Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

ĐẲNG CẤP NGÔN TỪ

 

Trên tinh cầu này, từ khi có con người, cũng đã có ngôn ngữ để điển đạt tâm tư, ý nghĩ với nhau.

Khoa học đã thí nghiệm cho biết, ngay cả thực vật cũng có những tầng sóng giao cảm lo sợ, vui mừng…

Động vật hạ đẳng cũng biết thể hiện tình cảm qua đơn âm và động tác…

Tùy trình độ tiến hóa của mỗi loài mà âm ngữ có khác.Riêng con người, một xã hội văn minh, càng có bề dầy văn hóa tâm linh thì ngôn ngữ càng đa dạng; ngôn ngữ đa dạng cũng tùy thuộc đẳng cấp để thể hiện ngôn phong của đẳng cấp đó.

Qua ngôn phong thể hiện đẳng cấp, cho dù thượng lưu trí thức nhưng sử dụng ngôn phong hạ đẳng giang hồ thì vẫn là đẳng cập hạ lưu.Xã hội ta có câu: “lưu manh giả danh trí trí thức”” cái nhãn Tiến sỹ, học vị không đủ thể hiện nhân cách, đẳng cấp, hay nói cách khác nhãn hiệu học vị chỉ để che đậy một số nhân cách khuyết tật của đa số trong xã hội bon chen ngày nay tại Việt Nam chúng ta.

Một khi con người sống trong xã hội hoàn chỉnh đạo đức, cho dù không có học vị, họ vẫn có một tâm thái đạo đức và lương thiện.Tâm thái lương thiện luôn thể hiện qua ngôn từ và hành động lương thiện, có nghĩa khi họ phê phán một vấn đề thì tâm thái của họ mang tính xây dựng chứ không hề mạt sát hủy diệt.

Trong một xã hội đang cải thiện từng ngày, đương nhiên không tránh khỏi những khuyết điểm ắt có. Cho dù một tổ chức chánh trị, Tôn giáo…từ thuở khai thiên cho đến ngày nay luôn xuất hiện những những cái gọi là “con sâu làm rầu nồi canh”. Một xã hội càng văn minh thì những khuyết tật càng tinh vi; Bởi đây là nhân gian chứ không phải Thiên đường, không thể tất cả đều là Thánh, sửa lỗi này thì lỗi khác phất sanh. Trên nguyên tắc của Phật giáo “ cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh..” Tâm phàm lấn át tâm thiện chắc chắn phải sanh sâu mọt.

Như thế những khuyết tật trong xã hội loài người và Tôn giáo nói riêng, chỉ cần phê bình bằng tâm xây dựng thì sự chuyển hóa nhẹ nhàng hơn, tốt đẹp hơn là chỉ trích với tâm đố kỵ. Trong Thánh kinh ki tô giáo Chúa nói: “các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét” (Mathi ơ 7:1). Nhà Phật có câu của Lục Tổ: “ hãy thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”. Chắc gi trong đời sống ta không có lỗi? Ta chưa phải toàn thiện lấy tư cách gì chỉ trích mạt sát người khác.

“Ngày nay đi tu là một sự kiếm lợi”  “Nhiều đền, chùa mài dao cả năm đợi chặt chém du khách”… Ôi, đây có phải là ngôn từ của một trí thức mang danh Tiến sỹ??? Đây là mạt sát Tôn giáo hay là góp ý xây dựng Tôn giáo? Mà dù mạt sát hay xây dựng thì cá nhân của người phát ngôn như thế cũng không đủ tư cách.

Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi, hàng chục ngàn tu sỹ làm sao tránh khỏi một vài tệ nạn! Một tổ chức chính trị thế gian mà đã có sai phạm phải vào tù thì đừng đòi hỏi một Tôn giáo được truyền thừa hàng ngàn năm khắp toàn cầu phải toàn thiện là điều không thể.

Ngôn từ nhân loại là để thể hiện tình cảm, tương thân tương ái.Loài hạ đẳng động vật vì không đủ ngôn từ để thể hiện mọi tương quan nên cắn xé lẫn nhau, chả lẽ con người mang danh Tiến sỹ có đẳng cấp trong xã hội lại tụt hậu đến thế sao?

Ngôn từ và Đẳng cấp luôn đồng hành để thể hiện một nhân cách sống.

 

MINH MẪN

24/2/2024

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

BẢO NHỎ NHAU NGHE.


Thời gian gần đây, Tăng tín đồ chỉ có hai lỗ tai, một bên, chuyện xã hội đủ thứ trên đời không còn chỗ để nhét vô nữa,một bên, chuyện nội bộ Phật giáo, ngoài đánh vô, trong dập tiếp, người tin Phật như bị đứng hình trước náo loạn “thiên cung”.

Thử bàn xem cách giải quyết vấn đề nội bộ Phật giáo có thấu tình đạt lý chăng! Chuyện dao động do mạng xã hội đem đến xem như tạm lắng, chỉ còn vài đài báo lá cải bên ngoài cứ muốn châm lửa từ đống tro tàn để hạ uy tín Phật giáo trong nước, với mục đích gì, ai chủ trương, ta không bận tâm làm gì. Quan trọng là nội bộ giải quyết như thế nào cho hợp tình lẫn lý theo thế gian, hợp trình độ, nhân cách căn cơ của bị hại theo tinh thần nhân ái của Phật giáo.

Cùng một phạm nhân phạm một trọng tội, đối với thế luật y cứ vào điều khoản cố định mà xét xử, nhưng trong phật giáo xét đoán y cứ vào ba tiêu chuẩn: mục đích hành động, phương tiện hành động, kết quả hành động trên một bình diện phổ thông và cá biệt, hiện tượng và bản chất của một sự kiện.

Chỉ nhìn hiện tượng mà xét đoán là thiếu sâu sắc nếu không nói là thiếu công minh.Nghĩa là cần có lý lẫn có tình.Không những thế, văn phong ngôn từ cũng không thể sử dụng chung cho mọi đối tượng. Một bị can chưa phân biệt rõ ràng về tội trạng thì không thể xem họ là một phạm nhân; một phạm nhân thuộc thành phần tối ưu trong xã hội không thể dùng ngôn từ trừng trị như một phạm nhân vô văn hóa.

Ví dụ thầy Thích Trúc Thái Minh vừa bị cộng đồng mạng quy chụp về những hành động mê tín,lừa đảo… chắc gì cộng đồng mạng biết rõ về mục tiêu việc làm của thầy tuy rằng hiện tượng là như thế, tiếc thay nội bộ phật giáo cũng vì thế mà quy chụp xử phạt vội vã. Văn bản kết luận dùng những từ như “ tẩn xuất, tước quyền trụ trì…BTS GHPGVN Tỉnh Quảng Ninh tăng cường biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động Tôn giáo và truyền thông của chùa Ba Vàng, của Đại đức Thích Trúc Thái Minh”.

Văn phong trên đây chỉ dùng cho đoàn thể chính trị, đoàn thể xã hội,Tôn giáo như đạo Phật chỉ là “phát lồ sám hối, yết ma tác pháp” chứ không thể dùng quyền lực áp đảo “tăng cường biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động” cứ như một tội phạm ghê gớm lắm;”tước quyền trụ trì nghe ra như tước đảng tịch không bằng. Ngay thời còn Phật tại thế cũng không thiếu sự sai phạm trong tập thể Tăng đoàn, đến lúc Bố tác Tăng phạm tự biết lỗi mà phát lồ. Ngay cả tội “Ba la Di” chỉ khuyến biệt chúng chứ không bao giờ khai trừ, tẩn xuất như thế tục.

Nhân cách của thầy Trúc Thái Minh và tội lỗi do thế gian gán ép chưa minh bạch, có đáng để Giáo hội dùng những ngôn từ hăm dọa,xử phạt như xử phạt một kẻ vô danh tiểu tốt chăng? Trong khi HT Trưởng BTS TW GHPGVN với lời lẽ nhẹ nhàng đối với một bậc trí chưa rõ công tội như thầy Trúc Thái Minh!

Khách quan mà xét, chúng tôi biết thầy Trúc Thái Minh không đáng tội như cộng đồng mạng bêu rếu mà nếu có sai phạm là sai phạm trong Tôn giáo, góp ý cho Tôn giáo giải quyết có đâu chỉ cần một kích động nhỏ là cả làn sóng chưa rõ mô tê a dua trù dập mắng nhiếc một bậc tu hành như thế.

Cũng như thế, một số BTS PG địa phương cũng dùng quyền lực xử phạt một tu sỹ sai phạm thay vì mang tính giáo dục và tinh thần nhân ái của đạo Phật mà ái ngữ là yếu tố quan trọng trong tứ nhiếp pháp. Sư Giác Minh Luật là một tu sỹ trẻ đã tạo cơ hội cho bao thanh niên đến với đạo Phật, tin Phật qua những thời giảng, vì tương thích với căn cơ thính chúng, phải chăng vì thế mà Ban Hoằng pháp ra lịnh cấm giảng trong các đạo tràng? Phật giáo chủ trương tùy duyên hóa độ mà Ban Hoằng pháp lại cấm hóa độ tùy duyên ?

Quyền trong tay không có nghĩa là quyền sinh sát, ém tài như thế gian mà quên mạng mạch Phật giáo nằm trong phương tiện tạm quyền đó! Rồi hiện tượng Nhuận Nghi chùa Tài Đức ở Đồng Nai,có Tôn giáo nào tu sỹ hoàn hảo thanh khiết? Phật bảo cõi này là cõi dục, mang thân chúng sanh mọi loài đều do dục mà tái sanh;tu sỹ là phàm nhân tập tu,ai giữ được giới luật hay không là bản thân họ xứng đáng hay không với chiếc áo và lời phát nguyện thọ trì giới phẩm. Nghiệp ái là căn bản nghiệp giữa hai phái khác nhau, hoặc là đồng phái gọi đồng tính, cũng có trường hợp lưỡng tính. Một tu sỹ can đảm kềm hãm hay đoạn trừ được nghiệp dục là một thánh hạnh trong nấc thang tiến hóa, bằng không họ chỉ là phàm Tăng tiếp tục tạo nghiệp cho bản thân họ.Trong luật nhà Phật, một Tăng sai phạm, có quyền ra vô bảy lần, thế thì GH lấy luật nào cấm người sai phạm như Nhuận Nghi không bao giờ được gia nhập Tăng đoàn? Dĩ nhiên sai phạm là phải có biện pháp xử phạt, nhưng xử phạt phải mang tính giáo dục tạo cơ hội cho họ hoán cải chứ không phải triệt tiêu đường tiến hóa của họ.

Thánh kinh Kitô có kể chuyện người đàn bà ngoại tình bị ném đá. Chúa hỏi trong đây ai là người chưa từng phạm tội thì hãy ném đá trước, thế là mọi người bỏ ra về.. Như vậy cho ta thấy bất cứ Tôn giáo nào cũng cùng quan điểm phàm phu đồng nghĩa phàm tục làm sao khỏi sai phạm! khác chăng là cách xử lý mang tính giáo dục hay triệt hạ.

Hiện nay vẫn còn một vài địa phương vùng xa dùng quyền chức trong BTS kể cả cấp huyện, cấp xã để o ép những Tăng ni cô thế rỗng túi hoặc không biết khom lưng.Ai hiểu cho nỗi khổ của Tăng ni vào chùa còn bị áp bức. Rất may hiện tượng này không phổ biến.

Trở lại vấn đề nội tình của Phật giáo, quá khứ điều hành tổ chức GH còn nhiều bất cập; thiết nghĩ cách xử phạt Tăng ni sai phạm không thể là cách xử phạt của một đoàn thể chính trị, xã hội. Xử phạt có nghĩa giáo dục chứ không mang tính triệt đường tương lai của họ. Thứ hai phải cân nhắc hiện tượng và bản chất của một vấn đề oan hay ưng. Thứ ba cần nâng đỡ Tăng ni có tiềm năng góp phần tạo uy tín cho Phật giáo; phát hiện những đố kỵ tài năng do một vài nơi đã áp chế Tăng ni.Thứ tư biết lắng nghe cho dù góp ý từ cấp thấp hay người ngoài tổ chức.Thứ năm đức khiêm hạ là cốt lõi của một người tu và cũng là một cán bộ của giáo hội.Thứ sáu đừng tự xem mình là một người lãnh đạo GH mà mình chỉ là người giúp Tăng ni sống đúng với luật pháp và giới thể để tổ chức có uy tín lớn mạnh trong lòng tín đồ.

Còn nhiều vấn đề cần góp ý với nội tình Phật giáo hiện nay, Mong được lắng nghe tiếng nói của quần chúng.

 

QUÁCH  THƯỜNG  NHIÊN

04/02/2024 ( 25 tháng chạp Quý Mão)

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

DƯ LUẬN

  

Dư luận là phản ảnh nhận định, là ý kiến một vấn đề trong một bộ phận của xã hội, dư luận có lúc đúng có khi chưa đúng.Ví dụ dư luận về vụ chùa Ba Vàng.

Ta thử đứng ngoài dư luận để thẩm định một hiện tượng tưởng chừng như hạt cát lại biến thành quả núi trong thời gian rất ngắn.Một nhà báo hoang mang chẳng hiểu “đầu tai đuôi nheo” thế nào vụ chùa Ba Vàng như một trận dịch truyền nhiễm khá nhanh.Ngay cả ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên  thứ trưởng Bộ ngoai giao, nguyên chủ nhiệm Ủy ban nhà nước Việt Nam ở nước ngoài cũng lấy làm lạ khi nghe việc trưng bày “xá lợi tóc” của Đức Phật tại chùa Ba Vàng trở thành vấn đề to tát, ảnh hưởng uy tín của Việt Nam đối với Myanmar về vấn đề thiếu tôn trọng bảo vật của Phật giáo Myanmar khi yêu cầu xác định bảo vật, trong khi cả đoàn Tăng lữ Miến Điện cung rước từ Myanmar qua Việt Nam; có nghĩa Tăng đoàn của Myanmar chưa đủ uy tín dưới tầm nhìn của Việt Nam? Tuy nhiên Tăng đoàn Myanmar do TT trụ trì tu viện Parami cũng khiêm tốn gửi văn bản xác nhận xá lợi tóc của Phật là từ Myanmar do Tăng đoàn Miến Điện cung rước đến VN (với lời lẽ than phiền)

 

Dư luận là quyền của dư luận, nhưng lạ là từ một điểm nhỏ do ai đó tung lên, trở thành một cao trào ăn theo. Thử hỏi những dư luận vừa qua, được mấy ai trực tiếp đến chùa Ba Vàng, trực tiếp gặp thầy Trúc Thai Minh, và trực tiếp chiêm bái “xá lợi tóc” của Đức Phật? chỉ nghe xuyên tạc là cỏ pili rồi theo đóm ăn tàn dùng lời tục tỉu xúc phạm bảo vật của Phật giáo!

 

Lạ thứ hai là thay vì tìm hiểu thực hư để xác định đúng sai, Lãnh đạo Giáo hội lại hướng theo dư luận vô căn cứ để xử phạt thầy Trúc Thái Minh.Thông tin truyền thông Giáo hội im lặng để tìm hiểu thực hư thì tổng thư ký Giáo hội lại vội ra văn bản dưới danh nghĩa: Kết luận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN để xử lý ĐĐ Thích Trúc Thái Minh với những lời lẽ thiếu tôn trọng với một bậc trí có tầm vóc và là một đồng đạo; như thế người ngoài xem tập thể Phật giáo chỉ là “cá mè một lứa”!

Trong văn bản kết luận xử lý:”sự kiện tổ chức chiêm bái và truyền thông về “Xá lợi tóc Đức Phật”tại chùa Ba Vàng đã bị dư luận xã hội phê phán, tạo ra nhiều thông tin trái chiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của Phật giáo và uy tín của GHPGVN…” Phật giáo tồn tại hàng ngàn năm rồi làm sao dư luận nhất thời lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin Phật giáo? Chả lẽ vì dư luận mà ảnh hưởng niềm tin của Phật giáo về xá lợi tóc? Phải nói rằng ảnh hưởng đến niềm tin của Phật tử  hoặc là ảnh hưởng đến niềm tin vào Phật giáo.Một văn bản của một tổ chức Tôn giáo mà không phân biệt như thế thì làm sao nhận định đúng sai trước dư luận? chả trách tin dư luận hơn tin nội bộ, từ đó cho thấy chính đối phó dư luận của Phật giáo đã tự mình làm mất niềm tin của xã hội chứ không phải do chùa Ba Vàng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin Phật giáo và uy tín của GHPGVN.

Chưa nói đến nhiều vấn đề xử lý nội bộ những việc thường xuyên xảy ra,chỉ riêng chùa Ba Vàng trong thời gian qua rất nhiều vấn đề trong việc xử lý tùy hứng và mang tính chữa cháy thiếu tình lẫn lý. Một ví dụ nhỏ khi thầy Trúc Thái Minh xin chuyển hệ phái, nội quy Tăng sự và Hiến chương không có mục nào cấm, thế mà họ vẫn lạm quyền để ngăn chận, thế thì việc trưng bày xá lợi tóc của Đức Phật, cung thỉnh Tăng đoàn Myanmar hoàn toàn việc nội bộ, không theo quy định “thông báo danh mục hoạt động Tôn giáo hàng năm” theo điều 43 luật tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, sao gọi là vi phạm. Việc cúng dường Tam bảo là việc làm tùy hỷ không kêu gọi sao gọi là trục lợi, chiếm đoạt tài sản…?

Bảo rằng thỉnh mời người nước ngoài về không thông báo. Theo điều 48 luật tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 quy định, tổ chức Tôn giáo và tổ chức Tôn giáo trực thuộc ( có nghĩa là một tổ chức chi nhánh) trước khi mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào VN để thực hiện các hoạt động Tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về Tôn giáo mới có trách nhiệm gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3.Như vậy chùa Ba Vàng là cơ sở tư nhân chứ không phải là một tổ chức chi nhánh.Vừa rồi, lễ Thành Đạo, chùa Phật Quang núi Dinh, Bà Rịa Vũng Tàu cũng mời Tăng đoàn Campuchea, trong đó có Tăng Thống Phật giáo về VN tham dự, không thông qua Giáo hội và chính quyền địa phương thì sao?

Việc trưng bày xá lợi tóc cho quần chúng chiêm bái không phải là cuộc triển lãm, không thuộc quy định của nghị định số 23/2019 – CP ngày 26/02/2019 về mục bảo tàng, cổ vật của hệ thống bảo tàng.

Thầy Trúc Thái Minh xuất cảnh cũng thế, với tư cách cá nhân, không xưng danh tổ chức Tôn giáo hay tổ chức Tôn giáo trực thuộc ( tức một tổ chức chi nhánh)  quy định trước khi cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành,tín đồ tham gia hoạt động Tôn giáo,đào tạo Tôn giáo ở nước ngoài theo điều 50 luật tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016, thầy cũng đã từng với tư cách cá nhân tham quan thăm viếng Phật giáo các nước trong những năm qua, thì quy chụp không thông qua Giáo hội và nhà nước không đúng trong lúc nầy. Hiện nay rất nhiều tu sĩ các Tôn giáo vẫn xuất cảnh với tư cách cá nhân, không cần phải thông qua tổ chức chứ không riêng thầy Trúc Thái Minh.Chùa Giác Ngộ quận 10 TP HCM thường xuyên hoạt động Tôn giáo ở nước ngoài, công khai mua đất xây chùa ở Ấn Độ cũng không thông báo giáo hội và chính quyền thì sao???

Một tu sỹ Tôn giáo, thậm chí người nước ngoài có visa du lịch, tại sao không có quyền tham gia lễ bái bất cứ cơ sở tín ngưỡng nào. Quy tội mời người nước ngoài vào VN có visa du lịch lại tham quan chùa Ba Vàng dịp lễ kỷ niệm 765 ngày sinh của vua Trần Nhân Tông là việc làm thiếu tình hữu hảo với quốc gia lân cận, và sái nguyên tắc tự do Tôn giáo.

Trong ngày lễ đầu tiên của chương trình, có cả quan chức chính quyền và chức sắc Giáo hội, sao gọi là không tổ chức chu đáo? Không chu đáo sao các ngài đến dự rồi nghe theo truyền thông lại kết tội chùa Ba Vàng? Truyền thông không được kiểm chứng…chả lẽ sinh hoạt tín ngưỡng cũng phải mời báo chí đến để kiểm chứng? (người đọc văn bản này không hiểu đây có phải là một tôn giáo hay một tổ chức chính trị!!!)

Văn bản số 22/TB-HĐTS ngày 16/01/2024 tại Hà Nội:toàn thể Ban thường trực HĐTS quyết định kỷ luật cảnh cáo ĐĐ Thích Trúc Thái Minh sám hối Ban Thường trực HĐTS và thông báo tới các BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố; ĐĐ Thích Trúc Thái Minh phải cam kết hứa nếu tiếp tục để xảy ra những sai phạm tương tự…sẽ bị tẩn suất, tước quyền trụ trì; Chùa Ba Vàng sẽ không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế trong một năm.

Người đọc thấy gì những đoạn trong văn bản kỷ luật? Hăm dọa  tẩn suất, tước quyền trụ trì? Giả dụ với những áp lực vô lý, không xét đến bản chất sự việc do thầy Trúc Thái Minh muốn làm rạng danh Phật giáo, muốn cho thế giới thấy được nền tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo tại VN mà chỉ nhìn hiện tượng truyền thông xã hội không hiểu gì về Phật giáo để áp đặt kỷ luật, với người trí có nhân cách họ kham nhẫn chấp nhận theo giáo lệnh, gặp người ngang bướng họ sẽ bất cần, xin ra khỏi GH thì sao? Bảo rằng hình thức là vậy,Giơ cao đánh sẻ cũng khó mà chấp nhận một văn bản như vậy.

Qua việc xử lý chùa Ba Vàng cho thấy GHPGVN quyết định vội vã, nhận thức vội vã mang tính chữa cháy đối với dư luận, chính cách đó càng làm dư luận bất tín nhiệm Giáo hội.

Đối với dư luận, một số người có thói quen “dậu đổ bìm leo” “theo đóm ăn tàn”, nên có nhiều lời lẽ thiếu đạo đức, xúc phạm niềm tin của những người tin vàoTôn giáo; họ có xu hướng theo số đông mà không tự tìm hiểu vấn đề. Những thành phần lạm dụng truyền thông xúc phạm danh dự và quyền lợi nhân , luật pháp xử lý thế nào? Xã hội hiện nay nghe và biết Ba Vàng qua báo chí, trang mạng, cũng cả tin vào báo chí, trang mạng. Nếu không căn cứ vào đó thì mấy ai tự hào là nhận xét độc lập. Do đó bị báo chí dẫn dắt theo hướng của họ vạch ra, nếu không bị lạc dẫn sao tin họ, hành xử theo họ, kể cả Giáo hội cũng theo sự xuyên tạc thiếu trung thực vội đưa đến kết luận xử lý thiếu công minh.Thử hỏi cả một Giáo hội có đủ khả năng quy tụ lượng người vào dịp lễ như tại chùa Ba Vàng chăng? Nếu thầy Trúc Thái Minh thiếu uy tín sao có thể tạo một cơ ngơi như thế; Bảo là toàn bộ hàng vạn “con nhang” u mê thì giới thanh thiếu niên, giới trí thức trong số đó không thấy được vấn đề đen tối nào sao? Đáng ra Phật giáo phải hãnh diện có một Tăng tài như thế có đâu muốn “dìm hàng”.

Hiện tượng chùa Ba Vàng qua những sự kiện nổi trội theo nghĩa đúng đắn, làm sao tránh khỏi những tâm đố kỵ từ trong nội bộ Phật giáo đến một số ngoài xã hội.Những ai hiểu chuyện về nhân cách của thầy Trúc Thái Minh, về đời sống tu tập, về kiến thức đạo đức,thì những hiện tượng bị quy chụp nếu không nói là vu khống ác cảm thì cũng là mưu đồ theo kế hoạc chủ trương nào đó, ít nữa trâu cột ghét trâu ăn!

