Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

PHẬT SỰ MIỀN TỈNH


Qua 26 năm, kể từ ngày GHPGVN hình thành, khung sường tổ chức nghịch đời, dẫn đến hiệu quả Phật sự cũng bị hạn chế, nếu không nói là nặng phần trình diễn!
Ngay cả nhửng thành phố lớn như TP. HCM, thành phố Hà Nội, sinh hoạt các ngành của GH cũng thiếu đồng bộ, chúng ta chỉ loáng thoáng nghe Hoằng pháp, Giáo dục, Từ thiện hoạt động không nổi cộm lắm, ngoài ra các ngành như Thanh thiếu niên cư sĩ, văn hóa... im lìm ngũ quên; Vì vậy các tỉnh, nhất là vùng xa, Phật sự càng không thể hiện nổi sức sống của một PGVN trong thời bình, sự tồn tại PG các nơi đó mang tính truyền thống Sơn môn hơn là một tồ chức hành chánh. Đặc biệt, những tỉnh duyên hải Trung Việt như Quảng Ngãi, PG thị xã hiện diện như một thành tố tất yếu của Mặt trận, PG miền quê, các quận huyện, thôn xã chỉ là những liên đới tộc họ, huyết thống, một hình ảnh Sơn môn vào những năm Pháp thuộc, an phận sau lũy tre làng, đùm bọc nhau qua ma chay đám cúng, không bộc lộ một gương mặt mà đáng ra sau 30 năm hòa bình thống nhất đất nước, cần phải có một PG năng động của thời Kinh tế thị trường, thời đổi mới của đất nước đang vươn lên, vì một PG năng động sáng tạo, sẽ kéo theo sức sống hoạt động của người dân bản xứ, tuy PG không là nhân tố kinh tế kích hoạt xã hội bản địa, nhưng sự tươi trẻ năng động của một tinh thần đạo học sẽ phấn kích sự sống nhân dân trên một cường độ tương xứng với sự thay da đổi thịt của một đất nước thời hậu chiến; Những sinh hoạt của PG có thể tạo một khuôn mặt gắn bó với người dân mà bất cứ xã hội nào cũng cần phải có, đó là đoàn thể thanh thiếu niên, sinh hoạt văn hoá văn nghệ, các đạo tràng Bát quan Trai, luân lưu thuyết giảng, từ thiện xã hội, viếng thăm các gia đình tín hữu..., là những công việc không ngoài tầm tay, nhưng hầu hết các tỉnh hội không ai năng nổ hay có một kế sách vực dậy một thể xác trầm mịch lâu đời của PGVN; như vậy do đâu các tỉnh hội không làm được việc đó trong khi thường xuyên tổ chức đám tiệc, trai tăng, lể Chúc thánh thuần túy tôn giáo mà bỏ qua sinh hoạt xã hội mang yếu tố tôn giáo? yếu tố bất toàn hiện tại do những nguyên nhân chính mà Tỉnh hội PG Quảng Ngãi cũng như hầu hết các tỉnh thành trong nước phải có trách nhiệm.

A/ Thí dụ, một đoàn thể Thanh thiếu niên như Gia Đình Phật Tử VN ( GĐPTVN ) một tổ chức giáo dục hữu hiệu không những theo mô hình lý tưởng PG mà còn một đoàn thể tối ưu của xã hội hiện nay kể cà Thanh sinh công của Kito giáo, Hướng Đạo sinh thế giới và đoàn Thanh niên CS HCM: đoàn Thanh Sinh Công chú trọng giáo dục đức tin, một chiến sĩ tiền phong tôn giáo. Hướng Đạo sinh rèn luyện một con người tháo vác, năng nổ mang tính kỷ thuật,Đoàn Thanh niên CS HCM là một chiến sĩ rường cột của đảng mang lý tưởng CS vào đời xây dựng xã hội. Chỉ thuần túy đức tin tôn giáo, quên trách nhiệm xã hội dể biến thành cuồng tín, manh động; chỉ thuần túy lý tưởng xã hội, bỏ qua đạo đức tâm linh, cho dù có đạo đức cách mạng như Cần kiệm, Liêm chính, Chí công Vô tư mà không đặt nền tảng đạo lý Nhân quả, một đảng viên tương lai đó cũng khó vượt qua sự ham muốn của cỏi lòng, tham nhũng băng hoại là hiện thân của sự sa ngã trước cám dổ, nói thế không có nghĩa các tu sĩ PG hoàn toàn thánh thiện, nhưng một tu sĩ chân chính thực thụ không bao giờ sai phạm những tệ nạn, một tổ chức giáo dục tốt vẫn hạn chế những nhân cách bất toàn của xã hội, đặc biệt, những đoàn sinh GĐPTVN gương mẫu, chưa hề xuất hiện một nhân cách tha hóa phàm tình, họ luôn là những công dân tốt, những tín đồ thuần lương và là người xóm giềng đáng tin cậy, do sự giáo dục tâm đức của PG và tinh thần xã hội trong sáng một cách nghiêm túc từ lớp Oanh Vũ trở lên, họ luôn sống trong tâm thức đạo lý nhân quả và tình thương đối với mọi loài, họ có trách nhiệm với xã hội!
GĐPTVN có mặt trên 60 năm, một tổ chức lâu đời nhất của PGVN, một đoàn thể PG căn bản về đạo lý và nhân cách, hổ trợ đắc lực cho các phật sự, cung ứng cho PG những tu sĩ xuất sắc, đóng góp cho xã hội những công dân nhiệt tình trong thời bình và những chiến sĩ dân tộc trong thời chiến, cùng với quê hương suốt thời kỳ Pháp thuộc và 21 năm can qua, nhất là vùng Nam Ngãi Bình Phú, đã có một thiền sư Trí Thuyên sinh quán tại Quảng Ngãi, và vô số đoàn sinh Phật tử, tham gia Cách mạng, chết dưới mũi súng thực dân Pháp năm 1947, năm 1945 đến 1952 có Thầy Thích Huyền Quang, nay là đại lão HT, từng phụ trách Ủy ban PG Cứu Quốc Bình Định; ngày 13/8/1945 đoàn sinh GĐPT mà tiền thân là Phật Học Đức Dục, cũng cọng tác với CM đứng lên chống Nhật tại Quảng Ngãi; đặc biệt 12 đơn vị Gia Đình Phật Hóa Phổ, cũng là tiền thân GĐPT ngày nay, đều tham gia phong trào kháng chiến một cách nhiệt thành; toàn bộ các GĐPTVN đều đình chỉ sinh hoạt, dồn nổ lực cho công cuộc giải phóng đất nước; máu của những người con Phật đó đã từng tẩm tưới trên mãnh đất khô cằn để ngày nay ruộng đồng được xanh tươi, xã hội được ngẩng mặt với thế giới, một quá trình gắn bó của PG đối với dân tộc mà GĐPTVN là thành viên ưu tú đã thể hiện, thế nhưng, sự đóng góp máu xương trong thời chiến cho quê hương, nay không được chấp nhận chung tay xây dựng đất nước trong thời bình; các chùa xin thành lập GĐPT, dĩ nhiên trực thuộc GHPGVN hiện nay, không được giải quyết, thậm chí các anh huynh trưởng tham gia vận động xin thành lập cũng bị thuyên chuyển công tác; Ngay tại TP HCM hiện nay, Quận Nhất chỉ còn một đơn vị GĐPT sinh hoạt, phần lớn các quận không còn tổ chức giáo dục thanh thiếu niên như vậy, thử hỏi các vùng xa xôi làm sao dể dàng tồn tại, vì vậy không lạ gì suốt thời chiến tranh, miền Bắc không có một đơn vị nào có mặt, mặc dù trước 1954 vùng Bắc bộ hoạt động rất mạnh.
Tệ nạn xã hội ngày một phát triển, nhà nước báo động, thế nhưng không muốn PG giúp sức để giáo dục tuổi trẻ, kể cũng lạ! Một số đơn vị GĐPT sinh hoạt từ xưa đến nay tại tỉnh hội, thị xã và vài chùa lân cận còn được tồn tại, ngoài ra khó mà phục hoạt hay thành lập đơn vị mới. Đúng ra, đây là nhiệm vụ của tỉnh hội, huyện hội, vì GĐPT là thành viên trong tổ chức GH, trước kia trực thuộc Tổng vụ thanh niên, nay nằm trong ban Hướng dẫn nam nữ cư sĩ, chuyện phục hoạt hay thành lập phải do GH lo, chỉ thông báo cho mặt trận, ban tôn giáo chứ không phải xin phép, vì nằm trong khuôn khổ Hiến chương GH và sinh hoạt thuần túy tôn giáo trong quyền hạn được nhà nước chấp nhận qua hiến pháp, chỉ xin phép một khi có những sự kiện khác thường không thuộc quy chế tôn giáo, thế nhưng các chùa hoặc các em Phật tử sốt sắng đứng ra lo liệu, nghĩa là họ có ý thức trách nhiệm hơn GH, lại bị chối từ! Phải chăng do tắc trách hay thiếu khả năng điều hành, lảnh đạo của Tỉnh Hội PG Quảng Ngãi, không thấy được tiềm năng của lực lượng thanh thiếu niên phật tử, nên không quan tâm xây dựng. Nam Ngãi Bình Phú là vùng Liên khu năm trước kia, PG một thời phát triển sâu rộng sau cuộc canh tân, chấn hưng PG do Thiền sư Khánh Hòa khởi xướng vào năm 1923, hàng thế kỷ trì trệ, sau đó được nhiều giới cư sĩ trí thức hợp tác như bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám...ngay cả Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu ,tuy Nho giáo, cũng tán đồng nhiệt liệt, mãi đến năm 1944, GĐPTVN chính thức thành lập vào ngày Phật Đản tại đồi Quảng Tế mà danh xưng lúc bấy giờ là Gia Đình Phật Hóa Phổ, chỉ trong vòng 3 năm đoàn thể thanh thiếu niên đó đã lan tỏa khắp các tỉnh, các khuôn hội đều có sự hiện diện của GĐPT sinh hoạt, gia tăng sinh khí cho một PGVN thời bấy giờ, sau khi đất nước tạm chia, các khu vực phía Nam vẫn tăng trưởng những hoạt động tôn giáo, GĐPT ngày một phát triển, mặc dù chịu áp lực từ các chính quyền Kito giáo, thậm chí nhiều huynh trưởng miền Trung bị giam cầm thủ tiêu, tại sao thời bình ngày nay, PG nói chung và GĐPT nói riêng chỉ tồn tại các tỉnh thành một cách đơn điệu, các vùng sâu, vùng xa bị tê liệt hoàn toàn ?! Không những thế, ngay tại TP HCM, những đơn vị Gia Đình sinh hoạt trước 1975, còn tồn tại, không ít khó khăn đến với họ. Nhà nước không cấm họ sinh hoạt, nhưng muốn họ nép mình dưới sự chỉ đạo của Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ do GH đương nhiệm điều hành, ngược lại, thay vì mời họ ngồi lại thảo luận tìm thế dung hợp, lại chỉ thị như một mệnh lệnh phải gia nhập, nhưng người lảnh đạo Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ không đủ kinh nghiệm điều động một tổ chức gần 70 tuổi thọ như GĐPTVN, ( mặc dù Tống Hồ Cầm từng là thành viên sáng lập GĐPTVN như Võ Đình Cường ), không nắm rõ chuyên môn của ngành, nhất là không đủ tư cách đạo đức của một người hướng dẫn các em mà các anh chị trong ban hướng dẫn đặt vấn đề nhân cách, tu thân ngang tầm với giáo dục đoàn sinh, đó là đạo đức tất yếu của một người xuất thân từ GĐPT. Các anh chị trong ban hướng dẫn không muốn đứng ngoài tổ chức GH, nhưng phải khép mình thế nào cho hợp lý và tương xứng với tầm vóc của một đoàn thể Thanh thiếu niên PG. Một giải quyết vụng về khi kết hợp GHPGVNTN với GH hiện tại để đưa tới tình trạng phân hóa PGVN ngày nay, bây giờ, vấn đề GĐPT cũng không khôn ngoan hơn khi muốn các em tham gia hệ thống mới, buộc lòng biến các em thành những đứa con ngoan vô thừa nhận! Người đầu ngành hướng dẫn Nam nữ cư sĩ thuộc GH hiện nay phải thực lòng khiêm tốn kết hợp những đoàn thể đó làm một lưc lượng nồng cốt của PG tiên phong trong xã hội mới bảo vệ tiềm năng PG, không nên đẩy các em vào thế đối lập khó xử, hay phung phí tiềm năng PG một cách vô lý, trong khi đó, Kito giáo tận dụng các giáo xứ làm nơi sinh hoạt cho các đoàn, đội thiếu nhi, thanh niên trở thành đạo quân Đức Mẹ! Không một trẻ em Công giáo nào đứng ngoài đoàn thể đó. Đó là trách nhiệm của các chức sắc giáo hội không ý thức tầm quan trọng nơi lớp thanh thiếu niên PG. Chỉ có GĐPTVN là tổ chức duy nhất của PG mang tính thống nhất thật sự.

B/ Phật sự địa phương, chúng ta vẫn lấy PG Quảng Ngãi làm tiêu biểu cho những giới hạn trong cung cách điều hành Phật sự; Có lẽ PG không quen sinh hoạt hành chánh, chỉ quen sinh hoạt tín ngưỡng, thậm chí lẫn lộn giữa công tác hành chánh và công tác tôn giáo. Công việc hoạt động tỉnh hội PG Quảng Ngãi chỉ thu gom quanh thị xã và vài vùng lân cận, cũng như hầu hết các tỉnh thành khác, PG QN cũng hội họp, phổ biến thông tư, pháp lệnh, giáo chỉ...vạch phương án hành động cho nhiệm kỳ ngắn hạn và dài hạn... nhưng đâu lại vào đấy, quý thầy vẫn quảy túi bận bịu ma chay đám tiệc mà chương trình kế hoạch của hội nghị vẫn để bụi bám; Quảng Ngải là một trong những tỉnh nghèo nhất, tuy dự án dầu khí Dung Quất được hoạch định, nhưng đời sống nhân dân nơi thôn quê vẫn thiếu thốn, cư dân bỏ làng xã tản mát vào Nam tìm kế sinh nhai, ruộng vườn để lại cho các cụ già và trẻ con, một lực lượng lao động lớn lao bị thất thoát, phải chăng đây là một thất bại của nhà cầm quyền địa phương, không biết kích thích nền kinh tế đang mở để thu hút doanh gia đầu tư, giải quyết nguồn lao động tại chổ. Trên dưới một triệu dân, 90% nông nghiệp, ruộng vườn thường bị thất thu do thiên tai, mùa màng thu họach không đủ ăn, bình quân đầu người thu nhập không tới 10 đô la mỗi tháng, buộc lòng dân phải bỏ xứ, cùng với số phận của cư dân, các chùa cũng không khá hơn so với các thị thành sung túc, thế nhưng, hiện nay tỉnh hội bắt tay xây chùa to lớn, để làm gì khi dân còn khốn khó, khi tăng ni cần ăn học, bao nhiêu phật sự cần phát triển. Hiện nay toàn quốc có trên 20.000 chùa, chưa nói tới các am tự viện tự lập không đăng ký, một số chùa vẫn chưa có thầy, có cần chăng xây thêm chùa khi mà cơ sở đó không đủ biểu tượng cho một PGVN hưng thịnh! Người dân hiện nay, ngoài công tác xã hội, mưu sinh, họ cần một tín ngưỡng tâm linh có hiểu biết, nhưng quý thầy biến họ thành người đến chùa để công quả, cúng dường và tôn kính chư tăng như một ông vua, nghĩa là một tín đồ mù, không am tường giáo lý, dần đi vào mê tín dị đoan,vốn dĩ PG cần loại trừ; Các thanh thiếu niên không cảm thấy thích thú đến chùa chỉ để phủ phục, họ cần vui tươi học Phật qua văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa,thư pháp... nghĩa là PG cần nâng cấp tâm linh và tính thẩm mỹ nơi tâm hồn và kiến thức của họ; người trí thức cần những buổi thuyết trình hội thảo những chủ đề văn hóa, dân tộc và đạo đức bổ ích cho bản thân họ và cho xã hội đang phát triển, không nên tự mãn những gì đang có trong khi đất nước tuột hậu so với các quốc gia trong vùng; PG cần góp tay nâng cao dân trí cho đất nước thời bình như đã chung sức khi dân tộc lâm cảnh chiến tranh, PG không tự mình loại khỏi xã hội như kẻ đầu hàng trước cuộc chơi mới bắt đầu, những hoạt động văn hóa như vậy, PG đủ khả năng thực hiện như thời Lý Trần đã đóng góp cho văn học dân tộc suốt nhiều thế kỷ, ngoại trừ TP HCM thỉnh thoảng có những sinh hoạt văn hóa vào dịp lể như Đản sanh, Thành đạo, ca nhạc, thư pháp, hội họa, các tỉnh hội không có một động thái nào để xã hội quan tâm.( Kito giáo có mặt trên quê hương non 5 thế kỷ, thế mà ngày Noel cứ như là quốc lể, mọi người dân nô nức đi chơi, trong khi PG sống chết cùng dân tộc trên 2.000 năm, không ai biết lể Phật Đản ngày nào, ngay ngày lể Đản sinh, cũng chỉ lặng lẽ trong bốn vách chùa, xã hội không ai quan tâm! ) Văn hóa và giáo dục đạo đức là trách nhiệm của PG đối với xã hội, nhà nước, dù bất cứ thể chế nào, họ chỉ thành công xây dựng một xã hội thịnh vượng về kinh tế và an ninh về quốc phòng, rất tiếc PG ta, sau năm 1975, vì bất đồng nguyên tắc, không thống nhất toàn bộ tâm lý, chư tôn đức tài ba không thể vận dụng sở trường đóng góp cho VN thành quốc đạo phú túc mà đáng ra PG cần phải có; Những chiến sĩ có công CM đã được đãi ngộ tương xứng, PG được những gì ngoài gia tài uy tín, đạo đức kiệt quệ, biến một số tu sĩ cậy thế ỷ quyền đánh mất phẩm chất của một Thiên Nhân chi Đạo Sư!
Sinh hoạt văn hóa chẳng những không đạt chuẩn như ý, ngược lại có những vùng, một trụ trì, một chức sắc PG lại hủy hoại những công trình văn hóa cổ kính mang tầm vóc lịch sử như tại Trảng Bàng, Tây Ninh: TT T. Thông Nghiêm,ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự PG tỉnh Tây Ninh, đã thỏa thuận trao đổi mảnh dất có hàng trăm ngôi cổ tháp của các tổ tiền bối trên 300 năm,tại Phước Lưu cổ tự, cả những tiền hiền liệt tổ có công truyền bá PG vào phương Nam trong thời cha ông ta mở mang bờ cỏi, lấy ít tiền di dời sang mãnh đất khác, phía bên công ty phát triển khu du lịch cũng không ngần ngại dùng xe xúc cẩu những ngôi cổ tháp một cách khó khăn vì cấu trúc rất ư kiên cố. Một tu sĩ PG dốt nát về giá trị cổ vật, không có tinh thần bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa PG và dân tộc, quyền lợi vật chất choán hết trí tuệ của một tu sĩ, đã đành là vậy, ngành văn hóa lịch sử tỉnh Tây Ninh cũng không nắm rõ hành tung của những cán bộ thiếu ý thức và thiếu cân nhắc khi quy hoạch một khu vực, đạo và đời đều như vậy đất nước đi về đâu!, dân tộc Khmer còn biết trân quý một Angkor, giáo phái Cao Đài Tây Ninh còn biết bảo vệ chu vi Tòa Thánh, không chấp nhận trao đổi nhượng bộ những bất động sản đang có để nhận số tiền tương xứng, dời sang khu đất khác, trái lại một tu sĩ PG can đảm vui vẻ thỏa thuận một hành động tắc trách như vậy, làm sao nói đến những sinh hoạt phát triển văn hóa khác của PG!
Các tỉnh hội không chỉ có mặt để nhận chỉ thị từ trung ương GH, thừa hành mệnh lệnh từ Mặt Trận, ban Tôn Giáo, còn cần có tính tự quyết, thể hiện bản lảnh và óc sáng tạo, đem đạo vào đời qua mô hình tổ chức và phương tiện hành chánh; Thay vì tổ chức cầu an cầu siêu, tỉnh hội kết hợp các khuôn, các tự viện luân phiên thăm viếng người già, kẻ neo đơn, an ủi lúc thiên tai và người khuyết tật, vào dịp đó cho họ thấy luật nhân quảvà đạo đức PG. Các bậc tôn túc cho chúng ta kinh nghiệm hoằng dương PP sau khi đất nước tạm chia: HT Trí Quang, HT Thiện Minh, HT Trí Thủ và chư tôn đức cùng thời, lúc bấy giờ còn thanh niên tăng, thế mà trong ba năm, đã tổ chức PG từ cơ sở khuôn hội lên đến tỉnh hội suốt dọc các tỉnh miền Trung, Cao nguyên Trung phần và vài tỉnh trong Nam, hoạt động sôi nổi và chặc chẽ, nhờ thế mới đủ khả năng đối đầu với ma đạo nhà Ngô để bảo tồn PG Vào năm 1963. Chúng ta sống trong đất nước thanh bình không có nghĩa là xong việc, phải có trách nhiệm thay thế nhà nước giáo dục quần chúng ý thức ngăn ngừa một nền văn hóa ngoại lai tà giáo lăm le hủy hoại dân tộc tính chúng ta. Tại sao các tôn giáo thần học đang chạy đua nước rùt để bành trướng lảnh thổ, chiêu dụ tín đồ, khuấy rối Tây Nguyên, PG lại ởm ờ vô tư thiếu trách nhiệm! Về lâu về dài, an ninh xã hộ và an ninh văn hóa thế nào nếu PG không làm bây giờ để tránh một sự cố như Thái Lan. Một quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo đã bị Hồi Giáo cực đoan sát hại các sư và tín đồ!

Nếu các nơi không hình thành được một đơn vị GĐPT, mỗi chùa có thể là một tụ điểm để thanh thiếu niên vui chơi, tạo điều kiện cho họ thấy nguy hại của tệ nạn xã hội và sự lợi ích trên con đường hoán cải tâm linh song hành với trách nhiệm xã hội ( thi dụ hàng tháng tập cho các em vào các thôn làng làm vệ sinh đắp đường, sửa cầu ). Đem đạo vào đời rất nhiều hình thức, các thầy lớn tuổi không thích hợp những công việc huyên náo, các tăng trẻ có thể đảm đương công việc nầy, ai dám bảo PG không ích lợi cho xã hội? Có lẽ nhà nước cũng không khó khăn cho những đóng góp thiết thực đó; TT Như Nghĩa ngụ tại Sài Gòn, thế mà vẫn vận động Phật tử về làm đường xây cầu tại Xuân Vinh, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, mặc dù trước đó địa phương ngăn cấm các phật tử thành phố về tham dự lể lạc thành chùa Long Bửu, do TT đảm trách, ngay cả người địa phương cũng chỉ được làm lể bên trong chánh điện, không được ra ngoài sân,vào thời điểm năm 2001. Sự hy sinh xương máu của Tăng tín đồ PG suốt chiều dài lịch sử dân tộc vẫn chưa đủ cho nhà nước tin tưởng, nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu trách nhiệm với quốc gia! Cũng tại Quảng Ngãi, Bình Sơn, chùa Từ Lâm, trước đây do HT Trí Hưng, tên Nguyễn Tăng, người Mộ Đức là tăng cương bổn tự, kiểm tăng của ba quận Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, sau ngày hòa bình, chùa bị trưng thu, đến nay tỉnh hội vẫn chưa có khả năng can thiệp thu hồi lại cho PG một tổ đình danh tiếng như vậy, và còn bao nhiêu cơ sở tự viện toàn quốc chưa được hoàn trả, thế nhưng PG vẫn luôn có mặt sớm nhất trong công cuộc cứu trợ thiên tai, xây nhà tình nghĩa, sốt sắng trong mọi công tác do mặt trận giao phó, có lẽ nhà nước không muốn làm khó PG, nhưng ngại PG bị thành phần xấu lợi dụng; Constantine lợi dụng Kito giáo một cách khôn ngoan, Kito giáo trở thành cây đại thọ tại Au châu, quyền lợi của chế độ đương thời và các chính quyền thực dân kế tục nhiều thế kỷ được bù đắp thỏa đáng; các vua chúa VN và Trung quốc một thời biết cách lợc dụng PG nên PG phát triển mạnh, đem lại lợi ích kinh tế và ổn định xã hội suốt thời gian dài cho nhân dân và chế độ đó. Thái lan, Miến Điện, Campuchea biết xử dụng PG hậu thuẩn chế độ, đem lại sự đoàn kết toàn dân, Nhật bản biết tôn quý PG, một đất nước bị bại sản sau đệ nhị thế chiến, chóng khôi phục sau 30 năm, nâng nước Nhật lên hàng cường quốc mà vẫn tồn lưu phẩm chất đạo học Đông Phương, nếu một thể chế lợi dụng PG như một công cụ thừa hành, PG biến thành lọai hoa kiểng không thể phát triển,sẽ chóng tàn lụn, không thể trở thành đại thụ che mát người vun tưới, thậm chí PG chỉ còn là chậu hoa giả nằm trong góc nhà bị ám bụi thời gian! Nhưng tự thân PG phải biết sự sinh tồn chính mình, không giao phó sinh mạng cho người ngoài cuộc quyết định, không những bản năng tự tồn phải vượt dậy, còn là bóng râm cho xã hội, cho dân tộc!

C/ Một ưu điểm của PG nói chung PGVN nói riêng, cho dù thiên hạ đối xử với mình có tốt hay xấu, PG vẫn bình thảng mỉm cười, vẫn tiếp tay khi con người cần, không hề oán hận; suốt thời Pháp thuộc, những chùa bị Kito giáo lấy làm nhà thờ như La Vang, Vương Cung Thánh Đường...một số bất động sản, suốt hai chế độ Kito giáo thống trị miền Nam, PG bị chèn ép, bị sát hại, thế nhưng PG không hề oán hận trả thù; Khi đất nước bị xâm lăng, PG đứng về dân tộc, tham gia CM giải phóng quê hương, biết rằng PG sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể phát triển, nhiều tôn túc đã phải hy sinh, PG vẫn vui vẻ chấp nhận vì đại nghĩa, những cao tăng của PGVN trong hiện đại như T,Thiện Minh, tức Đổ Xuân Hàng từng là Uy Ban PG cứu quốc tại Quảng Trị; T. Trí Quang tức Phạm Quang đã làm Uy Ban PG cứu quốc tại Quảng Bình; T. Huyền Quang phụ trách Ủy Ban PG cứu quốc tại Bình Định... thời còn trai trẻ; hiện nay HT T. An Lý tọa chủ chùa Long An Hành Trung, Nghĩa Hành từ 1945 đã tham gia phó ban PG Cứu Quốc huyện cho đến sau 1975 vẫn còn tham gia xây dựng hội Phụ Lão, HTX nông nghiệp địa phương, và còn vô số chư tăng, Phật tử đóng góp cho đất nước như vậy, nghĩa là PG không từ nan bất cứ việc gì, cho dù hy sinh tính mạng, cho đại cuộc, cho dân tộc mà không hề mưu cầu quyền lợi cho tôn giáo mình, vì vậy PG bị lợi dụng để sau đó bị phủ phàng cũng là điều PG không hề bận tâm, ngay cả vị giáo chủ của mình bị thiên hạ in vào đồ lót để nhục mạ, PG cũng không phản ứng nóng nảy như thường thấy ở các tôn giáo cực đoan! Như vậy PG phải làm gì? Đó là câu hỏi mà chư tôn đức đảm trách tỉnh hội các nơi phải tìm đáp án, không phụ lòng chư tổ để ngôi nhà PG tàn lụn bởi thái độ vô trách nhiệm của chúng ta. Hiện nay, chúng ta đủ điều kiện, đủ phương tiện để hoằng dương hơn các tiền bối chúng ta, thế nhưng 30 năm nay PG cứ chựng lại khi đất nước đang vươn dậy; những cơ sở vật chất phát triển chưa đủ tư cách chứng minh một phát triển PG, PG hưng thạnh là toàn bộ tín đồ hiểu đạo và thật tu, tăng ni có trình độ, có tư cách, có nội lực nếu không là nội chứng, và quan trọng nhất văn hóa PG thẩm thấu vào máu xương của dân tộc.

Kết. Trong cuộc sống thể hiện nhiều mặt, PG phải hóa thân đa dạng mới đáp ứng nhu cầu tâm linh cho quần chúng, vì đạo Phật chịu trách nhiệm tinh thần cho nhân loại; nhà nước bận tâm xây dựng quê hương, phát triển đất nước cho kịp với thời đại toàn cầu hóa mọi mặt mà bao năm chinh chiến đã cản bước tiến chúng ta, nhất là nhà nước đang khôi phục uy tín VN trên trường quốc tế, PGVN phải làm gì, nếu không có tầm cở thế giới, ít ra phải xứng đáng một PGVN từng là quốc giáo, phải can đảm gánh trách nhiệm xây dựng văn hóa dân tộc, làm rào chắn văn hóa ngoại lai làm tha hóa con cháu chúng ta, hy vọng chúng ta sẽ có những thiền sư cao tăng tâm chứng để duy trì mạng mạch PGVN trong tương lai! Muốn thế, ngay bây giờ, các tỉnh thành hội phải điều nghiên phương án hành động cho Phật sự qua lảnh vực hành chánh cũng như tín ngưỡng được hữu hiệu hơn, can đảm dứt bỏ tính u trệ trầm mịch hiện tại.

MINH MAÃN
12/2004 PL 2548

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét