Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

* NHAI GÂN CHỜ THỜI HAY THỤ ĐỘNG?



Trong suốt thời gian cận Noel, các giáo xứ, họ Đạo, tín hữu giăng đèn treo cờ, một vài nơi thiết lập hang đá, đó là lẽ tất nhiên về tự do tín ngưỡng. Nếu không có một số cửa hàng, khách sạn, công ty trưng bày cây thông và ông già Tuyết, có lẽ mùa Giáng sinh cũng chỉ gói gọn trong khu vực của người Công giáo. Song song đó, một số trang mạng lấy làm khó chịu trước hiện tượng Noel đi sâu vào trường học, báo chí truyền thông của nhà nước quảng bá rầm rộ. 

Trước vấn đề mà một số người Phật tử cảm thấy bị thiệt thòi đó, lãnh đạo GHPGVN nghĩ gì?
                                                     ***
Sau 1963, Phật giáo đã từng diễn mừng Phật đản tại bờ sông Bạch Đằng Sài gon, được công binh hỗ trợ xây dựng lễ đài, trăm hoa đua nở đó lan rộng từ các tỉnh miền Trung vào đến miền Nam, đó cũng là lẽ tất nhiên không những bao năm tháng trầm lắng trước sự lãnh đạo của chính phủ do đô hộ của Pháp, mà trên 90% tín đồ Phật giáo lúc bấy giờ, trải qua nhiều chế độ cũng đã nín thở chờ thời, đến khi 1964, chính quyền nâng đỡ để Phật giáo lúc bấy giờ xả hơi, vươn dậy.

Cho dù “thiên thời địa lợi mà nhân không hòa” lúc bấy giờ, Phật giáo cũng chỉ là một tổ chức như tổ chức Phật giáo ngày nay sau thống nhất hai miền. Qua 11 năm, vừa củng cố tổ chức Giáo hội, vừa đóng góp trách nhiệm giải giới chiến tranh (dĩ nhiên không tránh khỏi bàn tay lông lá chính trị xen vào làm lệch hướng hay ít ra tạo tai tiếng không đúng đối với chủ trương GHPGVNTN lúc bấy giờ; dẫu sao, cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với đất nước chịu nhiều đạn bom. Song song, PGVNTN cũng đào tạo lượng số tu sĩ có tu tập, có kiến hức học vị, và xây dựng nông thôn như Thanh niên phụng sự xã hội của Thiền sư Nhất Hạnh. Biết rằng giữa chiến tranh, một tổ chức như thế trở thành điểm ngắm đáng ngờ cho ba bên bốn phía, và tất nhiên, nhiều sinh mạng đã hy sinh vì lý tưởng phụng sự xã hội. Trên 10 nhân vật lãnh đạo có “Tâm và có Tầm” đã đưa GHPGVNTN lên tầm uy tín đối với thê giới. Chỉ 11 năm thôi, GHPGVNTN đã đi vào giáo sử một thời mà ai đó đã bảo “Phật giáo là điểm son của dân tộc”!

Sau 1975, như một cơn đau đẻ, qua nhiều gian truân và áp đặt từ những cán bộ nằm vùng trong Phật giáo, nóng vội, một Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước do HT Minh Nguyệt và Thiện Hào từ rừng về, vận động để thống nhất các Giáo hội, các hệ phái Phật giáo vào một tổ chức mới dưới danh xưng GHPGVN. Do nóng vội, chủ quan và tự hào của kẻ chiến thắng, đã áp lực GHPGVNTN gia nhập mà một số vị lãnh đạo lúc bấy giờ chưa hiểu rõ đường lối sinh hoạt của họ đưa ra. HT T. Quảng Độ, lúc bấy giờ là Tổng thư ký GHPGVNTN nói: “Quý vị muốn mời người ta vào ngôi nhà mới, ít ra phải cho biết sơ đồ ngôi nhà...”

Nếu lúc bấy giờ có tinh thần thông thoáng như bây giờ thì GHPGVNTN đã không tách biệt và bị khủng hoảng như hiện nay, và một Giáo hội Thống nhất đúng nghĩa sẽ là một tổ chức mạnh do các bộ óc lãnh đạo chân tu sẽ đóng góp cho xã hội, cho đất nước.

                                                  ***
Trên dưới 40 năm hình thành và phát triển của GHPGVN ngày nay, có tiến bộ và có thay đổi, nhưng so với thời gian dài như thế, Phật giáo Việt Nam và xã hội Việt Nam là một con bệnh chập chững đang dần phục hồi. Cái nhu cầu Phật Giáo Việt Nam hiện nay là đào tạo tu sĩ. Sau 1990 tu sĩ Phật giáo được du học nhiều hơn trước 1975, nhất là hệ phái Khất sĩ, chư Tăng và chư Ni đã cố trang bị cho hệ phái một số tu sĩ có học vị, có năng lực không kém hệ phái Bắc truyền. Trang bị kiến thức chưa đủ để phục hồi đạo lực của một tôn giáo chủ hướng giải thoát. Các trường sơ trung cao cấp cũng chỉ cung cấp kiến thức cho học Tăng. Người Phật tử mong rằng Giáo hội cần có những khóa chuyên tu. Ba tháng an cư chỉ là truyền thống và là truyền thống mang hình thức nhiều hơn là thực chất. Nếu biến ba tháng an cư trở thành chuyên tu đặc biệt, có lẽ sẽ xuất hiện nhiều bậc chân đức đáng kính cho quần chúng tín đồ nương tựa. Thân giáo, khẩu giáo, ý giáo luôn là mô hình của bậc chân tu đáng kính.

Do GHPGVN hiện nay quá chú trọng về hình thức nên nội chất bị trống vắng. Vẫn có một vài bậc chân đức đã quy ẩn và chìm sâu giữa những hoạt náo thiếu phạm hạnh. Tu sĩ một số bon chen vật chất, khoa trương địa vị, cậy thế vào ô dù, tranh đua xây cất nhưng việc xây cất thiếu tầm vóc không mang tính văn hóa đặc trưng của PGVN. Về tổ chức, các chức sắc không phát huy sáng tạo, e sợ vượt ngoài chủ trương, thúc thủ để an phận duy trì chức vị để chờ chỉ thị. Sinh hoạt Giáo hội do sự chỉ định từ quyền lực hơn là thể hiện bản lãnh của một tôn giáo như Tôn giáo bạn. Tính thụ động đó đã làm mai một những tu sĩ năng động không dám qua mặt bề trên. Dẫu sao, GHPGVN hiện nay vẫn còn có một số quyền quyết định nội bộ hơn là Hội Phật giáo Trung quốc mang tính thừa sai. Do quyền lực địa vị trong Phật giáo mà có sự lầm lẫn giữa nghi lễ và hành chánh. Trai Tăng thuộc về nghi lễ tôn giáo, nhưng các giáo phẩm cao hạ vẫn nhuờng chỗ cho chức sắc Giáo hội lên bàn chứng minh. Một số trưởng Ban Trị sự địa phương o ép tu sĩ không thuộc đệ tử hoặc hệ phái của mình. Một vài tu sĩ trẻ muốn vào vùng sâu vùng xa để hoằng pháp lại bị BTS địa phương cản trở gây khó. Mỗi vùng là một ông vua và ông vua trị vì suốt đời. Mỗi nhiệm kỳ đều có Đại hội bầu bán, thực ra, Tăng Ni địa phương không ai dám có ý kiến thay đổi những vị cầm quyền Giáo hội địa phương thiếu khả năng thiếu uy đức. Quy định Hiến chương cũng cản trở khá nhiều cho những tài năng trẻ; phó Thường trực luôn là người được thay thế trưởng BTS nếu vị trưởng ra đi, cho dù phó trực bất tài, thiếu kiến thức vẫn là người thừa kế hợp pháp. Bao nhiêu Tăng trẻ được trang bị kiến thức sau khi du học trở về, vẫn ngồi chơi xơi nước hoặc chỉ đảm trách giáo dục.

Phật giáo không thiếu Tăng tài, nhưng thiếu phương cách trọng dụng Tăng tài hoặc sợ Tăng tài vượt trội làm lu mờ vị thế lãnh đạo đang có.

                                                      ***
Tại sao tín đồ Phật giáo dễ bị cải đạo?
Người tín đồ sau khi quy y Tam bảo, hoàn toàn không biết gì về lịch sử đức Phật, lịch sử truyền thừa Phật giáo, chưa nói đến giáo lý uyên thâm của nhà Phật. Trong khi đó, các tôn giáo bạn, trước khi trở thành tín hữu Kito giáo, phải qua những lớp giáo lý. Muốn lập gia đình với người có Đạo, phải dự lớp giáo lý hôn nhân, buộc mỗi tuần phải đi lễ, và luôn được Linh mục giảng giáo lý sau mỗi lễ Misa. Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài cũng thế, trước khi trở thành tín đồ, phải học qua giáo lý cơ bản, đồng đạo thường xuyên sách tấn lẫn nhau. Chính những tổ chức chặt chẽ về hình thức cũng như nội chất, người tín đồ khó mà bị cải đạo hoặc sa ngã trước cám dỗ. Các vùng do giáo xứ, họ đạo ít khi xẩy ra trộm cướp phá rối trị an. Do những uy tín của một tổ chức như thế, người lãnh đạo biết bảo vệ quyền lợi của tín đồ, biết giữ uy tín của Tôn giáo, và nhất là tinh thần đoàn kết, ngoan đạo, họ có đủ quyền để phô trương thanh thế theo luật tự do tín ngưỡng, và thông tin báo chí cũng hãnh diện quảng cáo cho một tôn giáo đủ uy tín.

Những ưu tư của một số tín đồ trước sự phô trương và phát triển các tôn giáo bạn, họ có quyền làm thế. Trong xã hội cạnh tranh phát triển, ai đủ bản lãnh thì kẻ đó có quyền phô trương thanh thế. Trách nhiệm Phật giáo tụt hậu, sa sút tín đồ không phải do tôn giáo bạn phô trương phát triển mà do chính bản thân Giáo hội, tu sĩ không giúp cho tín đồ hiểu giáo lý tường tận, tu tập nghiêm mật và thiếu tổ chức hoằng hóa. Một sản phẩm có quyền quảng cáo trên các phương tiện truyền thông nếu sản phẩm đó được công ty đủ năng lực thuê bao, chưa nói đến sản phẩm đó thực sự tốt hay không. Một sản phẩm có thực chất mà không có kế hoạch quảng cáo, đương nhiên sẽ chịu thiệt thòi.

Mỗi chùa, có một nhóm tín đồ vây quanh sùng phụng trụ trì như một minh sư, cứ thế là đủ an phận hưởng thụ, không cần biết tín đồ đó có hiểu đạo hay chỉ phát tâm cúng dường vì tâm đạo. Tâm đạo như thế chỉ là đống cát đứng trước bão tố. Một chức sắc từ cấp cao đến cấp thấp đều ỷ lại, tựa lưng vào một ô dù nào đó, chỉ cần quyền lực đối với Tăng Ni, và thường xuyên tham dự trai Tăng do các chùa chuyên tổ chức đám tiệc nhiều hao tốn, đã rút mất sinh lực và sự thâm tín Tam Bảo một cách mơ hồ từ quần chúng. Tuy PGVN ngày nay không như Phật giáo Hàn quốc sau đệ nhị thế chiến, chư Tăng ẩn cư lên núi, giao đồng bằng và quần chúng cho Tin Lành ngự trị, để Phật giáo Hàn quốc biến thành thiểu số mà trước chiến tranh, Phật giáo từng phủ trùm lên tín ngưỡng dân gian. Cũng thế, nếu chư Tăng vẫn ỷ lại cuộc sống sung túc hiện nay, vẫn dựa vào thế quyền và được yểm trợ mọi mặt, chắc chắn Phật giáo sẽ xa rời quần chúng, đừng thắc mắc tại sao tôn giáo bạn thiểu số mà phô trương rầm rộ vào ngày Chúa Giáng sinh.

Phát triển GHPGVN hiện nay đối với quốc tế do kế hoạch chỉ đạo của nhà nước; các cơ sở Phật giáo tại Âu châu sau 1990 do nhà nước xây dựng, nhưng các sư vẫn không đủ năng lực phát triển, không đủ uy tín để duy trì, nội bô chia rẽ, thì trong nước, một tổ chức Phật giáo hiện nay cứ ỷ lại sự đùm bọc từ thế lực, không vận dụng khả năng tự phát triển, dĩ nhiên các tôn giáo khác có quyền vận hành vượt khó để vươn lên.

Cái im lặng đợi cầm tay chỉ việc như thế không phải là “nhai gân chờ thời” mà thực sự là bản chất “thụ động”, thì đừng nên trách các Tôn giáo khác mà hãy tự trách nội bộ của Phật giáo. Hãy dọn cỏ làm sạch vườn nhà mình hơn là săm soi cỏ rác nhà lân cận.

Người dân không theo đạo, vẫn nô nức tham dự đêm Noel như lễ hội, càng làm phố phường rộn rã, ngày Phật đản thì sao? Hãy hỏi lại chính mình!

MINH MẪN
25/12/2018


Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

* VĂN HÓA HÔN LỄ






























Việc kết hợp giữa hai đối tượng khác phái, đi đến sống chung sanh con đẻ cái, đã có từ thời con người nguyên thủy xuất hiện. Tùy mỗi bộ tộc, mỗi quốc gia, việc hợp thức hóa cho đôi lứa có quy định theo tập tục riêng, với người Việt thường gọi là hôn lễ.

Thực hiện tập tục cho “hôn lễ” theo nếp xưa, gồm có: - lễ nạp tài – lễ vấn danh – lễ nạp cát – lễ nạp tệ - lễ thỉnh kỳ và lễ thân nghinh.

Ngoài ra, khi hai bên thỏa thuận, nhà gái yêu cầu nhà trai cung ứng đủ những phẩm vật như trầu rượu, cau, trà, bánh trái, gạo, heo, đồ trang sức, y phục cho cô dâu và tiền mặt ...

Cũng tùy vùng miền có thêm những hủ tục phụ thuộc, chẳng hạn miền Bắc xưa kia còn đốt lò lửa để ngay ngạch cửa cho cô dâu và đàn trai bước qua để đốt phong long (đốt những xui xẻo). Sau hai ngày, vợ chồng mang quà cáp về thăm nhà cô dâu, nếu xa xôi thì gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ.

Việc hôn lễ là của riêng hai họ, nhưng về mặt pháp lý, cũng phải có sự chứng thực của chính quyền gọi là chứng nhận đăng ký kết hôn, quy định này có từ thời Gia Long, Tự Đức.

                                                  ***

HÔN LỄ THEO TÔN GIÁO: 
Đối với nhà Phật, tuy không khuyến khích việc hôn phối, nhưng kinh “Thiện sanh” dạy kỹ về bổn phận đối với nhau giữa hai vợ chồng, cũng như chồng vợ có bổn phận với cha mẹ hai bên. Thường những cặp làm lễ hôn phối tại chùa được gọi là lễ “hằng thuận”, thầy giảng giải đạo lý sau khi trao nhẫn cưới cho nhau và quy y Tam Bảo nếu có.

Thiên Chúa giáo, lễ cưới gọi là “Bí tích hôn phối”. Cũng như  nhà Phật, đôi bạn có lời khấn nguyện trước Tam Bảo sẽ bảo vệ giúp nhau cuộc sống hạnh phúc, tôn trọng, nâng đỡ lẫn nhau. Lễ cưới ở nhà thờ có nghi lễ tuyên hứa và làm phép đeo nhẫn. Lễ cưới ở nhà thờ phải làm trước khi lễ gia tiên. 

Những tôn giáo khác cũng có những quy định riêng cho cuộc hôn lễ.
                                                        
                                                     ***

Trong cuộc sống, không phải thành đôi chồng vợ đều đã trải qua thủ tục hôn phối. Do điều kiện sinh hoạt, do tình thế xã hội hay vì những lý do bất khả kháng nào đó, lễ hôn phối không được thực hiện, mặc dù họ ở với nhau nhiều năm. Gần đây, đám cưới tập thể được thực hiện dành cho những gia đình không đủ điều kiện. 

Năm 2012, Thủy là thành viên của Gia Đình An Nhiên chùa Pháp Vân, Tân Phú, cùng anh Phúc đồng nghiệp trong nghề trang điểm, nảy sinh ý định giúp cho những gia đình chưa từng được vui hưởng sinh khí hôn lễ. Khởi đầu chỉ vài gia đình, sau đó mỗi năm tăng lên từ 20 cặp, 40 cặp, 60 cặp.  Những năm trước tổ chức tại khách sạn Tân Sơn Nhất do nghệ sĩ Kim Cương  tài trợ. Năm nay 50 cặp gia đình khuyết tật được quỹ Đạo Phật Ngày Nay tổ chức với sự yểm trợ từ các mạnh thường quân qua nhiều khâu như ẩm thực, nhẫn cưới, chụp ảnh lưu niệm, trang phục... Đặc biệt 50 cặp đều có áo dài hồng đậm cho cô dâu và áo màu gạch nhạt cho chú rễ do công ty pháp phục An Nhiên thiết kế cho từng tướng dạng của mỗi người. 50 chiếc xe cyclo chở cô dâu chú rể diễu hành vòng quanh từ Công viên Hòa Bình ra chợ Bến Thành vòng về chùa Giác Ngộ. Mỗi cặp được đánh số để tình nguyện viên phụ trách hướng dẫn, phụ giúp việc đi lại và ổn định vị trí.
Trong số 50 cặp gồm 59 người khuyết tật vận động, 20 người khiếm thị, 2 người vừa khiếm thị và khiếm thính, cùng 19 người có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi cặp được tài trợ 20 triệu đồng trong đó 10 triệu đồng tiền mặt. Theo thầy trụ trì, rất tiếc, vì khuôn viên hạn hẹp nên không thể dung chứa hơn số lượng đó. Đây là lần đầu tiên một ngôi chùa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục: ”Ngôi chùa tổ chức lễ hằng thuận tập thể cho nhiều cặp đôi khuyết tật nhất việt Nam”. Qua phát biểu cảm tưởng của cặp đôi đại diện người khuyết tật, tuy lời lẽ đơn sơ nhưng đã gói gọn niềm cảm xúc mà trong đời chưa hề mơ ước được một hôn lễ trang trọng, hoàn chỉnh và đầy tình người như thế. Trên gương mặt ngời sáng niềm vui của 50 cặp khuyết tật và thân nhân có mặt, có lẽ đây là một lễ Hằng thuận tập thể chỉnh chu về mặt tổ chức, mang tính văn hóa và tràn ngập tình người.
                                                                         
                                                       ***

Có những hôn lễ hoành tráng quá tốn kém, thì cũng không thiếu những mảnh đời bất hạnh từ thể chất đến tình cảm. Trong cuộc sống đơn sơ, họ cũng chỉ ước mơ có một mái ấm đơn sơ, đến với nhau bằng đôi tay trắng và trái tim đơn điệu cần chắt chiu; tuy nhiên, trên con đường tăm tối vẫn có những tia sáng soi rọi đời mình, họ thật ngỡ ngàng được tham dự lễ “hằng thuận” tập thể do sự quan tâm của nhà chùa.

Càng ngày, thủ tục hôn lễ càng giảm bớt những quy tắc nhiêu khê, tuy nhiên, một số nơi phô trương hoành tráng quá tốn kém không cần thiết giữa cuộc sống còn bao người bất hạnh.
Đây là một kỷ niệm đẹp và kỷ niệm khó quên đối với 50 cặp đôi khuyết tật vào ngày 21/12/2018 tức rằm tháng 11 năm Mậu Tuất. Tuy là một lễ tập thể nhưng mang tính nhân văn giản dị, không phô trương nhưng sâu lắng. Cả người tổ chức lẫn người tham dự đều thể hiện trách nhiệm. Phải chăng, văn hóa “hằng thuận” đã dần đi sâu vào cửa chùa để duy trì tính bền vững lứa đôi được xây dựng trên nền tảng đạo đức nhà Phật?

MINH MẪN
21/12/2018