Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009

HIẾN CHƯƠNG và NHÂN SỰ ( tiếp)


Không còn đặt vấn đề: “có nên sửa đổi Hiến Chương không?” mà đã đến lúc phải đặt vấn đề: “Sửa đổi Hiến chương như thế nào, theo tiêu chuẩn nào, theo định hướng nào…”
Qua Bản góp ý Hiến chương chuẩn bị Đại Hội VI (bản tu chính lần thứ IV) của nhóm Sen vàng và Giao Điểm, ngoài việc thay đổi một số ngôn từ, điều khoản trong các chương, có nhiều điều mới như: HỘI ĐỒNG PHÁP CHẾ Trung ương, chương VI và ỦY BAN TƯ VẤN Trung ương, chương VII. Đây là chương khá quan trọng để củng cố uy tín và năng lực Giáo Hội, ngoài , những tiểu tiết trong các điều khoản không mấy hệ trọng; Tuy nhiên, chương XIII, Tài chính và Tài Sản, điều 63(mới):

“ Các đơn vị địa phương của Giáo Hội, cũng như cá nhân Tăng Ni là thành viên của Giáo Hôi, được phép nhận hiến cúng của cá nhân hay tổ chức trong và ngoài nước.Hồ sơ tài sản và tài chính của các đơn vị địa phương do Ban Trị Sự địa phương quản lý. Thành viên Ban Thường Trực của Hội Đổng chứng Minh, Hội Đồng Pháp Chếva Hội Đồng Trị Sự có quyền truy cập hồ sơ nầy sau 15 ngày kể từ ngày yêu cầu.”

Cả chương X của Hiến chương cũ và chương XIII, bản góp ý mới cũng chưa minh định rõ về quyền hạn của Giáo Hội và quyền lợi của chủ tài sản cơ sở hợp pháp, vấn đề lập lờ dể bị những cán bộ Giáo Hội có quyền xâm phạm, tước đoạt như đã từng xẩy ra. Một tu sĩ vừa tạo lập được ngôi Tam Bảo thuộc huyện Bình Chánh, họ ngần ngại có nên đăng ký với Giáo Hội chăng, ngại đăng ký sẽ thuộc tài sản Giáo Hội, Giáo Hội có quyền bổ cử bất cứ ai về làm giám tự hay trụ trì thì coi như công toi mất trắng; cần minh định rõ điều khoản chương nầy.

Chương IX cũ và chương XII của bản góp ý mới về: TUYÊN DƯƠNG-CÔNG ĐƯC- KỶ LUẬT cũng thế, cứ nói chung chung thì vấn đề xử lý cũng gặp nhiều khó khăn; Về Pháp luật, kẻ đưa và người nhận hối lộ dưới dạng quà cáp biếu xén bị ghép và tội Hối lộ, nhưng tu sĩ nhận với danh nghĩa Cúng Dường thì giáo luật nào xử vụ nầy? Tình trạng nầy phổ biến công khai và là một thực tế làm đảo lộn nhiều Phật sự các cấp Giáo Hội! Còn nhiều sai phạm mang tính thế tục của xã hội hiện đại, trong giáo luật xa xưa không có thì Giáo hội căn cứ vào đâu để xử lý khi nó không mang tính phạm pháp, thí dụ lạm dụng của Thường Trụ cung phụng cho giới tính…
Điều 57 của nhóm Sen vàng: “Thành viên của Giáo Hội có nhiều thành tích với Đất nước và công đức với đạo pháp sẽ được Giáo Hội tuyên dương…” Thế nào là thành tích và công đức? Nếu thành tích căn cứ vào huân chương của nhà nước thì đã có một Quảng Hiển chạy chọt mua Huân chương hạng nhì ( công nuôi dưỡng, tiếp tế cán bộ và gia đình liệt sĩ) và công đức căn cứ vào đạo hạnh tu tập hay vào công trạng với Giáo Hội? Nếu công đức trên phương diện tâm linh thì Giáo Hội không có quyền tuyên dương, vì đây không thuộc lãnh vực hành chánh; nếu công đức xem như việc làm công ích cho đạo như xây chùa, tạo tượng, đào tạo tăng tài… điều nầy phải xét lại hành động đó vì Phật pháp hay vì tư lợi…

Chương V, điều 22, khoản 4 và 5: Ban Cư sĩ Phật tử và Ban Thanh Thiếu niên Phật tử:
Ban cư sĩ không cần chữ Phật Tử, vì ngoài Phật Giáo không ai gọi là cư sĩ.
Ban Cư Sĩ gọi chung cho mọi thành phần tín đồ Phật giáo, kể cả các ngành thanh thiếu niên, vì thế khoản 4 và 5 nhập chung gọi là Ban Cư Sĩ gồm 2 thành phần: Thanh Thiếu niên Phật tử (Phân Ban Gia Đình Phật Tử, Hướng Đạo Phật Giáo, sinh viên, học sinh Phật tử…)
Và Nghiệp vụ Phật tử ( phân ban giáo chức, công chức, viên chức, quân nhân, tiểu thương, doanh nghiệp, kỷ sư, bác sĩ, nghệ sĩ, văn thi sĩ, nghệ nhân…)
Hiến chương cũ và bản góp ý mới của Sen Vàng cũng thiếu Ban Sắc Tộc, đó là một bộ phận của đất nước. Ngoài 54 sắc tộc miền cao, đồng bằng Sông Cửu Long cũng được gọi là sắc tộc cho người K’hmer.

Tóm lại, Hiến chương cũ hay bản góp ý mới chỉ là khung sườn chung chung tạo ý niệm chung chung khó cho sự điều hành đi vào nề nếp chặt chẽ, vì thế vấn đề Kỷ Luật đưa ra cũng chỉ là văn bản hành chánh, khó mà vận dụng vào thực tế, chưa nói đến tình đồng môn, đồng đạo, cả nể, gởi gấm…là những rào cản, ví dụ đệ tử của Hoà Thượng chủ tịch sai phạm, Ban Trị sư hay Ban Đại Diện có dám lấy giáo luật ra xử?

Tuy nhiên bản góp ý mới cũng nêu ra được một vài điểm cấp thiết như không kiêm nhiệm; kéo tuổi đời và tuổi đạo xuống hai nấc thay vì 70 tuổi đời, 50 hạ lạp trong Hội Đồng Chứng Minh và tại vị vĩnh viễn, như thế sẽ tạo nạn nhân mãn trong Hội Đồng, trong khi đó Hội Đồng Trị Sự không quy định tuổi tác và cán bộ các cấp không quy định tuổi tác và thời gian nhiệm chức, tuy gọi là hạn kỳ 5 năm cho các cấp Giáo Hội, nhưng thực tế trên 25 năm các vị chủ tịch, Ban Trị sự, Ban Đại Diện đều xem như vĩnh viễn trọn quyền! Phật sự dẫm chân tại chổ, tồn đọng và xuống cấp trong khi tăng trẻ có năng lực và ra trường hàng năm không được trọng dụng, một tổ chức hết sức phi lý.

Từ Hoà Thượng chủ Tịch Giáo Hội đến các trưởng Ban Trị sự đều không có một quy định cụ thể của Hiến chương về hạn kỳ phục vụ. Một Tổng Thống Mỹ thời hạn 4 năm nhưng không quá 2 nhiệm kỳ, các quốc gia tiến bộ nào cũng thế, nhờ vậy luôn có những nhà Lãnh đạo năng động xây dựng xứ sở. Một Giáo Hội với những cương vị vĩnh viễn như thế biến thành một tổ chức nhiều quyền lực và quyền lợi đưa tới lắm sai phạm và trì trệ đáng báo động hiện nay. Giáo Hội là một tổ chức hành chánh điều hành Phật sự chứ không phải là tông môn pháp phái cần có chưởng môn giáo chủ vĩnh tại!

NHÂN SỰ
Hiến chương lâm vào bế tắt vì những điều khoản thiếu cụ thể, đưa đến khủng hoảng nhân sự là điều tất nhiên. Thử đặt cải tổ nhân sự để lấp vào những vị trí quá nhiều kiêm nhiệm đưa đến thiếu hiệu quả Phật sự, nếu Hiến chương chưa được cập nhật.
Vì lý do nào đó những chức sự không thể thay đổi, có thể bổ sung hai nguồn nhân lực để tác động guồng máy được vận hành. Cổ máy Giáo Hội PGVN hiện nay là hình ảnh đoàn tàu Hoả vào thế kỷ 18 chạy từ SG ra Hà Nội ì ạch phải mất hàng năm, chưa nói dến có lúc phải nằm lại dọc đường để xả hơi
Từ lãnh đạo Giáo Hội Trung Ương đến địa phương đều cần có cư sĩ Tư Vấn và tăng ni trẻ có học lực, có khả năng và đạo hạnh phụ tá. Những cán bộ Giáo Hội các cấp hoạt động thiếu hiệu quả trong vòng sáu tháng, cần phải thay thế hoặc bổ sung phụ tá.
a/ Tư vấn, cần nhiều tư vấn cho mỗi Hội Đồng Trị Sự, Ban Trị Sự, vì mỗi tư vấn cho một chuyên ngành như Hoằng pháp-giáo dục-kiến thiết-hành chánh-tổ chức…nhất là vấn đề xã hội, đối ngoại và phát triển. Cư sĩ có nhiều kinh nghiệm hoạt động và giao tế trong xã hội.
b/ Tăng ni trẻ có học vị, có trình độ kiến thức chuyên môn làm trợ tá cho một vị đứng đầu ban ngành; vị chủ ngành phải lắng nghe ý kiến của trợ tá để chọn một phương án hiệu quả nhất.
c/ Lập một nhóm kế hoạch theo dõi và rút tỉa thành bại của các ngành hoạt động trong GH để có phương án chỉnh sửa kịp thời; ví dụ ngành Hoằng pháp, tại sao kém hiệu quả, nhóm theo dõi có bổn phận lập kế hoạch góp ý; hoặc ngành giáo dục Tăng Ni, tìm cái ưu để phát triển và cái khuyết cần sửa đổi

Nếu Hiến chương quy định việc bãi nhiệm giữa kỳ hạn vì lý do khả năng hay tắc trách của cán sự Giáo Hội, phải chọn nhân sự trẻ có kinh nghiệm và kiến thức cộng thêm tiêu chuẩn đạo đức là điều tối cần; nhưng nhân sự đó do ai đề bạt?

Trẻ hoá cán bộ không chỉ là tuổi tác mà còn có tầm nhìn và nhận xét tinh nhạy, cập nhật và can đảm. Trong các ban bệ thuộc Hội Đồng Trị Sự, nhân sự được Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự đề cử; Ban Trị sự các Tỉnh Thành, do Đại Hội đại biểu tăng ni Tỉnh Thành đó đề cử; như thế không có vấn đề tự ứng cử; Thường tâm lý trong nội bộ PG đề bạt những bậc trưởng thượng có uy tín, nhưng không xét đến khả năng làm việc, nếu thế thì phải dành cho những vị đó một quyền hạn tối thiểu chọn nhân sự trong ban bệ của mình, vì chính Ngài mới hiểu được khả năng và nhân cách của tùng sự, hợp tay chân thì công việc hiệu quả hơn; Trong Thành Hội TP Hồ Chí Minh cho ta thấy chuyện trái ngược: HT Trưởng Ban Trị Sự Thành Hội ra lịnh nhưng thuộc cấp không chấp hành, ngài đành chào thua, vì không phải người của ngài chọn lựa đề cử. Toàn bộ từ TW đến các cấp cơ sở hạ tầng của PG đều lâm vào tình trạng sứ quân như thế.

Đã đến lúc cần xét đến vấn đề nhân sự, phải bổ sung, hoán chuyển, thay đổi để Phật sự đạt hiệu quả; Qua những tiêu chuẩn chọn nhân sự, Giáo Hội hàng năm phải có khoá nâng cấp nghiệp vụ và quán triệt tinh thần PG trong từng thời điểm để cán bộ GH không lệch hướng. Vị đầu ngành tuyển chọn, đề bạt nhân viên cũng cần tránh tình cảm cá nhân như thầy trò, tông môn hay vị nể.Tinh thần vô tư giúp công việc trôi chảy hơn.

Nếu Tăng Ni trẻ có năng lực được tuyển cử, cần loại trừ tánh cao ngạo và cửa quyền như một số vị đang vấp phải;

Hiến chương hoặc nội quy của Tổ chức Giáo Hội cần chú trọng đến nhân sự, bổ cử, đề bạt và bãi miễn để tránh tình trạng u trệ như hiện nay. Nếu cán bộ Giáo hội quá nhiều tai tiếng,Hội Đồng Trị Sự cần giải nhiệm đương sự để trong sạch hoá Giáo Hội.

Nếu Hiến chương được tu chính cập nhật kịp thời và nhân sự từ cấp Trung ương đến Giáo Hội địa phương có bộ mặt đầy hứa hẹn cho nhiệm kỳ mới, chúng ta sẽ tiến hành Đại hội đúng thời gian quy định; nếu vẫn không tìm ra nhân sự mới để thay đổi hoặc vì lý do nào đó không thể thay đổi, chúng ta quyết định ngưng Đại hội đến khi Đại Lễ Phật Đản năm tới hoàn mãn, bấy giờ sinh khí PG có khác, nhân tài các nơi hội tụ, biến thành một áp lực cho việc chỉnh trang thực lực PGVN, có như thế Đại Hội mới kết quả, không hoang phí tài vật và thời gian, mới hy vọng PGVN có khả năng hồi phục suốt mấy thập niên đã trùm chăn.



MINH MẪN
05/9/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét