Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

CHẾCH BÓNG


Thầy Tâm vẫn thoi thóp nằm thở một cách khó nhọc, Thanh Ngọc xót xa nhìn thân thể tiều tụy của thầy; thầm cầu nguyện thay mặt thầy sẽ phóng sanh và bố thí hướng đến oan gia trái chủ nào đó từng đeo bám thầy, để thầy phục hồi sức lực tiếp tục đường tu.

                                                                  ***

Thanh Ngọc thường được nghe rằng bệnh là một trong những nghiệp đã tạo, bệnh càng nặng do tích lũy từ quá khứ,kiếp hiện tại gặp đủ duyên nó sẽ phát khởi. Nếu hiện tại chuyên tu, tạo nhiều phước báu và công đức thì quả báo không có dịp trỗ sanh.Mẫu chuyện trong Thủy sám – Ngộ Đạt quốc sư 10 kiếp chân tu, chỉ khởi ý tự mãn khi được nhà vua mời ngồi trên chiếc ghế trầm hương, quả báo quá khứ liền theo đó nhập vào đầu gối, mỗi ngày lớn dần, đau nhức. Nhớ lại ngày trước có một vị Tăng bệnh ghẻ lở, thầy Ngộ Đạt chăm sóc tận tình, ngài dặn Ngộ Đạt, sau này có nghiệp nạn, lên núi Trà Lũng, Tây Thục, Bành Châu,chỗ có hai cây tùng gọi là Song tùng Lãnh sẽ gặp ngài giúp.Câu chuyện luôn ám ảnh nàng, mỗi khi hoạn nạn, nàng thường nghĩ đến nhân quá khứ, chí thành sám hối.

Bóng sáng từ ngọn đèn dầu leo lét trong nhà, chập chờn chiếc bóng Thanh Ngọc trên vách đất, nàng liên tưởng đến bóng nàng và Tuấn, bên bờ sông đầu làng, một đêm trăng trung tuần; tình cảm chớm nở,nét đẹp thanh xuân của hai mái đầu.

 Ngày ấy,ngày mà Thanh Ngọc lẫn Tuấn can đảm hẹn nhau đêm đầu tiên sau buổi sinh hoạt đoàn Lam vào chiều chủ nhật. Thanh Ngọc là đoàn trưởng thiếu nữ, Tuấn là đoàn trưởng thiếu Nam, sinh hoạt chung đã hai năm, nhiều lần đi trại, học giáo lý, tình cảm ngấm ngầm bén rễ.Giáo lý nuôi dưỡng tâm đạo quá vững, Tuấn mạnh dạn dứt khoác tình cảm, khoác lên mình chiếc nâu sòng nơi ngôi chùa quê thật xa. Buổi tối đó, Thanh Ngọc và Tuấn bịn rịn chia tay, giọt lệ nóng thấm vào vai Tuấn, gió sông thổi rối tung tóc Thanh Ngọc, quấn vào vai, vào cổ chàng; mùi hương thoang thoảng chập chờn như không gian ướp hoa tinh khiết.

Thanh Ngọc miễn cưỡng lên xe hoa do ba mẹ chỉ định. Chàng trai làng kế cận hãnh diện sánh vai cùng nàng trong bộ trang phục cổ truyền.Nước mắt thấm mi quay nhìn lại ngôi nhà thân yêu trên hai mươi năm êm ấm cùng ba mẹ, con lucky quấn quít theo chân tiễn cô dâu; Thanh Nhọc nhìn quanh đâu đó tìm bóng hình quen thuộc,Tuấn ngày xưa vẫn bộ đồ lam, đội mũ tứ ân luôn ám ảnh suốt lễ Tân hôn.Lòng buồn vời vợi xua tan nét hoa trên dung nhan thuần hậu của nàng khi hai họ nâng ly chúc mừng “trăm năm hạnh phúc”. Đâu đó trong vũng lầy tâm can,trộn lẫn mọi thứ đặc quánh như một thành phẩm không tên tuổi.

Buồn, Thanh Ngọc hay làm thơ mỗi khi chồng ra đồng. Ngôi nhà thừa kế do cha mẹ chồng cho, nó trống trải, không gian lạnh lẽo; heo gà chó mèo thay cho con hiếm muộn. Đã ba năm sống chung, vợ chồng nàng muốn có tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ cho vui nhộn, càng ao ước càng xoáy sâu vào niềm cô đơn thầm kín.

Một trưa hè, tiếng nước rữa chân của chồng ngoài đầu hiên,Thanh Ngọc vội nhét tập thơ xuống áo gối. – nay ngoài đồng nắng lắm sao anh về sớm vậy? người chồng do mệt hay thế nào, đi thẳng vào bộ ván gỗ nằm bệch, nàng đưa ly nước mát mời, chàng uống một hơi. –Em tưởng như mọi khi chiều anh mới về nên em chưa làm cơm vội / Thanh Ngọc nói.

Thỉnh thoảng chồng thường nhìn thấy vợ hí hoáy viết, chẳng biết viết gì, ngỡ chừng gửi thư về thăm gia đình, nhưng làng cách làng về thăm lúc nào chả được.Một hôm nàng ra chợ đầu làng, chàng đọc những vần thơ của nàng mà chẳng hiểu nàng nói gì, viết cho ai, cứ như trời trăng mây nước vẩn vơ; chàng thầm nghĩ, hay là mình không đủ trình độ để hiểu những ẩn ý nào đó !

Thời gian như xoáy mòn tình cảm, cuộc sống lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, càng làm căn nhà lạnh hơn, mối bất hòa cứ như bị xé toạc, một lực ly tâm làm cho các hành tinh trong thái dương hệ xa cách mặt trời, giờ đây ngôi nhà hạnh phúc trước đây tưởng chừng giông bão khó xô ngã, đã bị lung lay bởi sự ngờ vực từ những con chữ.Cả hai người mong có một em bé để gắn kết, nhưng, tiếng gió rít ngoài song vào đêm Đông báo hiệu nẽo về cô đơn.

Thật sự Thanh Ngọc đã chia tay chồng dễ dàng, hai người không cùng đồng điệu, không một chút luyến lưu, không có kỷ niệm đáng nhớ.Mối tình đầu tiên với Tuấn vẫn ám ảnh như một thiếu phụ tiễn đưa người tình năm nào. Ray rứt, lưu luyến, thèm muốn được ôm Tuấn vào lòng trong lúc này, nhưng, tín tâm Tam bảo không cho phép nàng nghĩ tới. Càng cố quên, càng nhung nhớ như chồi non bị đá đè cứ tìm cách chui lên.

Trở về với ba mẹ, Thanh Ngọc như thoát được ngột ngạt khó thở.Con Lucky cũng được chia vui, suốt ngày cứ quấn quýt theo chân không rời. Tuy lucky đem lại niềm vui nhỏ nhoi, không lấp được nỗi nhớ nhung bâng quơ đâu đó.Ước gì lúc này có Tuấn bên cạnh; bên ngoài gió rít như muốn nuốt chửng cảnh vật; cây lá gồng mình chống chọi một mùa Đông khắc nghiệt. Đêm phủ kín bầu trời,nàng ôm Lucky cuộn tròn trong chăn để sưởi ấm cho nhau, chìm vào cơn mộng mị.

Nửa đêm thức giấc,Thanh Ngọc thắp nhang, nhìn lên tranh Phật, tự thú sám hối giấc mộng không thanh tịnh đưa đến phạm giới trong mơ. Giấc ngủ tuy không chủ động ý thức, nhưng dù sao, mình là một phật tử, không nên có một điềm mộng như thế. Nếu thường ngày không có những ý tưởng thiếu trong sáng về tình cảm thì làm gì xảy ra những cảnh tượng đó!Nàng ăn năn vô cùng.

Một dằn vật đấu tranh trong tư tưởng, nghĩ đến sự trong sáng thì những mơ tưởng tình cảm đen tối liền xuất hiện. Tự biện hộ : - tình cảm là việc tự nhiên của mọi động vật, có gì là sai? Mình vẫn còn là người phàm mắt thịt mà! Ý nghĩ khác lại đến: - Hãy tôn trọng lý tưởng của Tuấn, một lý tưởng thánh thiện cao đẹp, mình là một phật tử mà….

Thanh Ngọc cố tránh né gặp mặt, nhưng đôi chân cứ thúc dục đến thăm Tuấn. Quy định Thiền môn khách đến tiếp xúc chư Tăng không quá 10 phút. Đây là rào cản cần thiết giúp Thanh Ngọc cách xa chàng, nhưng lại là lý do làm cho nàng vẫn vơ trong vũng rối tình cảm, tự trách rồi tự an ủi trong thơ: “Phật rằng cõi dục là đây – Luyến ái là một sợi dây vô hình – Biết rằng khổ lụy do mình – Biết là biết vậy, vô tình được sao!” rồi: “Mối tình  là cái chi chi! Dù chi chi cũng phải chi chi với tình!”

-         Sao mỗi ngày con mỗi gầy gò xanh xao vậy Thanh Ngọc? Mẹ âu yếm nhìn con gái thắc mắc hỏi. – Dạ con mất ngủ thường xuyên! – Thuốc con xin phòng Từ thiện còn không? – Dạ ngán quá con không uống nữa.

Bên ngoài rào thưa, có người với gọi: chị Năm có ở nhà không? – có gì không chị ? bà Năm đáp. Rằm này chị đi chùa không, mai mình cùng đi nha. Thanh Ngọc liền nói – cho con đi với.

                                                               ***

Bông hoa lấy ra từ giỏ đệm, Thanh Ngọc sắp trái cây trên dĩa, nhành hoa trao cho chú tiểu. Bà Năm và mấy bà bạn thắp nhang vái lạy xuýt xoa thành khẩn, mắt hướng về Phật. Dưới liêu phòng, thầy bổn sư ngồi cạnh thầy Tâm đưa tay chẩn mạch, thầy lắc đầu –mạch nhảy yếu lắm. Thầy thông báo cho những phật tử thân thiện – thầy Tâm bệnh nặng không rõ nguyên do, ai biết thầy thuốc, mời giúp thầy. Mọi người lao nhao, tình nguyện chia nhau chăm sóc.

Tô cháo nấm bốc khói,mùi tiêu hành lan tỏa khắp liêu phòng, Thanh Ngọc đưa tay kéo nhẹ vai thầy Tâm xoay người lại, thầy mở tròn mắt tưởng chừng đang mơ. – em à quên, con Thanh Ngọc đây thầy. Một luồng hơi ấm truyền vào cơ thể, thều thào thầy hỏi: Thanh Ngọc đến lúc nào? – dạ con đến lúc sáng, con là một trong những phật tử thay phiên chăm thầy.  Vừa nói, nàng cảm thấy nguồn hạnh phúc vô biên tràn đầy nhựa sống trong người, một luồng điện chạy khắp châu thân mà lâu lắm nàng mới có được từ ngày ngồi dưới trăng bên bờ sông với Tuấn.

Nàng định cúi xuống hôn thầy Tâm, nhưng vội ngưng lại, thầm nghĩ, chỉ cần ngồi nhìn là đủ rồi, bây giờ thầy Tâm không phải là Tuấn năm xưa.Tình ái năm xưa đã vào dĩ vãng, bây giờ chuyển hóa tình ấy thành một tình yêu của người con Phật, kính Phật trọng Tăng, phải tôn trọng con đường lý tưởng của thầy.

Nàng nghĩ đến đời mình như một giòng sông ẩn chiếu ánh trăng mà thầy Tâm đang ngự trị. Tiếng bảng báo hiệu công phu chiều, nàng chợt tỉnh, thấm khăn ướt lau mặt cho thầy.Mùi nhang phân tán trong chùa thay cho mùi hương phát ra từ tuổi trinh nguyên năm xưa. Đứng nhìn thật lâu gương mặt khôi ngô của thầy, sóng mũi nhô cao giữa hai gò má hốc hác biểu hiện chí nguyện thanh cao của một đời người. Thanh Ngọc hướng về thầy,chắp tay nghiêng người, lặng lẽ ra về.Bên ngoài, trời chiều chếch bóng chuẩn bị đón hoàng hôn.

MINH MẪN

30/8/2023

RẰM THÁNG 7 - 2556

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2023

CÔNG TRÌNH THẾ KỶ


Nhân mùa Vu Lan năm 2023, được tận mắt quan sát một công trình miền Trung Nam bộ thuộc vùng duyên hải Việt Nam.Tuy chưa hoàn chỉnh,qua bốn năm xây dựng, chùa Minh Đức kết hợp với phật tử Nguyễn thị Diệu Hiền pháp danh Như Thiện, tổ chức Trai tăng để cầu cho gia đạo thông qua thiết lễ cầu siêu bạt độ, truy tiến nội-ngoại tôn thân, cửu huyền thất tổ đã quá vãng, đồng thời cầu nguyện cho bao hương linh lạc loài thác hóa.Nguyện thế giới hòa bình, nhân dân an cư lạc nghiệp, đất nước trường cửu, mưa thuận gió hòa…âm dương lưỡng lợi.

Đây là ngôi Tam bảo thứ năm do HT Tâm Vị đương vi tọa chủ. Ai từng lên Đà Lạt đều biết đến một danh thắng du lịch tâm linh tại Trại Mát, đó là chùa Linh Phước, nội viện không những có nhiều bảo vật cổ,tranh tượng và hình cốt của Thánh Tăng, vô số điểm tham quan, đường hầm xuống âm cảnh; bên ngoài còn thể hiện nhiều nét sáng tạo, vừa kích thích tính hiếu kỳ của khách tham quan, còn dẫn dắt về niềm tin Tam bảo. Xuống Lâm Hà là chùa Linh Ẩn với cây cao bóng mát, cảnh trí xứng tầm của một già lam. Nằm giữa rừng thông bạt ngàn lá ru điệu nhạc không lời đủ đưa hồn du khách bềnh bồng về Tiên giới; Xây dựng không quy mô như Linh Phước, nhưng nét thâm trầm cổ kính  rất nghệ thuật,kết hợp thác Voi ngày đêm mang hơi nước và âm điệu thủy lưu phủ sương mờ làm cho Linh Ẩn như bềnh bồng giữa không gian u tịch.Bảo tượng Quán Âm trên 67m một màu trắng toát trên nền trời xanh, lãng đãng vài cụm mây che mát bóng Mẹ hiền.Cơ ngơi nào cũng thể hiện được chánh báo và y báo của một tòng lâm thạch trụ.

Minh Đức, tên một ngôi chùa vừa tiến hành xây dựng giữa 2 xã Tịnh Long và Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.Chùa nằm trên núi Thiên Mã, một trong ba ngọn núi nổi tiếng tại Quảng Ngãi là Thiên Ấn, Thiên Mã và Thiên Bút.  Trên tuyến đường Mỹ Trà – Mỹ Khê. Chùa nằm cạnh dòng sông Trà, đối diện là cầu Cổ Lũy.So với mặt biển cao 75m. Mặt xây về hướng Đông Nam; cách thành phố Quảng Ngãi 10km từ chùa có thể nhìn bao quát thành phố.Diện tích gần 100 ha.

Được tỉnh Quảng Ngãi, bộ đội Biên phòng và bộ  TT văn hóa – Du lịch chấp thuận,bộ xây dựng cấp phép. Năm 2017 khảo sát, năm 2018 hoàn thành thủ tục hành chánh, rằm tháng chạp đặt đá xây dựng.Sau 4 năm, chánh điện xây trên 12.000 m2 cao ba tầng. Tổng dự phí 2.000 tỷ nhưng có thể phát sinh do nhiều yếu tố trong quá trình hoàn thiện.

45 cọc nhồi sâu hơn nước biển 5m, mỗi cọc đường kính 1,6m. Công trình gồm 16 hạng mục đang hình thành tượng đài Quang Âm cao 125m, nền 70m, từ bàn chân đã 25m. Chánh điện và tượng Di Lặc vừa xong, còn lại các công trình phụ như hoa viên…

Đồ án do Hòa Thượng Tâm Vị phát họa, nhờ kiên trúc sư vẽ lại và chiết tính kỷ thuật theo tỷ lệ.

Bảng hiệu chùa Minh Đức lấy tên của vị chân tu tại tổ đình Long Bửu,thôn Xuân Vinh,xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi; ngài có  một công hạnh thoát tục từ niên thiếu, được Tăng tín đồ đương thời tôn kính. Trong quá trình hành đạo, ngoài việc giáo dưỡng môn chúng, còn giúp đời bằng y đức, nhiệt tâm cả đạo lẫn đời. Vì thế, ngài được cung thỉnh lên Lâm Đồng trùng tu, kế thừa trụ trì chùa Linh Phước và xây dựng các khuôn hội tại Đà Lạt. Đào tạo nhiều môn đệ có khả năng đảm đương phật sự các nơi.

Cuối năm 1984, ngài rời khỏi Linh Phước Đà Lạt về lại tổ đình Long Bửu, thu thần nhập diệt lúc 3 giờ ngày 19 tháng giêng năm Ất Sửu. Minh chứng cho công hạnh  nội chứng, sau 26 năm nhập tháp, Tăng chúng và tín đồ kiến thiết bảo tháp mới, phát hiện toàn thân xá lợi của ngài vẫn còn nguyên vẹn khi mà áo quang đã thành đất cát.

HT Tâm Vị kế thế trụ trì Linh Phước Đà Lạt, phát tâm tạo lập một ngôi Tam bảo xứng tầm một già lam thạch trụ tại quê nhà, tri ân chân sư tiền hiền, đã lấy tên Minh Đức đặt cho ngôi phạm vũ huy hoàng”, một công trình thế kỷ, mang tầm vóc của Đông Nam châu Á hiện nay.Phải chăng là một cách tri ân bổn sư của vị đương vi tọa chủ một Minh Đức sẽ hình thành vào cuối năm 2025 ?

MINH MẪN

23/8/2023

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

HỒI NIỆM


Quảng Bình, thời chiến tranh, một trong những vùng đất của địa đầu giới tuyến, đất đai bị cày xới, nhà cửa rách nát, người dân điêu linh thống khổ. Phật giáo chỉ còn một hai ngôi chùa nhìn tưởng là am miếu.

Hòa Thượng Thích Tánh Nhiếp được Giáo hội điều cử từ Lào về, đảm nhân chức vụ trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh. Với hai bàn tay trắng, không cơ sở trú nắng ẩn mưa, không đồng môn đồng đạo, không có bất cứ một phương tiện nào. Được cấp cho khu đất toàn hố đầm sâu thẳm mà trước đó, Tôn giáo bạn không dám nhận thì người dân làm được gì! Ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Theo Hòa Thượng, lấp đầy để có mặt bằng như hôm nay, 12 tỷ đồng Việt Nam, không những đã đổ xuống, còn phải đổ bao công sức nhọc nhằn. !3 năm âm thầm kiên nhẫn trước bao thách thức, ngày nay xuất hiện một ngôi phạm vũ làm ngạc nhiên địa phương,đồng đạo và Giáo hội phải nghiêng mình tán phục.

Với tấm chân tình, thầy chiêu sinh các Tăng tài về hợp sức để phát triển Phật giáo tỉnh nhà. 13 năm không những tạo lập cơ ngơi, còn phát triển 15 cơ sở tại các quận huyện xa xôi. Do tính thủy chung, biết trọng dụng nhân tài mà từ Uông Bí Quảng Ninh, thầy Thích Trúc Thái Minh bay về chung tay Phật sự. Từ cao Nguyên Lâm Đồng,thầy Phương Đạt từ Đơn Dương bay xuống cũng giữ chân phó BTS PG Quảng Bình.Nhân tài được thêm nhân tài hợp lực làm sao không thành công mọi việc.Đúng là hổ thêm vây, rồng thêm cánh, chắc chắn Phật giáo Quảng Bình sẽ là ngôi sao trong 63  BTS tỉnh hội làm nên kỳ tích.

Quảng Bình là vùng đất của Tôn giáo bạn, chưa ai thấy nhà sư thế nào thì làm gì biết Phật pháp, thế mà hôm nay, ra đường từ trẻ đến già biết chấp tay chào hỏi quý thầy, biết đến chùa lễ Phật tụng kinh, cờ ngũ sắc tung bay giữa phố mỗi khi có lễ lớn..bấy nhiêu cũng đủ biết công sức giáo hóa và xây dựng trong thời gian quá ngắn của vị đứng đầu BTS PG tỉnh tuổi đã ngoài 70.

Nhân mùa an cư, HT đã tổ chức tri ân thập sư truyền giới và kỷ niệm các giới tử năm nào. HT cho biết, trên 300 đơn xin thọ giới, nhưng đủ tiêu chuẩn chỉ có phân nửa, và rồi, sau 55 năm, hôm nay, chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 1968, tại Hải Đức, một Phật học viện nổi tiếng Nha Trang, nơi đào tạo nhiều nhân tài phục vụ cho Phật giáo đương thời; giới đàn do Viện Hóa Đạo, trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức, được cố HT Thích Trí Thủ làm đàn đầu, tam sư thất chứng là những bậc mô phạm giới đức tinh nghiêm.

Mặc dù bề bộn Phật sự, HT Đại Giác vẫn cố tổ chức họp mặt cựu giới tử 55 năm về trước, một vài vị ở nước ngoài không về được. Ngoài ra, một số chức sắc giáo hội trong Ban trị sự, Ban chứng minh Trung ương và khách Tăng cũng được cung thỉnh.

Chương trình văn nghệ chào mừng và hội trường tuy đơn giản nhưng đậm nét thiền vị.Kịch bản từ đêm đầu khai mạc đến sáng hôm sau tưởng niệm chư ân sư rất nhịp nhàng. MC Thích Nguyên Mãn khá chuyên nghiệp, lý lịch chư ân sư, văn tác bạch cúng dường đều mang giá trị lịch sử và văn chương.

Một tổ chức hồi niệm ân sư, giới sư và giới tử hơn nửa thế kỷ chưa từng có từ xưa đến nay trong ngôi nhà Phật giáo.Đây là một sáng kiến làm gương cho thế hệ Tăng ni trẻ, cũng thể hiện khả năng tổ chức, cung cách lãnh đạo và nhất là trọng dụng nhân tài với tính  thủy chung của một vị đứng đầu ngành trong Phật giáo hiện nay.

Xin chúc mừng BTS PG Quảng Bình, chức mừng HT trưởng ban, mong với nhân cách và tài năng của HT sẽ đưa PG Quảng Bình vượt vô vàn khó khăn, đem lại một Phật giáo mà qua bao năm tháng hình ảnh điêu tàn của Phật giáo nơi đây, có một săc màu vượt trội.

MINH MẪN

05/8/2023

 

 

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

THAM LUẬN:Hệ phái Khất sĩ.

 Khất sĩ là một hệ phái Phật giáo nội sinh; chắt lọc và kết hợp hai trường phái Bắc tông và Nam tông.Hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, đã quyện nhập vào niềm tin xã hội, đã có vị trí vững vàng trong Tôn giáo, và có một  sắc thái đặc thù trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

Hình thái sáng tạo so với truyền thống hàng ngàn năm mà Phật giáo đã cắm sâu vào mạch sống dân tộc, vì thế đã có nhiều biến thể từ hình thức đến pháp hành cho thích hợp với căn tánh, tập quán bản địa; nhưng không thể nói là sáng tạo khi hình thức và công hạnh trở về nguồn trên dưới ba ngàn năm về trước mà đức Thích Ca đã khai sáng.

Nói là trở lại nguyên gốc, cũng phải thích hợp với thời đại đương thời, do vậy,  một số tiểu tiết được thay đổi nhưng vẫn không làm mất bản chất cơ bản của đạo giải thoát.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đức Tôn sư Minh Đăng Quang, đây là cuộc hội thảo lần thứ hai được bốn ban ngành kết hợp tổ chức: Hệ phái Khất sĩ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện nghiên cứu Tôn giáo, và trường Đại học KHXH- NV.

-         Tuy xoay quanh những chủ đề:

-         Tổ sư Minh Đăng Quang

-         Sự hình thành và phát triển hệ phái Khất sĩ

-         Kiến trúc Phật giáo Khất sĩ, Bản sắc và thực trạng

-         Những đóng góp của Phật giáo Khất sĩ.

Những tiết mục yêu cầu không mới, nhưng sẽ có những cái mới dưới tầm nhìn và đánh giá của những nhà nghiên cứu, các học giả, hành giả và sử học.Chính vì những lý do đó, bản tham luận này xin được đóng góp những hiểu biết hạn chế so với nhà chuyên môn và ngay chính trong nội bộ của hệ phái.

 

I.                   Tôn sư MINH ĐĂNG QUANG:

 

 

a.     Bối cảnh lịch sử.

 

Đất nước ta, vào những năm thuộc thế kỷ 19, thực dân Pháp, xã hội bước vào thời kỳ giao thoa văn hóa Đông Tây,đã có nhiều bỡ ngỡ giữa hai thế hệ.Thế hệ trẻ ở thành thị sớm ảnh hưởng và tiếp thu nền văn minh Pháp  đem lại. Đa phần nông thôn, dân quê vẫn chưa thoát khỏi “phèn chua nước lợ”, cố bám ruộng đồng theo mạch sống tiền nhân; con em còn  vật vờ với con chữ “vuông” nhiều nét gọi là Hán tự.Dĩ nhiên lối chữ đó đã hạn chế học dụng đối với đa số trong dân gian,họ quan niệm muốn làm quan cần có con chữ chính vì thế tầm nhìn chỉ gói gọn trong “tứ thư, ngũ kinh (1).Đành rằng tiền nhân giúp cho con người có lễ hiếu, có đạo đức; xã hội ổn định nhờ tôn ti lễ giáo (Tam cang ngũ thường).

 

Khi xã hội được cởi mở,xem nhẹ đạo đức cổ nhân,  luân thường đạo lý bắt đầu có vấn đề; kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… theo đó phát sanh hai mặt tương phản đối nghịch lẫn nhau.Riêng phạm vi Tôn giáo, Nho Thích Lão từng là cơ bản xây dựng xã hội, đã phải rút lui vào thôn làng, cận lân với dân quê chơn chất. Có nguy cơ đứng bên lề xã hội.Lễ hội truyền thống làng xã chỉ còn duy trì một số nơi ở đình làng, miếu mạo, riêng Phật giáo, người dân biết đến khi có tang gia hiếu quyến. Một số tín đồ Kito giáo hải ngoại ngày nay, chỉ có mặt tại nhà thờ khi sanh ra để rửa tội và khi chết đi xin phép cầu hồn, nghĩa là ít ra, đời người có hai lần biết đến tôn giáo của mình.Phật giáo là tôn giáo cổ truyền trên dưới hai ngàn năm, thế mà người dân đương thời chỉ xem Phật giáo là tôn giáo để cầu siêu một lần duy  nhất  trong đời. Xã hội Việt Nam thời bấy giờ, Phật giáo nói riêng và Tam giáo nói chung bị xếp vào loại mê tín, lỗi thời, quanh quẩn trong làng xã với đám dân dã nghèo khó.

 

Tuổi trẻ bon chen nếp sống mới,cửa chùa thiếu vắng người kế thừa, do vậy, để duy trì thiền môn, các sư phải lập gia thất để có con nối dõi, biến thành thầy tụng ma chay như một tôn giáo biến thái.(gọi là Lục hòa Tăng, hay còn gọi là Cổ sơn môn).Phật giáo miền Nam, nhất là miền Tây Nam bộ lúc bấy giờ chưa thâm nhập sâu vào quần chúng như miền Trung, do vậy đức tin cũng rời rạc, thưa thớt.

 

Không riêng tại Việt Nam, tình hình Đạo Phật suy thoái khắp vùng Đông Nam Á châu trước mãnh lực đồng tiền và đời sống thoáng đạt của nền văn hóa phương Tây đem đến. Ngọn gió lạ đã xô đẩy nếp sống cổ truyền đến miệng hố hủy diệt. Một số chư Tăng Miến, Thái,Campuchea.Tích Lan,Trung Quốc cũng đã ý thức được nguy cơ suy thoái của Phật giáo, cố gắng xiển dương, canh tân Phật giáo. sau nhiều năm vận động, đã cho ra đời một Hội Liên hữu Phật giáo thế giới vào năm 1950 tại Tích Lan, Phật giáo Việt Nam là một thành viên do Hòa Thượng Tố Liên làm trưởng đoàn.

 

Tuy nhiên, việc canh tân không thể một sớm một chiều đem lại kết quả như ý, Phật giáo ba miền vẫn còn trì trệ theo cổ tục. Một số chư Tăng được  bác sĩ Tâm Minh Lê đình Thám truyền đạt kiến thức Phật giáo trên nền tảng Âu học. Riêng miền Nam, các vùng bưng biền, ánh sáng Phật pháp chưa đủ chiếu sáng, phần lớn sư Tăng suy thoái đạo đức, thậm chí không hiểu sâu giáo lý, nằm lòng hai thời bái sám công phu; chỉ khác thế tục chiếc áo và cái đầu; sống thuần tục;để khôi phục đạo đức tiền nhân, đã sản sanh ra một đức Phật thầy Tây An và các đệ tử kế thừa.Hệ phái này đem đạo Phật đi vào xã hội nông thôn rất thành công, nhờ giáo dục bằng thi kệ bình dân dễ hiểu.Đến đời Đức Huỳnh Phú Sổ, Phật giáo rất thực dụng, chủ trương “học Phật tu nhân” ngay tại đời sống thường nhật, đến ngày nay, tinh thần tín đồ vẫn không lệch hướng. sống vì mọi người, người người làm từ thiện, nhà nhà làm công ích tuy cuộc sống họ không dư dả.Các vùng lục tỉnh đã xã hội hóa Phật giáo bình dân rất thành công.

 

Khi mà đạo đức suy thoái được cổ nhân Thánh hiền phục dựng trong tầng lớp thôn quê nơi ruộng nương, Thiền môn vẫn lặng lẽ an phận sớm kinh chiều  kệ, xa rời lòng dân, đức tin Tam bảo là thẻ nhang, vàng mã, bái lạy, ma chay…lệch hướng sang Thần quyền tả đạo; quy luật “cùng tất biến”, tiền bán thế kỷ XX, một Thánh nhân xuất hiện, một Phật Việt thổi luồng sinh khí vào nền tảng Phật giáo với sắc thái nguyên sinh của Đức Cồ Đàm thuở xưa, chủ trương – Thượng cầu, hạ hóa – nghĩa là trên cầu xin giáo pháp Thế tôn, dưới hóa độ chúng sanh.

 

b.      Mầm móng phục hưng Phật giáo nguyên sơ.

Trước tệ nạn suy thoái đạo đức Tam giáo, các Nho gia đành thúc thủ; cơ bản học lý Lão-Nho nặng tính cổ tục, phong kiến. đạo Lão mang tính triết học tâm linh, thoát li thực tế, nặng tính siêu nhiên khi mà xã hội có xu  hướng công nghiệp và thực dụng.Nho nặng về từ chương, lễ giáo khuôn phép, tạo một căn bản trật tự cho gia đình và an dân trong xã hội. Ràng buộc con người theo khuôn phép gia trưởng và quân quyền.Nó có giá trị khi xã hội loài người trong giai đoạn đang tiến hóa, không thích hợp với trào lưu mới.

Phật giáo là một học thuyết vừa siêu nhiên, vừa thực dụng.Tùy duyên ứng biến, bởi “thế gian pháp tức Phật pháp”. Học thuyết Đại thừa (còn gọi là Phật giáo phát triển) đã giúp cho Phật giáo thích nghi với mọi thời đại, tránh được tính cứng ngắc của Nho-Lão. Tôn sư Minh Đăng Quang, để cứu vãng tình hình Phật giáo suy thoái trầm trọng, với chủng tử nhiều đời, đã thôi thúc Ngài thoát “thế tục gia”, tầm cầu giải thoát, mở ra con đường hưng phục chánh Pháp Như Lai.

Sau bốn năm trên xứ chùa tháp tu tập, nghiên cứu giáo lý Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển, Ngài đã quyết định trở về quê hương hành đạo và lập Giáo.

Xét thấy Phật giáo Phát triển linh hoạt nhưng do tính tùy duyên mà đi khá xa tính cơ bản luật học, Tăng phong đạo cách không còn đúng chuẩn theo giáo điều,đôi khi vài nơi làm cho khó phân biệt Phật giáo và Thần đạo.Sau thời gian nghiền ngẫm và thiền định, Người đã chứng ngộ tại Mũi Nai – Hà Tiên, bắt đầu thành lập giáo đoàn,ra truyền giáo với tên gọi Đạo Phật Giáo Khất Sĩ Việt Nam, nối truyền Thích Ca chánh pháp.( đây là tôn giáo nội sinh của Việt Nam ).

Với tôn chỉ tuyệt đối, lấy giới luật làm thầy, kinh điển làm đuốc soi, tạo một giáo đoàn nghiêm trang hạnh giới, một hình thái đặc thù ở miền Tây Nam bộ. Về hình thức cũng không khác Phật giáo k’hmer, nơi mà Phật giáo Nam truyền (nguyên thủy) đã có mặt và tồn tại khá lâu; hệ phái Khất sĩ là một giáo đoàn chiết lọc tổng hợp hai hệ phái Nguyên thủy và Đại thừa, về hình thức cũng như nội dung.Hình thức y cứ vào giáo lý nguyên thủy, tam y nhất bát, không nghi lễ rườm rà, nội dung hành trì theo luật tạng Bắc truyền và trường trai.

Nguyên tắc sống: làm thân người đều phải vay mượn nương nhờ lẫn nhau,do đó, “không tự lấy để trừ tham,không tự làm để tránh ác”. “uống hỏi xin nước,nằm hỏi xin đất,ăn hỏi xin lá, trái, ở hỏi xin cốc,hang.Không ngắt lá cây,phải lượm xin.Ăn quả chừa hột, đừng bứng gốc (không xin thái quá), không dùng đồ vật về sinh mạng của thú, người.Dứt tham ác thì sân si vọng động chẳng phát sanh.Chỉ ăn đồ xin mà thôi” (2).Nghĩa là không pha chế nấu nướng, ăn ngày một bữa, không ngủ 2 đêm tại một gốc cây. Không giữ tiền  bạc vật báu, quý kim… với hình thức mang tên Khất sĩ, nghĩa là người xin giáo pháp  tu hành, xin thực phẩm nuôi thân, rất mang tính khiêm hạ và luôn biết ơn.

Đây là thời kỳ chuyên nhất vào Tứ y pháp:

“Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Dục cùng sanh tử lộ

Khất hóa độ xuân thu”.

Một bài âm hán: 

                           Nhất bát thiên gia phạn

                            Cô thân vạn lý du

                            Thanh mục đồ nhân thiểu

                             Vấn lộ bạch vân đầu 

II.                CƠ CẤU tổ chức và sự đóng góp cho Phật giáo Việt Nam.

 

c.       tổ chức giáo đoàn và luật học

Chư Tăng sống hòa hợp, 4 vị làm một Tăng, 20 vị lập thành tiểu giáo hội, 100 vị gọi là trung Giáo hội, 500 vị trở lên là đại Giáo hội. Sống chung theo tinh thần lục hòa

Sơ khai giáo đoàn 1 do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập vào năm 1944. Tổ vắng bóng, phát triển giáo đoàn do nhị Tổ Giác Chánh  điều hành. Giáo đoàn 1 có 21 ngôi tịnh xá.

 Giáo đoàn 2 do Trưởng lão Giác Tánh và Giác Tịnh thành lập.Có 15 ngôi tịnh xá ở Hàm Tân, Phan Thiết, Khánh Hòa, Quy Nhơn.

Giáo đoàn 3 do trưởng lão Giác An thành lập hành đạo tại Tây Nguyên như DakLak, Gia Lai, Kontum…

Giáo đoàn 4 do Pháp sư Giác Nhiên làm trưởng giáo đoàn. Tịnh xá phần nhiều ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ như: Bà rịa Vũng Tàu,Đồng Nai, Bình Dương,Tây Ninh,Cần thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang…

Giáo đoàn 5 do Trưởng lão Giác Lý thành lập năm 1960. Giáo đoàn 5 có 20 tịnh xá, tịnh thất ở Hội An (quảng Nam), Cam ranh,tháp Chàm,Bình Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp Hồ chí Minh, Bến Tre, Vĩnh Long, Gò Công…

Giáo đoàn 6 do Hòa Thượng Giác Huệ thành lập năm 1962, trụ sở tại giảng đường Lộc Uyển, quận 6 Tp Hồ Chí Minh. Giáo đoàn có 18 ngôi tịnh xá, tự viện và tịnh thất.

Giáo đoàn ni do Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên thành lập Giáo hội ni giới Khất sĩ Việt Nam, trụ sở tại Tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh. (3)

Trong một tập thể, để duy trì giáo đoàn có nhân cách,quan trọng về giới luật, giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật ví như đôi chân, thiếu không đi được. Chư tăng được tôn trọng là nhờ có giới luật…và cũng từ Giới luật mới có Định để sanh Huệ.Vấn đề này hệ phái Khất sĩ cũng như Phật giáo Nguyên thủy bám sát luật nghi mà hành trì đúng với thời Phật sanh tiền.

Luật giới, theo Phật giáo Phát triền gồm có 5 bộ luật do năm bộ phái khác nhau,tuy nhiên những điều cơ bản không khác; ngày nay thông dụng nhất vẫn là bộ luật Tứ phần.Tổ sư  Minh Đăng Quang chiết lọc những điều cơ bản cho ra 114 điều căn bản thích hợp.

Tỳ ni, Sa di, Oai nghi,Cảnh sách là bốn bộ luật; Cảnh sách do Tổ Quy Sơn, Tổ Châu Hoằng giúp cho người xuất gia nghiêm trì thân tâm đúng khuôn phép nhà đạo.Thiền môn xa xưa rất nghiêm túc khi phát tâm xuất gia. Đức Tôn sư Minh Đăng Quang chẳng những giải trình chân lý qua văn chương giản dị mà còn thi kệ hóa đầy đủ một trăm mười bốn điều răn rất chi tiết,bao quát bốn bộ luật Trường hàng Thiền môn thở xưa; nghiêm túc để một vị Khất sĩ toát lên khuôn mẫu đáng kính.

Tuy mang hình thức Phật giáo nguyên thủy, chỉ thờ duy nhất đức Bổn sư,kinh kệ sáng tạo đơn giản, nhưng hành trì có khuynh hướng Bắc tông; vẫn trường trai.Nghi lễ Việt hóa bằng văn vần.Ngài dạy tỉ mỉ sát với luật học. Từ đi đứng, ăn nói, giao tiếp, hầu thầy, nhập chúng, ngủ nghỉ, đi vệ sinh, trì bình khất thực…phần nhiều trích từ Pháp tạng.

Thiền định, ngoài Vipassana, còn hướng dẫn nhiều đề mục quán tưởng từ vật thể đến ánh sáng…quán tử thi, quán thân thể (tứ niệm xứ),tứ vô lượng tâm,quán hơi thở (sổ tức)…Nhưng hình như ngày nay, chư Tăng Khất sĩ tự chọn cho mình một pháp hành nào đó ngoài các đề mục trên, dựa vào các pháp của chư tổ tiền nhân có kinh nghiệm và sở đắc,thích hợp với căn cơ của mỗi hành giả. Dù pháp hành nào, mục đích cũng đưa đến định lực để phát sanh trí huệ.

Tổ sư rất quan trọng trong việc tu tập Thiền định:”Không định không có thần thông quả linh,thì con người sẽ té sa vào nơi vật chất giả dối, nắm níu lấy ác tà loạn vong, chôn nhốt giết hại tâm mình. Cho nên tâm định thì trí mới huệ, huệ nhiều ít thì do định. Định nhiều thì huệ nhiều, định ít thì huệ ít, không định thì không có huệ”. Trong luật nghi Khất sĩ, pháp vi tế về Định, Tổ liệt kê 40 đề mục Thiền định theo bộ Thanh Tịnh Đạo luận. Không những thế, trong mỗi mục còn chi tiết hóa như :30 đề mục đem đến nhập định, 11 đề mục có thắng lực đem tâm từ sơ định đến ngũ định. Từ trang 132 đến 158 liệt kê các chi pháp của thiền định, qua đó, cho thấy Tổ đã thể nghiệm và nghiên cứu kỹ thiền định như thế nào.(4)

Hệ phái Khất  sĩ ngày nay đã mở rộng từ trong nước đến ngoài nước;hiện nay trong nước có 1395 Tăng, 1863 Ni, 550 tịnh xá; nước ngoài như Mỹ, Úc, Canada…có 50 tịnh xá, 100 Tăng ni,(5).Nội bộ đã khai hóa cho tu sĩ giao lưu văn hóa, hoằng pháp, học thuật, tin học, hành chánh, ngoại ngữ. Tăng ni thuộc hệ phái Khất sĩ đã có học vị tiến sĩ 43 vị, 30 thạc sĩ, 231 cử nhân, hàng trăm tăng ni tốt nghiệp Cao đẳng, Trung cấp phật học. Nhiều tịnh xá là cơ sở của trường Phật học.(6). Thỉnh giảng các giảng sư ngoài hệ phái trong mùa an cư  về Pháp Viện, Trung Tâm.Giao lưu với các thức giả, học giả để tô bồi kiến thức chuyên môn.Hàng năm,có cuộc hội tụ dự lễ tưởng niệm ngày Tôn sư vắng bóng,  để lắng nghe các giáo đoàn phản hồi ý kiến ưu khuyết của nội bộ.

Chính mở rộng vòng tay để hệ phái hội nhập và phát triển giữa lòng Giáo hội PGVN, cập nhận thường xuyên để xác nhận vị thế của hệ phái trong thời đại phát triển từng ngày, có như thế hệ phái không lỗi thời với thời đại.

d.     Kiến trúc

Kiến trúc là một đặc thù chưa từng có suốt thời gian đạo Phật du nhập vào Việt Nam. Chùa miền Bắc và Trung, xây dựng theo chữ Đinh hoặc chữ Khẩu, tuy khác nhau về chi tiết, nhưng diện mạo tổng thể tương đồng;  riêng hệ phái Khất sĩ,tính nhất quán trên 500 ngôi tịnh xá từ bắc chí Nam, từ trong ra đến nước ngoài: chính điện hình bát giác,cổ lầu hình tứ giác, tượng trung cho Bát chánh đạo và Tứ Diệu đế; trong chính điện bốn cột biểu trưng cho tứ chúng – Tăng, ni, thiện nam, tín nữ; tam cấp tượng trưng cho Tam bảo – Phật, pháp, Tăng. Nơi thờ Phật và Tổ là xây dựng trên nền tảng bát giác.Bảo tháp bằng gỗ gồm 13 tầng tượng trưng cho 13 nấc thang tiến hóa của chúng sanh hữu tình từ Địa ngục đến quả vị Niết bàn giải thoát hoàn toàn,(Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Thiên, nhơn, A tu la,Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bich chi,Bồ tát, Như Lai).

Tuy nhiên, một vài nơi do địa thế, do tập quán địa phương hoặc do ảnh hưởng nặng về Bắc tông, lối kiến trúc có khác, bên trong vẫn thờ phượng trước Phật sau Tổ.Danh xưng bảng hiệu luôn đứng đầu bằng chữ Ngọc, cũng có những trường hợp đặc biệt không dùng chữ Ngọc như Pháp viện, tịnh xá Trung tâm... Cơ sở vật chất tương đối sung túc.Buổi sơ khai khi Tổ còn sanh tiền, tịnh xá thật đơn giản, chỉ xử dụng tre lá, để thích nghi với cuộc sống xã hội, ngày nay tịnh xá đã xây dựng bằng  cement cốt sắt. Thích nghi tập quán và nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, sau nhà thờ Tổ, còn thiết kế bàn vong, cửu huyền, tượng Địa Tạng. Ngoài sân có cây Bồ đề và tượng Quan Âm.Còn xây dựng nhà nghỉ khách Tăng, cư sĩ. Có nhà trù mà xưa kia chư Tăng chỉ sống bằng việc đi trì bình.

Với lối xây dựng bát giác được xem là nghệ thuật đặc thù trong kiến trúc Tôn giáo, nhưng bên trong đại điện nơi thờ Phật và Tổ đã chiếm vị thế rộng lớn, không đủ chỗ cho tín đồ hoặc chư Tăng làm lễ, nhất là tự tứ hay tịnh xá có sự kiện lớn.

Nền tảng Bát giác, tịnh xá có 8 cửa, trong Bát chánh đạo ta khởi sự vào mắc xích nào cũng đưa đến một điểm, ta bước vào cửa nào của tịnh xá cũng đều nhìn thấy Phật, đó là một thâm ý của Tổ khi đề xuất lối kiến trúc đặc thù này.

Hiện nay, vài nơi chú trọng việc kiến trúc, chư Tăng khất sĩ bị chi phối, lo toan…không còn giữ được quy tắc “tam y nhất bác” hoặc sự thọ dụng  “tứ y pháp” như xưa, chiếm thời gian khá nhiều của công phu thiền định.Thậm chí, có những tịnh xá ít có khả năng phát triển, hoặc do tín thí nghèo, hoặc do sư trụ trì thiếu hoạt bác, không vận dụng để bộ mặt tịnh xá phát triển đồng bộ theo xu thế hiện tại, một vài nơi do điều kiện kinh tế địa phương, Tịnh xá chưa được tái thiết như ý nên không được lòng đồng tu..

Phần lớn các tịnh xá thiết lập thêm bảo đài Quán thế Âm, tụng kinh trì chú theo Bắc truyền, thuyết giảng được đưa lên trang mạng. Ngoài cúng hội  2 lần trong tháng, một số nơi tổ chức Vu Lan báo hiếu, mừng Phật đản sinh, đi từ thiện,phát quà người nghèo, khám bệnh miễn phí….Sinh hoạt hệ phái ít nhiều đã thay đổi, và dần dần hòa nhập vào cộng đồng Phật giáo toàn quốc, tuy vậy,  vẫn giữ được nét riêng của tông phái cho dù nội hàm có phần chuyển biến.

e.      Những đóng góp.

Trong thời buổi đất nước phân hóa, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng đạo Phật Khất sĩ từ năm 1944, lập đạo năm 1947 tại miền Tây nam bộ.Xã hội nhiễu nhương, nhân tâm li tán, được hệ phái của Phật thầy Tây An và đức Huỳnh Phú Sổ xây dựng nền tảng đạo đức cơ bản trong tầng lớp nông dân, Khất sĩ ra đời có lợi thế ổn định tín ngưỡng, đã hội nhập dễ dàng vào cộng đồng xã hội thời bấy giờ. Một sắc thái mới của Phật giáo Việt Nam, quần chúng không còn nhìn nhà sư như những tầng lớp làm thuê cho ma chay đám cúng. Không cúng kiến rườm rà, không áo mão xiêm y lòe loẹt, không cúng sao giải hạn đốt vàng mã, không xem bói toán. Đi đứng tướng mạo trang nghiêm, chuyên lo tu tập thuyết pháp  độ sanh; cũng không tham gia vào mọi hoạt động chính trị đương thời.

 Thời đệ nhất và đệ nhị Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phật giáo lâm vào khủng hoảng, giáo đoàn Khất sĩ Tăng vẫn chuyên lo tu tập mãi đến 1975.

1981, 9 hệ phái tham gia lập thành Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có hệ phái Khất sĩ. Quá trình sinh hoạt xây dựng và phát triển Giáo hội mới, Hệ phái Khất sĩ do Hòa Thượng Giác Toàn lãnh đạo, nhiệt tình năng động đã làm cầu nối giữa các Tôn túc trong buổi giao thời, tạo sự gắn kết cảm thông để đem đến một tổ chức bền vững. Cũng từ đây, hệ phái Khất sĩ không còn là bóng mờ trong lòng Phật  giáo nhiều hoạt dụng.

Kể từ sau khi GHPGVN ra đời, nhiều nhiệm kỳ hoàn chỉnh, hệ phái Khất sĩ đã  đào tạo Tăng Ni đa số có căn bản Phật học qua các trường lớp, một số du học có bằng thạc sĩ, Tiến sĩ về tiếp tục đóng góp cho hệ phái và cho các cơ sở giáo dục Phật học.

Về hệ thống dọc hành chánh, các Tỉnh thành, quận huyện, hệ phái cũng được Giáo hội công cử vào các ban ngành thích hợp, hợp tác nhịp nhàng, năng động. Tuy nhiên, một vài nơi, Tăng sĩ thuộc hệ phái vẫn chưa được bổ cử vào vị trí tương xứng,( ví dụ tại Giáo hội huyện –Hốc Môn. Tịnh xá Ngọc Hạnh, sư Minh Phước không được tham gia vào tổ chức hành chánh, chỉ là một thành viên bình thường như các tu sĩ bình thường, trong khi Hốc Môn chỉ có một sư  thuộc hệ phái Khất sĩ duy nhất.

Phía Nam và miền Trung, hệ phái Khất sĩ sinh hoạt nội bộ và hợp tác với Giáo hội đương nhiệm khá chặt chẻ. So với hệ phái Nam Tông kinh, lượng Tăng Khất sĩ tham gia Giáo hội vẫn khá nhiều. Miền Tây Nam bộ, Phật giáo Nam Tông K’hmer đương nhiên có mặt từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở hành chánh. Tất cả đó là hiện tượng đáng hoan hỷ mà các nước có mặt các hệ phái Phật giáo  chưa làm được.Riêng phía Bắc, Phật giáo Khất sĩ có mặt từ tháng 12 năm 2008 do HT Thích Giác Ngộ, phó BTS PG Lâm Đồng ra Hà Nội truyền pháp tại chùa Tảo Sách, chùa Quán Tinh, chùa Định Quán, chùa Kim Liên…thành lập đạo tràng Như Lai Thanh Tịnh Thiền được nhiều giới từ bình dân đến trí thức, từ sinh viên đến công nhân viên chức tham gia rất hoan hỷ.(3)

Góp mặt trong một tổ chức là hiện tượng đoàn kết ắt phải có, cái nghịch lý là càng năng nỗ, càng bị chi phối thời gian, hội họp, đóng góp.. . đã tiêu tốn thời gian tu tập mà xưa kia Tăng đoàn chỉ đi trì bình, về độ ngọ,thiền định, giảng giải cho tín đồ.

Ngày nay, Tăng khất sĩ ngoài những việc đóng góp công sức và tài vật cho giáo hội chung, còn phải lo phát triển cơ sở, sinh hoạt giáo đoàn, nghiên cứu sách vở, tài liệu để đáp ứng kịp thời trình độ tín đồ.Thời gian tu tập đã bị hạn chế.

Bệnh hoạn cũng là vấn nạn. Có những chư Tăng “tiên thiên bất túc, hậu thiên thất nghi”, nghiệp bệnh đeo đuổi suốt cuộc hành trình xuất gia,tài chánh có hạn, việc hành trì không được như ý. Nên chăng, Giáo hội Khất sĩ lập nơi điều dưỡng đặc biệt giúp chư Tăng khỏi phải nương vào bệnh viện xã hội bên ngoài!

f.       Tăng phong đạo cách.

Một giáo đoàn mà vị giáo chủ vắng bóng trên nửa thế kỷ, vẫn giữ được hình thức, Tăng cách, luật nghi, kiến trúc, giới hạnh nghiêm túc quả là hiếm.

Một vài nghi cách thay đổi do xã hội, cuộc sống bắt buộc.Ví dụ thời Phật sanh tiền, chư Tăng đi bát, không giữ tiền bạc vật quý, nhưng truyền  qua Trung quốc,chư Tăng phải canh tác tự sống, thay đổi xiêm y cho thích hợp tập quán bản địa; cũng từ đó,ảnh hưởng nghi tắc Nho gia phải bày ra cúng kiến, thờ phượng rườm rà, áo mão kiểu vua quan cung triều. PGVN cũng ảnh hưởng lấy đó làm phương tiện hòa nhập dần dà đi xa khởi điểm.

Qua nhiều thập kỷ, để đem Phật giáo trở lại nguyên sơ,đức Tôn sư Minh Đăng Quang dung nạp hai hệ phái Bắc truyền và Nam Tông cho ra một Phật giáo Việt Nam chính thống.Đem nghi thức đơn giản vào đời sống theo nguyên thủy nhưng vẫn không không đánh mất tinh thần Phật giáo phát triển.Vẫn độ Ngọ như Nam truyền, ăn chay như Bắc tông.

Từ 1981,luật nghi Khất sĩ cũng phải thay đổi ít nhiều, khi đã tham gia vào một tổ chức mệnh danh là GHPGVN.Truyền thống khất thực đã hạn chế, chư Tăng cư trú không luân chuyển như trước 1975. Những vị có chức phận ngoài tu tập phải đóng góp công sức tài vật cho tổ chức và xã hội theo yêu cầu. Một số ít cố gắng không giữ tiền và vật quý. Một vài vị cũng bị xao lãng Tăng cách ít nhiều, thậm chí nói năng tuy không quá đáng nhưng cũng không còn khép mình, khiêm hạ như một vị khất sĩ ngày xưa.

Tóm lại

Khất sĩ vẫn là một hệ phái đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Hình thức vẫn giữ được “ca sa” thời Phật. Dung hợp cả Bắc và Nam truyền trong giáo luật qua cuộc sống thường nhật.Tăng phong đạo cách của một tu sĩ gương mẫu còn duy trì được luật giới. Tứ nhiếp pháp đã vận dụng cho việc hoằng hóa thành công.

Tuy có những đoàn khất sĩ đương thời như:Khất sĩ của Đại sư Huệ Nhật (1945),Liên tông Tịnh độ Non bồng của ngài Thiện Phước còn gọi là Mẫu trầu(1957), Khất sĩ Sơn lâm (1960), giáo đoàn Khất sĩ  Ca Diếp (1972).Nhóm Khất sĩ thuộc Tịnh Độ tông Việt Nam (1955) khất sĩ tu tịnh của ngài Từ Huệ(1952).; nhưng không duy trì được bao lâu vì thiếu những tiêu chuẩn cơ bản về tôn chỉ,tổ chức, luật học, sống chung…

 

Tâm linh và duy vật, công nghiệp và nông gia đã nhạt nhòa ranh giới khi các hệ phái Phật giáo nói chung và Khất sĩ nói riêng, chung tay vạch một lối đi giữa lòng dân tộc.Cơ sở Tôn giáo phát triển, hệ phái phát triển, chỉ cần nội chất tâm linh đồng bộ song hành là đóng góp to lớn cho dân tộc.

Cần chú trọng sức khỏe của chư Tăng. Ngày nay, y dược có cả Tây y, Đông y, thuốc Nam Thuốc Bắc..không nhất thiết phải theo luật định dùng cây, cỏ, vỏ, lá như xưa.

Một khi hòa nhập, tuy không hòa tan, ít nhiều nội chất cũng có thay đổi; đó là định luật không gì là bất biến, nhờ biến mới phát triển. Hy vọng, Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam sẽ là cốt lõi để duy trì niềm tin cho quần chúng, đúng nghĩa :NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP  đã tuyên xưng.

 

MINH MẪN

24/7/2023

 

Bí chú:

(1)  (Đại học,Trung Dung, Luận ngữ, Mạnh tử).

(kinh Thi, kinh thư, kinh lễ, kinh dịch, kinh Xuân Thu)

(2)  (tứ y pháp trong Luật nghi Khất sĩ)

(3)  Wikipedia

(4)  Website phattuvietnam: Đạo tràng theo hệ phái Khất sĩ đầu tiên ở miền Bắc

(5)  Chơn lý tập 1, trang 357,

(6)  Tạp chí văn hóa Phật giáo

(7)  Biên niên sử hệ phái Khất sĩ

****************************

 

Bản tóm lược tham luận.

 

Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam xuất hiện trong một giai đoạn đặc biệt của đất nước khi bị bảo hộ của Pháp. Xã hội tồn tại hai sắc thái rõ rệt.Nông gia và thành thị.Do tính tương phản của văn hóa và nếp sống đó, một thời gian dài xã hội bất an, xáo trộn về mặt chính trị lẫn tín ngưỡng.

Cùng tất biến là định luật sinh tồn. Những học thuyết Khổng Nho hay Đạo gia không thể vận dụng nội hàm để thoát khỏi cơ chế thực dụng và khoa học, đành thúc thủ duy  trì mạng mạch như hạt giống ẩn sâu vào lòng đất chờ thời tiết thích hợp nảy mầm. Riêng Phật giáo Việt Nam, một thời gian khá dài bị bình dân hóa để thích nghi xã hội Khổng Nho, Thiền môn mang màu sắc đa thần để tùy duyên tồn tại, đôi khi cũng tùy tiện lạc dẫn quần chúng vào cơn mê lộ.May thay, các tôn giáo nội sinh miền Tây Nam bộ đã xuất hiện kịp thời tạo điểm tựa và niềm tin cho quần chúng, chung tay phục dựng nền tảng đạo đức và tâm linh dân tộc.

Cũng từ ý lực tự tồn, Phật giáo Việt Nam nẩy mầm một nhánh mới từ gốc cổ thụ mà hai ngàn năm qua cũng từng đâm chồi các nhánh mới.Phải chăng, địa linh sanh nhân kiệt, tiếp tục phát sanh một đức Phật thầy Tây An, một đức Huỳnh giáo chủ, một đức Tôn sư Minh Đăng Quang đủ để xã hội trăm hoa đua nở sắc màu tâm linh, ổn định đức tin trong buổi giao thoa ý hệ khoa học thực dụng và sinh hoạt truyền thống; từ nền tảng đó, hệ phái Khất sĩ đã kịp thời mang luồng gió mới trong nếp sống thiền môn, không hòa nhập xã hội, không lìa xa thế nhân.Bản chất trung đạo của bậc xuất trần đã vực dậy nét mờ nhạt của Phật giáo Việt Nam. Khoác lên mình lớp áo mới để :” Một bát cơm ngàn nhà

                                          Thân chơi muôn dậm xa

                                          Chỉ vì việc sanh tử

                                          Giáo hóa độ người qua”.

Tứ y pháp triệt để áp dụng để trang nghiêm giáo đoàn, lục hòa cộng trụ để phát triển Tăng đoàn , Giới-định-tuệ để thăng tiến tâm linh.

1981 GHPGVN thành lập, hệ phái Khất sĩ là một trong 9 hệ phái chung tay xây dựng ngôi nhà chung. Hòa thượng Giác Toàn thay mặt hệ phái rất năng động liên kết chư Tôn túc các hệ phái, tạo cảm thông trong buổi giao thời.Từ đó Hệ phái Khất sĩ nghiễm nhiên không còn là hệ phái nhạt nhòa trong sinh hoạt thiền môn như trước 1975.

Hệ thống Khát sĩ có 6 giáo đoàn Tăng và một giáo đoàn Ni phân tán kháp ba miền, gồm 550 cơ sở tịnh xá. 1395 Tăng, 1863 Ni. Nước ngoài có 50 tịnh xá, 100 Tăng ni.

Việc xây dựng ngôi nhà chung là nhiệm vụ tất yếu, phát triển nội bộ hệ phái cũng là vấn đề quan thiết không kém. Cơ sở hạ tầng nhiều nơi đã và đang tái thiết.Một số tịnh xá đã mở khóa tu cho tín đồ. Nghi lễ phát triển sang đọc tụng các kinh Bắc truyền. Chư Tăng ni trẻ tranh thủ tiếp thu kiến thức Phật học tại các quốc gia có trường chuyên Phật giáo.

Ngày nay không còn phân biệt hệ phái để cùng trao đổi hiểu biết lẫn nhau, vì bất cứ hệ phái tông môn nào cũng đều mang hương vị giải thoát của đức Thế tôn.

Hiện tượng hệ phái Khát sĩ ngày nay không còn là hệ phái cá biệt trong ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam. Cá biệt chăng là một tập thể cộng trụ lục hòa tuyệt đối trung thành với tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” của đức Tôn sư Minh Đăng Quang.

 

MINH MẪN

24/7/2023