Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Nhận Diện Quê Hương


Theo chương trình, đoàn PG quốc tế do Thiền sư T. N.Hạnh sẽ đáp xuống phi trường quốc nội vào lúc 9 giờ sáng ngày 23/01/2005 tức 14/12/Giáp Thân, TP/ HCM, nhưng mãi đến hơn 10 giờ mới hoàn thành thủ tục ra khỏi phòng cách ly, về đến Pháp Vân hơn 11 giờ.
Gần 2 tuần, thành hội PG thành phố H.C.M họp các quận huyện, ban tôn giáo để hoạch định chương trình đón tiếp; Việc đón tiếp đoàn PG quốc tế chủ yếu do nội bộ PG trách nhiệm, có lẽ chưa quen lể tân đối với một tầm vóc quốc tế như vậy, thành hội lúng túng và hạn chế thành phần tham dự, nói khác hơn, không phổ biến rộng rãi, thế nhưng quần chúng, những ai được biết đều tham gia rộng rãi một cách tự phát, do vậy, trước số lượng trên dưới năm ngàn người có mặt tại phi cảng, thiếu tổ chức, ngoài dự đóan, có vẽ mất trật tự, nhưng quá hồ hởi; phần lớn những người tham gia đón tiếp, chưa ai biết mặt hoặc biết rõ quá trình công đức to lớn của TS đối với PG nói chung và PGVN nói riêng. Cảm động nhất, nhiều tu sĩ và phật tử ở các tỉnh xa đều về thật sớm, trước một ngày, nằm lây lất để chờ nhận diện một Thiền sư, chả bù lại, ngày 12/01/2005 tại phi trường quốc tế Nội Bài, dưới cái lạnh 12 độ mùa Đông vào tờ mờ sáng, 7 giờ, đoàn đáp xuống, chỉ có thầy Nhiễu và thầy Nhã thành viên của GH ra đón, trong khi đó Hội Đồng Trị Sự Trung Ương có mặt tại Sài gòn để dự phiên họp thường niên ( chả hiểu khi vạch chương trình đón tiếp và làm việc, HĐTS và ban tôn giáo, có xét đến chương trình thường niên nầy hay không ) rất may, gần bốn trăm tu sĩ từ Huế trên bảy chiếc xe ra nghinh đón kịp thời, nếu không, thế giới nghĩ gì về một lể tân của VN đối với một danh nhân thế giới, đồng thời là một nhà văn hóa, xã hội, đạo đức từng được các nguyên thủ quốc gia kính cẩn bái phục. Trong cái rét đầy sương mù hừng đông của miền Bắc, sinh hoạt tại phi trường như lắng đọng, chậm chạp, lể nghi không có, đoàn được tiếp trong căn phòng hẹp của nhân viên phi trường trên bộ salon cũ kỹ, gương mặt trầm tư không biểu lộ buồn vui của một Thiền sư, ai hiểu Ngài cảm nghĩ thế nào về một VN thời đổi mới, một chế độ nhiều tai tiếng, một thời tên tuổi sự nghiệp của Ngài là điều tối kỵ đối với họ, nhưng những tăng thân làng Mai và các phật tử của 30 nước tháp tùng, có lẽ họ phút chốc bị hụt hẩng mà chỉ vài giờ trước đó, trên máy bay đi vào không phận VN, họ phấn khởi sẽ tận mắt nhìn thấy rừng cờ nghinh đón tại Thủ đô đối với họ, nhưng không, với đời sống chánh niệm đối với họ, không có tự mãn hay thất vọng, vì thầy họ, một Thiền sư danh tiếng lẩy lừng luôn cưu mang một hình ảnh dân tộc, Ngài thích thú nhìn cảnh đồng án, nông phu và con trâu trên đồng lúa, đôi quang gánh trỉu nặng rau quả từ thôn làng gánh ra chợ, nhà cửa, cây cối trên đất nước yêu thương đang tuần tự diễn ra suốt quảng đường từ sân bay Nội Bài về chùa Bồ Đề; một Thăng Long cổ kính hiện ra trong tâm trí, một mãnh đất oai hùng từng thắng ngoại xâm... những tự hào dân tộc đó, an ủi Người và đoàn trước những thiếu sót đáng tiếc; và thay vì sau hai ngày về Hà Nội, Ngài sẽ thăm viếng HĐTSTW PG và ban tôn giáo chính phủ theo dự kiến, đành dời chương trình đến ngày 17 mới thực hiện. Mười ngày trên Thủ đô, Ngài và đoàn đi thăm chùa Dâu ( trung tâm PG Luy Lâu sáng lập vào đầu kỷ nguyên), chùa Phật tích, chùa Thầy, chùa Trấn Quốc, Chùa Lý Triều Quốc Sư... Bấy nhiêu danh lam Phật tích cũng đủ để ngài mãn nguyên bấy lâu mà qua sử sách biên soạn, ngài đã gởi gấm tình cảm.
Sau khi điểm tâm, 4giơ30 ngày 23/1/05, xe lăn bánh rời chùa Bồ Đề ra phi trường, tuy 7giờ cất cánh, nhưng do thời tiết sương mù nên có mặt tại Tân Sơn Nhất muộn hơn dự tính; buổi sáng mùa Đông Sàigòn hơi se lạnh, ấm hơn Hà Nội, 25 độ trên hàn thử biểu, hàng ngàn người hân hoan dưới ánh mặt trời, nôn nóng hướng vào bên trong phòng kính, đôi tàng lọng ren vàng và bàn hương áng khuất lấp hình ảnh nhỏ thó, khuôn mặt đăm chiêu của Ngài, càng làm tăng hào quang uy danh phủ khắp Au Á của Người. Nếu mà, thành Hội PG TP HCM và ban tôn giáo phổ biến rộng rãi cho sự đón tiếp, chắc chắn ngàn năm một thuở, uy tín nhà nước VN đối với tôn giáo ngày nay phải làm cho thế giới đổi giòng suy tư. Tuy Sài gòn khác hơn Hà Nội về sự đón tiếp, tinh thần PG đồ đối với một cao tăng không suy giảm, nhưng tầm vóc của một thiền sư quốc tế, một danh nhân thế giới, không chỉ cần muôn lòng như một của tín đồ mà còn cần một lễ tân xứng đáng cho một nguyên thủ phi chính phủ từ phía chính phủ phi tôn giáo, cổ nhân xét đóan việc chiêu hiền đãi sĩ để đánh giá trình độ; có muộn chăng để bổ sung sự ái mộ khi Thiền sư và đoàn còn lưu trú tại VN trong ba tháng! Sáng nay, người phật tử Sài gòn ghi nhận sự chiếu cố của ngành giao thông và an ninh trên suốt lộ trình từ Phi trường về chùa Pháp Vân, TS và đoàn có dịp chứng kiến cảnh sinh hoạt thường nhật của một VN thời mở cửa khi sự tưởng tượng của TS về VN qua 40 năm xa cách trên sách báo! Chắc chắn Ngài không nhìn ra một Sài Gòn ngày nay mà năm 1967 ra đi, thành phố còn loang lổ thương tích chiến tranh; Ngài không nhận ra những đồng đạo hàng con cháu, những tín đồ hàng hậu học mà những ngày Ngài còn ở VN, họ chưa xuất hiện, bây giờ, tất cả giành cho Ngài một phần trái tim đầy ngưỡng mộ, tôn kính, rồi đây, những đồng song của Ngài sẽ tạo sự dể dàng trong giao tiếp hay do mặc cảm để Người sẽ cảm nhận một khó khăn cho bước chân chuyển hóa; Tu sĩ và tín đồ tại VN cũng như ở Hải ngoại biết chắc một điều, uy tín của Ngài luôn vượt trội và trên những ai còn tranh chấp để PGVN ngày nay bị lụn tàn, những ai còn manh tâm chống đối sự có mặt của Ngài tại VN lúc nầy, hãy nghĩ lại một quyền lợi dân tộc, một tương lai phục hưng PG mà quên đi hận thù, tự ái, và Ngài cũng không bận tâm trước những xuyên tạc bởi những ác ý trong chuyến đi nầy, vì Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật, hành hoạt trong cuộc đời của Người đã nói lên điều đó, tuy rằng cũng lắm hiểu lầm cho một Thiền sư !
Một luận điệu cho rằng Thiền sư về VN chỉ mục đích truyền bá tinh thần tu học của ngài như làng Mai ở hải ngoại, vậy có gì không tốt? Ai đã được như Ngài đem lại thông cảm, tình thương cho cuộc sống nhiều ngờ vực lẫn nhau trong kỷ nguyên hiện tại, ai đã xoa dịu khổ đau, bù đắp thiếu thốn cho xã hội, biết lắng nghe từ mọi phía mà lúc còn thanh niên Tăng, Người cùng sinh viên vào vùng xôi đậu để viết lời chúc xuân cho nhân dân nằm giữa hai lằn đạn tại ven Đô, và vô số việc làm đầy trí tuệ đã mang lại hạnh phúc không ít cho nhân loại ngày nay.
Cũng có luận điệu bảo rằng Ngài về VN để rửa mặt cho một thể chế, tại sao không nghĩ quyền lợi lớn lao của một dân tộc và của PGVN hiện nay trước họa xâm lăng văn hóa ngoại lai và sự tha hóa đạo đức hiện nay trong đất nước?
Tấm thân nhỏ bé, gương mặt khắc khổ, ánh mắt trầm tư chứa đầy nghị lực đó, với mãnh nâu sòng và đôi bàn tay trắng đã rung chuyển các quốc gia trên tinh cầu, chắc chắn VN sẽ diễm phúc được Ngài tái tạo một đời sống tâm linh mà gần 5 thế kỷ bị băng hoại văn hoa và đức tin; Người đang nhận diện lại quê hương, nhận diện lại cái Cần và Đủ để thiết lập tình người, làm cơ sở một văn hóa dân tộc cho con đường Toàn Cầu Hóa mà không một quốc gia nào tránh khòi, mỗi quốc gia trong khu vực đang tự mình tìm về bản sắc dân tộc, VN kịp thời đón nhận sự có mặt của Ngài, chắc chắn là điều khôn ngoan, nhưng khôn ngoan hơn nữa là phong cách chiêu hiền đãi sĩ, đãi ngộ tương xứng với tầm vóc của ngài, uy tín VN sẽ tăng theo tỷ lệ thuận, bằng ngược lại, muốn giảm tầm vóc của Người tại VN, nó sẽ được nâng cao gấp bội nơi hải ngoại, và VN sẽ bỏ lở cơ hội trọng dụng Hiền tài.
Đối với một số người, xem Thiền sư là một Đức Đạt Lai Đạt Ma của VN
Đối với một số khác, Ngài là Giáo Hoàng của PGVN
Nhưng với số đông, ngài là nguyên thủ của tình người, của đạo đức tâm linh là nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa, nhà thiết lập một xã hội đồng hành giữa khoa học và tâm thức. Ngài luôn nhận diện chính mình trong từng hơi thở để hòa nhập cuộc sống làm một, nhận diện quê hương để thấy mạch máu Việt tộc đang cần đến trí tuệ,uy tín và đạo đức của Ngài, vì Người không muốn chính mình và PG đứng ngoài lòng dân tộc.

23/01-2005 MINH MẪN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét