Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

HOAN HỶ


Ba ngày Chẩn Tế tại Sóc Sơn đã hoàn mãn tốt đẹp ngoài dự đoán. Theo chương trình như Vĩnh Nghiêm và Diệu Đế, Tăng thân làng Mai luôn có khóa lễ vào ngày thứ hai, nhưng tại Sóc Sơn, chùa Non, ngày thứ nhì quy linh và ngày thứ ba, buổi chiều, chư Tăng lại phụ trách thêm một khóa lễ cầu siêu, bởi vì nghi cúng của ban kinh sư Nam Định còn nhiều thời gian bỏ trống.

Lượng người tham dự không thuyên giảm, vì hôm chót trúng vào ngày chủ nhật, từ Hà Nội và các vùng cận biên đã ồ ạt đến từ tờ mờ sớm.Các quán nước ven dốc dẫn lên chùa thưa khách, vì khách thập phương đã được đoàn bao cơm nước chu tất, thậm chí, một ít kẻ lạm dụng xin cơm về bán lại tại quầy nước của mình.

4giờ sáng, anh em Tiếp Hiện đã phải thức giấc chuẩn bị lên chùa tham dự tọa thiền và thiền hành, vì chỗ ở cách xa hơn cây số. Các Tăng ni sinh bên Học viện cũng đổ về chùa. Thiền sư từ nhà nghỉ cách đó ba km cũng về chùa sớm. Các cụ bà ngồi đầy bên ngoài và hai bên hông chùa có rạp che, bên trong chỉ đủ cho Tăng ni sinh Học Viện và một số ít Tăng thân Làng Mai. Các bà ngồi kiết già rất thuần, khi xã, biết thao tác đúng cách, chứng tỏ các đạo tràng tại phía Bắc có sự hướng dẫn tu học nghiêm túc, và những đạo tràng nghiêm túc như thế chỉ được duy trì tại những chùa thuần túy ăn chay. Độ nửa giờ toạ thiền, đoàn bắt đầu đi bộ từ chùa Non xuống Học viện 700m đường dốc rồi trở lên lại.Tất cả trong im lặng, mặc dù các bà các ông chưa hề biết nguyên tắc thiền hành của làng Mai. Tờ mờ sáng đã có hàng ngàn người tham dự , họ đã trú đêm tại chùa hoặc trên xe, và bất cứ nơi đâu. Một số người vừa đến bằng phương tiện riêng cũng vội nhập vào đoàn. Các xe ca cũng lần lượt vào bãi. Đoàn lên lại chùa, chúng tôi tách đoàn xuống chân núi, ghé vào lều nước bên đường, đối diện cổng Tam quan Học Viện. Anh em Tiếp Hiện thích uống trà Bắc, một bình trà nhỏ chỉ đủ một ly lớn, đã phải 5 ngàn đồng. Ngồi nhìn ánh sáng bình minh chiếu những tia hào quang trên đỉnh núi, mặt nước hồ cạn cũng tan dần sương đêm.

- Ngày mai chấm dứt lễ, chắc các hàng quán thu quân tất? tôi hỏi anh chủ quán
- Không ạ, vẫn bán như thường. anh ta đáp. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Anh bán cho ai?
- Có chứ, hàng ngày vẫn có người đi lễ, thứ bảy chủ nhật đông lắm. ngoài chùa Non còn có đền Sóc, đền Thánh Gióng, miếu Bà…
- Có đông như thế nầy không? Tôi hỏi
- Không bằng, nhưng vẫn có nhiều xe các tỉnh đỗ về như thế.lễ Phật Đản cũng tổ chức tại đây

Hoá ra, lễ Chẩn tế đưa về đây cũng không có gì lạ, nhờ thế mà đông hẳn. Người miền Bắc có tập quán lễ hội, hội chùa Hương, hội đền Hùng, hội thánh Gióng…nhất là ba tháng mùa Xuân, đó là những dịp để người dân thể hiện nhu cầu tín ngưỡng. và là cái khác biệt giữa lượng người đông đảo của miền Nam và miền Bắc trong cuộc Đại Chẩn vừa qua. Tinh thần tín ngưỡng của người dân phía Bắc thấm đậm hơn. Những người ở ven Sóc Sơn, cách hơn mươi cây số, họ gồng gánh hành lý trên đòn tre, rủ nhau cuốc bộ, ở lại suốt ba ngày, xe thồ xe đạp họ cũng hăm hở đến dự. Rất nhiều người, cái khó cái nghèo không dấu được qua trang phục và vóc dáng, họ vẫn có mặt trong trai đàn với niềm sung sướng mãn nguyện. Nghi lễ và hình thức tổ chức tuy đơn điệu hơn Vĩnh Nghiêm, nhưng tấm lòng của đức tin đã gắn bó với người dân như máu với thịt.
Hay tin miền Bắc thiếu thốn nhiều mặt, thầy Giác Thiện đã kêu gọi chị em phật tử Huế hỗ trợ, chị Hoa, cháu bác Siêu thay mặt họ, mang ra cúng một trăm năm chục triệu tiền mặt cho làng và ở lại, hàng ngày nấu ăn cúng dường cho chư Tăng thân.
Vào giờ chiều, làng Mai bố thí và cấp học bổng cho học sinh địa phương. 16 giờ nhập đàn, qua nghi thức, đây là loại Đại mông Sơn, một số chi tiết của những Đàn trước, ở đây không có, không có cung thỉnh Bồ Tát Giám Đàn, Giám Môn, không có Hàn Lâm sở và rất nhiều cái thiếu sót của một Đại đàn chẩn tế. Đặc biệt, ngoài sám chủ, cả hai vị hộ đàn cũng đội mão Địa Tạng. Khi Lục cúng, các sư cũng múa theo kiểu Bóng rỗi.
Một số người có thân nhân gởi cầu siêu, đã cảm động khóc sướt mướt. Lễ kết thúc hơn 22g. Sư ông ngỏ lời cảm tạ GH TW, ĐĐ trụ trì chùa Non, tặng quà cho nhau, có lẽ buổi chẩn đàn nầy đã tạo cảm hứng cho sư ông nhất, nên âm điệu và sắc diện của sư ông qua những buổi pháp thoại có vẻ hưng phấn và nội dung pháp thoại sâu sắc, mang nhiều ý nhị. Qua ba cuộc Đàn chẩn tại ba miền, trời đều tuôn mưa nhưng không kéo dài và khí hậu thay đổi dễ chịu. Tại cầu Rạch Chiết ở TP HCM, sau nghi dẫn linh, quý thầy cần đến tám người mới kéo lên được tấm vải trắng mỏng vớt linh từ dưới nước mà lẽ ra chỉ cần một người. Cả ba nơi, những ai tham dự chẩn đàn đều xúc động và cảm thấy nhẹ nhàng đối với thân quyến quá cố, cảm nhận sự tác dụng và hiệu quả tâm lý rõ rệt .

Đoàn đã về một tốp lúc tối, sau khi mãn chẩn, sáng nay, số Tiếp Hiện phải ở lại phụ dọn dẹp làm vệ sinh, có người nói: “Thầy trò làng Mai làm thì thầy trò làng Mai dẹp”, đúng vậy, họ chỉ cho mượn mặt bằng chứ không cho mượn người, dù đây là việc chung, vì thế từ A đến Z, nhân sự, chi phí đều từ làng Mai cả. Trong khi chờ nhận công tác, thầy Pháp Bảo gọi mấy anh Tiếp Hiện đến trách: Lúc nầy Tiếp hiện mê anh Minh Mẫn quá rồi, bài vở viết không lợi cho làng Mai vậy mà các anh cũng say mê đọc. Quý thầy đã đọc và có chung một nhận xét…anh Hà đáp:Bạch thầy, anh M.M là người viết trung thực, có gì nói nấy, biết gì viết nấy, không thiên bên nào hết. Viết vừa lòng làng Mai thì kẻ chống đối chưởi anh ấy, chụp mũ là tiếp tay C.S. Viết bất lợi thì làng Mai phiền trách…
Cuộc nói chuyện khá lâu, và rất nhiều điều phê phán, tôi và một số anh em ngồi ngoài quán nước, anh Hà đã cho biết như thế. Tôi chả còn gì để buồn hay vui, vì không làm cho bất cứ cá nhân nào. Bác Sĩ đã theo sư ông từ lâu, cũng nói: tôi tính viết phê phán lối hành sử của một số thầy cô trong Tăng thân, nhưng anh MM đã nói rồi nên tôi khỏi viết, anh cứ trung thực như thế là tốt.

Tôi dự tính ở lại phụ dọn dẹp với anh em Tiếp Hiện, chiều theo đoàn về lại Hà Nội, nhưng bác Do và mấy anh em rũ nhau đi Sapa, ngỏ ý mời tôi, thế là sáu người kéo nhau đón xe đò, không ai rành đường, đã bị cò mồi, thay vì tốn 400 ngàn đến Sapa, anh em phải chi 800 chỉ tới Lào Cai, thêm một chuyến xe Taxi mới đến Sapa vào quá 20g trong ngày.
Lào Cai cách TP Hà Nội gần 400km, diện tích 17km2, thuộc vùng cao. Từ Yên Bái về Lào Cai 200km đường đèo đốc, ngoằn ngoèo khúc khuỷu và hẹp; hai bên đường là núi, cây cối sát lộ phủ bóng mát. Nhiều nhà sắc tộc Dao nằm ven lộ và chạy sâu vào núi, sống bằng nông nghiệp và chăn nuôi, Dân cư các thị tứ phồn thịnh, nhưng ra vùng xa, vẫn còn nghèo. TP Lào Cai khá sầm uất và đẹp. Tại Yên Bái, các biểu ngữ và cổng chào chuẩn bị cho ngày giổ Tổ vua Hùng trưng bày khắp nơi, mồng 10 tháng ba âm lịch sắp tới.

Vùng đất núi mầu mỡ nên cây lá xanh tươi. Giống Hà Nội và một số vùng, từ Sóc sơn lên Yên Bái, Lào Cai, các quán thịt cầy mọc nhan nhãn, hãnh diện như món ăn truyền thống. Trong Nam, ngoài một số người Bắc di cư vùng ông Tạ, Gò Vấp, Hố Nai… người dân ít ai nỡ làm thịt con vật thân cận và trung thành với con người như thế, người thích ăn và kẻ thích giết biểu hiện một nhân cách thiếu tình cảm đạo đức đối với gia súc.

Sapa cách Lào Cai 40km, khí hậu mát dễ chịu, giáp giới Trung Quốc. Sapa có nét đẹp tao nhã gợi cảm hơn Đà Lạt. Màn đêm trùm phủ Sapa để những ánh sáng lấp lánh tạo thêm nét diễm kiều mà thành phố du lịch miền cao đang có. Sapa chưa có sự phức tạp như các TP công nghiệp, người dân vẫn còn thành tín như các sắc tộc sống tại miền cao của Lào Cai. Ánh sáng đầu ngày đã lột trần một Sapa huyền nhiệm, một góc phố nhìn lên đỉnh núi vời vợi, bên cạnh độ 50m nhiều khách sạn cũng tựa lưng vào vách núi.
Sau nhiều ngày mệt mỏi với chuyến đi dài ngày theo đoàn, chúng tôi có những giờ phút thư giãn và hoan hỷ, hoà cùng sự hoan hỷ của làng Mai thành công theo nguyện ước của TS Nhất Hạnh giúp các vong linh được siêu bạt hầu tạo từ trường thanh khiết cho một dân tộc được vươn lên.






MINH MẪN
23/4/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét