Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

HỎI ĐÁP VỀ NHIỀU VẤN NẠN CỦA THỜI ĐẠI (TT)

Đức Đạt Lai Lạt Ma


VỀ PHẬT GIÁO

HỎI:
Về Phật Giáo
Chắc chắn chính kiến là sự khởi đầu của tuệ trí trên con đường tu tập? Nó không chỉ dành cho tôn giáo.

ĐÁP:
Bạn đúng trong việc nói rằng chính kiến không nhất thiết là một quan kiến đặc biệt của tôn giáo. Những gì tôi muốn nói bằng việc tuyên bố rằng hiểu sai hay quan điểm sai lầm (si mê) là một trong 10 bất thiện nghiệp từ quan điểm tôn giáo, là bởi vì trong Phật Giáo, khi 10 bất thiện nghiệp được kể đến, những việc hiểu sai hay quan điểm sai lầm liên hệ đến vấn đề không tin tưởng vào tái sanh, không tin tưởng vào việc có thể đạt đến niết bàn, v.v… Những thứ này chắc chắn là đặc thù của niềm tin Phật Giáo.

HỎI:
Về thiền tập
Làm sao thiền tập có thể giúp để đem đến sự toại nguyện?

ĐÁP:
Nói một cách tổng quát, khi chúng ta sử dụng thuật ngữ 'thiền tập' thì thật quan trọng là giữ trong tâm rằng có nhiều ý nghĩa rộng rãi. Thí dụ, thiền tập có thể là nhất tâm, quán chiếu, hấp thu, phân tích, và v.v… Một cách đặc biệt trong phạm vi của việc trau dồi toại nguyện, loại thiền tập nên được áp dụng hay dấn thân là phân tích nhiều hơn. Quý vị quán chiếu trên những hậu quả tiêu cực của một sự thiếu vắng toại nguyện và những lợi ích tích cực của toại nguyện và v.v… Bằng việc phản chiếu trên những điều lợi và hại, quý vị có thể làm nổi bật năng lực cho việc toại nguyện của quý vị. Thế nên nếu sự thấu hiểu của hành giả về thiền tập bị hạn chế với một tình trạng định chỉ nhất tâm mà không có khả năng sự áp dụng kỷ năng phân tích, tôi không nghĩ rằng chỉ loại thiền tập này mà thôi có thể đưa đến một sự phát triển về toại nguyện. Đây là bởi vì một trong những căn bản của các sự tiếp cận Phật Giáo trong thiền tập là thế nào đấy dấn thân trong một hình thức thực hành trong thời khóa hành thiền vì thế nó mới có thể có một sự tác động trực tiếp trong những lúc sau thiền tập, trong thời gian thường ngày, thí dụ trong thái độ của chúng ta, sự tương tác của chúng ta với người khác và v.v…

HỎI:
Về nghiệp
Nghiệp là luật nhân quả trong hành động của chúng ta. Vậy nhân quả trong tình trạng thiếu hoạt động là gì?

ĐÁP:
Nói một cách tổng quát, khi chúng ta nói về giáo lý nghiệp quả, một cách đặc biệt trong mối quan hệ với nghiệp quả tiêu cực và tích cực, nó chắc chắn liên hệ với một hình thức của hoạt động. Nhưng điều ấy không có nghĩa là có những hành vi trung tính hay nghiệp quả trung tính, là thứ có thể được thấy như nghiệp thiếu hành động. Thí dụ, nếu chúng ta đối diện với một hoàn cảnh mà trong ấy người nào đấy cần giúp đở, khổ đau hay trong một hoàn cảnh chán chường, và những hoàn cảnh như thế, bằng việc dấn thân một cách năng động hay liên hệ với hoàn cảnh, quý vị có thể giúp hay làm nhẹ bớt khổ đau, thế thì nếu quý vi duy trì sự không hành động như vậy có thể có một hậu quả nghiệp báo.
Nhưng phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và động cơ của chúng ta. Thế nên bất luận của việc cá nhân có khả năng để giải thoát một người khỏi khổ đau của người ấy hay không, nếu thái độ của người chứng kiến trong hoàn cảnh ấy là hoàn toàn dửng dưng đối với sự cát tường của con người và trong một cách quay lưng với sự cát tường hay cần yếu của người khác, như vậy có thể chắc chắn có những hậu quả nghiệp báo tiêu cực. Nhưng điều này hoàn toàn khác biệt với một hoàn cảnh mà trong ấy một cá nhân không nhất thiết chủ ý bất chấp nhu cầu của người khác, mà đúng hơn là duy trì sự không hành động do bởi thiếu sự tự tin và không can đảm. Như vậy có thể được thấy như ít tiêu cực hơn.

HỎI:
Về việc đạt niềm tin vững vàng trong Phật tánh
Cách nào tốt nhất để đạt niềm tin vững vàng trong Phật tánh của chúng ta?

ĐÁP:
Căn cứ trên  khái niệm về tánh không, ý nghĩa Tịnh Quang khách thể, và cũng là khái niệm về chủ thể Tịnh Quang, chúng ta cố gắng để phát triển một sự thấu hiểu sâu xa hơn về Phật tánh. Không phải dễ, nhưng qua khảo sát, tôi nghĩ cả vận dụng trí óc và qua thực hiện sự nối kết với cảm nhận hàng ngày của chúng ta, có một cách để phát triển một loại kinh nghiệm sâu xa hay cảm nhận nào đó về Phật tánh.

HỎI:
Về bản chất của chúng sanh và cây cỏ có Phật tánh không
Thưa Đức Thánh Thiện, khoa học ngày nay không làm một sự phân biệt rõ ràng về cây cỏ và những hình thức đơn giản của đời sống động vật. Phật Giáo quyết định thế nào, ai có tâm thức và ai không có tâm thức? Có thể tin rằng cây cỏ tham dự vào sanh tử luân hồi và có Phật tánh không?

ĐÁP:
Tại một trong những buổi gặp gở với các nhà khoa học về những cái chung giữa khoa học hiện đại và Phật Giáo, câu hỏi được nêu lên về vấn đề chúng ta quyết định thế nào về một vật sống là chúng sanh hay không chúng sanh. Cuối cùng, tất cả chúng tôi đi đến một sự đồng ý rằng nhân tố quyết định là năng lực để di chuyển và tính biến đổi. Dĩ nhiên, theo quan điểm Phật Giáo có những chúng sanh khác không có hình tướng, như ở thế giới vô sắc. Thêm nữa, trong sắc giới, nơi những chúng sanh thật sự biểu hiện trong hình tướng vật lý, kinh luận Phật Giáo đề cập đến những chúng sanh trong hình thể của cây cỏ, bông hoa, và v.v… Nhưng đối với câu hỏi đặc thù của vấn đề chúng ta có thể tìm thấy thí dụ, cây cỏ ở đây là chúng sanh hay không, tôi thành thật không biết quyết định như thế nào. Tôi nghĩ việc ấy ở trình độ quy ước, người ta nghĩ, "Đấy chỉ là một cây cỏ." Thế nên chúng ta chấp nhận nó như chỉ là một cây cỏ.
Nhưng chúng ta phải chú ý rằng trong nhận thức của chúng ta về thực tại có nhiều trình độ đa dạng không nhất quán giữa cách mà trong ấy chúng ta nhận thức sự vật và cách mà trong ấy mọi vật và sự kiện thật sự phơi bày. Điều này có thể có một mối quan hệ nào đó đối với một tuyên bố trong một hệ thống triết lý Phật Giáo được biết như Trung Quán Cụ Duyên Tông, tạm thời chấp nhận sự phân biệt giữa hư ngụy và thực tại, vọng tưởng và thực tại, nhưng cơ bản vẫn không chấp nhận một sự phân biệt như vậy.

HỎI:
Về những niềm tin thức và tiềm thức
Trong việc cố gắng để nhìn đời sống trong một ánh sáng tích cực, Phật Giáo đối phó thế nào về sự phân đôi giữa những niềm tin về ý thức-concsious và tiềm thức- subconcsious?

ĐÁP:
Mặc dù tôi không rõ ràng  lắm về thuật ngữ tiếng Anh 'subconcsious', tiềm thức, nhưng theo Phật Giáo, khi chúng ta  nói về ý nghĩa vượt thắng phiền não đa dạng và nhận thức tiêu cực và những thể trạng cảm xúc, chúng ta phân biệt giữa những kinh nghiệm ý thức và biểu hiện và những thứ duy trì trong hình thức của những khuynh hướng, xu hướng hay tính khí. Giữa hai thứ, vượt thắng nhận thức ý thức và biểu hiện và những tình trạng cảm xúc được xem như dễ hơn là vượt thắng những thiên hướng hay khuynh hướng vi tế của tâm thức. Do thế, trong kinh điển Phật Giáo, khi trình bày con đường đến Giác Ngộ, tuệ giác soi thấu vào bản chất của Tánh không được xem như năng lực đối kháng cho việc vượt thắng những hình thức rõ ràng và biểu hiện của những tình trạng  phiền não này. Chỉ qua sự tinh thông bất biến với sự thấu hiểu về bản chất của thực tại, qua một tiến trình thiền tập lâu dài, mà chúng ta cuối cùng mới có thể vượt thắng những xu hướng và  tính khí.
Kinh luận Phật Giáo đề cập những giai tầng đa dạng trong tiến trình vượt thắng phiền não và những tình trạng tiêu cực. Trước nhất là rèn luyện ta trong một cách mà ở giai tầng khởi đầu hành giả đạt đến một trình độ, nơi mà mặc dù người ấy có thể trải qua những điều kiện và hoàn cảnh nào đó mà người thường sẽ làm cho sinh khởi những phản ứng tiêu cực và phiền não, qua sự thực hành hành giả sẽ không cho phát sinh những tình trạng tiêu cực này. Điều này sau đó sẽ được tiếp theo bởi một thể trạng tiến bộ hơn mà trong đó hành giả thật sự có thể trực tiếp tương tác và ngăn ngừa sự sinh khởi những cảm xúc phiền não.  Cuối cùng, ở một giai tầng tĩnh lặng hơn, hành giả có thể thật sự tẩy trừ những hạt giống hay khả năng làm cho sinh khởi những tình trạng phiền não như vậy. Thế thì, như quý vị thấy, tiến trình vượt thắng nhận thức tiêu cực và phiền não và những tình trạng cảm xúc của chúng ta là rất phức tạp. Không phải chỉ bằng việc phát sinh một tuệ giác vào bản chất của thực tại, mà ngay lập tức quý vị có thể tiêu trừ tất cả những tiêu cực khỏi tâm thức quý vị.
Để cho quý vị một ý tưởng nào đó về sự phức tạp của tiến trình, chúng ta có thể thấy rằng với sự quan tâm đến một vấn đề đặc thù, tâm thức chúng ta đi qua những giai tầng hoàn toàn khác nhau. Thí dụ, vị thế của hành giả quan tâm đến một vấn đề đặc thù, ở giai tầng khởi đầu, có thể là hoàn toàn mâu thuẩn với thực tại. Như kết quả của việc cố gắng để thấu hiểu thực tế chính xác của hoàn cảnh, có lẽ sự thấu hiểu nhất niệm sai lầm có thể rồi thì được đặt vấn đề và đi vào một tình trạng dao động, mà trong ấy quý vị nghĩ rằng có lẽ nó là thế, hoặc là không phải thế. Tình trạng dao động do dự ấy rồi thì có thể qua sự phân tích xa hơn, đi vào một thể trạng quá tự tin, hướng đến một kết luận đúng đắn. Khi nổ lực và làm quen thuộc hơn, tình trạng tự tin ấy có thể biến thành một tình trạng của tri thức chân thật. Ở giai tầng khởi đầu, tri thức chân thật ấy có thể chỉ là sự suy luận căn cứ trên những tiền đề nào đó, và do thế thuộc về nhận thức. Nhưng qua sự làm quen thuộc liên tục, cuối cùng sự thấu hiểu suy luận, theo Phật Giáo, có thể đưa đến kết quả trong một sự thấu hiểu trực giác trực tiếp về bản chất của thực tại. Vì thế quý vị có thể thấy có một loại tiến triển. Đây là trong một cách làm sáng tỏ sự phức tạp của những năng lực của việc vượt thắng các tình trạng phiền não của chúng ta. Cho nên theo Phật Giáo, một sự ngừng dứt thật sự, diệt đế, mà trong ấy cá nhân đã hoàn toàn vượt thắng những tác động tiêu cực và các cảm xúc phiền não và những tình trạng nhận thức, được nói là tuệ trực giác trực tiếp.

HỎI:
Về vấn đề tại sao Phật Giáo được diễn tả như một con đường tâm linh
Thưa Đức Thánh Thiện, tại sao Phật Giáo được diễn tả như một con đường tâm linh khi mọi thứ xoay quanh tâm thức?

ĐÁP:
Vâng, đúng là một số người diễn tả Phật Giáo như một môn khoa học về tâm thức hơn là một tôn giáo. Trong tác phẩm của một trong những đạo sư vĩ đại nhất của Đạo Phật là Long Thọ, trong ấy đề cập rằng sự tiếp cận của con đường tâm linh Đạo Phật đòi hỏi sự áp dụng  phối hợp năng lực đức tin và thông tuệ. Mặc dù tôi không biết chính xác tất cả những ý nghĩa tiềm ẩn của thuật ngữ tiếng Anh 'religion - tôn giáo', nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng Phật Giáo có thể được định nghĩa như một loại kết hợp của con đường tâm linh và hệ thống triết lý. Tuy nhiên, trong Đạo Phật, nhấn mạnh nhiều đến lý trí và thông tuệ hơn là đức tin. Tuy thế, chúng ta cũng thật thấy vai trò của đức tin. Thí dụ, Phật Giáo phân chia tất cả các hiện tượng thành ba loại: thứ nhất, những hiện tượng rõ ràng trước mắt - những thứ mà chúng ta có thể trực tiếp trải nghiệm, hay liên hệ đến và thấu hiểu; thứ hai - những loại hiện tượng nào đó đòi hỏi sự suy luận qua một tiến trình lý luận (logic) nhưng là những thứ chúng ta vẫn có thể kết luận theo những tiền đề rõ ràng; và thứ ba, những hiện tượng được gọi là 'những hiện tượng tối nghĩa', là những thứ có thể được thấu hiểu chỉ qua liên hệ trên sự chứng nhận của người thứ ba, trong phạm vi Phật Giáo, sự chứng nhận của Đức Phật. Bằng sự tin cậy vào lời của Đức Phật mà chúng ta chấp nhận sự tồn tại của chúng.
Nhưng rồi thì ngay cả sự chứng nhận của Đức Phật cũng không phải được tiếp nhận đơn giản bằng niềm tin mù quáng chỉ vì ngài là Đức Phật, mà đúng hơn bởi vì lời của Đức Phật được chứng minh là đáng tin cậy trong phạm vi của các hiện tượng và các chủ đề là những thứ tuân theo lý trí và sự thấu hiểu luận lý. Bằng việc suy luận rằng Đức Phật được chứng minh là đáng tin cậy trong những trường hợp này, chúng ta có thể kết luận rằng lời của Đức Phật cũng có thể được xem như có giá trị trên những vấn đề hay chủ đề không quá rõ ràng lập tức đối với chúng ta. Thế nên, có một loại vai trò của đức tin ở đấy, nhưng chúng ta vẫn thấy rằng nó cuối cùng tùy thuộc vào lý trí và sự thông tuệ hay sự thấu hiểu của hành giả. Do vậy Phật Giáo có thể được diễn tả như một sự phối hợp của hệ thống triết lý và con đường tâm linh, hay, đúng hơn nó có thể được thấy như một sự phối hợp của khoa học tinh thần và con đường tâm linh.
Một trong những lý do tại sao tôi nói rằng trong phương pháp của Đạo Phật, đặc biệt trong phương pháp Đại Thừa Phật Giáo, sự nhấn mạnh được đặt trên lý trí và sự thấu hiểu nhiều hơn, là bởi vì chúng ta thấy trong Phật Giáo Đại Thừa một sự phân biệt giữa hai đặc trưng khác nhau của lời Đức Phật. Một loại kinh Phật nào đó có thể được xem là đúng như vậy và dứt khoát (liễu nghĩa), và những kinh điển  nào đó  không thể được tiếp nhận tại những giá trị bề mặt, không được chấp nhận theo chữ nghĩa và đòi hỏi sự giải thích xa hơn (bất liễu nghĩa). Chúng ta quyết định như thế nào một loại kinh điển nào là rõ ràng dứt khoát không hay đòi hỏi sự giải thích xa hơn để quyết định ý nghĩa sâu sắc tiềm ẩn? Việc ấy chỉ có thể hoàn thành bằng việc tin cậy trên hình thức của lý trí. Cho nên sự thấu hiểu và  khảo sát tối hậu là sự phán xét. Tinh thần này là rất rõ ràng được soi sáng trong tuyên bố thường được trích dẫn của Đức Phật: 'Này chư Tỳ kheo và những người thông tuệ đừng chấp nhận lời của ta chỉ bởi vì đấy là lời của Đức Phật, đơn giản chỉ vì tôn kinh ta, nhưng giống như người thợ kim hoàn thử vàng qua nhiều trình tự và rồi cuối cùng mới phán xét, tương tự như chấp nhận giá trị những tuyên bố của ta chỉ sau khi quý vị đã đưa chúng ra để phân tích và khảo sát.'
Thế nên trong một cách mà Đức Phật đã cho chúng ta tự do để tiến hành những khảo sát xa hơn những lời của ngài. Dường như là trong loài người, một nhóm họ tự diễn tả như những người cấp tiến duy vật và nhóm kia tự căn cứ chỉ trên đức tin, mà không có nhiều khảo sát. Ở đây là hai thế giới hay hai phe phái. Phật Giáo không thuộc vào nhóm nào cả. Từ một  phía Đạo Phật là một khoa học về tâm thức, vì thế một phía phủ nhận nó, nói rằng nó không là một tôn giáo. Từ phía kia, Phật Giáo là quá tâm linh: nó liên hệ đến thiền tập và những thứ như vậy, vì thế phía khác phủ nhận nó. Vì thế, Đạo Phật vẫn ở giữa hai phía. Có lẽ, đấy là một thuận lợi: chúng ta có thể làm việc như một cây cầu để đem hai cực đoan này lại với nhau. Đôi khi, tôi cảm thấy rằng trong tương lai có lẽ có một vai trò quan trọng cho Phật Giáo trong việc đem cả hai phía lại với nhau.

HỎI:
Về sự độc thân
Có phải sự sống độc thân đòi hỏi cho Giác Ngộ không?

ĐÁP:
Tôi nghĩ tổng quát là không. Tuy thế quý vị có thể hỏi tại sao chính Đức Phật cuối cùng cũng trở thành một tu sĩ. Tôi nghĩ, từ quan điểm của Luật tạng, mục tiêu chính của việc độc thân là cố gắng để giảm thiểu tham muốn và dính mắc.
Theo quan điểm của Mật tông, đặc biệt trong Tantra Yoga Tối Thượng, năng lượng, 'những giọt' (drops) hay sự diệu lạc là nguồn gốc của năng lượng hòa tan cấp độ thô của ý thức hay cấp độ thô của năng lượng. Qua kinh nghiệm của sự diệu lạc đặc biệt ấy, có khả năng là cấp độ thô cuối cùng sẽ hòa tan. Cho nên những giọt là nhân tố chìa khóa cho sự diệu lạc.
Trong Phật Giáo Tây Tạng, một cách đặc biệt nếu quý vị nhìn vào đồ tượng của các bổn tôn với các phối ngẫu của cac ngài, quý vị có thể thấy nhiều biểu tượng của tình dục rất rõ ràng là những thứ thường gây ra những ấn tượng sai lầm. Một cách thật sự, trong trường hợp này cơ quan sinh dục được sử dụng, nhưng chuyển động năng lượng đang xảy ra, vào lúc cuối, được kiểm soát hoàn toàn. Năng lượng không bao giờ nên để thoát ra ngoài. Năng lượng này phải được kiểm soát và cuối cùng trở lại những phần khác của thân thể. Điều được đòi hỏi cho một hành giả mật tông tantra là phát triển một khả năng để sử dụng năng lực diệu lạc và kinh nghiệm diệu lạc của mình dược phát sinh một cách đặc biệt qua sự tuôn chảy của những dung dịch tái sinh trong các kinh mạch năng lượng của hành giả. Thật thiết yếu để có năng lực để bảo vệ chính mình khỏi sự lỗi lầm xuất tinh. Đó không phải là một hành vi tình dục hoàn toàn thông thường. Và ở đây chúng ta có thể thấy một loại nối kết đặc biệt với sự độc thân. Một cách đặc biệt trong sự thực hành của Mật Pháp Thời Luân, giới luật này của việc bảo vệ chính mình khỏi năng lượng xuất tinh được xem như rất quan trọng. Mật Pháp Thời Luân đề cập đến 3 loại năng lượng diệu lạc: một là kinh nghiệm diệu lạc gây ra bởi sự tuôn chảy năng lượng; một là kinh nghiệm diệu lạc bất biến; và một là kinh nghiệm diệu lạc thay đổi. Đối với tôi, khi Đức Phật tiếp nhận thệ nguyện độc thân, ở trình độ ấy Ngài không giải thích tất cả mọi lý do tiềm ẩn của giới luật hay nguyên tắc ấy. Sự giải thích hoàn toàn có khi chúng ta biết hệ thống Mật thừa. Có lẽ như vậy là trả lời câu hỏi của quý vị. Cho nên tôi nghĩ câu trả lời là cả "Có" và "Không".

HỎI:
Về nữ nhân và độc thân
Câu trả lời của ngài về nhu cầu cho sự độc thân và sử dụng diệu lạc và không xuất tinh là từ quan điểm của nam giới. Tại sao phần của nữ nhân trong sự thực tập này không bao giờ được đề cập? Nữ nhân cần gì để thực hành với năng lượng của mình cho việc đạt đến Giác Ngộ qua diệu lạc?

ĐÁP:
Cùng kỹ thuật giống nhau và cùng nguyên tắc. Theo một số người bạn Ấn Độ của tôi, những hành giả của Mật thừa Hindu cũng thực hiện sự thực tập kundalini (hỏa xà) và chandralinin (luân xa). Ý kiến của tôi là nữ nhân cũng có một loại năng lượng, các giọt. Cho nên đấy là cùng phương pháp.

HỎI:
Về hình sắc của sự tái sanh của chúng ta
Ai hay điều gì quyết định những gì khi chúng ta trở lại?

ĐÁP:
Theo Phật Giáo, nó là nghiệp, hành động của mỗi người, nó thật sự quyết định sự tái sanh của chúng ta. Cũng là thể trạng của tâm thức tại thời điểm lâm chung có một vai trò thiết yếu. Những ai có một sự quen thuộc nào đó với Phật Giáo có thể đã biết rằng có một giáo lý chính được Đức Phật dạy được biết như "12 mắc xích nhân duyên".  Điều thứ hai là mắc xích nghiệp (hành). Tuy nhiên, sự trình bày nghiệp không thôi thì không đầy đủ để đưa đến một sự tái sanh, do thế, những nhân tố do điều kiện hoàn cảnh chẳng hạn như các cảm xúc phiền não và những sự kiện nhận thức là cần thiết.Đây là những mắc xích thứ 8 và 9, là ái (attachment) và thủ (grasping). Cho nên khi dấu vết nghiệp được khởi động bởi năng lực của mắc xích thứ 8 và 9, ái và thủ tương ứng với từng thứ, sau đó dấu vết nghiệp trở thành chín muồi, đó là mắc xích thủ 10 (thủ), được biết như mắc xích trở thành. Cho nên sự tái sanh của một chúng sanh lệ thuộc một cách căn bản trên các dấu vết hay hạt giống nghiệp và năng lực của cá thể, không chỉ trên được tích lũy trong kiếp sống hiện tại mà cũng là qua những kiếp sống quá khứ của người ấy. Cũng thế, trong những năng lực nghiệp có thể có một số này mạnh mẽ hơn số kia. Trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, đề cập rằng trong 'những năng lực nghiệp' hay 'hạt giống nghiệp' mà một chúng sanh có thể sở hữu trong sự tương tục tâm thức, là thứ mạnh mẽ nhất và nó sẽ quyết định bản chất của sự tái sanh. Và nếu một chúng sanh có nhiều năng lực nghiệp mạnh tương đồng, thì chính hành động nghiệp gần gũi nhất trong kiếp sống hiện tại sẽ hình thành kết quả. Và nếu vẫn có nhiều dấu vết nghiệp bản chất tương tự, thế thì hành động nghiệp mà cá nhân quen thuộc nhất với nó sẽ đưa đến kết quả và quyết định sự tái sanh tiếp theo. Như tôi đã đề cập hôm qua, một trong những nhân tố điều kiện quyết định là thể trạng của tâm thức vào thời điểm lâm chung.

HỎI:
Về việc sử dụng tình trạng giấc  mơ
Ngài có thể nói thêm về việc sử dụng tình trạng giấc mơ không?

ĐÁP:
Chỉ từ trong Tantra Yoga Tối Thượng, Phật Giáo Mật Tông, mà chúng ta thấy những kỷ thuật thiền tập có thể được áp dụng trong thể trạng giấc mơ. Có hai mục tiêu chính cho những loại thiền tập như vậy sử dụng ý thức trong mộng (mộng trung ý thức) Như tôi đã chỉ ra hôm qua, là trong tình trạng mơ ngủ, chúng ta có cơ hội để nhắc lại hay để làm quen thuộc với tiến trình của sự sắp chết, bởi vì có một loại tiến trình tương tự của sự tan rả được trải nghiệm qua tình trạng mơ ngủ. Trong một cách, những thiền giả nhớ lại bằng việc sử dụng tình trạng mơ ngủ vì thế họ có thể quen thuộc với những tiến trình tan rả và tự rèn luyện họ để có thể nhận ra những dấu hiệu đa dạng phối hợp với những trình độ tan rả khác nhau.
Nhưng mục tiêu chính của thiền mơ ngủ là để rèn luyện chính mình trong một cách mà, ngay cả trong thời gian mơ ngủ, cá nhân thật sự có thể kinh nghiệm những gì được biết như Tịnh Quang, trình độ vi tế nhất của tâm thức, vì thế cho phép người ấy thật sự trải nghiệm sự tan rả của những yếu tố khác nhau trong tình trạng mơ ngủ. Và cho vấn đề ấy quý vị đòi hỏi năng lực để nhận ra những giấc  mơ như những tình trạng mơ ngủ. Có hai phương pháp chính  cho việc thực hiện điều này. Một là qua Prana Yoga, là sự thực hành về những kinh mạch năng lượng và đấy là một phương pháp hoàn toàn nâng cao và khó khăn cho người mới bắt đầu. Phương pháp khác là không xuyên qua sự thực tập Prana Yoga nhiều, mà đúng hơn qua sự phát triển một loại quyết tâm hay năng lực tinh thần - sự phát triển một ý chí mạnh mẽ để xác định hay nhận ra những tình trạng mơ ngủ. Nó cũng có nhiều nối kết với loại kiêng khem mà quý vị tiếp nhận và thực hiện, thái độ của quý vị và v.v…

HỎI:
Về việc công nhận nữ nhân trong Phật Giáo Tây Tạng
Tại sao không có bất cứ sự công nhận nào trong Phật Giáo Tây Tạng của nữ nhân trên trình độ lạt ma hay đạo sư?

ĐÁP:
Thật sự có một số thể chế hóa thân rất cao, như Samdring Dorje Phagmo, một cách truyền thống là những nữ lạt ma với một vị trí rất cao. Vị Lạt ma Samdring Dorje Phagmo hiện tại là vị hóa thân đời thứ 14. Điều này chứng tỏ rằng thể chế này dường như là cũng lâu bằng vị Karmapa, thể chế tái sanh hóa thân đầu tiên ở Tây Tạng.
Cho nên có một vài nữ lạt ma tái sanh. Dĩ nhiên, hầu hết cả hiện tại và trong quá khứ là nam giới. Chúng ta phải thừa nhận rằng, vị thế của nữ nhân có thể đã từng bị lãng quên hay không được chú ý  nhiều. Một phần của lý do cho sự lãng quên này về quyền lợi và vị trí của nữ nhân trong Phật Giáo Tây Tạng là bởi vì trong quá khứ người ta đơn giản là không để ý nhiều đến việc này. Chúng ta không nhiều thì ít cũng xem điều này là đương nhiên. Thí dụ, tôi mới đây đã có một cuộc gặp gở với một số vị thầy Phật Giáo phương Tây trong thời điểm tổ chức một giới đàn xuất gia, có những chỉ dẫn về vấn đề quyết định như thế nào là trưởng lão xuất gia và rằng tập quán dường như thật sự phản chiếu một định kiến. Ở buổi gặp gở, tôi hứa hẹn rằng trong 6 tháng tôi sẽ tổ chức một hội nghị lớn, tối thiểu trong các hàng học giả và tỳ kheo Tây Tạng, để thảo luận về vấn đề này.
Tổng thể mà nói, tôi nghĩ rằng trong hệ thống Phật Giáo, một cách đặc biệt trong Luật tạng, nam và nữ đều có quyền đối với việc thọ giới cao nhất, tỳ kheo và tỳ kheo ni. Rồi thì trong Bồ tát thừa, mọi người đều có cùng Phật tánh. Thêm nữa, năng lực của việc đạt đến trình độ tâm giác ngộ - tâm bồ đề hay bodhicitta và của việc thực hành 6 ba la mật một cách chính xác là giống nhau.
Bây giờ, lưu tâm lập trường Phật Giáo chính xác về những vấn đề giới tính, sự phân biệt, những quyền lợi của nữ nhân và vị thế của nữ nhân trong Phật Giáo, như tôi đã chỉ ra trước đây, theo như sự trình bày về Phật tánh được quan tâm, không có gì khác biệt. Cũng không có bất cứ khác biệt nào trong dạng thức về khả năng mà một cá nhân có cho việc phát sinh sự ngưỡng mộ lòng vị tha cao nhất để đạt đến Quả Phật hay tuệ giác thâm nhập bản chất cứu kính của thực tại và v.v…
Nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng có một văn bản Phật Giáo nào đó thật phản chiếu một loại phân biệt. Thí dụ, trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, mà trong ấy những đặc trưng hay chức năng nào đó của một trình độ cao cấp về Bồ tát được đề cập, một trong những đặc trưng dường như là một hành giả trên con đường tiến triển đến Giác Ngộ phải là trong hình tướng của một nam hành giả. Nên nó dường như phản chiếu một định kiến. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào vấn đề theo đó tôi thấy như lập trường cao nhất của Phật Giáo, là điều theo sự thấu hiểu của chúng tôi, là vị thế của Tantra Yoga Tối Thượng, tôi nói là không có sự phân biệt về giới tính, bởi vì trong sự thực tập của Tantra Yoga Tối Thượng về tất cả sự khai tâm đòi hỏi trong sự thực tập và truyền pháp của Mật tông là không hoàn toàn trừ phi với  sự tham dự đầy đủ, bình đẳng của cả các hành giả nam và nữ. Thí dụ, cả  nam và nữ hành giả có thể tiếp nhận sự truyền lực.Cũng thế, trong bổn tôn du già (deity yoga) mạn đà la, sự tham dự đầy đủ của cả nam và nữ bổn tôn là cần thiết. Và chỗ mà Tantra được quan tâm, trong thực tế có những giới điều cho những hành giả mật tông nói rằng nếu quý vị xem thường hay miệt thị một nữ nhân thì nó cấu thành một sự vi phạm giới điều Mật Tông Tantra. Tương tự thế, trên con đường tu tập, toàn bộ kinh nghiệm về sự thực tập mật tông đối với Giác Ngộ chỉ có thể hình thành nếu có một sự thực tập bổ sung giữa cả hai hành giả nam và nữ. Thí dụ, nếu hành giả là nam thế thì đòi hỏi sự phụ giúp , một nhân tố kích thích, từ hành giả nữ, và ngược lại. Điều này đề cập đến những chủ đề chúng ta bàn đến về sự phát sinh những thể trạng diệu lạc của tâm thức; nhưng điều này hoàn toàn khác biệt với tình dục thông thường. Tương tự thế, cả hành giả nam và nữ có thể trở thành Giác Ngộ hoàn toàn trong hình tướng như nam và nữ của họ. Cho nên, theo lập trường của Tantra Yoga Tối Thượng, tôi nói rằng không có sự khác biệt hay phân biệt căn cứ trên giới tính.
Tôi nghĩ rằng thật rất quan trọng cho nữ nhân để cố gắng để thích ứng với tất quyền lợi của họ. Trong cộng đồng người tị nạn Tây Tạng ở Ấn Độ. Trong nhiều năm tôi đã ủng hộ phía nữ nhân, phía nữ tu. Họ phải có sự thích thú hay can đảm trong học hỏi như những nam tu sĩ. Trong khi có những lúc ở Tây Tạng, hầu như không có một ni viện nào đặt  nặng tư duy trong vấn đề học hỏi. Có những huyền thoại về một quá khứ khác mà trong ấy có những ni viện đã là những trung tâm quan trọng của việc học hỏi triết lý và tranh luận, rất nhiều và vì thế có vài trường hợp về những sự tranh luận giữa nam và nữ tu sĩ và nam tu sĩ thua! Vì thế quý vị thấy, trong hơn 20 năm ở Ấn Độ, tôi đã liên tục thực hiện một nổ lực cho phía nữ nhân, và họ cũng đã tiếp nhận một sự khai tâm trọn vẹn - điều đó là quan trọng.

HỎI:
Về quyết định luận
Một số người và một số vị thầy nói rằng khi chúng ta biểu hiện một hành động hay thực hiện một quyết định, thì không  phải ta thật sự thực hiện quyết định ấy, những gì có ý định xảy ra sẽ xảy ra bất chấp sự kiện rằng chúng ta nghĩ chúng ta thực hiện quyết định hay không hay có một ảnh hưởng trên một hành vi nào đó hay hoàn cảnh nào đó. Nếu điều này là như vậy, thì chúng ta tạo ra nghiệp như thế nào? Có phải không thật sự là chúng ta làm nên quyết định chứ?

ĐÁP:
Tôi nghĩ rằng đó là một nhận thức sai lầm. Nếu loại giải thích định mệnh này về những hành vi và sự tồn tại của chúng ta là đúng, thế thì chính ý tưởng về sự khả dĩ của việc giải thoát và Giác Ngộ đơn giản sẽ không có ý nghĩa gì. Bởi vì ý tưởng Giác Ngộ đòi hỏi chúng ta hoàn toàn thay đổi nghiệp quả của chúng ta và sự cứu độ hay Quả Phật được đạt đến. Nó là sự khởi đầu mới toàn bộ, là điều không bao giờ xảy ra trong quá khứ. Đó chính xác là những gì muốn nói bằng việc thực hành, dấn thân vào con đường tâm linh. Tôi đã đề cập trước đây rằng đôi khi người ta, kể cả những người Tây Tạng, sử dụng nghiệp chướng như một loại bào chửa. Tôi nghĩ như vậy là sai.

HỎI:
Về hành thiền mà không tịnh hóa động cơ
Về sự tổn hại lớn khi hành thiền được thực hiện mà không có sự tịnh hóa động cơ: Tôi đã từng gặp những người vốn đã đạt được một năng lực nào đó về tâm thức và sử dụng năng lực này với một động cơ vị kỷ, ngay cả độc ác, với tâm thức họ trong sáng hay đóng kín và con tim họ rõ ràng thô bạo hay bất tịnh. Có bất cứ phương pháp nào của việc làm tái trong sáng những năng lượng bị bó chặc với nhau trong một cách sai lầm không?

ĐÁP:
Điều quan trọng là có một sự tiếp cận thật cân bằng trong sự thiền quán của chúng ta. Trong thực tế, do bởi ý nghĩa này trong giáo huấn nhà Phật chúng ta thường nói về 'con đường thông tuệ'. Thí dụ, nếu người nào đó chỉ tập trung vào việc phát sinh tuệ quán vào Tánh không mà không chú ý nhiều việc phát triển những khía cạnh từ ái, bi mẫn của tâm thức, như vậy thì có thể trong thực tế đưa đến kết quả trong một con đường thấp. Tương tự thế, nếu chúng ta đặt tất cả sự tập trung vào việc phát triển những nhân tố từ ái, bi mẫn trên con đường tu tập, mà không chú ý nhiều vào khía cạnh  tuệ trí và thông minh, thế thì sự ngưỡng mộ và thái độ vị tha của chúng ta có thể không bao giờ thật sự nổi bật một cách hoàn toàn bởi vì chúng sẽ thiếu nhân tố bổ sung. Cho nên một cách tổng quát có thể nói rằng có 2 sự tiếp cận phân biệt trong sự thực hành  của con đường tu tập Phật Giáo. Chúng ta đang dấn thân trong một sự thực hành Phật Giáo của con đường căn cứ trên việc phát triển sự thấu hiểu toàn bộ phạm trù của con đường tu tập Phật Giáo và vấn đề yếu tố chìa khóa nào phù hợp nhất trong một phạm trù nào đó như thế nào. Tuy nhiên, có thể có một sự tiếp cận khác là điều có thể được thấy như cá nhân hơn, trong ấy một cá nhân có thể có một sự thấu hiểu hoàn toàn về phạm trù phổ thông toàn diện của con đường tu tập Phật Giáo, nhưng đơn giản là tuân theo một cách nhất tâm sự hướng dẫn của một vị thầy kinh nghiệm. Thế thì vị thầy là thật sự cực kỳ quan trọng và phải thật sự đầy đủ phẩm chất. Ngoài ra cũng có một trường hợp ngoại lệ nào đó, mà không có một sự học hỏi rộng rãi.

HỎI:
Về đức tin mù quáng
Ngài cảm thấy thế nào về đức tin mù quáng nhằm để đạt đến Giác Ngộ?

ĐÁP:
Tôi không nghĩ người ta có thể đạt được xa như vậy!

HỎI:
Về từ ái - bi mẫn và việc lệ thuộc vào người khác
Thưa Đức Thánh Thiện, trong việc cố gắng để là một chúng sanh từ ái - bi mẫn, chúng ta cảm nhận trách nhiệm như thế nào? Ngài phải làm gì nếu ngài thấy một người nào đó lệ thuộc một cách cảm xúc vào sự bi mẫn của ngài? Có phải làm tổn thương người khác với bi mẫn nếu ngài nghĩ rằng đấy là cách tốt nhất về lâu về dài không?

ĐÁP:
Tôi nghĩ rằng bạn nên ghi nhớ trong lòng, bi mẫn với tuệ trí. Thật rất quan trọng để sử dụng năng lực thông tuệ của chúng ta để phán xét những hậu quả dài hạn và ngắn hạn về hành động của chúng ta.

HỎI:
Về sự quan trọng của những hành vi cá nhân
Tôi có thể hiểu vấn đề tâm thức và hành động của chính tôi có thể tác động những điều kiện và nguyên nhân của chính tôi như thế nào. Chúng có thể cũng tác động đến những điều kiện của thế giới như nạn đói, nghèo khó, và những nổi khổ đau lớn khác như thế nào? Làm thế nào?

ĐÁP:
Đôi khi chúng ta cảm thấy rằng hành động của một người rất quan trọng. Dĩ nhiên, rồi thì chúng ta nghĩ, những ảnh hưởng phải đến từ một động thái chuyển hướng hay thống nhất. Nhưng động thái của xã hội, cộng động hay nhóm người có nghĩa là sự tham dự của những cá nhân. Xã hội có nghĩa là sự tập hợp của những cá nhân, cho nên sự bắt đầu phải đến từ những cá nhân. Ngoại trừ mỗi cá nhân phát triển một cảm nhận trách nhiệm, bằng không thì cả cộng đồng không thể chuyển động. Vì thế cho nên, thật thiết yếu là chúng ta không nên cảm thấy rằng nổ lực cá nhân là vô nghĩa - quý vị không nên cảm nhận cách ấy. Chúng ta nên thực hiện một nổ lực.

HỎI:
Về vấn đề người bắt đầu phải nên tiến hành một cách dần dần hay nhanh chóng trong việc học hỏi Đạo Phật.
Ngài khuyên bảo người Âu Mỹ bắt đầu trên con đường Phật Đạo tiến hành một cách từ từ và bao hàm ít vấn đề thôi hay là cố gắng để học hỏi tối đa như có thể và tiến hành nhanh hơn?

ĐÁP:
Xét cho cùng, tùy thuộc vào trường hợp của từng cá nhân. Tôi nghĩ trong vài trường hợp học hỏi bao quát là thích hợp hơn và hữu ích hơn. Nhưng thật quan trọng để nhớ là quý vị phải nhận ra rằng việc phát triển tâm linh cần có thời gian; nó không xảy ra chỉ qua đêm. Có lẽ một số lạt ma có thể nói, 'Ô, nếu con tuân theo lời dạy của ta thì con sẽ đạt được một kinh nghiệm tâm linh nào đó trong một hay hai tuần'. Tôi nghĩ như vậy là không hợp lý.

HỎI:
Về tâm Linh Quang
Thưa Đức Thánh Thiện ngài nói gì về một tâm Linh Quang bẩm sinh. Điều này có trong giáo lý Đại Toàn Thiện. Trong thực tế, khái niệm về một tâm bẩm sinh là đối tượng của sự phủ nhận bởi Trung Quán Cụ Duyên biện chứng. Một số hệ thống Gelugpa thậm chí xem Đại Toàn Thiện là dị giáo và không phải là Phật Giáo. Tuy thế, Đức Thánh Thiện đã từng phát triển một cung cách để hợp nhất 2 quan điềm dường như mâu thuẩn này về bản chất cứu kính. Ngài có thể giải thích vấn đề Đại Toàn Thiện tương hợp với Lạt ma Tông Khách Ba như thế nào không?

ĐÁP:
Trước tiên, tôi nghĩ bạn đã sai lầm.Có lẽ có thể có một sự lẫn lộn nào đấy ở đây giữa hai loại hoàn toàn tương tự một cách hiển nhiên nhưng một cách chính xác là những khái niệm rất khác biệt. Trái lại có một tâm Linh Quang bẩm sinh và thứ kia, những gì tôi muốn liên hệ đến như 'sự chấp trước bẩm sinh vào một tự ngã dai nhách'. Đây là 2 thứ khác nhau. Sự chấp trước bẩm sinh vào cảm nhận bền bĩ của tự ngã trong thực tế vẫn ở trình độ nhận thức nơi mà những tiến trình tư tưởng vẫn đang hoạt động. Đó là khi sự chấp trước bẩm sinh vào tự ngã vẫn đang hoạt động, trái lại tâm Linh Quang bẩm sinh trở thành biểu hiện chỉ ở tại trình độ vi tế nhất. Nhưng vào thời điểm ấy nhiều tiến trình nhận thức tư tưởng đã ngừng dứt chức năng của chúng, vì thế đây là 2 vấn đề khác nhau.
Nhưng đối với bản chất thật sự của tâm Linh Quang, cho dù nó là nhận thức hay không nhận thức, thì có những ý kiến mâu thuẩn. Một ý kiến khác là, tâm Linh Quang được phát sinh bên trong để nhận thức bản chất của thực tại. Trong thực tế, đây là một trong những quan điểm quan trọng nhất của việc vượt thắng tính chấp trước vào một khái niệm tự ngã bền bĩ. Nó được tuyên bố rằng khi tâm Linh Quang khách quan, là Tánh không phối hợp hay thích ứng với kinh nghiệm chủ quan của Linh Quang, là một tâm bẩm sinh đang được liên hệ ở đây, sự tỉnh thức mạnh mẽ nhất để tương tác với năng lực chấp trước được nhận ra. Tôi nghĩ khi chúng ta nói về vị thế của Gelugpa hay lập trường thì chúng ta phải xác định điều ấy nhiều hơn với Lạt ma Tông Khách Ba, vị khai tổ của truyền thống Gelugpa, và hai người đệ tử chính của ngài. Chúng ta thấy rằng trong một tác  phẩm của Khnanpuje, một trong 2 đệ tử nổi tiếng nhất của Tông Khách Ba, một câu hỏi được nêu lên đối với tính xác thật và hiệu nghiệm của quan điểm Đại toàn thiện về bản chất cứu kính. Khnanpuje nói rằng như quan điểm thật sự về bản chất cứu kính của Đại toàn thiện được quan tâm, nó là một quan điểm chính thống, điều gì đó có thể được áp dụng một cách chắc chắn trong sự thực tập về Tantra Yoga Tối Thượng. Nhưng lý do tại sao có những bình  phẩm về quan điểm của Đại toàn thiện là bởi vì một vài hành giả của Đại toàn thiện vào lúc ấy dường như chứng minh có một mức độ giải đải nào đó đối với những nguyên tắc đạo đức hay giới luật.
Nhưng một điều chúng ta phải ghi nhớ trong tâm ở đây là việc sử dụng thuật ngữ 'quan điểm' - chính kiến ' - quan điểm về Tánh không. Trong luận điển Trung Quán, khi quan điểm về Tánh không được đề cập, sự liên hệ là thường hơn đối với đối tượng của tánh không, bản chất của thực tại như nó là, trái lại khi thuật ngữ 'quan điểm' được sử dụng trong Đại toàn thiện và Đại thủ ấn, thì sự liên hệ là nhiều hơn với những kinh nghiệm chủ quan thay vì là Tánh không. Sự phân biệt này là vô cùng quan trọng và nó phải được đánh giá đúng, bởi vì nếu chúng ta so sánh quan điểm về Tánh không giữa Hiển giáo kinh thừa và Mật giáo tantra từ quan điểm của việc thấu hiểu về chính Tánh không thì không có gì khác biệt. Nhưng một sự khác biệt thật nổi bật lên từ quan điểm khách quan trong ấy kinh nghiệm khách quan của Mật tông về Tánh không được nói là thậm thâm hơn.

HỎI:
Thưa Đức Thánh Thiện, nếu ngài có ba nguyện ước, chúng sẽ là gì?

ĐÁP:
Đấy là tuyệt đối bí mật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét