Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Người Từ Lòng Xuân


Viết về một người nổi tiếng, đề cao tính tốt của họ và những đặc thù cá biệt không khó, nhưng rất khó khi viết về một vị chân tu xuất sắc vì đức tinh khiêm hạ và tinh thần vô ngã của họ !

Gần đây, rất nhiều bài viết về một tu sĩ Phật Giáo tràn đầy tinh thần dân tộc, sự hy sinh và làm việc không mệt mỏi của một vị Hoà Thượng trên tuổi 60, mà chính ngài không muốn ai gọi mình là Hoà Thượng. Tiếng thầy tuy một danh xưng chung chung nhưng đủ tôn kính và thân thiết gần gũi, nếu người không khoác lên mình chiếc áo tu sĩ, có lẽ chữ thầy cũng không được ngài chấp thận.

Trong cuộc chiến vừa qua, thầy là một tu sĩ ngoài 20, năng động, thông minh, chăm chỉ học hành nhưng vẫn đóng góp rất nhiều cho công cuộc đấu tranh để hoà bình sớm tái lập trên quê hương; Thầy thường cầm đầu các nhóm người tranh đấu thuộc nhiều thành phần, vào thời đệ nhị Cọng Hòa, nó là chuyện quá khứ khi đất nước còn nhuộm khói binh đao; Đó cũng chỉ là tinh thần hào khí của tuổi đang lớn! Tuy nhiên, đó cũng là nguyên nhân và duyên cớ để thầy rời xa quê mẹ suốt những năm dài thắc thỏm nhớ nhung, như một người tù biệt xứ cưu mang hồn nước. Thật vậy, trên xứ người, ngoài những lúc ngấu nghiến sách vở thu thập kiến thức, hoặc an tĩnh nơi thiền thất, thầy luôn hướng về quê nhà bằng tâm tư nặng trĩu, nơi xứ sở nhỏ bé gian truân đó, có thầy tổ, có bè bạn, có mẹ cha, có cây dừa, có lũy tre, có bảy núi, có những tập quán của dân mình tuy lạc hậu nhưng dễ thương, có những người dân nghèo nhưng chất phác, tiếng chuông chùa hàng đêm của quê hương còn vang vọng suốt thời gian thầy lạc bước du phương!

Thời gian là liều thuốc: Một người VN từng lưu trú từ bé trên đất Pháp, có duyên quen biết thầy, họ nói - Thầy gặp khó khăn không ít trong thời gian đầu ở hải ngoại, nhất là phương tiện tài chánh để đeo đuổi việc học, thầy đi làm thêm để có tiền. Ngoài thời gian ở học đường, thầy tranh thủ thăm viếng học hỏi những tiến bộ của xứ người để có dịp bổ sung cho dân trí quê mình. Chính thời gian tha phương đó được thầy tận dụng một cách hợp lý, không những trở thành hữu ích mà còn biến nỗi nhớ quê hương thành một sinh hoạt đầy lý tưởng trong tâm tư cũng như trong giao tiếp. để khi đứng trên bục giảng đại học, những tâm tư cho Phật Giáo được truyền trao lại thế hệ sinh viên kế thừa, đem lại một kết quả khả quan ngoài dự tính của thầy cho ngày hôm nay.

Hướng về quê hương: Trong buổi mạn đàm giữa vài giáo sư Đại học và sinh viên nhiều quốc tịch, mọi người biết đến Việt Nam trên các nhật báo tin tức và truyền thanh truyền hình như một vùng nóng mà Iraq ngày nay đang diễn ra. Thầy là người Việt Nam duy nhất, một tu sĩ duy nhất có một ưu tư và phong cách đặc biệt giữa số người vô tư đó, thầy luôn nhắc đến Việt Nam, nói về cái hay cái đẹp của Việt Nam, cuộc chiến Việt Nam, những mong ước cho một nền hoà bình Việt Nam; Dĩ nhiên mọi người không ai hiểu Việt Nam và cuộc chiến lúc bấy giờ bằng thầy, thậm chí hiểu lệch lạc. Bằng cả tâm hồn yêu nước, thầy hướng về quê hương với tinh thần trong sáng, chân thành nhất để mọi người thấy rằng Việt Nam, người Việt Nam có đủ những đức tính đạo đức hiếu hoà và cao thượng, luôn hỷ xã nhưng kiên cường trước hoạ xâm lăng mà sử sách đã lưu dấu! Một ước mơ cho Việt Nam sau khi tái lập hoà bình sẽ tiến bộ vững mạnh như các quốc gia trong khu vực, thầy tin rằng với sự thông minh của dân tộc, Việt Nam sẽ vượt bực trong nhiều lãnh vực. Quý vị có mặt trong buổi tọa đàm đó tuy chưa đủ niềm tin nhưng cũng vẫn kính nể thày với tinh thần yêu quê hương như thế!

Tình Thương và tình người: Một tu sĩ không thể không có tình thương, các tu sĩ thể hiện tình thương qua những công tác từ thiện xã hội và những công ích khác, đó là chuyện thường tình, riêng thầy trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, có dịp là tình thương được hiển lộ. Anh Tư Mẫn kể: -trên chuyến xe lửa, đoàn hành hương sau khi ăn, thực phẩm còn thừa, thầy gom hết, gói lại, mọi người nhìn nhau không hiểu thầy sẽ làm gì, khi xuống xe, thầy cẩn trọng đem biếu cho các trẻ em nghèo, vì Ấn Độ có quá nhiều người nghèo đói.

Một người khác cho biết, thầy nhặt tấm áo tuy không tốt lắm, nhưng còn lành lặn, bỏ vào túi xách, biếu cho một người nông dân địa phương. Chính tâm hồn như thế mà bầy chim Hồng Hạc đã được bảo vệ và phát triển tại Lâm Tỳ Ni ngày nay. Ai từng đọc tập sách KHI HỒNG HẠC BAY VỀ…sẽ thấy tâm huyết của thầy đối với loài chim quý hiếm nầy. Công lao bảo vệ Hồng Hạc không thua gì công lao phát triển Phật giáo của thầy tại Bodh Gaya, India va Lumbini, Nepal
Dân địa phương cũng không quên ơn khi thầy nổ lực vận động xây cầu và làm bệnh viện.

Thầy là công dân của một nước từng mang nổi đau của chinh chiến, chứng kiến bao giòng lệ và nổi uất nghẹn của con mất cha, vợ mất chồng, thầy hiểu niềm đau đó. Khi đất nước Nepal lâm vào cuộc chiến, thầy không nở bỏ đi, vì vậy, bằng khả năng, uy tín và thiện chí, tình người, thầy đứng ra vận động kêu gọi tái lập hoà bình cho Nepal. Dĩ nhiên rất khó khăn giữa Vương quốc và Maoist. Nhưng tình người và tình thương nhân loại đã giúp thầy thành công bằng thiện ý giữa vũ lực.

Một sáng kiến độc đáo: Ấn Độ và Nepal là vùng đất khởi nguyên phát triển Đạo Phật gần 3000 năm trước. Nhưng sau khi Hồi giáo tiêu diệt. Đạo Phật hầu như không còn vết tích ngoài đống đổ nát. Các Thánh tích đó đã được vua Asoka xây dựng, tuy không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn còn những chứng tích đổ nát để hậu sanh chúng ta biết đâu là nơi Phật giáng trần, nơi nào ngài nhập Niết Bàn, nơi nào Ngài chuyển Pháp Luân, nơi nào Ngài ra đi tìm đạo.

Khi thầy đến Lâm Tỳ Ni vào năm 1969 với tâm tưởng một vùng Thánh địa hùng tráng một thời mà giáo sử ghi chép, nhưng thầy bất ngờ nhìn cây cỏ rừng hoang sình lầy bao phủ mênh mông, xoá tan dấu vết kinh đô một tiểu vương quốc gần 3000 năm trước lùng danh. Nỗi đau xót đó đã thúc dục thầy phát tâm phục hưng Phật giáo tại tứ thánh địa.
Qua tập sách Những Điều Mầu nhiệm Trên Đất Phật của thầy cho thấy bước khó khăn của thầy khi xây dựng ngôi chùa Việt Nam đầu tiên chỉ vỏn vẹn trong túi có 60 đô la. Đi mua chai nước tương trên 50 cây số, nước uống phải trên vài km, còn bao sự đe dọa từ rắn rết cầm thú đến Hồi giáo sát hại, thế mà, với tâm nguyện kiên cường, thầy vượt qua bao thử thách. Thầy không thể tồn tại đơn lẻ giữa chốn hoang vu, vì thế nhiều quốc gia đáp lời kêu gọi của thầy, họ đã có mặt các ngôi Tam Bảo trên vùng đất do thầy chủ xướng. Hôm nay đã có trên 22 ngôi chùa của các quốc gia Phật Giáo góp mặt, gọi là Liên Hiệp Phật Quốc tự.Trên 20 năm sau, nơi đây trở thành một vùng trăm hoa đua nờ các kiến trúc mang nét đặc thù của mỗi quốc gia Phật giáo, biến thành trung tâm du lịch hằng ngày vô số người đến chiếm bái từ mọi quốc gia trên thế giới.
Không những Phật giáo phải biết đến công lao của thầy, ngay cả chính phủ và nhân dân Ấn, Nepal cũng phải biết đến một phần lớn thu nhập Du lịch ngày nay do thầy phát triển địa phương, và thầy đi bất cứ nơi đâu, đều chào mời du khách về viếng Tứ Thánh Tích Phật Giáo.

Cá tính của một người tu: Anh chị Thanh Tiên, người từng sống tại Lumbini, Việt Nam Phật quốc tự cho biết: Thầy sống rất đơn giản. Tự tay nầu ăn, áo quần tự giặt. Mỗi lần đi xa về, trong vali tầy toàn rau củ. Đôi dép nhựa mòn nhẵn.Thầy từ chối mọi phục dịch cho riêng thầy.
Khách đến, dù dân dã hay quan quyền, thầy đều giao tiếp như nhau, không phân biệt nghèo giàu, khách phương xa hay người địa phương. Quan chức chính phủ đến, thầy không muốn họ mang vũ khí vào chùa, không muốn trọng vọng biệt đãi. Thậm chí, các quan chức của những quốc gia khác đến, thầy thường tránh mặt đê cho những thầy khác tiếp đón, thấy xem mình là người giữ chùa làm vườn mà thôi.Thầy thích thân cận dân nghèo để lắng nghe những nhu cầu, nguyện vọng của họ hầu tìm cách giúp đỡ. Chùa tuy xây cất khang trang, tiện nghi, nhưng thầy chỉ ở nhà tranh vách đất như lúc chưa cất chùa. khách tăng và thiện nam tín nữ thập phương đều được quyền cư trú các phòng ốc đó.

Trong công tac xây cầu, được nhiều mạnh thường quân hưởng ứng, thế nhưng thầy rất giới hạn sự đóng góp, thầy không nhận dư và không nhận bao thầu của một người, làm như thế người khác không có cơ hội đóng góp.

Khi được chính phủ Nepal mời đến để trao đất, thầy khiêm tốn và từ chối không nhận sự ưu đãi riêng thầy, ngay cả nơi cư trú – nhà khách chính phủ gọi là Dinh Quốc khách; Ta hãy nghe: Sau phần nghi lễ xã giaotrang trọng,mọi người cùng bắt đầu buổi làm việc chính thức giữa hai bên trong không khí vui vẻ cởi mở khiến mọi sự phiền não trong tôi biến mất lúc nào không hay.Nhưng đến cuối buổi họp tôi bị căng thẳng trở lại khi ban đón tiếp phía Nepal thông báo:
-Quốc vương và Thủ tướng kính mời thầy về nghĩ tại Dinh Quốc khách!
Tôi vội nói:
-Không, không, tôi chỉ là người bình thường nên xin phép được ở bên ngoài….
Phía Nepal không đồng ý nhung phần tôi cũng không nhượng bộ.Cuối cùng họ chọn giải pháp dung hòa là thu xếp cho tôi ở tại khách sạn Yak Yati.

Ngay cả khi bàn giao giấy chứng nhận cấp đất cũng vậy, thầy không muốn khoa trương rườm rà, không muốn có báo chí, truyền thanh, truyền hình…chỉ muốn làm trong âm thầm lặng lẽ.

Việc tôn vinh cá nhân thầy, không bao giờ thầy chấp nhận; không bao giờ thầy nói về mình, hay phê phán người khác. Ngay cả những gì thầy làm được, thầy cũng không muốn ai nhắc nhở. Lúc về Việt Nam cũng thế, thầy không muốn cư trú chùa nào, ngại làm phiền quý thầy, thầy tránh sự giao tiếp với những Phật tử ái mộ và thầy cũng không làm lễ quy y cho những ai đến với thầy khi thầy về nứơc.

Việc giúp đỡ dân chúng địa phương cũng thế, thầy muốn họ hợp tác, để có phần trách nhiệm hơn là dựa dẫm, lợi dụng và vô trách nhiệm. Họ yêu cầu thầy làm đường, mở và xây dựng trường học, kể cả yêu cầu thầy trả lương cho giáo viên, thật quá đáng, vì thầy đâu phải là người Ấn hay Nepal, thầy là người ngoại quốc, giúp đỡ như thế do lòng từ chứ đâu phải chỉ là trách nhiệm hay bổn phận. Tuy thầy từ chối và phản ứng ra mặt để họ thấy được cái vô lý và thiếu tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với công ích của quần chúng, nhưng sau đó thầy vẫn âm thầm giúp đỡ mọi tiện nghi cho dân chúng sở tại!


Rất nhiều người viết về một nhà sư Việt Nam trên đất Phật, rất nhiều bài báo nói về nét văn hoá Việt Nam từ ngôi chùa trên xứ Phật, nhưng ít thấy ai nói về nét Xuân từ tâm hồn nhà sư ấy trải dài suốt thời gian phục vụ Phật Giáo, phụng sự người dân và bảo vệ sinh môi, thể hiện đức hiếu sinh đối với mọi sinh vật trên đất Phật.

Như chúng ta đã biết công trạng nhà sư ấy đối với Việt Nam qua tinh thần mang nặng ơn non nước.

Chúng ta cũng đã thấy những đóng góp to lớn đối với nhân dân và quốc gia Nepal của vị tu sĩ Việt Nam tuổi ngoài lục tuần, trên nhiều mặt, kể cả hoá giải xung đột chính trị.

Và nếu là một nhà sinh vật học, một chuyên gia Liên Hiệp Quốc, một cán bộ giáo dục hay giao thông vận ải, một nhà Hoà bình xanh hoặc chuyên gia bảo vệ thực động vật, việc làm của họ mang tính trách nhiệm. Nhưng nơi đây, một nhà sư Việt Nam, một thân một bóng lăn lộn trên 40 năm ở xứ người, ngoài việc tiếp thu kiến thức, người còn ban rãi tình thương cho cuộc sống chung quanh. Đem kiến thức ươm mầm cho thế hệ kế thừa, không chỉ kiến thức thế học mà còn kiến thức tâm linh, tăng trưởng nội lực tự thân , để biến chúng thành sự mầu nhiệm trong đời thường. Bao việc nặng nhọc, khó khăn như thế, nhà sư ấy vẫn an lạc, vẫn thong dong như vô sự. Không bị vướng mắc sự bực bội của đời thường, vẫn tạo được sự tôn kính đối với mọi người chung quanh. Vẫn giữ được nếp sống thanh bần giản dị. Trên khuôn mặt ấy, vần trán và ánh mắt vẫn dung chứa nét thâm sâu huyền nhiệm, phải chăng, nhà sư ấy, một tu sĩ Việt Nam trên đất Phật ấy đã thấm đượm và phát tiết hương Xuân trong tâm hồn mà giáo lý và quá trình tu tập đã biến cuộc sống là một mùa Xuân.

Thầy Huyền Diệu, một tu sĩ Phật Giáo Việt Nam, chủ tịch Liên Đoàn Phật Giáo Thế giới đã có những kỳ tích trên đất Phật và trên Thế giới như mùa Xuân mang lại vẽ đẹp cho năm mới, nhưng nơi đây, nét đẹp từ lòng người, luôn là mùa Xuân của cuộc sống, đó là sự mầu nhiệm của một người ẩn hiện từ Lòng Xuân.

Những giòng nầy đang viết về thầy, thì tại Lumbini hay Bodh gaya, thầy đang tiếp tục làm người quét chùa, canh chim Hồng Hạc, hay thơ thẩn dưới những tán cây phượng vỹ, cội hoa Việt Nam hay những loại cây ăn trái đang vào mùa đơm hoa kết trái; thầy bình dị như sự bình dị của dân quê chất phát, nhưng là bóng mát của một mùa Xuân

Xin giới thiệu đến quý độc giả một tu sĩ Phật Giáo Việt Nam- Người Từ Lòng Xuân



MINH MẪN

05/02/08
Đầu xuân Mậu Tý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét