Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

KỲ DIỆU


Cứ xem việc trở lại Hà Nội lần thứ hai trong chuyến về thăm quê và hoằng hoá của Thiền sư là một thủ tục hành chánh, vì đến một đất nước, phải trình Hộ chiếu tại Thủ đô, ngày ra đi phải trình làng cáo từ; thế nhưng, lưu ý ta sẽ thấy vấn đề tế nhị trong công cuộc hành đạo, nhờ thế, kéo theo những thành công ngoài dự đoán.
Gần nửa thế kỷ xa quê, nhất là Hà Nội, nơi mà cuộc chiến phân cách hai miền, hầu hết dân miền Nam chưa hề biết được mãnh đất ngàn năm văn hiến ấy, rồi năm tháng lưu xứ, Thiền sư chỉ còn hình ảnh mờ nhạt về một Hà Nội 36 phố phường, một phố cổ, một Chùa Hương trên văn thơ, một Trúc Lâm Yên Tử, một Hạ Long…Những danh lam thắng cảnh chỉ tồn tại trong tâm cảm một nghệ sĩ giàu tình dân tộc, do vậy, khi được hồi hương thăm viếng quê cha đất tổ, Hà Nội là Thủ đô, Thiền sư và tăng đoàn phải đến trước tiên để mở đầu cho chuyến đi lịch sử! Những ngày đầu đến H.N, chưa rõ tập quán sinh hoạt, chưa nắm vững tâm lý địa phương, chưa thấu cội nguồn tình cảnh PG nước nhà; vài cuộc thăm viếng, tham quan, giao tế để thăm dò, vài cuộc nói chuyện để nắm trình độ và phản ứng bổn xứ, thế là thiện cảm và sự an lòng bén rể đâm chồi; đó là sự khai mào đầy khôn ngoan, làm bàn đạp tiếp theo cho chuyến viễn hành vào Sài gòn, có người thắc mắc, tại sao Thiền sư không ghé Huế trước khi vào SG? Nếu vào SG sau, chắc gì Huế có một cuộc hạnh ngộ nhiều kỷ niệm đầy xúc động và ấn tượng vừa rồi!
Sự thành công của Thiền sư tại SG, Huế, Hà Nội có rất nhiều yếu tố:- trước nhất là phong thái bình dân, nếp sống giản dị của bản thân Ngài; người dân VIỆT NAM quen nhìn những tu sĩ có danh phận thường sang trọng, kiêu kỳ, đây là hai hình ảnh tương phản, dễ đập vào mắt người tín đồ. Thứ nữa, lối giảng dễ hiểu, mang tính tâm lý xã hội đại chúng, đạo đức cổ truyền, không dùng thuật ngữ thuần tuý tôn giáo; dung hoà nhiều mặt mâu thuẩn, cho dù là câu chất vấn cực đoan, nhưng Ngài thoát khỏi bế tắt của một trong hai phía; Dùng Kiều, một loại thi ca biểu tượng văn hoá bác học VN, giải thích sự tương quan trong xã hội VN, trong đó có PG, nghĩa là –đạo học- thi ca – xã hội – tập quán – tâm lý, luôn có mối tương quan khắn khít; và một phong cách mà không giảng sư nào ở VIỆT NAM có được: ngồi kiết hoặc bán già và duy trì chánh niệm trong lúc giảng pháp; Hẳn nhiên Ngài đứng ngoài ý hệ chính trị và tranh chấp cục bộ, ngài vượt ngoài tương quan đối đãi, vì vậy trong chuyến về gặp rất nhiều phản ứng, nhưng qua phong cách hoằng hoá, mọi phía nhận được một đáp ứng thật dễ chịu, và chính đó mà giải toả phần lớn mọi khó khăn mắc mứu từ nội bộ đến ngoại cảnh; Không gặp được đồng môn pháp lữ chưa hẳn là một thất bại, ngược lại, từ đó, quần chúng Phật tử dành cho Ngài một sự kính nể và cảm tình đặc biệt, vì sự kiên trì và khiêm tốn của một Thiền sư quốc tế đã cho PGVN một bài học đáng nhớ! Tiếp theo những thời pháp cho Tăng tín đồ PG, những buổi giảng cho cán bộ viên chức, chuyên ngành, và nhất là đảng viên, quả là một sự kiện lớn đối với VIỆT NAM hiện nay. Trong những ngày cuối tại HN, một chương trình phát sinh, đó là những buổi thuyết giảng cho các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các nhân viên , chuyên gia, ngoại giao, văn hoá, chính trị…mà họ thiết tha yêu cầu; suốt ba tháng làm việc không ngơi nghĩ của một Thiền sư tuổi gần 80, cũng thấm mệt, nhưng do sự khẩn thiết, ngài chấp nhận những đêm nói chuyện, có cả thời cho toà Đại sứ Pháp và cộng đồng nói tiếng Pháp, dẫu sao, ngài cũng là công dân Pháp, Pháp hãnh diện có một công dân xuất sắc mang tầm quốc tế, cũng như các viên chức cao cấp tại trung ương cũng hãnh diện VIỆT NAM có một người con đang làm thầy các dân tộc, Ngài xứng đáng một con người Hoà Bình, đem lại bình an cho mọi quốc gia, mọi xã hội, và nhất là cho chính cá nhân mỗi người; chưa có một lý thuyết gia, một thuyết khách, một chính trị gia, một nhà văn hoá nào có tầm cở trong thể kỷ như vậy. Ngài đã đoàn kết mọi chủng tộc, mọi tôn giáo, trong nội bộ gia đình, tín ngưỡng đến xã hội bằng những quán niệm chánh tri chứ không chỉ kêu gọi vu vơ, và hầu hết, ai từng tham gia buổi giảng của thầy, đều được cảm hoá tột cùng, luôn mang một ấn tượng sâu sắc.
Qua những thời pháp tại SG, Huế, là những quả bóng vang dội ngược lại Thủ đô, nơi mà nhà nước quan tâm theo dõi từng bước đi, từng lời nói của Người, và từ những hiệu quả đó, chương trình phát sinh ngoài dự kiến, mở thêm tầm nhìn cho những cán bộ, trước đây nhìn PG chỉ là một tôn giáo, và định nghĩa tôn giáo theo chiều kích Mác Lê, xem tôn giáo là thế giới quan đảo ngược, để rồi, sau thời giảng, một cán bộ cao cấp, Thứ Trưởng phải tuyên bố: thì ra PG không phải nói chuyện Niết Bàn, Thiên đường, mà nói những chuyện thực tế trong đời sống; Những cán bộ viên chức nhà nước, sinh ra từ VN, trưởng thành trên đất Việt, một đất nước thấm đượm PG, thế mà cứ nghĩ PG ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời, lỗi nầy do tu sĩ đã đưa PG ra ngoài lề xã hội, không đem được đạo vào đời mà chỉ nghĩ đến những tranh chấp mắc mứu lẫn nhau.
SG, Huế, Hà Nội, mỗi nơi có một kỳ diệu, nhưng sự kỳ dịu chung cả ba miền là cảm tình quần chúng, thay đổi tâm tư cho người tham dự, tạo niềm tin cho nhà nước, và làm mới tầm nhìn của cán bộ, viên chức các bộ ngành đối với hình ảnh, kiến thức một tu sĩ PG bấy lâu bị nhạt nhoà, đồng thời, Tăng đoàn Làng Mai gồm nhiều quốc gia Au Châu, đoàn kết sau một Thiền sư nhỏ bé người Việt, đội nón lá Việt, ăn cơm Việt, nói tiếng Việt, tụng kinh Việt, sống trên đất Việt trong ba tháng chịu thời tiết khắc nghiệt của VN, chấp hành một đời sống vô sản của PG, oai nghi tế hạnh của một bậc ly trần, những thứ đó đủ nói lên một thành công của Thiền sư tâm chất đầy tuệ giác.
Trước khi vào Bình Định, Ngài gặp Thủ tướng VIỆT NAM theo yêu cầu mà gần ba tháng trước Ngài từ chối vì chưa hiểu hết nội tình VN, gặp Đại sứ Mỹ, Đại sứ Pháp, Đại sứ Hoà Lan, và từ chối một số Đại sứ không liên hệ đến công cuộc sinh hoạt của Người, nhưng ngài không từ chối bất cứ cuộc gặp nào với quần chúng, nếu thời gian làm việc của Ngài không bị dẫm chân.
Chương trình hoạch định quả có sự tinh tế, đưa đến những kết quả bất ngờ, một sự kiện lớn cho dân tộc, phải chăng những kỳ dịệu khởi phát từ căn bản của một bậc chân tu, một đạo lực mãnh liệt, một từ trường tâm linh nhiều thu hút! PGVN hãnh diện có một bậc Thượng Sĩ như vậy!

MM
25/3/05

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét