Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

TÁC BẠCH CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG. ( tại am Thụy Ứng -Hải Lăng-Quảng Trị 10/3 Canh Dần-23/4/2010)


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

Kính bạch chư tôn HT, chư TT, ĐĐ Tăng, nay chúng con có duyên sự đầu thành đãnh lễ xin tác bạch:

Ngưỡng bạch chư tôn đức,
Chúng con gồm những Phật tử bốn phương, tín hữu Võ tộc, Vă am Thụy Ứng, nhân lễ Kỳ siêu bạt độ chư linh tại quê nhà, chúng con câu hội về đây thiết lập Trai đàn, khai kinh chẩn thí, Vă cúng dường Trai phạn.

Qua những năm tháng chinh chiến, đất nước chìm trong bom đạn, những người con thân yêu của tổ quốc lần lượt ngã xuống để ươm mầm cho cây hòa bình thống nhất được xanh tươi, đồng thời cho đàn hậu tấn được tăng long phước huệ. Đã trên 30 năm vắng tiếng đạn bom, nhưng cuộc sống người dân trong nước nói chung Và Quê hương Quảng Trị nói riêng vẫn còn u trệ một không khí trầm uất, qua nhiều cái chết dau thương khác nhau, làm cho đất nước chưa được hanh thông .

Bổn phận một tôn giáo đối với đất nước mà trên hai ngàn năm gắn liền với dân tộc, Phật giáo luôn là hình với bóng tại quê hương trong lúc chiến cũng như khi thời bình. Tuy nhiên, khi hòa bình lặp lại, Phật giáo chúng ta vẫn chưa đóng góp đúng và đủ với tiềm năng sẳn có cho xã hội cũng như chưa là chỗ dựa vững chắc cho tâm linh quần chúng, một phần là do nội lực của chúng ta chưa được củng cố, Phật giáo đang nặng về hình thức tổ chức hơn là đào luyện tâm linh cho hàng tu sĩ để lãnh đạo quần chúng Phật tử.Thời gian gần đây, khi mà thế giới âm linh đầy ắp những uẩn khúc đau thương , không được người dương quan tâm chăm sóc, cũng là lúc tiếng nói tâm linh được hé mở và tác động qua nhiều hình thức tích cực lẫn tiêu cực, chính vì thế mà hàng loạt nhà ngoại cảm xuất hiện để tái tạo niềm tin cho những thế hệ đã từng lãng quên ân nghĩa đối với những người hy sinh cho đất nước, cũng như thất tổ cửu huyền tộc họ!

Thỉnh thoảng vẫn có những đàn chẩn tư gia, nhưng từ năm 2007, đại đàn ba miền cũng được khai triển, từ đó làm hưng phấn cho những đại đàn tiếp theo diễn ra khắp nơi, nhất là Quảng Trị, năm 2009 đã có đại đàn kỳ siêu tại Trường Sơn, không vì thế mà giải quyết rốt ráo cho những uẩn khúc của những anh linh quá vãng. Am Thụy Ứng cũng thường xuyên hướng dẫn Phật tử miền Bắc kỳ siêu tại Trường Sơn. Do duyên lành, năm nay, nhằm tiết Thanh minh, Thụy Ứng am cũng đã thiết lễ Trai đàn mà chư tôn đức đang chứng minh, hiệp tâm cầu nguyện. Trước nhu cầu tâm linh ngày càng cấp bách đó, thế giới cỏi âm không chỉ cần đến sự quan tâm của chúng ta, quần chúng không chỉ cần đến hình thức của một tôn giáo như Đạo Phật, và phẩm vật cúng chỉ là hình thức chữa cháy tạm thời cho tâm tham chấp từ tập khí cố hữu của mỗi chúng sanh, mà không thể giải quyết tận căn của vấn đề. Điều mà chư anh linh cần đến là việc siêu độ bạt nghiệp để được vãng sanh, vấn đề này đòi hỏi đến năng lực nội tâm của tu sĩ nếu không là hành chứng của một hành giả. Vì thế, đạo tràng tứ chúng của chúng con hôm nay thành tâm sắm sửa trai duyên tịnh tài tịnh vật xin dâng lên Tam bảo mong nhờ thần lực chư Tăng hiện tiền chứng tri thọ nạp, để từ đó hồng ân Tam bảo phổ truyền cho chư anh linh được triêm ân công đức. Tam bảo luôn là nguồn sáng cho chư anh linh, thì chư Tăng luôn là điểm tựa cho những người còn sống. Âm dương đồng nhất lý thì Tam bảo cũng đồng nhất thể, đó là thể trong sáng của trí tuệ phát khởi từ giới đức tinh nghiêm.

Trứơc đạo tràng trang nghiêm, với sự thành tâm của tứ chúng hiện tiền, chúng con thành tâm dâng phẩm vật cúng dường hôm nay lên Tam Bảo ngưỡng mong chư tôn đức thùy từ chứng giám.

Sự hứa khả thọ nạp là một ân đức cho chúng con để hồi hướng đến chư anh linh thừa hưởng hồng ân Tam bảo sớm được siêu thăng khỏi cảnh giới trầm uất đọa lạc. Thay mặt tứ chúng hiện tiền và chư anh linh, chúng con thành tâm kính lễ chư tôn đức.

NAM MÔ PHỔ CÚNG DƯỜNG BỒ TÁT MA HA TÁT

CHẨN TẾ TẠI THÔN THI ÔNG- HẢI LĂNG- QUẢNG TRỊ


Từ mồng 1 tháng 3 năm Canh Dần nhằm ngày 14/4/2010, am Thụy Ứng thuộc thôn Thi Ông, Hải Vĩnh, Hải Lăng, đã tổ chức chẩn thí suốt 10 ngày, ít có trai đàn nào thời gian dài như thế. 8 ngày đầu luân phiên tụng niệm, ngày thứ 9 và thứ 10, thượng phan, chẩn tế, cúng Trai Tăng và kinh sư nhập đàn siêu bạt.
Gọi là am vì, năm 1947, nơi đây là hầm trú ẩn của một gia đình họ Võ. Bên kia sông Vĩnh Định, cách 350m, khi Việt Minh bắt loa tuyên truyền, quân Pháp bắn qua, trái đạn pháo cắm ngay nắp hầm, không nổ, 18 mạng người thoát chết, chủ hộ, ông Võ Đình Ứng nhờ quan Pháp Robert Radio tháo gở, sau ngày hòa bình, 1954, để tưởng niệm sự mầu nhiệm đó, ông Võ Đình Ứng lập thảo am thờ Phật ngay trên miệng hầm. Sau tháng 3/1972. ông Võ Đình Tọa con ông Võ Đình Ứng, thoát chết tại Đại lộ kinh hoàng, về tu tập tại am Thụy Ứng.

Quảng Trị là một địa danh chiến sử, nơi hứng nhiều đạn bom nhất, là vùng đất nằm giữa hai đầu tổ quốc, cũng là “biên thùy nằm giữa giang sơn”. Hiệp định Genever 20/7/ 1954 chia đôi đất nước bằng giòng sông Bến Hải. Bờ Nam Bến Hải Quảng Trị gồm Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Hương Hóa, Vĩnh Linh. Tháng 3/1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh lập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 7/1989 tách ra làm ba tỉnh như cũ. Quảng Trị trở thành đơn vị hành chánh cấp tỉnh thuộc trung ương. Năm 1990, huyện Triệu Hải tách ra thành Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Hải Lăng cũng như Triệu Phong,Thị xã Quảng trị và một phần Đông Hà, thuộc Thuận Châu mà vua Chiêm Thành là Chế Mân 1306, sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân, trong đó là châu Ô và châu Rí. Năm 1309, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận Châu, Thuận Châu từ cửa Việt chạy dài vào Nam. Trước công nguyên, Quảng trị thuộc quận Nhật Nam. Qua nhiều cuộc biến thiên, vùng đất nầy lại lấy sông Gianh làm ranh giới phân tranh của chúa Trịnh và Nguyễn đến 1771 -1786, Nguyễn Huệ lại thống nhất giang hà, dựng nghiệp ở Thuận Hóa, Phú Xuân. Ngày 01/6/1802 Nguyễn Ánh lên ngôi, hiệu Gia Long, lập Quảng trị gồm Hải Lăng, Đặng Xương,, Minh Linh, Cam Lộ, đến năm 1827, dinh Quản Trị biến thành trấn Quảng Trị, 1832 trấn biến thành tỉnh Quảng trị. Ngày 3/5/1890 toàn quyền Đông Dương hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị làm Bình Trị.
Quảng Trị có 5 hệ thống sông chính là sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, sông Sêpon, sông Sê păng Hiên và sông Ô Lâu.
Quảng Trị nằm phía Nam của Bắc Trung bộ, chung biên giới với Lào ngăn cách bởi dãy Trường sơn, chạy dài 206km. bờ biển 75km. Một vị trí quan trọng, nơi giao lưu với Tây bán đảo Đông Dương; cũng là vùng chuyển tiếp hai miền khí hậu, đông lạnh của phía Bắc và nóng ẩm từ phía Nam.Quảng Trị chịu ảnh hưởng gió Tây Nam khô nóng, mưa, bảo, biển động mạnh. Thời tiết diễn biến bất thường. Suốt 9 ngày lễ nắng rát oi bức, bổng đêm về, cơn tố ầm ầm kéo đến làm tan hoang đàn tràng, sau đó khí lạnh và mưa nhẹ phủ trùm một vùng rộng lớn của Quảng Trị, xô dạt từng cơn sóng làm ồn náo góc biển Hải Lăng, cửa Tùng, cửa Việt. Gió Lào Tây Nam xuất hiện vào tháng ba đến tháng 9, cực điểm là tháng tư tháng năm.
Chính vì thế mà cuộc sông người dân không khá hơn được, mặc dù cây cối ruộng vườn phủ trùm màu xanh tươi mát. Diện tích Quảng trị 4.745,7km2, dân số 597.985 người. Thế nhưng, tuy đất rộng người thưa, một thời từng sản sanh nhiều nhân tài, danh sư cho đất nước.
Ngày nay, người ta được biết với những địa danh như La Vang, nghĩa trang Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, căn cứ Khe Sanh, hàng rào điện tử Mc Namara, cầu treo Dakrong, đại lộ Kinh Hoàng, bãi tắm cửa Tùng và biển Mỹ Thủy.

Lược qua Quảng trị, cho thấy vùng đất oan nghiệt nhiều đời đã trĩu nặng bao oan khí vất vưởng, hàng bao thế kỷ, chưa bao giờ người sống quan tâm đến kẻ đã vùi thân ươm mầm xanh tươi cho đất mẹ, bởi cuộc sống của người dân chưa được an toàn trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên; bao lần tài sản máu xương của người dân đã bị bão lũ cuốn trôi, ruộng vườn từng bị tiêu điều sau cơn giông tố. Dù thời chiến hay lúc thái bình, người dân miền Trung nói chung, Quảng Trị nói riêng, luôn là nạn nhân đau thương trước những nghiệt ngã vô thường. Chính vì thế, gần đây, sau khi những nhà ngoại cảm phát hiện các nấm mồ xiêu lạc, Phật giáo đã thường xuyên tổ chức các đại đàn chẩn tế để kỳ siêu chư anh linh. Năm 2009 một đại đàn kỳ siêu tại nghĩa trang Trường Sơn, chưa kể một số đàn tràng do tư gia và các chùa tổ chức với quy mô nhỏ. Đầu tháng ba năm nay, tuy là am, nhưng Thụy Ứng đã thiết lập đại Đàn sinh hoạt suốt 10 ngày trong một thôn xa ở Hải Lăng.Chẳng những thế, Thụy Ứng thường xuyên hướng dẫn quần chúng phía Bắc đến kỳ siêu tại nghĩa trang, một nét sinh hoạt tín ngưỡng biến thành cao trào 5 năm trở lại. Tuy tộc họ Võ chủ đạo trai lễ, nhưng được sự hổ trợ, kết hợp của những nhà hảo tâm miền Bắc, các cụ ông, cụ bà, bộ đội phục viên cũng nhiệt tình tham gia công quả. Thầy Tâm Hiệp là một tu sĩ cấp tiến, biết kết hợp cổ tục để hướng dẫn quần chúng hòa hợp giữa sự tu tập và tế độ hương linh, thể hiện tinh thần Tứ trọng ân của Phật giáo.Trưa mồng 8, nắng như thiêu sắp vào Hạ, thầy hướng dẫn trên 150 người đến tụng kinh tại nghĩa trang gồm 5 khu vực, một nghĩa trang lớn nhất trong nước, hầu xoa dịu một phần đau thương của thân nhân còn sống, an ủi những cô phần nơi thế giới âm linh. Tuy sự cố gắng trong khả năng, nhưng còn bao oan hồn uổng tử đã bỏ mạng dưới nhiều hình thức trước và sau cuộc chiến, bên nầy hoặc bên kia chiến tuyến, không tên tuổi.họ còn mang nỗi oán hờn nơi chín suối, việc chẩn tế có đến được những ngõ ngách tâm linh nơi trung giới???Trong một phút giây đột xuất, thầy Minh Thông đã ứng khẩu:
…Cac anh gởi mình nơi chiến trận, dãy Trường Sơn rừng xanh bất tận, dòng chữ đỏ vàng son ghi dấu tên anh. Ngoài nghĩa trang tên anh vẫn còn đó. Tuy không ai biết đến dâng lễ vật, nhưng máu các anh đã đỗ vào mạch đất, thịt và xương các anh trộn lẫn với non sông; hỡi mẹ già và em gái chờ trông, hãy vui lên vì niềm hảnh diện,…thể hiện lòng thành đốt nén tâm hương, nguyện linh hồn anh trong cỏi âm dương, hãy lắng nghe kinh nhẹ nhàng siêu thoát, cho người nặng tình nhẹ bớt đau thương,cho mẹ già hết khóc giữa đêm trường…trên các nẽo đường giao thông thủy bộ, bao mạng người và xe cộ ngã nghiêng, có ai đến viếng, dâng hương ở đấy…các anh ở trong thế giới vô hình, chắc các anh đã nhìn và thấy rõ; Ông cha ta đâu có mất, vẫn còn đó; Vó ngựa ngàn xưa văng vẵng bên tai, dẫu cho ai có thiên tài bậc nhất, cũng đến ngày 3 tâc đất với nấm mồ, hoặc là một nắm xương khô vô chủ. Ai dám hứa phần anh linh no đủ…khi làm gì thì gửi lòng thương nhớ, tâm bao dung và phải thải lòng từ, về phần âm, thần thức rất nhạy cảm, chỉ nháy mắt đã thấu hiểu ngàn người, chưa thành tâm thì vô tác dụng, không khéo khinh đụng đến phần linh, duy nhất chỉ giáo lý kinh Đạo Phật, phần anh linh mới thật được đầy đủ. Tôi đại diện dâng hương lễ vật, xin anh linh nghĩ tình thật nhận cho. Làm sao không lo, người thiếu kẻ không. Nhất tâm thí thực mông sơn trì niệm, thiên biến vạn hóa hà sa bể cả, các anh linh mới hả dạ mọi bề, nếu thiếu sót xin về báo mộng,…tôi không tiền bạc, chỉ bộ ca sa,…nhưng cả sơn hà đều là quen thuộc…
Thế mà, tối hôm đó, những cơn tố ào ào tràn ngập am Thụy Ứng, như sự uất ức của cỏi vô hình chưa thỏa mãn, hay sự đùa cợt vui mừng khi chẩn tế bạt độ chư vong; trong thời gian ấy nhiều sự nhiệm mầu khó diễn đạt, và những đàn chẩn khắp nơi cũng đều cảm nhận nhiều màu nhiệm khác nhau, để thấy rằng, tâm người sống hướng đến kẻ quá vãng đều có một lực tác động nhất định.
Phật tử phía Nam lẫn phía Bắc đều vân tập về. tuy trong thời kỳ xây dựng, chưa đủ chỗ cho bá tánh tạm trú, nhưng mọi người đều hoan hỷ. Cái nóng như thiêu của Quảng trị, một số tín đồ phía Nam chưa quen, cứ vất vơ vất vưỡng bụi tre nầy,gốc cây nọ để trốn luồng nóng rát da, mồ hôi nhuể nhại, nhìn đàn tràng cúng linh mà tủi thân cho một loại cô hồn sống ngoài danh sách đang tham dự siêu linh bạt độ cô hồn chết!!!
Được chư tôn đức quan tâm, HT trưởng BTS Quảng Trị, HT Trưởng BTS Thừa Thiên Huế và chư Tăng ni tham dự nhiệt tình. Huế cách Hải Lăng 60 km, HT trưởng BTS Thừa Thiên ít khi tham dự lễ tiệc vùng xa ngoài tỉnh, thế mà các ngài không ngại tuổi cao sức kém, thời gian eo hẹp, đường sá xa xôi, luôn có mặt trong thời khóa chính thức. Năm triệu đồng hỗ trợ phần ăn cho nhà trẻ, thực phẩm, băng dĩa kinh sách chẩn thí cho các hộ nghèo, cá phóng sanh, được thực hiện cùng lúc với chẩn tế chư anh linh, âm dương đồng đẳng lợi, đó là tinh thần nhà Phật được thể hiện, làm sống lại Phật giáo giữa lòng quê nghèo khó đã thiếu sinh khí đạo Phật từ lâu, mà hậu quả chiến tranh vẫn chưa nhạt nhòa trên khuôn mặt khắc khổ của những gia đình mất mát người thân.Đặc biệt ngày cuối, không khí mát dịu và mưa bụi.

Quảng Trị cũng như bao thành phố cả nước đang cố gắng vươn lên; đường quốc lộ Bắc Nam khá tốt, đã lưu thông hàng hóa khắp mọi miền, xóa dần sự các biệt trong cuộc sống giữa các thị thành, Phật giáo cũng cố gắng xóa vết kỳ thị trong lòng dân tộc, để kẻ sống người chết không mang thêm một thẻ bài dị biệt; tất cả là con một mẹ một cha với một tổ quốc xuyên suốt; những đau thương nhất thời trong quá khứ sẽ nhạt nhòa dưới cái nhìn thoáng đạt của những người biết yêu nước thương dân, người dân thường xuyên đau khổ vì thiên tai thì anh em ruột thịt không nên làm khổ thêm cho nhau. Đối với ngoại tộc ta còn hào phóng ôm ấp lẽ nào đồng bào cứ mãi lấn cấn nghi ngại lẫn nhau. Một cái bệnh mà người Việt dễ mắc phải, kể cả người tu: một người có công với đời hoặc với đạo không ai chối cải, thế mà chỉ một lời tác động chia rẽ, cũng làm cho đồng bào, đồng đạo nghi ngờ xét nét nhau, mà những công lao quá khứ không đủ giải oan cho họ. đó là bệnh đa nghi, thiếu nhận xét bằng tuệ giác. Phật giáo không thể đoàn kết chặt chẻ như tôn giáo bạn cũng chỉ vì thế. Không ai muốn lăn xả hy sinh để rồi thiệt thân mình chịu, thành công thì bị kẻ tỵ hiềm xuyên tạc tạo nghi ngại cho nhau. Qua những cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, không thiếu những chiến sĩ vô danh bị thân tàn ma dại còn sống vất vưởng như một loại cô hồn không tên tuổi, một số huynh trưởng miền Trung hiện nay lâm vào hoàn cảnh như thế. Anh Hoàng Trai, làng Tam Hữu, Quảng trị, cựu sinh viên, bị đánh gãy xương sống thời đấu tranh Phật giáo năm 1966, nay lê lếch ăn xin, không chùa nào giúp đỡ. Ông Võ. Đ. T, làm ngành truyền tin, cung cấp nhiều mật thư tiêu diệt Phật giáo của đám Cần Lao nhân vị len lỏi vào guồng máy TT Thiệu, trả thù cho ông Diệm, khi vào bệnh viện không ai giúp đỡ…Phật giáo thiếu tinh thần đồng đội thì việc nghi ngờ người có công qua một lời xuyên tạc vu vơ cũng là chuyện dễ hiểu.

Chẩn tế chỉ là phần nổi của khối băng chìm; Phật giáo không chỉ xoa dịu niềm phẩn uất cô đơn của kẻ khuất mặt, còn phải có trách nhiệm nâng đỡ người sống đang hy sinh cho đạo; cứu trợ không chỉ hướng đến vùng sâu vùng xa mà những người quanh ta thiếu ăn, những đồng đạo đang khốn khó. Chúng ta vung tay đủ để tạo ý nghĩa việc làm mà không chỉ để có mặt theo phong trào. Thế đấy, chúng ta cần lắng nghe nhau, tìm hiểu nhau để cuộc sống và việc làm ta có ý nghĩa hơn. Các tỉnh phía Bắc đang dần khôi phục tinh thần Phật giáo nhưng vẫn còn nặng màu mê tín; tin Phật nhưng không hiểu giáo lý đạo Phật, vì thế, cửa Từ Bi lại chưng bày sinh mạng thú vật để kích thích lòng tham dục và tính hiếu sát. Đáng ra, BTS các tỉnh phía Bắc phải có trách nhiệm làm sạch cửa Thiền, dù đó là khu du lịch. Dân tộc ta có hàng ngàn năm văn hóa, văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tôn giáo, văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực…thì không lẽ nào lại để phô bày những nét thiếu văn hóa trong thời kỳ hội nhập.
Chẩn tế cũng là loại văn hóa, làm thế nào thể hiện nét sâu lắng từ tâm thức hướng đến chư anh linh hơn là âm thinh sắc tướng làm loạn thần chư vị, thêm sự tốn kém không cần thiết, vì sự tốn kém cho những chi tiết không cần thiết, có thể giúp cho người sống đang gặp phải đói ăn, quanh ta.Mọi nghi lễ đều cần thiết, nhưng cần thiết phải chắt lọc vừa mang tinh nghệ thuật, vừa ít hao tốn, vừa hợp với tinh thần vô tướng, vô tác của Đạo Phật. Ngoài phong trào hướng về cỏi âm, Phật giáo cần hướng đến xã hội, đóng góp thực tế cho xã hội nhiều mặt như giáo dục, môi sinh, vệ sinh thường thức, vệ sinh cộng đồng, huấn nghệ, tư vấn nghiệp vụ…song hành với việc chẩn bần. Có như thế, Phật giáo mới đồng hành cùng dân tộc trong mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Có khi nào chúng ta nghĩ đến một trai đàn chẩn tế tại nghĩa trang Biên Hòa dành cho anh em ruột thịt đã nằm xuống, cho dù bên kia chiến tuyến, vì một thời đất nước binh đao; tinh thần bao dung của đạo Phật không phân oán thù huống nữa họ đã là người thiên cổ!!!Đó là tinh thần đoàn kết, vị tha của một dân tộc mà thời Trần từng thể hiện với kẻ thù phương Bắc. có như thế, chẩn tế vẫn mang ý nghĩa to lớn của Phật Giáo Việt Nam.

MINH MẪN
26/4/2010

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

KHMER KỲ DIỆU


Đất nước Campuchea sau khi triệt hạ Polpot, 30 năm qua được quốc tế yểm trợ nhiều mặt, cuộc sống vẫn chưa thể hiện hết tiềm năng vượt trội với dân số 17 triệu trên một diện tích bao la: 181.035 km2.

Kambodia cao hơn mặt biển 100m. giáp biên Việt Nam từ Đông xuống Nam 443km. Bắc và Tây giáp Thái. Cực Bắc giáp Lào

So với sự phát triển của Việt Nam, Cambodia vẫn còn nhiều khiêm tốn, chậm chạp. Đoạn đường cửa khẩu cấp ba từ Hà Tiên về Kampot hơn 50km, có đến 20 cây số đường đất đỏ mịt mù gió bụi. Đầu giờ chiều trở đi, chỉ còn xe thồ đi lại. Hai bên đường ruộng đồng cháy nắng. Miền Tây Nam bộ chằn chịt kênh rạch thì lãnh địa Campuchea phơi mình dưới cái nắng thiêu đốt. đất trơ trọi thiếu bóng cây xanh. Bò dê liếm từng khóm cỏ nằm sát mặt đất. Xa xa mới có khóm cây thốt nốt. Đất rộng người thưa, nên nhà dân sống rời rạc trên khu đất bao la trong vùng ngoại ô, không như Ấn Độ xúm xít tựa lưng vào nhau những căn nhà u ám ẩm thấp, từng khu ổ chuột. Nhà người Khmerngoại ô phần lớn cất sàn, bên dưới chứa củi, bò, gà và vật dụng nông nghiệp.Vài người có xe du lịch, phía dưới nhà sàn là garage nhỏ.

Chợ Cam bốt trước 1975 sầm uất. Campuchea ảnh hưởng cuộc chiến Việt Nam, vì thế, sau khi Việt Nam thống nhất hai miền, Khmer cũng trải qua nhiều tang thương lịch sử. Khi Pháp đô hộ Đông Dương, Campuchea cũng bị chi phối bởi Pháp vào thập niên 1860 -1953, Norodom đã ký hiệp ước với Pháp để thành lập chính quyền bảo hộ khi Pháp giúp Campuchea lấy lại Siemreap, Battambang, Meanchey, Odda do Thái cưỡng chiếm. Lúc Nhật chiếm quyền Pháp thì người Khmer cũng bị tác động qua các thể chế chính trị vào năm 1941-1945. Giờ đây, cuộc sống Campot vẫn không dấu được nét mệt mỏi của thời chiến. Người dân lam lũ. Có những gia đình cả ngày lẫn đêm đều ở ngoài đồng, ngoài chợ, nhà cửa phó mặc cho con cái.

Hoàng triều Norodom đến năm 1904, Pháp tiến lập Sisowath, anh của Norodom, lên làm vua.Sau khi Sisowath mất, Pháp lại đưa Monivong, con của Sisowath kế nghiệp.Rồi đến triều đại Monireth, cuối cùng là Norodom Sihanouk. Một thời gian trị vì vương quốc Cambodia trung lập, được quần chúng kính ngưỡng và thế giới ủng hộ, cuộc sống xã hội ổn định và thanh bình; do cuộc chiến Việt Nam đang trên đà cao điểm, Norodom Sihanouk bị Lon nol-sirik Matak thân miền Nam Việt Nam lật đổ hòng kiểm soát vùng biên giới Miên-Việt, Norodom Sihanouk lưu vong sang Trung quốc, sau khi Khmer giải phóng, về lại Campuchea, một lần nữa bị Polpot cầm giữ, rồi lại sống lưu vong, nhà vua trị vì hiện nay là Norodom Sihamoni, Hunsen làm thủ tướng .
Khi nước nhà được sự hỗ trợ của Việt Nam, loại trừ Polpot, Kambodia được quốc tế giúp đỡ khá nhiều về giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục…nhưng hạ tầng cơ sở cũng như đường sá vẫn còn đang thời kỳ tái thiết. Từ Kampot về Phnom Penh chưa tới 150 km, xe chạy phải mất gần 6 tiếng, trong khi đó, từ Sài Gòn lên Đà Lạt 300km cũng chỉ mất 6 giờ. Đường lên núi dài, khu du lịch mỗi ngày hàng trăm lượt khách, thế mà hơn chục km đất đỏ chưa tráng nhựa.

Cambodia là một đồng bằng có núi. Biển hồ chạy dài qua 4 tỉnh, dài 150km, rộng 50km.Người Việt sống tại Biển Hồ vùng Siemreap khá nhiều, họ sống thành xóm, xử dụng tiếng Việt nên ít người tại đây biết tiếng Khmer. Người dân Khmer ngoài tiếng mẹ đẻ, một số biết nói tiếng Pháp, Anh, Tàu và Việt Gồm có các thành phố lớn như: Phnom Penh 290km2, Kandal 3,568km2, Takeo 3,563 km2, Kampongcham 9,799km2, Kampongthom 13,814km2, Siemreap 10,299km2, Preah Vihear 13,788km2, Oddar Meancheay 6,158km2, Kampot 4,873km2…Người Việt định cư trước 1975 cũng như sau 1980, không thong thả so với dân bản địa là bao, ngoại trừ một vài doanh nhân thành đạt tại Phnom Penh, họ nói chuyện thông thạo tiếng bản địa. Có những người sống trên đất Campuchea trên 30 năm, vẫn còn ở nhà thuê. Vật giá đắc đỏ hơn Việt Nam; Xăng một lít trên 20 ngàn đồng VN. Những vùng du lịch, người dân thu nhập khá hơn thương mãi và nông nghiệp; nhìn chung, cuộc sống cư dân vẫn còn cơ cực lại thêm khí hậu oi bức, tham nhũng công khai, tạo thành một đất nước nhếch nhác trì trệ.Người Việt sống từng cụm với nhau như ở vùng gần cầu Sài gòn, cây số 11, biển Hồ, Siemreap, Kampot… Các sư Việt Nam cũng chưa có ngôi chùa nào tại Cambodia tương xứng với chùa của Theravada Khmer. Một ngôi chùa, tạm gọi là thế, vì có sư và nơi thờ phượng, trên tole, chung quanh tole, không quá 20m2, nằm trơ trọi nơi núi đất không một bóng cây. Dưới cái nắng thiêu đốt, nhìn từ xa, ngôi am tự đó như chiếc hộp thiêc để giữa lò lửa. Thỉnh thoảng có những đoàn từ thiện từ Việt Nam sang tiếp tế cho cộng đồng người Việt

Tuy một quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo, 95% là đạo Phật, (3% Islam, 2% Kito giáo) thế nhưng, ngoài giờ khất thực, ít khi thấy hình bóng các sư xuất hiện ngoài phố. Một vị sư dù là bản địa hay ngoại quốc, chỉ được ở nhà dân không quá 3 hôm, phải trú ngụ tại chùa. Những ai qua thời gian tu tại chùa, họ đều được giáo dục kỷ về giới luật cũng như ngoại ngữ; Một người chạy xe Honda ôm nói lưu loát Anh văn cũng nhờ hai năm làm nghĩa vụ xuất gia nơi Thiền môn. Thervada Khmer chưa có một viện chuyên tu đào tạo thiền giả nổi tiếng như Myanmar và Tibet ở Dharamsala ở Northern India. Vua sãi Miên nắm vững danh sách,nếp sinh hoạt của các tu sĩ và đền chùa trên đất Cambodia. Thiền môn Khmer duy trì kinh luật theo truyền thống, văn tự kinh điển thuần Pali.

Khởi từ đế quốc Khmer 877-1432 cho đến Cộng Hòa Nhân dân Kampuchea 1979-1993. Cambodia trải qua nhiều cuộc thăng trầm chinh chiến với lân bang, thế mà, đường phố Phnom Penh cũng như các tỉnh thành ít thấy xuất hiện các anh hùng dân tộc, thế vào đó là tên con đường bằng số. Những đường chính lại là tên các danh nhân ngoại quốc, trong đó có tên Mao trạch Đông…Nếu không có Angkor Thom, Angkor Wat thì Cambodia chỉ là vùng đất hoang vu ít ai biết đến.( hai ngôi đền xuống cấp trầm trọng, Polpot chặt đầu các thánh tượng, đập vỡ các di tích tiền nhân mà thế giới đang trân quý) Thật vậy, so với Việt Nam, dân tộc Khmer thiếu nhanh nhạy; Những người ăn nên làm ra tại xứ Angkor phần lớn là người Tàu, người Việt, Thái và các quốc gia Tây phương. Thế mà sự xuất hiện của hai khu đền tháp Angkor đã làm cho thế giới kinh ngạc thán phục. Đây là một công trình hành tinh. Trái lại, Việt Nam có trên 4 ngàn năm văn hiến, ngoài vịnh Hạ Long và một số địa danh, thắng cảnh nổi tiếng do từ thiên nhiên, sức ngưới chưa tạo được một công trình tương xứng như thế. Bái Đính, Đại Nam chỉ là công trình phô bày sự tốn kém cầu kỳ để phục vụ du lịch được gọi là công trình thế kỷ. Nhưng Việt Nam có quá nhiều anh hùng dân tộc, các con đường trong cả nước, không đủ điền tên hết những danh sách dày đặc, một sự tương phản ngộ nghĩnh giữa hai quốc gia cận biên!
Phần lớn người dân Khmer vẫn còn mang bản chất thực thà thụ động và chịu đựng.vì thế Cambodia là một quốc gia của người nước ngoài trổ tài thao lược hơn là để cho cư dân bản địa phát triển đất nước. Nếu không có những khu phố sầm uất thương mãi, các công ty xí nghiệp của người nước ngoài hoạt động và các cơ quan ngoại quốc, thì Campuchea trở thành một cộng đồng sắc tộc vùng cao ở Việt Nam.

Trước thời kỳ đen tối từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ 19, Kambodia có một thời thanh bình và phát triển, dưới triều đại Jayavarman VII 1181-1201, rất cực thịnh, vương quốc chạy dài tới Bình Định của Champa.thì Khmer ngày nay vẫn còn nhiều điều suy nghĩ.

Phnom Penh ngày nay sầm uất hơn, đặc biệt cung điện vua, và một building cao nhất nước gồm 8 tầng ngầm và 32 tầng nổi được gọi là Ocic tower, biểu tượng nền kinh tế Cambodia.Với những khu phố thương mãi. Cầu vượt băng ngang cầu Sài gòn đang thi công và nhiều công trình đang tiến độ.Có những Casino tại các cửa khẩu.một phi cảng quốc tế ở Siemreap lớn nhất, còn có ba phi cảng khác ở Phnompenh đứng hàng thứ nhì sau Phnom Penh Internationnal airport (Pochenton), Sihanouk ville và Battambang. Những sinh hoạt nhộn nhịp đó bảo đảm cho một đất nước hiền hoà có một tương lai phồn thịnh hơn. Tuy họ kém văn minh hơn Việt Nam nhưng có những cung cách hơn hẳn sự tinh khôn của người Việt. Ví dụ các khu di tích, họ chỉ thu tiền vé một lần cho du khách tham quan bất cứ nơi nào, tại Việt Nam, mua vé vào cửa, phải chịu thêm tiền vé thăm các khu vui chơi bên trong khu du lịch. Họ chỉ thu vé người nước ngoài, vì di sản của cha ông để lại hà cớ con cháu phải bỏ tiền ra đi thăm viếng di sản của tiền nhân? Những nơi buôn bán quà lưu niệm và quán ăn đều nằm cách xa di cổ trên 500m, họ không phô bày những loại thức ăn thu hút thực khách mang vẻ kém văn hóa như các sạp thịt rừng, thịt gia súc còn đang tươm máu như ở chùa Hương. Bấy nhiêu cũng đủ thể hiện tính nhân bản và văn hóa của một dân tộc mà công ty du lịch và ngành văn hóa có trách nhiệm. Người nước ngoài đến Hàn Quốc kinh tởm kỷ nghệ thịt cầy như thế nào thì họ nhìn những cảnh tượng động vật bị phanh thây tàn nhẫn treo lủng lẳng bụi bám, ruồi bâu nơi cửa chùa tôn nghiêm cũng như thế!
Nhà nước Campuchea đang lúng túng trước ngành nông nghiệp của mình. Đất đai bao la mà không có kế hoạch dẫn thủy nhập điền như cuộc cách mạng xanh của Ấn Độ, tương lai sẽ bị sa mạc hóa. Nhà nước Kambodia rất sáng suốt khi bảo vệ trên 5 ngàn km2 rừng nguyên sinh bao bọc hai ngôi đền Đế thiên Đế Thích. Những đường nhựa nằm bên dưới táng cây rừng đã át đi cái nóng trên 40 độ mà du khách thích nhất. Về film ảnh kịch nghệ vẫn chưa có nét nổi trội. Các điệu múa cổ truyền chỉ để trang trí cho nền văn hóa một thời của Khmer. Tuổi trẻ thích với các vũ điệu thời trang của phương Tây. Cách trang phục cũng vắng dần sà rông và quốc phục của họ.

Tóm lại, tuy Campuchea có những cái chưa bắt kịp với các quốc gia trong khu vực, nhưng người Khmer biết duy trì sự chơn chất bản thân và không tàn phá môi sinh của đất nước. Biết bảo vệ và giới thiệu di cổ tiền nhân mà không nặng phần kinh doanh trên di cổ, ngược lại giới chức sẳn sàng đòi và nhận hối lộ công khai. Nếu hiểu văn minh là sự bảo tồn và thận trọng, không đua đòi nhố nhăn thì người Khmer đã có một ý thức về nền văn minh của chính mình ngang tầm như một Đế Thiên Đế thích cổ đại.

MINH MẪN
11/4/2010