Nhìn một hiện tượng mà không thấy bản chất thì sẽ nhận định sai lầm.Đồng ý thầy Trúc Thái Minh quá nhiều sơ hở, kể cả những bài giảng, có lẽ thầy tin rằng tâm mình không có ý sai quấy nên nói và làm một cách bộc toạc tự nhiên. Hy vọng ngoài ban Pháp chế, Tổng thư ký cần có cố vấn pháp luật và giáo luật để tránh những sai lầm vội vã vừa rồi. Trước khi phê phán,quyết định sự việc, cần xem bản chất chứ không chỉ nhìn hiện tượng mà đánh giá như việc vừa rồi; hy vọng người thay mặt Giáo hội ra văn bản cần phải cẩn trọng.

Đây là nhận định khách quan của một độc giả.

QUÁCH THƯỜNG NHIÊN

26/01/2024 ( 16 CHẠP QUÝ MÃO )

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

TIN TỪ THIỆN

 

“Lá lành đùm lá rách” là một truyền thống từ xưa của dân tộc ta; những năm gần đây, khi đất nước hội nhập và kinh tế phát triển,các nhân sỹ, nhà hảo tâm và Tôn giáo đã tạo một hiện tượng đẹp dưới danh nghĩa “từ thiện xã hội”đến các vùng cao phía Bắc và vùng xa các tỉnh phía Nam,miền Trung …

Ngoài các đoàn từ thiện tư nhân, hàng năm GHPGVN, Ban Từ Thiện, Ban Kinh tế Tài chánh cũng có chương trình ủy lạo, thăm viếng.Những lúc thiên tai,ôn dịch, Ban Tài Chánh chẳng những dang tay cứu giúp trong nước mà còn hỗ trợ một số nơi trong các quốc gia lân cận như Campuchea, Lào, Ấn…lúc thiên tai dịch bệnh.

Tết Giáp Thìn 2024,Phó chủ tịch HĐTS, trưởng Ban Kinh Tế Tài chánh TW, phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban TT xã hội TP. HCM, TT. T.Thanh Phong có chương trình đến với đồng bào sắc tộc Lào Cai, Lai Châu, một số tỉnh miền Trung và miền Đông Nam bộ với sự ủng hộ của các doanh nghiệp và chung tay với nhóm thiện nguyện chia sẻ yêu thương “Sharing” của bà Mai thị Hạnh, phu nhân nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang,Hội chữ Thập đỏ VN, các mạnh thường quân.Đi cùng đoàn còn có một số chư Tăng tháp tùng.

Chương trình lên hướng Tây Bắc như Hưng Yên, Hà Nam, Lào Cai, Lai châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh,Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định.

Các tinh Trung bộ như Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh,Khánh Hòa.

Các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên như TP HCM, Bình Phước, Sóc Tăng, Gia Lai.

Trên 20 năm Ban kinh tế Tài chánh đã thực hiện nhiều lần thăm hỏi, yểm trợ những nơi khó khăn, thể hiện lòng từ bi, tương thân tương ái của người con Phật, đem lại một chút ấm áp vào dịp  Tết cổ truyền năm Giáp Thìn 2024. Đồng thời TT Thanh Phong cũng chia sẻ thông tin chương trình từ thiện và gửi lời thăm hỏi sức khỏe, chúc mừng năm mới của bà Mai Thị Hạnh phu nhân nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến với đồng bào cả nước.

Cùng lúc với đòan từ thiện khá quy mô và chương trình trãi rộng của Ban Kinh tế Tài chánh TW, ban TT XH PG Thành phố xứng với tầm vóc nổi trội một trong 13 ban ngành của Giáo hội hiện nay; một số đoàn thể tư nhân cũng quan tâm đến các vùng thiếu thốn để chan hòa tình thương và đoàn kết.

Mặc dù kinh tế hiện nay còn nhiều khó khăn, nhưng tính tương thân tương ái của truyền thống dân tộc, san sẻ cho nhau là điều không thể thiếu. Xin chúc mừng Ban Kinh tế Tài chánh TW, ban từ thiện Phật giáo Thành phố đã đóng góp không nhỏ cho xã hội mà còn là nguồn sinh lực cho guồng máy Giáo hội hiện nay.

Kính chức quý Ban vững tiến trên con đường phụng sự, chúc chư vị mạnh thường quân, các nhà hảo tâm tư nhân đã thường xuyên có mặt trên mọi nẻo đường thiện nguyện một năm mới có nhiều niềm vui và sức khỏe sung mãn..

   MINH MẪN

13/12 QUÝ MÃO

  23/01/2024

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

GIA BẢO

 

Cu Tý hớn hở chạy về  nhà: - hý hửng như nhặt được bảo vật!

Gia cảnh không khá giả lắm,nhà cấp bốn khiêm tốn nằm một góc bìa làng, cạnh con sông cái; tuy vậy, anh em nhà nó cứ tỏ ra huênh hoang như một địa chủ. Bọn trang lứa trong làng tuy không ra mặt, vẫn cố cạnh tranh, bằng mọi cách cho xứng tầm vóc mà bọn chúng được trưởng làng ưu ái.

Dân làng ngấm ngầm không thích tánh khoe khoang của nhà nó, cũng không muốn mích lòng.Anh em nhà nó chơi với nhau, bày đủ trò trội hẳn, không thua các sự kiện thường niên do các trưởng tộc trong làng tổ chức.Thi thoảng mời bạn bè làng bên sông qua tổ chức trò vui.Tuy thế, các hội đoàn trong làng sinh hoạt vẫn cân bằng tạo nếp an ổn.

Một hôm, cu Tý nổi hứng thế nào vượt sông qua kết giao với cu Tèo làng bên kia sông.Tuy hai làng thân thiện nhưng cũng không gắn bó nhau lắm; đối xử và tôn trọng nhau vì cùng một niềm tin; gia đình cu Tý và gia đình cu Tèo thân nhau nhờ đi lễ chùa cuối năm từ dạo ấy.Hai gia đình sùng đạo, tin Phật, tuy có vài điểm không cùng một tín lý.

-         Nhà tao có một báu vật , truyền từ đời ông cố ông sơ-cu Tèo khoe

-         Có thể cho tao mượn về để ba mẹ tao xem? Cu Tý nhũn nhặn nói.

Một hồi lưỡng lự, cu Tèo vào trong buồng, mở tủ sắt, bê ra một hộp nhũ vàng, mấy lớp bó vải màu đỏ lộ ra một vật óng ánh như kim cương.Tèo bảo:

-         Cẩn thận, về để trên trang thờ, nhang khói đầy đủ.

Cu Tý hý hửng cho vào túi xách, tay ôm chặt như sợ bay mất, thỉnh thoảng mở ra nhìn chừng.

Cu Tý rủ bạn bè đến xem của lạ, không cho ba mẹ biết sợ…Vậy là không mấy chốc tiếng đồn râm rang cả làng.Bọn xấu miệng từ lâu có ác cảm với cu Tý thổi phồng tin giật gân, đôi khi sai sự thật, bảo rằng đồ giả, lừa gạt đám ngu để trục lợi…

Bổng nhiên trong làng xôn xao, dao động. Vì áp lực dư luận,ba mẹ cu Tý buộc không được giao lưu bên ngoài; cấm phạt như từng cấm phạt trước đây do tính năng động làm dậy sóng xóm làng. Cu Tý không hiểu bị phạt tội gì, không làm gì phạm pháp hoặc mất thanh danh gia tộc, cu Tý đành chấp hành và nhận lỗi.

Gia đình cu Tý cũng xin lỗi chòm xóm,tuy chẳng biết xin lỗi cái gì, cũng phải trấn an mọi người.Thế nhưng ông trưởng làng cho người qua yêu cầu làng bên xác minh đó là gia bảo.Làng bên sông phẩn nộ - quyền gì bắt chúng tôi xác minh, làng chúng tôi có quyền tự lập, không lệ thuộc làng các ông, các ông có biết luật lệ ? chuyện nội bộ của làng ông thì ông xử lý can gì chúng tôi! Thế là người của làng cu Tý tiu nghỉu ra về.

Từ trò chơi trẻ con lan sang các làng lân cận,trở thành dậy sóng như một hiện tượng lạ;tiếng đời đàm tiếu không ít, nghĩ xấu thì nhiều, người biết việc không ai muốn can thiệp; làn sóng dư luận trấn áp mọi lý trí, dân làng hoang mang, kẻ nhẹ dạ tin gia đình cu Tý làm quấy, người hiểu chuyện khó mà thanh minh sự thật.

Cụ già sống nhiều năm trong làng, chiếc chòi bên cạnh giòng sông, nằm vắt tay lên trán, miệng bập điếu thuốc rê than: ôi, đời khó nói, thật giả lẫn lộn; nghe chuyện trẻ con mà dậy sóng các làng, từ đầu làng đến cuối thôn, chuyện cơm cao gạo kém,mất mùa, thất thu, thị trường chao đảo chả quan tâm, hùa nhau một chuyện chẳng đâu vào đâu, đúng là tâm loạn nên xã hội loạn!

MINH MẪN

06/01/2024

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2024

PHÚC ĐÁP


 XIN PHÚC ĐÁP NGHI VẤN CỦA MỘT ĐỘC GIẢ GỬI ĐẾN

 

Một vật thể quốc bảo của xứ Miến Điện mà đem ra khỏi nước tất nhiên phải có sự cam kết thỏa thuận gìn giữ bảo quản tốt giữa hai nước Viêt Nam và Miến Điện. Tất yếu là phải có sự trao đổi cấp nhà nước với nhau. Trường hợp này tối thiểu phải có sự nhận trách nhiệm của GHPG VN do Nhà nước chỉ đạo và trao trách nhiệm cho chùa Ba Vàng.  Chùa Ba Vàng mang quốc  bảo của một nước về  mà Ban Tôn Giáo Chính Phủ không biết, GH không hay thì là thế nào?.  Tự ý chùa  mang về khơi khơi như một đồ vật thường là thế nào? Đồ này có phải là đồ dỗm không? Lợi dụng lòng tin của tín đồ cho mục đích riêng tư làm ảnh hưởng đến thanh danh Phật. Xin tác giả Minh Mẫn giải thích giúp.

Trên nguyên tắc một vật được coi là quốc bảo, đem ra khỏi nước, phải có sự thỏa thuận của quốc gia sở hữu, phải có hợp đồng giữa hai bên,và của chuyên ngành; bảo vệ nghiêm ngặt theo nguyên tắc an ninh như một nguyên thủ.( ngoại trừ bảo vật lịch sử quốc gia vào thời chiến, thuộc địa bị chiếm hữu…)

Bảo vật như ngọc xá lợi, xá lợi tóc trên 2.600 năm của Đức Phật do các nước sở hữu như Trung quốc, Miến Điện, Ấn, Thái…không chỉ thuộc quyền bảo vệ của Phật giáo mà còn là quốc bảo, nhà nước sở tại phải có trách nhiệm bảo vệ cẩn mật. Trước đây, Phật giáo Đài Loan xin cung nghinh về đảo quốc cho Phật tử chiêm bái ngón tay Phật mà đoàn bảo vệ giữa hai nước và chư Tăng lãnh đạo cùng số lực lượng an ninh đặc biệt hộ tống; một chuyên cơ phải tháo dỡ kết cấu cho thích hợp kiệu hoa.

Năm 2010, do HT T. Huyền Diệu ngoại giao được HT phó chủ tịch Phật giáo thế giới người Miến cúng dường ba viên ngọc xá lợi Phật và 7 viên xá lợi Thánh Tăng. Mặc dù chỉ là cấp độ Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin thỉnh, nhưng đại sứ quán Việt Nam tại Ấn vẫn thay mặt nhà nước  hỗ trợ, tiếp đón tại sân bay Gaya đến tận Bồ Đề đạo tràng và chùa Miến.Nghĩa là tuy thuộc chùa tư, vẫn tiếp đón khá trang trọng.

Nếu là quốc bảo thì phải là nhà nước với nhà nước làm việc, nếu sở hữu cá nhân hay ngang tầm hệ thống tôn giáo thì cá nhân đó, giáo hội đó chịu trách nhiệm thỏa thuận.

Nguyên tắc là vậy, nhưng trong xã hội, cuộc sống ngày nay luôn có những sự việc vượt ngoài nguyên tắc với lý do nào đó. Điều mà khoa học đưa ra, thời gian sau lại không còn giá trị. Toán học 1+1  là 2, nhưng cũng có thể 1+1= vô số. Số 9 cũng là số 6 tùy vào góc độ nhìn.  Muốn dẫn độ một nghi phạm, phải thông qua và có sự đồng ý của nước sở tại, nguyên tắc là vậy, nhưng vẫn có trường hợp,dẫn độ thành công mà không theo nguyên tắc.Như vậy không có gì tuyệt đối trong cuộc sống này,ngay cả quy luật vũ trụ còn có đổi thay; không nên quá tin tuyệt đối do chính con người quy định mà cho là tuyệt đối.

Nói chung, việc cung nghinh một bảo vật thuộc Tôn giáo, có thể chính thống hoặc không chính thống tùy trường hợp do quan hệ cá nhân. Chúng ta không đủ chứng cứ xác nhận được gọi là bảo vật đó có giá trị thật hay không, còn tùy vào niềm tin; đã không thể xác nhận thật giả thì cũng khó mà gọi là quốc bảo.Như vậy cá nhân chùa Ba Vàng cung thỉnh xá lợi tóc của đức Phật cũng chưa tuyên bố đó là quốc bảo của Myanmar.Gắn cho tên để minh chứng giá trị thật,niềm tin đó dành cho người có đức tin việc đó. Ai không tin thì cớ gì phải xét đoán phê phán? Những quảng cáo tràn lan trên cộng đồng mạng không đúng sự thật tại sao không lên tiếng???

Trong khi quần chúng dậy sóng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thay vì mời nạn nhân đến giải trình để giải tỏa “khủng hoảng thông tin truyền thông” trước báo chí, thì lại áp lực gỡ tất cả các clip, bài đăng về vụ chùa Ba Vàng  và Sợi tóc, xem như trấn áp dư luận chưa biết đúng sai, việc làm này không có trong tinh thần dân chủ của Phật giáo. Chuyện dập lửa khác với việc xử lý “khủng hoảng Thông tin Truyền thông” quyền lực áp dụng không đúng cách tạo thêm bất mãn ngấm ngầm trong quần chúng khi chưa được giải đáp thỏa mãn.

 Tóm lại chuyện Xá lợi tóc chùa Ba Vàng là của Ba Vàng, tin hay không tin là quyền mỗi người, tại sao bắt phải hợp và đúng với niềm tin của chúng ta trong khi việc đó không liên can gì đến đời tư của chúng ta!

 

MINH MẪN

03/01/2024

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

NHỮNG SỢI TÓC

 

Thời gian gần đây, chùa Ba Vàng được cộng đồng mạng chiếu cố khá  chặt chẽ, từ vụ giải vong nhiều tai tiếng cho đến cung thỉnh xá lợi tóc của đức Phật từ Myanmar về.

Phật giáo Bắc tông, khi du nhập vào Trung Hoa, suốt thời gian xã hội hóa, ít nhiều hòa chung văn hóa bản địa, trong đó có tín ngưỡng và tập quán đương thời.

Du nhập vào Việt Nam, có Phật giáo tín ngưỡng dân gian và Phật giáo xuất thế gian, có nghĩa Phật giáo thuần túy không bị pha tạp, chuyên tu giải thoát bằng Thiền định, nặng về hành trì hơn mang tính Tôn giáo.

Giải vong không có trong Phật giáo nguyên thủy, nhưng để cho quần chúng quen với tập tục cổ xưa gần với Phật giáo, Phật giáo Bắc tông phương tiện áp dụng ma chay cúng kiến của Thần giáo, cúng Thai nhi và nhiều hình thức khác, trong đó có cúng “giải oan”. Tuy kinh điển nguyên thủy không đề cập đến oan gia trái chủ, nhưng luật nhân quả trong cuộc sống không tránh khỏi ân oán với nhau, mang theo nghiệp thức giữa thế giới vô hình với thế giới hữu hình.

Dưới nhãn quan thế gian pháp vẫn chịu tác động của luật nhân quả, nhưng xuất thế gian pháp, chư Phật Bồ Tát, La Hán xem chúng là mộng, không thực. Chừng nào chứng đắc toàn giác, nghiệp thức không còn, gọi là Bạch tịnh thức thì nhân quả là giấc mộng. Vì thế, việc giải oan trở thành nghi thức trong Phật giáo Bắc tông (cầu siêu là một hình thức đơn giản), nhưng việc giải oan bạt độ chỉ xuất hiện trong các đàn chẩn tế, thông thường các chùa ít thực hiện ngoài việc cầu siêu.Những năm trước, khi Làng Mai về Việt Nam, Thiền sư T.Nhất Hạnh đã tổ chức cầu siêu bạt độ cho ba miền; giải oan là một phần ý nghĩa trong cầu siêu bạt độ.

Sợi tóc Xá lợi, có nguồn gốc từ thời Phật còn tại thế. Khi chùa Ba Vàng cung thỉnh Xá lợi tóc từ Myanmar về, rộ lên nhiều phản bác mang tính tiêu cực.

“Theo lịch sử ngôi chùa, công trình kiến trúc tôn giáo này ban đầu được người dân tộc Mon xây dựng cách đây 2.500 năm. Truyền thuyết kể rằng, hai anh em Tapussa và Bhalika đã gặp Đức Phật Thích ca Mâu ni vừa mới giác ngộ và đã cúng dường Ngài.

Đáp lại, Đức Phật đã tặng cho hai anh em 8 sợi tóc của Ngài để họ dâng lên Vua Yangon Okkalapa. Nhà vua ra lệnh xây chùa để cất giữ một số sợi tóc trong khi những sợi tóc khác được cất giữ tại chùa Shwedagon. Do có nhiều thánh tích của Đức Phật nên cả hai ngôi chùa đều trở thành trung tâm hành hương của các Phật tử.” Theo nguồn   Description: VOV.VN trên Google News

Thế thì nguồn gốc sợi tóc của Phật là có thật.Nhiều dư luận không nắm rõ nguồn gốc nên suy luận không đúng: - Phật hỏa thiêu làm gì còn tóc,Phật cạo đầu ai ở đó nhặt tóc để dành…Khi Phật ra khỏi hoàng thành vượt qua dòng sông Anoma, dùng kiếm cắt tóc, đưa áo và kiếm cho Sa Nặc đem về hoàng cung, như vậy Phật chỉ cắt tóc chứ không cạo tóc.Do công năng nội lực của Phật, tóc xoắn ốc trên đỉnh nhục kế ( một trong 32 tướng tốt) là hình tượng tôn thờ ngày nay cả Bắc và Nam tông Phật giáo.

Miền Tây Nam bộ, thỉnh thoảng xuất hiện vài ông Đạo đầu tóc đanh cứng vấn cao như tổ tò vò không có gì lạ

Có một truyền thuyết  mang tính xuyên tạc là khi Phật thiền định giữa trời nắng, ốc bưu bò lên che đầu đức Phật, sau khi ốc chết rơi xuống đếm được 108 con, từ đó xâu chuổi có 108 hạt ( chuyện xâu chuổi sẽ nói vào dịp khác). Trong giáo sử, Phật ở dưới gốc cây hoặc trong hương thất, làm gì ở ngoài nắng mà có ốc bưu che đầu. Ngay khi chưa chứng quả, ngài ngồi vẫn có rắn bảy đầu che nắng che mưa gần sông Ni Liên Thuyền, thì quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác cần gì đến ốc bưu! Nguồn tâm tiêu cực thời nào cũng có do đố kỵ mà ra.

Trở lại vấn đề Xá lợi tóc, ai bảo đó là loại cỏ pilli, chả lẽ trên 2500 năm được xem là quốc bảo, Myanmar lừa dối các nhà khoa học được sao? Do trình độ hiểu biết hạn chế về khoa học và Phật giáo, nên suy luận, lạc dẫn quần chúng theo hướng tiêu cực. chẳng những thế chính quyền Quảng Ninh do cộng đồng mạng tác động muốn vào cuộc, để làm gì trước những tâm linh huyền bí? Trước đây chính quyền cũng vào cuộc khi những tai tiếng rộ nở tại Ba Vàng, rồi chẳng khai thác được gì, đâu lại vào đấy.Cũng đừng có những ngôn từ xúc phạm đức Phật như một vài comment trên cộng đồng mạng, các Thánh nhân không xúc phạm đến chúng ta.

Không phải dư luận báo chí tất cả đều đúng. Quần chúng luôn tin cộng đồng mạng,căn cứ một chiều sẽ bị lạc dẫn đưa đến hiểu sai, sanh tâm phẩn nộ, bài xích đúng với mưu đồ của những ai ganh ăn ghét ở. Kinh nghiệm cho ta thấy những gì mắt thấy tai nghe chưa chắc là đúng.

Mùa nông nghiệp thất thu xưa kia tại Trung Hoa, thầy trò đức Khổng Tử được dân cho ít gạo, đệ tử nấu cơm, Khổng Tử nằm trên võng từ xa nhìn thấy đệ tử mở nắp vung bốc cơm cho vào miệng, ngài than – đói quá mới thấy được tấm lòng của đệ tử như thế nào; lúc cơm lên mâm, người đệ tử không ăn, nhường cho thầy và các huynh đệ, nói: lúc nảy cơm sôi bị màng nhện rơi vào, con hớt phần trên, không dám bỏ sợ tội, nên con phải ăn.Khổng Tử tự trách – sao mình vội phán xét, thấy vậy mà không phải vậy!

Trong cuộc sống giác quan hay bị đánh lừa bởi vọng tưởng, nhìn bề ngoài vội đánh giá chưa chắc đã đúng nếu không tìm hiểu thực chất của vấn đề. Hiện tượng và bản chất là hai mặt của một sự kiện, nhìn hiện tượng để phán đoán, đánh giá khó mà chính xác. Tâm hồ nghi, tâm đố kỵ thường ít xít cho nhiều làm quan trọng hóa vấn đề đưa quần chúng vào đường  lầm tưởng.

Khởi đầu chùa Ba Vàng được quan tâm do nội bộ Phật giáo hiềm khích lẫn nhau, lấy việc giải oan chiêu mộ bá tánh quá đông, cách nhận tiền công khai giữa rừng tín đồ là hình ảnh thiếu tế nhị để có cớ đối thủ bài xích.Tiền bá tánh cúng là do hỷ tâm, quan trọng là đồng tiền được sử dụng như thế nào.Từ những đố kỵ vụn vặt đưa đến tàn hại lẫn nhau. Youtuber thường câu view, hoặc do ai đó khích động biến thành một cao trào mỗi khi Ba Vàng diễn ra sự kiện.

Chùa Ba Vàng luôn tạo ra những sự kiện bị tai tiếng, có lẽ thầy Thích Trúc Thái Minh  nghĩ rằng việc làm công khai trong sáng tại sao phải che dấu, đó là sơ suất cho những tầm nhìn soi móc. Thiết nghĩ, những sinh hoạt thuộc phạm vi Tôn giáo, muốn phán xét cần phải hiểu rõ giáo lý, giáo điều của Tôn giáo mới đánh giá, nhìn sự việc mới chính xác.

Cuộc sống cần bao dung, giúp nhau xây đựng tốt hơn, đó là tình người, là nhân cách sống, vì không ai là hoàn hảo. Thánh kinh Thiên Chúa từng dạy – “các ngươi đừng đoán xét ai,để mình khỏi bị đoán xét”( Ma thi ơ 7:1). Lục tổ Huệ Năng đã nói : “hãy nhìn lỗi mình, đừng thấy lỗi người”.

MINH MẪN

30/12/2023