Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

HỘI THẢO


Ngày thứ hai của chương trình Đại Lễ Phật Đản 2008 tại Hà Nội là các cuộc Hội thảo chuyên đề. Sau nghi lễ cầu nguyện của Nam và Bắc tông trong 30 phút, các đại biểu tham dự hội thảo vân tập về các phòng đã được BTC quy định theo từng chủ đề.

Chủ đề của Đại lễ Phật Đản là: Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì thế, Đại biểu chia làm 7 nhóm qua 7 tiêu đề:
- Vai trò của Phật Giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh
- Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội
- Phật giáo nhập thế và sự phát triển
- Chăm sóc môi trường: giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu
- Vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo
- Diễn đàn giáo dục Phật giáo: sự kế thừa và phát triển
- Phật giáo trong thời đại kỷ thuật số.

Đại biểu các quốc gia quá quen thuộc về những thảo luận theo nhóm, nhưng lần nầy, Phật giáo Việt Nam đã đưa ra chủ đề mang tính nhập thế để xác định Phật giáo vẫn là cộng sinh đối với nhân loại.

Không phải đây là lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam ý thức được tinh thần nhập thế, PGVN đã từng nhập thế từ thời Hai Bà Trưng, An Duơng Vương, Trần Nhân Tông, Lý Công Uẩn…và gần đây nhất, thế kỷ 19 và 20 đã truy xuất ngoại xâm. Chỉnh huấn triều Ngô; hoá giải chiến tranh, xây dựng đất nước.

Tùy nhu cầu mỗi thời đại mà Phật giáo ra tay nhập thế. Thời an bình, Phật giáo đóng góp bằng văn hoá, giáo dục, từ thiện, lúc chiến tranh, trong đội quân chống giặc có bóng dáng người tu. Vì thế, thời đại toàn cầu hoá về kinh tế, khoa học, chính trị, tội phạm… đã đưa đến lắm vấn nạn không riêng cho một quốc gia nào.

Khi Liên Hiệp Quốc chọn ngày Tam Hợp của Đạo Phật làm một tôn giáo biểu tượng cho hòa bình và văn hoá, cũng có nghĩa để Phật giáo ý thức sự hiện hữu của mình trong giòng sống nhân loại, Phật giáo Việt Nam đã nhận thức được trọng trách của mình, không những trong phạm vi đồng tộc, còn có sự liên đới với môi sinh và mọi thể cách xã hội của nhân loại.

Suốt một ngàn năm Bắc thuộc, một trăm năm Pháp thuộc, nhân dân và Phật giáo Việt Nam bị tước đoạt nhiều quyền hạn, không có điều kiện thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, ngoại trừ phạm vi cúng tế, y dược, giáo dục đạo đức, vì thế sinh lực Phật giáo Việt Nam lụn tàn dần; một ít bậc chân tu rút sâu vào thâm sơn cùng cốc.

Đến khi kiến thức Tây học thẩm thấu vào xã hội, những anh hào yêu nước mới tiếp nhận cái hay của người để trang bị cho dân mình, đồng thời canh tân hoá tinh thần yêu nước, quật khởi.
Khắp ba miền, nhiều tổ chức của nhân dân tự phát chống lại xâm lăng, trong đó, miền Tây Nam bộ, những Phật tử yêu nước trong vùng Hoà Hảo tự trang bị vũ khí để chống Pháp; Một số tăng sĩ cũng tham gia các phong trào lúc bấy giờ; Lý Đông A, Nguyễn Thái Học,Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và nhiều anh kiệt đã không kịp thành công, vì thế nhiều tu sĩ đã chấp nhận đứng chung chiến tuyến với phía Bắc để quyết đuổi ngoại xâm, đem lại hoà bình cho dân tộc.Từ Bắc vào Nam, rất nhiều tu sĩ và tín đồ Phật giáo hy sinh cho đồng bào dân tộc một cách thầm lặng. Đó là thế hòa nhập chẳng đặng đừng khi đất nước lâm nguy!

Trong miền Nam, dưới triều đại Ngô quyền, các lực lượng yêu nước đã bị Ngô Đình Diệm tiêu diệt, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, kể cả Phật Giáo Việt Nam đều bị đưa vào danh sách đen cần triệt tiêu có kế hoạch. Trước nạn bá quyền độc trị của gia đình nhà Ngô, chư Tăng buộc lòng phải đứng lên đòi quyền sống cho chính mình và cho đồng bào bị khống chế. Sự hội nhập mang tính chính trị đó cũng là thế chẳng đạng đừng của Đạo Phật. Phật giáo có ý thức chính trị nhưng không thể hành động chính trị đi nguợc lại tâm từ bi.

Ngày nay, khi đất nước không còn thống trị bởi ngoại bang, Phật giáo có trách nhiệm đối với xã hội qua những nhu cầu tâm linh, giáo dục, văn hoá, từ thiện…và cần chỉnh đốn tự thân để Tăng sĩ và tín đồ thực tu thực học, tăng trưởng nội lực. Tuy nhiên, ngôi nhà chung của nhân loại hiện nay, mọi yêu cầu từ lợi tức đến thảm hoạ đều là cộng hưởng, không chỉ riêng ai. An ninh, bạo động, khủng bố, bệnh tật, đói nghèo, ô nhiễm, nước sạch, hiệu ứng nhà kính, lương thực…và còn bao nhiêu bức bách liên hệ trực tiếp đời sống cộng đồng mà không riêng một quốc gia nào chịu trách nhiệm, mỗi cá nhân cũng liên đới.

Mọi biến trạng xấu của xã hội phát xuất từ ý thức xấu của con người, ngay cả thiên tai cũng không phải là tác nhân khách quan mà là hậu quả do chính lối sống thiếu trách nhiệm của mỗi con người chúng ta. Hầu hết các quốc gia đã dùng bạo lực để khống chế bạo động; dùng pháp luật để xử lý tội phạm; dùng quyền lực để trừng trị sai phạm; dùng phương tiện xấu để giải quyết hiện tượng xấu…dẫn đến những phát sinh xấu hơn, tệ hại hơn. Đạo Phật nói: Cái nầy có, cái kia có, cái nầy sanh, cái kia sanh, cái nầy diệt, cái kia diệt!!! như thế muốn cái nầy không có thì đừng tạo cái nhân xấu cho nó phát sinh.

Tâm lý chung của mọi người và mọi quốc gia pháp quyền, dùng hiện tượng để xử lý một hiện tượng, tất nhiên sẽ phát sanh một hiện tượng mới tương ứng. Dùng lời thóa mạ thì sẽ nhận được sự thoá mạ của đối tượng, có thể hơn gấp bội, im lặng, hoan hỷ trước sự thoá mạ, dĩ nhiên thoá mạ kia không có cơ hội phát triển. Đức Phật im lặng trước những vu vạ, đệ tử nóng lòng hỏi sao Đức Thế Tôn không trả lời, không phản ứng, Ngài đáp: Ai cho ngươi món đồ, ngươi không nhận thì người đó thế nào? bạch Thế Tôn, họ sẽ mang về lại! Cũng thế, ta không nhận những lời vu vạ thóa mạ kia thì họ sẽ tự nhận lấy!

Phương pháp giải quyết vấn đề, đối với Phật giáo, phải từ tâm chất, cho dù đó là hiện tượng xấu nhất. Có nghĩa những hiện tượng xấu trong xã hội phát xuất từ tâm địa xấu của tội phạm, vấn đề không phải trừng trị mà là giáo dục, cải hoá bằng đạo đức tôn giáo, tạo cho đối tượng ý thức trách nhiệm cộng đồng.

Người phạm tội vì thiếu ý thức cộng đồng, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân, họ không biết thêm một bước nữa, làm như thế không phải vì quyền lợi mình, không thương chính mình, còn làm hại mình! Tính cộng đồng, theo Đạo Phật: mình hại người tức hại mình, lợi người tức lợi mình.Cổ nhân từng bảo: Dễ người, dễ ta; khó người, khó ta!

Tính tương liên như thế, Đạo Phật đã lấy tâm là đơn vị chuẩn để giải quyết vấn đề. Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tợ nguyệt tà; phi mao tùng thử đắc,tố Phật giả do tha!
Chính cuộc sống thực dụng duy vật của Tây phương đã đánh mất tâm chất con người, xã hội càng phát triển vật chất mà thiếu cơ bản tâm linh, xã hội càng loạn. Tâm là gốc rễ của mọi vấn đề! Tâm bình - thế giới bình!

Những hiện tượng mà ta gọi là sự báo động toàn cầu hoá, khoa học văn minh không giải quyết được tận gốc rễ, nếu không dùng chữ tâm của Đạo Phật. Khoa học, luật pháp hay bất cứ chuyên ngành nào cũng không thể dùng cái tâm như một khí cụ để đạt được mục đích.

Đạo Phật hoá giải nhiều vấn đề và có khả năng giải quyết mọi uẩn tắc trong cuộc sống bằng cái Tâm chân thật vì họ đã thật tâm. Bất cứ ai thật tâm để xử dụng Tâm chân thật đều đưa đến kết quả khả đắc. Thủ đoạn chỉ là giai đoạn rồi sẽ đứt đoạn.

Giải quyết chiến tranh có nghĩa gjải quyết tâm tham lam và hận thù. Tham lam nguồn lợi dầu mỏ, khoáng sản làm giàu đất nước mình là nguồn gốc chiến tranh. Hận thù đưa đến xung đột giữa hai quốc gia, là nguồn gốc chiến tranh.

Bạo động vì bị ức chế, bất công phát xuất từ ý niệm bất bình đẳng, muốn lợi mình hại người…Công bằng xã hội không thể thực hiện bằng chính sách mà phải bằng sự tự giác, ý thức bình đẳng của người con Phật. Tinh thần lục hoà của Phật giáo là nền tảng an bình cho tập thể và cộng đồng nhân loại ( Thân hòa đồng trụ - khẩu hoà vô tránh – Ý hoà đồng duyệt - giới hoà đồng tu - lợi hoà đồng quân - kiến hoà đồng giải )

Công bằng xã hội không thể tuyệt đối, cho dù đất nước văn minh tiến bộ nhất. Đối với Phật giáo, công bằng không có nghĩa lớn nhỏ già trẻ đều hưởng lợi như nhau, không thể có một thế giới đại đồng mà một lãnh tụ ngồi ăn chung với dân, tiêu chuẩn 15 ký gạo như nhau. Không thể có công bằng máy móc như thế; Công bằng và Tự do cũng không thể là cặp song sinh của xã hội. Công bằng tuỳ thuộc nhiều yếu tố của cuộc sống, nó không quy định theo luật pháp mà phát xuất từ Tâm thức của mỗi người, thì Tự do cũng là cái gì đó tuỳ thuộc rất nhiều yếu tố mà Tâm thức vẫn là nền tảng để xây dựng. Người to khoẻ không thể ăn một bát cơm duy nhất như trẻ con gọi là công bằng. Tước đoạt quyền lợi kẻ khác, xâm phạm tư hữu của xã hội không thể bảo là tự do. Và tự do cũng khó mà định hình trên căn bản luật pháp nếu không có sự giáo dục đúng đắn về ý thức mọi công dân, và cũng chưa đủ nếu ý thức từ sự giáo dục không phát xuất từ đạo đức tự nguyện của Phật giáo.

An sinh xã hội, quyền lợi kẻ thất nghiệp,bảo vệ trẻ cô thế người già neo đơn không phải loại hình công bằng tuyệt đối của xã hội mà chỉ là hiện tượng tương đối nhân đạo của chính sách. Cũng thế, vấn nạn gia đình mà đạo đức xã hội, đạo đức nhân thân suy thoái trầm trọng trước cơn bảo phát triển khoa học kỷ thuật, cuộc sống thực dụng đã đánh mất đạo đức tâm linh, đẩy nhân loại lún sâu xuống vực thẳm. Vấn nạn đó, không thể giải quyết bằng chính sách, Không thể kêu gọi hay trừng phạt mà phải xây dựng từ cơ bản đạo đức tâm linh của Phật giáo.

Chính những bức bách đó mà Phật giáo phải xắn tay áo để nhập cuộc. Phật Giáo Việt Nam cũng không thể là kẻ bàng quan sống ngoài lề xã hội. Nhân loại ngày nay xử lý mọi việc bằng điện toán; phương tiện kỷ thuật đều đặt trên cơ sở kỷ thuật số. Tu sĩ Phật giáo các nước tiên tiến kịp thời nắm bắt kiến thức khoa học để làm phương tiện hoằng pháp hầu giải quyết nhiều vấn nạn toàn cầu.

Tuy Phật Giáo Việt Nam chưa đuổi bắt kịp thời, những đã có ý thức giải quyết những vấn nạn trên. Xã hội Việt Nam chưa cho phép Phật giáo nhập cuộc quá tầm, nhưng cũng giúp những tu sĩ có khả năng đóng góp công ích.

PGVN nhập cuộc qua nhiều thời kỳ, hiện nay Phật giáo phải đổi mới để thích ứng với thời đại để nhập cuộc. Vesak 2008 là một xác minh tính khả hữu của Phật giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam trước những vấn nạn đó. Tinh thần thông thoáng trong xã hội đã cho thấy mức cải tiến đáng mừng của một đất nước đối đầu với nhiều cam go.

Dĩ nhiên, qua Vesak nầy, chúng ta không tránh khỏi những khiếm khuyết, dẫu sao tinh thần làm việc của Tăng tín đồ Phật Giáo đáng hoan nghinh. Ngành an ninh Việt Nam thật chặt chẻ, không vì thế mà mọi người phải ta thán khi gặp khó khăn trước những nguyên tắc của nhân viên thừa hành.
Chúng tôi về tận Hải Dương để xác minh sự khiếu nại của quần chúng Phật tử. PG tại Thôn Tràng có khó khăn đấy, nhưng lễ đài, cờ xí không bị chính quyền tự tay hạ, mà họ yêu cầu nhà chùa tự dẹp vì chưa xin phép. Công an xa đòi kiểm tra giấy tờ chúng tôi, nhưng sau một lúc phân giải hợp tình thấu lý, họ khuyên nhà chùa về làm dơn để buổi lễ được tiến hành, vì theo họ, từ xưa nay tại thôn Tràng chưa bao giờ có hiện tượng làm lễ bất thường như thế.

Phật giáo cũng như chính quyền, cán bộ cần có óc thông thoáng , năng động và linh động mới giải quyết những ách tăc.

Phật giáo nhập thế , phải chấp nhận nhiều trở ngại, đất nước muốn hoà nhập cộng đồng nhân loại cũng phải vượt qua lắm khó khăn. Dẫu sao, sự thành công của Vesak đã xoá đi những bất cập phiền não, cùng hướng về một tương lai tươi sáng cho dân tộc.
Đó là tinh thần hội thảo của những người con Phật trong đại lễ Vesak năm nay.


MINH MẪN
16/5/08

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét