Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

BẢY TÂM NIỆM BUÔNG BỎ NỖI ĐAU


~ Thích Nhật Từ

1. PHIỀN NÃO PHÁT XUẤT TỪ TÂM: 
“Nếu bạn không muốn rước phiền não vào mình thì người khác dù cố tình cũng không cách nào gây phiền não cho bạn. Tâm bạn không buông nổi, do đó, phiền não tự ập đến”. Đức Phật khuyên chúng ta hãy “quán tâm mình như dòng nước chảy” để không bị vướng phiền não, để không giữ các bất hạnh trong tâm. Thói quen đó sẽ giúp chúng ta dễ dàng rũ bỏ các bất hạnh.

2. KHÔNG CƯỜNG ĐIỆU KHỔ ĐAU: 
“Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên ta phải trân quý ngày đó”. Do vậy, khi nỗi đau có mặt, chúng ta phải phân tích, tìm ra nguyên nhân để có được giải pháp. Hãy tự giải quyết vấn nạn đó bằng sự sáng suốt của bản thân.

3. KHÔNG ĐỐI CHỌI VỚI HẬN THÙ:
“Không cần quay đầu lại để xem người nguyền rủa bạn là ai. Giả sử, bạn bị một con chó điên cắn một phát, chả lẽ bạn lại chạy đến cắn con chó một phát cho công bằng”. Ứng xử công bằng trong giang hồ là một công bằng tàn nhẫn, không đem lại hòa bình, không hạnh phúc và chẳng an vui. Do vậy, trong cuộc sống, ta cố gắng có thêm nhiều người bạn tốt, bớt kẻ thù vì “từ bi diệt hận thù là định luật muôn đời”.

4. KHÔNG PHỦ SẠCH TÌNH THÂN VÀ THÂM ÂN:
“Đừng vì một chút tranh chấp mà xa lìa tình bạn chí thân đã có. Cũng đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác đã trao tặng cho mình”. Đức Phật dạy: “không ai có thể tồn tại một mình trong xã hội, mà luôn tương tác với nhau, từ đó, mới trở thành một tổng thể mạnh mẽ và thành công hơn”. 

5. MỞ LÒNG LƯỢNG THỨ KHOAN DUNG: 
“Hãy luôn mở lòng lượng thứ cho người khác cho dù họ xấu bao nhiêu, làm tổn thương bạn thế nào. Bạn hãy thực tập buông bỏ để có được niềm vui đích thực trong tâm”. Con người không phải kẻ thù của con người; tâm tham lam, giận dữ, si mê và chấp thủ mới là kẻ thù của nhân loại. Đức Phật dạy chúng ta thực tập quán vô ngã để không quan trọng hóa và cường điệu hóa khổ đau, để bất hạnh đang có mặt sớm kết thúc, lòng khoan dung, lượng thứ dễ dàng được thực hiện.

6. VUI VÀ KHỔ ĐỀU KHÔNG VĨNH HẰNG: 
“Khi bạn vui, hãy nghĩ rằng niềm vui này là không vĩnh cửu. Khi bạn khổ đau, cũng nên nghĩ rằng nỗi khổ, niềm đau này cũng không trường tồn”. Không ai có thể thoát khỏi quy luật ba chiều của thời gian. Hạnh phúc thường dẫn đến sự tham ái và chấp trước. Bản chất của hạnh phúc đã tiềm ẩn nỗi khổ, niềm đau một cách sâu kín. Các bất hạnh càng giữ lâu chừng nào thì khổ đau kéo dài chừng ấy. Hãy để khổ đau của ngày hôm qua khép lại như một chương của quá khứ, không nên liên tưởng đến và ký ức về để ta có được hạnh phúc và bình an. Đức Phật dạy chúng ta “hãy an trú trong phút giây hiện tại, làm chủ các giác quan đừng để dẫn đến tham ái, sân hận, si mê”.

7. BUÔNG BỎ MỌI CỐ CHẤP: 
“Thế giới vốn không thuộc về bạn, vì thế, bạn không cần phải vứt bỏ. Vạn vật đều không cung ứng cho ta và không thuộc về ta”. Người tu học Phật cần nỗ lực buông bỏ những cố chấp về những thứ sai lầm (như mê tín) để trở thành con người tự do và giải phóng đích thực. Phải có cái tâm rộng mở và sáng suốt để học hỏi và so sánh một cách khách quan. Từ đó, ta mới mở cửa tri thức với thế giới xung quanh và ngày càng tiến bộ, hạnh phúc và bình an.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét