Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

"tốt khoe, xấu che"?


 "tốt khoe, xấu che"?
Ông bà thường nói: “Tốt thì khoe, xấu thì che”, đúng thế; Một người bị bệnh hiểm nghèo, mặc cảm nên lánh xa mọi người, khi xóm làng đều biết và cảm thông, anh ta trở lại thân thiện , thường tâm sự với mọi người về căn bệnh và nguyên nhân đưa đến bệnh do cuộc sống buông thả, mục đích để làm bài học cho những ai mon men theo con đường đó. Nghĩa là không cần che đậy mữa.
Đứa con trong nhà ăn cắp vặt, cha mẹ không để làng xóm biết, nhưng khi mọi người biết rõ  nó, đều cảnh giác về nó thì sự che giấu đồng nghĩa với đồng lõa; Cha mẹ khôn ngoan hơn, đem con xin lỗi mọi người và nói rõ bản chất hư hỏng để thiên hạ thông cảm chứ không phải bêu xấu gia đình cho mọi người biết. Nghĩa là xấu không thể che mãi được.
Cộng đồng tôn giáo hay tập thể cũng vậy, chuyện bất như ý xẩy ra chưa ai biết thì nên đóng cửa bảo nhau, nhưng một khi dưới ánh sáng mặt trời, lộ toàn diện vấn đề thì câu nói trên không còn tác dụng, lắm khi phản tác!
Ai cũng muốn tôn giáo mình tốt nên bêu xấu tôn giáo khác; chuyện bới lông tìm vết để đổ tội cho tôn giáo khác cho dù việc phạm lỗi không hề liên can đến tôn giáo họ đang theo. Tinh thần a dua hùa theo dẫm đạp một nạn nhân mà đôi khi chính nạn nhân kia không phải người có lỗi. Một nạn nhân giao thông bị một thiếu nữ va quẹt, nạn nhân lịch sự quan tâm đến người gây tai nạn cho mình thì bị thân nhân hiểu lầm, hành hung nạn nhân – tai nạn thêm một tai nạn!
Có những trút giận vô cớ cũng dễ hiểu khi mà người nhà, phe ta bị trừng phạt lúc sự cố xầy ra, do nóng lòng hay thừa gió bẻ măng cho hả cơn giận, đó là thói thường thiếu suy nghĩ. Nạn nhân biết lỗi không do mình tạo, im lặng che giấu lỗi của tác nhân để  mình chịu trừng phạt, thế nhưng búa rìu dư luận vẫn ác nghiệt đập xuống bằng lời lẽ không phải của tôn giáo mà người sử dụng lời lẽ cay độc vẫn đeo thẻ “đại biểu tôn giáo” và hãnh diện khi thẻ đại biểu toòng teng lủng lẳng lúc xô xát trên diễn đàn.
Giới trí thức bàng quan nhìn thấy mà ngao ngán huống thay bậc tôn túc có nhân cách chỉ thấy lỗi mình mà không quan tâm lỗi người, sao khỏi đau lòng cho đồng đạo gây nên cảnh trái ngang cho tôn giáo, lại thêm một cơn sóng ảo vùi dập cho người trong cuộc đang muốn bảo vệ uy tín cho đồng môn mình. Vì mình chỉ thấy lỗi người mà không thấy cái tốt của người, cứ muốn vùi dập triệt tiêu đối tượng.
Lúc như vậy, có cần “tốt khoe, xấu che” để mang tiếng đồng lõa hay cần phơi trần sự việc một cách khách quan, vừa mang tính giáo dục, vừa thể hiện sự biết điều?
[Phật giáo có nên che đậy, hoặc làm như không thấy, không nghe, không biết sự cố "khóa môi" khi nó đã được phơi bày trên công luận? Hay các nhà lãnh đạo PG cần phải nhanh chóng xử lý nghiêm sự cố này hầu vực dậy niềm tin của quần chúng? Hỏi tức trả lời. Xin bạn đọc tự tìm câu trả lời riêng cho chính mình. - CPLO]
Cổ nhân từng bảo: “tiên trách kỷ - hậu trách bỉ”, thời nay ngược lại chăm chú vết lọ trên mặt người mà không thấy thùng rác trong nhà mình!
Thà chịu sỉ vả nhục nhã xem như tai nạn nghề nghiệp còn hơn ăn miếng trả miếng, phơi bày toàn chân bản chất của đối phương để rồi chính mình không được cảm thông mà còn bị những tâm hồn hẹp hòi đe dọa mạng sống, đó là tâm tốt của người bị ngờ làm chuyện xấu.
Nếu cứ tiếp tục gán ép vì lý do tín ngưỡng tôn giáo vào một nạn nhân, không những vô tác dụng, đôi khi còn bị tác dụng ngược. Nạn nhân có thể cam chịu, nhưng đồng nghiệp, đồng đạo liệu họ có đủ sức cam chịu khi tôn giáo mình bị lôi vào một sự cố ngoài ý muốn? Hay để rồi trên diễn đàn tiếp tục nhục mạ nhau, bươi móc lẫn nhau? Tín đồ với tín đồ hành xử như thế còn cảm thông, chứ tu sĩ chen vào thì chính mình làm hoen ố tôn giáo mình trước khi hạ nhục tôn giáo khác.
Có những sự cố như gió thoảng mây bay, nhưng cũng có sự cố gây đau nhức lâu dài cho chính nội bộ; Hãy khép lại tất cả để mỗi người tự chiêm nghiệm và sám hối, kẻ bàng quan không nên châm dầu vào lửa tạo vết thương trầm trọng; Tinh thần tôn giáo, nhất là Đạo Phật, cho dù ai có lỗi, hãy chăm sóc cả hai khi sự cố xẩy ra vì trong cuộc hay ngoài cuộc đều là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của một bất trắc ngoài ý muốn.
Ai cũng bị trừng phạt từ dư luận và lương tâm thì không còn lý do gì dẫm đạp tiếp để triệt tiêu một tâm hồn còn biết hối lỗi!
Khi hiện tượng xẩy ra, khách quan thường phẩn nộ, khi sự kiện được xử lý, khách quan cảm thấy chua xót, khi sự kiện được phơi bày thực chất thì sự ngao ngán tràn ngập phủ kín mọi căm giận; Thế thì đổ lỗi cho nhau được ích gì hay là chạy tội, đồng lõa sự bao che một cách ích kỷ hẹp hòi.
Cho dù tác nhân hay nạn nhân đều là con người; trong một sự kiện cả hai đều là nạn nhân thì cần có sự chăm sóc, an ủi, tạo điều kiện cho họ hoàn thiện. Không ai là ác quỷ nếu tâm mình nhìn người không mang bản chất ác quỷ!!!
Trước sự chân thành hối lỗi của người mà mình cứ ngờ vực theo chiều hướng xấu đối với họ thì chính tâm ác đã sống chung với mình, mang danh tôn giáo để mà chi?
“Tốt khoe xấu che” cũng chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định mà thôi.
Minh Mẫn (15/11/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét