Nhận định về thông tin này, một lãnh đạo giáo hội giấu tên đã phải thốt lên: "Đây là thông tin không thực tế, mang tính
kích động".
Vấn đề đặt ra là ai đã qua mặt Hòa thượng Tổng Biên Tập duyệt đăng trên tuần báo GN và Giác Ngộ online bản tin "kích động", vốn chưa được một cơ quan thẩm quyền nào của nhà nước VN công bố chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng?
Đề nghị lãnh đạo báo Giác Ngộ có biện pháp phù hợp đối với người đã cố tình xuyên tạc thực tế số lượng tín đồ Phật giáo VN ngày nay.
Nhân đây, Chùa Phúc Lâm online xin giới thiệu bạn đọc phản biện của cư sĩ Minh Mẫn về thông tin này.
Ngày 1-11, trong mục “Thời sư: Câu chuyện trong tuần”, báo Giác Ngộ đưa tin "Tín đồ Phật giáo Việt Nam chỉ còn 6.802.318 người" của tác giả Minh Thạnh.
Trong bài, tác giả viết: "Chúng tôi muốn nói đến số liệu tín đồ Phật giáo do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số thực hiện trong cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 được nhiều tài liệu nghiên cứu mới dẫn lại. Điều rất tiếc là số liệu của cuộc tổng điều tra này không được giới Phật giáo quan tâm.
Các cây bút Phật giáo hầu như đều sử dụng các nguồn số liệu tín đồ Phật giáo khác đã cũ, không có tính cách chính thức. Trong rất nhiều số liệu về tín đồ Phật giáo tại Việt Nam, con số thấp nhất chỉ dừng lại ở mức khoảng 10 triệu người."
"Nhiều tài liệu nghiên cứu mới dẫn lại" từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 là tài liệu nào mà sao tác giả không dẫn chứng? Tại sao tác giả không trưng dẫn trực tiếp tài liệu của “tổng cục điều tra dân số” mà lại phải qua trung gian “nhiều tài liệu nghiên cứu mới” một cách không rõ ràng? Liệu có đủ cơ sở để tin những tài liệu dẫn lại? thậm chí tài liêu của “tổng cuộc điều tra dân số” công bố đã thật sự chính xác chưa?
Như ta đã biết, thống kê tín đồ Phật giáo là một việc làm khó khăn nhất. Ngay cả việc thống kê quốc tế về tín đồ tôn giáo trên thế giới cũng khó nắm bắt thực tế về số lượng tín đồ Phật giáo toàn cầu. Huống chi với khả năng hành chánh hiện nay của Việt Nam, liệu việc thống kê như thế có đáng tin?
“Điều rất tiếc là số liệu của cuộc tổng điều tra nầy không được giới Phật giáo quan tâm”. Sao Minh Thạnh biết giới Phật giáo không quan tâm? Không quan tâm sao thành lập Ban Hoằng Pháp và giảng sư đoàn làm gì? Có mình tác giả quan tâm số liệu này nên giới thiệu nhiều tài liệu nghiên cứu mới không dẫn chứng?
“Các cây bút Phật giáo hầu như đều sử dụng các nguồn số liệu tín đồ Phật giáo khác đã cũ, không có tính cách chính thức”. Vâng, chỉ có cây bút Minh Thạnh biết sử dụng nguồn số liệu chính thức vô căn cứ như thế. Một nhà nghiên cứu nghiêm túc thì không ai dám "liều" sử dụng tài liệu về số lượng tín đồ của một tôn giáo mà chưa được cơ quan nhà nước thẩm quyền công bố chính thức trên các phương tiên thông tin đại chúng.
Trong thời Pháp thuộc và 9 năm dưới chế độ nhà Ngô, Phật giáo tổ chức tuy lỏng lẻo, cũng chưa bao giờ có số liệu dưới 10% tín đồ Phật giáo so với dân số đương thời. Nếu vậy, làm sao Phật giáo Việt Nam tạo nên kỳ tích 1963 để bảo tồn Đạo Phật?
Ngày nay, với số lượng cơ sở chùa viện Tịnh xá, tịnh thất, với số lượng tu sĩ và với một tổ chức Giáo hội thống nhất Bắc Nam như thế, chẳng lẽ tín đồ Phật giáo lại xấp xỉ Công giáo-Tin Lành?
Số liệu kê khai cơ sở thờ tự của Phật giáo chưa đầy đủ hiện nay đã trên 14.000. Theo trình bày của Đại sứ Quán Việt Nam tại Thụy Điển là 17.000 cơ sở thờ tự, với khoảng 40.000 tăng ni và 36 trường đào tạo các chức sắc tôn giáo. Theo Bách khoa toàn thư wikipedia thì Việt Nam hiện nay có 14.775 ngôi chùa, chưa kể am thất.
Trung bình mỗi tự viện như thế có vài trăm tín đồ, thì trện 14.000 tự viện sẽ là bao nhiêu? Riêng Đạo Tràng Pháp Hoa của HT. Thích Trí Quảng đã ngoài ngàn vị.
Chưa nói đến những cơ sở tu học lớn như chùa Hoằng Pháp một tháng có nhiều khóa tu cho nhiều thành phần khác nhau, mỗi khóa từ 3.000 đến 6.000 người.
Tỉnh thành nào cũng có những cơ sở tu học cho hàng ngàn Phật tử; các chùa đều làm lễ quy y hàng tháng, mỗi lần quy như thế trên dưới 50 người. Komtum quy y cho đồng bào sắc tộc mỗi lần 4.000 người.
Nhìn vào những rằm hàng tháng, chưa nói đến giao thừa, quần chúng đi lễ chùa như trẩy hội. Lễ vía Di Đà, Phật Thành Đạo, chùa Hoằng Pháp phải chen chân trên 25.000 người từ đầu đường vào trên nửa km, mới đến được chánh điện. Hàng ngày chùa Hoằng Pháp có trên dưới nghìn lượt người đến chiêm bái là chuyện thường.
Và hầu hết các chùa thành lập đạo tràng niệm Phật, đạo tràng Thủy sám, đạo tràng Pháp Hoa…cũng không dưới 100. Khóa tu hàng tháng của chùa Từ Tân, Tân Bình cũng vài trăm vị.
Các tỉnh thành phía Bắc, số lượng tín đồ lễ chùa như trăm hoa đua nở…Những ai đến lễ chùa, cho dù chưa quy y, vẫn được xem là tín đồ Phật giáo.
Tín đồ đơn giản là người tin Phật chứ không nhất thiết phải quy y mới là người tin Phật. Như thế căn cứ vào thống kê hành chánh dựa vào lồng phái quy y, phải chăng là điều bất cập.
Ai bảo đảm rằng việc thống kê đôi khi không phỏng chừng? Ngay cả viết lách ngồi trong tháp ngà như Minh Thạnh còn tưởng tượng phỏng đoán nêu lên những chuyện giật gân như “cải đạo” “tôn giáo mới”…để câu khách cho các web ế khách!!!
Người viết phải đi vào thức tế, viết phải có chủ đích, cảnh báo phải có sự kiện cụ thể, không nhát ma quần chúng, không làm cho quần chúng sợ bóng sợ gió, la toáng lên mà chẳng đưa ra một phương án giải quyết.
Theo Minh Thạnh thì số liệu nầy đã giảm 1/3 con số trước đây, chỉ vài năm mà giảm như thế thì liệu 10 năm nữa có lẽ Phật giáo đứng ngoài lề xã hội?
Đồng ý cảnh báo là việc cần, nhưng bối cảnh Việt Nam hiện nay và bối cảnh Nam Triều Triên sau đệ nhị thế chiến khác xa.
Sau chiến tranh, Nam Triều Tiên được Mỹ hỗ trợ xây dựng đất nước, song song đó du nhập các Mục sư năng nổ hoạt động, và bấy giờ các sư bỏ phố lên rừng để nhường sân chơi cho ngoại đạo.
Bài học đó, Phật giáo Việt Nam chưa quên. Vì thế, ngoài việc củng cố nội tình và phát triển hoằng pháp trong nước, PGVN còn thành lập trên 300 cơ sở thờ tự trên thế giới. Số lượng quần chúng đến với chùa ngày một đông, tuy giáo lý chưa được thâm nhập nhiều.
Trên các trang tin Phật giáo, nhất là Giác Ngộ, thông tin cho thấy sinh hoạt Phật giáo từ Bắc đến Nam như thế nào để rồi chính Giác Ngộ lại đưa một bản tin vu vơ giàu trí tưởng tượng như thế để làm nhụt chí phật tử, gây hoang mang cho giới lãnh đạo.
Phải chăng Giác Ngộ cần những tin giật gân để câu độc giả mà lâu rồi Giác Ngộ vẫn chưa qua mặt được một số trang tin Phật giáo sanh sau để muộn?
Vấn đề được độc giả lưu tâm không phải tin giật gân giàu tưởng tượng mà là những bài giúp cho họ có thêm học hỏi về giáo lý hay những thông tin thực trên màn ảnh ảo.
Đã là màn ảnh ảo mà thêm thông tin ảo thì độc giả sẽ sống theo ảo tưởng như những tác giả ảo tưởng.
Một trang tin phong phú do người điều hành đủ khả năng chọn bài có giá trị, giá trị về nội chất, giá trị về bút pháp, giá trị về sử liệu, giá trị về trí tuệ… Những tin “chó cắn xe – xe cán chó” thì báo lá cải thừa sức, không cần đến cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo hay trang tin của tôn giáo.
Hy vọng sẽ không có những bài giàu tưởng tượng xuất hiện trên các web Phật giáo để không làm khó chịu độc giả nghiêm túc, không lạc dẫn quần chúng ám ảnh cơn mê sảng; làm sao giúp Phật giáo và quần chúng có phương án bắt tay lăn xả vào trận chiến Hoằng Pháp hiện nay hiệu quả, hơn là ngồi một chỗ la toáng như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét