Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

GIA ĐÌNH BẤT HÒA VÌ VIỆC ĂN CHAY???





Hỏi:Chúng tôi là một đại gia đình gồm cha mẹ và năm anh chị em, hai trai, ba gái. Trong suốt cuộc đời tôi, hình ảnh mẹ tôi là trung tâm của gia đình. Từ khi còn ở Việt Nam, mẹ tôi là một bà nội trợ giỏi, với đồng lương công chức eo hẹp của ba tôi, mẹ tôi chi tiêu tằn tiện, may lấy quần áo cho chúng tôi, nấu những món ăn cho gia đình, dù không phải sơn hào hải vị, nhưng rất ngon. Tôi vẫn còn nhớ món cá nục trong những cái rổ nan, mẹ tôi chiên lên, rưới nước mắm, rắc hạt tiêu rồi hạ lửa xuống chỉ còn riu riu, mùi cá xém vàng nâu quyện với nước mắm cô đặc lại, bốc lên thơm ngào ngạt.

Khi ba tôi được đi theo diện HO, chúng tôi qua đến đây cũng còn nghèo lắm, mẹ tôi vẫn làm những món ăn rẻ tiền như khi còn ở quê nhà, đôi khi sang hơn một chút như có thêm thịt gà, thịt heo, vân vân… Còn nhớ những chiều đi học về, bóng dáng mẹ lui cui trong bếp, tay đũa tay thìa, mẹ nêm nếm những món gà kho gừng, cánh gà xào chua ngọt, mùi thơm hấp dẫn, tôi thường lấy cơm nóng bỏ vào chảo để vét lại cái chất nước sốt dẻo quánh, thơm và ngọt lựng trong cổ. Ðôi khi, mẹ tôi cũng chiên cá nục với nước mắm và hạt tiêu như khi xưa, mẹ bảo :” Món này rẻ lắm”, chúng tôi lại thấy ngon quá, chẳng đòi mẹ món ăn đắt tiền. Còn nhớ hôm anh tôi ra trường, mẹ tính cho cả nhà ăn món gà El Pollo Loco, nhưng rồi mẹ lại mua thịt gà về quay với bơ, mẹ bảo nhà làm thế này rẻ hơn nhiều, chúng tôi thì thấy ngon quá rồi, chẳng cần đòi hỏi gì thêm.

Ngày tháng êm ả trôi mau trong cuộc sống thanh bạch mà vui. Rồi chúng tôi ra trường, có gia đình, con cái. Mỗi cuối tuần, chúng tôi vẫn về ăn cơm với ba mẹ, rồi gửi con cho mẹ tôi trông giùm để đi coi chiếu bóng hay thăm bạn hữu. Mỗi tuần mẹ tôi lại nấu một món đặc biệt, như phở Bắc, hủ tiếu Nam Vang, bún bò Huế, mì Quảng, bánh xèo, bánh tôm, chả giò, vân vân, món nào của mẹ nấu cũng đều rất ngon. Dù nay thì chúng tôi dư tiền để ra tiệm ăn những món mà ngày trước coi là món ăn sang, nhưng chúng tôi thấy món mẹ nấu ngon hơn, thích ăn ở nhà ba mẹ hơn.

Từ khi chúng tôi đi làm, có gia đình, thì đời sống của ba mẹ tôi cũng khá hơn. Ngoài tiền trợ cấp của chính phủ, chúng tôi cũng biếu thêm chút đỉnh để ba mẹ đi chơi, hoặc có tiền chiêu đãi bạn bè, linh tinh. Mẹ tôi thì đi chùa, đi thăm bè bạn. Và rồi vấn đề bắt đầu nẩy sinh từ lúc này.

Sau một thời gian đi chùa, mẹ tôi bắt chước các bà bạn, học làm đồ chay, rồi đổi qua ăn chay. Lúc đầu thì còn ăn một tháng có mấy ngày, sau ăn chay trường luôn, chấm dứt ăn thịt.

Hồi mới ăn chay, mẹ tôi vẫn còn nấu các món ăn mặn như thường lệ. Sau một thời gian thì bà chỉ nấu món chay và mua những món mặn nấu sẵn ở ngoài tiệm đem về để mọi người ăn dặm chung trong mâm. Dần dần, những bữa ăn món đặc biệt cuối tuần như phở, bún, vân vân, cũng biến mất. Mẹ ít vào bếp, thường yêu cầu chúng tôi mua đồ ăn nấu sẵn, hoặc cùng nhau ra tiệm ăn. Thành ra sự đi chùa, tu hành theo đạo Phật thì từ bi đâu không thấy, chỉ thấy gia đình tôi mất những bữa ăn ngon lành đầm ấm khi xưa.
Ba tôi rất bực mình vì khẩu vị của ba đã quen với cách nấu ăn, nêm nếm của mẹ. Cơm ngoài tiệm ba thường chê mặn, chê bột ngọt, chê dầu mỡ, có khi chỉ nếm qua rồi bỏ ăn, đứng lên.
Cả ba tôi và chúng tôi đều oán đạo Phật và sự ăn chay, đã làm mất những bữa cơm gia đình ấm cúng của chúng tôi, đã làm mất niềm vui mà đã bao lâu nay mẹ chúng tôi đã đem lại cho chúng tôi.Xin quý vị giúp ý kiến cho tôi, nên khuyên mẹ tôi ăn thịt trở lại, hay là nên khuyên ba tôi chấp nhận sự ăn trường trai và không nấu thịt cá của mẹ.

Trân trọng cảm ơn quý vị,
Ngọc Hạnh


Đáp:Ðọc thư của bạn Ngọc Hạnh với những chi tiết nồng đượm tình gia đình, chúng tôi rất ngậm ngùi. Cũng như bạn Ngọc Hạnh, chúng tôi cũng cảm nhận được sự mất mát của gia đình bạn. Cảm nhận sự mất mát thì giống nhau, nhưng là những người đứng ngoài, nên chúng tôi có thể thấy thêm vài khía cạnh khác của vấn đề, xin trình bày ra cùng quý thính giả và bạn Ngọc Hạnh, như sau:

Trước nhất, một điều rất rõ là gia đình bạn Ngọc Hạnh đã đặt tất cả niềm vui vào một trung tâm điểm, trung tâm điểm này không phải là “bà mẹ” nhưng là “khả năng nấu ăn ngon của bà mẹ”. Bởi vì bà mẹ vẫn còn sống đó, chỉ ngừng nấu các món mà gia đình thích thôi, là tất cả tình cảm mà trước kia biểu hiện ra trong việc nấu ăn, nay dĩ nhiên là vẫn còn đó, đã bị chồng con xóa hết rồi. Bản thân bà cũng vẫn còn đó, nhưng tình yêu của gia đình đối với bà thì dường như đã bị sứt mẻ. Tâm lý đó của mọi người trong gia đình có thể đã đôi khi biểu lộ ra, dù không quá lộ liễu, nhưng cũng đủ khiến cho bà mẹ suy nghĩ về “thân phận công cụ nấu bếp” của mình trong lòng chồng con chăng?

Trong cuộc sống vô thường, mọi sự đổi thay từng giây, từng phút, không ai biết lúc nào mình sẽ thở ra mà không còn hít vào này, sự đặt tất cả niềm hạnh phúc của gia đình vào tài nấu ăn của một người là sai lầm. Có thể bất thình lình bà mẹ bị tật bệnh gì đó, không còn nấu nướng được nữa, hoặc một ngày nào đó, tuổi già sức yếu, bà mẹ không thể gánh vác được những kỳ vọng mà chồng con đặt vào bàn tay làm bếp của mình, thì tất cả niềm vui của gia đình cũng sụp đổ hay sao? Còn phải nhớ đến rằng cái chết có thể tới với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào, cho nên mỗi người phải tự mình tìm được sự an lạc từ nội tâm mình, không thể trông cậy vào ai khác, nhất là trông vào tài nấu bếp của một bà mẹ.

Nếu gia đình bạn Ngọc Hạnh để ý tới nội tâm của bà mẹ, sẽ có thể nhìn ra thêm khía cạnh khác, qua sự đổi thay của bà. Có thể là do đi chùa, tâm hồn bà phong phú ra, suy tư sâu sắc hơn, bà nghĩ tới được những vấn đề mà trước kia bà chưa từng nghĩ tới, cho nên hành xử khác trước.

Chúng tôi được biết có những gia đình đã tưởng tượng sai về sự đi lễ của bà mẹ, coi như là “ham vui”, hoặc là “già rồi trở thành mê tín”, hoặc “đến chùa gặp bè bạn để khoe của, khoe con”, mà thường là không tìm hiểu coi sinh hoạt ở chùa của mẹ như thế nào, không nhìn vào đời sống nội tâm của mẹ, đã biến chuyển ra sao.

Thực tế, do đi chùa, Phật tử được tiếp cận với giáo pháp nhà Phật, đôi khi do các vị sư giảng, nhưng phần lớn là do bạn đạo trao truyền cho nhau những câu chuyện, những băng giảng, những sách báo có những bài giáo lý. Từ những nguồn tài liệu này, một số vị đem về nhà, nhưng trước sự coi thường của chồng con đối với đạo, các vị ấy lặng lẽ đọc, lặng lẽ nghe băng, nhờ vậy, tâm hồn có sự chuyển hóa, hiểu được những phần cốt tủy của nhà Phật, về sự bớt làm điều xấu ác, tăng làm điều tốt lành và tụng kinh niệm Phật để thanh tịnh hóa tâm ý.

Trong những bài giảng, rất nhiều đề tài được đặt ra. Vì đạo Phật xây dựng trên hai cột trụ chính là Từ Bi và Trí Tuệ, cho nên đề tài Từ Bi thường được nói tới nhiều nhất. Cụ thể như trong một dịp gặp gỡ các tâm lý gia Hoa Kỳ, đức Ðạt Lai Lạt Ma cũng thảo luận với họ về đề tài Từ Bi, được trình bày trong cuốn “Worlds in Harmony, Dialogues on Compassionate Action”. Chúng tôi xin trích dịch mẩu đối thoại giữa Ngài và tiến sĩ Joanna Macy, một nhà bảo vệ môi sinh, sáng lập viên của Nuclear Guardianship Project, như sau:
…”…
Bà Joanna Macy hỏi:
- "Thưa Ngài, tôi xin hỏi Ngài về trường hợp khác, trong đó những con vật rất đau đớn, đó là tại các trại chăn nuôi. Ðể có thể thay đổi lề lối làm việc ngõ hầu giảm thiểu sự đau đớn cho những sinh vật này, chúng ta cần phải nhìn tận mắt nỗi đau đớn của chúng. Nhưng đối với phần lớn chúng ta thì dường như sự nhìn vào nỗi đau đớn đó là điều quá sức chịu đựng nổi, cho nên chúng ta muốn nhìn đi phía khác để lảng tránh sự thực. Ngài mới giảng rằng phải thực tập hành động không lảng tránh mà nhìn sâu vào nỗi đau để không còn sợ nó nữa. Vậy nếu có thể, xin Ngài giảng rõ hơn, nhất là trong tinh thần liên đới cảm thông với các loài sinh vật đàn em đang bị hành hạ này chăng?"
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đáp:
- "Hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ con vật bị giết để làm đồ ăn cho loài người. Ðiều đó thật là đáng buồn! Loài người chúng ta có thể không cần phải ăn thịt mà vẫn sống, nhất là trong thế giới tân tiến ngày nay. Chúng ta có quá nhiều thực phẩm bằng rau đậu và nhiều loại đồ ăn khác, cho nên chúng ta có khả năng và bổn phận cứu sống hàng nhiều tỷ sinh mạng. Tôi đã thấy có nhiều cá nhân và nhiều nhóm người tích cực yểm trợ các hoạt động bảo vệ quyền sống của loài vật, những người này đều ăn chay trường. Thật là tuyệt !

Có những sự giết chóc thật là phí phạm. Thí dụ săn bắn và câu cá, coi như là trò thể thao, đúng là vô nghĩa lý. Nếu giết vì lý do khác, thí dụ đánh cá để làm thực phẩm, thì còn có thể hiểu được hơn. Nhưng có lẽ điều đáng buồn nhất là tại các trại chăn nuôi. Những con vật đáng thương sống ở đó thật là đau khổ. Bản thân tôi đã từng tới thăm một trại nuôi gà tại Nhật, nơi người ta nhốt hai trăm ngàn con gà mái suốt hai năm trường, chỉ cốt để cho chúng đẻ trứng. Chúng là những kẻ tù đầy trong hai năm ròng rã đó. Rồi sau hai năm, khi không còn khả năng sinh sản, thì chúng bị bán đi để giết lấy thịt. Thật là kinh hoàng, đáng buồn quá! Chúng ta phải hỗ trợ những người có lòng muốn giảm thiểu cung cách đối xử bất công này.

Thật là tai hại nếu chúng ta không quan tâm tới nỗi đau đớn của bất cứ chúng sinh nào. Ngay trong chiến tranh, chúng ta cần nhận thức được nỗi đau đớn của đối phương và sự áy náy trong lòng mình vì đã gây đau thương cho họ thì tốt hơn…”…


Ðó là những lời khuyên của một tu sĩ Phật giáo về sự phát triển lòng từ bi, mà do tiếp cận với đạo, người Phật tử đã nhận thức được.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin minh xác rằng ăn chay trường không phải là điều bắt buộc của người Phật tử. Ngay trong thời đức Phật, Ngài và chư đệ tử cũng không ăn chay trường, mà dùng những thức ăn do thí chủ cúng dường, dù là có thịt. Miễn là người ăn không trông thấy con vật bị giết, không nghe thấy tiếng nó kêu khi bị giết, và không nghi rằng nó bị giết với mục tiêu cho mình ăn, như thế, những thịt này được gọi là tịnh nhục. Tục lệ đó còn được chư tăng hệ phái Nguyên Thủy duy trì cho tới ngày nay.

Ðối với hệ phái Bắc Tông thì chỉ các tu sĩ mới ăn chay trường, còn cư sĩ tại gia thọ trì Ngũ Giới, thì Giới Sát chỉ cấm giết, chứ không cấm ăn thịt. Tuy nhiên, nhà Phật cũng khuyến khích Phật tử giảm bớt ăn thịt để cho súc vật đỡ bị giết. Vì thế mới có chế độ ăn chay kỳ, thí dụ mỗi tháng ăn chay bốn ngày, gọi là tứ trai, ăn chay sáu ngày, gọi là lục trai, ăn chay mười ngày, gọi là thập trai, ăn chay trọn một tháng gọi là nguyệt trai, vân vân. Tóm lại, đa số Phật tử không ăn chay trường.

Nhưng hiện nay riêng trong nước Mỹ, theo thống kê của hội bảo vệ súc vật, có mười hai triệu người ăn chay trường. Phần đông những người này không phải là Phật tử, họ ăn chay vì lý do sức khỏe, hoặc vì lòng trắc ẩn, thương xót loài vật, không muốn chúng bị đau đớn suốt cuộc đời cho tới lúc chết, chỉ vì lý do mình muốn ăn thịt. Chúng tôi xin trích dịch ý kiến của tác giả David A. Gabbe, viết trong cuốn“Why Do Vegetarians Eat Like That?” như sau:
…”… Thông thường, khi những con bò, bê, heo được chở tới lò sát sinh thì chúng đã phải đứng liên tục, kề vai nhau trên suốt đoạn đường dài dằng dặc. Chuyến đi khiến cho chúng bối rối, kiệt sức, và trong nhiều trường hợp, quá ốm yếu. Ít nhất là suốt một ngày rồi, chúng không được ăn, vì về phương diện kinh tế thì chẳng còn có lợi lộc gì khi cho những con vật ăn bữa cuối cùng, cái bữa mà chúng chẳng còn kịp tiêu hóa khiến cho đồ ăn biến thành thịt trước khi bị giết!

Và trong khi những nhân viên lò sát sinh, có thể vốn không phải là những kẻ ác độc bệnh hoạn từ bản chất, nhưng áp lực của công việc ghê gớm đã khiến cho nhiều người trong số họ trở thành nhẫn tâm đối với những con vật sắp lên đoạn đầu đài. Kết quả là họ tuôn ra hàng tràng la hét giận dữ, và tống những cái đạp, những cái quất lên những con vật bối rối, kinh hoàng. Tụ tập hàng trăm hoặc hàng ngàn, những con vật khiếp đảm chen chúc nhau đứng phía ngoài lò sát sinh, chờ tới phiên mình bước vào cõi chết.

Vẳng nghe tiếng kêu hấp hối thống thiết từ những con vật đi trước vọng ra, bầy gia súc tê dại với hình ảnh của chết chóc. Bây giờ thì chỉ một nhát đập mạnh và một cú điện giật là đủ khiến cho con vật đành phải líu ríu bước vào phòng tàn sát.

Trái với điều có thể quý vị tưởng, không làm gì có cách giết nhân đạo theo chỉ thị! Nhân viên lò sát sinh có thể chọn bất cứ cách giết nào — thường là cách rẻ tiền nhất –, bất kể là man rợ hoặc tàn ác. Trong nhiều lò sát sinh, những con vật trong cơn kinh hoàng được giáng cho một đòn bất tỉnh bằng một nhát vào đầu — thường là một thanh sắt bổ xuống sọ –, hoặc bằng một luồng điện giật, hoặc bất cứ cách nào khác, trước khi chúng bị cùm chặt, rút lên cao và bị đâm liên tục vào ngực, cổ, để làm đứt những động mạch chính. Máu phun ra từ nhiều vết thương khiến cho con vật chết lẹ vì cạn kiệt….”…


Trên đây chỉ là trích đoạn ngắn ngủi của bản trường ca bi thảm mà những con vật tội nghiệp phải chịu đựng suốt một cuộc đời. Lão Tử đã nói “Ta khổ vì ta có cái thân”. Chỉ vì có cái thân làm loài vật, mà những con vật đáng thương phải chịu một cuộc đời đầy đọa, đau đớn từ lúc sinh ra cho tới lúc chết.

Nhưng còn những con vật không bị tù tội, được rong chơi bơi lội như loài cá thì sao? Ca sĩ Cao Thái có bài thơ “Con Cá”, như sau:
Tôi là con cá dưới sông
Có cha, có mẹ, có chồng có con
Trông con trông mỏi trông mòn
Trông khi họp mặt coi còn đủ không
Ngày ngày dong ruổi chạy rong
Kiếm ăn đây đó đỡ lòng mới thôi
Bữa kia nghe tiếng con tôi
”Mẹ ơi, con đã mắc mồi rồi me”
Lạy Trời lạy Phật chở che
Cho cha cho mẹ cho bè con thơ
Thành người tôi sẽ ước mơ
Kiếp sau sẽ chẳng bao giờ đi câu.

Biết đâu lũ cá chẳng vừa bơi vừa nguyện ước:

“Xin cho chúng tôi đừng gặp loài người” ?
Trích Thư viện Hoa Sen

Cuộc đời của một thiền sư nổi tiếng thế giới



Thiền sư Philip Kapleau được xem là người có công lao đặc biệt quan trọng trong việc truyền bá đạo Phật nói chung và thiền tông nói riêng tại Hoa Kỳ. Cuộc đời tu thiền của Philip Kapleau đã trải qua không ít những khó khăn, gian khổ nhưng cũng vì thế mà đầy ắp những câu chuyện thú vị.
Từ vị quan tòa mê Thiền…

Thiền sư Philip Kapleau sinh năm 1912 trong một gia đình theo đạo Tin Lành thuộc tầng lớp lao động ở New Haven thuộc bang Connecticut ở miền đông bắc nước Mỹ. Cho đến trước năm 35 tuổi, khi Philip Kapleau bắt đầu những suy tư đầu tiên về Thiền, vị thiền sư Tây phương này đã sống một cuộc sống bình thường như rất nhiều thanh niên Mỹ lúc bấy giờ. Khi đến tuổi trưởng thành, Philip Kapleau bắt đầu kiếm sống bằng nghề kế toán tại một cửa hàng. 

Sau đó ít lâu, Philip Kapleau quyết định theo học một khóa đào tạo luật ngắn hạn. Sau khóa học, Philip Kapleau may mắn có được một chân báo cáo viên trong tòa án liên bang ở Connecticut. Nghề báo cáo viên tòa án không để lại ảnh hưởng gì lớn trong sự nghiệp của Philip Kapleau, tuy nhiên, nó lại chính là con đường dẫn Philip Kapleau đến với Thiền tông nơi ông có được sự nghiệp lừng lẫy của mình.


Bước ngoặt trong cuộc đời của vị thiền sư phương Tây bắt đầu vào năm 1945 khi ông được lựa chọn làm báo cáo viên trong hai phiên tòa xử tội ác chiến tranh của Tòa án Quân sự Quốc tế tại Nuremberg, Đức. Tiếp đó, ông lại được chỉ định vào vị trí tương tự trong phiên tòa xử tội ác chiến tranh diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản. Và đó cũng là thời điểm lần đầu tiên, Philip Kapleau biết tới Thiền tông.

Tháng 3/1947, Philip Kapleau đến làm việc tại Tòa án Quân sự Quốc tế tại Tokyo, Nhật Bản. So với phiên xử những tên tội phạm chiến tranh của phe phát xít, những kẻ vừa thất bại trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 diễn ra tại Đức mà Philip Kapleau tham dự trước đó ít lâu, phiên xử ở Tokyo diễn ra dễ chịu và ít căng thẳng hơn. Và điều này để lại ấn tượng mạnh đối với Philip Kapleau. 

Vị báo cáo viên 35 tuổi cảm thấy rằng những người Nhật ông nơi đây không giống với những người Đức ông đã từng gặp. Họ tỏ ra là những người sẵn sàng chấp nhận những đau khổ của riêng mình để trả giá cho những nỗi đau mà họ đã gây ra cho những người khác. 

Một điều khác cũng khiến Philip Kapleau ấn tượng không kém chính là sự bình an và tĩnh lặng đến tuyệt vời ở nước Nhật dù chiến tranh mới đi qua không lâu, đặc biệt là vào những buổi chiều khi ông chạy bộ dưới những tán cây dẫn vào các thiền viện.

Từ việc bất ngờ, rồi tò mò và hiếu kỳ, Philip Kapleau đã bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân vì đâu có sự khác biệt giữa những người Nhật và người Đức, dù trước đây họ từng thuộc phe phát xít. Và Philip Kapleau biết được rằng, việc người Nhật sẵn sàng chấp nhận những trừng phạt là vì họ luôn tin vào “Luật nghiệp quả báo ứng”. 

Khái niệm về luật nhân quả này cuốn hút Philip Kapleau vì nó hoàn toàn khác với sự tự bào chữa mà ông từng thấy ở Đức. Philip Kapleau quyết định tìm hiểu về khái niệm thú vị này. Và sự tò mò đã tạo ra cơ duyên đưa Philip Kapleau đến với đại sư D.T. Suzuki. 

Tại thành phố Kamakura, ông gặp và tiếp xúc với Suzuki, nghe giảng giải về cốt lõi của nghiệp quả và giáo lý thiền Đại thừa. Sau những buổi giảng ngắn ngủi ấy, Philip Kapleau bắt đầu quan tâm đến Phật giáo.

Khi phiên tòa ở Tokyo kết thúc, Philip Kapleau quay trở lại mỹ và tiếp tục làm việc tại tòa án Connecticut. Tuy nhiên, cuộc sống của ông đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau hai phiên tòa xử tội phạm chiến tranh ở Đức và Nhật. Những ấn tượng, suy tư không thể giải quyết triệt để cứ quanh quẩn trong đầu ông. Philip Kapleau muốn tìm hiểu và học Thiền, nhưng khi ấy, Thiền tông chưa đến được nước Mỹ. 

Philip Kapleau đã phải tham gia một lớp giáo ly đạo Bahai và những cuộc họp của Hội Vệ Đà, tuy nhiên, tất cả đều không đem lại tác dụng. Mọi sự thay đổi chỉ bắt đầu khi thiền sư D.T. Suzuki đến Mỹ vào năm 1950. Ngay lập tức, Philip Kapleau ghi tên tham dự lớp học triết lý Phật giáo thiền do Suzuki đứng lớp. 

Trong những bài giảng ấy, thiền sư Suzuki có nói với các học trò của mình rằng: “Thiền không phải là triết học mà là một lối sống. Nếu các vị muốn học Thiền nên đến thẳng Nhật Bản, các vị phải sống với nó và cuộc đời của các vị sẽ thay đổi”. Câu nói của thiền sư Suzuki đã tác động mạnh tới Philip Kapleau và vị báo cáo viên tòa án quyết định đến Nhật Bản để học Thiền.

Vào năm 1953, ở tuổi 44, Philip Kapleau bỏ việc tại tòa án để đến Nhật xin được xuất gia học Thiền. Tuy nhiên, lòng nhiệt tâm của Philip Kapleau đã bị dội một gáo nước lạnh khi hai vị thiền sư đầu tiên mà ông tới gặp đã từ chối không nhận ông làm đệ tử vì ông không biết tiếng Nhật. Với sự kiên nhẫn và lòng nhiệt thành cuối cùng một thiên sư tên là Soen Nakagawa ở chùa Hosshinji đã tiếp nhận Philip Kapleau. 

Sau ba năm tu tại chùa Hosshinji, sức khỏe của Philip Kapleau ngày một tệ đi vì những giới luật khắc nghiệt và chế độ ăn uống thiếu thốn ở nơi đây. 

Nhận thấy rằng, Philip Kapleau không thể tu thiền theo cách thông thường như những người khác, thiền sư Soen đã giới thiệu ông tới gặp thiền sư Harada. Soen nói với Kapleau rằng: “Cậu sẽ có được một sư phụ tốt hơn nhiều”. Sau khi theo học Harada 3 năm, Philip Kapleau tiếp tục theo học một thiền sư khác tên là Yasutani, người kế thừa thiền sư Harada. Và đây cũng là thiền sư mà Philip Kapleau theo học lâu nhất. 

Nhờ vào những nỗ lực học tập không ngừng, vào mùa hè năm 1958, Philip Kapleau đã đạt ngộ và được thiền sư Yasutani ấn chứng ban cho danh hiệu “Thiền sư”. Thời gian sau đó, Philip Kapleau kết hôn, sinh con và bắt đầu giảng dạy trong các thiền viện dòng Harada-Yasutani. Và cũng bắt đầu từ đây, Philip Kapleau chính thức bước vào cuộc hành trình truyền bá Thiền tông đến với xứ sở phương Tây. 

Đến thiền sư nổi tiếng thế giới

Với khả năng ghi tốc ký của người báo cáo viên tòa án cộng với khả năng thành thạo Nhật ngữ của mình, Philip Kapleau được thiền sư Yasutani cho phép ghi lại hầu hết các bài giảng về Thiền, phỏng vấn học sinh, các thiền sư cũng như ghi chép tỉ mỉ về cuộc sống của những người thực hành Thiền tông. 



Philip Kapleau là người phương Tây đầu tiên được phép chi chép lại những bài giảng về Thiền. Và chính điều này đã giúp Philip Kapleau có được cuốn sách nhập môn Thiền kinh điển của người Tây phương. Tập hợp những gì đã ghi chép và quan sát được, Philip Kapleau đã biên soạn thành cuốn sách với tựa là “Ba cột trụ của Thiền”. 

Cuốn sách đã được in và xuất bản tại Nhật vào năm 1965 bằng tiếng Anh với số lượng 150 ngàn cuốn. Cuốn sách này sau đó đã được phát hành đi khắp thế giới và được chuyển dịch ra hàng chục thứ tiếng khác nhau. Nhưng sự nghiệp truyền bá Thiền tông của vị thiền sư Tây phương này không chỉ dừng lại ở đó.

Sau 13 năm tu học tại Nhật, năm 1965, Philip Kapleau quyết định trở về Mỹ và bắt đầu sứ mệnh truyền bá Thiền tông tới xứ sở Hợp chủng quốc. Đó là thời điểm, ông gặp hai trong số những độc giả đầu tiên của cuốn sách “Ba cột trụ của Thiền” xuất bản tại Nhật, hai thương nhân Ralph Chapin ở New York và Dorris Carlson ở Rochester. 

Sau khi về nước ít lâu, Dorris Carlson đã mời ông tới Rochester để thăm một nhóm nhỏ những người tu học Thiền tông theo hướng dẫn của ông trong cuốn sách “Ba cột trụ của Thiền”. 

Cho tới tháng 6 năm 1966, dưới sự giúp đỡ của Carlson, Philip Kapleau đã thành lập trung tâm Thiền Rochester. Ngay từ khi mới thành lập, trung tâm Thiền của Philip Kapleau đã liên tục mở những khóa tu cho các thiền sinh Mỹ đến tham dự. Và ngay lập tức, nó đã gây được tiếng vang lớn.

Từ giữa thập niên 60, thiền sư Philip Kapleau bắt đầu những chuyến đi giảng về Thiền trên khắp nước Mỹ. Philip Kapleau nói chuyện ở các trường cao đẳng, đại học, các hội nghị,… Bất cứ là thành phần nào, tầng lớp nào, muốn được nghe giảng về giáo lý Thiền tông, Philip Kapleau đều không ngần ngại từ chối. 

Không chỉ giới hạn trong lãnh thổ nước Mỹ, Philip Kapleau đã có nhiều chuyến giảng Thiền tại Canada, Mexico, Costa Rica, Đức, Pháp và Ba Lan,… Với phong cách rất giản dị, với cách nói chuyện hài hước, dí dỏm và đặc biệt là vốn kiến thức sâu sắc về Thiền tông, những bài giảng của Philip Kapleau đã cuốn hút đông đảo những người đến tham dự. 

Và bằng chứng cho những thành công của bài giảng ấy là những dòng người ngày càng đông đúc hơn đổ về trung tâm Thiền Rochester mà Philip Kapleau xây dựng.

Vào năm 1968, một trận hỏa hoạn khủng khiếp đã thiệu rụi tất cả trung tâm mà thiền sư Philip Kapleau dày công xây dựng. Trên đống hoang tàn đổ nát, Philip Kapleau vẫn không nản chí. Ông quyết định sẽ xây dựng lại tất cả. Và nhờ sự nỗ lực của bản thân cũng như các đệ tử, Philip Kapleau không chỉ xây dựng lại mà còn mở rộng trung tâm thiền của mình. 

Các khoa tu Thiền vẫn tiếp tục đón học sinh, các buổi lễ vẫn được thực hiện theo đúng truyền thống của Thiền tông. Và mặc dù một số nghi lễ truyền thống đã được điều chỉnh cho phù hợp với thời đại và nền văn hóa Mỹ, vốn khác xa với những nền văn hóa phương Đông, song thiền sư Philip Kapleau cho đến tận cuối đời vẫn cố gắng để giữ gìn tinh thần Thiền tông mà các đại sư Harad và Yasutani đã từng truyền dạy.

Ở tuổi 92, vị thiền sư lừng danh của thế giới Tây phương cảm thấy cơ thể mình không còn được như trước nữa. Mặc dù được các bác sĩ chăm sóc và cứu chữa, song thiền sư Philip Kapleau vẫn biết rằng mình không thể qua khỏi được. Vào 6/5/2004, thiền sư Philip Kapleau qua đời một cách nhẹ nhàng thanh thản ngay tại sân sau của Trung tâm Thiền Rochester ông dày công xây dựng trong vòng tay của những đệ tử và bạn bè. 

                                                                                                       Bằng Hư

Nga Mi sơn ​​

 
Một trong tứ đại danh sơn Trung Quốc
                                                                  
image

Nga Mi sơn là một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn. 
Vị Bồ Tát bảo trợ của Nga Mi sơn là Samantabhadra, trong tiếng Việt còn được gọi là Phổ Hiền bồ tát.

Nga Mi sơn (峨嵋山) hay núi Nga Mi hay Đại Quang Minh sơn là một ngọn núi nằm ở phía trung nam tỉnh Tứ Xuyên thuộc miền tây Trung Quốc, trên khu vực quá độ của lòng chảo Tứ Xuyên theo hướng cao nguyên Thanh-Tạng. Thông thường được viết là 峨眉山 và đôi khi là 峩嵋山 hay 峩眉山, nhưng cách phát âm không thay đổi.
Nga Mi sơn là một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn. Vị Bồ Tát bảo trợ của Nga Mi sơn là Samantabhadra, trong tiếng Việt còn được gọi là Phổ Hiền bồ tát.
Đỉnh cao nhất của Nga Mi sơn là đỉnh Vạn Phật của ngọn núi chính Kim Đỉnh, với độ cao 3.099 m. Với địa thế cao chót vót, phong cảnh đẹp nên người ta nói tới Nga Mi sơn như là "Nga Mi thiên hạ tú". Là một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn, tại Nga Mi sơn có khoảng 26 ngôi chùa; miếu, trong đó có 8 ngôi chùa; miếu lớn là cơ bản nhất. Người ta cho rằng Nga Mi sơn chính là đạo tràng của Phổ Hiền bồ tát.
Nga Mi sơn cùng bức tượng đại Phật Lạc sơn, bức tượng Phật tạc trên vách đá lớn nhất thế giới ở núi Thê Loan, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới ngày 6 tháng 12 năm 1996.
Sau đây xin giới thiệu chùm ảnh của 2 thành viên focus_S và noicomdien trên diễn đàn otofun.net:
Đường lên đỉnh Nga Mi Sơn đẹp như bức tranh thủy mặc
 
Thẳm thẳm trong mây mù
 
Nhứng cây thông cổ thụ nghiêng mình trong mây
 
Mái chùa cổ ẩn khất trong sương mờ
 
Trong mầu xanh ngất ngây của trời đất , Phổ Hiền Bồ Tát rực rỡ trong nắng chiều
 
Có những lúc mây cuốn vào Phổ Hiền Bồ Tát
 
Tượng Thập Phương Phổ Hiền tọa lạc ở đỉnh núi Nga Mi trên cao 3.079m , 
tượng Phật bốn mặt cao 48m (cao nhất thế giới) bằng đồng với 20kg vàng mạ bên ngoài , 
tương rất uy nghi mặt quay về 4 hướng, ngồi rất tự tại trên đài sen tọa trên đài sen , cưỡi trên 4 con voi lớn . 
Màu xanh biếc của bầu trời làm nổi bật tượng Phổ Hiền.
 
Dưới chân bệ đài , hàng nghìn đèn nến được xếp theo bậc thang , 
mỗi 1 buổi tối những người trông coi trên Kim Đỉnh thắp đèn nến sáng rực
 
Các bức chạm khắc rất tinh xảo tại bệ đài
 
Kỳ Lân , một trong những linh vật của Phật giáo.
 
Thật tuyệt khi đứng trên đỉnh Nga Mi nhìn thấy bao la trời đất .
Đối với du khách , đặt chân lên đỉnh Nga My là diễm phúc vì "đến" được một trong những địa danh Phật giáo linh thiêng nhất, 
một "núi thiêng" đúng nghĩa trong văn hóa tâm linh Trung Hoa.
 
Tượng Phổ Hiền này hiện tại là tượng to nhất và cao nhất trên thế giới, 
hơn nữa là một kiệt tác trong ngôi nhà nghệ thuật Phật Giáo.
 
Voi là luôn biểu tượng gắn liền với Phổ Hiền Bồ Tát
 
Phía trong tượng Phổ Hiền đặt bức tượng Phật cũng bằng đồng
 
Các cột trụ được đúc bằng đồng vừa có tác dụng đỡ vòm mái , vừa tạo vẻ trang nghiêm của đức Phật . 
Xung quanh chạm khắc rất nhiều hình đức Phật
 
Đức Phật đứng trên tòa sen bằng đồng, hàng ngày hoa tươi được đưa từ chân núi lên thành kính dâng đức Phật
 
Tượng Phổ Hiền Bồ Tất là 1 trong những kiệt tác về đức Phật bằng đồng thời đương đại. 
Đây cũng là ước vọng của hàng triệu người Trung Quốc, đặc biệt là để thể hiện thành tâm trước Phổ Hiền Bồ tát
 
 
Phia sau tượng Phổ Hiền là chùa Hoa Tạng
 
Chùa Hoa Tạng trước kia được xây dựng bằng gỗ, đã bị hỏa hoạn thiêu hủy. 
Vì muốn bảo tồn truyền thống văn hóa Trung Quốc, bảo vệ thế giới tự nhiên và di sản văn hóa 
một cách hoàn chỉnh và cũng đồng thời phát triển kinh tế du lịch, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan trực thuộc,
bắt đầu từ năm 2003 đã tiến hành trùng tu triệt để ngôi chùa Hoa Tạng.
 
Chùa được làm hoàn toàn bằng đồng
 
Chùa Hoa Tạng dựa lưng vào ngọn núi có dáng rất đẹp, chúng tôi theo đường lên núi tới chùa Kim Đỉnh.
 
 
Trong Chùa Hoa Tạng có 3 tượng đức Phật tọa trên đài sen , cũng được làm bằng đồng.
 
Bên cạnh chùa Hoa Tạng là Chùa Bạc hay còn gọi là Ngân Ðiện được dát bằng bạc
 
 
Nga Mi Sơn được ca tụng từ đời xưa tới nay vì Nga Mi có nghĩa là lông mày đẹp của người con gái và sơn có nghĩa là núi. 
Do vậy ngọn núi này riêng về cảnh trí thiên nhiên đã là "thế gian đệ nhất cảnh" , không đâu sánh kịp . 
Từ độ cao ở Kim Đỉnh có thể nhìn xuống vực núi sâu bao quanh mây phủ điệp trùng...
 
Biển mây tầng tầng lớp lớp vô bờ như khối bạc khổng lồ mênh mông không biết từ nguồn đâu chảy về , 
có lúc sôi lên như dòng thác, có lúc gối lên như núi đá… Biển mây cuồn cuộn sóng không có thanh âm 
nhưng vẫn dội vào lòng ta tiếng vỗ của sự lặng thinh gột rửa bao bụi hồng trần…
 
Mây như tấm khăn lụa quàng lên đỉnh Vận Phật
 
Ánh nắng chỉ bừng lên hơn 30' , mây mù lại kếo đến che phủ đỉnh Nga Mi
 
Mây bao quanh tượng Phổ Hiền Bồ Tát
 
Dưới chân tượng Thập Phương Phổ Hiền, vẫn còn một số người mải miết đi vòng quanh để cầu nguyện
 
Nến đã thắp lên rất nhiều để cầu nguyện
 
 
Trong nắng bình minh, cảnh vật thật rực rỡ
 
Kim Đỉnh rạng rỡ trong ánh bình minh, dưới chân tượng Thập Phương Phổ Hiền , từng đoàn du khách đi vòng quanh để cầu nguyện .
 
Những ngọn nến cháy suốt trong đêm, vẫn bừng sáng đón bình minh
 
Vẻ đẹp lộng lấy hiếm có trên Kim Đỉnh
 
Bức tường được dát và trạm trổ bằng vàng của Kim Đỉnh
 
Và đây được làm bằng vàng nguyên chất
 
Nhờ có trận mưa đã xua tan mây mù, Nga Mi sơn như bừng tỉnh trong nắng mai.
 
Khác với bình thường bị mây mù che phủ, vậy mà sáng nay các rặng núi nhô lên tầng tầng lớp lớp cùng đón bình minh
 
Từ Kim Đỉnh nhìn sang đỉnh Vạn Phật bừng lên trong nắng
 
Trong Chùa Kim Đỉnh chỉ có duy nhất tượng Phật Bà Quan Âm bằng vàng, cưỡi trên voi bằng bạc
 
Một góc từ Kim Đỉnh đến đỉnh Vạn Phật
 
Mặt trời vẫn soi rọi qua bánh xe luân hồi
 
Người Trung quốc chỉ mong 1 lần trong đời lên đỉnh Nga Mi để bái đức Phổ Hiền Bồ Tát. 
Đó cũng là mong ước của người dân vùng Tứ Xuyên quanh năm mây mù, lên Kim Đỉnh để được ngắm trời xanh. 
Nga Mi Sơn nằm trong dãy núi của cao nguyên Tây Tạng, do vậy cũng bị ảnh hưởng ít nhiều khí hậu của vùng Tây Tạng. 
Trên Kim Đỉnh là một quần thể kiến trúc Phật giáo đặc sắc, cao nhất Trung Quốc bao gồm : 
tượng Phổ Hiền Bồ Tát, Chùa Đồng, Chùa Bạc, Chùa Vàng (Kim Đỉnh) và đỉnh Vạn Phật.
 
Nhật Xuất : Điều thú vị và ngoạn mục đối với du khách khi xem mặt trời mọc ở Kim Đỉnh 
là thấy mặt trời và mây rất gần và lại thấp hơn mình.
 
 
 
Phật Quang : ở Kim Đỉnh thỉnh thoảng có những luồng ánh sáng hình tròn bảy màu xuất hiện được xem như là hào quang của Phật.
 
Đó là một khoảnh khắc, đứng trên đài cao nghìn dặm ta chợt thấy một cầu vồng hình tròn bảy sắc rực rỡ hiện 
lên trên không trung giữa mây ngàn, như hào quang của Bồ Tát hiển linh hiện hình trong niềm tin vào cõi vĩnh hằng.
 
Dĩ nhiên không phải ai đến đây cũng có cơ duyên được chiêm ngưỡng Phật Quang: 
Một năm chỉ có khoảng 70 ngày có thể xuất hiện hiện tượng ánh sáng đặc biệt này 
trong những khoảnh khắc hết sức bất ngờ dưới ánh mặt trời trên núi cao.