Matthieu Ricard là cánh tay phải của Đạt Lai Lạt Ma (Ảnh: Daily Mail)
Lớn lên ở Paris, Matthieu Ricard, 69 tuổi, là tác giả những cuốn sách bán chạy nhất như The Art of Meditation và Happiness: A Guide to Developing Life’s Most Important Skill. Trong đó, Mathieu cho rằng khái niệm hạnh phúc của chúng ta sai. Hạnh phúc không phải là một vầng hào quang tỏa ra bên ngoài, mà là một cảm xúc sâu sắc từ bên trong một tâm hồn khỏe mạnh.
“Ngồi thiền không chỉ là một phương pháp thư giãn, mà là một sự nuôi dưỡng trong dài hạn những phẩm chất của con người”, Mathieu nói. Hiện sống lánh mình ở Himalaya, Matthieu từng là một nhà khoa học về gen nổi tiếng và con trai của một triết gia tên tuổi người Pháp. Giờ thì ông là một thầy tu Tây Tạng rất hay có mặt ở những sự kiện như Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos để giúp các nhà lãnh đạo tài chính lấy lại cân bằng trong cuộc sống bằng cách ngồi thiền vào buổi sáng sớm.
Theo Matthieu Ricard, hạnh phúc không phải là một vầng hào quang tỏa ra bên ngoài, mà là một cảm xúc sâu sắc từ bên trong một tâm hồn khỏe mạnh (Ảnh: Daily Mail)
“Cuối cùng, vấn đề đơn giản là sự vị kỷ hay vị tha”, ông nói về cuốn sách. “Nếu một con tê giác chạy vào phòng lúc này, các bạn sẽ chạy đi ngay. Nhưng nếu tôi nói một con tê giác có thể chạy vào đây trong 30 năm tới, sẽ chẳng ai làm gì”.
Mathieu hiện đang ở Manhattan, New York, nơi ông có cuộc gặp kéo dài một tuần với nhà từ thiện Andrea Soros Colombel, con gái của tỉ phú George Soros, người đã tích cực hoạt động bảo tồn văn hóa Tây Tạng trong hơn 20 năm qua. Ông cũng đã có nhiều bài nói chuyện với các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp lớn bao gồm Google, và nhiều người nổi tiếng như Richard Gere và Arianna Huffington.
“Chỉ là làm tạm thôi”, ông nói. “Nếu là công việc toàn thời gian thì tôi đã bỏ rồi”. Công việc toàn thời gian của Mathieu là ở Tu viện Shechen Tennyi Dargyeling ở Nepal, nơi ông thức dậy lúc 4 giờ sáng và ngồi thiền cho tới trưa. “Tôi cầm một ly trà ra ban-công, ngắm nhìn những chú chim và những dãy núi”, ông nói. Ông ăn trưa và vào buổi chiều thì học tiếng Tạng, cũng như viết sách. Sau đó ông lại ngồi thiền cho tới khi mặt trời lặn, và đi ngủ sớm.
(Ảnh: Daily Mail)
Mathieu nói ông không được hướng dẫn gì về tôn giáo cho tới năm 14 tuổi, khi mẹ ông bắt đầu cho ông làm quen với Thiên Chúa giáo. “Lúc bấy giờ tôi không biết gì nhiều về Phật giáo vì không có nhiều bản dịch tốt”, ông nhớ lại. Chính vì lẽ đó giờ ông có thể đọc viết thông thạo tiếng Pháp, Anh và Tây Tạng.
“Tôi đã học cả tiếng Hy Lạp, Latin và tiếng Đức, nhưng rồi quên. Tôi cũng từng nói tốt tiếng Tây Ban Nha khi còn nhỏ, nhưng cũng quên rồi”, ông nói. “Tôi in sách ở Delhi, nên tôi biết mọi thuật ngữ tiếng Hindu trong ngành in, nhưng không thể nói được”. Ông còn là một nhiệp ảnh gia nghiệp dư rất được mến mộ.
"Ngồi thiền không chỉ là một phương pháp thư giãn, mà là một sự nuôi dưỡng trong dài hạn những phẩm chất của con người”, Mathieu nói (Ảnh: Daily Mail)
Năm Mathieu 18 tuổi, bố mẹ ông ly thân (cha ông bỏ mẹ để sống với nhà báo Claude Sarraute), và Mathieu theo học ngành sinh học phân tử. Sau khi ra trường, ông vẫn không thấy hài lòng và được gợi cảm hứng từ những bộ phim về các tăng lữ Tây Tạng do bạn ông Arnaud Desjardins làm đạo diễn, Matthieu đã tới Ấn Độ năm 1972, khi ông 26 tuổi. Ở Darjeeling, ông theo học Kangyur Rinpoche, một Lạt Ma người Tây Tạng.
Ông ở lại Darjeeling 7 năm, bao gồm 4 năm liền không rời khỏi căn lều nhỏ nhìn ra núi của mình, ở đó không có cả điện lẫn nước. “Đó là giai đoạn thanh bình và đáng sống nhất cuộc đời tôi; tôi thấy hoàn toàn mãn nguyện”, ông thở dài.
Cha ông đã không ngăn cản ông, trong khi mẹ ông còn theo luôn tôn giáo của con. Nhưng Matthieu vẫn tự coi ông giống với một nhà khoa học hơn là một triết gia hay lãnh đạo tôn giáo.
Nhà thần kinh học Richard Davidson ở Đại học Wisconsin-Madison đã tiến hành các thí nghiệm với những người ngồi thiền dày dạn kinh nghiệm, mỗi người có hơn 50.000 giờ ngồi thiền và xác nhận não của họ đã tạo ra một tình trạng “yêu thương, sự tử tế và cảm thông vô điều kiện”. Các phương pháp do Mathieu hướng dẫn cũng là hiệu quả nhất, theo nghiên cứu.
Mathieu tin rằng hạnh phúc là điều chúng ta có thể đạt tới bằng cách rèn luyện cho tâm trí. “Không phải ai cũng chơi piano như Rachmaninoff, nhưng nếu bạn tập 3 năm liền mỗi ngày nửa tiếng, bạn cũng có thể chơi piano”, ông so sánh. “Bạn có thể không thể bằng Federer trong quần vợt, nhưng nếu bạn tập, bạn cũn sẽ thấy thích chơi tennis. Sự hạnh phúc cũng như thế. Nếu bạn có thể thích chơi cờ vua hay nghe nhạc, thì tại sao bạn lại không thể thấy thích thú với sự vị tha và cảm thông, những điều mang lại hạnh phúc?”
Minh Hải (Theo Daily Mail)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét