Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

* THU HÀ NỘI



Còn một tháng nữa đúng một năm Đại hội Phật giáo kỳ bảy (2012 - 2017) đã diễn ra tại Hà Nội. Sau một năm đó, các ban ngành liên tục ra mắt thành phần nhân sự nhiệm kỳ mới, đã tổ chức tại Saigon và Hà Nội. Ban Thông Tin Truyền Thông, (TTTT) một ban mới thành lập, tuy gặp nhiều khó khăn mọi mặt, cũng ra mắt tại chùa Quán Sứ vào ngày 15/10/2013. Ban chưa có tài chánh nên chư Tăng Ni và các Phật tử đều tự túc mọi chi phí, chính vì thế, các đại biểu và khách mời tham dự không được đầy đủ.

Trên chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, ĐĐ T. M. T, trụ trì chùa Phúc Lâm – Biên Hòa (kiêm Tổng quản trị “cõi âm”), gs Trần T M, cư sĩ Dương K T, đáp xuống Nội Bài 12g. Về đến khách sạn Kim Liên gần 2g chiều. Tuy cuối Thu, và mùa lũ bão, Hà Nội vẫn còn mang âm hưởng khí Hạ oi bức.

Nhà ga Nội Bài vẫn nhộn nhịp đều đặn, chờ đợi cư sĩ Trí Bửu từ Khánh Hòa ra, đoàn giải lao tại quầy ăn nhà ga; Toàn bộ chi phí cá nhân của bốn người trong ba ngày qua, phần lớn ĐĐ TQT “cõi âm” tài trợ trọn gói. Chẳng những thế, vừa mở mắt đầu ngày, “ngài” còn tặng phong bì cho bốn người, cứ như là Ban Tổ Chức “TTTT” không bằng! Do TQT “cõi âm” bao biện, bốn người cứ ngỡ mình là thuộc thành phần cõi âm do “ngài” quản lý vậy.

Sau một năm ra lại Hà Nội, sinh hoạt không có gì thay đổi. Những thay đổi thuộc về kiến trúc xây dựng đã biến Hà Nội thành một xã hội năng động, vội vả; từng cung đường tắt xe như một số quốc gia đang phát triển, đánh mất nét thơ mộng của Thủ đô 36 phố phường xa xưa. Các cao ốc che khuất không gian đã chia nhỏ bầu trời Hà Nội theo giá trị kinh tế từng khu vực. Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Hồ bảy mẫu... đã tăng giá trị cho Thủ Đô với những hàng sấu cổ thụ, đó là những nét rất riêng của Hà Nội mà các Tỉnh thành khác không có. Giả thử một phép mầu nào đó, biến mất các hồ và hàng cây râm bóng, thì Hà Nội chỉ còn là chú mèo cụt tai khó chịu!

Dạo quanh phố phường, cầm miếng bánh của khách ăn thừa để cho chó. Thầm nghĩ, sao Hà Nội văn minh như các nước Âu Mỹ thế! Không một bóng dáng nào của các chú cẩu lảng vảng ngoài đường phố. Về khách sạn hỏi nhân viên, họ cũng lắc đầu chịu thua. Sực nhớ ra, đây là trung tâm “liên hiệp xí nghiệp thịt cầy”, chứ có phải Sài Gòn đâu; chó không đủ cung cấp cho thực khách, phải nhập từ Lào, Campuchea, Thái mỗi ngày thì làm gì còn chạy rong trên phố. Hình như chim muông cũng ít hơn ở miền Nam. Hà Nội giờ đây cái nhiều nhất vẫn là các tụ điểm ăn chơi hưởng thụ!

Quán Sứ vẫn giữ nét cổ kính lặng lẽ nằm bên vệ đường. Đây là văn phòng 1 của Giáo Hội Phật giáo Trung Ương, không những nét cổ kính của ngôi chùa mà còn lưu lại cái cổ kính của “vàng mã” mà hàng ngày vô số khách thập phương đốt tiền vào đó. Khuôn viên chật, các lễ lộc hội họp biến nơi đây thành chỗ hội tụ những gương mặt quen thuộc, tựa hồ những đứa con chui rúc vào lòng mẹ mỗi khi được hạnh phúc.

Sau một ngày ra mắt Ban TTTT, đại biểu tự do giải tán như giải tán sau cuộc vui.

Nhóm “cõi âm” cùng ĐĐ TQT được G.M - A.M - B.H đưa đi "chui hang" ở bến Trường An, nơi mà thế kỷ thứ 10 xuất hiện đạo quân cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh ở Ninh Bình. Du khách thích thú trên con thuyền nhỏ, thong dong giữa trời mây, núi và nước, lần lượt chui sâu qua 9 hang núi đá. Hang ngắn nhất hơn trăm mét, dài nhất trên dưới 500m. Nơi đây thanh bình êm ả làm cho du khách quên tất những rộn ràng phiền muộn của cuộc sống thường nhật. Hai xuồng chở 8 người, có lúc hò hát, lúc chèo đua. ĐĐ “Thượng Vân hạ Phong” tự là Tể Tướng lưng gù giả giọng mèo hoang khi chui vào hầm tối, làm Tây ba lô một phen cười toe toét. Tuy du ngoạn cho vơi mệt mỏi, nhưng anh em trong BTC TTTT vẫn không xóa được nét phờ phạc vì trách nhiệm với ban TTTT trong suốt thời gian qua.

Tất cả anh em trong ban tổ chức, kể cả truyền hình AVG, đều phục vụ bằng tấm lòng mà không có một “bồi dưỡng” tượng trưng nào! Tấm lòng phụng sự Phật Pháp thật cao quý như thế, bên ngoài ít ai biết được, thường thì người ta biết được những phê phán các khiếm khuyết không tránh khỏi. Tất cả ban ngành của Giáo Hội đều nhiệt tình và có trách nhiệm thì uy lực của PGVN không lâu sẽ có một diện mạo rạng rỡ.

Hà Nội cuối Thu cũng không khác nhau về khí hậu, mà xa xưa bốn mùa rõ rệt. Tất cả đã thay đổi do cuộc sống bị cuốn hút bởi kinh tế thị trường, vì thế, nét văn hóa của người Hà Nội xa xưa cũng bị mờ nhạt dần, nhường lại cho nét thực dụng; thực dụng đến độ bộc lộ nét văn hóa đau lòng mà báo chí từng báo động.

                                                                         MINH MẪN


1 nhận xét:

  1. Ngắm non nước thật hữu tình qua tài nhiếp ảnh của Cư Sĩ! Cư Sĩ cũng không quên nhắc nhở mọi người khi khéo lồng vào câu: "liên hiệp xí nghiệp thịt cầy". Có lòng mà không có sức Cư Sĩ ạ!

    Trả lờiXóa