Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

* THÔNG MINH VÀ ĐẠO ĐỨC



Ngày nay, nhân loại tiến vào lãnh vực khoa học đời sống, khoa học vật chất và nhiều lãnh vực khác nhau bằng kiến thức và trí thông minh vượt bậc. Nâng cuộc sống lên tầm mức tiện nghi mà những thế hệ cha ông trước đây chưa được chứng kiến và hưởng thụ.
Để đạt đến được một thành quả nhất định, bản thân người sáng tạo và kẻ thụ hưởng chưa hẳn trọn vẹn sống trong hạnh phúc và mãn nguyện, từ đó phát sanh những nhu cầu mà do lòng tham ước vọng luôn đòi hỏi.
Một số công ty, kỹ nghệ luôn mưu tìm hướng đi cho một thành quả ưu việt nhất, dĩ nhiên cần sức lao động và trí tuệ của nhân viên chuyên ngành, thậm chí, phải gia tăng giờ lao động ngoài luật quy định, gọi là hưởng lương phụ trội. Trên bề mặt, đó là luật công bình, không thể gọi là bóc lột sức lao động. Vào thời quá khứ, người lao động vắt sức kiệt lực, bất kể giới hạn thời gian mà lương không được gia tăng phụ trội, thậm chí không trả lương đủ, làm giàu cho chủ nhân, gọi đó là bóc lột. Ngày nay, “thuận mua vừa bán” không bị ghép vào bóc lột, nhưng, cho dù luật nào muốn bảo vệ công nhân lao động, cũng không tránh khỏi kẽ hở khi mà chủ nhân cố tình lách luật.
Trong cuộc sống có muôn vạn ngành nghề cũng có muôn vạn kẽ hở để người thiếu lương tâm tha hồ bóc lột công sức của người lao động. Những đất nước chậm tiến đã đành, những quốc gia giàu mạnh, nếu tinh thần đạo đức không được thấm nhuần  với chủ nhân hay người trực tiếp điều hành công việc, công nhân, nhân viên lao động không tránh khỏi những quy định khắc khe của một tổ chức lớn do chủ nhân đòi hỏi.
Tổ chức công đoàn là đại biểu bảo vệ quyền lợi công nhân, đôi khi do áp lực hoặc do mua chuộc, đại biểu công đoàn ngã sang bảo vệ quyền lợi cho chủ nhân mình đang phục vụ, công nhân sẽ chịu thiệt nhiều thứ. Một số quốc gia, sản phẩm được hình thành do công sức của tù nhân không lương, những trẻ em nghèo khó... Một vài công ty, buộc công nhân, nhân viên phải làm ngoài giờ, lương phụ trội là bề mặt của sự công bình. Việc làm giờ phụ trội có thể chấp nhận trong thời gian nhất định cần thiết để hoàn tất một sản phẩm, nhưng không thể luôn là gia tăng hàng ngày từ 12 đến 16 giờ, biến công nhân trở thành chiếc máy bị vét kiệt sức để nhận những đồng lương phụ trội với thời gian lâu dài, đồng lương phụ trội đó không còn tương xứng với sức khỏe lâu dài mà một công nhân buộc phải chấp nhận lao động. Nếu không chấp nhận, có quyền nghỉ, dĩ nhiên thất nghiệp. Nếu chấp nhận công việc, vì không còn lối thoát nào khác, sẽ bị vét cạn công sức để nhận đồng lương, khác nào bị bóc lột công sức một cách có điều kiện mà không có luật lao động nào can thiệp.
Hệ thống bán hàng đa cấp cũng thế, ngay từ đầu, người tham gia cũng phải bỏ ra một số tiền mua hàng để được cấp thẻ chứng nhận nhân viên, muốn lấy lại số tiền đó và tiếp tục thu lợi từ sự khuyến khích của công ty, nhân viên phải đi khuyến dụ người thân, bạn bè lao vào thế chân để người giới thiệu hưởng được phần lợi nhuận; cứ thế mà bóc lột, lừa đảo lẫn nhau.
Một quốc gia giàu có bỏ tiền cho nước nhược tiểu vay mượn để đặt điều kiện có lợi, hoặc chiếm dụng công thổ khi nước nhỏ không đủ khả năng thanh toán nợ, đó cũng là hình thức bóc lột. Cá nhân cho cá nhân vay nặng lãi, không đủ khả năng chi trả, bị tước đoạt tài sản, bị bạo hành khống chế, thậm chí mất mạng, đó cũng là dạng bóc lột.
“Trung Quốc tuyển hàng trăm trẻ em siêu thông minh để phát triển robot sát thủ”
BIT là một trong những viện nghiên cứu vũ khí hàng đầu của Trung Quốc và sự ra mắt của chương trình mới này là bằng chứng về mục tiêu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho mục đích chạy đua quân sự.
Một giáo sư tại BIT cho biết: “Những đứa trẻ này đều rất thông minh, nhưng chỉ thông minh thôi là chưa đủ. Chúng tôi đang tìm kiếm những phẩm chất khác như tư duy sáng tạo, sẵn sàng chiến đấu, kiên trì khi đối mặt với thử thách. Bên cạnh đó họ cũng cần có một niềm đam mê phát triển vũ khí mới, họ cũng phải là những người yêu nước.”
Những tổ chức mang tính chính trị và quân sự như vậy, người tham gia không đơn thuần nổ lực đóng góp tố chất thông minh, mà còn được giáo dục, điều hướng sang mục tiêu đòi hỏi của chuyên ngành, bấy giờ phải tận dụng chất xám theo tiêu chuẩn yêu cầu. Những chuyên viên kỹ thuật làm việc quá sức, bị áp lực đưa đến khủng hoảng hoặc trầm cảm. Nhất là các nước tiến bộ về kỷ nghệ, tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhân viên thường bị áp lực nặng; từ sự vượt bậc mọi mặt để đưa đất nước đến thịnh vượng, mọi ngành nghề đều phải cố gắng tiến độ để bắt kịp yêu cầu của xã hội. Đó là một áp lực, và áp lực đưa đến tình trạng tự sát, sát hại tập thể, thần kinh bất bình thường, hoặc sử dụng cần sa để giảm thiểu mọi áp lực.
***
Những quốc gia công nghiệp hiện đại đều xuất hiện những tình trạng căng thẳng như thế, các tôn giáo cổ truyền thuần túy tín ngưỡng như Kito giáo khó mà đóng góp  đưa đến cân bằng tinh thần cho xã hội. Rất may, mặc dù hậu bán thế kỷ 19, khái niệm về Phật giáo đã du nhập vào phương Tây, nhưng mãi đến thế kỷ XX, Suzuki và một số học giả đã truyền bá tư tưởng Phật học và Thiền tông vào xã hội lúc bấy giờ. Phật giáo chỉ bén rễ trong giới trí thức và học thuật. Khi Tây Tạng bị Trung Cộng xâm chiếm, đức Đạt Lai Lạt Ma tỵ nạn tại Bắc Ấn, ngài đã chu du các nước phương Tây, kêu gọi giải quyết Tây Tạng bằng biện pháp hòa bình, đồng thời phổ biến tinh thần từ bi, tính tương ái trong cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, sức ảnh hưởng chưa được lan tỏa, đến khi, Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng “hiện pháp lạc trú”, từng bước chân an lạc, đã giảm nhiệt sự căng thẳng cho xã hội công nghiệp Âu Mỹ. Tinh thần an trú đó đã giúp mọi giới, từ trí thức đến bình dân, từ nghị sĩ đến quân đội, từ chính phủ đến các tổ chức phi chính phủ, tu sĩ, nhân sĩ các tôn giáo, thậm chí các thành phần đối lập giữa các quốc gia cũng tham gia những khóa tu để tự làm chủ cảm xúc trước những căng thẳng trong cuộc sống, bình thản trước những bức bách, giúp giải quyết mọi việc một cách bình tĩnh và có trách nhiệm. Những tù nhân cũng đã tìm được hướng đi cho chính mình một cách hài hòa khi tái hội nhập vào xã hội. “Làng Mai” trở thành một danh hiệu khi nhắc đến pháp hành của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chính vì thế, người là một trong 25 danh nhân thế giới được khắc tượng và vinh danh, từng được đề bạt giải Nobel hòa bình bởi mục sư Martin Luther King.
Pháp môn Làng Mai có một ảnh hưởng và đóng góp không nhỏ trong đời sống các quốc gia công nghiệp, giải tỏa stress đối với những bức bách của nghiệp vụ; cho dù không phải là giải thoát hoàn toàn, nhưng ít ra giải thoát được những hệ lụy mà các quốc gia tăng trưởng đang phải đối mặt, “từng bước chân an lạc” đã thiết lập cõi Tịnh độ hiện hữu.
Kinh Pháp cú, phẩm An lạc:
197. Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa   hận thù!
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù!”

201.“Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau,
Sống tịch tịnh an lạc.
Bỏ sau mọi thắng bại.”
                              
Tâm hồn thảnh thơi an lạc thì cuộc sống sẽ an lạc; Nguyễn Du tiên sinh đã bảo – “cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nhà Phật bảo: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Buồn vui, bất an, hạnh phúc đều do tự tâm. Tâm bị lôi cuốn vào cuộc sống loạn động thì bản thân ắt phải bất an, tâm biết dừng lại với nhịp điệu từ tốn thì cuộc sống bớt bị giao động.
Thế giới lao vào cuộc đua vũ trang, cạnh tranh làm bá chủ, vận dụng mưu mô xảo trí, chất xám hướng vào mục tiêu sát phạt, chèn lấn lẫn nhau; những kế sách được gọi là khôn ngoan, sáng tạo thiếu tính khoan dung đạo đức đều là thảm họa của nhân loại. Từ cá nhân đến cá nhân, từ lãnh đạo một tổ chức đến lãnh đạo một quốc gia, mọi hành xử không đặt trên nền tảng đạo đức và nhân quả, tất yếu đưa đến hỗn loạn. Hóa giải là phương án trên tinh thần đạo đức dễ chinh phục lòng người hơn là trấn áp trừng phạt. Trừng phạt, trấn áp đã xem đối tượng là một tội phạm theo quan điểm luật pháp, nhưng hóa giải là cách tìm hiểu nguyên nhân phạm tội của tội phạm để chuyển hóa trên tinh thần tù bi. Tình thương đó đã hóa giải được hận thù.
Tóm lại, con người ngày nay sử dụng trí thông minh và tận dụng trí thông minh theo tham vọng. Nếu xây dựng trí thông minh song hành với tinh thần đạo đức mà cha ông ta từng làm, tuy thắng ngoại xâm phương Bắc, không những bằng mưu lược và sức mạnh, vua quan ta thể hiện nhân từ với tù binh, tạo mối giao hảo làm cho địch quân tâm phục, thì chắc chắn cái thông minh và tinh thần đạo đức tạo thế bền vững, hài hòa cho cuộc sống lâu dài.
Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

MINH MẪN
19/11/2018

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

* ĐẬP CHÙA - PHÁ TƯỢNG - ĐỔ LƯ HƯƠNG


Cái từ đập chùa, phá tượng đổ lư hương (hay còn gọi là đổ bát nhang), hình như nghe quen quen trong thời kỳ cải cách ruộng đất phía Bắc, và một số nơi phía Nam do một số người chạy theo danh vọng bởi những lời cám dỗ vào thập niên 60 của thế kỷ XX về trước.

Xét một cách tổng thể theo nghĩa bóng là những kẻ phản chúa, bất hiếu với ông bà, phản trắc dòng tộc; nói một cách ấn tượng hơn theo tiếng lóng giới anh chị dân chơi là kẻ phản trắc tội đồ, ăn cháo đá bát.

Khi miền Bắc tiến lên Xã hội chủ nghĩa, việc “cải cách ruộng đất” song hành với cuộc “cách mạng văn hóa” của Trung Cộng, hy sinh vô số mạng sống vô tội lúc bấy giờ cũng có thể thông cảm trước những tín đồ ngoan đạo Marx-Lê, đốt giai đoạn để tiến mạnh tiến nhanh lên Thiên đường Cộng sản. Chủ nghĩa nào cũng thế, muốn thực hiện nhanh chóng tiến đến xã hội “hạnh phúc” do trình độ và lòng nhiệt thành quá mức, cũng không tránh khỏi những vấp váp đáng thương, nhưng sau đó, sự phục thiện sửa sai cũng đã đem lại sự ổn định phần nào cho dân tộc.

Trong cuộc cải cách “cào bằng” đó, tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng cũng không tránh khỏi tai ương vạ gió. Lúc bấy giờ, phía Bắc chỉ có 2 tôn giáo chính thống là Phật giáo và Kito giáo. Riêng Kito giáo gặp khó trong việc phát triển thì ít ra cũng duy trì được truyền thống của tổ chức, vì nó có cội rễ khắp thế giới mà Việt Nam là một nhánh trong cây cổ thụ vững chắc đó. Đối với Phật giáo, PGVN cũng là hạt giống được phát triển một số nơi trên thế giới, nhưng là sự tự phát mà không có một hệ thống tổ chức thống nhất như Kito giáo, do tinh thần tự giác, tự do không bị câu thúc trong hệ thống hành chánh, vì thế, dễ phát triển cũng dễ tàn lụi như đồi cát đứng trước cơn lốc.

Phía Bắc là cái nôi Phật giáo đầu tiên du nhập vào Việt Nam, vì thế các danh lam cổ tự ngàn năm, có “Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Vân, Pháp Điện”, cũng có một Trung tâm Phật giáo nổi tiếng đó là Trung Tâm Luy Lâu, trung tâm Luy Lâu của Giao Chỉ, hiện nay thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, là khởi điểm cho hai trung tâm Bành Thành và Lạc Dương của Tàu khai sinh.

Như thế, chứng tỏ đạo Phật Việt Nam đã gắn liền văn hóa dân tộc, là hơi thở, là nguồn sống làm nên khí thế cho con Rồng cháu Tiên, tạo sức mạnh bảo vệ Tổ quốc đem lại an bình cho hơn bốn thế kỷ từ thời Lý Trần Lê. Một khi nguồn sinh khí đó bị ngăn chặn, cơ thể dân tộc biến dạng thành một bệnh nhân chưa tìm ra loại thuốc đặc trị, vì thế, dần suy sụp khí tiết tinh anh.

Sau công cuộc cải cách ruộng đất, vô số am tự viện biến mất, chỉ còn lại vài chốn sơn lâm cổ kính vắng bóng chân sư. Sau 1975, hai miền Nam Bắc thống nhất, đất nước dần phục hồi thì Phật giáo cũng được phục hồi trong một cơ thể không trọn vẹn. Nghệ An, Hà Tĩnh hàng trăm ngôi chùa không còn, giờ đây vừa tái tạo chưa đến 10 ngôi, vẫn còn thiếu sư cai quản. Miền Bắc một sư  trụ trì mấy chùa, Phật giáo chưa đào tạo kịp tu sĩ đủ khả năng đảm nhiệm. Quảng Bình vốn là nơi sản sinh những bậc danh Tăng thạc đức, đóng góp cho việc hưng thịnh Phật giáo miền Nam, sau khi vãn hồi hòa bình, Phật giáo trở thành xa lạ trong cuộc sống. Ngoài Kito giáo, xã hội Quảng Bình trở thành vùng trắng Phật giáo.

GHPGVN năm 2008, công cử Hòa Thượng Tánh Nhiếp về thành lập Ban trị sự tỉnh với đôi tay trắng, được địa phương cấp cái hố sâu mà tôn giáo bạn chê, chạy đua với thời gian, ngôi bảo điện uy nghi xuất hiện, Hòa thượng chiêu sinh để kết nạp tu sĩ đảm trách những ngôi Tam bảo thiếu thầy. Đồng thời thống kê những nơi thờ tự được liệt vào danh sách “di tích lịch sử” tỉnh. Vâng, đó là ý thức bảo tồn di sản văn hóa của nhà nước hiện nay. Việc bảo tồn di tích, một số nơi cán bộ quản lý như quản lý một báu vật của riêng mình, nên việc phục hồi sinh hoạt tôn giáo trở nên khó khăn. Quảng Bình có 2 ngôi Tam Bảo thuộc dạng di tích lịch sử tỉnh, đó là chùa Quan Âm, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, xây dựng vào tháng 7 năm 1802 - và chùa Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, xuất hiện vào năm 1860.

Qua nhiều lần Giáo hội địa phương thỉnh nguyện cho hai ngôi chùa được tái sinh hoạt, nhưng chính quyền không đồng ý, để tránh những đòi hỏi liên tục của Phật giáo, chính quyền đã cho đập phá hai ngôi chùa cổ kính, một cách không thương tiếc, tượng thờ, pháp khí lư hương đều không còn.

Chuyện lạ, Trung ương muốn bảo tồn di tích lịch sử thể hiện nét văn minh biết tôn trọng văn hóa dân tộc thì địa phương lại hủy hoại mà không hề thông qua các ban ngành liên đới, trong đó có Giáo hội Phật giáo tỉnh.

Cũng trong năm nay, chùa Liên Trì bị đập phá do lòng tham của quan chức địa phương tống xuất cư dân ra khỏi mảnh đất vàng để trục lợi, không đúng với bản vẽ gốc. Một số am tự của những vị ẩn tu trên núi Thị Vải cũng bị san bằng, giờ đây, Quảng Bình cũng tiếp nối bước chân phá chùa đập tượng đạp đổ lư hương do trình độ kém cộng với lòng tham và thành kiến của một số cán bộ địa phương chứ không phải là chính sách nhất quán của nhà nước, đáng ra Giáo hội trung ương cần mạnh dạn lên tiếng.

Lúc 14g ngày 05/11/2018, Đoàn công tác của Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế, thuộc Cục Dân chủ - Nhân quyền - Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đến Việt Nam tìm hiểu về tự do, trong đó có tôn giáo mà nhà nước luôn tôn trọng, nếu họ biết vụ phá chùa đập tượng đổ lư hương như vừa xảy ra trên một số nơi thì liệu uy tín có đủ tạo niềm tin cho thế giới chăng?

Mong Bộ văn hóa và Thể thao du lịch – cục Di sản văn hóa và những cơ quan chức năng quan tâm giải quyết để tạo niềm tin cho quần chúng khi mà đất nước ta trong thời kỳ hội nhập.

MINH MẪN
08/11/2018






Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

* AN CƯ VÀ MÃN HẠ




“An cư” là từ không còn xa lạ đối với tín đồ Phật giáo; tuy nó không có nghĩa “an cư lạc nghiệp” của đạo Nho, nhưng khía cạnh nào đó, “lạc nghiệp” mang nghĩa “Đạo nghiệp”, mà hàng năm, chư Tăng cả Nam lẫn Bắc Tông đều duy trì theo luật giới của đức Phật.
An Cư
Theo Phật học Tinh tuyển:
(s: vārṣika, p: vassa, j: ango, 
安居): nghĩa là mùa mưa, tiếng gọi tắt của Vũ An Cư (雨安居, An Cư mùa mưa), còn được gọi là Hạ Hành (夏行), Tọa Hạ (坐夏), Tọa Lạp (坐臘), Hạ Lung (夏籠), Hạ Thư (夏書), Hạ Kinh (夏經), Hạ Đoạn (夏斷), Hạ (). An nghĩa là làm cho thân tâm ở trạng thái tĩnh chỉ, cư là định trú trong một thời gian nhất định. Trong thời gian ba tháng mùa mưa ở Ấn Độ thì chư tăng không được đi hành hóa các nơi, hơn nữa do vì trong thời gian nầy các loại cây cỏ, côn trùng phát sanh, nên để đừng sát thương các vật đó, hàng đệ tử Phật thường tập trung lại một nơi, cấm túc, đặt ra quy chế tọa Thiền tu học.
Theo Phật Quang Đại Từ Điển:
AN CƯ ... Là một trong các chế độ tu hành. Còn gọi là Hạ an cư, Vũ an cư, Tọa hạ, Hạ tọa, Kết hạ, Tọa lạp, Nhất hạ cửu tuần, Cửu tuần cấm túc, Kết chế an cư, Kết chế. Thời kì mưa ở Ấn độ kéo dài suốt ba tháng mùa hạ. Trong ba tháng này, AN CƯ A 124 Cứ theo luật Thập tụng quyển 24, thì năm chúng xuất gia là tỉ khưu, tỉ khưu ni, thức xoa ma ni, sa di, sa di ni phải cử hành an cư, còn hai chúng tại gia ưu bà sắc và ưu bà di thì không được an cư. Lại trong năm chúng xuất gia thì tỉ khưu và sa di cùng ở một chỗ an cư tu hành, tỉ khưu ni và sa di ni, thức xoa ma ni cùng ở một chỗ an cư tu hành. Trong Luật tạng đại phẩm nhập vũ an cư kiền độ (Pàli: Vassupanàyika - kkhandhaka) văn Pàli qui định, nếu tỉ khưu không an cư thì sẽ mắc tội ác tác (Pàli: dukkaỉa, đột cát la).
Tinh thần an cư là vậy, ngoài ra, luật tạng còn quy định chi tiết về địa điểm, cách thức tổ chức, thời gian quy định cho những trường hợp bất khả kháng phải ra khỏi phạm vi đã kiết giới… thiết tưởng cũng cần tìm hiểu qua một số chi tiết để thấy giá trị và sự cần thiết cho luật an cư Phật chế, từ đó, chư Tăng sau kỳ mãn hạ được tính thêm một tuổi Đạo, làm điểm tựa cho tín chúng, tự thân thăng tiến đạo lực và tuệ giác.
Về địa điểm an cư, thì luật Tứ phần quyển 37 An cư kiền độ, nêu lên các chỗ như: dưới gốc cây, nhà nhỏ, hang núi, hốc cây, trên thuyền, làng mạc v.v..., hoặc nương nơi những người chăn bò, người ép dầu, người đốn gỗ để an cư. Luật Ngũ phần quyển 19 An cư pháp, thì cấm chỉ không được an cư ở những nơi không có sự cứu hộ, như: giữa bãi tha ma, chỗ không cây cối, nhà lợp bằng da thú (còn có lông), chỗ đất trống v.v... (Phật Quang Đại từ điển).
Lại trước khi an cư, phải sửa sang phòng xá, đồng thời, phân phối phòng xá và các vật cần dùng cho đại chúng một cách đồng đều. Còn về ngày giờ phân phối, thì luật Ma ha tăng kì quyển 27 Sàng nhục pháp điều, nói: nếu nơi an cư tương đối gần thì có thể phân phối vào ngày mười lăm tháng tư; nếu nơi an cư tương đối xa, hoặc số người an cư quá đông mà phải chia bớt đến nơi khác để an cư thì có thể phân phối sớm hơn vào ngày mười ba tháng tư. Lại trước khi vào an cư, phải đối trước người mình nương tựa (vị tỉ khưu có đức hạnh) để bày tỏ ý kết chế an cư, gọi là đối thủ an cư; không có người nương tựa, thì trong tâm tự nói ý kết chế an cư để vào an cư, gọi là tâm niệm an cư. Trong thời gian an cư, cấm chỉ không được ra ngoài đi chơi, nếu người nào không tuân qui định ấy thì mắc tội ác tác. Tuy nhiên, cứ theo luật Tứ phần quyển 37, thì nếu người nào có thể trở về ngay trong ngày thì được phép ra ngoài; hoặc có việc đặc biệt cần thiết, được Tăng đoàn thừa nhận, thì có thể được phép ra ngoài trong vòng bảy ngày, mười lăm ngày, phương pháp này gọi là Thất nhật pháp, Thụ nhật pháp. Ngoài ra, nếu người nào vi phạm qui định này mà ra ngoài, thì đắc tội ác tác, gọi là phá an cư, phá hạ, sẽ mất tư cách tiếp nhận các vật cúng dường an cư được phân phối. Nhưng, nếu vì các chướng nạn như: chạy tránh ác thú, rắn độc, hỏa hoạn, nước dâng, vua bắt, giặc đuổi, trúng thực, nữ nhân, thân tộc v.v..., hoặc vì sự hóa giải việc phá tăng mà rời khỏi nơi an cư, thì không phải tội. Về thời gian an cư, thông thường phần nhiều lấy một hạ chín tuần (tức ba tháng) làm kì hạn. Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao quyển thượng phần 4, lấy ngày 16 tháng 4 là ngày đầu an cư, ngày 15 tháng 7 là ngày cuối cùng, ngày hôm sau là ngày Tự tứ; luật Ma ha tăng kì quyển 27, thì lấy ngày 15 tháng 7 làm ngày Tự tứ; Đại đường tây vực kí quyển 2, quyển 8, thì ghi thời kì an cư là từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 15 tháng 8. Về chủng loại an cư thì có hai thuyết, một thuyết là tiền an cư, hậu an cư, tiền an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 5, hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 6. Thuyết thứ hai là tiền an cư, trung an cư và hậu an cư, tiền an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 4, trung an cư bắt đầu vào ngày 17 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5, hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 5. AN CƯ A 125 Ngày đầu an cư gọi là kết hạ, ngày kết thúc viên mãn gọi là giải hạ, quá hạ, hạ kính, hạ mãn, hạ giải, an cư kính. Thời kì giữa kết hạ và giải hạ, gọi là bán hạ. Cứ theo luật Tứ phần quyển 43 Ca hi na y kiền độ chép, khi kết thúc an cư phải làm bốn việc là: tự tứ, giải giới, kết giới và thụ công đức y. Tức sau khi an cư đã viên mãn, đại chúng phải tự xét những hành vi của mình trong thời gian an cư, nếu có tội thì tự giải bày để cùng nhau sám hối, gọi là tự tứ; ngày tự tứ gọi là tự tứ nhật, Phật hoan hỉ nhật. Lại khi kết thúc an cư, phải giải trừ cái phạm vi đã được kết giới mà trong thời gian an cư không được ra khỏi, gọi là giải giới. Lại sau khi an cư đã viên mãn, các tỉ khưu, tỉ khưu ni được thêm một tuổi hạ gọi là Pháp lạp. Pháp lạp cũng gọi là hạ lạp, là tiêu chuẩn qui định thứ bậc lớn, nhỏ của người xuất gia. (Phật Quang đại từ điển).
Theo Phật-Giáo Nam-Tông tức là Phật-Giáo Nguyên-Thủy - Theravada, chư tăng làm lễ nhập Hạ ngày 16 tháng 6 âm lịch. Nhập Hạ có 2 cách:
1. Nhập Hạ kỳ trước, gọi là Tiền-An-Cư, là nhập Hạ kể từ ngày 16 tháng 6 đến ngày Rằm tháng 9 âm lịch.
2. Nhập hạ kỳ sau gọi là Hậu An-Cư, là nhập hạ kể từ ngày 16 tháng 7 đến ngày Rằm tháng 10 âm lịch.
Trong thời gian 3 tháng an cư kiết hạ, Chư Tăng cũng vẫn đi trì-bình khất thực như thường lệ. Ví đó là lề lối sống của Chư tăng hằng ngày.
***
Nguyên nhân chế tác an cư : Khí hậu Ấn độ có ba mùa rõ rệt, mùa nắng, mùa mưa và mùa lạnh. Chư Tăng đi khắp nơi để hoằng hóa. Mùa mưa côn trùng cây cỏ sanh sôi nảy nở, tu sĩ các tôn giáo bản địa đều ẩn cư vào mùa mưa. Những kẻ ngoại giáo có cơ hội chê trách, nói rằng: Ðến mùa mưa loài chim, loài kiến còn biết làm ổ để ở, các nhà Sư đệ tử Cồ Đàm cứ đi mãi, dậm nát cỏ non và côn trùng. Nhân cớ ấy, Ðức Phật mới dạy Chư Tăng phải nhập Hạ, là cư ngụ trong một nơi cho đến hết mùa mưa. Từ lý do đó, Phật chế an cư, ba tháng chư Tăng không ra khỏi nơi cư trú. Trong ba tháng đó, ngoài vấn đề an ninh do thú dữ, do con người, do thiên nhiên, còn cần sự hỗ trợ lương dược, vì vậy luật quy định không xa xóm làng cũng không quá gần chợ búa, ồn ào, gọi là chỗ "không có năm lỗi":
1.     Chỗ không quá xa xóm làng, để tiện đi khất thực.
2.      Chỗ không gần thành-thị, ồn ào huyên náo.
3.      Chỗ không có kiến, ruồi, muỗi nhiều mình và chúng sanh khó tránh điều có hại.
4.     Chỗ có vị Tỳ-Khưu đủ 5 đức để mình nương nhờ.
5. Chỗ có thí-chủ thuốc thang, cơm cháo.
Chọn chỗ an cư cần có vị Tỳ-Khưu  đủ 5 đức là:
1. Chỗ mình chưa nghe, ông dạy cho mình nghe
2. Chỗ mình nghe rồi, ông làm cho đặng thanh-tịnh.
3. Hay giải quyết dùm những chỗ nghỉ của mình.
4. Thông suốt kinh luật, sẵn lòng dạy bảo.
5. Có chánh kiến.
***
Lợi ích việc an cư: Trong ba tháng cộng trú, chư Tăng thực hiện tinh thần lục hòa:
1. Thân hòa đồng trụ, là giúp đỡ lẫn nhau chung sống.
2. Khẩu hòa vô tranh, là dùng lời nói ôn hòa không tranh cãi.
3. Ý hòa đồng duyệt, là tâm-từ-hòa khuyên bảo lẫn nhau
4. Kiến hòa đồng giải, là sự hiểu biết trao đổi cùng nhau.
5. Giới hòa đồng tu, là cùng nhau nghiêm trì giới luật.
6. Lợi hòa đồng quân, là lợi lộc đồng chia đều nhau.
Thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức, chuyên sâu thiền định, đạo lực tăng trưởng…
Dĩ nhiên suốt ba tháng, vẫn có những trường hợp bất khả kháng để chư Tăng ra khỏi hạ trường, có trường hợp cho phép với thời gian chỉ định, có trường hợp bất hợp pháp không được trường hạ thông qua, cũng có những trường hợp bị quấy phá ảnh hưởng thời gian an cư, đành phải di dời như:
1. Trong Hạ bị thú dữ, ma quỷ khuấy phá, hoặc có kẻ trộm cướp ở gần, có thể bỏ chỗ ấy đi nơi khác được.
2. Xóm nhà mà vị Tỳ-Khưu thường đi trì bình khất thực, nhưng vì hoàn cảnh nào đó mà thiện tín dời đi hết. Vị Tỳ-Khưu không còn nhờ nơi nào khác được nên phải bỏ chỗ đó mà đi nơi khác.
3. Chỗ ở hư sập, lửa cháy, nước lụt, thì phải đi tìm nơi khác.
4. Bị phụ nữ lân cận trêu ghẹo, cám dỗ, thì phải bỏ đi nơi khác.
5. Thấy có vàng bạc, ngọc ngà, châu báu chôn dấu gần nơi cư ngụ, sợ ở lâu tâm đầy tham lam mà lấy của ấy, nên phải bỏ đi nơi khác.
6. Nội bộ có ý đồ chia rẽ.
7. Và Tăng đã chia rẽ nhau, được phép đến nơi ấy cố gắng giải hòa, thì không phạm tội, nhưng bị đứt Hạ.
***
MÃN HẠ:
Có nhập hạ cũng phải có giải hạ, gọi là mãn hạ, để kết thúc mùa an cư kiết hạ, chư Tăng làm lễ Tự Tứ. Ðức Phật có dạy: "Như Lai cho phép Chư Tỳ-Khưu đã nhập Hạ đến mãn mùa mưa rồi phải hành lễ Tự-Tứ theo 3 điều:
1. Vì được thấy
2. Vì được nghe
3. Vì được nghi.
Tự-Tứ là việc chỉ lỗi giùm, thức tỉnh cho nhau bằng 3 cách: thấy, nghe và nghi, chư Tăng tùy ý, tự-do chỉ tội để sám trừ tội ấy. Ðây là một việc phê-bình kiểm thảo một cách hài hòa xây dựng chung cho chư Tỳ-Khưu Tăng cùng chung kiết-hạ an-cư trong một chùa. Cụ thể là người đứng ra cử tội (chỉ lỗi của người khác) phải hội đủ năm đức tính :
  1- Nói đúng lúc, không nói phi thời.
  2- Thành thực, không gian dối.
  3- Vì lợi ích, không phải vì tổn hại.
  4- Vì từ tâm, chứ không có ác ý.
  5- Nói năng nhã nhặn, không nói thô lỗ.
Sau lễ tự tứ mới phát hiện lỗi sai phạm của một vị Tăng thì không được cử tội nữa mà cho thông qua gọi là bất hồi tố.
Sau đó, chư Tăng được thọ “pháp y” mới, gọi là lễ dâng y mà Phật giáo Nam tông gọi là lễ Dâng Y Kathina. Ðức Thế Tôn truyền rằng: "Nầy các Thầy Tỳ-Khưu, Như Lai cho phép các thầy đã nhập Hạ thọ lãnh để Dâng Y Kathina. Này các thầy Tỳ-Khưu, khi các thầy thọ lễ Dâng Y Kathina xong, thì được 5 điều phước báo". Ðây là nguyên nhân mà chư Tăng được phép thọ lãnh để Dâng Y Kathina.

Sau khi mãn hạ, được xem là thêm một tuổi Đạo, chư Tăng trở về trú xứ hoặc đi hoằng pháp, Thượng cầu hạ hóa.
Đức Phật suốt 45 năm hướng dẫn chư Tăng và tín chúng tu tập, cũng là 45 năm đức Thế Tôn hành tác an cư theo Tăng chúng. Mùa an cư 5 ngày đầu tiên của mùa an cư thứ nhất, Đức Thế Tôn đã thuyết pháp tiếp độ được 5 vị Thánh Tăng tại vườn Lộc Uyển, mở đầu cho công cuộc hoằng pháp của Ngài. Tiếp theo, ngài độ cho thanh niên Yasa cùng với 54 người bạn xuất gia và trở thành những vị Thánh Tăng. Giáo đoàn của Phật có được 61 vị Thánh vô lậu xuất hiện.
Mùa an cư thứ hai, thứ ba và thứ tư: Đứa Phật và chư Tăng tại Trúc Lâm tịnh xá.
Đặc biệt mùa an cư thứ năm: tại ngôi Trùng Các giảng đường gần thành Xá Vệ, có Di mẫu Mahāpajāpatigotamī cùng 500 Thích nữ tự cạo tóc đắp y đi bộ từ Ca Tỳ La Vệ đến thành Xá Vệ để xin Phật xuất gia.
Mùa an cư thứ sáu: Đức Thế Tôn cùng với chúng Tỳ khưu tại núi Maṅkula.
Mùa an cư thứ 7: Phật lên cung trời Tāvatiṃsā để thuyết giảng Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) cho thân mẫu của ngài, là vị thiên tử ở cõi trời Đâu Suất (Tusita) trong suốt 3 tháng mùa mưa. Sau khi nghe xong thời pháp, vị thiên tử đắc được Thánh quả Tu-đà-huờn.
Mùa an cư thứ 8: Đức Phật trú tại rừng Bhesakala, ở núi Suṃsumāra của xứ Bhagga.
Mùa an cư thứ 9: Đức Phật ngụ tại ngôi chùa Ghositārāma ở Kosambi.
Mùa thứ 10: Có hai nhóm Tỳ khưu trong thành Kosambi bất hòa với nhau, Thế Tôn khuyên ngăn không được nên Ngài đi vào rừng Pārileyyaka một mình và trải qua mùa an cư tại đây với sự hộ độ cúng dường của một con voi và một con khỉ.
Mùa an cư thứ 11: Đức Phật đã ngự đến ngôi làng Ekanāḷā, trong Dakkhinagiri, một ngôi làng theo Bà-la-môn giáo gần xứ Magadha. Ngài ngự đến đây để thuyết pháp tiếp độ cho ông Bà-la-môn Kasibhāradvāja bằng thời pháp với đề tài “cách làm ruộng của Đức Phật”. Sau đó ông xuất gia trở thành vị Tỳ khưu Phật Giáo và chứng đắc được Thánh quả A-la-hán.  
 Mùa thứ 12: theo lời thỉnh cầu của Bà-la-môn Verañja, Đức Phật cùng với chúng Tỳ khưu an cư mùa mưa tại xứ Verañjā. Lúc bấy giờ, nạn đói xảy ra tại xứ này, Đức Phật và chư Tăng phải dùng thức ăn của ngựa do một người buôn ngựa dâng cúng. Và trong mùa an cư này, Tôn giả Sāriputta bạch hỏi Đức Phật về thọ mạng của Giáo Pháp. Thế Tôn đã giảng cho Tôn giả nghe về thọ mạng của Giáo Pháp trong thời các vị Phật quá khứ. Tôn giả bạch xin Phật ban hành giới luật nhưng Thế Tôn đã từ chối lời thỉnh cầu ấy.
Mùa an cư thứ 13 này, Đức Phật ngự tại núi Cāliya.
Mùa an cư thứ 14: Đức Phật cùng với chư Tăng nhập hạ tại ngôi đại Tịnh xá Kỳ Viên do ông Cấp Cô Độc kiến tạo gần kinh thành Sāvatthi. Trong mùa an cư này, Sa-di Rāhula tròn 20 tuổi nên được xuất gia Tỳ khưu với Ngài Tôn giả Sāriputta làm thầy tế độ.
Mùa an cư thứ 15: Đức Thế Tôn cùng với chúng Tỳ khưu nhập hạ tại ngôi chùa Nigrodhārāma, gần kinh thành Kapilavatthu. Ngôi chùa này do đức vua Mahānāma kiến lập để cúng dường và cung thỉnh Đức Phật với Chư Tăng trú ngụ. Cũng được ghi nhận là Đức Thế Tôn chỉ nhập hạ duy nhất một mùa an cư tại quê hương của mình.
 Mùa an cư thứ 16: Đức Phật đã ngự tại Aggaḷāva của xứ Āḷavī và đã tiếp độ được dạ xoa Āḷavaka rất hung ác, nhờ Đức Phật tiếp độ và giáo hóa nên dạ xọa thành tựu được Thánh quả Tu-đà-huờn.
 Mùa an cư thứ 17: Đức Phật nhập hạ tại Trúc Lâm Tịnh xá (Veḷuvanavihāra) ở thành Rājagaha của xứ Magahda (Ma Kiệt Đà).
Mùa an cư thứ 18: Thế Tôn nhập hạ 3 tháng mùa mưa ở núi Cāliya.
Mùa an cư thứ 19-20: Hai mùa an cư liên tiếp, Đức Thế Tôn nhập hạ tại tại Trúc Lâm Tịnh xá (Veḷuvanavihāra).
     Một sự kiện quan trọng xảy ra trong mùa hạ là sự kiện Tôn giả Ānanda chính thức trở thành vị thị giả hầu cận bên Đức Thế Tôn. Suốt 20 năm, Ngài không có vị thị giả cố định thường túc trực để hầu cận nên vào mùa hạ này Thế Tôn cũng đã lớn tuổi (55 tuổi) nên Ngài muốn có một vị thị giả hầu cận phục vụ. Tôn giả Ānanda trở thành vị Tỳ khưu thị giả của Đức Phật kể từ mùa hạ này trở đi.
Mùa hạ an cư thứ 21 cho đến mùa hạ an cư thứ 44: Đức Thế Tôn chỉ thường trú tại hai ngôi chùa chính ở Sāvatthi, đó là Kỳ Viên Tịnh xá do ông Cấp Cô Độc cúng dường và ngôi Đông Phương Tự (Pubbārāma) do bà Visākhā cúng dường.
 Mùa an cư thứ 45 là mùa an cư cuối cùng của Đức Thế Tôn tại ngôi làng Beluva gần kinh thành Vesāli. Trong mùa hạ này Ngài lâm trọng bệnh nhưng vẫn duy trì báu thân để tiếp tục công cuộc hoằng pháp độ sinh. Đức Thế Tôn nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại đây rồi tiếp tục du hành về nhiều nơi và cuối cùng là Kusinārā để viên tịch Niết-bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesak. (sưu tầm tư liệu PG nguyên thủy)
***
Tóm lại, an cư là nếp sinh hoạt cần và đủ để chư Tăng thúc liễm thân tâm, tiến tu đạo nghiệp, xây dựng một Tăng đoàn thanh tịnh, trang nghiêm, hòa hợp, sau 26 thế kỷ, Phật giáo trên thế giới vẫn duy trì tốt như sự báo đáp ân Phật.
An cư, tự tứ, khai đàn truyền giới… hay bất cứ lễ nghi tôn giáo thuộc thuần túy nội bộ, cần sự thanh tịnh và dưới sự chứng minh của cao Tăng thạc đức, thế nhưng, vài nơi lầm lẫn thiết lễ tôn giáo và lễ nghi hành chánh, đã mời các quan chức đến tham dự như sự có mặt cần thiết, đáng ra không cần thiết cho việc tu tập.
“Phước tuệ lưỡng toàn phương tắc Phật”.

MINH MẪN  
01/11/2018