Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

THĂM LẠI BẢN CHẤT CON NGƯỜI

NGHỆ THUẬT HẠNH PHÚC TRONG THẾ GIỚI PHIỀN NÃO:
THĂM LẠI BẢN CHẤT CON NGƯỜI

The Art of Happiness in a Troubled World

PHẦN HAI
BẠO ĐỘNG CHỐNG VỚI ĐỐI THOẠI
Chương 6
THĂM LẠI BẢN CHẤT CON NGƯỜI
Vào buổi sáng ngày 11 tháng Chín năm 2001, những sự kiện hiện ra đã thay đổi thế giới.  Khi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới sụp đổ ở New York, Đức Đạt Lai Lạt Ma ngũ yên bình trong phòng ngũ bình dị của ngài trên ngọn đồi của núi non vùng Bắc Ấn.  Buổi sáng ấy, ngài đã dậy vào giờ giấc thường lệ của ngài lúc 3:30 sáng, nhẹ nhàng rũ bỏ giấc ngủ trong tâm tư của ngài, và lúc 4 giờ sáng bắt đầu nghi thức hàng ngày như một thầy tu Phật Giáo, với bốn giờ liền cho cầu nguyện và thiền quán.  Vì vậy khi lời kêu gọi oang oang cho một cuộc chiến tranh mới đang vang động ở Hoa Kỳ, thì Đức Đạt Lai Lạt Ma đang thiền tọa sâu lắng, âm thinh duy nhất là tiếng lộp độp của cơn mưa mùa nhẹ nhàng rơi trên mái thiếc trong khu tịnh thất của ngài, trong khi bên ngoài một không khí hòa bình và tĩnh lặng bao phủ khắp ngôi làng miền núi xa xôi này, vẫn trùm trong bóng đêm của thời khắc ấy.
Không lâu sau ngày 11/9, tôi đã trở lại Dharmasala để tái tục những thảo luận của chúng tôi.  Gần một năm từ khi chúng tôi gặp gở nhau trong phòng này, và dường như không có gì thay đổi trong thời gian qua.  Trong thực tế, không có gì dường như thay đổi trong hai thập niên qua mà tôi đã và đang viếng ở đấy:  nó có cùng cảm giác rộng rãi và hòa bình, cùng phẩm chất của cởi mở được tạo nên bởi những cánh cửa sổ rộng lớn, một phía đối diện những ngọn núi phủ tuyết, phía kia giáp mặt Thung Lũng Kanga sum suê mở rộng phía xa bên dưới.  Cùng những bức tranh Thangka, những cuốn thư họa Phật Giáo về bồ tát Tara, trong khung thêu kim tuyến, treo trên những bức tường màu vàng vây quanh.  Cùng bức bản đồ Tây Tạng từ sàn lên tới trần nhà bao phủ trên tường, và cùng điện Phật trang hoàng với những biểu tượng, Phật tượng, bát cúng đẹp đẻ, và đèn bơ, duy trì nơi đây luôn luôn là như thế.  Ngay cả chiếc ghế bọc nhung giản dị của Đức Đạt Lai Lạt Ma và chiếc ghế dài đối xứng mà tôi ngồi trên đấy, cả hai được bố trí chung quanh một chiếc bàn cà phê dài, rộng sơn đỏ, hiện hữu cũng giống như bấy lâu nay.
Không, không có thay đổi gì nhiều ở đây, tôi nghĩ, khi tôi nhìn chung quanh căn phòng.  Trong thực tế, khi những thập niên trôi qua, như mà tôi có thể nói, những thay đổi duy nhất có thể thấy đã xảy ra trong phòng kế bên, phòng dành riêng cho những vị khách chờ đợi để diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma – khi năm tháng trôi qua, những bức tường đã được phủ đầy ngày càng nhiều với những phần thưởng, bằng đại học danh dự, bằng danh dự, huy chương và thẻ bài.
Nhưng thế giới bên ngoài đã thay đổi.  Những tháng từ cuộc gặp gở sau cùng của tôi với Đức Đạt Lai Lạt Ma, cuộc tấn công khủng bố 11 tháng Chín đã xảy ra – và một lần nữa những sự kiện thế giới đã nhắc nhở chúng ta về những thứ ác độc dữ đội và kinh khủng mà con người có thể thực hiện thứ này đến thứ khác cho nhau.
Chúng tôi bắt tay vào buổi sáng ấy trong một khảo sát về phía đen tối của thái độ con người, những hành vi bạo động, sự thù hận, sự tàn bạo mà con người có thể giáng xuống cho nhau.  Trong loạt thảo luận sau cùng, chúng tôi đã khảo sát về nguồn gốc của cung cách suy nghĩ nhị nguyên Chúng Ta chống lại Họ mà có thể đem đến việc phát sinh thành kiến và xung đột.  Bây  giờ chúng tôi trở lại sự chú ý của chúng tôi về những nguyên nhân của bạo động.  Trong cố gắng để truy tìm nguyên nhân của những hành động xấu ác này đến cội nguồn của chúng, chúng tôi đã bắt đầu với câu hỏi nền tảng:  Có phải bạo động và kích động chỉ là một bộ phận tự nhiên cơ bản của con người hay không?
Có Phải Căn Bản Tự Nhiên của Chúng Ta là Bạo Động hay không?
“Buổi sáng ấy,”  Đức Đạt Lai Lạt Ma thuật lại chi tiết, nói về sự kiện 11 tháng Chín, “sau buổi thiền quán của tôi, người thị giả, Lobsang Gawa, đến phòng và báo cho tôi biết rằng Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York đã bị tấn công.  Ông nói với tôi rằng tòa nhà đã hoàn toàn bị sụp đổ!”
“Phản ứng đầu tiên của ngài là gì?”  tôi hỏi.
“Không tin.  Tôi đã nghĩ như thế.  Điều này không thể là sự thật!  Tôi nghĩ ai đấy đang kể cho tôi một câu chuyện.  Vì thế, tôi mở đài truyền thanh BBC và nghe khi họ thông tin về điều này.   Rồi tôi mở sang đài truyền hình BBC và xem những máy bay đâm vào tòa nhà và tòa nhà sụp đổ trong lửa.  Sau đó tôi biết đấy là sự thật.  Tôi đã thấy người ta cố gắng tuyệt  vọng để tránh bị thiêu sống, nhảy từ cửa sổ.  Thật là đau buồn! Một sự tàn phá kinh khiếp như vậy!  Thật là không thể nghĩ nổi.  Không thể nghĩ nổi.”
“Thế thì phản ứng thứ đến của ngài là gì, sau khi ngài vượt qua khỏi sự không tin của ngài?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu một cách buồn bả.  “Nó tạo nên một sự nhắc nhở đầy uy lực về khả năng tàn phá của con người.  Một sự thù hận kinh khủng như thế!  Gần như vượt khỏi sự tướng tượng của con người.  Sau đó tôi cầu nguyện cho tất cả những nạn nhân vô tội và gia đình của họ.”
Nghĩ lại phản ứng của Hoa Kỳ đến cuộc tấn công ngày ấy – một sự giận dữ, một quyết định nhanh chóng, năng động để đem thủ phạm ra công lý – tôi hỏi, “A! Khi người ta lưu tâm đến những khổ đau mà những kẻ khủng bố đó và những người như bin Laden đã đem đến cho hàng nghìn người vô tội, rằng con người có thể làm điều này đến những người khác, đôi khi nó có xói mòn niềm tin căn bản của ngài về tính tốt đẹp của con người, về bản chất tự nhiên của nhân loại không?
“Không,”  Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lại, không mất một giây nào, “hoàn toàn  không.  Bởi vì mặc dù những hành vi kinh khiếp như vậy được thực hiện bởi một nhúm người, tôi vẫn tin tưởng vững chắc trên căn bản thánh thiện của con người, và ở cấp độ nền tảng, bản chất tự  nhiên của chúng ta là tế nhị và không bạo động.”
Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nói về bản chất tự nhiên của con người.  Tôi nghĩ lại ngay lần đầu tiên mà chúng tôi đã thảo luận về chủ đề này, hơn một thập niên trước đây[1].  Tôi nhớ lại cái nhìn trực tiếp, sắc sảo và giọng nói nhất quán rõ rệt khi ngài nói, “Niềm tin vững chắc của tôi là bản chất tự nhiên của con người là yêu thương, tế nhị một cách thực chất.  Đấy là đặc trưng ưu thế của bản chất con người.”  Quan điểm của ngài về đề tài này rõ ràng không thay đổi.
Mặc dù tôi dã cảnh giác trước về quan điểm lạc quan một cách căn bản của Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất của con người, tôi vẫn hơi ngạc nhiên bởi âm điệu kiên định của một niềm tin vững chắc khi ngài nói về những sự kiện 11 tháng Chín, vẫn còn quá mới mẽ, đã không khuấy động lòng tin của ngài trong nền tảng thánh thiện của con người.  Ngay cả đối diện một cách trực tiếp với vụ giết hại tàn bạo và vô cảm hàng nghìn người vô tội đã không làm cho ngài dừng lại chút nào dù trong khoảnh khắc, và trong sự thực niềm tin của ngài dường như mạnh mẽ hơn bao giờ hết.  Muốn thấu hiểu sức mạnh tự tin của ngài đến từ chốn nào, tôi hỏi, “A, khi chúng ta thấy những sự tàn bạo kinh khủng mà người ta thực hiện cho nhau, tại sao điều ấy không có bất cứ tác động nào trong niềm tin của ngài về nền tảng thánh thiện của bản chất loài người, của con người, mà điều ấy ngay cả bao gồm những thủ phạm hung ác như vụ 11 tháng Chín?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ trong giây lát.  “Có lẽ, một điều là tôi nhìn những sự kiện từ một viễn tượng rộng lớn hơn.  Khi những thứ như vậy xảy ra, chúng ta thường có khuynh hướng tìm kiếm một người hay một nhóm người để quy tội.  Nhưng tôi nghĩ thật là sai lầm nếu chỉ nhìn vào một cá nhân hay một nhóm người và cô lập  họ như một nguyên nhân duy nhất.  Nếu ông tiếp nhận một quan điểm rộng rãi hơn, ông sẽ thấy rằng có thể có nhiều nguyên nhân của bạo động.  Và có thể có nhiều nhân tố góp phần cho những sự kiện như thế.  Rất nhiều nhân tố.  Trong trường hợp này, thí dụ, tôi nghĩ niềm tin tôn giáo cũng liên hệ.
“Vì vậy, nếu ông phản chiếu trên sự kiện này một cách sâu sắc hơn, “ngài giải thích, “ông sẽ nhận ra rằng có nhiều nhân tố góp phần cho thảm kịch đó.  Đối với tôi, điều này củng cố một sự kiện căn bản:  Nó cho tôi thấy rằng kỷ thuật hiện đại phối hợp với sự thông minh của con người và được hướng dẫn bởi những cảm xúc tiêu cực – đây là những thảm họa không thể nghĩ đến như vậy đã xảy ra như thế nào.”
“Ngài có thể nói thêm chi tiết về những gì ngài muốn nói qua điều ấy không?”
Ngài trả lời, “Ông thấy rằng những kẻ khủng bố này phải có một sự quyết tâm gần như không thể tưởng tượng được để hy sinh mạng sống của họ để thực hiện một hành vi như vậy.  Điều đó không thể xảy ra mà không có những cảm xúc mạnh mẽ, những cảm xúc tiêu cực.  Điều ấy cung ứng động cơ.  Nhưng rồi thì chỉ động cơ mà thôi, cảm xúc tiêu cực bởi chính họ mà thôi, không thể phát sinh ra những sự kiện như vậy.  Nếu ông nghĩ về nó, ông nhận ra rằng nhiều dự tính phải được hoàn tất cho vụ tấn công này, hàng tháng nếu không phải là hàng năm của những chương trình tỉ mỉ.  Thí dụ, nó được tính toán vì thế những chiếc máy bay chứa đầy nhiên liệu.  Những chương trình chính xác này đòi hỏi việc sử dụng trí thông minh của con người.  Và rồi họ cần những phương tiện đề hoàn thành một hành động như vậy.  Trong trường hợp này, máy bay được sử dụng, một kết quả của kỷ thuật hiện đại.  Đấy, điều này là những gì tôi muốn nói.
“Ông biết không, ” ngài tiếp tục, với một tiếng thở dài, “trong thực tế, thật nhiều nhân tố góp phần cho những hành động kinh khiếp như vậy.  Thí dụ, những cá nhân này bị thúc đẩy bởi thù hận.  Trong thực tế, khi tôi lần đầu tiên thấy những tòa nhà sụp đổ vào ngày 11 tháng Chín, tôi đã nghĩ, Thù Hận – đó là thủ phạm chính!”
“Thưa Đức Thánh Thiện, tôi có thể hiểu quan điểm của ngài về vấn đề có thể có tất cả những nhân tố này góp phần cho những hành vi kinh khiếp ấy như thế nào.  Nhưng sự kiện là một cách căn bản nó đi đến khiến một cá nhân hay một nhóm người hạ thủ những hành vi bạo động và khổ đau trên những người khác.  Vậy thì ngài không nghĩ là có thể rằng, nếu đặt qua một bên tất cả những nhân tố phức tạp và nguyên nhân này mà ngài đã đề cập, thì một số người nào đấy đúng thật sự là xấu xa, rằng bản chất của họ là độc ác hay không?”
Lắc đầu, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, “Khái niệm xấu ác, ngay cả chữ ‘xấu ác’, có thể là có vấn đề.  Như chúng ta đã thảo luận trước đây, dường như ở phương Tây, đôi khi có một khuynh hướng để thấy mọi thứ trong những dạng thức tuyệt đối, để thấy những thứ như trắng hay đen, tất cả hay không có gì.  Trên tất cả những thứ ấy, đưới ảnh hưởng của những thể trạng tinh thần như sân hận, khuynh hướng này thậm chí trở nên mạnh mẽ  hơn.  Một loại bóp méo tư duy của người ta, nhận thức của con người, chiếm lĩnh vị trí.  Do thế, như tôi đã đề cập, khi chúng ta nghĩ về những sự kiện như vậy, chúng ta lập tức tìm một mục tiêu, kiếm một cá nhân hay một nhóm người để quy trách nhiệm, điều gì đấy cụ thể mà chúng ta có thể hướng trực tiếp tất cả những sự sân  hận và giận dữ của chúng ta.  Và trong tình trạng ấy, chúng ta thấy mọi thứ trong dạng thức của tất cả xấu hay hoàn toàn tốt, thấy mọi người là hiền lương hay bất lương.  Thế  nên, từ nhận thức ấy, chúng ta có thể thấy một người như thuần xấu ác.
“Nhưng theo quan điểm của Đạo Phật, chúng tôi không có khái niệm xấu ác tuyệt đối, trong ý nghĩa xấu ác như điều gì đấy tồn tại một cách độc lập – điều gì đấy không được làm ra bởi những nhân tố khác, điều đó không thể bị tác động bởi những nhân tố khác, và không thể được thay đổi hay điều chỉnh bởi những điều kiện khác.  ‘Tuyệt đối’ xấu ác có một cảm nhận thường hằng.  Do vậy, chúng tôi không chấp nhận ý tưởng ‘con người xấu ác, trong ý nghĩa rằng bản chất tự nhiên của một người đặc thù nào đó là một trăm phần trăm xấu ác, và họ sẽ vẫn duy trì cung cách ấy bởi vì nó là tính chất căn bản không thay đổi của họ.
“Bây giờ, trong nhận thức của Đạo Phật chúng ta thật sự có khái niệm về một con người hành động trong một cung cách xấu ác, làm những việc xấu ác, dưới sự ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực và động cơ bất thiện, v.v… – nhưng chúng ta thấy thái độ xấu ác này sinh khởi như một kết quả của những nguyên nhân và điều kiện nào đấy.  Chúng ta cảm thấy những sự kiện như vậy có thể được giải thích mà không diện dẫn một năng lực siêu hình như xấu ác.
“Thế nên, một cách căn bản,” ngài tóm tắt, “nếu một người thực hiện một hành vi vô cùng tàn phá, chúng ta có thể nói hành vi ấy là xấu ác.  Không thắc mắc gì.  Vàchúng ta nên luôn luôn đối kháng hành vi ấy, như một hành vi xấu ác.  Chúng ta phải có một vị thế vô cùng mạnh mẽ.  Và hãy nói rằng động cơ của con người cho hành động là thù hận.  Rồi thì chúng ta có thể nói rằng cả động cơ, và hành động đưa tới là xấu ác, do bởi bản chất tàn phá của chúng.  Nhưng chúng ta vẫn không thể xem cá nhân ấy như ‘một con người xấu ác’, một sự xấu ác bản chất và thường hằng, bởi vì luôn luôn có tiềm lực hay khả năng mà một loạt những điều kiện  mới sẽ hình thành hiển hiện và chính cùng con người ấy có thể không còn dấn thân trong thái độ xấu ác nữa.”
“A, tôi có thể hiểu những gì ngài đang nói,” tôi nói, “nhưng nếu ngài nhìn vào hành vi ấy như sinh khởi từ những nguyên nhân và điều kiện đa dạng, và nhìn thủ phạm như chỉ ở dưới sự khống chế của tất cả những nhân tố khác này, và rằng những nhân tố này là những gì thật sự làm nên thái độ, không có một  hiểm họa của việc dường như để tha thứ hay bào chửa cho thái độ của con người, giống như nó không phải là lỗi lầm của họ chứ? Dường như rằng ngài càng nhìn vào những nguyên nhân và điều kiện đa dạng đưa đến hành động, ngài dường như càng để những thủ phạm ra khỏi lưỡi hái [trách nhiệm].
“Này nhé,” ngài nói, “nói rằng không có ai xấu ác bản chất, sự xấu ác là một tình trạng tương đối tùy thuộc trên những nhân tố khác, nhưng không cho ai đấy một sự tha thứ để thực hiện những hành vi xấu ác ấy.  Chỉ bởi vì ông cho phép cho khả năng của những động cơ và thái độ của người ta có cơ hội thay đổi trong tương lai, điều này không có nghĩa là ông thế nào đấy tha thứ hay bỏ qua hành vi ấy, hay rằng ông không bắt họ chịu trách nhiệm giống như họ không có làm gì với điều ấy.”
“À,” tôi cướp lời, “bất chấp hoặc là những hành vi kinh khiếp này của bạo động là kết quả của những nguyên nhân và điều kiện có thể nhận ra, hay họ đã bị quy cho là những người xấu ác, sự thực vẫn là con người có khả năng để thực hiện những hành vi này; chúng ta đã rình rập và giáng khổ đau xuống cho nhau suốt khắp lịch sử nhân loại.  Tôi muốn nói là ngay cả ngài đề cập rằng phản ứng thứ hai của ngài khi nghe về sự kiện 11/9, sau khi ngài nhận ra rằng nó là sự thật, là nó là một ‘sự nhắc nhở đầy năng lực về khả năng tàn phá của con người.’  Và có quá nhiều nhắc nhở… những hành vi tàn phá như sự Diệt Chủng  Người Do Thái, quá kinh khiếp  quá khó để mà tưởng tượng!  Tôi không biết, nhưng dường như rằng những sự nhắc nhở khắc nghiệt ấy về khả năng tàn phá, tiềm năng giáng xuống những sự tổn thương và làm cho những người khác khổ đau, có lẽ ít nhất làm cho người ta phải dừng lại để quán sát phía đen tối của bản chất loài người.”
Với một cái gật đầu nghiêm nghị ngài đáp lời một cách chậm rãi, “Vâng, khi chúng ta đối diện với những những nổi kinh hoàng như sự Diệt Chủng Người Do Thái, nó có thể làm giao động niềm tin của chúng ta đối với chính loài người.  Ông biết không, tôi sẽ không bao giờ quên lần viếng thăm đầu tiên của tôi đến Auschwitz[2].  Có vài thứ mà tôi thấy ở đấy đã gây ấn tượng cho tôi rất mạnh, và một trong những thứ ấy là một sự thu góp khổng lồ về giày.  Giày của những nạn nhân.  Và điều đã làm cho tôi chú ý với một sự khiếp đảm hoàn toàn và đau buồn sâu sắc khi tôi thấy nhiều đôi giày nhỏ bé, những đôi giày của con nít!  Tôi cảm nhận một cách mạnh mẽ về những thiếu niên vô tội này.  Chúng thậm chí không biết những gì đang xảy ra.  Tôi thật sự cảm thấy, “Ai có thể làm một việc kinh khủng như vậy?”  Và tôi đã cầu nguyện ở đấy.”
Những từ  ngữ sau cùng này được nói một cách mềm dịu, và những lời của ngài đi vào im lặng, nhưng lời tuyên bố u buồn của ngài làm tôi phải chờ đợi một lúc trước khi tiếp tục.  Đức Đạt Lai Lạt Ma không tin tường khái niệm tuyệt đối xấu ác.  Ngài dường như không có sự ép buộc để cô lập Hitler và những tay chân ác độc của ông ta như nguyên nhân duy nhất của vụ Tàn Sát Người Do Thái (Holocaust), để hướng toàn lực nổi sân hận và ý thức của ngài trong việc làm tổn thương họ.  Tuy nhiên, khi nói về những trải nghiệm như cuộc viếng thăm Auschwitz, người ta có thể thấy trong âm điệu giọng  nói và thái độ của ngài bị tác động sâu sắc như thế nào và người ta không cảm thấy vắng bóng một sự tổn thương đạo đức.  Điều này không phải là vấn đề ngài quên lãng nổi kinh khiếp của những thảm họa như vậy, cũng không phải ngài không cảnh giác về những thứ xấu ác mà con người có thể thực hiện đối với nhau.  Tuy vậy, với sự tỉnh thức trọn vẹn trong khả năng của con người đối với sự xấu ác, niềm tin của ngài trong nền tảng tốt đẹp của con người vẫn không lay chuyển.
Tiếp tục cuộc đàm luận của chúng tôi, tôi nói, “Thưa Đức Thánh Thiện, tôi cho rằng vấn đề của tôi là bất cứ khi nào người ta quan tâm đến vụ Tàn Sát Người Do Thái, hay những sự kiện tương tự như vậy trên một mức độ nhỏ hơn, dường như không chỉ là một sự thừa  nhận rằng có sự xấu ác trên thế gian, nhưng dường như để thử thách quan điểm nhân ái tự nhiên của loài người.”
“Vả chăng,” ngài nói, “tôi nghĩ, sẽ là một sai lầm để nhìn vào những sự kiện như vậy và kết luận rằng những thứ này đại biểu cho bản chất tự nhiên của loài người, giống như không biết làm sao chúng ta bị bắt buộc phải hành động như thế đó.  Chúng ta phải nhớ rằng những hoàn cảnh loại này không phải là tiêu chuẩn, không đại diện cho đời sống bình thường hằng ngày của chúng ta.  Thí dụ, trong đạo đức nhà Phật, chúng tôi có một danh sách của những gì chúng tôi gọi là “các tội ác ghê gớm[3]” .  Những điều này bao gồm việc giết hại cha và mẹ của mình, tạo sự bất  hòa trong cộng đồng, v.v…  Nhưng không phải chỉ vì những thứ này hiện hữu thì có nghĩa là con người không thể tiếp nhận một lối sống đạo đức.”
“Vâng, điều ấy có thể đúng, nhưng…”
“Howard,” ngài tiếp tục, “tôi nghĩ chúng ta nên nhớ rằng những gì chúng ta đang đề xuất là một kiểu thái độ được đặt nền tảng trên nhận thức về sự tốt đẹp căn bản tự nhiên của con  người.  Và với sự tỉnh thức trọn vẹn đó, tiếp nhận cẩn trọng một lối sống để biểu lộ điều này.  Đấy là mục tiêu của chúng ta, ý định của chúng ta.  Đó là tại sao chúng ta đang cố gắng để rèn luyện, giáo hóa  nhân loại.  Chúng ta đang cố gắng để thúc đẩy ý tưởng rằng căn bản tự nhiên của con người là tích cực, nên đó là khả năng để khuyến khích ý thức cộng đồng của chúng ta, ý thức quan tâm của chúng ta.  Và đây không phải là một vấn đề tôn giáo tín ngưỡng.   Điều này cũng không chỉ đơn giản là vấn đề triết lý.  Đó là tương lai của chúng ta…”
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, có một loại từ bi vô biên trong giọng nói của ngài, giống như ngài thấy với sự trong sáng hoàn toàn và một nổi buồn mênh mông với nổi khổ đau vô hạn của con người giáng xuống cho nhau như một kết quả của vô minh – u mê về bản chất chân thật của chính chúng ta, một sự si ám che mờ cái thấy của chúng ta, chướng ngại sự thấu hiểu về bản chất thánh thiện và khả năng rộng lớn cho ân cần tử tế của chúng ta, làm cho chúng ta sống trong bóng tối và .   hãi, với nghi ngờ và thù hận với nhau.
Cùng một lúc, lòng từ bi của Đức Đạt Lai Lạt Ma dường như không bao giờ ủy mị hay triết lý.  Trong thực tế, dường như nó tương đồng với tính chất của cương quyết, một quyết tâm sâu sắc để giáo hóa con người trong khả năng tuyệt hảo nhất của ngài, để giúp con người thấy chính họ là ai và những gì họ thật sự là, để thấy họ như ngài thấy họ, như thánh thiện và tử tế từ bản chất.  Bây  giờ, một lần nữa, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi đến tóm tắt lại một số tranh luận then chốt như ngài đã làm những năm trước đây, trình bày những biện luận cẩn thận, hợp lý ủng hộ cho quan điểm của ngài về bản chất tự nhiên của con người, căn cứ không chỉ trên luận điểm Phật Tính[4] của Đạo Phật, nhưng chính yếu trên sinh học.   Đầu tiên, ngài đã chỉ đến những lợi ích của sức khỏe thân thể và cảm xúc phát xuất từ bi mẫn và ân cần cũng như nhiều ảnh hưởng tàn phá của sự thù địch và gây hấn, đem lại như chứng tim mạch – sau đó ngài trở lại với lý do và ý nghĩa thông thường, và hỏi:  “Bản chất tự nhiên” nào là thích hợp hơn cho tâm thức và thân thể của con người, để tô điểm cho cuộc sống loài người – hung bạo hay hiền lành?
Tôi chú ý rằng ngài đã thêm vào những thí dụ phức tạp hơn và đưa ra những kiến thức sâu rộng hơn từ một quan điểm khoa học hơn so với những cuộc đàm luận đầu tiên về đề tài này những năm trước, bây giờ bao gồm những tranh luận như, “Theo y khoa, một trong những nhân tố quan yếu cho việc mở rộng não bộ vật lý trải qua vài tuần ngay sau khi sinh là một sự tiếp xúc thân thể giản dị bởi bà mẹ, hay một người nuôi nấng nào đấy.”  Mặc dù bản chất hợp lý của luận điểm, nhưng cung cách của ngài vượt xa một nhà nhân chủng học phân tích hay một nhà sinh học lạnh lùng và vô cảm; trong thực tế, ngài nói với một lòng nồng nàn và quan tâm ấm áp, giống như sự sống bị đe dọa ngay tại giờ phút này.
Mặc dù quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất con người là sâu sắc và lạc quan, nhưng nó không phải là một loại lạc quan mù quáng, và vì vậy  luôn luôn như thế, ngài làm dịu quan điểm của ngài với ý nghĩa và lý trí thông thường, ngài kết luận, “Dĩ nhiên, căn bản thánh thiện của con người không loại trừ rằng sẽ có những hành vi tàn phá như chúng ta đã thấy vào ngày 9/11.  Chúng ta không tiên liệu rằng mỗi con người sẽ sống phù hợp với những nguyên tắc phản chiếu bản chất tự nhiên của loài người.   Rốt cuộc, tất cả những vị thầy tâm linh đã thất bại trong việc biến toàn bộ nhân loại thành điều gì đấy thánh thiện.  Đức Phật thất bại, Chúa Giê-su thất bại.  Nhưng sau đó sẽ đi đến nói rằng vì tất cả những bậc thầy vĩ đại của quá khứ đã thất bại, nên chúng ta cũng phải thất bại, à thế thì, tại sao phải bận lòng?  Sự tiếp cận thế đó cũng là ngớ ngẫn.  Chúng ta phải làm những gì chúng ta có thể làm.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét