Vạn pháp quy tâm
Tâm thể vốn dĩ là nguồn sáng, do khởi niệm vô minh mà nguồn sáng suy giảm. Vô minh càng dày thì nguồn sáng càng bị mờ, nghĩa là nguồn sáng tâm thức bị bao bọc bởi vỏ vô minh đặc quánh nên chúng sanh càng trầm luân tăm tối. Các hành giả tâm linh cảm nhận được vấn đề, tìm tòi, quán chiếu. Mỗi hành giả tìm một cách, thành đạt một khía cạnh, phát minh một phương pháp hành Thiền khác nhau, tựu trung cũng đều đi đến khai sáng tâm linh, trí huệ phát triển.
Các hành giả Tiên gia, kết hợp tam bửu, ngũ hành cùng ngũ tạng, dụng tâm dẫn khí, dùng tưởng vận hành khí lực, trí huệ phát sanh, kết quả thành đạt tất yếu khởi từ vật thể, khó thoát khỏi tam giới. Cho dù vô sắc giới cũng còn trong lục đạo tam đồ. Trụ tâm bất cứ nơi đâu, thông thường ở Đơn điền, các hành giả pháp nầy quan niệm Đơn điền là trung tâm nhân thể, tương ứng với trung tâm vũ trụ, thuộc hành thủy, nơi phát sanh mọi vật mà một số luận thuyết - nước khởi thủy của sự sống, phát sanh ra vạn vật; có những hành giả thành đạt từ đây, cũng không thiếu hành giả tẩu hỏa, nhẹ thì cuồng dâm, nặng thì loạn trí. Tương ứng với vị trí vũ trụ, Đơn điền thuộc Dục giới, sở dĩ cỏi dục cuồng loạn do âm tính phát triển quá mạnh; cơ phần phía trên nhân thể là sắc và vô sắc giới, tức là vẫn còn hạn chế trong Tam giới. Sắc và vô sắc thuộc cỏi Trời, cỏi Tiên, Dục giới dành cho ngũ thú tạp cư địa. Quan điểm luận thuyết của pháp hành nầy, khi Thủy - Hỏa ký tế giao thoa, ánh sáng mặt trời từ phần trên chiếu rọi xuống đại hải (đơn điền) phần dưới, ánh sáng sẽ phản chiếu ngược lên đỉnh Côn Lôn, tỏa rạng đắc pháp. Trường hợp nầy phải hiểu là năng lượng sinh thức được kích hoạt bởi năng lượng sinh học và định lực sâu dầy.
Có những hành giả ngồi Thiền, chú tâm vào một điểm sáng trước mặt, lâu ngày định lực đầy đủ, ánh sáng từ đỉnh đầu hoặc từ đệ tam nhãn cũng phát quang. Năm 1966, núi lớn Tô Châu, Hà Tiên, sư Yên cũng hành pháp nầy, áng sáng phát trên chót thất như lửa, chung quanh chỗ ngồi cũng tỏa quang, đêm đến, cọp về quần chung quanh chỗ ngài tu, các sư tu chung quanh núi, và quần chúng dưới chợ ngưỡng mộ lên viếng quá đông, chẳng bao lâu sau, do động tâm khởi vọng, bị tẩu hỏa nhập ma, xuống núi quậy phá, bỏ tu, đi lang bạt.
Thử duyệt qua một số pháp hành tương ứng với quang năng tự tánh:
A/ - Kim Cang Thừa, Mật tông, tuy hình thức nghi lễ khá phức tạp, nhưng mang một triết lý ẩn tàng thâm diệu. Đồng quan niệm “ nhất bản tán vạn thù” hay “thái cực sanh lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái” mà có vạn vật. Từ “chơn tâm khởi vọng niệm sanh vô minh” mà thiên hà vạn pháp tồn tại; trên căn bản đó, Mandala được thành lập, một biểu tượng của biến dịch sanh diệt. Mandala biều tượng tâm thức học Phật Giáo, trung tâm Mandala biểu trưng chân tâm, khởi nguyên, là hạt mầm thu hút năng lượng và phát triển dạng thức; Bốn hướng là bốn cửa phóng xuất và thu nạp, được bao bọc bởi vòng tròn để bảo vệ sự tinh túy của chân tâm. Mặc dù tâm thức có phóng xuất nhưng vẫn được bảo hộ duy trì bởi một điểm tinh quang của trung tâm điểm, đó là quang năng Như Lai Tạng. Mandala biểu tượng tâm lý Hỷ-Nộ-Ái-Ố cũng như Từ - Bi-Hỷ-Xả. Diễn đạt quá trình hình thành tâm lý phản ánh hiện tượng vũ trụ quan Phật giáo. Tam đồ lục đạo cũng được hiểu là vòng sinh hóa luân hồi sanh tử, càng đi xa trung tâm điểm, biểu tượng tâm lý càng phức tạp. Từ trung tâm điểm của Mandala phóng xuất ra bốn phương tám hướng biến sanh thiên hình vạn trạng do tâm thức của chúng sanh xoay vần mãi nên được hiểu Mandala dùng trong lễ Kalachakra là vòng sanh hóa, đồng thời cũng từ các phương hướng đó được giới hạn bởi vòng tròn để luôn hướng về bản tâm tại trung ương. Do sự biến dịch vô cùng của tâm thức và pháp giới mà các màu sắc khác nhau biểu tượng trên đồ hình Mandala như: Trắng-vàng-đỏ-xanh lục- xanh đậm. Màu sắc càng xa trung tâm, càng biến thiên đa sắc, như tâm chúng sanh càng vọng động càng đa dạng vô minh.
Không như Thiền tông, trực chỉ chân tâm để hành giả vọt thẳng vào tánh giác, điều nầy đòi hỏi căn cơ cao mới thích hợp, bằng không, dễ tán loạn tẩu hỏa. Riêng Kim Cang Thừa, nghiên cứu diễn biến tâm lý chúng sanh huyển hóa vô cùng, nên hướng dẫn hành giả đi từ vòng ngoài lần vào trung tâm điểm của tánh giác qua đồ hình Mandala. Một guru của Kim Cang Thừa nắm vững một cách tuyệt đối về động lực chuyển hóa, xử dụng chúng để thoát khỏi vòng luân hồi của chúng. Động lực biến thiên của tâm thức và pháp giới có một mãnh lực to lớn, rất nguy hiểm, nếu một hành giả không được bậc minh sư hướng dẫn, cũng bị lạc vào mê hồn trận của năng lực vô hình do nghiệp thức chúng sanh vây bủa, dễ sanh vào tà pháp hoặc tẩu hỏa.
Mỗi tôn giáo đều quy định một điểm đến gọi là đấng tối cao, hoặc là Thượng đế, hoặc Allah, Brahma, Phật tính…Một điểm mà từ đó bị vọng niệm phóng xuất nên đọa lạc khổ đau. Cách trở về điểm trung tâm đó, mỗi giáo phái có một phương cách khác nhau, từ những phương cách mà ta gọi là pháp môn, qua năm tháng biến thành tôn giáo. Kim Cang thừa có một cách đưa hành giả trở về qua nhiều cửa mà chúng sanh trải qua bằng những động lực chuyển hóa khôn lường, vì thế đòi hỏi nhiều công phu tu tập sau khi trải qua một chương trình học hỏi nghiêm túc của các tu viện. Biểu trưng của Mandala, trung tâm điểm là vị Phật, là ánh sáng, là chân tâm nguyên thủy. Hành giả trải qua nhiều khảo nghiệm và thể nghiệm tâm linh, tiến dần đến Phật tánh của chính mình, từ đó trí huệ bùng phát; trí huệ đó vốn dĩ đang tiềm ẩn nơi chân tâm, tánh giác, chân tâm tánh giác đó cũng chính là trí huệ đại giải thoát, đại giác ngộ, là Vô lượng Quang.
Mandala là hình ảnh không chỉ có trong Kim Cang Thừa, đạo Hindu, Christianity, Vishnu, Jain…đều có biểu tượng vòng tròn diễn đạt quan điểm về nhân sinh, vũ trụ của giáo thuyết mình. Nhưng riêng Mandala của Kim Cang Thừa mang sự ẩn nhiệm sâu sắc của Tam đồ lục đạo, những diễn biến tâm sinh lý nhân loại, biểu tượng kết hợp âm dương đối đãi; hành giả thuận theo sự biến hóa của tâm tướng đó mà lần về trung tâm điểm của tánh giác. Người ngoài không am hiểu quy trình tiến hóa của pháp nghi hành giả, có ý nghĩ sai lệch về những biểu đồ, xem như sự rườm rà mê tín, nhưng, mỗi Mandala cho mỗi pháp nghi đều khác nhau, ví dụ Mandala Chakravartins, Vajravarahi Mandala, Kalachakra Mandala. Tuy Mandala Kalachakra phức hợp nhưng kết cấu đồ hình theo một sự cân xứng toán học mà các Lạt ma phụ trách phải trải qua một thời gian dài học hỏi giáo lý, hành trì và nắm vững ý nghĩa màu sắc, vị trí từng biểu tượng trên Mandala. Tóm lại, Kim Cang Thừa là một hệ thống giáo dục tâm linh thông qua biểu đồ Mandala và kinh điển Mật thừa rất ư nghiêm túc, chính vì thế, các cao Tăng chủ động chuyển hóa thần thức theo hạnh nguyện và giúp người quá cố vãng sanh theo sự điều hướng năng lực của vị Lạt Ma chủ tế. Các tông phái Phật giáo, chỉ có Kim Cang Thừa còn duy trì được nền giáo dục và sự hành trì vững chắc, có hệ thống quy củ suốt hàng trăm năm, cho dù bị mất nước, họ vẫn bảo lưu được nền văn hóa tín ngưỡng tâm linh theo bước chân lưu lạc trên quê hương xứ người.
Ngoài biểu đồ Mandala, Kim Cang Thừa còn vận dụng âm lực qua những mật ngữ Thần chú. Tức là Kim Cang thừa kết hợp giữa Âm thanh và Ánh sáng trong việc tu luyện triển khai quang năng tự tánh, tiến đến giải thoát.
Cũng theo dạng Mật thừa, một số ngoại đạo dùng mật ngữ để tôi luyện, những hiệu quả của thế gian pháp như bùa chú thần quyền có công năng nhất định mà không chú hướng đến giải thoát, nên vẫn còn trôi lăn trong sanh tử theo nghiệp nhân xử dụng. Ánh sáng phát triển của những bộ môn nầy không phải ánh sáng của tự tánh mà là loại năng lượng âm do ý tưởng vị kỷ vì mục đích lợi lộc thế tục. Phần lớn Đông Mật của Nhật cũng nặng về Thần quyền hơn là giải thoát, tuy phát xuất từ Tạng mật.
B/- Thiền tông.- Ai cũng biết, không nói đến pháp Tứ niệm xứ, Quán niệm hơi thở mà cả Hán Tạng lẫn Nikaya đều có, loại Thiền phổ biến hiện nay ở Việt Nam, Trung Hoa, Đài Loan, Nhật, Nam Triều Tiên..đó là Tổ sư Thiền, hay còn gọi là Thiền Tham thoại đầu. Thiền xuất phát từ Ấn độ, theo truyền thuyết, khởi sự từ cánh hoa tĩnh mặc trên tay đức Thích Ca tại non Linh Thứu, từ đó, Tâm truyền tâm đến tổ thứ 28, qua Trung Hoa và Việt Nam đến đời thứ 33 là bị đoạn mạch tâm linh, Thiền biến dạng một hình thái mới mà ngay cả tại quê cha đất tổ cũng không lưu một dấu vết di truyền. Tuy nói truyền qua 28 đời tổ, các nhà nghiên cứu cũng chưa tìm được dấu tích truyền thừa miên tục trong quá khứ tại Ấn Độ. Nếu bảo – “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự” thì cũng còn những giòng truyền thừa như sự truyền thừa vẫn lưu tích tại Việt Nam, Trung quốc và một vài vùng thuộc châu Á. Tuy nhiên Vipassana là loại Thiền - tông truyền phổ biến trong cộng đồng Phật giáo nguyên thủy. Từ kinh điển cho đến hành trì được lưu truyền không gián đoạn. Nếu Tây Tạng được xem là cái nôi bảo tồn Kim Cang Thừa thì
Tổ sư thiền xuất hiện tại Trung Hoa, đời Tống, để giúp hành giả đoạn trừ vọng tưởng, chư tổ đưa hành giả tham vấn từ trạng thái suy diễn của đầu óc sang lãnh vực tự tánh thường trụ, thoát khỏi mọi diễn dịch của ngôn ngữ, trong trạng thái đó gọi là nghi tình, tức trạng thái thắc mắc nghi vấn mà không cho phép giải đáp. Tâm trụ vào trạng thái đó lâu ngày sẽ được bùng vỡ, gọi là hoát nhiên đại ngộ. Như ánh sáng mặt trời gom vào kính hội tụ, mọi vật nằm dưới tấm kính đó sẽ bị thiêu cháy, cũng thế, mọi vọng tưởng đều bị thiêu hủy dưới năng lực tập chú nghi tình như thế. Năng lượng sinh học hỗ trợ định lực để phát triển tự tánh quang năng. Phương pháp nầy đòi hỏi hành giả cần đủ ba yêu tố: đại chí – đại tín – đại nghi, phải quyết chí tới cùng, đặt niềm tin trọn vẹn vào công năng tu tập sẽ chắc chắn có kết quả và tạo một năng lực đại nghi để đạt đại ngộ. Vì thế Thiền sư Bạch Ẩn bảo: “Đại nghi đại ngộ”.
Nói như thế là lối nói để thích nghi với pháp án của hành giả, thực chất của mọi pháp án cũng chỉ là cách triển khai năng lượng sinh thức bằng phương tiện tập chú năng lượng sinh học loại trừ âm tính của tâm thức do tập khí nhiều đời huân tập.
Thiền Vipassana cũng thế, nhưng không đòi hỏi hành giả căng thẳng quá mức của đầu óc. Cái khác nhau giữa Thiền tham thoại đầu và Minh sát tuệ là: Tham thoại đầu tập chú vào một “nghi tình” trong trạng thái định lực vào một điểm. Minh sát tuệ thì theo sự diễn biến của thân và tâm trong trạng thái quan sát; nó cũng thuộc dạng định nhưng là định trong một phạm vi rộng rãi và linh hoạt hơn. Ví dụ theo dõi từng bước chân, từng hơi thở, nó có vẻ nhẹ nhàng thong dong hơn. Trong các thiền đường của Vipassana, ngoài mục đích Minh sát tuệ, thiền sinh còn được hỗ trợ mọi sinh hoạt thân tâm trong một nội quy như ăn uống trai phạn tinh khiết do ban tổ chức phục vụ, tịnh khẩu trong thời gian thực tập, giới luật tinh nghiêm và hành thiền miên mật ngoài thời gian sinh hoạt cá nhân, ăn uống ngủ nghỉ. Những quy luật như thế giúp hành giả loại trừ những ô tạp thường ngày, ít nhất 10 ngày, thiền sinh mới quen cách làm chủ thân tâm trước khi về đời thường tiếp tục hành trì.
Những phương thức như thế giúp hành giả thanh lọc và tập trung năng lượng sinh học để phục vụ cho năng lượng sinh thức mà từng có nhiều hành giả Vipassana đã đạt được Tuệ giác.
Ngoài những môn Thiền chính thống được truyền thừa và được công nhận, một số Thiền phái tự phát như Vô Vi pháp cuả Tư Sự, mở bộ đầu của Lương Sĩ Hằng, thiền Minh sư biến cải từ đạo Lão. Một vài hành giả xử dụng lục tự Di Đà an vị trên sáu đại huyệt luân chuyển theo hơi thở ra vào lâu ngày cũng đạt được đại định. Cũng có trường phái tâm niệm lục tự Di Đà kết hợp tưởng thức bằng ánh sáng phát xuất từ đệ tam nhãn đến lúc ánh sáng phủ trùm châu thân, lúc bấy giờ tự tánh Di Đà, ánh sáng và hành giả chỉ là một. Khi hành giả nhập vào đại định, tất cả là biển ánh sáng mênh mông vô tận; hành giả vẫn có ý thức nhưng không còn phân biệt mình và ngoại cảnh, mình đang ở đâu và ngoại cảnh nầy đang ở đâu.
Một trường phái hành pháp xả tâm, buông bỏ tất cả vọng niệm, ngay cả ý thức cũng xả bỏ. Như cây chuối được lột bỏ từng bẹ một để kế quả cuối cùng không còn gì gọi là thân cây chuối, cũng thế, cái gọi là ngã, bản ngã do huân tập vọng tưởng, ý thức, kiến giải nhiều đời tạo thành một thân nghiệp, trôi lăn trong sanh tử, pháp xả tâm là pháp loại trừ tất cả vọng tưởng, ý thức để không còn cái tôi, cốt lỏi của nghiệp thức thì tự tánh quang năng hiển lộ. Pháp “Tri vọng chỉ vọng” cũng tương tự như thế, nhưng không đi thẳng vào cốt lỏi như pháp xả tâm mà chỉ gỡ từng phần khi biết đó là vọng, nghĩa là vọng khởi là xả bỏ, tức là đợi vọng khởi mới xả bỏ, trong khi pháp xả tâm chủ động trước khi vọng tưởng phát khởi.
Tóm lại, hiện nay, các thiền phái ngoài hệ thống nguyên thủy Nikaya, tự do phát triển theo căn cơ linh hoạt của Bắc tông, vô số pháp hành xuất hiện mà dưới cặp mắt của nguyên thủy, xem đây là ngoại đạo chệch hướng của Phật giáo. Nhưng chư Tổ không quan niệm cứng nhắt như thế, tất cả đều là phương tiện để đi đến mục đích giải thoát mọi vọng tưởng, miễn sao trí tuệ phát sanh lòng từ bi hiển lộ, và tâm an lạc, không bị vướng chấp bất cứ đâu là đúng tiêu chí hành trì. Những pháp hành tự phát của Phật giáo Bắc Tông, khởi thủy vẫn bị xem là goại đạo như Bồ Đề Đạt Ma bị vua Lương Võ Đế chụp mũ, một thời gian lâu dài mang lại kết quả nhất định, thì hiệu quả và thời gian sẽ là thước đo công lý cho các pháp hành như thế. Vì vậy ta không lạ gì khi pháp hành “ Hiện Pháp Lạc Trú” hay” Tri Vọng Chỉ Vọng” của các Thiền sư hiện thời vẫn bị một số cố chấp vu chụp là ngoại đạo vì không có trong kinh điển, không có sự truyền thừa…
Những bài tiếp theo, sẽ xét đến các pháp môn ngoài Phât giáo vẫn có sự tương đồng đem đến kết quả nhất định, mặc dù cách diễn đạt và ngôn từ không tương thích với Phật giáo. Bất cứ pháp môn nào đặt trên cơ sở Tam Pháp ấn, mục đích đưa hành giả đến giải thoát, phải trải qua tiến trình năng lượng sinh học, năng lượng sinh thức và đưa đến năng lượng siêu thức đều cùng mục đích của Đạo Phật. Cho dù bất cứ pháp hành nào, ngôn từ nào diệt bỏ bản ngã để hiển lộ chơn tánh đều có thể chấp nhận như chấp nhận các pháp thiền Đại thừa ngày nay.
MINH MẪN
05/02/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét