Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

NỖI LÒNG CỦA HUẾ


Tôi ra Huế được một tuần, tuy không có phương tiện đi lại, không quen phố phường, nhưng cũng được một số huynh đệ cho đến thăm một vài chùa, tìm hiểu tình hình sinh hoạt nội bộ, gặp gỡ một số tăng ni cư sĩ trí thức, nhờ thế mới hiểu được tâm tư nguyện vọng của PG núi Ngự sông Hương!
Qua bài Oi bức và Hiu quạnh, ta thấy hoạt cảnh của Từ Hiếu trong những ngày qua. Người trong cuộc cảm thấy buồn và trách sự hửng hờ của cái nôi PGVN. TS Hạnh đã trên 80, lặn lội từ nửa vòng trái đất để đem hy vọng thổi luồng gió mới cho đạo Phật mà mấy thập niên qua, Ngài luôn ước vọng Hiện Đại Hoá PG, TS đã thành công trên xứ sở công nghiệp. Năm 2005, lần đầu sau 40 năm xa quê, TS mong được có ngày đặt chân lên đất mẹ, ngày ấy, mãnh đất Thăng Long được người bước đi bằng những cảm xúc bồi hồi của người con viễn xứ hồi quy, và biết rằng, không phải chiêm bao, không phải là người tù lưu đày biệt xứ, Ngài đã nhìn dân tộc mình, anh em mình bằng ánh mắt trìu mến thân thương, đã hiểu đất nước mình, thương đất nước mình! Vì thế , Ngài gọi là Xuân đoàn tụ, Xuân bên nhau, ước vọng siết tay nhau trong ngôi nhà PGVN đã được đáp lại bằng sự nghinh tiếp của chư tôn đức, nhất là tại Huế, thậm chí, tăng đoàn thuộc GHTN, quý thầy cũng hoan hỷ chúc mừng sư ông, họ cũng đã Bố Tát chung lần đầu tiên gần 3 thập niên không nhìn mặt nhau! Như thế, cho dù hệ phái tông môn nào, ý hệ nào, họ cũng tôn kính TS bằng tình đồng đạo và bậc trưởng thượng, một thạch trụ trong ngôi nhà PGVN hiện nay.
Thế nhưng tại sao chuyến về lần nầy, Huế mộng mơ mà Huế lại làm ngơ? Đối với một TS chẳng là gì để phải bận tâm, vì khi lấy Từ Hiếu làm chốn tu học theo làng Mai, cho dù còn một người chấp nhận ở lại với những điều kiện tinh chuyên, cũng là tốt. Nhưng chẳng lẽ TS từ vạn dặm quay về chỉ để độ một người mà bỏ mọi người?
Có nhiều người, từ SG cho đến Huế, họ bảo: “Pháp tu của sư ông không thích hợp tại VN”; tám vạn bốn ngàn pháp môn, ai thích pháp nào theo pháp ấy đâu nhất cứ phải pháp của sư ông, thật ra cũng rất nhiều người tại VN đã tìm thấy an lạc trong pháp của sư ông. Thuở Phật tại thế, không thiếu chi người chống Phật, bỏ Phật ra đi, vì pháp Phật nói không hợp căn cơ họ.Tinh thần môn phái là tinh thần hẹp lượng, nhưng không vì thế mà người ta chống đối, quay lưng, bằng cớ họ đã đến với Ngài trong buổi đầu. Và tại VN cũng đã tồn tại nhiều môn phái dị biệt mà có ai chống ai.
Vậy tại sao TS bị chống đối?
Ngoài cuốn HTNH của Quách Thị Song Phu tức Quách Mạc Nhiên, tục gọi là Giản, xuất thân từ Huế, không ai chống Ngài cả, theo tâm sự của một số tu sĩ tại Huế, họ chỉ buồn TS , khi Ngài nêu lên: Hiểu và Thương mà Ngài không chịu thương và hiểu họ!
Vấn đề Tông môn, Tổ đình: Huế là mãnh đất đa tình nặng nghĩa, người dân Huế sâu sắc thâm trầm, khi thương để dạ, khi ghét rát da! Tánh tình người Huế lặng lờ như sông Hương, tâm hồn thoáng đạt như núi Ngự; điều Huế nghĩ không ai biết, điều Huế làm chả ai ngờ. TS xuất thân từ cố đô, tâm tư tình cảm người đất Thần Kinh Ngài đã hiểu, cho dù gần nửa thế kỷ lưu lạc xứ người; vì thế sư ông thể hiện nghĩa tình qua một số trường hợp khá chu tất, ứng xử khá tinh tường, và nhạy bén trước hiện tượng mà người đương thời không bắt kịp. Nhưng, một số thầy tại Huế đã nói lên được nguyên nhân nổi buồn của chư tôn túc hầu hết các tổ đình tồn tại trong cái nôi PGVN đối với TS trong chuyến tái lâm. Họ nghĩ: cho dù TS là cổ thụ của PGVN, nhưng nguyên tắc, hiện Người là khách khi buớc chân về xứ Hò Mái Nhì, chư tôn túc các Tổ đình vẫn là thổ địa sở tại, đáng ra Ngài phải ngỏ lời mời các ôn quang lâm Từ Hiếu để vấn an trong tình huynh đệ; cùng nhau bàn bạc những Phật sự trong thời gian sư ông lưu trú. TT Giác Quang, phó BTS PGTT-Huế ra đón TS mà thay vì phải là vị chánh và toàn BTS cùng các khuôn hội, thành hội. Về lễ tân, như thế vẫn chưa đúng với tầm vóc đón đoàn quốc tế, chưa nói đến tình thầy trò mà đạo nghĩa nhà Phật quá thâm sâu, đủ cho thấy thái độ phản ứng ngầm của một dân tộc mọi thứ buồn vui ít khi biểu lộ. Phía Tăng thân thì nghĩ khác: sư ông là khách, làm sao khách lại mời chủ, lỡ mời không ai đến thì ăn nói làm sao với cái thể diện quốc tế đó! vả lại mời là do HT Chí Mậu, trụ trì tổ đình Từ Hiếu chứ sư ông lấy tư cách gì mời!
Về lý thì ai cũng phải, nhưng trong Đạo không lấy tình mà xử, chỉ dùng lý giữ kẽ nhau sao, liệu có vướng phải tà kiến để anh em xa cách nhau? TS đã dạy, thầy trò, anh em không hóa giải nhau được thì làm sao hoá giải cho tín đồ! Và Ngài cũng dạy, người lớn phải đi trước một bước để gỡ những mắc mứu đó.
Một số khác, vì ảnh hưởng quyền lợi nên bất mãn, một vị tâm sự: Tiền viện trợ cho các trường và các cô giáo, với điều kiện họ phải lên Từ Hiếu để tu tập, nếu không chấp nhận là cắt ngay. Điều nầy chưa biết thật hư thế nào, đúng mấy mươi phần trăm, nhưng tôi đã biện hộ cho từ thiện làng Mai:Biết đâu đó là thiện ý, vì sợ nhận đồng tiền với tâm niệm đời thường, không tu tập thì xử dụng thiếu chính đáng mang tội…Người ta phản bác ý kiến tôi; tôi cũng không tiện gặp các vị có thẩm quyền Làng Mai để hiểu thêm cho chính xác.
Những người tu pháp Tịnh Độ, họ nói: ông bà cha mẹ thầy Tổ tôi lưu truyền nhiều đời quen tu Tịnh Độ, giờ đây khuyến khích Thở và Cười nghe xa lạ quá, ai mà không thở, ai chẳng phải cười trước cái ngộ nghĩnh đó.
Nghe đến đây tôi sực nhớ một tờ báo tại TP HCM nói biếm pháp thoại sư ông tại khu du lịch Văn Thánh dành cho doanh nghiệp: không Thở có mà chết à, làm ăn giao dịch mà cái mặt chầm dầm ai thèm ký hợp đồng…Thở và Cười hay mọi hành trạng trong cuộc sống, TS muốn chúng ta trở về chánh niệm trong từng động thái đó. Nhưng họ vẫn không đồng ý, họ nói: các pháp tu khác không có chánh niệm à?Nhưng thưa quý ngài, chúng ta đã đi quá xa chánh pháp suốt nhiều thế kỷ, cha ông thầy tổ chúng ta cũng không nắm bắt được pháp hành hiệu quả để biến nhiều thế hệ tu sĩ thành những nạn nhân của nghiệp vụ tôn giáo, vắng mặt sự an lạc hiện tiền, không có một Thiền sư đúng nghĩa, Ngài khôi phục lại con đường khởi nguyên từ An Ban Thủ Ý có gì xa lạ đâu! họ vẫn lắc đầu quầy quậy.
Một số khác cố chấp vào hạ lạp, cho rằng sư cô Chân Không mới tu, làm sao những sư bà năm bảy chục tuổi hạ phải tuân thủ sư cô! Thật ra là sự tôn trọng nhau, có ai bắt ai tuân thủ đâu. Những sư bà không thể hoà nhập được lối sinh hoạt tươi trẻ của làng Mai, họ không đứng ra ca hát, không quen sinh hoạt từng nhóm mệnh danh gia đình Mít, Xoài, Ớt Ổi…Họ ăn có nơi, chơi có chỗ, không thể bưng bát đến lấy cơm như một selfservice, rồi ngồi ngoài trời thoải mái thong dong, vì họ từng được đệ tử cung phụng hầu hạ theo giai cấp phong kiến mà truyền thống thiền môn nhiều đời đã un đúc thứ lớp trật tự.
Những người khác họ không chấp nhận thái độ độc đoán, kẻ cả của sư cô Chân Không, dù họ là tu sĩ thất học, nhưng họ không cho biết cụ thể thế nào là độc đoán, kẻ cả, có lẽ họ nói theo cảm tính và mặc cảm, phần lớn tu sĩ làng Mai rất khiêm hạ! Nếu thật sự sư cô Chân Không có những đức tính đó cũng dễ hiểu, vì phong cách làm việc tháo vác, quán xuỵến mọi thứ cho làng Mai sinh hoạt hiệu quả, đều do cô Chân Không, không quyết đoán làm sao thành tựu! Không phải họ mới chống cô Chân Không lần nầy, mà 2005 cũng đã có, do hiểu lầm nào đó mà họ bảo sư cô thao túng và nắm quyền sư ông! Một số nghe không rõ khi sư cô trả lời phỏng vấn của đài nước ngoài.
Tại SG, chuyến về trước của TS tại chùa Hoằng Pháp, nhiều người phản ảnh về việc quy y cho những người mà họ đã quy y, đã có sư phụ!
Một ít Tăng ni trẻ, họ ra đời sau chiến tranh, uy tín TS NH chỉ qua sách vở, họ chưa cảm nhận mối huyết thống tâm linh mà chư tôn đức hiện diện tại các Tổ đình có sự ràng buộc, vì thế, khi TS trở về lấy tổ đình Từ Hiếu làm đạo tràng tu tập theo pháp làng Mai, một số tăng sĩ trẻ chưa hội nhập và chưa cảm thông được Hiện Pháp Lạc Trú đó, họ ra khỏi Từ Hiếu, nơi gắn bó quá trình tu tập từ bé, bằng sự đau buồn mà không có sự chia xẻ cảm thông để hiểu và thương! Và mới hôm qua đây thôi, chùa Diệu Nghiêm trước Từ Hiếu, làm lễ bàn giao lại cho Từ Hiếu, vốn cũng là của Từ Hiếu, do sư bà Diệu Trí trụ trì, chưa họp chúng đả thông tư tưởng, tạo sự ngỡ ngàng cho một số ni trẻ, các ni hỏi: Thầy giao chùa rồi chúng con ở mô? sư bà đáp - thầy đã xin 2 cái phòng ở chùa Diệu Đức cho các con ở.- còn mấy em con đi học xa khi họ nghe như vậy làm sao họ biết mô mà về!Quý cô như bầy gà con mất mẹ, vì chưa giáp mặt cuộc đời, chưa đối diện với những khó khăn, quý cô còn rất trẻ, rất nhỏ, như những tiểu thư luôn được sự bảo bọc của mẹ cha, thế là quý cô quyết định ra góc vườn che chòi tá túc!
Đó là những khó khăn vụn vặt thuộc tâm lý mà không tế nhị sẽ dẫn đến những bất mãn, và lây lan khá nhanh. Chưa nói đến những đồn đại mà kẻ nhẹ dạ cả tin đã không có mặt đông đủ như chuyến về lần trước của TS và Tăng thân Làng Mai.
Một số khác vì quan điểm chính trị, nghĩ rằng TS về để trang điểm cho chế độ, nghĩa là dìm những kẻ chống đối CS, giải tán Tăng đoàn, phá hoại cơ sở GHTN. Lấy tâm nhỏ hẹp và phẩn hận của chính trị làm sao hiểu được đại hạnh của người từng làm việc lớn như TS NH?.
Cũng không loại trừ những vị chưa làm gì cho PG ra hồn, sanh tâm đố kỵ và sợ uy tín của sư ông làm hại quyền lợi của họ, địa vị của họ, nên ngấm ngầm yểm trợ cho kẻ chống đối.Cũng co một giảng sư ngoài luồng, có đông người tin theo, muốn lập một giáo hội riêng, một giáo lý riêng, tuy không được Phật giáo đồng thuận, nhưng thế lực mạnh nên vẫn tồn tại và phát triển, đã viết bài NHận Định Giáo Lý Làng Mai để nhục mạ TS và hủy báng Làng Mai.
Có tăng trẻ tự hỏi: Bồi đắp gốc rễ, khai thông suối nguồn, Gốc rể nào, nếu gốc rễ là một truyền thống thì truyền thống PGVN không thể như thế. Khai thông suối nguồn thì suối nguồn nào bị bế tắt mà khai thông, nếu khai thông tại sao sư ông không chủ động hạ mình giao tiếp đả thông tư tưởng với tăng ni quần chúng Huế, nhất là chư tôn túc hiện tại để bắt họ phải tự động tới quỳ bên chân Người? với tinh thần câu móc như thế, tôi đành im lặng.

Tóm lại, Huế đã dành cho TS một cảm tình sâu đậm, đã hãnh diện có một nhân tài từ đất mẹ mà ra, nhưng vì chưa hiểu nhau, đã mặc cảm cho nhau, buồn tủi nuôi trong lòng, không có cơ hội giải kết, cái im lặng đáng sợ đó tạo thành bức màn ngăn cách, cho dù mỏng như sương khuya trên sông Hương, cũng đủ thấm lạnh tình người.
Trong khóa tu Từ Hiếu, tuy phần lớn PG Huế ngoảnh mặt, nhưng Kito giáo Thừa Thiên lại đến với Ngài bởi hai thầy dòng Đan Viện Thiên An, họ chăm chú học tập và phát biểu, pháp tu nầy không khác gì tôn giáo họ, họ đến học để về bổ sung cho những khiếm khuyết của giáo lý Thần học như họ nói.
Suốt cuộc đời của sư ông luôn bị nội bộ PG chống đối, trong quá khứ cũng như hiện tại, phải chăng một Thiền sư nổi trội nhờ sự chống đối? Ngài vẫn im lặng mà tiến, bát phong xuy bất động, ngoảnh mặt mà đi thì có gì để nói, nhưng với tâm từ của một Bồ Tát Qúan Thế Âm, ngài lắng nghe sự chống báng, bất mãn, biết nguyên nhân của sự thể để dang đôi tay siết chặt cãm thông như ngài từng nói, nhìn, lắng nghe để Hiểu và Thương thì bài tán Quán Thế Âm và Nhành Dương Liễu sẽ xoá tan bầu không khí u ám hiện nay. PG Huế đang chờ Ngài mở lời, vì sự im lặng chỉ là chờ đợi một sự quan tâm, không khó khăn lắm đâu để cùng hát:
Dear friends, dear friends,, let me tell you how I feel, you have given me such treasures, I love you so!Nếu những suy tư trên của PG TT Huế có thật, là một tà kiến như quan điểm của su ông, thì cần một đả thông trí tuệ của sư ông, bởi vì tấm lòng Hiểu và Thương chưa đủ thẩm thấu làm mềm nhủn mãnh đất khô khốc đó. Những tà kiến khô khốc đó đang bị đóng băng, lan nhanh như một hội chứng trầm cảm biểu lộ một thái độ thụ động, bất hợp tác. Chúng ta buồn và trách cứ Huế lạnh lùng, nhưng ta chưa hoà nhập vào sự lạnh lùng đó để biết lý do nào Huế đã làm ngơ…vì chúng ta chỉ biết trách cứ mà chưa biết cảm thông.

Hoàng hôn xứ Huế, phủ lớp sương mờ cho giòng sông Hương thêm huyền ảo, che bớt nét uy hùng của dãy Trường sơn; hàm tàng nét quyến rũ đa tình lãng mạn của đất cố đô, nhưng không dấu được sự thủy chung và buồn tủi từ những mái cong cổ tự mà hàng Thích tử phải góp phần trùng hưng Phật Pháp.

MINH MẪN
30/3/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét