Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

TỪ LỰC - ÁNH SÁNG VÀ TỰ TẠI


Mọi tôn giáo chính thống, mọi trường phái tâm linh giải thoát, đều lấy lòng Từ làm nòng cốt. “Từ Lực” là năng lượng vốn hằng hữu trong vũ trụ; nó là sự tương quan kết nối mọi sinh vật hữu thể và vô hình, vì nó là lực hút hóa giải mọi ô tạp, đố kỵ, tỵ hiềm và ích kỷ.

Đối với Thánh nhân, chư Phật, chư Bồ Tát, các đại minh sư là hiện thân của một năng lượng vô biên và vô điều kiện. Các Ngài đến để phục vụ chúng sanh không điều kiện, không ngoài mục đích hướng dẫn chúng sanh trở lại hội nhập với tính thể uyên nguyên của chính mình.
“Từ lực” vốn là thể trong sáng, nhân hậu, khi chúng sanh gợn sóng vô minh. “Từ lực” biến thành “ái lực”, một tình thương có đối tượng, có điều kiện, tức có ích kỷ; Nguy hiểm nhất là tính vô cảm. Cho dù tình thương hạn chế trong gia đình, trong vật nuôi vẫn còn cơ may phát triển, nhưng con người không biết động lòng trước đồng loại hay hoàn cảnh đau thương nào đó, sẵn sàng ra tay sát hại bất cứ người và vật; lòng nhân không còn thì nói gì đến lòng Từ! Nói thế, không có nghĩa họ không có lòng Từ, nhưng vì ác nghiệp sâu dầy che án mất lòng Từ, phải cần thời gian học hỏi và được sự hướng dẫn, hoặc gặp một cơ duyên nào đó được “Từ lực” khai hóa.
Hành trạng của “Từ Lực”: Nguyên thể vốn như như bất động, nhưng có công năng chuyển hóa làm tan rã tính đông cứng của tâm thái vô cảm. “Từ lực” hiện tướng qua các bậc chân đức, minh sư, Thánh nhân, Bồ Tát… để chuyển hóa chúng sanh qua những phương thức hành thiện, bố thí, cúng dường, phóng sanh và Thiền định.
Các hành giả tâm linh dễ khai triển “Từ lực” nhiều hơn là sinh hoạt tôn giáo. Vì hành giả tâm linh loại bỏ tất cả giáo điều, giáo sản, giáo luật, giáo hội và vô số điều lệ của tôn giáo mà hành giả luôn trực chỉ chân tâm. Trong khi tôn giáo bị ràng buộc lắm giáo quy của một tổ chức, vì thế càng sanh thêm những trách nhiệm mà một hành giả tâm linh muốn rời bỏ. Một khi “Từ Lực” xuống cấp thành “lòng nhân”, tất phải có đối tượng để thực thi “lòng nhân” thì khai sanh ra công việc hành thiện. Công việc từ thiện trong tôn giáo cũng như tự phát của quần chúng không tôn giáo mang tính phong trào, mang tính vị tha, thậm chí trở thành thói quen thiếu cảm tính. Một chùa thường đi cứu trợ mỗi năm nhiều chuyến số tiền lên hàng tỷ, chi phí xe cộ vận chuyển nhiều hơn số tiền bố thí cho mỗi khẩu phần. Từ miền Nam ra Trung hoặc các vùng cao phía Bắc, chi phí vận chuyển rất lớn, người nhận thí phần không quá 500 ngàn (mươi ký gạo, thùng mì, đường sữa, dầu ăn, bột ngọt và 100 ngàn tiền mặt)… Đó là nguồn an ủi cho dân nghèo nơi vùng cao, vùng xa lây lất với số quà đó cũng được mươi bữa cho một gia đình, thế 20 ngày còn lại thì sao? Quần chúng thường ủng hộ các công tác cứu trợ như thế trở thành thói quen thiếu kiểm soát, thậm chí tạo cho dân chúng nơi đó có tính trông chờ, ỷ lại. Nghĩa là ta thường cứu nghèo chứ không phải cứu ngặt. Công tác từ thiện như thế vốn từ tấm lòng vị tha, nhưng nếu dùng suy nghĩ, sử dụng nguồn kinh phí đó, với bao tấm lòng đó, có hiệu quả hơn thì giá trị lòng vị tha sẽ nhân lên gấp bội. Trong khi đó, quanh ta, biết bao người tại thành phố, kể cả Phật tử đang cần một số tiền để cứu nguy mạng sống nằm chờ trong bệnh viện. Nói như thế không phải ta bỏ mặc đồng bào mình đang thiếu ăn. Hàng tỷ đồng mỗi năm, ta có thể tạo một nghề nghiệp cộng đồng cho địa phương với những nghề thích hợp từng bản địa mới xóa được kiếp ăn chờ sống chực. Nếu không thì công tác như thế chẳng hóa là muối bỏ biển! Vì thế lòng nhân cần đi đôi với ý thức.
“Từ lực” hóa thân thành lòng nhân thì năng lực cũng một phần bị suy giảm, cũng như tôn giáo biến thể từ nguồn cội tâm linh thì cũng mang lắm nhiêu khê trong cuộc sống. Một khi “từ Lực” hóa thân thì lòng nhân mang nhiều phản diện: - bố mẹ thương con bằng cách chiều chuộng, cũng có khi la mắng đánh đập cũng vì thương con. Một góp ý sửa sai với lòng tốt cũng có nhiều cách, hoặc khen tặng, hoặc nặng lời khích tướng cho đối tượng tự ái mà thay đổi. Không thể nhìn hiện tượng mà đánh giá, hãy nhìn thiện ý của kẻ hành động. Có khi ngọt lời nhưng ý thâm độc, có khi nặng lời nhưng ý tốt dựng xây. Và dĩ nhiên nặng lời mang tính thù hận không phải lòng nhân của tín đồ tôn giáo. Cái gì cũng có hai mặt:- thật và giả rất giống nhau nhưng khác nhau ở phẩm chất “lòng từ”.
Tín đồ một tôn giáo chân chánh, luôn có sự hiện hữu của lòng Từ đi đôi với sự thờ kính, vì vậy, Phật giáo thường bảo: “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”. Chúa Jesus cũng từng hạ mình rửa chân cho tông đồ… Không những thể hiện lòng Từ còn mang tính bình đẳng. “Từ lực” vốn có đủ ánh sáng tuệ giác, nhưng khi chiết lược qua tâm phàm, biến thành “lòng nhân”, đôi khi trí tuệ bị giảm nên hành thiện thường khiếm khuyết và bị lạm dụng.
 Hành giả luôn đắm chìm trong Thiền định, tâm thức nâng cao, hòa nhập cùng từ lực vũ trụ, thì “Từ lực” luôn là ánh sáng, thân tâm luôn thanh thản tự tại và tuệ giác thường hằng. Do Từ lực mà chiêu cảm chúng sanh dễ hơn việc hành thiện mà tâm còn lắm ô trọc. (có nghĩa một hành giả tâm linh đạt một năng lượng “từ lực” cao tuy không bố thí tài vật, chúng sanh vẫn tôn kính, trong khi hành thiện mà thiếu công năng hành trì thì chỉ tạo được lòng biết ơn đối với kẻ thọ nhận, chưa chắc khuyến hóa có kết quả). Vì thế, trong xã hội luôn phức tạp, người tín đồ, ngoài việc hành thiện của “lòng nhân”, cần nâng cấp “lòng nhân” lên “lòng Từ” để rồi, trên con đường chuyển hóa tâm linh, sẽ biến tâm thức thành một “Từ Lực”. Lúc bấy giờ không còn phải vận dụng thế trí để phán đoán phân biệt đúng sai của hành động mà Tuệ tri luôn có mặt cùng “Từ lực” để hỗ trợ cho mọi hành động một cách tự tại thanh thản.

“Từ Lực – ánh sáng tâm linh và phong thái tự tại” là kết quả tất yếu  của mọi hành giả trên con đường tiến hóa giải thoát. Tín đồ tôn giáo không thể là người thừa hành tín ngưỡng mà là có trọng trách chuyển hóa tín ngưỡng tôn giáo thành hành giả tâm linh vì mục đích giải thoát; nhưng hầu hết chúng ta biến thành tín đồ ngoan đạo hơn, như thế thay vì muốn đến với tôn giáo để thoát khỏi hệ lụy thế gian, chúng ta lại tròng thêm vào cổ một cái ách mới, cái ách tín đồ cuồng nhiệt, thế là bị giam chân trong vòng xoay mới của cuộc sống thế tục. Đức Phật không muốn chúng ta là tín đồ thuần thành gọi dạ bảo vâng, Ngài muốn mỗi chúng ta theo chân Ngài tự thắp đưốc lên mà đi, vì Ngài từng bảo, không ai là thầy của chúng ta ngoài giáo Pháp của Ngài; kết quả của một giáo pháp là tràn đầy “Từ Lực – Tuệ giác và Tự Tại”.

                                                           MINH MẪN
                                                               21/3/13

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

NHỮNG BIỂU TƯỢNG MẬT Ý





Gần đây, cộng đồng cư dân mạng xôn xao về hình tượng “người nữ ôm trong lòng Phật”. Quả thật, đây là vấn đề nhạy cảm và xa lạ đối với hầu hết tín đồ Phật giáo trên thế giới ngoài một bộ phận Mật tông; Sở dĩ gọi là một bộ phận, vì không hẳn toàn bộ Mật pháp đều sử dụng biểu tượng như thế.

Có sự tương thông trong các pháp hành Du già, đạo học, Tiên thiên hợp lưu, Thủy hỏa ký tế, âm dương bão hòa, Châu Thiên tiểu-đại… của Đông Phương, cũng như một vài mật pháp của Ấn giáo, Ba Tư và Ai Cập cổ đại.

Riêng những biểu tượng trên, xuất hiện rất sớm trong nền triết lý Ấn giáo, một triết lý chuyển hóa hành giả bằng những biểu tượng cụ thể, có trước thời kỳ Phật giáo xuất hiện. Chúng nằm  vùng Bắc Ấn, vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, các hành giả ẩn cư trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Tại Trung Hoa, Lão Trang và các Đạo gia cũng xuất hiện lý thuyết Âm-Dương ngũ hành áp dụng vào tu luyện, đạo học, y học, võ thuật, kinh dịch, bói toán, địa lý…

Do Ấn giáo nặng về tín ngưỡng đa Thần nên lý thuyết Âm Dương, sáng tạo và hủy diệt, trí tuệ và vô minh chuyển hóa thành những biểu tượng cụ thể. Vì vậy, Ấn Độ có thần Shiva, Nữ thần Nataraja được coi như là hóa thân của thần Shiva, thần Vishnu, thần Thấp Ti Nô, thần Na La Diên Na, thần Thấp Bà là Linga, biểu tượng dương vật, thần Shesha là vua của loài rắn. Brahma còn là một sự nhân hóa của Đại ngã, nó được dùng để chỉ quyền năng được gọi là "Tuyệt đối" đằng sau mọi sự sáng tạo. Trong ý nghĩa triết học, Brahma biểu thị khuynh hướng vận động điều hòa (rajas), tạo nên thế quân bình giữa hai khuynh hướng qui tâm (sattva) và ly tâm (tamas), giữa bảo tồn và hủy diệt mà thần Vishnu và Shiva là biểu hiện… Mọi hiện tượng trong thiên nhiên được Thần hóa biểu tượng, vì thế, tại Ấn Độ có quá nhiều tôn giáo tín ngưỡng mang nhiều màu sắc. Cho dù màu sắc nào, tín ngưỡng nào, cũng không ngoài lý thuyết cơ bản Sáng Tạo, Hủy Diệt và Bão Hòa mà đạo học gọi là Âm-dương và quân bình.

Sau 6 thế kỷ đức Phật nhập diệt, một số bộ phái ra đời, Nam Ấn giữ được nguyên tính truyền thừa. Bắc Ấn, vài bộ phái chịu ảnh hưởng Yoga trong triết thuyết và hành trì, chính vì thế Mật pháp của một bộ phận Bà La Môn thâm nhập vào hành giả ẩn cư, lập ra Mật tông, dung hóa giữa giải thoát của Phật giáo và triết thuyết hiện tượng của Bà La Môn.

Những biểu tượng “Thần giao hợp” đã xuất hiện rất sớm, mà theo truyền thuyết, thần Brahma cũng từng vi phạm loạn luân, trong bộ ba Brahma – Shiva – Visnhu đã kết hợp thành một học thuyết giềng mối giữ thế tồn tại cho Bà La Môn (Tam vị nhất thể). Theo Ấn Giáo, vấn đề âm – dương giao thoa là việc tất yếu của mọi sinh vật, khác chăng là các đạo sĩ nâng chúng lên một giá trị triết học.

Khi những biểu tượng tất yếu thâm nhập vào một bộ phận hành giả Mật pháp của Tăng sĩ Phật giáo, các ngài dung hóa lý thuyết giải thoát và biểu tượng trên căn bản đối diện sự thật. Khác với chủ trương Nam truyền, “Ly dục, ly ác pháp” các tổ Mật pháp xem “thế gian pháp tức Phật pháp”. Mọi hiện tướng, bản thân chúng không tốt xấu, do tâm dục mà chúng biến thành xấu và với tâm thanh tịnh chúng là phương tiện đạt đến diệt dục. Trong các bộ phái và pháp hành Phật giáo Bắc truyền, phải nói Mật Tông nói chung và Kim Cang Thừa nói riêng, đòi hỏi hành giả một nghị lực phi thường để vượt qua những các cảnh đời thường, đó là đi trực tiếp, giải thoát nhanh nhất để chuyển hóa tâm thức.

Hầu hết các pháp hành đều khuyên hành giả trốn chạy, tránh xa các lạc thú nhạy cảm, nhưng xét cho cùng, đó chỉ là lấy đá đè cỏ, những chủng tử bất thiện trong tiềm thức vẫn đang ấp ủ chờ cơ hội bùng phát. Hưởng thụ dục lạc nằm trong hai trạng huống, hoặc hưởng thụ với tâm ô nhiễm hoặc hưởng thụ bằng sự tỉnh giác để chuyển hóa tâm nhiễm ô. Và nhất là những hành giả giải thoát, cần đối diện thực tại để chuyển hóa tâm thức nhiễm ô. “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác…” vì thế, bất cứ những gì có mặt trong cuộc sống, từ chiếc lá rơi đến sinh hoạt tâm sinh lý, từ hiện tượng thiên nhiên đến bản năng sinh tồn của động vật, chúng đều là những công án để hành giả hóa giải những mắc mứu trong tâm thức.

Một tu sĩ từ bé được thầy cho sống ở núi, khi trưởng thành, xuống phố nhìn cái gì cũng lạ. Cái lạ nhất là các cô gái mà mình chưa gặp bao giờ. Về lại núi, tu sĩ trẻ thẩn thờ giao động mãi, thầy biết được chủng tử vô minh trong tâm thức người để tử trỗi dậy. Thầy đem một bức tranh phụ nữ kiều diễm dán trên tường, hướng dẫn đệ tử quán chiếu tất cả mọi ngõ ngách mà người đệ tử bị thu hút. Một thời gian sau, người đệ tử hiểu rằng, cái mà thu hút chàng không phải là sắc đẹp của phụ nữ mà là sắc dục ẩn tàng trong tâm thức có dịp bộc phát.

Cũng thế, tất cả pháp tướng thế gian dù đẹp hay xấu, không phải là nguyên nhân làm cho ta sa đọa mà chính ta đã làm cho những pháp thế gian sa đọa xấu xa hơn. Vì thế, tu tập là sự chuyển hóa tâm thức chứ không phải ức chế tâm thức trước thực tại.

Trong một số kinh điển ngoại giáo có trước thời đức Phật, ngoài hình ảnh, còn hướng dẫn rất k về thao tác làm tình để nâng cao sự khoái lạc thể xác, biến cảm xúc lên tần số giao cảm thánh thiện thoát tục; đó là những mật pháp dành riêng cho những hành giả yogi có một năng lực tinh thần tuyệt hảo. Bởi vì, theo lý thuyết, trong mỗi sinh động vật đều hàm tàng hai nguồn năng lượng âm dương, do thiếu quân bình đem đến bệnh hoạn, sa đọa… luôn cảm thấy thiếu nên chạy tìm để hưởng thụ và đánh mất sự sáng suốt. Trên bình diện cảm xúc trần tục, chúng ta xấu hổ trước những hình ảnh giao hoan như thế, thực ra “chư Thần giao hợp” là một vũ điệu hợp nhất năng lượng âm-dương trong mỗi con người cũng như vũ trụ. Các hành giả Yogi, đó là một pháp hành tối thượng phát sanh đại lạc vi tế nhất của mật pháp, hoàn toàn không tùy thuộc vào đam mê cảm xúc của giác quan mà “nam thần” biểu thị cho đại lạc và “nữ thần” là biểu tượng của đại trí; Trí lạc viên dung là sự toàn vẹn tột đỉnh của một thành tựu giả.

Trước hình tượng xuất hiện khắp các tu viện tại Bắc Ấn tu mật pháp nầy, giúp hành giả cảm nhận được sự quân bình âm dương trong nguồn sinh lực cơ thể, vì các hành giả đã vượt khỏi tâm phân biệt nhị nguyên. Một hành giả bước vào mật pháp hoan lạc nầy phải chọn một trong 4 giai đoạn của mật điển:

 Mật điển thiên về hành động, mật điển thiên về tư duy, mật điển du già và tối thượng du già. [1] Mỗi hạng dành cho một loại hành giả đặc biệt, trước khi chọn một trong bốn mật pháp để thực hành theo từng căn cơ, hành giả cần trải qua 4 giai đoạn tối cần của mật pháp:
Thứ nhất là pháp Du già tịnh hóa triệt để môi trường chung quanh; thứ hai là pháp Du già tịnh hóa triệt để thân xác; thứ ba là tịnh hóa triệt để mọi cảm thọ; thứ tư là pháp Du già tịnh hóa triệt để mọi hành vi. [2]

Như thế một hành giả Yogi không thể là kẻ lạm dụng của sự lạc dục. Ham muốn là bản năng tiềm ẩn của động vật, chuyển hóa năng lượng ham muốn như thế nào để năng lượng ham muốn biến thành năng lượng tuệ giác là một vấn đề mà hành giả cân nhắc rất kỷ. Thế tục do không thỏa mãn những ham muốn sanh ra tha hóa, khổ đau, điên loạn. Thực tế ham muốn là một năng lượng thiếu quân bình, nếu không có pháp hành thì con người không bao giờ bù đắp được sự thiếu hụt đó, luôn quay cuồng tìm kiếm trong đau khổ. Các mật pháp cung cấp cho hành giả một pháp hành với một ý thức rõ ràng, tự bù đắp và chuyển hóa những thực tại trong chính ta chứ không phải từ ngoại cảnh. Thực hành Mật pháp là hợp nhất kinh nghiệm lạc thú với ánh sáng tâm linh; cũng như khi nam nữ giao hoan, ánh sáng chợt lóe trong lúc cực khoái, từ đó, thần thức cõi trung giới có duyên theo đó nhập thai. Cái lạc thú và ánh sáng của hành giả trong lúc luyện đạo là một thăng tiến nội lực lúc bão hòa năng lượng âm dương nội tại, từ đây, đưa hành giả đến sự thành tựu giải thoát hoàn toàn.

Trước khi có hình tượng cô gái ngồi trong lòng Phật thì cũng đã có nhiều tranh tượng của Ấn Độ miêu tả giao hoan nam nữ trước nhiều thế kỷ. Chỉ vào thế kỷ thứ 6 khi Kim Cang thừa chịu ảnh hưởng giữa Phật và Ấn Giáo thì pháp hành pha trộn giữa hai giáo lý, thiên nặng về Mật giáo được truyền bởi một chân sư nghiêm mật, nên ít phổ biến, vì thế vẫn giữ được mạng mạch không gián đoạn. Đặc trưng Mật pháp chú trọng đến cực quang và hoan lạc pháp để thăng hoa tâm thức mà Duy Thức gọi là “Bạch tịnh thức”, lúc ấy Thức biến thành Trí, Trí tuệ siêu việt khai mở.

Những hình tượng xuất hiện trên mạng gần đây, do chưa hiểu giá trị tuyệt đỉnh của pháp hành, nên quần chúng phẫn nộ, xem như một điều bất kính với Đức Phật, nhưng thực tế, nhìn sâu hơn, điều đó đã tăng giá trị điềm nhiên giải thoát và hoan lạc của bậc giác ngộ trước một đối tượng mà Ấn giáo gọi là mẹ Vũ Trụ Giao Hòa. Mật thừa xem là sự quân bình năng lượng chân và tục, trí tuệ và giải thoát một cách bản nhiên.

                                                           MINH MẪN
                                                              09/02/13
[1] Kim cương thừa 
[2] Geshe Kelsang Gyatso

                            

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013