Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

DÒNG CHÚC THÁNH – QUẢNG NAM.

 

THAM LUẬN.


 

Trên 300 năm, một hệ phái truyền thừa tồn tại và phát triển  ở nền tảng một đất nước từng xem đạo Phật là một quốc giáo, quả không phải dễ nếu hệ phái đó không được truyền dẫn bởi những bậc có một nội lực sung mãn hoặc từng là những Tổ vị đắc pháp. Miền Bắc. trước đó, các phái thiền Tỳ–ni–đa–lưu–chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Trúc Lâm đã đóng vai trò chính của Phật giáo và ảnh hưởng sâu rộng tại đàng ngoài rồi.

Theo lịch sử do giáo sư Lê Mạnh Thát thi Việt Nam lúc bấy giờ có 4 dòng Thiền du nhập từ Trung Hoa như dòng Bút Tháp của Viên Văn Chuyết Công (1590 – 1644), dòng Thập Tháp của Siêu Bạch Thọ Tông (1648–1728), dòng Quốc Ân của Nguyên Thiều Hoán Bích (1648–1728), cả ba dòng này đều thuộc phái Lâm Tế ; riêng dòng thứ tư là Hòe Nhai của Thủy Nguyệt thuộc phái Tào Động. Ba dòng còn lại phát xuất tại Việt Nam như Bút Tháp,  Trúc Lâm, mà điển hình là dòng Long Động của thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647–1726) hoặc do các vị thiền sư người Việt Nam hay Trung Quốc hành đạo tại Việt Nam xuất kệ thành lập dòng mới, cụ thể là các dòng thiền Chúc Thánh của thiền sư Minh Hải Pháp Bảo (1670–1746) và Thiên Thai của thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 – 1742).

                                                             ***

Thiền sư đầu tiên của tông Lâm Tế đến Đàng Trong là ngài Nguyên Thiều–Hoán Bích. Tiếp đó, các ngài như Minh Vật–Nhất Tri; Minh Lượng–Thành Đẳng; Minh Hải–Pháp Bảo; Minh Dung–Pháp Thông; Minh Giác–Kỳ Phương, Minh Hoằng–Tử Dung v.v… kế thừa sự nghiệp của tổ Nguyên Thiều, phát triển tông môn rộng khắp. Trong số những thiền sư Trung Hoa du phương hoằng hoá có thiền sư Minh Hải–Pháp Bảo dừng chân tại phố Hội An, Quảng Nam, khai sơn Tổ đình Chúc Thánh, xuất kệ truyền thừa lập nên thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Kể từ khi tổ Minh Hải–Pháp Bảo khai tông lập giáo, tính đến nay dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua 300 năm lịch sử với 12 đời truyền thừa. Qua ngần ấy thời gian có mặt trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, các thế hệ Tăng nhân của dòng thiền Chúc Thánh đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Đạo pháp và Dân tộc. Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại.( Nhĩ tôn Thích Như Tịnh)

Các dòng Thiền từng góp phần làm rạng rỡ Phật giáo nước nhà cả lịch sử Dân tộc,chính trị, khoa học, văn hóa… qua tay các Thiền sư Như Ý Trần Cao Vân, Võ Trứ Chân An Tuệ Tĩnh, Chân Nguyên Tuệ Đăng, Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm. Toàn Nhật Vi Bảo Quang Đài, Trừng Thông Viên Thành v.v...(Lê Mạnh Thát)

Riêng Sơ tổ Minh Hải Pháp Bảo vào Hội An khai sơn lập chùa Chúc Thánh, xuất kệ truyền thừa lập nên Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh gần 50 năm hành hóa. Ngoài ra,  phái đoàn hoằng pháp  còn có Thiền sư Thạch Liêm năm 1694 đã tạo nền móng phát triển cho Phật giáo đàng trong

Hòa Thượng Thạch Liêm cùng Hội đồng thập sư sang mở đàn truyền giới tại chùa Thiền Lâm, Linh Mụ tại Huế và chùa Di Đà tại Hội An. Trong phái đoàn này gồm có các vị Thiền sư danh tiếng như: Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Tri, Minh Lượng Thành Đẳng v.v (lịch sử truyền thừa dòng Chúc Thánh)

Do công lao giáo dưỡng của chư vị Thiền sư tiền bối, đã xây dựng được một số hậu bối đủ năng lực truyền bá rộng khắp toàn quốc, ngay cả hải ngoại, các tỉnh thành đều có cơ sở của dòng phái Chúc Thánh.  (ĐĐ Thích Như Tịnh)

Trãi qua truyền thừa của dòng Chúc Thánh, được vô số danh Tăng thạc đức xây dựng ngôi nhà chánh pháp, trong đó, thời hiện đại, thế kỷ XX, nổi bậc nhất là Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết và Thích Giác Nhiên, đệ nhất và đệ nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Ngài thường căn dặn đệ tử: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, nếu phá giới phải hoàn lại y bát, ra khỏi Già Lam, để cho trong đục rõ ràng, tà chánh phân minh.

Dòng Chúc Thánh nói riêng và PGVN nói chung đã lưu lại cho dân tộc một bức tranh đa sắc gam màu rạng rỡ mà ngày nay được truyền tụng – “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”
                                                       ***

Trong quá trình hình thành và phát triển như thế, một hình thức hệ phái tông phong trãi qua hơn ba thế kỷ vẫn trường tồn và phát triển như thế, duy trì được truyền nhân có tài năng và tâm đạo như thế, nhưng…Đã gọi là thiền phái, hiện nay mấy ai đã duy trì manh mối mạch pháp thiền vị? phần lớn thiên về Tịnh độ, một ít hành trì Mật pháp.  Phải chăng Thiền pháp Chúc Thánh đã bị mai một, không còn ai nắm được mạch pháp của chư Tổ để hành trì, vì vầy, tuy danh nghĩa Chúc Thánh còn duy trì và phát triển trên hình thức, nhưng nội chất cũng như bao pháp phái khác hiện song tồn trên danh nghĩa đạo Phật Việt Nam.

Thiền phái Chúc Thánh  truyền thừa theo  kệ xuất của Tổ khai sơn, nói theo thế gian, mang dòng họ nội để xác định là con cháu của dòng họ đó. Đoàn hậu lưu phát triển như thế nào tùy năng khiếu và sở trường của riêng họ. Con cháu nhìn nhận nhau qua danh pháp chữ kệ được thầy truyền để xác định thuộc đời thứ mấy của môn phong.

Hiên nay, Hội An được xem là Tổ đinh khai sơn môn phong, đây là lần đầu tiên môn phong Chúc Thánh tổ chức Hội thảo khoa học, ngoài vấn đề tôn vinh chư Tổ, ôn tập hệ thống truyền thừa, kết tập tư liệu để bổ sung cho lịch sử tông phong, cũng là dịp con cháu truyền nhân nhận diện nhau từng lưu lạc khắp phương trời.

Hiện nay tư liệu về dòng Thiền phái Chúc Thánh khó mà đầy đủ theo nhận định của giáo sư Lê Mạnh Thát, nhưng dẫu sao, nhiều tay vỗ nên kêu còn hơn không.

                                                    ***

Trong cuộc Hội thảo này, nội dung tư liệu cũng đã được chư vị đóng góp khá nhiều, riêng tôi, thuộc con cháu Tông môn Chúc Thánh Quảng Nam, sanh sau đẻ muộn, mong muốn Hội thảo tìm ra một pháp môn đặc thù của Tông phong để truyền nhân, tử tôn được hành trì đúng tôn chỉ của chư Tổ, song song với sự phát triển về cơ cấu tổ chức và phát triển cơ sở vật chất để Thiền phái Chúc Thánh trọn vẹn như Thiền phái Trúc Lâm hiện nay.

Kính chúc Hội thảo thâu đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, kính chúc chư Tôn Đức thân tâm thường lạc, pháp vị khai thông, tiếp dẫn hậu lai khai thông pháp mạch.

                         NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

28/8/2020

 

 

.

 

 

 

 

 

 

.








 

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

TIẾN VỚI ĐÔI CHẤN

 


Con người ta không thể đi một chân. Đôi chân là một cặp tương thích hỗ trợ cho việc tiến bước. Trong cuộc sống cũng thế, mọi sự việc, mọi hiện tượng từ vật thể đến tinh thần, luôn có cặp đôi tương phản lẫn nhau. Chân cần có đủ cặp để tiến bước, tại sao những cặp tương phản không giúp ta tiến bộ về nhận thức cũng như về tâm thức ?

Trong cuộc sống đời thường, con người muốn chọn cho mình cái thuận lợi nhất, cái tốt đẹp nhất, tránh né mọi bất lợi, mọi xấu ác; thậm chí trong việc giao tiếp, thích tìm bạn tốt, tránh né bạn xấu. Tục ngữ có câu: - gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Do có cái nhìn cực đoan hay được giáo dục từ bé tạo cho ta một ấn tượng cực đoan, vì thế, ta luôn gặp những bất toại khi cuộc sống luôn xuất hiện những mâu thuẩn đối cực mà Phật giáo gọi là nhị nguyên, đạo gia xem là lưỡng cực, lưỡng nghi, thế thường gọi là mâu thuẩn, đối lập…

                                                       ***

Đức tin đối với đạo Phật và những đức tin của ngoại giáo, đều là những cặp tương phản. Ngay cả đức tin đối với đạo Phật, cho rằng mình chọn đúng chánh đạo, nhưng không tìm hiểu những gì ngoài đạo Phật, tinh thần chủ quan và cực đoan sẽ nảy sanh, lắm khi đức tin gọi là chánh tín dó, trở thành mê tín khi hành xử.Ví dụ, đạo Phật sinh hoạt như một tôn giáo, bị xem là một tôn giáo nên phát sanh nhiều hình thức, pháp tướng, thanh sắc; so với các tôn giáo khác, chúng ta cũng chỉ là một tôn giáo như bao tôn giáo Thần luận; do vậy sanh ra cầu đảo, van xin, dâng cúng mong đạt thành sở nguyện. Một khi tuyệt đối sa vào tha lực, đánh mất nội lực, việc tu tập hành trì sẽ xa rời trong đời sống chân chánh của một đệ tử Đức Phật. Ngay cả trong nội giáo, có nhiều pháp môn khác nhau, tùy căn cơ thích hợp, chọn một pháp để hành trì, cũng phải tìm hiểu biết qua những pháp khác để củng cố niềm tin cho pháp hành, tránh được cực đoan, cố chấp.

Tín ngưỡng trong đạo Phật là tiêu chí để vững tiến chứ không là điểm để giao phó toàn bộ cho một tha lực.Đức tin rất cần thiết trong cuộc sống, nhưng cần có trí tuệ để nhận thức, xây dựng nền tảng vững chắc cho niềm tin. Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy: Đức tin là mẹ đẻ của mọi công đức. Đức Phật lại dạy: “Người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì dễ tăng trưởng vô minh si ám, người hiểu giáo lý mà không có lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến. Cho nên “lòng tin và hiểu biết phải cùng có đủ để làm cội gốc tu hành” (Kinh Niết Bàn). Dĩ nhiên ngoài đức tin sẽ có những đối cực của đức tin. Cũng thế, phóng sanh là hạnh lành cứu vớt sinh mạng của chúng sanh đang bị tước đoạt mạng sống, thế nhưng, sau mặt tích cực đó vẫn xảy ra mặt tiêu cực, tiếp tay cho những kẻ tham lợi đánh bắt khi đặt hàng tấn cá chim, loài hải sản với nơi buôn bán.Nhắm mắt làm theo hình thức, phước trở thành tội. Giữa hai mặt tốt và xấu đó, không thể mù quáng chọn một; dùng trí tuệ giúp tránh chuộng về hình thức.

Từ thiện xã hội thể hiện tâm từ, được coi là hạnh Bồ Tát; nó không là mục tiêu cứu cánh đưa đến giải thoát;hành thiện tiềm ẩn nguy cơ cho những tâm hồn bất thiện cầu lợi. Không thiếu kẻ lạm dụng việc từ thiện để mưu lợi; kêu gọi những lòng tốt đóng góp để chiếm dụng. Vì thế từ thiện xã hội không thể nhiệt tình theo thói quen mà cũng phải hiểu mặt trái bị lợi dụng.

Cũng có những người nhiệt tâm hộ đạo, trên bước đường tu tập, muốn làm phước, lập ban hộ niệm, sẵn sàng lăn xả giúp cho người sắp lâm chung bất kể ngày đêm, bỏ công, bỏ của, bỏ thời gian để hộ niệm, nghĩ rằng sẽ giúp thần thức người lâm chung được siêu thoát. Đức Phật từng nói – cục đá chìm dưới nước, một ngàn vị sư cầu nguyện, đá không thể nổi,cọng lông tơ trên mặt nước, ngàn vị tụng lông kia cũng không thể chìm. Không có kinh nào bảo rằng trì tụng hương linh được siêu thoát. Chư Tăng thời  đức Phật và kể cả chư Tăng Theravada  ngày nay chỉ đọc những bài kệ nói đến vô thường, khổ và vô ngã trước hương linh để cảnh tỉnh nhắc nhở cho người sống chứ không tụng cầu siêu cho người chết.Thần thức chưa lìa thể xác thì chư Tăng khai thị để họ hướng về điều lành lúc cận tử nghiệp.Như thế không thể gọi là làm công tác cầu cho hương linh siêu độ, mà chỉ trợ niệm một khi hương linh có sẵn hạt giống thiện, không ngoài luật nhân quả.

                                                         ***

Trong xã hội cũng thế, những bất trẵc xảy ra thường mang đến khổ đau, bất mãn, những thuận lợi tốt đẹp cho ta niềm hoan hỷ, mãn nguyện. Dĩ nhiên không ai trong đời hoàn toàn gặp điều may mắn tốt đẹp hay xui xấu suốt đời. Xui và hên, tốt và xấu luôn là cặp tương phản của nền tảng nhân quả từ nghiệp thức. Hành giả luôn quán xét những bất trắc xấu và tốt, may mắn và tai họa…vốn là hai mặt tương phản của nhân quả. Bị tác động hai mặt để khổ đau và sung sướng mãi biến con người thành thụ động trôi lăn trong tử sanh luân hồi. chính ở trong khổ đau, phiền não mới có bài học giác ngộ;trốn chạy khổ đau bằng nhiều hình thức khác nào con vật chui đầu vào cát trốn chạy thực tại, không giải quyết được vấn đề.Trực tiếp đối diện hai mặt tương phản trong đời sống để thấy chúng là một bài học tiến hóa nghiệp thức,theo Duy thức luận thì mọi hiện tượng đều do: 
Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt, sở phân biệt
Do thử bỉ giai vô
Cố nhất thiết duy thức

(Tất cả do thức chuyển biến Phân biệt, bị phân biệt. Do đây kia đều không, Nên tất cả là duy thức) ;

bởi vì con đường giác ngộ chỉ có trong thực tại:”Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ đề, cáp như cầu thố giác”. Thực tại nằm trong hai mặt tương phản của cuộc sống.

Phật giáo khác với học thuyết Duy vật là tìm giải thoát ngay trong quy luật tương phản, mâu thuẩn, từ mâu thuẩn để hiểu được bản chất tương đối của ảo thức, vượt khỏi sự chi phối của mâu thuẩn; Trong lúc Duy vật lúng túng lẫn quẩn trong mâu thuẩn khi nhận thức rằng: “Một hợp thể luôn có hai mặt mâu thuẩn lẫn nhau, giải quyết mâu thuẩn này thì mâu thuẩn khác phát sanh”. Nghĩa là trong xã hội luôn phát sanh mâu thuẩn, không thể dứt trừ thì con người trong xã hội luôn bị khổ đau. Duy vật y cứ hiện tượng xã hội, giải quyết hiện tượng này thì hiện tượng khác phát sanh; Phật giáo muốn giải quyết mọi bất toàn, phải giải quyết ngay chính tâm thức, không đổ thừa do xã hội hay do một đấng quyền năng quyết định.Theo Duy thức thì: Do chư nghiệp tập khí
      Nhị thủ tập khí câu
      Tiền dị thục ký tận
      Phục sanh dư dị thục

(Do tập khí các nghiệp Cùng tập khí hai thủ Nên dị thục trước hết Lại sanh dị thục sau)

Tuyệt đối tận cùng của Phật giáo là “vô ngã” đã là vô ngã thì làm gì có cái mà: C.Mác đã viết: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng như nó. là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Quan niệm này không phù hợp với đạo Phật khi giáo lý nhà Phật quan niệm chính con người là chủ đạo giải quyết mọi bất toàn (kể cả sung sướng và khổ đau) trong cuộc sống.

Một hành giả đạo Phật không chấp thủ một phía. Không thể bỏ khổ tìm vui; không phủ nhận cái này để chấp nhận cái kia.Luôn nhìn mọi hiện tượng cả hai mặt, vì chính hai mặt là một vấn đề. Trong Đạo gia, lưỡng nghi là một tổng thể của âm và dương; âm triêu dương trưởng hoặc dương triêu âm trưởng chứ không thể triệt tiêu một trong hai cực. Sự phát triển, tiến hóa do lưỡng nghi vận hành đồng bộ; khi âm thạnh dương suy là hiện tượng tiêu cực phát sanh, ngược lại dương thạnh âm suy là hiện tượng tích cực quá đà, âm dương quân bình thì mọi sự ổn cố.Mọi chuyển biến của lưỡng nghi gọi là dịch

                                                  ***

Nhiều người đến với đạo Phật mục đích tu tập để sửa mình, tu tâm, tu tánh, tu tướng đều lệch hướng, thật tế đạo Phật không dạy tu để sửa, vì có tu có sửa là có cái ngã để tu để sửa. Chủ yếu giúp con người nhận thức được hai mặt mâu thuẩn trong cuộc sống, để khỏi bị chi phối luật nhị nguyên đó; với nhận thức bằng trí tuệ  mới đưa đến giải thoát mọi khổ đau.Khi thâm nhập vào mọi hiện tượng trong đời sống tức đã thâm nhập pháp giới tạng để tiến dần đến giải thoát.

Thế thường con người đứng một phía gọi là nhất nguyên. Thuyết nhất nguyên duy vật được phát triển bởi Mác và Ăngghen cho rằng toàn bộ hiện thực khách quan, về bản chất là vật chất, ý thức chỉ là kết quả của sự phát triển và sự phản ánh của vật chất vận động .Thuyết nhất nguyên duy tâm cho rằng mọi cái đều do ý niệm tuyệt đối sáng tạo ra.Thuyết nhất nguyên khác biệt với thuyết nhị nguyên - Đã đứng một phía thì không giải quyết được thực tại, vì thực tại luôn là hai mặt đối nghịch lẫn nhau. Ví dụ thuyết duy vật quan niệm vật chất có trước và chi phối ý thức, nhưng duy tâm đã có mặt trước duy vật rất lâu.

Duy vật hay duy tâm, duy linh hay duy thần..đều là hai cực của nhị nguyên. Trước vấn nạn giữa duy vật và duy tâm thì Kant đi đến thuyết bất khả tri, nhưng theo các nhà duy vật thuyết bất khả tri không sớm thì muộn cũng đi đến duy tâm.

Kết: Như đã phân tích trên, Phật giáo luôn dung hợp hai mặt của một vấn đề để hiểu được thực tướng bằng tuệ giác mới không kẹt trong nhị nguyên,mâu thuẩn. Tiến hóa từ nhị nguyên.Ngược lại, do chủ quan phiến diện,một số học thuyết đã có quan điểm như:

Với C.Mác, tôn giáo như là “vầng hào quang” ảo tưởng, là những vòng hoa giả đầy màu sắc và đẹp một cách hoàn mỹ, là ước mơ, là niềm hy vọng và điểm tựa tinh thần vô cùng to lớn cho những số phận bé nhỏ, bất lực trước cuộc sống hiện thực. Tôn giáo chỉ là những “bông hoa giả” tô điểm cho một cuộc sống hiện thực đầy xiềng xích. Nhưng nếu không có những “bông hoa giả” ấy thì cuộc sống của con người chỉ còn lại “xiềng xích” mà thôi. Và nếu không có thứ “thuốc giảm đau” ấy thì con người sẽ phải vật vã đau đớn trong cuộc sống hiện thực với đầy rẫy những áp bức, bất công và bạo lực.

Pascal phán:

-Nếu bạn tin vào Chúa và Chúa tồn tại, thì cái lợi của bạn sẽ là hạnh phúc vĩnh cửu.
-Nếu bạn tin vào Chúa, còn Chúa không tồn tại thì bạn không mất gì.
-Nếu bạn phủ định sự tồn tại của Chúa, và Chúa thật sự tồn tại thì bạn đánh mất khả năng có hạnh phúc vĩnh cửu.
-Nếu bạn phủ định sự tồn tại của Chúa và Chúa không tồn tại, bạn không có lợi gì.

Mọi người có quyền tự do chọn lựa trước những bất cập trong cuộc sống khi mình gặp phải.

 

MINH MẪN

25/8/2020.