Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

TỰ TÁNH DI ĐÀ 3

Năng lượng

Khoa học và tâm linh , tuy song hành nhưng vẫn gặp nhau một điểm. Cái khởi đầu của khoa học luôn là cái kết thúc của tâm linh. Tâm linh không diễn đạt quá trình tiến hoá của tâm thức thông qua thể chất bằng ngôn từ khoa học, cũng như khoa học không xử dụng thuật ngữ tâm linh để xác thực hiện tượng tâm thức mà họ gọi là linh hồn thông qua trường năng lượng sinh học. Khoa học truy cứu xác minh hiện tượng tâm linh trên cơ sở vật lý; Tâm linh tiến hóa trên trường năng lượng tự phát , độc lập và duy ý chí. Đó là những loại hình tiến hóa tâm linh thuộc huyền môn học của Ai Cập, Ấn Độ, Trung quốc Tây Tạng và một vài vùng Bắc Á chịu ảnh hưởng lẫn nhau.

2/ Sự tương quan giữa năng lượng sinh học và năng lượng tâm linh: Hình ảnh một Thái dương hệ, các hành tinh xoay quanh một định tinh như trái đất, sao mộc, sao hỏa, sao thủy, sao thổ, sao kim, Hải vương tinh, Thiên vương tinh…đối với mặt trời hay, có những hành tinh cũng được xem là định tinh khi một số tinh thể quay chung quanh chúng trong lúc chúng vẫn đang quay quanh trục Thái dương hệ. Những hiện tượng như thế, do lực tác động hỗ tương trường năng lượng của nhau mà duy trì một vị trí tương đối cố định. Người mẹ sinh ra con, duy trì con bằng tình thương ruột thịt, con cũng quyến luyến cha mẹ bằng tình thương máu mủ, đồng thời cháu chắt cũng được duy trì sự liên đới với bố mẹ và ông bà bằng lực vô hình của tình thương dưới dạng năng lượng tâm thức và tâm linh; Ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, con cháu lạc loài, đánh mất sợi giây vô hình ràng buộc huyết thống như những vì sao băng cắt đứt sự liên đới với hệ tinh vân. Cháu chắt nhiều đời vẫn còn mang gen di truyền của ông bà thông qua năng lượng sinh học. Năng lượng sinh học kết hợp với năng lượng tâm thức tạo thành mạng lưới tương tác nghiệp lực của nhau. Năng lượng sinh học là nền tảng để năng lượng tâm linh hoạt khởi, ngược lại, năng lương tâm linh có khả năng tác động và chuyển hóa năng lượng sinh học theo chiều hướng tốt hoặc xấu tùy theo khuynh hướng và tùy thuộc môi trường. Trong một xã hội quá thấp về kiến thức, về kinh tế thì tâm thức cũng chịu ảnh hưởng nền giáo dục cộng đồng bất cập. Sinh hoạt chính trị, kinh tế, giáo dục cao thì con người trong xã hội đó cũng được thăng hoa. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp cá biệt, cá nhân không chịu tác động nhiều về nề nếp xã hội đó, vì thế không thiếu những thiên tài xuất chúng trong một môi trường không thích hợp. Và cũng không thiếu những thành phần bất hảo giữa nếp sống văn minh. Như vậy, sự tương tác năng lượng sinh học và năng lượng tâm thức còn tùy thuộc yếu tố biệt nghiệp. Nghiệp lực cá biệt của một đơn thể có năng lượng vượt trội trên mức bình thường, sẽ quyết định nhân thân của một cá thể đó trong một cộng đồng tương tác cộng nghiệp. Đến đây ta xác định được có sự liên đới giữa tâm sinh lý trong một cá thể, hay gọi là năng lượng sinh học và năng lượng sinh thức.

3/ Sự tương liên giữa năng lượng sinh thức và trường lực ngoại biên: Cá thể không chỉ tồn tại độc lập trong trường lực vũ trụ mà còn tương liên giữa cá thể với cá thể, giữa cá thể với trường lực. Viba là dạng “sóng từ” dung môi và thẩm thấu, xuyên suốt mọi vật thể . Năng lượng sinh học, năng lượng địa sinh học, năng lượng tâm thức đều giao thoa và cân bằng. Một tác động năng lượng tâm thức cũng tác động đến năng lượng của những sinh thức khác, đem lại lực cân bằng tồn tại trong một không-thời gian nhất định mà ý thức hạn chế ngỡ là chắc thật. Sự cân bằng và tồn tại của hệ vũ trụ dưới cái nhìn của khoa học vật chất, chúng là dạng khối kiến trúc bởi các nguyên tử, cũng thế, cơ thể con người là một cấu trúc vật lý thuần túy theo quy luật tự nhiên, từ cơ chế tồn tại khách quan trong không gian ba chiều đó chúng phát tán bức xạ năng lượng sinh học đơn thuần qua nhãn quan của các nhà khoa học từ thế kỷ 18 trở về trước chịu ảnh hưởng nhịp cơ học của Newton. Trong một góc cạnh của học thuyết Newton, mọi khối lượng tồn tại là có thật và tương tác năng lượng cho nhau là một hoạt cảnh tự nhiên, nhưng theo duy thức học, gọi đó là: “ do giả thuyết ngã pháp – hữu chủng chủng tướng chuyển - Bỉ y thức sở biến” phát khởi từ : “ Thử năng biến duy tam – Vị dị thục, tư lương – cập liễu biệt cảnh thức”. Sự tương liên của hiện tượng giới đó, cũng chỉ là vọng thức xuất khởi của “đại mộng” đời người, tương tự giấc mộng Nam Kha của thưở đông miên. Đây là quan điểm tuyệt đối của pháp giới dưới nhãn quan Duy thức học, chúng ta không luận đến, sở dĩ nêu ra là muốn nói sự tồn tại những hiện tướng như thật để rồi mỗi thời đại có một khám phá khác nhau của một khoa học gia về một hiện tượng chung tồn tại, hiện hữu qua vô số thời gian trong không gian đa chiều, từ nguyên tử, phân tử, sóng, hạt…tương lai cũng sẽ có thêm những phát kiến mới về bản chất của mọi hiện tượng do “bỉ y thức sở biến” chủ đạo. Cho dù cơ bản hạt, sóng, năng lượng, duy thức…cũng là nguyên tố giải trình sự tương tác, tương liên giữa năng lượng sinh học - năng lượng sinh thức. và năng lượng ngoại biên. Chỉ nhìn hoạt dụng của hiện tượng trên căn bản nguyên tố thì con người cũng như mọi sinh vật đều là cổ máy vô hồn tồn tại theo nhịp cơ học vũ trụ của vật lý, không thể giải thích được hiện hữu của ánh sáng tâm linh và chủ lực của mọi thăng tiến. Con người không thể là hệ quả tất yếu của các nguyên tử , phân tử tác thành, nhìn góc độ tâm linh thì chính năng lượng sinh thức đã trình diễn những yếu tố cơ bản mà từ tâm thức, có thể bức xạ ra ngoại biên những sóng từ, làm thay đổi quan điểm duy vật của các nhà khoa học trước kia. Thế giới chỉ thuần do điện âm và điện dương hấp lực nhau để tồn tại dạng cơ học thì môi trường để chúng cùng tồn tại từ đâu? Những thế kỷ cận đại khi James Clark Maxwell và các đồng nghiệp phát hiện những điện tích chịu tác động bởi trường lực bao quanh, từ đó, người ta hiểu về trường lực. Nhưng chưa hẳn từ trường chủ lực cho mọi tương tác khi vừa phát hiện như các nhà vật lý đã từng phát hiện hạt cơ bản trước kia.

Đành rằng từ trường là dung môi tác động năng lượng có khả năng chuyên chở thông tin năng lượng sinh học và năng lượng sinh thức, như nước có khả năng dẫn điện; một chuyển động từ một điểm trong nước, bên kia đại dương có thể tiếp nhận tín hiệu nếu có máy đo lường động lực học cực vi, cũng vậy, một tín hiệu phát ra từ một điểm trên mặt đất, sóng truyền có thể lan xa đến vô định mà ngày nay máy thu sóng âm chỉ giới hạn trên tinh cầu hoặc đến các vệ tinh, các phi thuyền không gian, từ đó điện thoại di động, truyền hình, morse được triển khai. Loại viba đó, cho dù gọi dưới bất cứ tên gì, sóng, hạt, trường năng lượng… đều có năng lực truyền tải thông tin đa chiều, từ năng lượng sinh học đến năng lượng sinh thức. trường lực đó, là một với năng lượng sinh thức hay là một biệt thể với những năng lượng cùng tồn tại với nhau? Đây là vấn đề chưa được tách bạch rõ ràng. Nhưng điều hiển nhiên là khả năng ngoại cảm của con người có thể thấy biết, trực giác trước những vấn đề sắp xẩy đến hoặc xẩy ra trong quá khứ xa xưa., cảm giác bất an khi người thân ở xa đang lâm nạn…Đồng thời cảm xạ học có thể điều trị hoặc điều khiển khoảng cách không gian bằng năng lượng sinh thức. Nếu xét trên quan điểm Duy thức học, tất cả cũng trên cơ sở : “ nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm tác động thế nào để biết việc quá khứ, vị lai của vũ trụ học và cá thể học? Khoa học chưa lý giải được vấn đề nầy nếu đặt trên cơ sở vận hành của cơ học vật lý.

4//Ánh sáng sinh thức xuất phát từ đâu? Khoa học vật lý đã chụp được hình năng lượng sinh học ngoại biên của một sinh thể sống; đồng thời cũng chụp được vệt sáng khi thần thức một bệnh nhân vừa xuất khỏi xác. Vệt sáng mờ ảo kia chưa đủ định hình xác định là một linh hồn, khi năng lượng tĩnh thì vệt sáng mờ nhạt, nhưng năng lượng động bởi linh thức hoạt động thì hình ảnh vong được tái hiện như sương mù. Đồng thời kỷ sư F.Urgenson người Thụy Điển đã ghi được âm thanh trong vũ trụ từ 1959 đến 1964, xác định âm giọng các vong linh cao về thanh điệu lẫn cường lực. Sự tồn tại một vật thể siêu hình cả ánh sáng lẫn âm thanh trong trường năng lượng vi tế là điều hiển nhiên. Qua lãnh vực nầy, một linh thức không còn ý niệm hạn chế trong không gian đa chiều và thời gian quy ước, vì thế, những thể nghiệm và trãi nghiệm tâm linh, không thể giải thích thuần theo cơ học vật lý hay những phương tiện và điều kiện của khoa học thực dụng. Mỗi cảnh giới sinh học thực tại có một ý niệm về không gian và thời gian riêng, thì cảnh giới siêu hình hay siêu thức cũng không tùy thuộc ý niệm thời gian không gian của hiện tại. Ngay cả thời gian cơ học hiện có, cũng chỉ có giá trị tương đối trong một trạng thái tâm lý cộng đồng bình ổn, riêng một cá thể lạc vào trạng thái siêu thức, thời gian hiện thực lúc bấy giờ không còn giá trị, và không gian đa chiều không còn giá trị khi ẩn hiện một linh ảnh song hành với hiện thực mà chỉ có siêu thức của đương sự cảm nhận được. Thần kinh học, tâm lý học sẽ bảo đó là ảo giác của bệnh nhân, nhưng chắc chắn một hành giả chứng đắc hay một thiên phú đặc biệt sẽ chứng minh cho khoa học thấy điều đó nó hiện thực như sự hiện thực của cơ học vật lý. Không gian thời gian nầy được gọi là không – thời gian siêu thức, cũng được gọi là không- thời minh triết. Không-thời gian của cơ học vật lý thuộc vào lãnh vực trí não. Sang lãnh vực siêu thức không bị phán đoán bởi nhị nguyên phân chia cắt xén, nó là một dãi miên tục của cảm thức, khi hành giả đó đọc được thông tin của đời người trên đối tượng, mọi chi tiết cũng loạt khởi như nhìn vào tấm gương. Về khoa học thực dụng cũng thế, kiến thức và tri thức con người mỗi ngày một phát triển thì tầm nhìn và sự hiểu biết mỗi ngày một khác, nhưng nó vẫn bị hạn chế trong luật tương đối, chính vì thế sự phát minh mới luôn phủ nhận cái sáng kiến cũ, thậm chí mang tính đối kháng. Năm 1905, Albert Einstein tuyên bố lý thuyết tương đối làm đảo lộn quan điểm của Newton về thế giới trước kia. Phát minh khoa học hiện đại luôn xét lại quan điểm của phát minh khoa học quá khứ, ví dụ khi khoa học ngày nay xác định trường năng lượng trong vũ trụ đóng vai trò hình thành khối chất, nói cách khác, hình khối là dạng năng lượng thô thì ánh sáng là dạng năng lượng vi tế, đánh đổ học thuyết của Newton về cơ bản vật lý mệnh danh là cơ học Newton. Có cái nhìn trường năng lượng vũ trụ thì mới giải thích được tác động năng lực lẫn nhau trong không gian cho dù cách nhau một khoảng cách xa xôi. Vì vậy tương tác năng lượng giữa hai cá thể mà không cần sự hiện hữu của một dạng thể vật lý; một người vào căn phòng cảm nhận trước đây đã có sự hiện diện của ai đó trong phòng nầy . Cái mà thường được gọi là trực giác, linh cảm là do sự tương tác giữa năng lượng sinh thức với một năng lượng sinh thức thông qua trường năng lượng ngoại biên. Gặp một người, tuy chưa giao tiếp, cảm nhận kẻ đó xấu hay tốt là do sự tương tác năng lượng sinh thức tỏa ra trường lực chung quanh. Tính tương tác và tổng thể hàm tàng trong mỗi cá thể, chính vì thế mà Bà La Môn giáo quan niệm cá thể là một tiểu ngã trong một đại ngã vũ trụ. Đạo gia cũng bảo con người là tiểu vũ trụ tồn tại trong đại vũ trụ. Vũ trụ có Tam bảo: Thiên-địa-nhân thì con người có : Tinh-khí-thần. Phật giáo nói tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Phật tính là tính giác toàn cục. Chúng sinh có sẳn mầm mống tính giác cá thể, một khi cá thể giác ngộ, trí giác Như Lai đồng một thể với Như Lai tự tánh. Như Lai tự tánh đồng thể với ánh sáng đại bi, không bị hạn chế trong một thể tướng mà là thể tánh toàn bộ, một dạng năng lượng hằng hữu phủ trùm pháp giới.

Do quá trình vận động, trao đổi hạt, sóng qua dạng năng lượng sinh học, năng lượng sinh thức tiếp thu, ma sát, phát quang mà ta gọi là sáng kiến, trí tuệ, tác động tế bào hệ thần kinh. Hệ thần kinh được bảo dưỡng tinh khiết từ năng lượng sinh học đến vận động sinh thức, năng lượng sinh thức được nâng cấp và bức xạ những bước sóng ngắn với tầng số giao động thấp, giao thoa với năng lượng ngoại biên, phát tác ánh sáng sinh thức mà ta gọi là hào quang. Ánh sáng của năng lượng sinh thức không là ánh sáng của năng lượng sinh học cơ lý.

Từ đâu năng lượng sinh thức phát quang? Không chỉ đơn thuần do trao đổi, ma sát hạt sóng trong tế bào não một cách tình cờ. Cồ nhân đã phát hiện nhiều phương thức đánh động năng lượng sinh học để tiếp chuyển qua năng lượng sinh thức bằng những pháp môn tu dưỡng, luyện đạo, giải trừ ô tạp vi tế từ cơ năng sinh lý đến toàn đồ tâm lý, vượt thoát tuyến tính nhị biên để TỰ TÁNH DI ĐÀ hiển lộ. Tự Tánh Di Đà trong mỗi cá thể hay Tự Tánh Di Đà trong một tổng thể vũ trụ là một hay khác, lần lượt ta xét đến từng giai đoạn tu tập của những pháp môn Thiền- Tịnh trong Phật giáo cũng như các tôn giáo, các pháp môn trong và ngoài Phật giáo.

MINH MẪN

26/10/2011

TỰ TÁNH DI ĐÀ 4

Đặc tính của năng lượng

Nếu xem năng lượng vũ trụ là hoạt tính của Vô Lượng Quang, năng lượng sinh thức là dụng của Tự Tánh Di Đà thì năng lượng vũ trụ và năng lượng sinh thức là một. Năng lượng địa sinh học, năng lượng sinh học của vạn pháp là tướng mà thể là Tự Tánh Di Đà.

Theo trường phái Yoga cũng như các pháp Đạo gia, cơ thể con người được sinh tồn và tăng trưởng bởi bảy đại huyệt còn gọi là bảy luân xa chính. Luân xa bảy nằm trên đỉnh đầu, hay gọi là huyệt Bách hội, Tiên gia gọi là đỉnh Côn Lôn, trụ cột tổng quát các huyệt còn lại, tiếp nhận năng lượng vũ trụ phân phối xuyên suốt các hệ thần kinh, hỗ trợ thẩm thấu qua 6 huyệt chính khác. Sáu huyệt kia phụ trách sáu cơ phận của thể chất và trí tuệ. Năm đại huyệt tiếp thu năng lượng ngoại biên để tồn dưỡng ngũ tạng. Hoạt dụng ngũ tạng thanh khiết tiết xuất ra năng lương sinh học cung ứng cho nguồn sinh lực luân lưu trong cơ thể, một phần hỗ trợ khách quan cho hệ thần kinh trí tuệ, rồi từ đó năng lượng sinh thức tác động phản hồi để thanh tịnh hóa cơ địa tùy mức độ thăng tiến của tâm thức. Nguồn sinh lực lưu tồn theo dọc xương sống thông qua các luân xa. Một người bình thường, sống trác táng, năng lượng sinh học đen tối, làm bế tắt các tiểu huyệt, trệ khí, sanh bệnh. Nhà ngoại cảm thấu thị có thể chữa bệnh qua ánh sáng năng lượng của bệnh nhân. Năng lượng sinh học phản chiếu cơ địa của một nhân thân, khuyết tật hay hoàn hảo của một cơ thể được phóng chiếu ra vòng ánh sáng quanh cơ thể. Tây y chữa bệnh theo cơ năng vật lý, để lại di chứng do tác dụng phụ của thuốc. Đông y, tuy dùng thuốc, nhưng biết tả bổ, đả dưỡng như một trận đồ. Họ suy diễn theo vòng sinh khắc ngũ hành âm dương của cơ địa bệnh nhân, thời tiết và những bộ phận liên đới trong cơ thể, cái nào sanh, cái nào khắc với bộ phận đó để tùy nghi dụng dược. Đạo học, võ thuật, tu luyện cũng thế. Âm dương, ngũ hành, dịch lý được áp dụng trong chữa trị, luyện tập và tu tiến.

Đạo học, triết học phương Đông có những quan điểm mấu chốt tương cận. Đạo gia quan niệm con người là một phần của vũ trụ thì con người đầy đủ tính chất của vũ trụ. Bà La Môn nói con người là một phần của Đại ngã, tiểu ngã phải trở về hòa nhập với Đại ngã. Phật giáo nói Chơn Như Phật Tánh là bản thể mà vũ trụ, chúng sinh là hiện tướng vô minh nhất thời; bản thể chân thật đó phủ trùm vạn loại, như sóng là hiện tướng của nước biển đại dương, đại dương là bản thể cố định của hiện tướng sóng động. Khí lực của vũ trụ hay sinh lực của con người được luân lưu tuần hoàn theo nhịp cơ học khách quan, chịu tác động vận hành thu nạp năng lượng của bảy đại huyệt. Sự vận hành của các đại huyệt cuốn hút năng lượng ngoại biên theo hình phểu xoáy theo chiều kim đồng hồ. Các đại huyệt của một sinh động vật bị chấn thương, động vật đó sẽ tử thương mà không cần một dấu vết khác trên cơ thể, tuy nhiên một cơ phận quan trọng bị nội thương trầm trọng, ảnh hưởng luân xa đặc trách, làm tê liệt hệ thống vận hành sinh lực, cũng đưa đến tử thương. Thỉnh thoảng có những trường hợp bị tà khí xâm nhập hay bị uất khí, các luân xa vận hành ngược làm hao thần tán khí, nặng, đưa đến khủng hoảng tinh thần, điên loạn, nhẹ, làm cho người chán nản buồn phiền, tiều tụy. Người bi quan yếm thế, tiêu cực, trầm cảm cũng làm cho luân xa kém hoạt động. Những trường hợp bị vong nhập lâu ngày, thân thể xanh xao mất sức sống, do năng lượng xấu ngoại biên, thu hút khí lực nạn nhân qua các luân xa quây ngược, không có sự hướng dẫn kịp thời, nạn nhân như cây thiếu nước, mất hết nhựa sống sẽ chết với năng lượng u tối trầm luân. Người tu thiền, luyện Yoga, thể thao hay vận động cơ bắp thường xuyên, các luân xa được kích hoạt mạnh nên năng lượng dồi dào, tinh thần minh mẫn, cơ thể khỏe mạnh ít bệnh hoạn. Vũ trụ cũng thế, mưa thuận gió hòa do âm dương cân đối. Thiên tai hạn hán, bão lũ động đất do năng lượng vũ trụ khuyết hỏng, phân phối thiếu cân xứng. Thiên tai cũng như bệnh tật tự thân không phải do yếu tố khách quan mà do chính sự vận hành năng lượng sinh học và năng lượng sinh thức mất cân đối của cộng đồng nhân loại, Phật giáo gọi là cộng nghiệp. Nghiệp lực xấu chiếm phần lớn của một cá nhân thì cơ địa đó gặp nhiều bất trắc. Cộng nghiệp của một tập thể, một xã hội, một quốc gia quá nhiều đen tối, thu hút từ trường xấu, dẫn đến thiên tai, hoạn nạn. Vũ trụ là chiếc gương phản ảnh nghiệp thức chúng sanh, nói theo Phật giáo là y báo chính báo luôn đi liền như bóng và hình. Chính vì thế, Nho gia từng nói: trước Tu Thân, rồi mới Tề gia, được như thế thì mới nghĩ đến trị quốc, và bình Thiên hạ. Nhân thân là cơ bản để giải quyết mọi vấn đề. Một chính trị gia muốn đem lại công bình, an lạc cho xã hội mà không lấy con ngời làm cơ bản để xây dựng đào tạo thì chỉ là xây nhà không móng. Phật giáo không chủ trương chỉnh đốn xã hội, chuyển hóa hoàn cảnh nếu tự thân chưa được chuyển hóa. Vì thế, muốn giáo dục sửa sai ai, tự mình phải sửa sai chính mình trước. Đức Phật muốn giáo hóa cho chúng sanh khai ngộ, Ngài tự chuyển hóa khai ngộ trước tiên. Vì thế, thân giáo đối với nhà Phật là quyết sách giáo dục cơ bản.

Như thế, tuần hoàn vũ trụ bị đảo lộn, thời tiết bất hòa, thiên tai địa nạn là hiện tượng rối loạn tự thân của cư dân trên hành tinh nầy. Một cộng đồng có nhiều phước nghiệp thì nơi cư trú an lành, cây trái xanh tốt, mùa màng bội thu, không có dịch bệnh sâu rầy. Phước nghiệp là loại năng lượng thanh khiết chiêu nạp từ lực ngoại biên, ác nghiệp là năng lượng đen tối ô trược thu hút trường lực hắc ám bên ngoài. Năng lượng sinh học, năng lượng sinh thức trong và ngoài chiêu cảm lẫn nhau đưa đến y báo chánh báo tương xứng. Chính vì thế môn cảm xạ học cũng như những bộ môn huyền thuật xa xưa và hiện nay được triển khai, ứng dụng trong chuyên ngành. Dưới cặp mắt khoa học, bioplasma hay năng lượng vũ trụ là nền tảng tạo sự sống cho mọi sinh vật, vì họ chỉ tìm thấy những thuộc tính của con người tương ứng sự vận hành vũ trụ; các tia quang học ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh vật trên tinh cầu, thậm chí sự xiêu lệch quỷ đạo của một hành tinh cũng ảnh hưởng lớn đến sinh mạng cuả nhân loại; Những hệ quả như thế, kết luận rằng vũ trụ là nguồn gốc của tinh cầu. Đạo gia cho rằng mỗi tinh tú biểu thị một sinh mạng con người trên trái đất; Tử vi, Thái ất, chiêm tinh và một số môn phái thần bí thường liên kết sinh mạng con người, vận mạng thế giới vào sự vận hành vũ trụ qua những hiện tượng dịch biến. Yoga cũng phát hiện khí lực Prana là nguồn sinh lực nuôi sống sinh loại trên tinh cầu, như thế, loài người là sản phẩm của nguồn sinh lực từ vũ trụ, từ đó, những tôn giáo Thần quyền đều có khuynh hướng hợp nhất với thực tại bằng cách chối bỏ hiện hữu, liên kết sinh thức với tần số cao của vũ trụ biểu thị qua ánh sáng tâm linh. Khoa học của thế kỷ cận đại cũng đã nhận chân được tính liên kết và đồng bộ trong cơ cấu vật lý dưới dạng năng lượng ánh sáng.

Ánh sáng của trường năng lượng vũ trụ có thể tác động đến con người về sức khỏe cũng như trí tuệ. Trường năng lượng vũ trụ và trường năng lượng sinh thức của con người đều có khả năng như nhau, có thể tác động đối tượng cho dù khoảng cách xa. Một thầy pháp cao tay ấn, có thể trừ ếm một nạn nhân mà không cần trực diện, họ cũng có thể đốt cháy một căn lều từ xa và di chuyển một vật nặng bằng năng lượng linh phù ( dạng thầy pháp như thế thường ở các bộ tộc hay những quốc gia chưa phát triển). Các nhà sư Tây Tạng xa xưa cũng từng di chuyển qua nhiều dãy núi bằng cách khinh thân. Kaysi cũng như những nhà thôi miên đều dùng năng lượng sinh thức đưa bệnh nhân vào cơn mê để chữa bệnh, hoặc điều khiển đối tượng theo ý muốn. Hai hành giả có trình độ tâm linh cao, liên lạc nhau bằng năng lượng sinh thức tuy ở xa nhau. Khoa học phát hiện diệu dụng của năng lượng nhưng chưa chủ động điều khiển được năng lượng như các nhà tâm linh thần bí. Những nhà tâm linh thần bí rất xa xưa đã biết xử dụng năng lượng sinh thức và điều khiển được năng lượng sinh học theo ý muốn. Hành giả các tôn giáo cũng đã chủ động được mấu chốt vấn đề khi mà chìa khóa được truyền thừa liên tục từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Loại năng lượng mà các nhà khoa học áp dụng trong các công kỷ nghệ điện tử là loại lực năng lượng vô cơ. Các nhà tâm linh chủ động được lực năng lượng hữu cơ lẫn vô cơ. Đó là bí pháp mà các pháp môn được lưu tồn qua nhiều thế hệ bởi các minh sư nắm giữ. Ngày nay không thiếu các bậc minh sư, các hành giả tu chứng có khả năng thẩm thấu năng lượng sinh thức của đối tượng, biết được ý nghĩ, quá khứ và tương lai của chúng sanh nếu họ khởi tâm hướng đến. Phật giáo Đại thừa xác nhận có vô lượng pháp môn để đối trị vô lượng căn tánh của chúng sanh, vì thế chư Tổ từng bảo: Thế gian pháp tức Phật pháp. Hoặc là : Phật Pháp tại thế gian – bất ly thế gian giác.

Thiền : Không chỉ Phật giáo có Thiền mà các tôn giáo khác, trước và sau khi đạo Phật xuất hiện, cũng đã có Thiền. Thiền không chỉ có nghĩa là Thiền na, tĩnh lự. Thiền trong Phật giáo có hai yều tố: Quán và chỉ, còn gọi là Thiền quán và Thiền định. Nếu quán mà không chỉ dễ sanh phóng tâm loạn động. Nếu chỉ mà không quán dễ đưa đến hôn trầm. nhưng cũng có pháp môn quán cũng là chỉ, chỉ cũng là quán. Thí dụ: công án - “Người niệm Phật là ai?” hành giả trụ tâm, xoáy vào đề mục đó mà không tìm lời giải, nhưng cũng không niệm như pháp môn niệm Phật, nghĩa là không an trú mà cũng không xét đoán, tâm luôn thắc mắc, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là Nghi, trạng thái Nghi được duy trì liên tục không gián đoạn, xoáy sâu vào đề mục, luôn tĩnh thức, đó là trạng thái vừa chỉ vừa quán. Riêng Phật giáo Bắc truyền, Thiền đã có vô số môn phái. Tùy mỗi thời đại, chư Tổ, Thiền sư sáng tạo một pháp môn mới thích ứng với căn cơ thời đại. Đại thừa thiền, Tiểu thừa thiền, Tổ sư thiền, khẩu đầu thiền, Tối thượng thừa thiền…mục đích chung là loại trừ tham chấp, bản ngã, vượt khỏi tính tuyến nhị nguyên để tâm thức không vướng bởi nhận thức thường tình, cũng không cho tâm phân tán. Có những pháp Thiền kết hợp với Mật hoặc Tịnh. Cũng có những loại Thiền tại Ấn, Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật…xử dụng vài câu Mật chú trước khi Thiền. Thiền không chỉ hành theo thời khóa mà phải miên tục 24/24. Khi tâm thức an trụ, như ánh sáng ngọn đèn không bị giao động, nhiệt lượng sẽ gia tăng, đó là yếu tố cơ bản trong mọi pháp tu. Ngoài ra, những pháp Thiền như Yoga, tu Tiên, đạo Sik, Kỳ na và vô số những pháp Thiền xuất hiện hàng ngàn năm nay trên thế giới, luôn có một kết quả nhất định trong một giai tầng nhất định. Thiền là loại kỷ thuật thao tác tích lũy năng lượng sinh học hỗ trợ cho năng lượng sinh thức phát quang. Nhiệt lượng của ánh sáng mặt trời được gom dưới kính hội tụ sẽ đốt cháy mọi vật dưới ánh sáng của kính đó, cũng vậy, năng lượng sinh học gom tụ dưới năng lực sinh thức sẽ đốt cháy vọng tưởng để phát sanh trí huệ. Tùy mục đích của mỗi loại Thiền mà đưa đến đạo quả khác nhau. Thiền ma thuật, Thiền Tiên giáo, Thiền Thần đạo. Thiển Thánh quả, Thiền Phật giáo…đều xử dụng năng lượng sinh học kết hợp năng lượng ngoại biên hỗ trợ cho năng lượng sinh thức.

Tịnh: pháp môn Tịnh độ, chuyên trì Hồng danh chư Phật, giáo chủ của mỗi cảnh giới đó, Tu Tịnh không chỉ niệm Hồng danh mà còn đòi hỏi nhiều công hạnh khác để hỗ trợ cho việc tu tập. Ngoài việc tín tâm mật niệm, hành giả còn hành xử công ích vô ngã; luôn tâm nguyện vãng sanh về cỏi Tịnh độ. Những năng lượng thanh đó hỗ trợ cho năng lượng sinh thức ngày càng quang đãng. Có những hành giả luôn quán tưởng ánh sáng thuần khiết của cỏi Tịnh mà mình hướng đến. Kết hợp năng lượng ngoại biên và năng lượng sinh thức miên tục, dần dần tâm thức được tịnh hóa, bạch tịnh thức hiển lộ. Một số người cho rằng Tịnh là pháp môn cầu tha lực, thực ra nếu không có tự lực thì cầu tha lực cũng không đem lại kết quả. Vì tế Tịnh môn là pháp vừa tự lực vừa tha lực. Thiền tuy là tự lực, nhưng nếu không có sự trợ lực từ năng lượng vũ trụ thì cũng khó mà thàh đạt. Một khi hành giả tọa thiền, dứt bặt tâm tưởng là lúc tiếp nhận năng lượng ngoại biên nhiều nhất, để đả thông kinh mạch, vận chuyển khí lực cho các luân xa phát triển, giúp kundalini vận hành hướng lên khai mở tuệ giác.

Mật tông: ám chỉ một tông phái chuyên về Thần chú hỗ trợ cho việc tu tập giải thoát. Ngoại đạo tà pháp dùng ấn chú phù phép, cũng có một kết quả nhất định, nhưng không vì mục đích giải thoát, và cũng không vì lòng từ. Thường những thầy Pháp do lợi dưỡng, thi thố tài năng để trấn áp, đối chọi với phần vô hình. Dùng năng lượng đen tối để trừ khử những năng lượng u ám có hại cho người sống. Khi thi thố khai triển tài năng, họ luôn mang tâm sân để chinh phục. Không những không chinh phục cảm hóa đối tượng mà còn tạo thêm oan trái oán hận. Phần năng lượng u ám đó luôn nuôi sự oán thù, không chống lại thầy Pháp thì cũng hại con cháu của thầy Pháp về sau. Những tương quan thuận lợi hay không thuận lợi giữa con người với con người, giũa người sống và kẻ khuất mặt luôn là mối tương quan nhân quả lẫn nhau. Một minh sư luôn hướng dẫn nạn nhân làm phước, tu tập để hồi hướng phước báu hầu hóa giải oan trái đó chứ không hề hướng dẫn cách trốn nợ hay áp đảo chủ nợ. Tôn chỉ của mọi tôn giáo đều đề cao “Tình thương”, tình thương là lòng bao dung hóa giải mọi mắc mứu. Mật tông không những dùng âm lực trì tụng mật ngữ còn kết hợp với ánh sáng năng lượng sinh thức hóa giải nghiệp thức cho tự thân, giúp cho tha nhân chuyển hóa sinh thức. Mật tông là một nghi thức phức tạp kết hợp giữa ấn chú ( âm lực) và năng lượng sinh thức ( ánh sáng tâm thức) qua nghi thức đàn tràng biểu thị cho các cảnh giới tướng và tánh của tâm thức. Đây là một bí pháp rất hiệu quả để chuyển “thức” thành “trí”. Sở dĩ có những nghi thức vô cùng phức hợp là để tâm thức hành giả không bị phóng túng; Dùng năng lượng sinh thức thao tác chuyên sâu qua các công đoạn hành trì tạo một nhiệt lượng nung nấu năng lượng sinh học, cọng thêm âm lực tác hưởng phát ra sóng từ, hóa giải năng lượng u tối chung quanh. Tâm thức lưôn làm chủ và có ý thức thường tại. Không những Mật tông, một số pháp môn trong Phật giáo vẫn mang âm hưởng của Yoga. Trong bộ Du già Sư Địa luận chứng minh điều nầy. Dù không nói gì về Yoga, nhưng khi hành giả tiến đến khai thông tuệ giác đều phải thông qua nguồn sinh lực các luân xa khai mở. Khác nhau là Yoga luôn nói đến vấn đề luân xa, Thiền hay các pháp môn khác không đặt nặng chúng mà chỉ quan tâm đến pháp hành.

Yoga: Yoga không phải là một tôn giáo, nó là một môn phái rèn luyện thể chất và tâm linh. Tuy không là tôn giáo, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng tín ngưỡng truyền thống Ấn Độ; Quan niệm vũ trụ vạn vật là một phần của Thượng đế Phạm Thiên, vì thế, con người cần phải trở về hợp nhất với chân ngã đó. Yoga có bốn loại: Karma Yoga – Bhakti Yoga – Jnana Yoga – Raja Yoga. Theo trình tự của Yoga, đưa hành giả đi từ thể chất đến tâm linh qua những công đoạn như thể dục, nghiên cứu, lễ bái trì niệm, phục vụ vô ngã, nghĩa là làm lợi ích cho mọi người mà không hề nghĩ đến quyền lợi riêng tư. thiền định…Trong Raja Yoga, giúp hành giả chủ động điều khiển ý thức và thân xác qua tám cách, trong đó có Hatha yoga rèn luyện thể lực và khí lực để thanh tẩy các kinh mạch. Theo Yoga, tuy luân xa 7 trên thượng đỉnh tiếp nhận năng lượng vũ trụ phân tỏa khắp cơ thể, nhưng khí lực quan trọng vẫn nằm ở phần dưới cơ thể; biểu tượng con rắn Kundalini tiềm phục tại luân xa 1, do công năng tu tập, vận khí hỏa hầu thông qua các huyệt lạc để khai mở hoa sen ngàn cánh tại đỉnh đầu.

Yoga cũng như các tôn giáo đều chủ trương giữ gới nghiêm ngặt để thân và tâm được thanh khiêt tạo năng lượng sinh hóa. Tương ứng với hạnh nguyện Bồ Tát đạo Phật: Trí huệ Bồ Tát, Tín Đức Bồ Tát và Tinh Tấn Bồ Tát. Không những ở Phật giáo mà một số giáo phái cổ tại Ấn, nội dung giáo lý và sở hành đều có điểm tương đồng nhau. Những hành trạng đều cùng mục đích nâng cao tâm thức hội nhập với chân thể vũ trụ. Hành giả Yoga đòi hỏi phải biết cách điều phục Thân ,Tâm, hơi thở trước khi đi vào Thiền và Định. Lúc bấy giờ hành giả không còn bị ràng buộc vào những giác quan phàm tục một khi thật sự được giải thoát. Các tôn giáo, triết lý, học thuật tại Ấn độ, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng lẫn nhau về một nền văn hóa cổ truyền. Nghiệp quả, luân hồi, vị tha, vô ngã, lòng bác ái, đại ngã, bản thể chân như, giải thoát, Thượng đế, Phật tánh … đuợc triển khai theo sự chứng đạt riêng của mỗi vị giáo chủ trong một khu vực riêng tư trên lãnh thổ mênh mông của Ấn Độ. Hầu hết các học thuyết, tôn giáo không ra khỏi nền văn minh sông Hằng. Tuy cùng một vấn đề, nhưng mỗi học phái, mỗi tôn giáo có cách diễn đạt riêng, có một quan điểm cá biệt. Thượng đế của Ấn giáo không hẳn là một đấng sáng tạo như Kyto giáo, nhưng là tính hằng hữu trong mọi sinh vật. Nó tương ứng với quan niệm Vô cực của Đạo học, nó không là một chủ thể, nó là tự tánh hằng hữu, một Như Lai tạng tánh của đạo Phật. Bàng bạt khắp vũ trụ, từ cái kiến đến tinh tú…Bản chất hằng hữu đó, dưới nhãn quang của các tôn giáo và học thuyết Ấn độ là một dạng ánh sáng, dạng quang năng.

Không phải ngẫu nhiên các ảnh vẽ về các giáo chủ, thánh nhân đều có vầng hào quang quanh đầu. Mỗi khi đức Phật phóng quang đều xuất phát từ đỉnh đầu hoặc giữa trán, nghĩa là từ luân xa 7 hoặc luân xa 6. Tại sao không vẽ hào quang toàn thân? Chỉ có các giáo chủ, thánh nhân mới có hào quang hay tất cả chúng sanh đều có? Cốt lõi vấn đề không phải là hào quang nằm ở đâu, nhưng ý nghĩa hào quang là dạng quang năng sinh thức hằng hữu trong mọi loài mà chư Phật, chư Thánh đã khôi phục lại nguyên tính vốn hằng hữu của nó.

Trong cỏi hữu hình lẫn vô hình, quang năng và âm lực tạo nên sự sống của mọi sinh thức. Big Bang cũng như Đạo học đã đề cập như là một yếu tố đồng thời, cùng xuất hiện và cùng tồn tại, chúng ẩn tàng trong mọi dạng thức, đánh lừa cảm quan chúng sanh, từ đó, chúng sanh xa dần với cội nguồn nguyên thủy, càng ngày càng trôi lăn trong 6 nẽo luân hồi. Các tôn giáo có mục đích đưa nhân loại về lại cội nguồn bằng những giáo lý xây dựng trên nền tảng quang năng và âm lưu nội tại. Tự tánh Di Đà là một trong những pháp môn giúp hành giả nhận chân Bản lai diện mục của chính mình.

MINH MẪN

22/11/2011

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

TỰ TÁNH DI ĐÀ 5

Tương quan tối hậu

Như đã nói trong bài số 4, một số tôn giáo tại Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng lẫn nhau trong một số quan điểm khi cấu thành giáo lý cá biệt, đồng thời cũng lập thành những kiến giải, những quan điểm về vũ trụ, về nhân sinh và về xã hội, từ đó có những luật giới răn cấm mang tính cực đoan khắt khe và khổ hạnh nhằm mục đích thăng tiến tâm linh.

Khởi đầu cho một quan điểm về nhân sinh và vũ trụ, đặt trên nền tảng tâm linh, đức tin, luôn là một luận thuyết mang tính triết học và cực thiện. Một khi biến thành một tổ chức, một lực lượng đông đảo quần chúng, vấn đề nghi tắc sẽ phát sanh; Khi quần chúng đông đảo với trình độ phổ thông và lòng trung thành cuồng nhiệt, học thuyết tâm linh đó bị kéo xuống ngang tầm sinh hoạt đại chúng mang nặng hình thức với nhiều màu sắc. Thời gian càng lâu dài, học thuyết tâm linh đó càng mang vẻ thần bí và hiện thân qua nhiều biểu tượng sắc tướng cũng như âm điệu nhạc lễ, từ đó, biến sanh một tôn giáo. Nói cách khác, tôn giáo là sự xuống cấp của một học thuyết tâm linh mà khởi nguyên, các vị khai sáng không chú trọng đến ngẫu tượng và tán tụng. Càng biến tướng tôn giáo, hình thức càng rườm rà, thần bí càng đậm sắc siêu thực. Tuy nhiên, những tin ngưỡng thần học cổ thuần túy tôn giáo như Ấn giáo Phệ Đà và một số giáo phái cổ của Ấn Độ, luôn sùng phụng và thần hóa một vị anh hùng trong các cuộc chiến đấu bộ tộc; phụng bái các hiện tượng thiên nhiên, đó không là học thuyết tâm linh mà là thuần túy một tín ngưỡng với nhiều lễ nghi hiến tế và đẳng cấp chức sắc. Khi Bà La Môn xuất hiện, đã nâng cấp Phệ Đà lên mối tương quan tâm linh giữa nghi lễ tụng tán, hiến tế và với năng lực siêu nhiên. Trình độ dân trí mỗi lúc một tiến hóa, Bà La Môn gíáo cũng cải tiến quan điểm, bổ sung một số luận thuyết mang tính triết lý về luật luân hồi, nhân quả, nghiệp tái sinh…trong Áo Nghĩa Thư. Từ đây, quần chúng không chỉ biết cầu nguyện để vãng sanh Thiên quốc mà còn phải hành thiện tạo nhân lành. Chư Thiên và hiến tế không giúp liễu sanh thoát tử, vì chư Thiên vẫn còn chịu tác động bởi luật nhân quả, vẫn chịu tái sanh theo nghiệp lực. Từ đấy, Giai cấp tế lễ không còn độc quyền; khởi đầu cho các giáo thuyết độc thần, vô thần , phi thần phát sinh.

Nói về tự tánh quang năng, ta xét đến những học thuyết không thuộc phạm trù tín ngưỡng tôn giáo, những học thuyết mang tính triết học tâm linh siêu hình và nội tại như Phật giáo, Kỳ Na giáo, Yoga…

Giáo chủ Kỳ Na – Mahavir, xuất hiện cùng thời với Đức Phật , nhưng theo sử liệu của Kỳ Na thì có trước thời Phệ Đà, trãi qua 24 vị tổ truyền thừa, nghĩa là đã xuất hiện hàng ngàn năm, nhưng các sử gia phương Tây không chấp nhận luận điểm đó vì không có một sử liệu chứng minh sự truyền thừa; về đại thể và lịch sử giáo chủ Mahavir, hình như không khác nhau mấy đối với Phật giáo, cũng xuất thân từ hoàng tộc, cũng bỏ ngôi báu đi tu. Về giáo lý cũng chủ trương chay tịnh, bất bạo động, thoát ly sanh tử; Nhưng Kỳ Na giáo chủ trương khổ hạnh. Kỳ Na giáo không chấp nhận một Thượng Đế sáng tạo vạn vật, quan điểm nghiệp quả do chính mình tạo nên, muốn thoát ly sanh tử phải khổ hạnh hành xác trả quả. Bất bạo động từ ý nghĩ đến hành động và lời nói để không tạo thêm nhân quả mới. Một hệ phái khác của Kỳ Na giáo là Digambaras mang tính cực đoan hơn về giới luật như phải chấp nhận những điều khổ hạnh: đói-khát-lạnh-nóng- không mặc áo quần-sống chung với muỗi, chuột, con trùng, xa lìa vật chất, tính dục…Kỳ Na giáo chấp nhận tính tương đối và hai mặt trong một hợp thể như nhị nguyên của nhà Phật hay lưỡng nghi của Đạo học. Kỳ Na mang tinh thần triết học trong cuộc sống và siêu hình học trong nhận thức. Quan điểm tu tiến thăng hoa của Kỳ Na nhắm vào mục đích trả nghiệp và ngăn nghiệp để thoát khỏi sự ràng buộc chi phối của nghiệp quả. Như vậy năng lượng sinh học bị hạn chế cho việc hỗ trợ năng lượng sinh thức khi mà thân xác phải chịu nhiều khổ hạnh. Và năng lượng sinh thức cũng khó phát huy hết nhiệt lượng để khai triển ánh sáng trí tuệ. Khác với các tôn giáo cổ chuyên về nghi lễ hiến tế tán tụng, Kỳ Na tập chú vào thiền định, dùng tâm thức để quán chiếu mọi hành hoạt, nhất là bất bạo động trong tư tưởng và bất tổn hại qua hành động cũng như sinh hoạt thường ngày. Khác với quan điểm Phật giáo, Kỳ Na nhìn vấn đề vũ trụ, nhân sinh và đời sống của một hành giả là một thực thể, tồn tại khách quan, sự hiểu biết của con người đối với mọi vật bị hạn chế, trong khi đó Phật giáo được lập cước trên căn bản tự tánh cá biệt :” nhất thiết duy tâm tạo” và “tam thế duy tâm vạn pháp duy thức”. Một điểm trùng hợp giữa Kỳ Na và Phật giáo là không bị khống chế bởi quyền năng ngoại tại, vì thế vô thủy vô chung là quan điểm thoát khỏi một đấng sáng tạo để cá nhân toàn quyền quyết định vận mạng mình theo nghiệp vận nhân quả do mình tạo ra. Đòi hỏi vận dụng trí tuệ để đưa đến giác ngộ, đó là quang năng tự tánh hằng hữu. Do quan điểm sở kiến khác nhau nên đưa đến pháp hành và luật giới khác nhau mặc dù có vài điểm trùng hợp như tôn trọng sự sống, lìa xa vật dục, phủ nhận giai cấp....

Ấn giáo – Trước khi có sự phân định minh bạch các tôn giáo tại Ấn độ, người ta nhìn chung các tôn giáo đương thời gọi là Ấn độ giáo, vì thế một số nhà nghiên cứu phương Tây đã nhận định: Phật giáo, Kỳ Na giáo, Yoga và các giáo phái nhỏ khác là những chi nhánh của Ấn giáo, thật ra những học thuyết tín ngưỡng từ thời Phật xuất hiện, các triết gia, Yoga…không phải là chi nhánh của Ấn giáo mà do Ấn giáo thống trị xã hội bằng những quan điểm giai cấp và nặng về tín ngưỡng thần quyền, hiến tế sinh vật, tạo ra luật Manu để bảo vệ đặc quyền cho giai cấp Tăng lữ cấu kết với thế quyền để khống chế các giai cấp thấp trong xã hội. Ấn giáo sau thời Vệ Đà, qua nhiều canh tân được gọi là Bà La Môn giáo, còn gọi là Hin đu chối bỏ một Ấn giáo Phệ đà, được nâng cấp lên hệ tầng triết luận và khoa học hơn, đó là hậu Vệ đà, ảnh hưởng không nhỏ nền văn hóa của giống dân Ary an. Áo Nghĩa Thư đã biết luận chứng về nghiệp quả, luân hồi và siêu hình. Một bộ phận nhỏ của giới Tăng lữ chuyên tu luyện trong thâm sơn cùng cốc đã nương vào bộ Sấm thư hướng dẫn pháp hành. Dần dà phát triển một hệ phái thoát khỏi quan điểm Thần học. Lấy tự tánh để chuyển hóa nghiệp quả, không cần phải cầu xin thần linh hay hiến tế như giai cấp Tăng lữ Bà La Môn; Từ đây, vô số học phái xuất hiện với một quan điểm mới, Thần học biến thành vô Thần, phi Thần như Phật giáo, Kỳ Na giáo, phái Số Luận, Karma Yoga- Jnana Yoga- Raja Yoga… Thần sáng tạo Brahman dần dần là tự tánh của một Atman; Atman và Brahman là một. Những học lý như thế xuất hiện hậu Bà La Môn giáo, phát sanh hàng loạt môn phái hoạt động tâm linh, ly khai với Thần giáo. Lấy con người làm trung tâm để chuyển hóa cuộc sống và vũ trụ.

Yoga, Tuy thoát thân từ Ấn giáo Vệ Đà, ngoại trừ Bhakti Yoga chuyên về tế lễ, nặng ảnh hưởng Tôn giáo cũ, bốn loại yoga còn lại không mang tính thần quyền. Có mặt trên 5.000 năm trong cái nôi Ấn giáo, từ sự nhiêu khê của lễ tục, nặng về mê tín và giai cấp, những tu sĩ cấp tiến đã nhận thức rõ tiến hóa tâm linh không lệ thuộc vào thờ cúng, giá trị con người không nằm ở giai cấp mà do ý thức và sự hành xử. Chính vì thế, Đức Thích Ca đã có câu nói nổi tiếng:” Không có giai cấp trong giòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”, và tiến bộ hơn, các Tăng lữ không bị ràng buộc vào vật dục thế gian để tâm tư vượt thoát sự chiêm nghiệm. Hành giả thực hiện Karma Yoga cẩn trọng lời nói, hành động trong ý nghĩa nhân quả, Jnana Yoga có tính minh triết, dựa vào kinh thư để luận đàm tìm ra chân lý. Raja Yoga mang tính quán chiếu nội tại, thoát khỏi tinh thần tôn giáo để đưa đến giải thoát giác ngộ. Hatha Yoga là loại thể dục và đức dục, tuy vậy, đỉnh cao của Hatha Yoga vẫn đưa đến tâm linh trước khi bước qua ngưỡng cửa Raja Yoga. Khởi đầu của Thiền định là sự chiêm nghiệm Thần linh, đấng tối cao Ishvara, hòa nhập trong tĩnh lặng; Khi phát triển năng lực thiền định, tiến bộ trong nhận thức phi lễ tục, Bà La Môn nâng tâm thức và linh hồn hòa nhập cùng Brahma làm một; trong khi đó, Thần học Kito cũng từ chiêm nghiệm và hiến dâng, có một ranh giới giữa Thượng đế và cá thể: “ Chúa ở cùng cha, Chúa ở cùng anh chị em”, và về Thiên quốc hầu cạnh Chúa, quỳ bên chân Chúa, nghĩa là có một đối thể để cá thể đi vào. Ngược lại, Phật giáo trên tầng minh triết, cá thể và đối thể chỉ là một, khác nhau từ sự chuyển hóa mà không phải hội nhập. Ngoài những hệ phái tâm linh, một số giáo phái đương thời chú hướng đến luận lý để tìm ra chân lý. Những luận đề đều đặt trên cơ sở giáo thuyết cổ. Cho dù Kỳ Na hay những hệ phái tâm linh đương đại có tiến bộ hơn Bà La Môn, cố thoát khỏi ràng buộc của tôn giáo chính thống đó, nhưng vẫn là sự hội nhập cùng đối thể không thông qua lễ bái. Riêng Phật giáo, Thiền là phương tiện hướng nội, thoát mọi ảnh hưởng ràng buộc cho dù là đức Phật, giải thoát hoàn toàn, giải thoát ngay chính tâm thức tự thân, năng lượng sinh thức từ đó mới tỏa sáng mà không bị vướng bận bởi hạn giới của bất cứ đối thể nào.

Mỗi hệ phái, mỗi tôn giáo đều có một năng lượng nhất định, năng lượng đó không đến từ bên ngoài mà hiện diện ngay chính tự thân, tùy phương tiện khai thông mà năng lượng được phát triển vô tận hay bị hạn chế. Các tôn giáo và ngay cả Kỳ Na giáo đều công nhận thế gian pháp là thực hữu, chỉ có tâm thức, sự nhận định là bị hạn chế nên không thấu hiểu hết bản chất sự thật vũ trụ. Phật giáo lại nói rằng: “ Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” hoặc là” Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyển bào ảnh”. Chính vì không có thật tướng đó nên tâm thức hành giả không bị giới hạn bởi giả tướng, vượt thoát hoàn toàn khi hành giả thực chứng vô sanh pháp nhẫn. Năng lượng sinh thức bùng vỡ. Chính vì vậy, hầu như kinh tạng Phật giáo đều mang dấu ấn của tính KHÔNG. Một khi không vướng vào những hiện tượng dù là hữu vi hay vô vi, năng lượng sinh thức mới toát hiện hết được năng lực tiềm ẩn, đó là quang năng của Tự Tánh Di Đà. Bên Đạo học tuy không nói đến đấng sáng tạo, nhưng hành giả Tiên gia cũng quy nạp “Tam giáo quy nguyên để Ngũ chi hiệp nhất” hợp với cơ sáng tạo. Phật giáo có “ Tam quy ngũ giới” thì Tiên giáo có “Tam Bửu ngũ hành”. Tam Bửu của Tiên gia là Tinh-Khí-Thần. Tam bửu nầy hiệp nhất ( do quá trình luyện đạo) tượng hình Vô cực, một năng lực phi thường, đắc được Kim Thân bất hoại là khai mở tuệ giác thoát ly sanh tử.. Khai mở tuệ giác của Tiên gia là năng lượng sinh thức được cân bằng Âm-Dương thoát khỏi trần tục trở về với vô cực, đó là bậc Chân nhân của Tiên giáo.

Thế thì, ngoài những tôn giáo mang tính Thần quyền, các môn phái lấy tự thân làm điểm chuyển hóa mọi ràng buộc của thế tục, cũng đều đưa đến sự khai mở quang năng sinh học vốn tiềm ẩn trong mỗi sinh loại. Tùy mỗi pháp hành khác nhau, lấy tiêu điểm cho pháp hành khác nhau mà kết quả có khác, nhưng cái chung vẫn là khai mở Tự Tánh Di Đà sẵn có của chúng ta.

MINH MẪN

15/12/201

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

TỰ TÁNH DI ĐÀ (6)

Vạn pháp quy tâm

Tâm thể vốn dĩ là nguồn sáng, do khởi niệm vô minh mà nguồn sáng suy giảm. Vô minh càng dày thì nguồn sáng càng bị mờ, nghĩa là nguồn sáng tâm thức bị bao bọc bởi vỏ vô minh đặc quánh nên chúng sanh càng trầm luân tăm tối. Các hành giả tâm linh cảm nhận được vấn đề, tìm tòi, quán chiếu. Mỗi hành giả tìm một cách, thành đạt một khía cạnh, phát minh một phương pháp hành Thiền khác nhau, tựu trung cũng đều đi đến khai sáng tâm linh, trí huệ phát triển.

Các hành giả Tiên gia, kết hợp tam bửu, ngũ hành cùng ngũ tạng, dụng tâm dẫn khí, dùng tưởng vận hành khí lực, trí huệ phát sanh, kết quả thành đạt tất yếu khởi từ vật thể, khó thoát khỏi tam giới. Cho dù vô sắc giới cũng còn trong lục đạo tam đồ. Trụ tâm bất cứ nơi đâu, thông thường ở Đơn điền, các hành giả pháp nầy quan niệm Đơn điền là trung tâm nhân thể, tương ứng với trung tâm vũ trụ, thuộc hành thủy, nơi phát sanh mọi vật mà một số luận thuyết - nước khởi thủy của sự sống, phát sanh ra vạn vật; có những hành giả thành đạt từ đây, cũng không thiếu hành giả tẩu hỏa, nhẹ thì cuồng dâm, nặng thì loạn trí. Tương ứng với vị trí vũ trụ, Đơn điền thuộc Dục giới, sở dĩ cỏi dục cuồng loạn do âm tính phát triển quá mạnh; cơ phần phía trên nhân thể là sắc và vô sắc giới, tức là vẫn còn hạn chế trong Tam giới. Sắc và vô sắc thuộc cỏi Trời, cỏi Tiên, Dục giới dành cho ngũ thú tạp cư địa. Quan điểm luận thuyết của pháp hành nầy, khi Thủy - Hỏa ký tế giao thoa, ánh sáng mặt trời từ phần trên chiếu rọi xuống đại hải (đơn điền) phần dưới, ánh sáng sẽ phản chiếu ngược lên đỉnh Côn Lôn, tỏa rạng đắc pháp. Trường hợp nầy phải hiểu là năng lượng sinh thức được kích hoạt bởi năng lượng sinh học và định lực sâu dầy.

Có những hành giả ngồi Thiền, chú tâm vào một điểm sáng trước mặt, lâu ngày định lực đầy đủ, ánh sáng từ đỉnh đầu hoặc từ đệ tam nhãn cũng phát quang. Năm 1966, núi lớn Tô Châu, Hà Tiên, sư Yên cũng hành pháp nầy, áng sáng phát trên chót thất như lửa, chung quanh chỗ ngồi cũng tỏa quang, đêm đến, cọp về quần chung quanh chỗ ngài tu, các sư tu chung quanh núi, và quần chúng dưới chợ ngưỡng mộ lên viếng quá đông, chẳng bao lâu sau, do động tâm khởi vọng, bị tẩu hỏa nhập ma, xuống núi quậy phá, bỏ tu, đi lang bạt.

Thử duyệt qua một số pháp hành tương ứng với quang năng tự tánh:

A/ - Kim Cang Thừa, Mật tông, tuy hình thức nghi lễ khá phức tạp, nhưng mang một triết lý ẩn tàng thâm diệu. Đồng quan niệm “ nhất bản tán vạn thù” hay “thái cực sanh lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái” mà có vạn vật. Từ “chơn tâm khởi vọng niệm sanh vô minh” mà thiên hà vạn pháp tồn tại; trên căn bản đó, Mandala được thành lập, một biểu tượng của biến dịch sanh diệt. Mandala biều tượng tâm thức học Phật Giáo, trung tâm Mandala biểu trưng chân tâm, khởi nguyên, là hạt mầm thu hút năng lượng và phát triển dạng thức; Bốn hướng là bốn cửa phóng xuất và thu nạp, được bao bọc bởi vòng tròn để bảo vệ sự tinh túy của chân tâm. Mặc dù tâm thức có phóng xuất nhưng vẫn được bảo hộ duy trì bởi một điểm tinh quang của trung tâm điểm, đó là quang năng Như Lai Tạng. Mandala biểu tượng tâm lý Hỷ-Nộ-Ái-Ố cũng như Từ - Bi-Hỷ-Xả. Diễn đạt quá trình hình thành tâm lý phản ánh hiện tượng vũ trụ quan Phật giáo. Tam đồ lục đạo cũng được hiểu là vòng sinh hóa luân hồi sanh tử, càng đi xa trung tâm điểm, biểu tượng tâm lý càng phức tạp. Từ trung tâm điểm của Mandala phóng xuất ra bốn phương tám hướng biến sanh thiên hình vạn trạng do tâm thức của chúng sanh xoay vần mãi nên được hiểu Mandala dùng trong lễ Kalachakra là vòng sanh hóa, đồng thời cũng từ các phương hướng đó được giới hạn bởi vòng tròn để luôn hướng về bản tâm tại trung ương. Do sự biến dịch vô cùng của tâm thức và pháp giới mà các màu sắc khác nhau biểu tượng trên đồ hình Mandala như: Trắng-vàng-đỏ-xanh lục- xanh đậm. Màu sắc càng xa trung tâm, càng biến thiên đa sắc, như tâm chúng sanh càng vọng động càng đa dạng vô minh.

Không như Thiền tông, trực chỉ chân tâm để hành giả vọt thẳng vào tánh giác, điều nầy đòi hỏi căn cơ cao mới thích hợp, bằng không, dễ tán loạn tẩu hỏa. Riêng Kim Cang Thừa, nghiên cứu diễn biến tâm lý chúng sanh huyển hóa vô cùng, nên hướng dẫn hành giả đi từ vòng ngoài lần vào trung tâm điểm của tánh giác qua đồ hình Mandala. Một guru của Kim Cang Thừa nắm vững một cách tuyệt đối về động lực chuyển hóa, xử dụng chúng để thoát khỏi vòng luân hồi của chúng. Động lực biến thiên của tâm thức và pháp giới có một mãnh lực to lớn, rất nguy hiểm, nếu một hành giả không được bậc minh sư hướng dẫn, cũng bị lạc vào mê hồn trận của năng lực vô hình do nghiệp thức chúng sanh vây bủa, dễ sanh vào tà pháp hoặc tẩu hỏa.

Mỗi tôn giáo đều quy định một điểm đến gọi là đấng tối cao, hoặc là Thượng đế, hoặc Allah, Brahma, Phật tính…Một điểm mà từ đó bị vọng niệm phóng xuất nên đọa lạc khổ đau. Cách trở về điểm trung tâm đó, mỗi giáo phái có một phương cách khác nhau, từ những phương cách mà ta gọi là pháp môn, qua năm tháng biến thành tôn giáo. Kim Cang thừa có một cách đưa hành giả trở về qua nhiều cửa mà chúng sanh trải qua bằng những động lực chuyển hóa khôn lường, vì thế đòi hỏi nhiều công phu tu tập sau khi trải qua một chương trình học hỏi nghiêm túc của các tu viện. Biểu trưng của Mandala, trung tâm điểm là vị Phật, là ánh sáng, là chân tâm nguyên thủy. Hành giả trải qua nhiều khảo nghiệm và thể nghiệm tâm linh, tiến dần đến Phật tánh của chính mình, từ đó trí huệ bùng phát; trí huệ đó vốn dĩ đang tiềm ẩn nơi chân tâm, tánh giác, chân tâm tánh giác đó cũng chính là trí huệ đại giải thoát, đại giác ngộ, là Vô lượng Quang.

Mandala là hình ảnh không chỉ có trong Kim Cang Thừa, đạo Hindu, Christianity, Vishnu, Jain…đều có biểu tượng vòng tròn diễn đạt quan điểm về nhân sinh, vũ trụ của giáo thuyết mình. Nhưng riêng Mandala của Kim Cang Thừa mang sự ẩn nhiệm sâu sắc của Tam đồ lục đạo, những diễn biến tâm sinh lý nhân loại, biểu tượng kết hợp âm dương đối đãi; hành giả thuận theo sự biến hóa của tâm tướng đó mà lần về trung tâm điểm của tánh giác. Người ngoài không am hiểu quy trình tiến hóa của pháp nghi hành giả, có ý nghĩ sai lệch về những biểu đồ, xem như sự rườm rà mê tín, nhưng, mỗi Mandala cho mỗi pháp nghi đều khác nhau, ví dụ Mandala Chakravartins, Vajravarahi Mandala, Kalachakra Mandala. Tuy Mandala Kalachakra phức hợp nhưng kết cấu đồ hình theo một sự cân xứng toán học mà các Lạt ma phụ trách phải trải qua một thời gian dài học hỏi giáo lý, hành trì và nắm vững ý nghĩa màu sắc, vị trí từng biểu tượng trên Mandala. Tóm lại, Kim Cang Thừa là một hệ thống giáo dục tâm linh thông qua biểu đồ Mandala và kinh điển Mật thừa rất ư nghiêm túc, chính vì thế, các cao Tăng chủ động chuyển hóa thần thức theo hạnh nguyện và giúp người quá cố vãng sanh theo sự điều hướng năng lực của vị Lạt Ma chủ tế. Các tông phái Phật giáo, chỉ có Kim Cang Thừa còn duy trì được nền giáo dục và sự hành trì vững chắc, có hệ thống quy củ suốt hàng trăm năm, cho dù bị mất nước, họ vẫn bảo lưu được nền văn hóa tín ngưỡng tâm linh theo bước chân lưu lạc trên quê hương xứ người.

Ngoài biểu đồ Mandala, Kim Cang Thừa còn vận dụng âm lực qua những mật ngữ Thần chú. Tức là Kim Cang thừa kết hợp giữa Âm thanh và Ánh sáng trong việc tu luyện triển khai quang năng tự tánh, tiến đến giải thoát.

Cũng theo dạng Mật thừa, một số ngoại đạo dùng mật ngữ để tôi luyện, những hiệu quả của thế gian pháp như bùa chú thần quyền có công năng nhất định mà không chú hướng đến giải thoát, nên vẫn còn trôi lăn trong sanh tử theo nghiệp nhân xử dụng. Ánh sáng phát triển của những bộ môn nầy không phải ánh sáng của tự tánh mà là loại năng lượng âm do ý tưởng vị kỷ vì mục đích lợi lộc thế tục. Phần lớn Đông Mật của Nhật cũng nặng về Thần quyền hơn là giải thoát, tuy phát xuất từ Tạng mật.

B/- Thiền tông.- Ai cũng biết, không nói đến pháp Tứ niệm xứ, Quán niệm hơi thở mà cả Hán Tạng lẫn Nikaya đều có, loại Thiền phổ biến hiện nay ở Việt Nam, Trung Hoa, Đài Loan, Nhật, Nam Triều Tiên..đó là Tổ sư Thiền, hay còn gọi là Thiền Tham thoại đầu. Thiền xuất phát từ Ấn độ, theo truyền thuyết, khởi sự từ cánh hoa tĩnh mặc trên tay đức Thích Ca tại non Linh Thứu, từ đó, Tâm truyền tâm đến tổ thứ 28, qua Trung Hoa và Việt Nam đến đời thứ 33 là bị đoạn mạch tâm linh, Thiền biến dạng một hình thái mới mà ngay cả tại quê cha đất tổ cũng không lưu một dấu vết di truyền. Tuy nói truyền qua 28 đời tổ, các nhà nghiên cứu cũng chưa tìm được dấu tích truyền thừa miên tục trong quá khứ tại Ấn Độ. Nếu bảo – “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự” thì cũng còn những giòng truyền thừa như sự truyền thừa vẫn lưu tích tại Việt Nam, Trung quốc và một vài vùng thuộc châu Á. Tuy nhiên Vipassana là loại Thiền - tông truyền phổ biến trong cộng đồng Phật giáo nguyên thủy. Từ kinh điển cho đến hành trì được lưu truyền không gián đoạn. Nếu Tây Tạng được xem là cái nôi bảo tồn Kim Cang Thừa thì Myanmar là trung tâm thực hành pháp môn Minh sát tuệ một cách nghiêm mật và hiệu quả nhất. Khác với Vipassana dùng Thân-Thọ-Tâm-Pháp để quán xét, các thiền phái của Bắc truyền đa dạng vượt ngoài văn tự. Chính vì thế mà có Tổ sư thiền, đại thừa thiền, Như Lai thiền, Tối thượng thừa thiền…và những thế kỷ gần đây còn nhiều loại thiền chưa được hợp thức hóa trong Phật giáo, mặc dù cũng tuyên dương giải thoát. Các đoàn thể tâm linh khác ngoài Phật giáo, họ vẫn có pháp Thiền riêng. Thiền đại thừa thường xử dụng tiêu chí của đạo Lão :” giáo ngoại biệt truyền - bất lập văn tự”. Vì vậy mà kinh điển, văn bản không hề tìm thấy pháp hành phổ biến như pháp hành của Minh sát Tuệ thuộc trường phái Nam Tông trong kinh điển Phật giáo.

Tổ sư thiền xuất hiện tại Trung Hoa, đời Tống, để giúp hành giả đoạn trừ vọng tưởng, chư tổ đưa hành giả tham vấn từ trạng thái suy diễn của đầu óc sang lãnh vực tự tánh thường trụ, thoát khỏi mọi diễn dịch của ngôn ngữ, trong trạng thái đó gọi là nghi tình, tức trạng thái thắc mắc nghi vấn mà không cho phép giải đáp. Tâm trụ vào trạng thái đó lâu ngày sẽ được bùng vỡ, gọi là hoát nhiên đại ngộ. Như ánh sáng mặt trời gom vào kính hội tụ, mọi vật nằm dưới tấm kính đó sẽ bị thiêu cháy, cũng thế, mọi vọng tưởng đều bị thiêu hủy dưới năng lực tập chú nghi tình như thế. Năng lượng sinh học hỗ trợ định lực để phát triển tự tánh quang năng. Phương pháp nầy đòi hỏi hành giả cần đủ ba yêu tố: đại chí – đại tín – đại nghi, phải quyết chí tới cùng, đặt niềm tin trọn vẹn vào công năng tu tập sẽ chắc chắn có kết quả và tạo một năng lực đại nghi để đạt đại ngộ. Vì thế Thiền sư Bạch Ẩn bảo: “Đại nghi đại ngộ”.

Nói như thế là lối nói để thích nghi với pháp án của hành giả, thực chất của mọi pháp án cũng chỉ là cách triển khai năng lượng sinh thức bằng phương tiện tập chú năng lượng sinh học loại trừ âm tính của tâm thức do tập khí nhiều đời huân tập.

Thiền Vipassana cũng thế, nhưng không đòi hỏi hành giả căng thẳng quá mức của đầu óc. Cái khác nhau giữa Thiền tham thoại đầu và Minh sát tuệ là: Tham thoại đầu tập chú vào một “nghi tình” trong trạng thái định lực vào một điểm. Minh sát tuệ thì theo sự diễn biến của thân và tâm trong trạng thái quan sát; nó cũng thuộc dạng định nhưng là định trong một phạm vi rộng rãi và linh hoạt hơn. Ví dụ theo dõi từng bước chân, từng hơi thở, nó có vẻ nhẹ nhàng thong dong hơn. Trong các thiền đường của Vipassana, ngoài mục đích Minh sát tuệ, thiền sinh còn được hỗ trợ mọi sinh hoạt thân tâm trong một nội quy như ăn uống trai phạn tinh khiết do ban tổ chức phục vụ, tịnh khẩu trong thời gian thực tập, giới luật tinh nghiêm và hành thiền miên mật ngoài thời gian sinh hoạt cá nhân, ăn uống ngủ nghỉ. Những quy luật như thế giúp hành giả loại trừ những ô tạp thường ngày, ít nhất 10 ngày, thiền sinh mới quen cách làm chủ thân tâm trước khi về đời thường tiếp tục hành trì.

Những phương thức như thế giúp hành giả thanh lọc và tập trung năng lượng sinh học để phục vụ cho năng lượng sinh thức mà từng có nhiều hành giả Vipassana đã đạt được Tuệ giác.

Ngoài những môn Thiền chính thống được truyền thừa và được công nhận, một số Thiền phái tự phát như Vô Vi pháp cuả Tư Sự, mở bộ đầu của Lương Sĩ Hằng, thiền Minh sư biến cải từ đạo Lão. Một vài hành giả xử dụng lục tự Di Đà an vị trên sáu đại huyệt luân chuyển theo hơi thở ra vào lâu ngày cũng đạt được đại định. Cũng có trường phái tâm niệm lục tự Di Đà kết hợp tưởng thức bằng ánh sáng phát xuất từ đệ tam nhãn đến lúc ánh sáng phủ trùm châu thân, lúc bấy giờ tự tánh Di Đà, ánh sáng và hành giả chỉ là một. Khi hành giả nhập vào đại định, tất cả là biển ánh sáng mênh mông vô tận; hành giả vẫn có ý thức nhưng không còn phân biệt mình và ngoại cảnh, mình đang ở đâu và ngoại cảnh nầy đang ở đâu.

Một trường phái hành pháp xả tâm, buông bỏ tất cả vọng niệm, ngay cả ý thức cũng xả bỏ. Như cây chuối được lột bỏ từng bẹ một để kế quả cuối cùng không còn gì gọi là thân cây chuối, cũng thế, cái gọi là ngã, bản ngã do huân tập vọng tưởng, ý thức, kiến giải nhiều đời tạo thành một thân nghiệp, trôi lăn trong sanh tử, pháp xả tâm là pháp loại trừ tất cả vọng tưởng, ý thức để không còn cái tôi, cốt lỏi của nghiệp thức thì tự tánh quang năng hiển lộ. Pháp “Tri vọng chỉ vọng” cũng tương tự như thế, nhưng không đi thẳng vào cốt lỏi như pháp xả tâm mà chỉ gỡ từng phần khi biết đó là vọng, nghĩa là vọng khởi là xả bỏ, tức là đợi vọng khởi mới xả bỏ, trong khi pháp xả tâm chủ động trước khi vọng tưởng phát khởi.

Tóm lại, hiện nay, các thiền phái ngoài hệ thống nguyên thủy Nikaya, tự do phát triển theo căn cơ linh hoạt của Bắc tông, vô số pháp hành xuất hiện mà dưới cặp mắt của nguyên thủy, xem đây là ngoại đạo chệch hướng của Phật giáo. Nhưng chư Tổ không quan niệm cứng nhắt như thế, tất cả đều là phương tiện để đi đến mục đích giải thoát mọi vọng tưởng, miễn sao trí tuệ phát sanh lòng từ bi hiển lộ, và tâm an lạc, không bị vướng chấp bất cứ đâu là đúng tiêu chí hành trì. Những pháp hành tự phát của Phật giáo Bắc Tông, khởi thủy vẫn bị xem là goại đạo như Bồ Đề Đạt Ma bị vua Lương Võ Đế chụp mũ, một thời gian lâu dài mang lại kết quả nhất định, thì hiệu quả và thời gian sẽ là thước đo công lý cho các pháp hành như thế. Vì vậy ta không lạ gì khi pháp hành “ Hiện Pháp Lạc Trú” hay” Tri Vọng Chỉ Vọng” của các Thiền sư hiện thời vẫn bị một số cố chấp vu chụp là ngoại đạo vì không có trong kinh điển, không có sự truyền thừa…

Những bài tiếp theo, sẽ xét đến các pháp môn ngoài Phât giáo vẫn có sự tương đồng đem đến kết quả nhất định, mặc dù cách diễn đạt và ngôn từ không tương thích với Phật giáo. Bất cứ pháp môn nào đặt trên cơ sở Tam Pháp ấn, mục đích đưa hành giả đến giải thoát, phải trải qua tiến trình năng lượng sinh học, năng lượng sinh thức và đưa đến năng lượng siêu thức đều cùng mục đích của Đạo Phật. Cho dù bất cứ pháp hành nào, ngôn từ nào diệt bỏ bản ngã để hiển lộ chơn tánh đều có thể chấp nhận như chấp nhận các pháp thiền Đại thừa ngày nay.

MINH MẪN

05/02/2012