Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

NÉT ĐẸP NGÀY ẤY



Hải Yến khó khăn với những con chữ để sắp lên trang giấy trắng, chưa biết phải bắt đầu bằng câu gì cho hợp lý, dễ nghe!

Ngày đầu đứa con gái cưng duy nhất hoà nhập vào Tăng đoàn, Hải Yến như chừng cắt đi khúc ruột, một phần chia cho Tăng thân, một phần ấp ủ cho những kỷ niệm hơn 20 năm buồn vui, mẹ con từng chia xẻ trong một tổ ấm nơi vùng cao sương lạnh. Năm tháng đó, đứa con gái bé bỏng chỉ nằm lòng con đường từ nhà đến trường, quen phòng lớp, thầy cô, bạn bè; mỗi chỗ ngồi là một người bạn thân thương cho mỗi năm học; con gái cưng đó không đủ can đảm tìm hiểu, quen biết thêm với bạn bè ngoài lớp;

Tuy ngoài 20, đi khám bệnh, xin phép nghĩ học, làm Chứng Minh Nhân Dân…Mẹ cũng phải đưa con gái cưng của mình đi hoặc đích thân mẹ thay con mà làm mọi việc; Việc nhà, mẹ cũng không để con vất vả, vì con bận học, con còn nhỏ, còn vụng về hay bất cứ lý do nào mà mẹ có thể nêu ra để tự bào chữa cho con mình, có lẽ vì tình thương đầy ắp trong tim, mẹ luôn thấy gái cưng của mình đều có đủ mọi lý do để hưởng mọi biệt đãi; Tất cả những gì ưu ái nhất Hải Yến đều dành cho đứa con vừa lên ba đã thiếu vắng tình phụ tử.

Sương cao nguyên còn phủ mờ dáng thông, đọt cỏ, từ sau nhà Hải Yến, con lộ đỏ quen thuộc, xuất hiện một bé gái trạc tuổi gái cưng của mình, kẻo kịt gánh rau xanh, leo dốc, đổ về chợ. Hàng ngày, không thiếu những em bé vác bao trên vai đi lượm vật phế thải, tình cờ buổi sáng quét sân, Hải Yến phát hện cháu trai mở nắp thùng rác trước cửa nhà mình, nhặt vội thức ăn dư thừa con mình đã bỏ.. bao cảnh đời éo le ngang trái diễn ra trong xã hội, Hải Yến càng thấy bằng mọi cách không để cho Đặng Ngọc Hương L. gặp phải như thế; cho dù cô gái cưng có hai mươi hay ba mươi, bốn mươi tuổi vẫn thế, cho dù Hải Yến có cháu ngoại thì bé Hương L vẫn là con gái bé bỏng của nàng, vẫn vụng dại, khờ khạo, vẫn rụt rè nhút nhát; vẫn là quả trứng mỏng cần được nâng niu chở che!

2005, Làng Mai về Việt Nam, một Tăng đoàn lạ lẫm mà mẹ con Hải Yến như chưa bao giờ nhìn thấy; cũng đầu tròn áo vuông, thế nhưng có cái gì khác hẳn những tu sĩ mà mẹ con thường xuyên gặp. Những lễ lớn, Hương L được mẹ đưa lên chùa Linh Sơn, chùa Linh Phong, những chùa có tiếng tại Đà Lạt để lễ Phật; Hương L cũng như mẹ, đều tôn kính chư Tăng, chư ni, vì nơi họ là hình ảnh của cái gì thanh cao đạo đức; nếu mẹ cúng dường một vài Tăng Ni thì Hương L cũng bỏ vào thùng Phước sương những đồng tiền ít ỏi do nhịn ăn hoặc bớt chi tiêu hằng ngày. Tuy không có ba, nhưng Hương L được mẹ bù đắp tình thương lẫn vật chất, so với bạn bè, con gái cưng của mình không thiếu bất cứ thứ gì bạn bè đã có. Hải Yến khá vất vả trong cuộc sống để vừa làm mẹ, vừa làm cha cho Hương L không cảm thấy bị mất mát; Sau những buổi học ở trường, tối về, mẹ con nhộn nhã trên mâm ăn đạm bạc, Hương L trọ trẹ kể với mẹ bạn ni học thế nầy, thầy cô nọ dạy thế kia, những bạn gái chãnh không chịu nỗi…sinh nhật bạn cùng lớp, mẹ cũng ráng mua quà để con gái cưng của mình nở mày nở mặt với bè bạn. Thỉnh thoảng, Hải Yến đọc được những câu chuyện về đức hy sinh của bậc làm mẹ làm cha trong cơn túng quẩn, vẫn lo cho con ăn học thành tài, vì thế, Hải Yến bằng mọi cách phải kiếm một việc làm chân chánh, có mức thu nhập cố định, bảo đảm cuộc sống tương lai của con. Hải Yến không thích cạnh tranh gian dối trong việc bán buôn, thời may, sau khi đất nước đổi mới, một số công ty xí nghiệp mọc lên, trong đó có hãng Bảo hiểm Prudential, Hải Yến được tham gia.

Khi mức thu nhập vững vàng, Hải Yến có thời gian để đi chùa nhiều, giao tiếp rộng rãi hơn, mẹ con Hương L tham dự buổi sinh hoạt của Tăng thân làng Mai vào dịp lần đầu tiên sư ông Thích Nhất Hạnh về Lâm Đồng; hàng trăm vị sư thầy, sư cô, sư anh, sư chị lặng lẽ thong dong đi dưới hàng thông, trên đồi, dưới suối lúc Thiền hành, lúc sinh hoạt theo từng gia đình; nhỏ nhẹ dễ thương khi trao đổi pháp đàm. Qua chiếc áo dà ăn khớp với màu đất đỏ miền cao, làm nổi bật làn da trắng mịn, hồng hào sáng rỡ của các Tăng thân, nhất là sư anh sư chị người nước ngoài có cặp mắt trong xanh, cái mũi cao nhô hẳn trên khuôn thanh tú, đứng sắp hàng, cầm bát đi khất thực. Cả Hải Yến lẫn bé Hương L đều cảm nhận một sức sống thiêng liêng thuở Đức Phật còn tại thế tại vườn ông Cấp cô Độc và ông Kỳ Đà. Năng lượng Tăng thân như áng mây mỏng vắt ngang trên nền trời trong xanh của Phật giáo. Hải Yến ngẩng ngơ lặng nhìn, còn Hương L, cảm thấy mình là một phần của Tăng đoàn như thế, bổng chốc, bé gái cưng duy nhất của Hải Yến như tách biệt khỏi cuộc sống hiện thực để chìm vào cỏi mông lung mơ mộng. Hai mẹ con ngồi tựa lưng vào góc Thiền đường Đại Bàng nhìn ra công viên Bông Hồng cài áo, hình ảnh tượng đài hai mẹ con tung tăng in trên nền trời xanh, cứ tưởng chính mẹ con Hải Yến; Tiếng chuông chính niệm thỉnh thoảng vẫn điểm, sinh hoạt đại chúng vẫn từ tốn diễn ra khắp nơi. Lâu lắm không ai nói với ai lời nào, Hương L quay lại thỏ thẻ với mẹ: Thưa mẹ, con muốn xuất gia, con sẽ là một phần của Tăng thân mẹ à! Mẹ kinh ngạc, nhìn con ngỡ chừng nghe nhầm.

Những ngày sau đó, chương trình tu học cho Phật tử diễn ra nhộn nhịp, trên bốn nghìn người tham dự, Hải Yến ghi danh khoá chánh niệm, nhưng Hương L ghi danh để thọ giới tập sự xuất gia; dưới mái nhà chung Phật pháp, hai mẹ con đang chìm vào hai thế giới cách biệt.Buồn vui lẫn lộn, chắc chắn Hải Yến không thể nào an tĩnh như đã từng tham dự các khoá tu trước kia, nhất là lúc thọ giới Tiếp Hiện; những hạnh phúc ấm cúng giữa hai mẹ con hai mươi năm qua, giờ đây là làn khói mỏng mờ ảo; tình thương dành cho bé gái cưng như tuôn trào; Hải Yến chứng kiến từng sợi tóc đen tuyền mềm mượt của con rơi xuống khi lưỡi dao cạo trôi qua; sư chị vừa cạo, vừa đọc; Thế trừ tu phát –đương nguyện chúng sanh - viễn ly phiền não - cứu cánh tịch diệt. Tuy sư ông có soạn bằng âm chữ Việt, nhưng sư chị muốn đọc âm chữ nho cho oai, để Hương L cảm nhận cái gì thiêng liêng hơn, giá trị hơn. Từng lọn tóc buông xả là từng tình cảm thế tục của mẹ dành cho con dần dần rơi rụng nhẹ nhàng; Sư chị đưa cho Hương L bộ đồ nâu và chiếc áo dài, với cái đầu mới toanh, Hương Lan hảnh diện, súng sính nhìn mẹ : Giờ đây, mẹ gọi con là Chân Đoan Nghiêm nhé, nói nhẹ nhàng, và cười. Hải Yến thở ra, vừa nhẹ lòng, vừa sung sướng, giờ đây con gái cưng duy nhất của mình sẽ là con Phật, sẽ là một phần của Tăng thân Làng Mai.

Ba năm trôi qua, Hải Yến đã làm quen với cái Pháp danh của Hương L, - Chân Đoan Nghiêm. Tuy Chân Đoan Nghiêm vẫn gọi Hải Yến bằng mẹ, nhưng nàng luôn gọi con bằng cô. Hình như có một loại tình cảm sâu sắc, mới lạ hơn, thâm thúy hơn khi mẹ con gọi nhau như thế. Hải Yến an lòng suốt thời gian Chân Đoan Nghiêm hoà nhập vào năng lượng Tăng Thân. Nàng không còn phải lo một tương lai ngoài tầm tay cho bé gái cưng còn ngồi trên ghế nhà trường nữa; nàng cũng dành thời gian cho việc tu tập chánh niệm; từ ngày ấy, cọng thêm công phu tu tập, nàng cảm thấy êm dịu hơn, thành công hơn khi tiếp xúc với khách hàng tham gia Bảo hiểm.

-Mẹ ơi, đêm nào họ cũng vào xét hộ khẩu hết, chúng con vừa tụng kinh xong, về phòng để thiền toạ, thầy Đồng Hạnh đến gõ cửa, xuất hiện nhiều công an xã; Phòng con chỉ có con là lớn, sư em còn nhỏ, sư chị đi về Thành phố lo giấy tờ; con phải đứng ký giấy Biên bản xác nhận cư trú bất hợp pháp, và trả lời những gì họ hỏi. Ngày thì loa phóng thanh của sư phụ Đức Nghi phóng thẳng qua Tăng Thân chúng con không giờ nào yên tĩnh, Đêm thì cứ bị quấy nhiễu xét hỏi; Chúng con phải làm sao đây hở mẹ?

Hải Yến nghe lòng quặn thắt. Tuy mấy tháng nay nàng biết tin Làng Mai gặp khó. Sư phụ Đức Nghi không bảo lãnh Tăng Thân tu học nữa, mà còn lấy lại cơ sở, mặc dù Làng Mai bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng. Những năm trước, nàng ví Thượng Toạ Đức Nghi như là một Cấp Cô Độc và Kỳ Đà từng hiến đất cho Phật làm tu viện. Thượng Toạ cũng muốn biến Bát Nhã làm tu viện phát triển đạo Phật, một tâm hạnh hy hữu vào thời đại Pháp nhược ma cường hiện nay; niềm vui chưa bao lâu, tin buồn cho hàng Phật tử lại đến. Những người đóng công góp của cho Bát Nhã hình thành ngày nay cũng không muốn làng Mai ra đi tay không. Những người có con tu tập tại Bát Nhã cũng không muốn con mình phải đối đầu những khó khăn như vậy. Có một sư thầy đã bị Đồng Hạnh đánh bằng cán cuốc, nhưng tránh được, máy quay phim bị bể. Họ hăm sẽ tiếp tục hành hung quý Tăng Thân; Hải Yến vừa lo sợ cho đứa con gái duy nhất của mình, chưa từng đối đầu với khó khăn, giờ đây gặp phải những bất trắc thô bạo như thế thì làm sao đây. Mang nặng đẻ đau, nuôi lớn một đứa con trên hai mươi năm, bị họ hành hung thì lòng dạ người mẹ nào không đau xót. Trên ba trăm tu sĩ tập sự là trên ba trăm tâm hồn non nớt, chưa bao giờ gặp giông bảo cuộc đời, giờ đây, sống trong Tăng đoàn, hưởng năng lượng từ bi của Tam Bảo, phải chịu khủng bố tinh thần như thế, có mà điên loạn. Hải Yến nghĩ, không thể đem con về, ai sẽ bảo vệ cho các Tăng thân; Luật pháp chỉ bảo vệ cho các tội phạm xã hội và tham nhũng, ngược lại những công dân trong sáng,chân chánh, lương thiện phải chịu những bất công đau thương như thế sao!

Những đệ tử của thầy Đức Nghi đến chiếm một số phòng, vứt đồ đạt của các em tập sự ra ngoài mưa, các em chịu ướt rét của khí hậu cao nguyên; họ lấy nhà bếp, họ hành hung khủng bố nhiều cách, họ mượn tay chính quyền địa phương làm khó, trục xuất các giáo thọ…Giáo Hội Lâm Đồng đã làm việc với chính quyền Damb’ri, bảo lãnh cho Tăng Thân, nhưng hôm sau họ lại không chấp nhận cho các tu sĩ làng Mai tạm trú. Ba trăm người sẽ đi đâu, ở đâu? Hải Yến ngóng chờ tin tức tốt đẹp từ pháp luật có phương hướng giải quyết những khó khăn này, nhưng mỗi ngày tình hình một tồi tệ hơn.

Nhiều lần nàng muốn viết đơn đạo đạt tâm nguyện của một Phật tử lên Giáo Hội, một công dân gửi đến chính quyền, kêu cứu sự công bằng cho người dân và sự an bình cho người chân tu, nhưng, vài dòng chưa thành hình, nàng lại thả lỏng cán bút. Nghĩ đến đứa con cưng duy nhất của mình, những sư em tập sự, những sư chú sư cô chuyên tu, tự nhiên lòng tràn cảm xúc.

Hôm nay, Hải Yến về sớm, ngồi vào bàn, muốn chia xẻ lòng mình với ai đó cùng đồng cảm nội vụ Bát Nhã, muốn tìm cảm hứng để viết bức tâm thư, nhưng khó quá; nàng lại nóng lòng đợi điện thoại của Chân Đoan Nghiêm, mỗi lần máy reo, nàng luôn nghĩ là của Hương L bé bỏng ngày nào. Ba của Hương L, giờ nầy làm gì, ở đâu, có biết nỗi khó khăn của con, nỗi đau xót của nàng giữa cuộc đời đơn độc! Tai nạn không chỉ đến với kẻ xấu mà còn hành hạ người tốt. Nếu là nghiệp nợ, thì chỉ đến với sư ông và nhà nước hay cá nhân với cá nhân, con mình, các sư em tập sự tội tình gì phải bị khủng bố tinh thần hàng ngày hàng đêm khi chúng còn trong trắng như tờ giấy.

Một số sư em đứng ngơ ngẩn nhìn sự hung hăn thô lỗ của một tu sĩ như Đồng Hạnh, các em thật không hiểu. vì những gì các em học được từ sư ông, từ giáo thọ, không phải tác phong tu sĩ như thế.

Hải Yến biết viết gì khi những tu sĩ Phật giáo đã biến thành Hồi giáo cực đoan đang xuất hiện trong giới tu sĩ Phật giáo như số đệ tử của thầy Đức Nghi. Thầy lật lọng, đệ tử thô bạo thì mọi chữ nghĩa đều vô nghĩa; Hải Yến xếp tập giấy, chìm vào mông lung, phiền muộn than: Ôi, Phật giáo ngày nay là thế sao???!


MINH MẪN

22/10/08

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét