Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

KHI THƯỢNG ĐẾ NỔI GIẬN

CHUYỂN HÓA SÂN HẬN:
BẤT MÃN VÀ SÂN HẬN (TT)

- Thích Nhật Từ
Trong kinh thánh của Do Thái và Cơ Đốc giáo có kể câu chuyện bất mãn của đức Chúa. Dĩ nhiên, đây là câu chuyện tạo ra những tranh luận và cách lý giải của câu chuyện làm người ta khó chịu rất nhiều. Kinh thánh nói về nguồn gốc rất kỳ lạ của cây sung, tại sao trái sần sùi, vỏ khó coi và không thể ăn được mặc dầu trái rất sum suê. Người Trung Hoa đã trồng cây sung ở trước nhà và nghĩ rằng sẽ sung túc, phú quý giàu sang, ai hiếm muộn con, mà trồng cây sung sẽ có con đầy đàn, người nào chăn nuôi thì sẽ có cơ hội phát triển rất nhiều. Phong tục tập quán sai lầm là như vậy.
Một hôm, đức Chúa và các tông đồ của Ngài đi trên một sa mạc, không có nước, không có lương thực, khát và đói đã làm mọi người bất mãn cau có. Đi rất xa, cả thầy trò đức Chúa hoàn toàn mỏi mệt, ngã quỵ trước cây sung. Mùa hè,
cây sung không có trái, trong khi Chúa và tất cả tùy tùng hy vọng đến được cây là có trái để ăn và thoát khỏi cơn đói. Nhưng sự thật diễn ra đã làm họ rất bất mãn vì cây sung không có một quả nào. Đứng trước sự kiện đó, Chúa đã phán cây sung: “Ta phán cho dòng họ nhà ngươi từ đây cho đến đời đời kiếp kiếp về sau, không ai có thể ăn được trái cây nhà ngươi sinh ra”. Vừa dứt lời, bỗng dưng cây sung bị biến dạng, lá sần sùi nổi cộm có hột giống da cóc, vỏ thân cây cũng tương tự. Ngày đầu sau lời phán quyết đó, tất cả các trái sung đều sần sùi và không ai ăn được cả.
Bất mãn trong kinh thánh của đức Chúa đã tạo ra khổ đau cho cuộc đời ở chỗ, là mình không ăn được thì phá khiến người khác cũng không bao giờ ăn được. Bất mãn đó là sự độc tài mang tính hủy diệt dẫn đến nhiều khổ đau khác. Nếu là người nhân từ bác ái thì không ăn được phần đó nhưng mong trong cuộc đời có người ăn được và hoan hỷ với người may mắn hơn. Bấy giờ, sự bất mãn đó là cơ hội, là đầu mối của tình thương.
Nhà Phật dạy, phải có chất liệu của lòng tùy hỷ, phải hoan hỷ với những nghịch cảnh, và phải cám ơn những nghịch cảnh bởi nó là cơ hội thử lửa lương tâm. Lửa đó có thể nung đốt
2000 độ C, liệu có chịu đựng được? Hay đến lúc đó cũng bạo loạn và trở thành những kẻ cuồng tín giống Taliban, Akeda, Osama Bin Laden… nguy hiểm cho cuộc đời. Những người đó đều bất mãn, bất mãn với chính phủ, liên minh, ý thức hệ tôn giáo của Mỹ. Họ bất mãn đủ thứ dẫn đến phá hoại, khủng bố nỗi khổ, niềm đau làm tổn hại cuộc sống. Bất mãn đó cần phải được loại trừ ra khỏi mảnh đất tâm của con người, bằng không, cả mình và người có thể trở thành mắt xích khổ đau, kéo dài từ kiếp này đến kiếp khác. Sinh ra, gặp nhau là sân hận, đối đầu, loại trừ một mất một còn…
Bất mãn trong trường hợp của đức Chúa là bất mãn khó có thể chấp nhận. Bởi vì, khát nước quá có thể cau có, đói bụng quá có thể bực dọc nhưng đừng cho phép những người khác lâm vào cảnh trạng không còn một trái sung nào để ăn. Bất mãn để tạo thành sự sống thì tốt, bằng không, nó có thể trở thành khổ nguy cho cuộc đời.
Liên hệ từ trạng thái bất mãn của đức Phật, thấy khác rất nhiều. Đức Phật được sinh ra và nuôi nấng trong truyền thống giáo dục của Bà La Môn giáo, truyền thống tầng cấp xã hội. Con người không có cơ hội vùng vẫy thoát khỏi mạng lưới dày đặc của Phạm Thiên. Sinh ra trong hoàn cảnh định chế, làm người ta sợ hãi, không dám cưỡng lại, không dám cách tân. Chỉ những người dũng khí, từ bi, tuệ giác lớn mới có thể đi ngược lại với truyền thống mấy ngàn năm lịch sử của Ấn Độ giáo.
Đức Phật hoàn toàn bất mãn với triều đại của Ấn Độ giáo, Ngài hoàn toàn bất mãn với hạnh phúc của một thái tử, của người ăn trên ngồi trước. Cho nên, Ngài từ bỏ tất cả để trở thành nhà đạo sĩ rày đây, mai đó trên mọi nẻo cuộc đời. Để nói rằng, hạnh phúc trong cuộc đời không phải nằm ở tài sản, sự nghiệp, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan… mà chính là ở thái độ ứng xử trước mọi hoàn cảnh của con người. Đức Phật có hạnh phúc rất lớn, vượt lên trên hạnh phúc thông thường của cuộc đời, dầu Ngài không có tài sản gì khi dấn thân tìm chân lý.
Trong truyền thống Ấn Độ giáo, ba nhân vật để lại nhiều ấn tượng là đức Phật Thích Ca, đức Mahavihara -sáng chủ đạo Kỳ Na giáo và Ramakisna - sáng chủ Ấn Độ giáo. Ba vị này đều là thái tử thuộc dòng quyền quý nhưng không chấp nhận truyền thống hiện tại nên trở thành đạo sĩ, những người thoát tục và có rất nhiều đối tượng quần chúng theo học.
Vấn đề cần đặt ra, nếu như đức Phật Thích Ca không xuất thân từ thái tử thì chưa chắc chân lý đức Phật nói làm người ta tin. Bởi vì, chiều kích tôn giáo của Ấn Độ không bao giờ coi trọng người ở giai cấp thấp, dù người đó có nói chân lý thì chân lý đó cũng bị xem là tà thuyết.
Cho nên, các đức Phật thường ra đời với tư cách là thái tử. Đức Phật trong tương lai hoặc các đức Phật khác cũng ra đời với tư cách là thái tử nếu các Ngài thị hiện ở đất nước Ấn Độ. Do định chế tôn giáo của Ấn Độ không cho phép tin theo người thuộc giai cấp thấp hơn giai cấp đang có. Ngoại trừ một số nhà cải cách tôn giáo xuất hiện có đóng góp quá lớn, đến độ giá trị tâm linh và đạo đức của họ làm cho người ta quên đi những người giai cấp thấp kém hơn.
Đạo Phật tiếp nhận rất nhiều người thuộc nhiều giai cấp thấp. Dù hoàng thân quốc thích mới đi tu vẫn phải đảnh lễ, vẫn phải học hỏi ở những người có giai cấp thấp nhưng tâm linh, đạo đức cao, đó là truyền thống rất mới trong đạo Phật. Bất mãn như thế, đức Phật đã tạo ra cuộc đời rất lịch sử. Suốt
49 năm hoằng pháp của Ngài đều là dược liệu để chữa những căn bệnh bất mãn thời cuộc, giai cấp và bất mãn của Ngài trở thành những giọt cam lồ làm cuộc đời được tươi mát!
Từ những sự kiện trên, bất mãn chính là một nhu cầu rất lớn. Không nên hài lòng với những định chế đang có, những hoàn cảnh hiện tại. Như thế, mới có cơ hội vươn lên. Giá trị đó được đặt trên nền tảng của bất mãn, tạo thành năng lực dấn thân, cống hiến nhiều hơn. Nếu một vị Bồ tát không bất mãn với nỗi khổ đau của chúng sinh ở địa ngục thì vĩnh viễn không bao giờ phát nguyện vào địa ngục cứu chúng sinh. Phật dạy, đừng bao giờ xa lánh những kẻ trong địa ngục. Những vị Bồ tát, Thánh Tăng luôn gần gũi những người như vậy để chuyển hóa. Xa lìa họ thì sẽ không có cơ hội được
tỉnh thức, chỉ điểm. Sai lầm đó có thể được nhân lớn làm cho chiều kích của khổ đau gia tăng mãnh liệt.
IM LẶNG SẤM SÉT
Biến dạng khác của việc đè nén cơn giận được thể hiện qua sự im lặng đáng sợ. Pháp Phật có một mặc định khi trưng cầu dân chủ trong đời sống cộng đồng tu sĩ là, dành quyền ưu tiên cho người có ý kiến khác. Mặc nhiên không có ý kiến được hiểu là đã đồng tình với ý kiến tập thể. Nhà Phật tận dụng sự im lặng vì làm cho đời sống nội tâm phong phú. Nếu nói thì phải đúng lúc, nội dung lời nói phải có ý nghĩa. Lời nói mang lại khổ đau, bất an cho người khác thì vô ích và không nên nói. Tuy nhiên, cũng có sự im lặng rất nguy hiểm, tạo nên bầu không khí ngột ngạt và cắt đứt sự truyền thông. Chẳng hạn, hai người thương nhau nhưng mới giận hờn chút ít mà có người đã lỡ nói những lời khiến đối phương không hài lòng. Kết quả, dù hai người gặp nhau mỗi ngày, đi làm cùng đường, chung cơ quan, chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung phòng nhưng hai người vẫn im lặng, không ai chịu nói ra vấn đề để giải quyết. Đó là sự im lặng sấm sét, khi nổ ra thì nhà tan cửa nát!
Tôi từng tư vấn cho nhiều đôi vợ chồng như vậy. Có cặp, người chồng là tài xế của công ty du lịch, vợ là giáo viên. Hai vợ chồng đã sống chung tám năm mà không nói chuyện với nhau. Hai người có mặc ước, đi dự đám cưới, ăn tiệc thì vẫn đi chung, vẫn trao đổi tâm sự như không hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi về nhà thì chuyện ai nấy làm, không cần nói chuyện với nhau nữa. Họ sống theo cách, xa nhau thì không chịu nổi mà gần nhau lại khó chịu vô cùng. Tôi góp ý rằng, nếu im lặng để dẫn đến sự hòa giải, vợ chồng thông cảm, hiểu được nguồn gốc của vấn đề thì nên im lặng. Còn im lặng mà ngày càng tạo hố sâu ngăn cách thì thật không nên. Hai người đã đóng kịch được
với người ngoài, tại sao không sống thật như thế trong gia đình để có hạnh phúc thật sự?
Không nên vì bảo vệ sĩ diện mà sống giả hạnh phúc trước mặt mọi người. Giá trị của hạnh phúc không nằm trong sĩ diện. Hạnh phúc có mặt khi sống chân thật với nhau. Tuy hai người họ uống chung dòng nước nhưng không thấy vị ngọt. Một người có cảm giác cay còn người kia có cảm giác đắng. Một người có cảm giác nhạt nhẽo và một người có cảm giác mặn chát. Đó là sự im lặng đáng sợ và nguy hiểm! Ấy thế, gia đình họ được bầu chọn là gia đình hạnh phúc lý tưởng và là cặp vợ chồng có đời sống lý tưởng vì bên ngoài, trước mặt mọi người, họ biểu hiện sự hiểu và yêu nhau. Thực tế, họ là đôi vợ chồng bất hạnh! Vì sĩ diện và bản ngã, cả hai buộc phải diễn tuồng nhập vai nhưng lại không sống thật với bản thân mỗi người. Thật tội nghiệp làm sao!
Cũng có sự im lặng được thể hiện bằng cách biệt vô âm tín, tức là không nói không rằng, không hành động gì cả mà chọn giải pháp, “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Theo Phật giáo, nếu hai vợ chồng ly thân hoặc ly dị trong trường hợp lòng sân hận chưa tháo gỡ thì khi tái sinh sẽ gặp nhau như hai kẻ thù chứ không phải hai người bạn. Vì thế, trước khi chia tay nên tháo gỡ nội kết, trở thành bạn bè của nhau. Làm vậy thì khi gặp nhau có thể nở được nụ cười, vẫy tay chào, hỏi thăm sức khoẻ nhau. Bằng không, nỗi oan khiên oán trái sẽ kéo dài từ đời này sang đời khác.
Sự im lặng còn dẫn đến thái độ tự cô lập bản thân, việc này thường xảy ra ở phương Tây. Ví dụ, trong gia đình chỉ có hai thành viên. Chẳng may, một người giận hờn thì có khuynh hướng tự cô lập mình trong phòng riêng, đóng cửa, không muốn giữ truyền thông với người còn lại. Và, người này không có quyền làm phiền vì luật pháp phương Tây bảo
vệ quyền tự do cá nhân. Tình trạng cắt đứt truyền thông kéo dài trong trường hợp tự cô lập sẽ dẫn đến phá vỡ hạnh phúc!
Đối với gia đình có cha mẹ bất hòa, thường gây gổ đánh đập lẫn nhau thì con cái có khuynh hướng vào phòng riêng đóng chặt cửa hoặc trốn ra sân vườn, ra ngoài ngắm cảnh thiên nhiên, giao du với bạn bè để khỏi chứng kiến cảnh tượng không hay ấy.
Nhiều người bất hạnh quá nên có thái độ hận đời. Chẳng hạn, nhà thơ Hoàng Trung Thông từng phát biểu: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Vì bất lực trước cuộc đời, nhân tình thế thái. Nhiều người không thể chấp nhận được điều đó nên lòng sân hận trỗi dậy quá lớn, dẫn đến thái độ hận cả cuộc đời, không còn muốn làm người nữa, thà làm cây xanh để không chứng kiến “đường trần gian đầy ải thương đau, ai chưa qua chưa phải là người”.
Khi có vấn đề và mâu thuẫn trong mối quan hệ đối tác giữa quốc gia với quốc gia, dẫn đến chiến tranh lạnh, cắt đứt quan hệ, cô lập kinh tế, tạo phe liên minh này không quan hệ đối tác với phe khác. Những cuộc chiến tranh lạnh như thế thường đặt trên nền tảng ý thức hệ của các chủ nghĩa, tôn giáo, liên minh quyền lợi kinh tế... Như vậy, vì lòng sân hận mà đẩy người khác vào chỗ chết. Sân hận này tạo ra hàm oan rất lớn, chắc chắn tạo nghiệp nhân quả xấu về sau.
Thái độ bất mãn có thể dẫn đến sự dấn thân trong cuộc đời. Con người có thể bất mãn với chính mình hoặc chính sách nào đó… nhưng đừng phóng thích sự bất mãn đó bằng cơn tức giận, mà phải thể hiện nó bằng chất liệu của sự xây dựng. Nếu thỏa mãn với tất cả những gì đang có sẽ không bao giờ tiến xa hơn được. Nhà Phật gọi đó là tâm lý âm tính, một phủ định về sự tiến thủ, sự phát triển và thành tựu. Từ đó, nhân lớn bản ngã, cho rằng mình là số một, là trục xoay
của những thành công. Cuối cùng, ngủ quên trên chiến thắng và kết quả sẽ bị bỏ ngoài mặt, trở thành tụt hậu.
Khi nào đạt được trạng thái bất thối chuyển, nghĩa là không bao giờ bị lui sụt trong đạo đức, luôn tinh tấn về chùa tụng kinh, niệm Phật, bái sám, làm phước, tu thiện... Dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu cũng không thối chí, luôn dốc hết tâm lực làm lợi ích tha nhân. Bấy giờ mới có thể gọi là biến cơ hội bất mãn thành động lực dấn thân mang tinh thần Bồ tát. Bằng không, sẽ trở thành rất nguy hiểm, tương lai của ta có thể bị đánh mất, đôi khi còn mang lại khổ đau, ngạt thở cho những người thân trong gia đình và cả chính mình. Vì vậy, nhận diện bất mãn là một nghệ thuật rất lớn, nếu biết áp dụng đúng cách sẽ hành đạo rất hay.
Một trạng thái tâm lý khác cũng dẫn đến sự bất mãn như nghĩ mình là nạn nhân, nạn nhân của oan ức, thái độ phân biệt đối xử, mối quan hệ giữa bản thân và người khác... Tất cả những thái độ trên sẽ dẫn đến bất mãn, khiến không thể chấp nhận được và cảm thấy khó chịu, muốn tìm mọi cách phóng thích. Nhưng nếu không khéo, cảm giác bị ức chế có thể trở thành quả bom nổ bất cứ lúc nào trong tâm. Thay vì phải thể hiện tình thân với mọi người thì lại trút cơn giận lên người thân và người thân trở thành nạn nhân của cơn giận đó.
Hận thù là yếu tố dẫn đến đổ vỡ, tranh chấp về ý thức hệ chính trị, kinh tế, quân sự hay bất cứ vấn đề tranh chấp nào thuộc về quan hệ giữa hai bên trở lên. Khi tìm hiểu về phương thức giải phóng cơn giận, con người sẽ thấy sự thanh bình, niềm an vui tĩnh tại trong tâm hồn và giúp người khác thiết lập được nhịp cầu cảm thông nhẹ nhàng, an lạc, thảnh thơi, vững chãi và lâu dài! Có vậy, mới phát khởi lòng từ bi đối với người, các loài động vật, ngay cả môi trường sống.
ĐỪNG ÔM GIỮ CƠN GIẬN
Có câu chuyện đề cập đến giá trị tình cờ của lòng sân hận, kể về anh bán mũ dưới gốc cây. Giữa trưa, không có khách mua hàng, trời lại nắng như đổ lửa, anh lấy chiếc mũ che mặt và ngủ một giấc say sưa. Khi giựt mình thức dậy, anh ngạc nhiên vì tất cả mũ mất hết. Nhìn qua nhìn lại không thấy ai đùa cả. Quá chán nản, anh ngồi phệch xuống đất, tựa lưng vào gốc cây nhìn lên cao. Bất chợt, anh thấy đàn khỉ cũng lấy mũ che mặt và nằm ngủ trên những cành cây. Lúc đó, anh bán mũ vừa mừng vừa tức. Mừng vì không bị mất cắp mũ, tức giận vì bị đàn khỉ phá phách, nghịch ngợm. Anh quát tháo nhưng không có cách nào lấy lại những chiếc mũ, anh ta lấy đá ném thì bị cả đàn khỉ ném lại những cành nhánh khô và quả làm anh bị nhiều thương tích. Càng giận dữ, anh càng la hét, khua tay khua chân thì đàn khỉ càng khọt khẹt nhái lại các động tác của anh. Thất vọng, anh ném mạnh chiếc mũ của mình xuống đất, đàn khỉ cũng bắt chước làm theo. Thế là những chiếc mũ trở lại với anh.
Câu chuyện cung cấp ý niệm về tính hiệu quả tình cờ của lòng sân hận. Quả thật, đôi khi có những tình huống không dụng tâm cố ý lại có kết quả tốt, còn những tình huống cố tâm suy nghĩ mà các giải pháp đều bị bế tắc. Như vậy, trường hợp của anh bán mũ có thể giúp giải quyết vấn đề bế tắc trong mối quan hệ tình người hay không? Nội dung câu chuyện cho thấy, dù là phản ứng tình cờ nhưng đó không phải là giải pháp. Bởi vì, anh ta không thành công, vẫn còn vướng mắc nỗi sân hận trong lòng khi nhặt những chiếc mũ và tiếp tục đem bán. Suốt ngày hôm đó, anh cứ bực bội, khó chịu vì buôn bán ế ẩm. Tối đến, mãi trằn trọc khó ngủ, cộng thêm sự phá phách lúc sáng của đàn khỉ, cảm giác khó chịu càng tăng. Anh cứ nhớ về ngày bán mũ không may mắn đó. Càng nghĩ, càng khiến hạt giống sân hận trỗi dậy trong lòng,
những hạt giống xấu ấy cứ lặp đi lặp lại một cách vô thức.
Như vậy, khi ôm giữ cơn giận và không có giải pháp trị liệu, sẽ rơi vào tình trạng bế tắc như anh chàng bán mũ. Tất cả những phản ứng của tâm lúc ấy đều là những phản ứng tức thời, nông nổi nhưng để lại nhiều hệ quả bực tức, cau có, khó chịu trong tâm tưởng và làm ảnh hưởng tới sức khỏe.
Sự kiện ngày 11/09/2001 là nỗi đau làm con người bất mãn và phải phóng thích bằng cách này cách kia. Lúc đó, người Mỹ treo lá cờ có khẩu hiệu “We Never Forget” và tuyên thệ với nhau, “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ngày khổ đau lịch sử này”.
Một thời gian sau, chúng tôi đến vị trí thảm hoạ của toà tháp đôi tại New York, thật may, những bức tranh của sự đổ nát, tàn phá chết chóc không còn trưng bày nữa. Tất cả được thay đổi bằng những bức tranh rất đẹp thể hiện nét rạng rỡ về hai tòa nhà Thương mại Quốc tế Mỹ, được chụp từ nhiều góc độ. Những hình ảnh đó làm con người tạm quên đi khổ đau trong quá khứ, theo tinh thần nhà Phật là:
Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước hẹn. Quá khứ đã qua rồi, tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại, chính quán pháp ở đây Không động không lung lay, vì thế nên tu học Không một ai biết trước, cái chết đến lúc nào
Do vậy hãy chánh tâm, sống từng phút hiện tại”.
Đó là giá trị tinh thần ứng xử mà đức Phật đã dạy. Không hồi ức về quá khứ, vì nó chỉ gây thêm bất mãn, sân hận, trả đũa và nuôi lớn hận thù. Khi nhớ về quá khứ đẹp, đôi lúc dẫn đến thái độ nuối tiếc và tạo thành năng lượng triệt tiêu những giá trị hiện tại. Nhà Phật dạy, đừng hồi ức về quá khứ dù đẹp hay xấu, dù hạnh phúc hay khổ đau. Thế mới có cơ hội thăng hoa trong cuộc sống.
Người Mỹ theo Tin Lành nhưng cách ứng xử rất gần với đạo Phật, họ không giữ lại hình ảnh khổ đau, tang tóc. Ở các nghĩa trang trên đất nước Mỹ, nhất là những nghĩa trang mới thường có vườn hồng rất thơ mộng, không giống những nghĩa trang các nước khác.
Đó là chân lý đức Phật dạy cần phải nhớ, đừng cường điệu hóa sự sinh ly tử biệt, chết chóc, tang thương. Vì nó chỉ làm con người có ấn tượng không tốt về cuộc đời, đôi khi dẫn đến thái độ sống tiêu cực, chán nản, thất vọng. Cho nên, nền văn hóa Mỹ trong một chiều kích phát triển nào đó rất gần với nhà Phật. Từ cách trải rộng tình thương thông qua các hoạt động từ thiện xã hội, chăm sóc người cùi hủi, phục vụ người già… rất giống tinh thần nhà Phật. Là Phật tử, nên tự hào về điều đó, cần phát huy nhiều hơn nữa để hoạt động từ thiện, quên mình trong những chế độ an sinh xã hội như các nước tư bản tiên tiến trên thế giới.
BẢN NGÃ ĐỘC TÔN
Nguyên nhân sâu xa khác có gốc rễ từ sự va chạm bản ngã giữa mình và người. Bản ngã là kẻ thù của chính mình và nhân loại, bởi bản ngã luôn giành vị trí độc tôn, không muốn người bằng hoặc hơn mình, cũng không muốn họ được người khác quý trọng thương yêu. Trừ khi tu tập theo đạo Phật, có đức tính tuỳ hỷ với người và tâm giảm hành hoạt của bản ngã thì mới dễ dàng chấp nhận sự đa dạng, khác biệt của cuộc đời và con người. Nếu không, cứ mỗi lần thấy người khác đụng đến tự ngã là sẽ kháng cự, chống đối. Như thế, lòng sân hận không bao giờ vơi đi được. Thái độ bảo vệ bản ngã làm con người trở nên cực đoan, độc đoán, chuyên quyền và loại trừ nhau.
Trong Tam Quốc Chí, Từ Thứ là quân sư của Lưu Bị trước khi Lưu Bị gặp Khổng Minh, vì ông là người văn võ song toàn, chí tình chí nghĩa. Tào Tháo rất lo sợ biết Từ Thứ thờ mẹ chí
hiếu nên lập kế lừa gạt để ông bỏ nghĩa đặng hiếu. Kết quả là Từ Thứ nghĩa, hiếu đều mất và trở thành người thất chí, lỡ một kiếp người. Đó là cách hại người thật thâm độc. Hoặc như Chu Du và Khổng Minh đã dùng kế liên hoàn, xích toàn bộ chiến thuyền của Tào Tháo lại với nhau để đánh hỏa công. Chu Du bị bệnh, Khổng Minh đến bắt mạch và viết ra 16 chữ khiến Chu Du xem xong giật mình, nghĩ Khổng Minh quả là thần thánh. Chu Du liền bật ngồi dậy, cùng bàn cách vời gió đông về đốt trụi 83 vạn quân Tào, làm nên trận Xích Bích nổi tiếng. Vậy mà Chu Du cũng từng đau khổ, gào thét vì lòng ganh tị “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng làm chi vậy?!”
Hoặc như Hitler căm thù dân Do Thái chỉ vì họ thông minh hơn. Nếu để dân Do Thái tồn tại thì chủ nghĩa phát xít của Hitler không bao giờ bành trướng được ở châu Âu hoặc lan rộng khắp thế giới. Hitler giận dữ vì bản ngã, sự độc tôn của ông bị va chạm và thách đố. Muốn bá chủ toàn cầu nên Hitler nỗ lực tiêu diệt họ.
Theo quan điểm nhà Phật, tất cả đều là nhân duyên tương tác. Nếu sống theo quan điểm đó thì tránh khỏi sự va chạm bản ngã. Có thể quan niệm mình là giẻ lau cho người khác sử dụng, là cái ly cho người khác dùng uống nước, là máy điều hòa không khí cho người khác cảm thấy dễ chịu. Thực tập suy nghĩ như vậy thì không còn thấy mình là trục xoay của vũ trụ. Vì thế, sự va chạm, xung đột với người khác không hiện hữu, nếu xảy ra cũng giảm đi rất nhiều.
Nguyên nhân sân hận nguy hại hơn nữa là nghĩ mình bị thương tổn vì bị mất tài sản, của cải vật chất. Hoặc nghĩ sĩ diện, cảm xúc, danh vọng, địa vị chức tước bị thương tổn, xúc phạm bằng lời nói cay đắng, đâm thọc của người khác nên lòng sân hận có dịp tồn tại và phát triển. Ví dụ, khi bị chiếm đoạt phi pháp, bị phá hoại những vật mà mình quý
trọng, thương tổn do cố ý hay vô ý bị tai nạn giao thông. Như vậy, thương tổn tài sản và thân thể làm con người mất sự bình an. Lúc đó, tâm trạng có cảm giác bị thương tổn xuất hiện như lò lửa đang thiêu đốt.
Phật dạy, “Một đốm lửa sân có thể đốt tan muôn mẫu rừng công đức” hay “Một niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn muôn ức cửa nghiệp chướng đều mở ra”. Nghĩa là, trong cơn sân hận, con người mất kiểm soát tâm nên có thể có các hành động giết người, làm việc phi pháp, phá hoại luân thường đạo lý. Hậu quả của cơn giận khó có thể đo lường trước được.
Tất cả những nguyên nhân trên làm tâm bị thương tổn. Để bảo vệ sự thương tổn của chính mình, con người nuôi lớn cơn giận lúc nào không hay và biện hộ đó là đúng, cần thiết vì liên quan đến giá trị, danh dự. Trong khi đó Phật dạy, hãy quán bản ngã không có thực thể vì bản ngã là một cản lực lớn cho việc tiến tu đạo hạnh. Phải quán vô ngã để không bao giờ cảm thấy bị xúc phạm. Nếu người khác nói đúng thì tiếp thu và sửa sai, không đúng thì ghi nhận là tiêu chí xây dựng trong tương lai. Ứng xử thế mới thoát khỏi những cơn giận dữ, dù nó được thể hiện bằng hình thức bộc lộ hay tiềm tàng sâu thẳm trong tâm thức. Theo nhà Phật, để chấm dứt cơn giận, không nên đè nén, ức chế tâm lý.
Có câu chuyện kể về người đàn ông đang bế đứa bé khoảng bảy tháng tuổi. Đứa bé khóc thét, anh vừa vỗ về vừa đi đi lại lại trước một cửa hàng. Hình ảnh của anh khiến một phụ nữ đi ngang qua chạnh lòng, dừng lại chia sẻ. Thường khi trẻ em khóc thì người gần gũi chăm sóc, lo lắng và thương yêu vỗ về là người nữ như bà, mẹ, dì, chị hay bảo mẫu của đứa trẻ. Ở đây, hình ảnh dễ thương là một người đàn ông. Trong hoàn cảnh phải giữ con trẻ thì người cha ít chịu khó, ít bày tỏ tình thương lại hay lớn tiếng, hăm doạ hoặc đánh đòn để nó khiếp
sợ mà im lặng, còn anh này lại vỗ về thương yêu! Anh ta dỗ dành đứa bé, “Tuấn ơi, ráng đi, cố chịu đựng một chút nữa!”
Người phụ nữ đi đường tỏ vẻ cảm thông, khen ngợi tình cảm, đức tính chịu thương chịu khó của anh ta. Chị ân cần hỏi: “Thằng bé tên Tuấn!? Gương mặt nó kháu khỉnh quá, chắc chắn sau này cũng khôi ngô tuấn tú và trở thành người cha tốt như anh.
Người đàn ông ngước nhìn, đáp: “Tuấn là tên tôi, tôi đang tự an ủi mình để gắng giữ bình tĩnh. Nếu không, tôi đã bạt tai nó rồi”.
Câu trả lời của ông ta làm chị sửng sốt vì trái với suy nghĩ của mọi người đang có mặt! Ông đang ức chế và đè nén sự bực bội.
Không biết giải phóng cơn giận có phương pháp để hoá giải nỗi đau thì khi gặp bế tắc thường giữ ức chế, đè nén, chịu đựng sân hận, đến khi không chịu đựng được nữa thì bộc lộ một cách thô kệch. Sự đè nén sân hận giống quả bong bóng bơm quá căng nên dễ dàng nổ tung. Muốn giải phóng sân hận thì không nên đè nén, ức chế tâm lý. Dùng cưỡng lực ức chế tâm lý sân hận là sai lầm, nó như con dao hai lưỡi, rất nguy hiểm! Nói cách khác, đè nén cơn giận không những phản tác dụng mà còn nuôi lớn sân hận hơn.
Khi cơn giận xuất hiện dưới hình thức bị đè nén sẽ làm biến dạng tâm lý con người thành bệnh trầm cảm, lãnh cảm hoặc có thái độ bất cần, trở nên gàn dở, ưa chọc tức, ương ngạnh, ngoan cố, khó chịu. Thái độ bất cần có thể biến dạng theo nhiều cách khác nhau. Có thể sống theo cách, “cha chung không ai khóc,” “chùa chung không ai lo,” “đèn nhà ai nấy tỏ,” “cuộc đời ra sao thì ra,” hay dễ dàng đình công, bỏ việc mà không cần giải thích. Hoặc khi được yêu cầu giải thích thì có thái độ gàn dở, không giải thích lý do. Nếu buộc phải nói thì lẩn tránh vấn
đề hoặc trả lời vô thưởng vô phạt, không đâu vào đâu. Tất cả thái độ ứng xử đó đều phát xuất từ lòng sân hận.
Chắc chắn người sống với thái độ bất cần khó tìm được an vui và hạnh phúc. Hơn nữa, những người chung quanh cũng bị vạ lây bởi sự thay đổi bất thường, sáng nắng chiều mưa, không có lập trường, bản lĩnh, tư cách, không có đức tính để người khác nương tựa hay học hỏi. Người như vậy sẽ trở nên thụ động, cầu an, bi quan yếm thế nên khó có lối thoát trong ách nạn, gian truân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét