chuyển tải nhiều ý nghĩa đến với quần chúng. Quần chúng tham dự lễ tuy là tín đồ hay không tin đồ, họ đều biết nhận xét và có công tâm. Ngay cả một cán bộ trung chuyên, chắc gì họ không nhột nhạt trước những lời bợ đỡ rẽ tiền? ngược lại, đôi khi lời trung thực mất lòng vẫn tạo sự thích thú kiêng nể nơi họ. Trong cuộc sống cần có sự bình đẵng tuy vị trí có khác nhau. Bình đẵng nói lên trình độ hiểu biết, tính trung thực và tương kính. Khom lưng cúi đầu nói lên tính nịnh bợ, hèn nhác, thiếu tự trọng, không trung thực, che đây sự gian trá nham hiểm.
Kỳ siêu bạt độ, vừa chẩn thí vật thực, vừa pháp thí kinh văn, vừa chú nguyện thần lực Tam bảo gia trì một cách bình đẵng cho mọi oan khiêng uẩn khúc nơi vong linh, có như thế, mới nâng mọi linh thức lên một giai tầng bình đẵng, khai thị cho họ biết tính tham chấp phân biệt mang theo khi mãn phần là nguyên nhân của đọa lạc. Cho dù không là sám chủ hay hộ đàn, một vị chứng minh trong chẩn đàn còn có tâm phân biệt cũng làm trở ngại và vô hiệu hóa đại lễ. Hy vọng những lời Đạo từ, những lời khai mạc của chư tôn đức sẽ không lọt vào tai các anh linh, có lẽ phẩm vật và kinh kệ đối với họ quan trọng hơn những diễn từ hoa mỹ đó.
Một thiếu sót không kém phần quan trọng và khó hiểu, các BTS 9 tỉnh còn lại không hề rước linh, triệu linh tại địa phương mình về nhập đàn thính pháp. Phật tử và đơn vị GĐPT các tỉnh cũng không được thông báo quy tụ góp phần thêm khởi sắc.Có lẽ lần đầu tiên tổ chức với thời gian quá ngắn và chưa có cuộc họp thống nhất từ các BTS, tuy các BTS đồng đứng tên nhưng mọi sự do thầy Quang Hạnh và chư huynh đệ thực hiện, ngân khoản tài trợ không rõ ràng, nhân sự thiếu đồng bộ chuyên nghiệp, nhưng bù lại có sự yểm trợ tối đa của địa phương, được quần chúng nhiệt tâm công quả và huynh đệ đoàn kết nên Đại Đàn hoành tráng và thành công đủ lấp những khiếm khuyết đã nêu. Cầu chư linh siêu thoát và Tây Nguyên ngày một sáng sủa, phát triển.
MINH MẪN
17/3/10

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

ĐẠI ĐÀN CHẨN TẾ TÂY NGUYÊN


Ngày 14/3/2010 (29/giêng Canh Dần) và 15/3/2010 ( 30 tháng giêng Canh Dần), Ban Trị Sự năm tỉnh Tây Nguyên đồng tổ chức Đại Lễ kỳ siêu Bạt độ cho tất cả những vong linh có mặt tại miền cao.

Sau nhiều tháng chuẩn bị, đúc kết sự thống nhất của BTS năm tỉnh: Lâm Đồng-Daknong-Daklak-Gialai-Kontum và giờ chót, năm tỉnh duyên hải Trung Việt cùng hưởng ứng để góp phần siêu bạt chư vong linh hoạnh tử. Quyết định chung, lấy Kontum làm điểm tổ chức, cách huyện lỵ Dakha 25 km về hướng Ngọc Hồi, thuộc xã Dakmar, cách biên giới Lào non trăm km.

Dakha là một huyện được thành lập vào năm 1994, cách thị xã Kontum 20km. Dân số được 57.084 người, gồm 08 xã, 01 thị trấn, 97 thôn. Sắc tộc thiểu số chiếm gần 50% ( 26.647 người ). Dak hà nằm trong lưu vực sông Krông Pôkô. Có thủy điện Pleikrong, 05 hồ chứa nước giúp ổn định sinh thái, có 690 ha rừng đặc dụng Dak uy. Có 2 di tích lịch sử được công nhận, là căn cứ địa Dakuy – dakpxi và đồi 601. Lãnh đạo huyện đã có nhiều quyết định thông thoáng táo bạo, đưa vùng đất hoang vu nghèo khổ từng bước thay da đổi thịt, trong đó, chùa tháp Kỳ Quang được xuất hiện với những hạng mục công trình khá quy mô, đang xây dựng, nằm tại Dakmar, ngay bìa rừng đặc dụng, trên diện tích ba hecta, cũng là nơi diễn ra đại đàn kỳ siêu Bạt độ.

Từ năm 2007 đại đàn kỳ siêu bạt độ cho ba miền đã diễn ra, nhưng chưa rộng khắp các nơi, Tây nguyên vẫn còn bị quên lãng suốt thời gian dài. Một số địa phương cũng thực hiện nghi lễ đó như Quảng Trị, Phú Quốc, Côn Sơn…nhưng đây là lẩn đầu tiên một đại đàn liên kết nhiều tỉnh miền Trung và cao nguyên. Từ những năm cuộc chiến khốc liệt cho đến 35 năm đất nước hòa bình, biết bao con dân đất Việt trải mình ươm xanh đất tổ qua nhiều nạn tai khác nhau, đạn bom, bệnh tật, giao thông, bão lũ…bao cái chết oan uổng chưa được giải tỏa khi mà âm dương ngăn cách, người sống không biết được nỗi u uất tha thiết người thân đoái thương đến họ. Chính âm khí u uẩn đó làm nặng nề cuộc sống người dương, gây trở ngại cho sinh hoạt cộng đồng.

- Daknong là tỉnh tiếp giáp với Campuchea, Bắc và Đông Bắc tiếp với Daklak, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước, Đông Nam giáp Lâm Đồng. dân số 489.442 người. các sắc tộc như Ede, Nùng, M’nong, Tầy, kinh. Diện tích 6.516,9km2
- Daklak phía Bắc giáp Gia Lai, phía Nam tiếp Lâm Đồng, Tây Nam giáp Daknong, Đông giáp Phú Yên Khánh Hòa, Tây giáp Campuchea. Gồm các dân tộc: Ede, kinh, M’nong, Nùng, Tầy Thái, Dao. Dân số 1.728.380 người.diện tích 1.250km2
- Gia Lai trước kia vốn là một phần của Gia lai Kontum được tách ra.Có dân số : 1.272.792, gồm các sắc tộc như Giarai, Bana, Gietrieng, sodang, K’hor, Thái, Mường…với diện tích 15.536,92km2. Bắc giáp Kontum, Nam giáp Daklak, Tây giáp Campuchea, đông giáp Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Diện tích 15.494.9km2
- Kontum có diện tích : 9.676.5km2, Bắc giáp Quảng Nam, Nam giáp Gialai, Đông giáp Quảng Ngãi, Tây giáp Lào- Campuchea. Dân số 430.037 người. Sắc tộc có Kinh, sơ đăng, Bana, Giêtrieng, giarai…diện tích 9.614,5km2.
- Lâm Đồng, Bắc giáp Daklak, Daknong, Đông giáp Khánh Hòa Ninh Thuận, Nam giáp Bình Thuận-Đồng Nai, Tây giáp Bình Phước. Dân số có 1.186.786 người. gồm sắc tộc Mạ, k’hor, Gia lai, Nùng… Diện tích 9.764,8km2.
Năm tỉnh trên đây,từng là trận địa kinh hoàng, làm nên chiến sử khó phai.

Dân số 5 tỉnh cao nguyên trước 1975 chưa đến 20 triệu, phần lớn sắc tộc thiểu số. Người kinh do di dân kinh tế lập nghiệp, vì thế dân cư thưa thớt. trãi qua chinh chiến, người dân cố bám núi rừng để sinh tồn, lúc bấy giờ nông nghiệp còn hạn chế. Cà phê, chè chưa phát triển mạnh như ngày nay, vì thế kinh tế chưa được sung túc. Cuộc sống người dân lặng lẽ với núi đồi, lưng chống trời, mặt bám đất; chỉ có Đà Lạt tp du lịch, còn gắn liền với nếp sống phố thị, các tỉnh còn lại chân lấm tay bùn chôn thân nơi hiu quạnh. Những người gửi xác nơi miền cao đất đỏ cũng biết thân, an phận giữa bạt ngàn rừng núi, nương gió sớm mưa chiều, buồn tủi cô đơn. Dù họ ra đi dưới bất cứ hình thức nào, tai nạn nào, cũng đều buông bỏ tất cả, vật chất lẫn ý hệ và tình cảm, cho người còn lại, một bóng một hồn thổn thức với non cao. Sau 1975, dân cư các nơi, nhất là phía Bắc và trung phần, đổ về mưu sinh lập nghiệp, thu hẹp rừng núi, phát triển hủy hoại môi sinh, giao thông nhộn nhịp, đa dạng hóa cuộc sống, thì cái chết cũng đa dạng. Xã hội bươn chải để bắt kịp sự phát triển thời đại thì những anh linh uổng tử cũng bị chìm trong quên lãng, tủi hờn. Khi mà người dân chưa đủ ý thức về sự tồn tại của thế giới tâm linh, làm sao chúng ta hiểu được nhu cầu bức bách của những người nằm xuống! Họ thật sự cô đơn sau khi cống hiến cho xã hội, cho dân tộc. Họ không hề đòi hỏi nhiều nơi người sống, họ chỉ cần tấm lòng tưởng nhớ đến họ. Họ không quyết định được bất cứ điều gì khi họ muốn, vì họ không còn thân xác, họ không bộc lộ được tình cảm, vì thế, những oan hồn còn sân hận, họ thường lôi kéo người sống lâm vào nạn tai để cảm nhận chung số phận. Kể cả thiên tai, đều do chúng ta thiếu ý thức trong hành xử giữa con người với con ngưới, giữa con người với động vật và với thiên nhiên; Thế giới âm, chúng ta thương tưởng không phải là đủ, hằng ngày hiến cúng phẩm thực chưa là đủ, nếu không khai thị cho họ biết tâm tưởng của họ là động cơ chính kéo níu họ trong cỏi trầm luân.Ngay cả ma đói, thực ra do tâm tham chấp vào cái ăn như lúc còn sống, khi chết, không ai cúng tế, họ trở thành cô hồn vất vưởng. Khi cúng, họ không ăn được, họ cảm giác hưởng thực nên họ mãn nguyện no đủ. Chúng ta khai thị cho họ biết đó chỉ là vọng tưởng, không thực, họ sẽ hiểu và thoát khỏi ảo tưởng theo tập khí.

Thế giới âm không có phân chia giai cấp, chủng tộc, giới tính, ý hệ, giới tuyến…có chăng là do tập quán lúc còn sống lưu tồn trong tâm thức, được khai thị, họ sẽ hiểu đó là giả tưởng, tức khắc được xóa sạch và giải thoát. Cầu siêu bạt độ, chẩn bần là một trong những hình thức giúp chư vong nương phước lực Tam Bảo siêu thăng. Một khi cúng kiến cầu siêu mà người sống còn tâm phân biệt thân thù, đố kỵ, ý hệ, chủng tộc…thì việc làm không đạt kết quả. Chính vì thế, đối với nhà Phật, tâm bình đẳng khi kỳ siêu bạt độ, đưa đến bình đẳng giải oan cho tất cả vong linh cỏi trung giới. Hạnh bố thí vô phân biệt của Phật giáo thế nào thì hạnh bạt độ cũng vô phân biệt như vậy. Việc kỳ siêu bạt độ là nghi lễ tôn giáo, khởi từ tâm vô phân biệt, không vì bất cứ phạm trù nào của cuộc sống chỉ định và áp đặt. Ngoại trừ gia đình tổ chức kỳ siêu cho thân nhân thì việc lợi lạc được đóng khung trong phạm vi thân tộc đó. Nhưng nếu gia chủ có tâm hiến cúng thêm cho chư vong lân cận thì chư vong đó cũng hưởng thêm phần lợi lạc, nhưng không đại trà như đại đàn kỳ siêu bạt độ tập thể.

Qua khả năng của những nhà ngoại cảm, cho chúng ta thấy, ngoài cuộc sống hữu hình, vẫn tồn tại thế giới vô hình quanh ta; như vậy, chết chưa phải là hết, mà tiếp nối đoạn đường kế tiếp, hoặc luân lưu trong cỏi trung giới, hoặc hóa sanh trong lục đạo. Con đường sau khi bỏ xác, không chỉ lên thẳng thiên đường hay xuống hỏa ngục đời đời, không phải bỏ xác là chấm dứt tất cả, đạo Phật chỉ cho ta thấy cuộc sống hiện tại quyết định con đường kế tiếp khi bước qua cửa tử. Đó không chỉ là lối giáo dục nhân quả và đạo đức nhân sinh, luân lý xã hội, mà là một hiện thực của tất cả sinh vật. Nếu chỉ tin sau khi chết hoặc lên thiên đường vĩnh hằng hay xuống hỏa ngục đời đời thì tánh ỷ lại và bỏ mặc vì không tin nhân quả mà chỉ tin Thượng đế và sự cứu rỗi bởi Thượng đế, đạo đức xã hội sẽ bị khuyết tật. Nếu tin sau khi chết là chấm hết thì tình thương đồng loại và nhân cách sống sẽ nhường chỗ cho tranh danh đoạt lợi, bằng nhiều thủ đoạn bất cần đạo đức, làm khổ nhau, xã hội loạn,vì có đạo đức hay không rồi cũng phải chấm dứt sau khi từ giả cỏi đời. Đó là hậu quả của kiếp người không chấp nhận nhân quả.
Nhân quả và luân hồi không phải là lý thuyết trừu tượng, hay học thuyết không tưởng như một số học thuyết thế tục. Nó là một giòng sống liên lũy thực hữu. Dù có Đức Phật nói ra hay không thì thực tế vẫn tồn tại. Sau 1975, các nhà ngoại cảm rộ phát đã làm thay đổi quan điểm của những người sống duy vật thực dụng, và các tôn giáo Thần quyền. Các nhà ngoại cảm đã xác minh học lý sinh tồn của Phật giáo là đúng, thì biểu dương giáo lý Từ bi, bình đẳng đối với kẻ sống người chết là điều phải chấp nhận.
Tuy những năm gần đây, các đại đàn kỳ siêu bạt độ được thực hiện khắp nơi, nhưng chưa phải là đủ, vì chư vong chết bờ chết bụi, nơi núi thẳm rừng sâu, nơi sông suối biển cả…vẫn chưa được thỉnh vong, quy linh đầy đủ. Các chùa nơi xa xôi nên tiến hành không cần đúng quy cách một đại đàn, chỉ cần tâm thành có thể cảm ứng cỏi u linh. Việc cúng vong, thí thực mỗi ngày chỉ biểu hiện tình thương nhưng không giải thoát cho họ, càng tạo cho vong có cảm giác tham đắm thọ thực, cần khai thị sau khi cúng để họ ý thức về vọng tưởng đang ngự trị trong họ.

Với diện tích mênh mông của cao nguyên, với dân số phát triển không ngừng, với nạn tai hàng ngày trên các hệ thống giao thông, với thiên tai ngày một cuồng nộ, đại đàn kỳ siêu bạt độ chỉ là việc làm tượng trưng trong khoảnh khắc, lợi ích có tính hạn chế. Điều quan trọng về lâu về dài, không chỉ cho người quá cố, mà ngay cuộc sống hiện tại của chúng ta, người còn sống phải chuẩn bị một lối sống hiểu nhân quả, thuần đạo đức, bảo vệ môi trường và thiên nhiên, tôn trọng sự sống muôn loài, hạn chế sát hại. Mỗi người trang bị cho mình những ưu điểm về nhân cách là góp phần cho một xã hội thuần lương, hạn chế hoạn nạn thiên tai cho nhân loại.
Sự đóng góp của năm tỉnh Tây nguyên và hưởng ứng của năm tỉnh duyên hải Trung Việt nói lên tinh thần trách nhiệm đối với những người khuất mặt. Nhà nước cũng đã chấp nhận việc làm lợi ích đó. Việc còn lại là chư Tăng khuyến khích hướng dẫn quần chúng sống theo tiêu chuẩn thuần lương thì xã hội mới có cuộc sống thái bình thật sự, nhờ thế mà thế giới tâm linh cũng cọng hưởng thanh thoát. Người dương kẻ âm mới thoát khỏi thiên tai hoạn nạn, khổ đau sẽ dần lui.
Một đại đàn như thế vẫn cần thiết cho cuộc sống hiện nay!

MINH MẪN
15/3/2010
Các số liệu trích từ Wikipedia