Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009
CẠN TÀU RÁO MÁNG
Tin từ Tu viện Bát Nhã - Bảo Lộc, Lâm Đồng – vào lúc 14giờ ngày 22/9/08, thầy Đồng Hạnh, đệ tử thầy Đức Nghi, đem một số thanh niên vào chiếm cứ các phòng ốc dành cho các tu sĩ tập sự, xua đuổi những vị nầy ra, ném vật dụng tư trang của họ ra sân, các em nầy phải ra ngồi ngoài trời mưa tầm tả, ngơ ngẩn chả hiểu việc gì xẩy ra; Đây là những em mới được thu nhận còn trong thời gian tập sự, vô tội, vô can, đang mang trong tâm một lý tưởng trong sáng về đời sống của một tu sĩ Phật giáo!
Trước đó mấy hôm, được tin Đồng Hạnh dán giấy thông báo sẽ đập hết các dãy nhà; hôm nay lại mời bảo vệ vào trục xuất các em, lực lượng bảo vệ Bát Nhã không thi hành, thì nhờ tay những thanh niên ở An Lạc, bảo là đến công quả, thu dọn phòng ốc, nhưng khi đến, vào khống chế tướt đoạt nơi ăn chốn ở của số tập sự nói trên.Số thanh niên trên đây biết là mình bị lừa phỉnh. Giáo Hội Lâm Đồng, Hoà Thượng Pháp Chiếu khiển trách: Đây là thái độ của Bàng môn tả đạo chứ không phải đệ tử Phật, không phải hành động của người xuất gia.Giáo Hội đang giải quyết mà tự động hành xử như vậy là không đúng. Đây là cơ sở của Giáo Hội, phải để GH giải quyết. HòaThượng bảo quý vị dọn vào ở lại, nhưng hai phòng đã bị chiếm dụng, nên vẫn đang ngồi ngoài mưa gió chịu cái rét ướt của khi hậu cao nguyên.
Một số Phật tử Bảo Lộc chứng kiến , đã phẩn nộ và mạt sát mấy vị đệ tử của thầy Đức Nghi: mấy thầy làm như thế là thái độ của côn đồ, không xứng là một tu sĩ, việc gì còn có chính quyền và giáo hội. Người ta tu chứ làm gì mà đuổi người ta ra ngồi dưới mưa trong khi phòng bỏ trống Đồng Hạnh bèn rút lui, tối trở lại, vẫn chiếm lấy hai phòng .
Lá thư TS Nhất Hạnh gửi cho đệ tử đắc pháp Thích Đức Nghi:
Kính gửi TT Đức Nghi,
Viện chủ tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc
….
………Hiện giờ có khoảng 400 người tu trẻ tuổi đang tu học tại Bát Nhã….Tôi tin chắc là cả chính quyền và giáo hội đều không muốn cho một chúng tu học như thế bị giải tán và tan rã. Điều nầy chắc thầy cũng đã thấy rõ, và nếu sự giải tán tan rã xẩy ra thì sẽ có tai tiếng lớn cho đất nước và cho PGVN. Cho nên tôi thấy thượng sách là thầy nên trở lại Bát Nhã với tư cách là Viện chủ của tu viện và tiếp tục công việc.
……………….
Trong trường hợp thầy thấy không đủ sức làm như vậy thì thầy phải tìm ra một giải pháp với chúng, để các vị ấy có đủ thời gian sắp đặt tạo dựng một cơ sở khác trước khi trả lại chùa Bát Nhã cho thầy.
……………
Tôi mong thầy có thời gian tịnh dưỡng và thấy được con đường đẹp nhất mà mình cần phải đi. Dù sao thầy cũng đã được truyền đăng đắc pháp ở Mai Thôn, Pháp quốc 2006, và trong lễ truyền đăng ấy thầy đã tuyên bố sẽ không để cho chuyện các vị đệ tử dành lại chùa. Những điều mình phát nguyện mình phải sống trung thực với nó. Vì thầy là đệ tử đắc pháp của tôi nên tôi đã không ngần ngại khuyên nhủ thầy bây giờ cũng như trong quá khứ. Tôi tin tưởng nếu thầy trở về tiếp tục con đường đó phát nguyện thì sức khoẻ của thầy sẽ tăng trưởng và hạnh phúc của thầy sẽ lớn lắm, ít ai bì kịp!....
……….
Kính thư
Nhất Hạnh
Có lẽ thư đã tới tay thầy Đức Nghi – sư phụ của chúng tu Bát Nhã, nhưng chả hiểu thế nào mà nội vụ mỗi ngày một trầm trọng, mấy tuần trước họ đã chiếm khu Bếp lửa hồng, thất của Thiền sư Nhất Hạnh, giờ tiếp tục tấn công lên phía trên; Đây là cá nhân Đồng Hạnh tự phát hay có sự chỉ đạo? Ta còn nhớ cách đây hơn ba năm, một số tu sĩ Phật giáo Nam Hàn bị ngoại đạo ẩn danh Phật tử xúi dụng hành xử thô bạo để đánh cướp chùa tại Seoul, giờ đây, nội tình Bát Nhã xẩy ra một cách manh động thiếu tình người như thế. Theo nội dung thư của Thiền sư Nhất Hạnh gửi cho đệ tử như trên, đủ thấy lòng độ lượng thấu tình đạt lý của một vị thầy đối với tấm lòng phản trắc của học trò, Thiền sư nói, đòi lại chùa không khó, nhưng phải để có thời gian giải quyết nơi ăn chốn ở cho 400 vị tu không phải dễ. Làng Mai sẳn sàng bỏ tất cả ra đi mà không đòi hỏi bồi hoàn số ngân phí đã bỏ ra, thế nhưng, những Phật tử đóng góp từ tiền túi, họ nghĩ rằng đây là sự lừa đảo chiếm dụng tài sản của họ, vì tâm từ của một tín đồ Phật giáo, không ai muốn tranh chấp làm lớn chuyện, chờ nhà nước và Giáo hội cứu xét. Đây không chỉ là cá nhân đối với cá nhân, mà là uy tín của một quốc gia và danh dự của một đạo Phật từng được mệnh danh tôn giáo hoà bình, từ bi nhất, thế mà những tu sĩ thiếu tâm chất, không kiến thức, vô đạo đức đã nông nổi hành xử như kẻ đâm thuê chém mướn.
Nếu vì quyền lợi vật chất hay vì tự ái cá nhân thì không có thái độ đi ngược tinh thần đạo Phật như thế để ngoại đạo họ đánh giá một cách tầm thường; Việc gì cũng có thể ngồi lại với nhau giải bày bằng tâm nguyện một cách êm thắm.
Giả thử thiền sư Nhất Hạnh không thích hợp với tinh thần chính trị của đất nước, có lối hành xử cao ngạo mà theo một số người đã nhận xét, thì đó là chuyện giữa nhà nước và thiền sư chứ không phải của mấy thầy. Thế giới sẽ nghĩ gì về Phật giáo Việt Nam đối xử với đồng đạo có uy tín quốc tế như thế? Tại sao một đất nước Việt Nam bị hụt hẩng đạo đức tâm linh đã nhiều thập kỷ, giờ đây không dung nạp được một môn phái có thể giúp xã hội chấn hưng? Phật giáo truyền thống tại Việt Nam chưa quen tiếp nhận loại PG canh tân như làng Mai.
- Tính bảo thủ của phần lớn tu sĩ PG VN khó chấp nhận lời thẳng thừng khi Thiền sư nêu lên các tệ nạn của PGVN nói chung, và nhất là ni giới nói riêng
- - Một số sư bà trên 80 tuổi được sư bà Tịnh Nguyện hướng dẫn đến thăm viếng Thiền sư, không được tiếp, lại để các sa di trẻ ra tiếp chuyện.
- … và còn bao chuyện linh tinh khác mà tâm tư tình cảm của người Việt trở thành vấn đề lớn tạo một khoản cách bất mãn vô lý.
Thể chế chính trị tại Việt Nam ngày nay cũng đã tiến bộ nhiều, nhưng chưa đủ để chấp nhận mọi cái do Thiền sư góp ý tưởng chừng “động trời”. Tập quán người dân VN cũng như cán bộ nhà nước không là tập quán tại các nước Âu Tây,vì thế phong cách làng Mai như người xa lạ đối với họ về mọi thứ. Người Phật tử khách quan lắng nghe mọi bên, đều thấy những cái tạo bất mãn, xa cách nhau không phải là điều lớn lắm, do chưa hiểu nhau đấy thôi, vì thế làng Mai đã gặp trở ngại lớn khi hội nhập vào quê mẹ. Trong khi đó, tại Tây Đức, tiểu bang Nordrhein – Westfalen, ông thị trưởng thành phố Waldbrol đã niềm nở tiếp Thiền sư làng Mai trong chuyến chuyển giao Tổng Hành Dinh Học Viện Quân Sự Đức mà có lần xem như cơ sở của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, để biến nơi nầy thành Viện Phật Học Ứng dụng Châu Âu! ( Trị giá cơ sở ban đầu trên sáu triệu Euro, nhưng qua tuần trà đạo, một chén trà thâm tình đã biến số tiền trên còn một triệu, qua trầm ngâm của làng Mai, ông Thị trưởng nói: Nếu quý thầy không đủ khả năng thì cho biết, đừng nản lòng. Thế là ông ta lại bớt xuống nửa giá, ông ta bảo: 500 ngàn nầy để quý thầy tu sửa. Một thời kinh xướng lên để cảm tạ lòng hào hiệp của người ngoại đạo góp tay với làng Mai xây dựng quê hương họ về văn hoá lẫn đạo đức xã hội, đạo đức tâm linh. Theo dự tính, nơi đây ngoài ứng dụng Phật pháp vào đời sống xã hội, còn là điểm giao lưu cho mọi tôn giáo và không tôn giáo; với tập quán của người Đức, ông tặng làng Mai ổ bánh mì và muối tiêu, chúc lành sẽ an nên làm ra.). Âu châu đã có thêm một cơ sở Phật học ứng dụng ngoài cơ sở của Làng Mai ở Bordeaux; Tây phương họ can đảm cởi bỏ cái lỗi thời lạc hậu để chấp nhận cái tiến bộ văn minh, vì thế nhiều nhà thờ đã biến thành nhà chùa, tu sĩ áo đen biến thành tu sĩ áo đà, sẳn sàng làm đệ tử của người Việt Nam như Thiền sư Nhất Hạnh.
Có lẽ Việt Nam chưa đủ duyên phước tiếp nhận thiện chí xây dựng quê hương của Làng Mai. Những mắc mứu, cố chấp, lỗi phải, ngờ vực của chúng ta còn quá nặng nề, biến thành rào cản , bỏ lỡ cơ hội để phát triển một hình thái Phật giáo mới trong kho tàn Phật giáo Đại thừa luôn phát triển.
Việc Bát Nhã vừa xẩy ra, không do ngoại đạo nào xúi dục, do tính ỷ thế cậy thân của các tu sĩ trẻ dạ non lòng, do tự ái thua thiệt, do những tập khí lẩm cẩm mà người con Phật chưa đủ thời gian trui rèn loại bỏ. Cho dù thế lực nào xen vào mà một tu sĩ ý thức đoàn kết như Kitô giáo thì tình đồng đạo không thể bị sứt mẻ như thế, và một tu sĩ chuyên chính cũng không dễ trở mặt với thầy tổ hay phá hoà hợp Tăng mà luật giới nhà Phật đã cảnh báo.
Làng Mai không muốn ai lên tiếng vụ nầy, nhà nước cũng như Phật giáo Việt nam không muốn vụ nầy bể bạt, thế nhưng vết độc âm ỉ dễ biến thành ung thư tàn phá, không chỉ hoen ố đạo Phật mà nhơ danh đất nước, đòi hỏi những vị có trách nhiệm phải giải quyết êm thắm. Một là cho thời gian để làng Mai sắp xếp di dời; hai sẽ giải tán nếu xét thấy làng Mai nguy hiểm, không thích ứng với xã hội Việt Nam. Ba, tạo cho làng Mai một cơ sở hợp pháp để sinh hoạt giúp PGVN và tu sĩ PGVN, giúp tuổi trẻ có lý tưởng sống và xây dựng quê hương.
Ôi, nghiệp vận PGVN là thế, từ thượng tầng đến hạ tầng, từ tông môn đến cá nhân, luôn bị giao động, chia rẽ trong thời đại hiện nay. Phật giáo Việt nam sẽ đi về đâu!!!
MINH MẪN
23/9/08
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét