Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009

HIẾN CHƯƠNG và NHÂN SỰ


Qua ba lần tu chính Hiến Chương GHPGVN vào năm 1987-1992- 1997 đến nay, GHPGVN cũng chưa có một bộ mặt mới mẻ nào, chẳng những thế, lắm khi vì sự trì trệ, dẫn đến tình trạng quan liêu, cửa quyền, và biến Giáo Hội thành một cơ quan hành chánh đủ quyền sinh sát đối với tăng ni ở phía Nam.

Nguyên nhân trì trệ, phần lớn do quy định của Hiến Chương, tạo cho giáo phẩm một vị thế bất khả xâm phạm, tại vị vĩnh viễn, không gian ưu biệt, không ai có quyền chi phối ai. Ví dụ: HT H.P, HT T.Q giới thiệu đệ tử đến ông chánh văn phòng Thành Hội PG TP. HCM xác nhận là một tu sĩ thuộc GH với đầy đủ thủ tục để nhập hộ khẩu tại địa phương, ông chánh văn phòng không phê chuẩn, những tu sĩ không có điều kiện cúng dường thì phải chịu sống chui, sống bất hợp pháp vì không bao giờ nhận được chữ ký và con dấu từ ông “trời con” đó. Các HT cấp trên cũng phải chào thua! Do đâu mà ông chánh văn phòng có quyền uy to lớn như thế? Ai cũng biết! Cho dù hậu thuẩn tầm cở nào, ô dù tao tát nào mà Hiến chương quy định rõ nhiệm vụ và thời gian nhậm chức, nhưng không quy định mức độ chế tài cần phải có khi lạm dụng chức quyền, xác định mức độ quyền lực nhất định thì không có vấn đề ách tắc vô lý như thế. Ngoại trừ từ Thanh Hoá trở ra, phần lớn các nhân sự trong nhiều Ban Trị Sự phía Nam đã lạm quyền quá đáng, làm khổ cho tăng ni sinh khá nhiều.Và cái gọi là bỏ bao cúng dường trở thành một loại tham những, hối lộ, nhận hối lộ một cách hợp pháp, không có pháp luật nào xét xử như cùng một hình thức cho và nhận trong xã hội thế tục!

Mặc dù Hiến chương quy định Ban Thường Trực Hội Đồng Trị sự hay nhân sự trong Ban Trị Sự các cấp nhiệm kỳ 5 năm, nhưng thực tế cho thấy các chức sự đều tại vị rất nhiều nhiệm kỳ:

Điều 21 chương 5 của Hiến chương:Nhiệm kỳ củaHội Đồng Trị sự là 5 năm.
Điều 26 chương 6 : Nhiệm kỳ của Ban Trị Sự là 5 năm.

Chính vì sự cả nể, tôn kính trong giai hệ tôn giáo mà những vị tại chức nhiều nhiệm kỳ, tuy không làm được việc, vẫn không được thay thế. Chẳng hạn Ban Trị Sự PG Quảng Trị, HT Chánh Liêm, tuổi Thất Thập cổ lai hy, suốt nhiều nhiệm kỳ ở vị trí Trưởng BTS, vừa đau yếu, vừa bất tài, cản trở rất nhiều công tác Phật sự của tăng ni tỉnh nhà, không mở được một trường cơ bản Phật học, tăng ni sinh phải vào TP HCM hoặc ra Hà Nội để học, ai có sáng kiến và khả năng đều bị phủ nhận, vì thế các thành phần chức sắc đều thủ phận an thân, một số tăng ni ẩn cư hoặc trôi giạt các tỉnh tìm cách đóng góp cho phật sự; Những vị có tầm vóc như TT Trí Hải thì gặp không ít khó khăn để tham gia Phật sự, TT Thiện Tấn cũng là một trong vài khuôn mặt sáng giá tại vủng đất địa đầu chiến tuyến xa xưa, khó mà đứng ra gánh vác Phật sự tỉnh nhà khi khối đá rong rêu vẫn còn ngán lối!

Phần lớn các tỉnh thành đều lâm vào tình trạng chung như thế, vì sao một vị trưởng Ban trị Sự hay một vị chức sắc trong BTS khó được thay thế?
Ta hãy xem lại cơ bản Hiến Chương GHPGVN: chương 5, điều 14: Hội đồng trị sự…..gồm các vị HT, TT, ĐĐ, tăng ni và cư sĩ của GH do Ban Thường trực Hội Đồng Trị Sự tiền nhiệm đề cử và Đại Hội đại biểu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam suy cử.Thành viên của Hội Đồng Trị sự có thể bị bãi miễn nếu quá bán tổng số thành viên Hội Đồng biểu quyết tán thành.
Chương VI, điều 25: Ban Trị Sự do Đại Hội Đại Biểu Tăng Ni, cư sĩ thuộc tỉnh hay Thành Phố trực thuộc Trung ương suy cử trong hàng Tăng Ni cư sĩ tại địa phương, được Ban Thường Trực Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chuẩn y bằng quyết định…

Một thành viên của Hội Đồng Trị sự muốn được bãi miễn phải có quá bán tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành là việc cực kỳ khó, vì Hội Đồng Trị sự có tới 147 thành viên, tìm đâu ra trên một trăm thành viên đồng thuận, vả lại, một thành viên hợp pháp cũng đã được Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự tiền nhiệm đề cử, nghĩa là ngoài nguyên tắc hành chánh, thành viên đó đã có mối liên hệ tình cảm đồng môn hoặc tương kính nào đó trong quá trình giao tiếp và hoạt động, hoặc có liên hệ pháp phái, huynh đệ, thầy trò…chưa nói đến thành tích lý lịch; những điều kiện trên là nền móng vững chắc để duy trì một thành viên trong Hội Đồng Trị Sự.
Cũng thế, thành viên trong Ban Trị Sự cấp Tỉnh Thành được Đại Hội Đại Biểu Tỉnh Thành suy cử. Dĩ nhiên thành viên đó phải được tăng ni cư sĩ trong tỉnh thành đó biết mặt và Ban Tôn giáo biềt rõ lý lịch, trước khi suy cử, phải được những vị có chức quyền giới thiệu, đề bạt. Ban Trị Sự được cấu kềt chặt chẽ bởi hệ phái, đồng môn, huynh đệ… và trong quá trình làm việc, có những gắn bó biết điều lẫn nhau, tôn trọng quyền lợi của nhau, và không muốn mích lòng nhau, bởi ai cũng nghĩ mỗi người đều có một thế lực vô hình bảo hộ, hoặc địa vị được vững nhờ vun bồi công trạng, thành tích…chính những yếu điểm đó đã tạo cho một chức sắc vung tay qua trán, làm việc tùy tiện, ỷ lại ô dù!

Chẳng những thế, Hiến chương không quy định rõ phương án chế tài, kỷ luật một khi thành viên vi phạm. Chương IX điều 42: Việc thi hành kỷ luật đối với thành viên thường do Ban Trị Sự quyết định; Đối với thành viên trong Ban Trị Sự Tỉnh Thành do Ban Thường TrựcHội Đồng Trị sự Giáo Hội quyết định, đối với thành viên Hội Đồng trị sự thì do 2/3 thành viên Hội Đồng trị sự biểu quyết và Ban Thường trực Hội Đồng Chứng Minh phê chuẩn.

Thử đặt vấn đề sai phạm có hệ thống từ Trung ương đến địa phương như vụ Phật Giáo tỉnh Đồng Tháp, Ban Tôn giáo và chính quyền Tỉnh lập văn bản không công nhận quyền công dân của HT trưởng Ban Trị sự, đưa lên HT Hiển Pháp ký lệnh truất quyền hầu đưa thành phần bê tha lên điều hành Ban Trị Sự; Trong quá trình tranh đấu giành quyền kiểm soát Ban Trị Sự, chính quyền tỉnh cấu kết với lục quần tỳ kheo, làm con dấu tổ chức Đại Hội, trao cho văn phòng 2 Trung ương Giáo Hội, rồi trung ương cử người về tổ chức Đại Hội không có sự tham gia của Ban Thường trực cũ, thế mà từ trung ương cho đến địa phương vẫn ngang nhiên tổ chức để hợp thức hoá.( Rất may, HT TR.T không phê chuẩn vì không có con dấu BTS ký nhận, nghĩa là BTS mới bất hợp pháp}

Trong Hiến chương không có khoản mục nào xác định truất quyền trưởng Ban Trị sự của một chức sắc GH chưa hề vi phạm luật pháp và luật đạo. Hiến chương không quy định nhận con dấu tổ chức Đại Hội từ chính quyền tỉnh trao cho Giáo Hội trung ương; và Hiến chương cũng không quy định tổ chức Đại Hội phải có con dấu tổ chức Đại Hội; Hiến chương cũng không quy định trung ương thay măt địa phương để tổ chức Đại Hội
Hay tiếm quyền Ban trị sự đương nhiệm; Ban Trị sự cũ vẫn còn hợp pháp khi chưa có đại hội tuyên bố bãi nhiệm, vì thế họ vẫn hợp pháp khi treo dấu! Nếu bảo rằng tổ chức Đại Hội sái nguyên tắc là hợp pháp, Ban Trị sự cũ lưu dấu là phạm pháp, chẳng lẽ nhà nước xem một tổ hợp buôn thần bán thánh của địa phương và sai quấy của chính quyền Đồng Tháp là hợp pháp? Và trao dấu cho những thành phần xấu tiếp tục làm hoen ố PG và chính quyền bị tai tiếng là điều đúng? Cả Giáo Hội và Chính quyền phải xem lại việc sai phạm có hệ thống trên đây để khắc phục chứ không thể phù phà che đậy cho qua chuyện; Nếu áp lực cho Ban trị sự cũ trao dấu và bãi nhiệm có nghĩa công lý sẽ không có chỗ đứng trên mãnh đất nầy nữa, nhưng cũng không thể để tình trạng vô chủ hiện nay đối với PG Đồng Tháp. Không phải không có phương án giải quyết đẹp lòng đôi bên, nếu không muốn đem Hiến chương ra để xử lý từ Giáo hội trung ương đến địa phương. Ngoại trừ giải quyết bằng ngoại giao và tình cảm, vấn đề Phật giáo Đồng Tháp sẽ giải quyết thế nào nếu y cứ theo Hiến chương hiện hành?

Đó là đơn cử một sai phạm tập thể trên nguyên tắc hành chánh, còn vô vàn sai phạm cá nhân của kẻ lạm quyền khi có chức danh trong Giáo Hội các cấp.

Nếu một chức sự nhận bao thư cúng dường để ký nhận, xử lý một vấn đề do đương sự yêu cầu, và một chức sự gây khó khăn cho một đương sự nếu không có bao thư đáp lễ thì y cứ vào điều mục nào trong Hiến chương để xử lý? Nếu bảo rằng ngành Tăng sự phối họp cùng Ban Đại Diện và Ban trị sự căn cứ luật Phật để xét xử và giải quyết thì không còn trực thuộc lãnh vực hành xử hành chánh mà nằm trong lãnh vực giáo luật; Làm việc hành chánh mà xử lý theo giáo luật có phải là việc làm tròng tréo? Ngay cả việc áp dụng giáo luật cũng có sự tương nhượng vì thật tâm không ai đủ tư chất trong sáng để giải quyết vấn đề không trong sáng; những bậc chân tu thì không muốn va vào những chuyện đó, quan niệm nghiệp ai nấy mang!

Một chức sự lạm quyền chiếm đoạt tài sản của kẻ khác như vụ Thiện Tánh đối với chùa Đại Giác, hay đất bồi thường của sư Giác Thế ở quận bảy, và còn nhiều chỗ khác thì giáo luật và Hiến chương giải quyết thế nào? Đây là một khoản trống trong việc xử trị những thành viên sai phạm trong Giáo Hội.

Một khía cạnh khác của Hiến chương đã tạo kẻ hở cho chức quyền Giáo hội lạm dụng như: Chương X – Tài chính và Tài sản, điều 45 quy định ở mục b : Do các thành viên Tăng ni, Phật tử thuộc các tổ chức Giáo Hội qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp được Giáo Hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp hiện hành. Những ngôn ngữ lấp lửng thiếu cụ thể như thế, đã tạo thêm quyền lực cho những chức sự lạm quyền, vì họ lý luận rằng, tất cả cơ sở vật chất nằm trong sự quản lý của Giáo Hội là của Giáo hội, vì thế, sư Giác Thế ở Q.7 TP HCM khi nhà nước bồi thường lộ giới, đã không được nhận tiền mà Thiện Tánh cùng với thầy Trưởng Ban Đại Diện PG Q.7 đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng, mỗi tháng lấy lời chia nhau! Sư Giác Thế thưa kiện, nhà nước bảo đó là nội bộ Phật giáo, khiếu nại Giáo Hội thì thông qua hệ thống giáo quyền, bị chận lại từ cấp Giáo hội quận và Thành hội Phật giáo, người dân bị cán bộ tham những hà hiếp cướp đoạt tài sản như thế nào thì trong đạo cũng bị các sư biến chất hành xử như vậy. Không ai bênh vực giúp đở những người thấp cổ bé miệng!

Nếu là một tổ chức mang tầm vóc quốc gia thì Hiến chương GHPGVN còn quá nhiều kẽ hở, mang tính tượng trưng, nửa tôn giáo, nửa hành chánh, khó mà đạt được thành quả hoàn hảo đồng bộ.

Vì thế, Đại hội VI sắp tới, để guồng máy Giáo Hội bắt kịp với nhịp độ thay đổi trong xã hội, yêu cầu bắt buộc phải thay đổi Hiến chương chứ không thể chắp vá tạm thời; sở dĩ Hiến chương được phổ biến đến các cấp để góp ý, cũng không đạt kết quả bao nhiêu, vì các sư đã quen nề nếp vận hành cũ, những vị đang nắm giữ chức quyền không muốn đổi thay ảnh hưởng địa vị đang có; một bộ phận tăng ni cư sĩ suốt 30 năm không được trực tiếp tham gia Phật sự trong Giáo hội ( vì vận hành của Giáo hội chỉ do những quan chức Giáo Hội điều hành mà không cần đến đại bộ phận còn lại của giới tăng lữ và tín đồ, họ bị xem như người ngoài lề Giáo Hội, không có trách nhiệm cộng đồng ) nên không muốn hoặc không thể hình dung một bản Hiến chương mang tính độc lập và cũng không nắm bắt hết những nhu cầu cần phải có trong Hiến chương; Một bộ phận Phật tử trí thức hải ngoại không nắm vững hoạt động, nhược điểm của PG trong nước để bổ sung những điều khoản tạo ưu thế cho Hiến chương mới. Bất cứ một trí thức nào không nhất cứ phải là phật tử, cũng có thể góp ý khách quan trong những tiêu chuẩn hành chánh và tổ chức. Một khi giải quyết được cơ bản Hiến chương thì vấn đề nhân sự cũng sẽ có lối thoát.
Nhân sự ? Ngoài xã hội đang thay đổi mạnh về cơ chế nhân sự để chuẩn bị hội nhập toàn cầu, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, có kiến thức cập nhật mà hàng ngày nhân loại đang đổi thay. Một cán bộ cấp xã cũng cần có văn bằng đại học; người có trình độ thì nhân cách đạo đức cũng tăng theo, không hành xử tuỳ tiện, cục bộ; Những năm trước, một người dân đến cơ quan cấp xã, huyện, nhìn cán bộ như một vị thần ban phước giáng hoạ, ăn nói cục mịch, không có nụ cười, không khí cơ quan ngột ngạt, nhiều đe doạ, nhưng hiện nay, người dân cần đến thủ tục hành chánh, được cán bộ cơ sở vui vẻ giúp đỡ, và biết nói lời xin lỗi rất lịch sự, nhẫn nại giải thích cho dân hiểu thay vì nạt nộ như trước. Ngoài đời đã như thế, trong đạo cái được gọi là văn minh đạo đức tôn giáo phải hơn hẳn! vâng điều nầy có thừa nơi những tu viện chuyên tu, các già lam trọng giới luật tu trì như Trúc Lâm, Thường Chiếu, Bát Nhã, Pháp Vân, Phật Quang, Hoằng Pháp hoặc nhiều chùa còn giữ được nề nếp Thiền môn, nhưng không tránh khỏi một số ít vị mang hình dáng tu sĩ mà thiếu phong cách nội tâm; một số cơ sở Giáo hội các cấp cũng thế, tu sĩ cần đến giáo hội ký nhận, giới thiệu, không tránh khỏi những khó khăn thậm chí làm nãn lòng đồng đạo; nhiều tăng ni sinh trẻ, xa thầy tổ, còn nhập chúng, điều kiện vật chất thiếu thốn, không có khả năng cúng dường các vị có chức quyền, nên thay vì đạt được sở cầu, lại mang về lắm phiền muộn bởi thái độ và ngôn phong thiếu văn hoá của những ông thần sinh sát đó! Đây là điều giáo hội cần thanh lọc, không vì bất cứ lý do nào được miễn trừ. Thay vì cần một trình độ, học vị như ngoài đời, PG nên chọn những bậc chân tu, nhiệt tâm để giúp cho tăng ni đủ điều kiện cư trú, học hành!
Một Phật tử đến chùa để cúng dường thì các ngài có thái độ nhỏ nhẹ hơn là đến để tham vấn các ngài. Chưa nói đến thái độ khác nhau tùy vào bao thơ nặng nhẹ khác nhau; nhưng đó là những vị nặng về vật chất, các vị chú hướng tâm linh thì việc giao tiếp bình đẳng hơn, thường những bậc chân chính thì ít muốn tham gia làm việc Giáo hội; Khi tôi đến gắp HT trưởng Ban Trị sự TP Đà Nẳng để tìm hiểu một số chùa không đồng quan điểm hành xử của Giáo hội địa phương, ngài chống gậy đi mà không thèm quây lại tiếp chuyện, khi tôi chận lại thì ngài quát tháo, quơ gậy như một quan huyện thời phong kiến, thế đấy, phong cách tu sĩ cán bộ cấp cao đã là như vậy thì những cấp quận, xã sao tránh khỏi hách dịch khó khăn đối với tín đồ và tu sĩ!

Tiêu điểm chọn nhân sự trong tổ chức Giáo hội, điều tiên quyết phải có tư chất đạo đức, nhiệt tâm vì Phật sự và biết lắng nghe từ mọi phía. Người ta đặt vấn đề trẻ hoá cán bộ ngoài đời thì trong đạo cũng cần như thế, nhưng trẻ hoá như thế nào? trẻ về tuổi tác, trẻ về kiến thức, trẻ về kinh nghiệm hành hoạt???Khi tuyển chọn những tiêu chuẩn trẻ sẽ gặp những khó khăn nào từ những lão làng bảo thủ địa vị, và những cán bộ trẻ đó liệu có thể vượt qua những rào cản quyền lực từ cấp cao khi dám có óc sáng tạo và nghĩa khí? Những tăng trẻ đó có bị học vị làm tăng trưởng tính ngã mạn hay sẽ là một cán bộ quan liêu mới? Nhưng dẫu sao,trẻ, năng nổ, có trình độ vẫn cần cho ngôi nhà PGVN hiện nay. Ta sẽ xét tiêu chuẩn nhân sự trẻ hoặc trẻ hoá Giáo hội trong bài kế tiếp để góp ý hoàn chỉnh Giáo hội trong Đại hội sắp tới.

MINH MẪN
17/8/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét