Trong lãnh vực tôn giáo, lịch sử thế giới cho thấy những tôn giáo được chế độ trọng dụng, lạm dụng, biến tôn giáo trở thành sức mạnh hậu thuẩn chế độ như thời Constantine, Ki-tô giáo lúc bấy giờ trở thành quốc giáo, đồng thời là đại nạn cho chính bản thân của tôn giáo nầy. Ngày nay, Miến Điện xem Phật giáo là quốc giáo, các sư lạm quyền quá đà gây tang thương cho những người không cùng tín ngưỡng. Hồi giáo cực đoan cũng vậy, gieo bao chết chóc cho nhân loại vì vị thế của họ được luật pháp sở tại chăm bón một cách tuyệt đãi, và tổ chức của họ tự nhận mình "thế thiên hành đạo" để sẽ nhận phần thưởng cao quý ở Thiên đường khi đồng loại là đối tượng cần triệt tiêu!
Việt Nam, Đạo Phật một thời từng là quốc giáo, nhưng rất may, các vua chúa đều là những cư sĩ chân tu, không sử dụng Phật giáo làm lực lượng hậu thuẩn chế độ, nhưng chế độ ưu đãi Phật giáo không quá mức đến độ tín đồ Khổng Lão đương thời phải ghen tỵ. Chư Tăng bấy giờ có khuynh hướng giải thoát hơn là bành trướng thế lực, đó là điều kiện Phật giáo không đi quá đà trong xã hội bấy giờ. Cái tinh túy của Phật giáo trong kỷ nguyên Lý Trần Lê được phổ biến và thâm nhập sâu rộng trong đời sống quần chúng và vua quan, chính vì thế, vừa chất vừa lượng song hành cân đối; Chùa chiền phát triển, đạo chúng huân nghiêm, hành giả đắc pháp làm nơi nương tựa cho quần chúng và mẫu mực cho xã hội, do vậy, trên bốn thế kỷ, đất nước thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp, ngoại xâm không dám dòm ngó.
Những thế kỷ cận đại, đất nước chìm trong binh biến, thời gian dài vắng bóng hành giả thành tựu; khi văn minh Tây phương tràn ngập vào xã hội, thế hệ trẻ tiếp thu thiếu chọn lọc, thế hệ cha anh còn ngỡ ngàng trước văn hóa xa lạ của cổ nhân, mọi sinh hoạt bị đảo lộn, các Tăng sĩ lúc bấy giờ bị đẩy vào bóng tối, hòa nhập với quần chúng bằng ma chay đám tiệc; văn tự Hán Nôm khó cạnh tranh với chữ La tinh, do đó Phật giáo bị đình đốn trong việc truyền bá. Gần một thế kỷ sau, mới xuất hiện một số cư sĩ trí thức và một ít Tăng sĩ thích nghi với văn hóa mới để trang bị và cập nhật kiếh thức thời đại, cuối thế kỷ XIX, Phật giáo VN cùng với Phật Giáo thế giới vươn mình đứng dậy. Tuy nhiên, Phật Giáo Việt Nam cũng chưa đủ năng lực tự mình vươn lên để chấn hưng nội lực giữa khói lửa quê nhà. Lúc nầy Tăng trẻ bận tâm việc trang bị kiến thức thế học; đời sống Thiền môn quy củ, sinh hoạt tông môn dần dà bị pha loãng. Với kiến thức cập nhật như thế dễ dàng cho việc hoằng pháp, nhưng nội lực hành trì đã bỏ trống.
Những năm gần đây, Phật giáo trong nước được nhiều thuận lợi, đã phát triển ồ ạt về cơ sở vật chất, về từ thiện xã hội lẫn về số lượng tu sĩ. Phần lớn cơ sở vật chất có khuynh hướng làm kinh tế dưới danh nghĩa "du lịch tâm linh" (tâm linh làm sao mà du lịch được, mà đã là du lịch thì không có sự chuyên tu nơi đó). Mỗi cơ sở tiêu tốn hàng chục tỷ đồng trong khi người dân nghèo đói bệnh tật tràn lan. Tu sĩ lạm phát từ chính thống đến phi chính thống (phi chính thống là các sư giả); Về từ thiện do một số bậc chân tu thực hiện, số còn lại mượn danh để kinh doanh...
Nhìn chung, về hình thức, Phật giáo phát triển nhiều mặt. Nhưng, Phật giáo không phải là một tổ chức thế tục cần số lượng khi mà chất lượng là mạch sống cốt lõi của tâm linh, vì thế, chú trọng quá nhiều về hình thức thì phần tâm linh bị hụt hẩng; đây là dạng béo phì thiếu cân xứng giữa chất và lượng đối với Phật giáo hiện nay. Hậu quả của béo phì ai cũng biết, nó phá nội tạng, suy tổn mạch sống, biến chứng đủ loại, vì thế, không lạ khi thấy một số chức sắc Phật giáo thể hiện quyền lực như một thế lực đối với các tu sĩ, điều hành Phật sự vượt cả quyền hạn mà "nội quy Tăng sự, Hiến chương GHPGVN cũng như Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo" quy định. Điều nầy, chư tôn giáo phẩm Trung ương đều biết, nhưng không biết phải điều chỉnh thế nào khi mà vẫn còn trọng dụng một số cán bộ hành chánh thiếu nhân cách, một số tu sĩ các am tự viện thiếu chuyên tu hướng về nội lực mà chỉ hướng về vật chất bên ngoài để có một cơ sở, một ngôi chùa tương xứng làm nơi du lịch cho khách tham quan hơn là một tu viện đào tạo hành giả tâm linh thực thụ.
Phật giáo Việt Nam thạnh hay suy, xin nhường lại nhận xét của mọi người, nhất là cộng đồng Phật tử hiện nay đang hướng về Tam Bảo.
Minh Mẫn (16/5/2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét