Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Phản cảm hình ảnh sư thầy bị “khóa môi” trên sân khấu




Phản cảm hình ảnh sư thầy bị “khóa môi” trên sân khấu
05/11/2012
(Kienthuc.net.vn) - Đêm nhạc gây quỹ giúp Wanbi Tuấn Anh trong cơn bạo bệnh do ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng tổ chức diễn ra tại phòng trà Không Tên (TPHCM) tối 4/11 được hai tu sĩ phật giáo: một Nam tông, một Bắc tông giúp tạo thêm nụ cười chua xót không chỉ khán thính giả tại sân khấu mà còn vô số khán giả phật tử trong và ngoài nước khi chứng kiến cảnh nửa đạo nửa đời.
Hai sư dùng tiền cúng dường của phật tử (cúng dường lo cho Tam bảo) mua chai rượu đấu giá với 55.000.000 đồng trong khi giá thực có 4.000.000 đồng khi họ Đàm tuyên bố sẽ khuyến mãi nụ hôn nếu ai mua được giá.
Thế là hai vị sư thầy này bất chấp giới luật nhà Phật cấm uống rượu, can đảm bỏ đồng tiền mồ hôi nước mắt của phật tử để mua vui trên sân khấu.
Ca sỹ họ Đàm “khóa môi” hai sư được thấy qua hình ảnh báo chí, hình như từ thuở đạo Phật xuất hiện trên thế gian này cũng chưa có màn nào "độc" như vậy. Chắc chắn ca sỹ họ Đàm không phải tín đồ Phật giáo nên hành động như thế có thể dễ hiểu nhưng còn các sư?
Ai cũng biết, nhất là tu sĩ, giới luật cho một chú Sa di đã là 10 điều, Tỳ Kheo là 250 giới, có nghĩa là từ thô đến tế trong cung cách sống hàng ngày đều nằm gọn vào giới. Chẳng những vậy, còn luật nghi gồm 24 điều mà một tiểu Sa di phải thuộc lòng bốn cuốn luật trước khi thọ giới.
Thế nhưng, hình ảnh trên sân khấu của hai sư phơi bày tất cả sự phản cảm mà từ lâu quần chúng đều tín rằng các sư là người gương mẫu, là người có tiêu chuẩn đạo đức đáng là thầy Trời Người, là bậc Ứng cúng, xứng đáng thọ nhận sự cung kính cúng dường của bá tánh.
Dân gian thường nói: "Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần". Một nhân cách làm người đã phải như thế thì nhân cách làm một bậc xuất thế mà luật định về tứ oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi còn tinh tế hơn gái về làm dâu thời phong kiến.
Chẳng hiểu các vị sư thầy này đã được đào tạo từ học viện nào, từ thầy tổ nào, xuất thân từ tông môn nào mà còn tệ hơn người dân bình thường?
Một người dân có giáo dục, không ai dám nói đùa quá trớn. Quân tử bất hý ngôn của Nho giáo đã vậy thì lẽ nào một nhà sư dám ăn nói bừa bãi mà ngay cả nhà báo phải thốt lên: “ăn nói chịu chơi - khó đỡ”.
Một người cầm bút còn không dám lặp lại lời nói của "nhà sư chịu chơi", phát ngôn bừa bãi thì ngược lại hai vị nhà sư này lại thoải mái buông lời đến nỗi nữ ca sĩ Hà Hồ và Lệ Quyên phải che mặt xấu hổ.
Một người dân bình thường chưa ai dám nói đến chuyện phòng the trước công chúng. Huống chi một nhà sư đã phát nguyện thọ giới không tà dâm (ý không nghĩ dâm dục, miệng không nói lời dâm dục, thân không làm chuyện dâm dục), trước thanh thiên bạch nhật có thể phát ngôn: “Ngủ không phải là lúc con người hạnh phúc nhất! Thức mới gọi là hạnh phúc, vì khi thức con người mới được sướng!” và “Vợ mình luôn là đặc sản của người ta!”.
“Thầy còn kể, mới đây, trong một lần đi ngang công việc, nhìn thấy cặp tình nhân ôm hôn, thầy cũng rất “thèm”, nhưng vì đã trót làm nhà sư nên thầy không thể làm gì được!”
Các sư đi tu bao lâu rồi mà kinh nghiệm đầy mình đến thế? Ai bắt buộc thầy đi tu? Trốn nghĩa vụ? trốn nợ? sợ lao động? ngoài đời làm không đủ sống…?
Cho dù các sư muốn sống thực lòng mình nhưng hãy nghĩ lại cơm bá tánh đang nuôi quý vị, áo đàn việt đang che cho quý vị, đừng vì bốc đồng thỏa dục mà bêu xấu tôn giáo mình đang nương cậy ấm thân!
Xin Đàm Vĩnh Hưng, dù anh là ai, dù là tôn giáo nào, hãy biết tôn trọng tín ngưỡng kẻ khác, đừng tạo điều kiện giúp cho kẻ lạm dụng chiếc áo mà bôi bác nhà Phật.
Xin các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo và bổn sư của hai vị sự thầy này trả lời giúp sự kiện đặc thù nầy. Mong thầy Trụ trì đang chứa hai sư này nên có thái độ giáo dục nghiêm túc nếu họ còn muốn trụ lại trong chốn Thiền môn.
Minh Mẫn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét