Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009

ĐẠI LỄ VESAK KẾT THÚC


Sau hơn nửa năm chuẩn bị, sau hàng chục cuộc họp chuyên ngành, cuộc họp nội bộ, và những cuộc họp khẩn trương vào ngày chót, Đại lễ Vesak đã diễn ra trong không khí tưng bừng,phấn chấn và hoan hỷ.

Địa điểm diễn ra Đại hội mang tầm vóc Quốc tế, không gian thoáng đãng, nằm trên khu đất gần 10 mẫu tây của vùng ngoại thành, cách Hà Nội gần 20km. Trung Tâm Hội Nghị Quốc gia có lối kiến trúc hiện đại, đầy đủ phương tiện làm việc.Nơi đây từng diễn ra nhiều cuộc hội nghị Quốc tế, vì thế khâu tổ chức điều hoạt và an ninh có nhiều kinh nghiệm.

Nhưng, đây là lần đầu tiên tổ chức Đại lễ, vừa mang tính Quốc tế, vừa mang màu sắc quốc gia và lại là màu sắc tôn giáo, và có sự cộng tác của tôn giáo, lần đầu tiên như thế, nên vấn đề hoàn thành một Đại lễ không tránh khỏi lượm thuộm, bất toàn trong nội bộ.

Những cái chưa được:
1/ Nội thất hội trường, ngoài tấm phông và tượng Đức Phật, không có thêm một tiết sắc nào trang điểm để mang tầm hoành tráng; hoặc giả có thêm ít cờ và banner quanh vách tường hoặc hình ảnh của ba giai đoạn quan trọng cuộc đời đức Phật mà ta gọi là Tam Hợp, thì khán thính chúng sẽ cảm nhận đây là Đại lễ liên quan sâu sắc đến Phật giáo.Hoặc giả giao cho Phật Giáo Huế chịu trách nhiệm trần thiết thì sắc màu sẽ tươm tất hơn.
2/ Bên trong đại sảnh đường trước ngày lễ chính thức, quan khách đến khó tìm được nước để uống, ngoại trừ tìm đến các khâu tổ chức riêng. Đáng ra vài mươi mét để một bình nước khoáng như các chùa thường tổ chưc.
Các tranh ảnh triển lãm là những bộ sưu tập của nhiếp ảnh gia Võ văn Tường, từng được triển lãm tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh trước đó, nên khó tạo cho quan khách quốc nội một cảm hứng kinh ngạc.
3/ Bên ngoài Đại sảnh, những du khách trước ngày lễ chính thức , kể cả các nhân viên trong những gian hàng hội chợ không tìm thấy nước xử dụng cá nhân và nấu ăn, không có nhà vệ sinh, hai chiếc xe lưu động để sẳn nhưng vẫn chưa mở cửa cho công chúng xử dụng; đến cuối ngày cận khai mạc, mới có các phòng vệ sinh lưu động kéo đến. Ngoài đường nhựa lưu thông và bãi cỏ, không có chỗ cho quần chúng ngồi nghỉ, mãi đến ngày lễ chính thức, số lượng quá đông, nên quần chúng tự động lên nằm ngồi trên các sân cỏ đang nuôi dưỡng.
Những con đường dẫn ra các cổng, không để bản chỉ dẫn cổng số…nên người bên trong khó liên lạc hướng dẫn người bên ngoài đến tìm.
4/ Ngoài 100 gian hàng hội chợ, nhưng chưa đủ sức lôi cuốn du khách. Có những gian hàng không liên quan đến Phật giáo hoặc tinh thần đại hội, ví dụ có gian hàng bán nồi niêu soong chảo, hoặc quảng cáo ghế , máy massage, thuốc dân tộc, rượu phấn hoa, trà cà phê…
5/ Trước sân rộng lớn, 48 cột cờ đỏ phần phật trước gió, hai lá cờ lớn quốc kỳ và giáo kỳ ngạo nghễ tung bay, không đủ che lấp vài chiếc xe hoa nhếch nhác biểu lộ phong cách nghèo nàn về kinh phí lẫn nghệ thuật.
6/ Khâu phân phối thẻ đại biểu, báo chí, vip, cho đại biểu trong và ngoài nước…do thầy Minh Tiến Quán Sứ phụ trách là một khâu vô cùng lượm thuộm. Chỉ còn sáng hôm sau Đại lễ khai mạc mà tối hôm đó vẫn chưa đủ thẻ. Nhiều trưởng đoàn đi lại Quán sứ nhiều lần để lãnh, nhưng ít khi đủ cho đoàn của mình, họ chỉ phát 1/3 hoặc phân nửa số thẻ yêu cầu; tuy số lượng thẻ dư thừa. Làng Mai cũng vất vả, quý thầy và sư cô đi lại từ Kim Liên đến Quán Sứ rất xa, còn được biết họ đòi đoàn Làng Mai là 15 USD mỗi thẻ, nhưng quý sư cô không chịu, sau khi “ cò kè bớt một thêm hai “ họ tuột xuống còn 5 đô mỗi thẻ. Yêu cầu Giáo Hội và nhà nước làm sáng tỏ vụ nầy để khỏi tai tiếng cho đất nước. Đây là vụ bê bối cá nhân lợi dụng lúc lộn xộn.
Một số đoàn từ các tỉnh xa, hồ hởi về Hà Nội, tiền xe tàu, tiền khách sạn, tiền ăn uống và đi lại quá tốn kém, để hưởng ứng ngày trọng đại của đất nước, thế mà không nhận được đủ thẻ, họ đành cuốn gói trở về miền Nam trong nỗi buồn bực.
Chính vì thế mà số khách Tăng tham trong hội trường khá ít .
Trong Đại sảnh không có bản chỉ dẫn các phòng sinh hoạt chuyên biệt, nên nhiều người không biết có phòng báo chí. Bên ngoài đại sảnh, cũng nhiều người không biết có khu Hội chợ để đến tham quan

Những cái đã được:

1/ Âm thanh hội trường rất tốt, mặc dù tại phòng Báo chí đôi lúc ọ ẹ. Ánh sáng mát dịu.
HÌnh tượng đức Bổn sư được biết phải nhiều lần điều chỉnh, đã đạt đến tầm vóc nghệ thuật cao, hài hoà với Phông màn mang màu cờ Phật giáo cách điệu một cách chỉnh chu. Quanh toà hoa sen trang trí nhiều hoa đẹp. Hoàn toàn không có tượng Hồ chủ Tịch trên khán đài mà những năm trước kia thường xuất hiện.
MC biết dùng nhiều thuật ngữ nhà Phật, ví dụ: xin trang trọng kính thỉnh chư tôn HT và quý đại biểu khởi thân để tưởng niệm các nạn nhân thiên tai…
Thông dịch viên nắm vững văn ngữ giáo lý nhà Phật khi thuyết trình viên xử dụng ngôn từ kinh điển. Âm điệu Thông dịch viên rõ và truyền cảm, nhất là nữ thông dịch bằng giọng Huế dịu dàng.
2/ IOC và các tình nguyện viên làm việc không mệt mỏi, có tinh thần trách nhiệm, sốt sắng. Những học Tăng học Ni của Vạn Hạnh, từ miền Nam ra phụ giúp cho BTC rất nhiều việc và rất hoan hỷ. Các em học sinh, sinh viên tình nguyện giúp rất nhiều cho Đại biểu về tham dự tại sân bay, nơi hội trường đến ngoại sảnh. Tổ chức nội bộ thành công , phần lớn nhờ IOC và các tình nguyện viên. Về phía vòng ngoài không thể phủ nhận công trạng ngành an ninh, từ vòng đai ngoài lộ đến hội trường qua 5 lớp bảo vệ và kiểm soát. Từ cổng ngoài đến cửa vào trong đại sảnh phải qua 2 vòng kiểm soát bằng máy các tư trang, vật dụng.Rất nhiều loại thẻ, thẻ nội bộ phục vụ cho đến thẻ Đại biểu, thay đổi liên tục, thẻ có thời hạn đến loại thẻ lưu thông, nhân viên an ninh nắm vững mỗi khi nhìn vào thẻ, chính vì thế, một số đại biểu thiếu thông cảm tỏ ra phiền trách.
Vị trí đặc biệt trong Hội trường cũng được tính toán kĩ lưỡng nên không xẩy ra lộn xộn hay có việc đáng tiếc nào.
3/ Hậu cần do TT Thanh Phong đảm nhiệm được sự hổ trợ của công ty thực phẩm chay Âu Lạc đã chiếm dụng một diện tích khá lớn bên hông và sau hội trường. Nhà bạt rộng 8m dài gần 100m, có nhiều láng trại như thế mới đủ dung chứa hàng ngàn thực khách mỗi lượt. Trước Đại lễ mấy hôm,TT Thanh Phong ra vào Hà Nội- Sài Gòn như đi chợ, có hôm một ngày đi mấy chuyến để bổ sung những đồ cần thiết. TT tỏ ra mệt mỏi và tiếng nói khàn hẳn. Các em mặc đồ Âu Lạc gồm 2 nhóm, một nhóm mặc đồ vàng, phục vụ nhà bếp, một nhóm mặc áo khoác màu huyết dụ có yếm, đội mũ cùng màu làm tiếp viên cho thực khách. 500 em tình nguyện phục vu mang màu sắc Âu Lạc tỏ ra có huấn luyện và có trình độ lẫn nhân cách; làm hài lòng thực khách. Trên 60 món ăn thuần chay do Âu Lạc thiết đãi, 10 thức nước uống vệ sinh, những cái linh tinh như khăn tay, tăm, muỗng nĩa đũa..đều là loại sang trọng sạch sẽ. Láng trại cho nhà bếp Âu Lạc cách biệt với phòng ăn cũng bằng tấm bạt mỏng, nhân viên nấu ăn đeo găng tay, quần áo gọn gàng, sạch, tiếp tế thực phẩm nhanh nhẹn, không để thiếu thức ăn. Ai cũng vui vẻ tuy rất mệt nhọc. Mỗi ngày cung ứng hai lần cho hàng ngàn đại biểu một cách chu tất không phải chuyện dễ. Ngay cả tiệm quán ngoài đời hàng ngày quen việc mà vẫn không hài lòng thực khách, Âu Lạc chưa hề phục vụ nhà hàng ăn uống mà chỉ là công ty sản xuất đồ chay, thế mà chưa nghe tiếng than phiền của thực khách suốt ba ngày đại Lễ. TT Thanh Phong và anh Nghĩa, giám đốc Âu Lạc thường xuyên bám sát trai đường trong giờ ăn cũng như lúc sắp đặt chưng dọn. Phải nói rằng, sự thành công cho những ngày tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình như thế nầy, Âu Lạc và TT Thanh Phong đã chiếm phân nửa. Giả dụ không có Âu Lạc, hoặc ăn uống do người ngoài đăng cai, chắc chắn không thể làm hài lòng thực khách.
Đại Hội Phật Giáo kỳ 6 vừa rồi, nhà thầu đã cho Đại biểu ăn củ cải trắng hầm đi nấu lại nhiều lần đến độ rục rã, và những thức ăn mang tính nội trợ của gia đình hơn là đám tiệc.Có lẽ các nhà thầu nấu ăn Hà Nội chưa quen nấu chay.Một số sư Tăng miền Bắc vẫn quen ăn mặn (mạng).
Chẳng những về khâu thực dưỡng tài trợ chu đáo, ngay cả hàng ngàn tấm bích chương treo khắp phố đều đứng tên Âu Lạc cúng dường.
4/ Trong các gian hàng Hội chợ, phần lớn là trung bày pháp khí, băng đĩa, kinh sách nhà Phật. Nhất là gian hàng của chùa Quang Ân theo dòng phái Mật Tây Tạng, trình chiếu bài giảng của các guru, các thánh sư, thượng sư; kèn, tù và, linh khí, mật ngữ, linh, lọng…đa dạng. Gian hàng trưng bày sản phẩm của sắc tộc Tây nguyên kế gian hàng Làng Mai. Đối diện là gian hàng chùa Hoằng Pháp mà mấy chú và quý Phật tử Hà Nội đã đến trang hoàng trước mấy hôm, phải mang cơm, bới nước vào dùng và phải về nhà Phật tử trú đêm.họ pháp thí kinh sách băng đĩa rất nhiều, Hoằng Pháp cũng cúng dường cặp đèn trái cầu rất to đứng trước sảnh đường. Gian hàng Phật Quang cũng trình diện bày bán băng đĩa giảng của Núi Dinh. Gian hàng người Đài Loan để hai hình mẫu mặc sắc phục tăng sĩ khá linh hoạt. họ bày bán áo tràng, và những trang phục của chư tăng; cũng có gian hàng bày kệ thờ, liễn đối.Gian trà (chè), càphê và các thức uống không có gì đặc biệt cũng đầy khách.
Âu lạc, chiếm trên 20 gian hàng bày đủ loại thực phẩm chay tinh khiết, là một đơn vị trong hàng trăm đơn vị đăng ký trưng bày, chưa có đơn vị nào được 4 gian, thế mà Âu Lạc đã chứng tỏ khả năng trình hiện trước thực khách chay ( trai ) lạc , và số thu nhập cũng rất khả quan. Vợ chồng giám đốc Âu Lạc còn rất trẻ, đều giữ trường trai, nhân viên khu sản xuất đồ chay tại quận 12 TP HCM cũng trai trường, không hút thuốc uống rượu, rất có nề nếp.giờ làm việc hoàn toàn im lặng và biết tôn kính lẫn nhau.
5/ Thật tội cho các cảnh sát và an ninh nằm vòng ngoài phải chịu cái nắng và nóng khó chịu của mùa hè miền Bắc, nhưng họ nghiêm túc trong phong cách và lịch sự với các khách tham quan. Cách vài chục mét là có một cảnh sát sắc phục cũng như các bảo vệ viên tình nguyện không hề rời vị trí. An ninh vòng trong lạnh lùng bao nhiêu thì nhân viên công an bên ngoài từ tốn bấy nhiêu.
Ngày đầu khai mạc, các Đại biểu có thẻ vào, chuẩn bị đón chủ Tịch nước và quan chức Trung ương, an ninh đóng các cửa, chỉ chừa một lối chính, thế là vô số ba con ùn vào chen lấn, an ninh cảnh sát vất vả ngăn chận, thầy Nhật Từ cầm loa kêu gọi, lúc sau đó họ tản mát, thế mà không ai than phiền qua thái độ và việc làm của an ninh cảnh sát lúc ấy.
Cuối cùng cuộc lễ, không hề có sự cố đáng tiếc về trật tự, an ninh cũng như y tế và thực phẩm, không hề mất mát cá nhân hay hư hao vật công cộng.
6/ Phía hông trái của TT Hội Nghi, từ ngoài nhìn vào, hình tượng đức Phật sơ sinh, xuất gia chuyển Pháp và nhập Niết Bàn đặt trên thảm cỏ rất đẹp, màu sắc hài hoà với không gian. Phía trước mặt là lá cờ Phật giáo khoản 20 mét được nâng lên không trung bởi những quả bóng xanh.
Một bức tượng đức Bổn sư đặt bên ngoài hướng vào đại sảnh, ngồi giữa hai rừng cờ. Nơi đây diễn ra văn nghệ cho quần chúng Phật tử không vào được bên trong khán phòng.

Về mặt hình thức thì như thế. Nội dung cũng có một vài vấn đề tuy không quan trọng, nhưng cũng làm cho vài người nhạy bén suy nghĩ, có sự sắp đặt chứ không thể vô tình, ví dụ, đọc Thông Điệp đức Pháp chủ tại sao không là phó Pháp chủ mà là phó chủ tịch HĐTS TW, HT Thanh Tứ???Diễn văn chào mừng trong lễ khai mạc là Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết, kết thúc sao không là Thủ tướng mà là phó Thủ Tướng Phạm gia Khiêm? Bảo Phó thủ Tướng là trưởng BTC, có thể phó BTC đọc thế!
Kết thúc Đại Lễ, Ban Hợp xướng trình diễn ở mức độ mà trình độ thính chúng thật cao mới thẩm thấu được nghệ thuật hợp tấu như thế, nhưng dẫu sao, các đại biểu nước ngoài họ có thể cảm nhận được cho dù không hiểu tiếng Việt.
Nội dung Đại Lễ đã minh chứng một tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trước yêu cầu quốc tế và vấn nạn của nhân loại. Qua 7 tiết mục cho 7 nhóm hội thảo đã đặt Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng trước những bức bách thiên tai và bạo động, chiến tranh cũng như kiến thức khoa học hiện đại, vì thế PGVN phải thoát xác u trệ để cùng đất nước vươn lên phục vụ cho dân tộc và cộng đồng thế giới.

NHà nước Việt Nam tuy quá quen tổ chức và tổ chức những hội nghị quốc tế một cách trơn tru, nhưng lần nầy, không chỉ mang tầm quốc tế, còn liên quan đến sinh hoạt tôn giáo và đoàn thể tôn giáo, an ninh qua nhiều lần tổ chức quốc tế, nhưng chưa bao giờ phải chứng kiến và chấp nhận cảnh ăn vật nằm vạ của các già những tỉnh phía Bắc vào không có thẻ nhập hội trường, tụm năm tụm ba, mang theo lương thực bày ăn uống công khai trên các bãi cỏ, cứ như công viên hoặc chốn chùa chiền. Có những đạo tràng trang phục đồng loạt, chứng tỏ có tổ chức, thế mà vẫn lê lếch ngoài hội trường như tham dự cuộc picnic dã ngoại. Chính việc trở ngại từ khâu phát thẻ như thế, nên việc phối hợp chưa đều tay. Giao cho các sư miền Bắc chưa kinh nghiệm, thiếu trình độ đã tạo một vết đen nhỏ trong toàn cảnh của Đại lễ.

Thêm một sơ suất nhỏ của các sư Việt Nam, ngoại trừ thầy Nhật Từ, khi lên đọc diễn văn, quên xá Phật. Các sư nước ngoài, kể cả giáo sư cư sĩ đều quay vào xá Phật trước. Ông Frans Goetghebeur tuy không chấp tay, nhưng cũng nghiêng mình gật đầu trước Thánh tượng lúc bắt đầu phát biểu.

Chùa Quán sứ và các ngã đường thành phố không hề thấy bóng dáng giáo kỳ, đây là chuyện lạ so với người dân từ Quảng Trị trở vào Nam. Bich chương tuy nhiều, nhưng mấy ai để ý, nếu cờ ngũ sắc tung bay khắp phố phường như Huế thì chắc chắn tinh thần Đại Lễ sẽ khác hơn!

Các thành viên IOC, các tình nguyện viên, các nhân viên an ninh, cảnh sát, hậu cần, hội chợ…đều tỏ ra mệt mỏi và hình như chưa có cuộc hội nghị Quốc tế nào mà các nhân viên mệt mỏi như thế. Thầy Lê Mạnh Thát không dấu được nét sa sút khi lên đọc diễn văn. Nói chung, các vị không chứng tỏ được khí thế trước ống kính truyền hình.
Đổi lại sự lao nhọc hao tâm tổn trí đó là một thanh công cho đại hội, sự hoan hỷ của những người con Phật và sự vẹn toàn cho một uy tín đã đăng cai.

Những ngọn nến thắp sáng về đêm tại Mỹ Đình để cầu Hoà Bình cho nhân loại, kết thúc Đại lễ, cũng là thắp sáng thành công của Đại lễ, thắp sáng niềm tin cho Phật giáo Việt Nam. Đem lại hân hoan cho quần chúng hiện diện, một sinh khí linh hoạt, đẹp, giữa màn đêm, biểu hiện nét văn hoá PGVN đang lung linh giữa bầu trời nhân loại.Màn đêm nhận chìm bao khiếm khuyết và ánh sáng đã rọi soi những khuôn mặt vui tươi, mãn nguyện, hy vọng.

Vesak 2008 đã kết thúc giữa hân hoan và mệt mỏi, giữa thành công và vài vết đen không đáng có. Dẫu sao uy tín của Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam đã được Hội Đồng Giáo Hoàng toà thánh Vatican, Hồng Y Giovanni Lajolo, cộng đồng Vatican, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi Thông Điệp chúc mừng và chia xẻ. Hơn 70 quốc gia tham dự và trên 20 bản tham luận, thông điệp hưởng ứng.




MINH MẪN
16/5/08

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét