Việc kết hợp giữa hai đối tượng khác phái, đi đến sống chung sanh con đẻ cái, đã có từ thời con người nguyên thủy xuất hiện. Tùy mỗi bộ tộc, mỗi quốc gia, việc hợp thức hóa cho đôi lứa có quy định theo tập tục riêng, với người Việt thường gọi là hôn lễ.
Thực hiện tập tục cho “hôn lễ” theo nếp xưa, gồm có: - lễ nạp tài – lễ vấn danh – lễ nạp cát – lễ nạp tệ - lễ thỉnh kỳ và lễ thân nghinh.
Ngoài ra, khi hai bên thỏa thuận, nhà gái yêu cầu nhà trai cung ứng đủ những phẩm vật như trầu rượu, cau, trà, bánh trái, gạo, heo, đồ trang sức, y phục cho cô dâu và tiền mặt ...
Cũng tùy vùng miền có thêm những hủ tục phụ thuộc, chẳng hạn miền Bắc xưa kia còn đốt lò lửa để ngay ngạch cửa cho cô dâu và đàn trai bước qua để đốt phong long (đốt những xui xẻo). Sau hai ngày, vợ chồng mang quà cáp về thăm nhà cô dâu, nếu xa xôi thì gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ.
Việc hôn lễ là của riêng hai họ, nhưng về mặt pháp lý, cũng phải có sự chứng thực của chính quyền gọi là chứng nhận đăng ký kết hôn, quy định này có từ thời Gia Long, Tự Đức.
***
HÔN LỄ THEO TÔN GIÁO:
Đối với nhà Phật, tuy không khuyến khích việc hôn phối, nhưng kinh “Thiện sanh” dạy kỹ về bổn phận đối với nhau giữa hai vợ chồng, cũng như chồng vợ có bổn phận với cha mẹ hai bên. Thường những cặp làm lễ hôn phối tại chùa được gọi là lễ “hằng thuận”, thầy giảng giải đạo lý sau khi trao nhẫn cưới cho nhau và quy y Tam Bảo nếu có.
Thiên Chúa giáo, lễ cưới gọi là “Bí tích hôn phối”. Cũng như nhà Phật, đôi bạn có lời khấn nguyện trước Tam Bảo sẽ bảo vệ giúp nhau cuộc sống hạnh phúc, tôn trọng, nâng đỡ lẫn nhau. Lễ cưới ở nhà thờ có nghi lễ tuyên hứa và làm phép đeo nhẫn. Lễ cưới ở nhà thờ phải làm trước khi lễ gia tiên.
Những tôn giáo khác cũng có những quy định riêng cho cuộc hôn lễ.
***
Trong cuộc sống, không phải thành đôi chồng vợ đều đã trải qua thủ tục hôn phối. Do điều kiện sinh hoạt, do tình thế xã hội hay vì những lý do bất khả kháng nào đó, lễ hôn phối không được thực hiện, mặc dù họ ở với nhau nhiều năm. Gần đây, đám cưới tập thể được thực hiện dành cho những gia đình không đủ điều kiện.
Năm 2012, Thủy là thành viên của Gia Đình An Nhiên chùa Pháp Vân, Tân Phú, cùng anh Phúc đồng nghiệp trong nghề trang điểm, nảy sinh ý định giúp cho những gia đình chưa từng được vui hưởng sinh khí hôn lễ. Khởi đầu chỉ vài gia đình, sau đó mỗi năm tăng lên từ 20 cặp, 40 cặp, 60 cặp. Những năm trước tổ chức tại khách sạn Tân Sơn Nhất do nghệ sĩ Kim Cương tài trợ. Năm nay 50 cặp gia đình khuyết tật được quỹ Đạo Phật Ngày Nay tổ chức với sự yểm trợ từ các mạnh thường quân qua nhiều khâu như ẩm thực, nhẫn cưới, chụp ảnh lưu niệm, trang phục... Đặc biệt 50 cặp đều có áo dài hồng đậm cho cô dâu và áo màu gạch nhạt cho chú rễ do công ty pháp phục An Nhiên thiết kế cho từng tướng dạng của mỗi người. 50 chiếc xe cyclo chở cô dâu chú rể diễu hành vòng quanh từ Công viên Hòa Bình ra chợ Bến Thành vòng về chùa Giác Ngộ. Mỗi cặp được đánh số để tình nguyện viên phụ trách hướng dẫn, phụ giúp việc đi lại và ổn định vị trí.
Trong số 50 cặp gồm 59 người khuyết tật vận động, 20 người khiếm thị, 2 người vừa khiếm thị và khiếm thính, cùng 19 người có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi cặp được tài trợ 20 triệu đồng trong đó 10 triệu đồng tiền mặt. Theo thầy trụ trì, rất tiếc, vì khuôn viên hạn hẹp nên không thể dung chứa hơn số lượng đó. Đây là lần đầu tiên một ngôi chùa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục: ”Ngôi chùa tổ chức lễ hằng thuận tập thể cho nhiều cặp đôi khuyết tật nhất việt Nam”. Qua phát biểu cảm tưởng của cặp đôi đại diện người khuyết tật, tuy lời lẽ đơn sơ nhưng đã gói gọn niềm cảm xúc mà trong đời chưa hề mơ ước được một hôn lễ trang trọng, hoàn chỉnh và đầy tình người như thế. Trên gương mặt ngời sáng niềm vui của 50 cặp khuyết tật và thân nhân có mặt, có lẽ đây là một lễ Hằng thuận tập thể chỉnh chu về mặt tổ chức, mang tính văn hóa và tràn ngập tình người.
***
Có những hôn lễ hoành tráng quá tốn kém, thì cũng không thiếu những mảnh đời bất hạnh từ thể chất đến tình cảm. Trong cuộc sống đơn sơ, họ cũng chỉ ước mơ có một mái ấm đơn sơ, đến với nhau bằng đôi tay trắng và trái tim đơn điệu cần chắt chiu; tuy nhiên, trên con đường tăm tối vẫn có những tia sáng soi rọi đời mình, họ thật ngỡ ngàng được tham dự lễ “hằng thuận” tập thể do sự quan tâm của nhà chùa.
Càng ngày, thủ tục hôn lễ càng giảm bớt những quy tắc nhiêu khê, tuy nhiên, một số nơi phô trương hoành tráng quá tốn kém không cần thiết giữa cuộc sống còn bao người bất hạnh.
Đây là một kỷ niệm đẹp và kỷ niệm khó quên đối với 50 cặp đôi khuyết tật vào ngày 21/12/2018 tức rằm tháng 11 năm Mậu Tuất. Tuy là một lễ tập thể nhưng mang tính nhân văn giản dị, không phô trương nhưng sâu lắng. Cả người tổ chức lẫn người tham dự đều thể hiện trách nhiệm. Phải chăng, văn hóa “hằng thuận” đã dần đi sâu vào cửa chùa để duy trì tính bền vững lứa đôi được xây dựng trên nền tảng đạo đức nhà Phật?
MINH MẪN
21/12/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét