Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Vẫn những tiếng kêu quen thuộc của chim “quốc” trong đêm


Bình luận nóng trước giờ khai mạc Đại hội PG 7

Chớm Đông, Hà Nội phát triển quá nhanh nên không còn giữ được nét hồn hậu của thời 36 phố phường trong văn học sử; Hà nội không còn thấy sương mù lãng đãng giăng phủ mặt hồ.
Hàng sấu vẫn còn ngậm ngùi chưa muốn thả lá trên những con đường cổ kính bị che khuất bởi các dãy nhà cao tầng hiện đại. Hà nội bây giờ là giòng chảy vội vã để ứ đọng nhiều con đường vào giờ cao điểm.
Cơ sở vật chất, biển quảng cáo và rừng người phủ tràn khắp kinh đô Thăng Long biến thành một xã hội công nghiệp bán hiện đại. Hà nội bây giờ là cô gái quê vừa lên tỉnh, tuy nhạy bén nhập cuộc với cái mới nhưng vẫn chưa phai được nét ngỡ ngàng một thời chân lấm tay bùn.
Trên 1000 đại biểu các tỉnh thành trong và ngoài nước về tham dự Đại hội Phật giáo lần thứ 7, cũng khách sạn Kim Liên và nhà khách công đoàn, vẫn cung văn hóa hữu nghị Việt Sô, và vẫn những quen thuộc từ các khuôn mặt cũ; không có gì xa lạ, như vòng xoay tất định của bánh răng cưa trong guồng máy chạy một cách đều đặn.
Tham luận trong đại hội vẫn ra rả vấn đề nhân sự, khả năng và nhân cách đạo đức, có lẽ cũng phát xuất từ kinh nghiệm bản thân khiếm khuyết của mình. Rồi nói đến hoằng pháp vùng sâu vùng xa mà bao năm vẫn bỏ xa vùng sâu cho thiên hạ thao túng; nào từ thiện xã hội, giáo dục; chỉnh đốn nội bộ, tấn phong, chức sự… đều là những tiếng kêu quen thuộc của chim “quốc” trong đêm.
Tuy nhiên, mỗi đại hội đều có một tiêu chí, tiêu chí nhiệm kỳ 7 là “Kế thừa - ổn định-phát triển”. Hiến chương mỗi nhiêm kỳ đều được điều chỉnh hoặc bổ sung. Nhân sự tăng lên tuy 5 năm qua một số chức sắc Phật giáo đã vãng hóa cõi Tịnh.
So với những nhiệm kỳ trước khi mà bánh xe GH chưa có trớn quay, nhiệm kỳ VI có nhiều cung bậc và sắc màu vừa tương hợp vừa tương phản để có những cái nhìn lại, đặt vấn đề cho nhiệm kỳ mới.
Có lẽ những thành tựu của nhiệm kỳ VI là bản lề kinh nghiệm để nhiệm kỳ 7 phát triển đúng tiêu chí đề ra. Nhưng, cũng trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ VI, số chức sắc viên tịch đã để lại nhiều vấn đề mắc mứu cho nội tình, nhất là trung ương; chính vì thế, trước thềm đại hội không tránh khỏi những áng mây xám.
Trong 54 tỉnh thành, Phật giáo cũng chưa phủ kín Ban trị sự (BTS). Không những vùng Tây Bắc mà tại miền Trung Quảng Bình, bao năm rồi vẫn nhất tự nhất tăng, BTS cũng chỉ duy nhất có một Hòa thượng là hoa trong độc bình làm kiểng. Giáo hội không tiếp tay giải quyết hỗ trợ để vực dậy một vùng đất vốn là chiếc nôi Phật giáo một thời.
Tình trạng thừa và thiếu nhân sự vẫn là căn bệnh ở một số địa bàn như căn bệnh nan y mà văn phòng trung ương hai miền xem như chuyện hàng xóm
Chiều ngày 22-11, tại Cung văn hóa Hữu nghị đã diễn ra phiên trù bị Đại hội PG toàn quốc lần thứ VII
Chiều ngày 20/11, trong buổi họp cuối cùng để rà soát công tác Đại hội PG toàn quốc kỳ 7, các tỉnh thành như Hưng Yên, Daklak, Bình Định đều chưa thỏa mãn tình huống giải quyết của Giáo hội khi những BTS đó đề bạt, một chút bất đồng thuận vì thiếu tinh thần dân chủ theo Hiến chương.
Thành quả đạt được trong 5 năm qua do những sự kiện mang tầm vóc lớn, có sự chủ động của GH hay chỉ là kết quả tất yếu khi những sự kiện đó góp phần đẹp mặt cho quốc gia mà do nhà nước chủ đạo? Bất cứ đại hội nào cũng đưa ra mặt tích cực và hiệu quả, còn những bất toại chưa dám công khai để tự nhận trách nhiệm mà luôn đổ lỗi cho khách quan, ngoại tại.
Đại hội PG kỳ 7, ngoài hình thức truyến thống theo chu kỳ, GH vẫn còn một chút lấn cấn trong tinh thần lục hòa về nhân sự đề bạt.
Chiều ngày 19/11, ban nhân sự Phật giáo phía Bắc họp tại Ban Tôn Giáo chính phủ do ông Nguyễn Thanh Xuân chủ tọa có sự tham dự của các ban ngành liên quan như Ban Dân vận T.Ư, UBMTTQ, Bộ Công An, và Ban Tôn giáo chính phủ.
Vấn đề nhân sự mà từ lâu sau sự ra đi của cố HT T.Thanh Tứ từng gặp nhiều khó khăn; TT Thanh Quyết được Ban Tôn Giáo chính phủ đánh giá cao về mặt ngoại giao, nhưng chưa được đồng thuận trong giáo hội, cũng đã là tảng đá nằm trước cổng chào.
Một số quan chức hiện diện tại cuộc họp cũng đã trung dung để nội tình GH giải quyết; Tuy chư tôn đức hòa dịu nhưng tinh thần căng thẳng không tránh khỏi trước sự cứng rắn của Ban Tôn giáo chính phủ.
Đột nhiên, lá thư sám hối Giáo hội của TT. Thanh Quyết do HT. Gia Quang tuyên đọc đã làm mọi người ngỡ ngàng, bất động trong giây lát; Một sinh khí làm mát dịu hạ nhiệt cho Đại hội; có lẽ do tâm lành của những trưởng tử Như Lai làm tỉnh ngộ tham sân si trước tiền đồ Đạo Pháp.
Một lá thư sám hối cho dù thật lòng hay một chiến thuật tùy địa hình, cũng đã nói lên sự hiểu biết của người  trong cuộc để gương mặt PG sáng sủa hơn trong giai đoạn chuyển tiếp.
Như thế, sự kế thừa có ổn định mới mong phát triển còn tùy thuộc sự khéo léo của giới lãnh đạo GH, sự hy sinh vì đại sự của các nhân sự và sự tôn trọng quyền tự quyết cho tôn giáo.
Thành quả giữa hai nhiệm kỳ không chỉ những gì thu nhặt từ các sự kiện lớn trong 5 năm qua, mà tinh thần hòa hợp của Đại hội mới là thành quả báo hiệu cho một tương lai 5 năm tới.
Hà Nội mạnh Đông, 21/11/2012
Minh Mẫn (Đặc phái viên của Chùa Phúc Lâm online gửi về từ Hà Nội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét