NHẬN XÉT LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP
của Tăng Sinh:T.Thiện Huệ
Khóa
IV (1997-2011) của Học Viện Phật Giáo Việt Nam
(chữ
nghiêng là của Thiện Huệ và Sấm giảng)
Gần đây, trong tháng
12/2012, v/p TW Phật giáo Hòa Hảo đã có
văn bản gửi v/p2 GHPGVN cũng như Học viện Vạn Hạnh, và trên 40 tín đồ Phật Giáo
Hòa Hảo từ miền Tây Nam bộ cũng trực tiếp đến Học Viện Vạn Hạnh để khiếu kiện
một luận văn tốt nghiệp khóa IV của Tăng sinh T.Thiện Huệ qua chủ đề:
“THỰC CHẤT CỦA ĐẠO HÒA HẢO” do GS Minh Chi hướng dẫn, HT T.Giác Toàn TM Hội Đồng
Điều Hành phê duyệt –“ đạt yêu cầu”. Và cá nhân như ông Nguyễn Châu Lang, tín đồ
Phật Giáo Hòa Hảo cũng có văn thư gửi đến các cấp chính quyền liên đới cũng như
Học viện Phật giáo VN khóa 7 tại TP HCM, phản đối.
Qua chủ đề, cho phép
người đọc hiểu được nội dung và khuynh hướng của tác giả muốn nói gì về PGHH.
Càng đi sâu vào luận văn, càng thấy tác giả phê phán gắt gao với nhiều ác cảm
chủ quan của tác giả đứng trên lập trường kiến giải thiên lệch. Một lý luận được
xây dựng trên một học lý cá biệt để phê phán một giáo phái cá biệt, thế mà Hội
đồng điều hành chấp nhận là đạt yêu cầu, kể cũng lạ!
Trong phần dẫn nhập,
T.Thiện Huệ nêu lên vị trí địa lý thuận lợi về thổ nhưỡng do sông Mekong đem lại;
tác giả thông qua lịch sử khai sơn của chúa Nguyễn Phúc Nguyên khi vùng đất nầy
còn tùy thuộc Chân Lạp. Từ cuộc sống thuận lợi tạo cho cư dân có tính tình
phóng khoáng cởi mở, thật thà; cọng thêm tín ngưỡng thần linh, chính những điều
kiện đó, theo tác giả, người dân đã bị một số người làm chính trị lợi dụng,
trong phần dẫn nhập, T. Thiện Huệ viết:
….”Vì vậy trong các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, một số người
đã lợi dụng niềm tin và sự thiếu hiểu biết của người dân bằng loại tín ngưỡng nầy
mà lôi kéo họ vào các hoạt động chính trị dưới hình thức của một tôn giáo, đạo
Hòa Hảo là một ví dụ điển hình….”
Ta hãy khách quan nhận
xét về những luận điểm chủ quan của tác giả để thấy cái đúng cái sai, cái thật
cái giả của một luận văn hướng dẫn Hội đồng điều hành, dẫn dắt cả GS hướng dẫn
đi lệch quá xa sự thật về lịch sử của Hòa Hảo, mà Học Viện Phật Giáo cho là luận
văn “đạt yêu cầu”.
Phần
nội dung: “Đạo Hòa Hảo là một tôn giáo pha tạp”
I-Nguyên Nhân lịch sử:
“Trong
lĩnh vực nghiên cứu văn chương, khi tìm hiểu thực nghĩa của một tác phẩm văn học
nào đó,ngoài việc tìm hiểu nội dung tác phẩm, chúng ta không thể không nắm vững
hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đó. Vì sao? Bởi vì đó chính là gợi điểm quan trọng
giúp chúng ta hiểu chính xác về ý nghĩa của tác phẩm cũng như tâm tư tình cảm
mà tác giả đã gửi trọn trong đó.
Cũng
vậy,với tôn giáo, khi nghiên cứu về giá trị tư tưởng của một tôn giáo nào đó với
sự hiện sinh của nó, chúng ta không thể chỉ chú trọng vào vấn đề nghiên cứu nội
dung giáo lý mà không tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử của tôn giáo đó. Biết được
hoàn cảnh lịch sử cũng có nghĩa là biết được vì sao tôn giáo ấy xuất hiện, và
xuất hiện với mục đích gì. Bằng không, chúng ta sẽ dễ bị ngộ nhận và sẽ đưa đến
những kết luận sai lầm trong nghiên cứu. Trường hợp nầy đã từng xẩy ra đối với
một số người khi nghiên cứu về đạo giáo Hòa Hảo.”…
Thế thì những tác giả, học giả uyên thâm về tôn
giáo, nhất là những tác giả trong viện nghiên cứu tôn giáo của nhà nước và giáo sư hướng dẫn Thiện Huệ - Minh Chi, triết
gia Kim Định, Phạm Công Thiện…cũng chưa đúng khi viết về Phật giáo Hòa Hảo –
như Thiện Huệ vừa nói.
Tác già viết: … “còn với
những kẻ quyền uy thế lực, trong tay có đủ binh quyền, đang muốn thực hiện mộng
đế vương thì có bao giờ họ nghĩ đến vì sự an sinh cho dân chúng hơn là mộng
vàng của họ? Cũng vì tính vị kỷ của những nhà cầm quyền nầy mà các đảng phái thời
bấy giờ gần như có sự hoạt động độc lập với nhau; có những đảng phái còn đối lập
với nhau về đường hướng chính trị. Sự đối lập nầy cũng có nghĩa là sự tranh
giành quyền thống trị quốc gia giữa các nhà cầm quyền của các đảng phái, thực
chất chẳng phải họ hoạt động vì nước vì dân.. Do vậy, cuộc đấu tranh lúc nầy
không còn nằm trong phạm vi đánh đuổi thực dân xâm lược, mà còn là sự tranh
giành quyền trị quốc giữa các ông vua tương lai của đất nước….”
…
“Đạo Hòa Hảo xuất hiện trong hoàn cảnh nầy lại thêm có sự thành lập quân đội,
chúng ta không thể không nói rằng nó không liên quan đến chính trị và sự tranh
giành quyền thống trị quốc gia….”
Đây là lối suy diễn hồ
đồ của tác giả khi nhìn qua hiện tượng. Thế thì bao nhiêu lực lượng chống ngoại
xấm trong lịch sử dân tộc đều là có mưu đồ tranh giành quyền lực, nuôi mộng đế
vương???
Trong phần III ĐẠO HÒA
HẢO LÀ GÌ? Tác giả phủ nhận những luận cứ
của Bạch Diệp và Nguyễn Trung
Nghĩa về sự tha hóa của Tăng sĩ thời bấy giờ. Tác giả viết: … “Căn cứ vào lịch sử PGVN, chưa bao giờ chúng
ta thấy có một PG bị “lu mờ mất gốc” để bị thay thế bởi một tôn giáo khác, Phật
giáo Hòa Hảo. Rất tiếc, thời kỳ mà Bạch Diệp và
Nguyễn Trung Nghĩa cho là PG bị lu mờ thì lịch sử lại cho biết Phật giáo
đang trong thời kỳ phục hưng, tức từ khoản năm 1930 đến năm 1945.”…
Sao tác giả mâu thuẩn vậy?
nếu không có suy thoái thì sao gọi là phục hưng? Ai cũng biết suốt thời Pháp
thuộc, đa phần chư Tăng đều lập gia thất để duy trì Tam bảo giữa lòng xã hội có khuynh hướng ngã
theo Âu học. Tuổi trẻ thích ăn vận theo mode mới và học chữ quốc ngữ, một thời
gian dài thiếu tuổi trẻ kế thừa chốn Thiền môn. Lúc bấy giờ Phật giáo sống với xã hội dân dã bằng ma chay đám tiệc cổ truyển
khi mà đa số có khuynh hướng chuộng mới nới cũ. Phần lớn các sư bấy giờ thất học,
thiếu kiến thức cập nhật thời đại, chữ Nho chữ Nôm không còn phổ biến trong xã
hội, vì thế, Phật giáo không được coi là một tôn giáo mà là một trong những hội
đoàn bằng dụ số 10, mãi đến sau 1966 mới được thoát khỏi. Kể từ năm 1930, mới
theo khuynh hướng canh tân Phật giáo của Ấn do ông Rảyendachilala,
ông Sarat Chandrodas, Ðại đức Anagarica Dharmapala; các
cao Tăng Trung Quốc như Ngài Thái Hư Đại sư, và cư sĩ Dương Nhân Sơn;
VN mới có các thiện tri thức như bác sĩ Tâm Minh Lê đình Thám, Thiền sư Khánh
Hòa, thiền sư Phước Huệ, thiền sư Thanh Hanh đứng ra hợp tác với một ít bậc
chân tu để đào tạo Tăng tài chấn hưng Phật giáo. Từ đó mới có các trường Phật học.
Vậy T. Thiện Huệ dẫn chứng cho thấy thời Pháp thuộc, trước 1930, Phật giáo rạng
rỡ ở đâu? Có bao nhiều chùa được xây cất
và bao nhiêu tu sĩ được xuất gia như ngày nay mà bảo không lu mờ?
Đoạn cuối III, Thiện Huệ
viết: … “Tuy nhiên, theo chúng tôi, chúng
ta không nên dùng danh từ Phật giáo trong Phật giáo Hòa Hảo. Bởi vì, tôn giáo nầy:
thứ nhất, nó không phải là một tông phái Phật giáo; thứ hai tư tưởng của nó
không mang tính Phật giáo, tức không phù hợp với những lời Phật dạy. Do đó, nếu
chúng ta dùng đạo nầy với danh từ Phật giáo ắt hẳn sẽ gây sự ngộ nhận cho nhiều
người rằng đây là một tông phái Phật giáo.
“Tuy
nhiên, theo chúng tôi”, ngoài Thiện Huệ còn ai nữa mà theo
chúng tôi? Cá nhân Thiện Huệ làm luận văn nầy hay cả một tập thể ẩn danh mà
xưng là chúng tôi??? Thiện Huệ định nghĩa thế nào là một tông phái Phật giáo?
Điều kiện nào để trở thành một tông phái Phật giáo? Một người tin Phật, niệm Phật,
hành thiện không đủ để trở thành một tín đồ Phật giáo? Một tập thể có giáo chủ (tông trưởng) có đường hướng sinh hoạt
hành thiện, lấy câu niệm Phật làm chủ đích, có nghi lễ, có tổ chức, nguyện vãng
Tây Phương…không thể gọi là một hệ phái mang tính Phật giáo, không phù hợp với
lời Phật dạy? thế thì có một số tu sĩ xem quẻ, bói toán, phong thủy, bùa thuật…được
gọi là Phật giáo? Có những người xem Thiền là cội nguồn của đạo Phật, chê bai Tịnh
độ là ngoại giáo, Mật tông bị xem là lệch hướng của đạo Phật, nhưng quá trình tồn
tại của các tông phái, chứng minh họ có đủ khả năng giúp hành giả giải thoát
phiền trược, sinh thân an lạc và lòng từ vô biên. Từng một thời Bồ Đề Đạt Ma bị
Lương Võ Đế xem là tà giáo. Thời gian minh chứng pháp hành chánh hay tà là do đường hướng tu tập của cộng
đồng đó có lợi cho xã hội, có ích cho tự thân và có mang màu sắc mê tín hay
không, có đem lại an lạc cho hành giả hay không. Không thể lấy vị trí của mình
đang đứng mà đánh giá đúng sai với vị trí của người khác. Đó là biên kiến ấu
trĩ.
Tịnh Độ cư sĩ lấy tôn chỉ Phước Huệ song tu; Tịnh Độ cư sĩ
chuyên về phòng thuốc từ thiện, Phật giáo Hòa Hảo lấy Tứ ân làm cốt, học Phật
tu nhân làm chuẩn, mọi mặt từ thiện xã hội song song với việc tu tập, là một
trong những Giáo hội được nhà nước chấp nhận cho sinh hoạt hợp pháp, Thiện Huệ
bảo Hòa Hảo không phải là tôn giáo, thì nhà nước hợp pháp hóa sinh hoạt là sai
lầm sao?
Thiện Huệ bảo – tư tưởng của nó không mang tính Phật giáo, tức
không phù hợp với lời Phật dạy. Vậy tính Phật giáo là tính gì? Thiện Huệ
quên rằng tùy duyên bất biến của Phật giáo? Chính vì tùy duyên mà Phật giáo Đại
Thừa tuy đi xa Phật giáo nguyên thủy đến độ bị xem là tà giáo ngoại đạo nhưng
đã chuyển tải được tinh thần Phật giáo vào mọi tầng lớp và phát triển quảng bá
rộng rãi trên thế giới so với Phật giáo nguyên thủy. Chính tùy duyên mà nhà Trần
đã chống ngoại xâm phương Bắc, vì thích ứng với tinh thần Tứ ân mà bao Tăng sĩ
cởi ca sa khoác chiến bào để bảo vệ đất nước; suốt 2000 năm, Phật giáo đã cùng
dân tộc vinh nhục dưới mọi hình thức, và để bảo tồn mạng mạch Phật pháp, đôi
khi Phật giáo phải lấm bùn cùng dân tộc. Chẳng lẽ Phật giáo phải đầu tròn áo
vuông, chỉ biết gõ mõ mà bỏ mặc thế sự nhiễu nhương cho dân chúng cam chịu
trong thời ngoại thuộc???
Trong phần IV, Thiện Huệ
xét về nội dung giáo lý, nói:
“Một
tôn giáo khi ra đời muốn tồn tại và phát triển được thì tôn giáo đó phải có gía
trị của riêng nó”… Giá trị của riêng nó là giá trị gì? Có
tiêu chuẩn nào ấn định về một giá trị cho một tôn giáo hay chỉ là quy ước trong
mọi hành xử? Những tôn giáo có mặt tại Việt Nam, có tôn giáo nào hướng dẫn cho
quần chúng về nông nghiệp, giáo chủ và chức sắc nào sâu sát quần chúng, đồng
cam cộng khổ cùng tín đồ và xã hội hóa về tính tương quan trong mọi sinh hoạt đời
thường hầu nâng đỡ nhau. Hiện nay, có tôn giáo nào hàng ngày cung ứng trên 10
ngàn xuất cơm miễn phí cho các bệnh viện khắp các tỉnh thành phía Nam. Đào giếng,
xây nhà, bắt cầu cấp phát học bổng, trợ cấp áo quan cho người nghèo, chuyển viện
miễn phí bất kể giớ giấc khi có yêu cầu, mở các quán chay từ thiện giúp dân
nghèo mà bản thân họ sống đạm bạc, chay lạt nghiêm túc; Tính tương trợ rất cao;
chúng ta đã làm được chưa hay chỉ ngồi trong tháp ngà được trang bị một ít kiến
thức, nhìn đời qua lăng kính “khiếm thị” rồi cao ngạo phê phán???
… “Xét trên bình diện nầy, Hòa Hảo là một tôn giáo được thành lập cách
đây không lâu, lẽ ra trong kế thừa, nó phải có tính sáng tạo, khi có sự ảnh hưởng
hay tiếp nối tư tưởng, mà hầu như toàn bộ giáo lý đạo nầy, nói chung, đều là sự
vay mượn lẫn lộn,thiếu trung thực, thiếu sáng tạo từ những tư tưởng của các tôn
giáo có trước như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài
Giáo…Trong đó chỉ có ba hệ thống tư tưởng của Phật, Khổng, Lão là có ảnh hưởng
sâu đậm đến sự hình thành giáo lý đạo Hòa Hảo. Cho nên, trên lập trường tư tưởng,
tôn giáo nầy hoàn toàn không có chỗ đứng.”…
Thiện Huệ nói như con vẹt,
không chịu tìm hiểu mục đích khai đạo của Đức Huỳnh mà cứ phát ngôn bừa bãi. Ngài có bao giờ tuyên bố
thành lập tôn giáo mới? Mục đích Ngài chấn hưng lại nền đạo đức cổ truyển, một
nền đạo đức đã tha hóa trước sự xâm lăng
của văn hóa ngoại lai, lấy đạo Phật làm nền tảng để học Phật từ đó tu sữa
nhân cách chứ không phải lấy đạo Phật để sáng tạo ra tôn giáo mới hay lấy Phật
giáo để lừa bịp nuôi sống bản thân. Đã không có mục đích sáng lập tôn giáo mới
thì sáng tạo làm gì thuộc về lý thuyết trừu tượng viễn vông, trong khi đó Ngài
dành thời gian để khuyến nông, giáo dục quần chúng, chữa bệnh giúp đời và chống
ngoại xâm một cách thiết thực, chứ không ngồi đó mà phê phán ấu trĩ như Thiện
Huệ.
… “Đọc Sấm giảng và thi văn chúng ta thấy hình ảnh đức Di Đà và pháp môn
niệm Phật luôn được Huỳnh Phú Sổ đề cập và tán dương, điều đó cho thấy ông rất
coi trọng pháp môn nầy, và tín đồ của ông chắc chắn sẽ y đó mà tu”…
Viết như thế mà Thiện
Huệ vẫn không thấy mục đích của Đức Huỳnh; Ngài đã chọn pháp môn niệm Phật để
tu và dạy bá tánh tu thì Ngài đâu phải lập ra tôn giáo mới. Tịnh độ là bổn môn,
làm điểm tựa cho tín đồ tu tập song song việc hành thiện tu nhân thì có gì mà
sai phạm?
Thiện Huệ trích một đoạn
trong sấm giảng:
“ Đức Di Đà truyền mở đạo lành
Bởi vì ngài thương xót chúng sanh
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy
Nên khổ lao khùng không có ngại
Miễn cho đời hiểu đặng đạo mầu,
Ai muốn tìm đạo cả cao sâu,
Thì hãy dẹp tánh tình ích kỷ,
Mau trở lại đừng theo tà quỷ.
Tham, sân, si chớ để trong lòng
Phải giữ lòng cho được sạch trong,
Mới thoát khỏi trong vòng bệnh khổ”
Rồi phê phán: …”Thế nhưng, khi nhìn thấy hình ảnh đức Phật
Di Đà mà Huỳnh Phú Sổ đã diễn tả ở trên,lòng tôi cảm thấy phát sanh sợ hãi, và
chắc chắn tôi sẽ không bao giờ dám phát nguyện tu hành để được sanh về thế giới
của ngài.
Đức
Phật sao lại quá cao xa đầy quyền uy thế lực như một đấng quân vương có thể sai
khiến bất kỳ thần dân nào làm gì cũng được? Và hình như Ngài không có sự gần
gũi chúng sanh như các vị Phật, Bồ Tát khác? Nên dù có thương xót chúng sanh
ngài cũng chỉ “ra sắc lệnh” cho Huỳnh Phú Sổ xuống trần giáo hóa, đặc biệt chỉ
là giáo hóa những chúng sanh sống ở miền Nam nước Việt:
“Khùng
vâng lệnh Tây phương Phật tổ -
Nên
giáo truyền khắp cả Nam kỳ”
Thiện
Huệ nói ở trên…”Thế nhưng, khi nhìn thấy hình ảnh đức Phật Di Đà mà Huỳnh Phú Sổ
đã diễn tả ở trên,lòng tôi cảm thấy phát sanh sợ hãi, và chắc chắn tôi sẽ không
bao giờ dám phát nguyện tu hành để được sanh về thế giới của ngài.
Thiện Huệ sợ là phải vì
Tham, sân, si còn ở trong lòng, tánh ích kỷ còn chưa dẹp hết, thì làm sao phát
nguyện về cỏi Tịnh của Ngài được. Khi Thiện Huệ đọc đoạn thi trên, đầu óc Thiện
Huệ đặc cứng sự cố chấp mà quên rằng hình ảnh ẩn dụ của đức Huỳnh khác nào
trong kinh Pháp Hoa đầy dẫy sự ẩn dụ để thích ứng với trình độ đương cơ! Và
Ngài đã nhân cách hóa hình ảnh đức Di Đà cho phù hợp với tâm lý quần chúng .Rất
tiếc những năm học Phật của Thiện Huệ chỉ là con gà mổ cát sỏi, không được tiêu
hóa, uổng cơm bá tánh. Thiện Huệ lại nói:
Đức
Phật sao lại quá cao xa đầy quyền uy thế lực như một đấng quân vương có thể sai
khiến bất kỳ thần dân nào làm gì cũng được? Và hình như Ngài không có sự gần
gũi chúng sanh như các vị Phật, Bồ Tát khác? Nên dù có thương xót chúng sanh
ngài cũng chỉ “ra sắc lệnh” cho Huỳnh Phú Sổ xuống trần giáo hóa, đặc biệt chỉ
là giáo hóa những chúng sanh sống ở miền Nam nước Việt:
Thiện Huệ quên rằng chư
Phật quá khứ, Đức Thế tôn hiện tại và Phật Di Lạc vị lai cũng đều là những Bồ
Tát bổ xứ. Trong kinh đại thừa, thấp thoáng hình ảnh của chư Phật đều chọn
Thiên Trúc làm nơi giáo hóa, thì đức Huỳnh chọn giáo hóa chúng sanh phương Nam
nước Việt có gì là lạ theo hạnh nguyện của các Ngài? Phương tiện quyền xảo của
chư Phật, chư đại Bồ Tát, chư hiền Thánh Tăng, chư Đại minh sư không nhất thiết
rập khuôn giống nhau trong lúc giáo hóa. Nhà Phật có ông Thiện, ông ác thì Thiện
Huệ thắc mắc như vậy cũng hơi bất bình thường.
Thiện Huệ lại tiếp tục
xuyên tạc mạt sát đức Huỳnh:… “Huỳnh Phú
Sổ tự cho mình là Thánh nhân từ cỏi nước Lạc Bang xuống đây dạy đạo cũng đồng
nghĩa với quỷ ma tự xưng Phật.Do đó, những lời nói của ông không đáng tin cậy.”…thế
thì đức Thế tôn cũng từ cung Đâu Suất hạ sanh theo vị thế Bồ tát bổ xứ cũng là
quỷ ma tự xưng sao? Thiện Huệ không phân biệt thế nào là tự tánh lưu xuất và vọng
tánh tự xưng. Chẳng lẽ sau 49 năm giáo hóa, đức Phật bảo ta không nói lời nào
là vọng ngữ hay sao? Đã là Thánh nhân thì bất cứ lời nào cũng đều đúng. Đã là
phàm Tăng dù áo mão chỉnh chu, bằng cấp đầy người, tướng mạo đoan trang, cắn hạt
cơm không bể, nói lời trí thức chưa hẳn đã là đạo đức.
Trong một đoạn Thiện Huệ
trích: … “Dù Tiên, Phàm, ma, quỷ, súc
sanh – cứ nhất tâm, tín, nguyện, phụng hành – được cứu cánh về nơi an dưỡng. –
chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng. – thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”…Thiện
Huệ lại phê phán: “Huỳnh Phú Sổ đã quên hết
tất cả, quên hết những nhân duyên quả báo của từng loại hình chúng sanh đang sống
nơi đây. Ông cho rằng”dù Tiên,phàm,Ma, quỷ, súc sanh” đều có thể tu hành sanh về
Lạc quốc….”Điều đó chứng tỏ Huỳnh Phú Sổ là người thích nói: nói như vẹt, nói
không suy nghĩ, không căn cứ không cơ sở đã tạo nên những lầm lỗi không thể
dung thứ mà ông không hề hay biết”…Nói như Thiện Huệ thì nhân duyên quả báo
của chúng sanh chưa trả dứt sao vãng sanh Tây Phương cực Lạc theo tông môn Tịnh
độ? Thiện Huệ vẫn còn nhớ kinh Pháp Hoa phẩm “Hóa Thành dụ” phẩm “phương tiện” phẩm “Thí dụ”…làm gì có
thành thật, làm gì có ba thừa, làm gì có xe hưu, xe dê…chẳng lẽ những ẩn dụ
phương tiện đều là sai? Cái sai của Thiện Huệ dùng trí phân biệt của phàm tục
phê phán vô phân biệt trí của Thánh nhân rồi phán một cách ngạo mạn là không thể dung thứ.
Trong phần b. Tư tưởng Thiền Tông của số IV nói về
Nội dung giáo lý, Thiện Huệ viết:
…
“Với Huỳnh Phú Sổ, người tu sĩ phải là người không cần đến hình thức, không chú
trọng đến đầu tóc, không cạo đầu cũng vẫn là người tu”tu đầu tóc không cần phải
cạo”.Câu nói nầy thoạt đầu mới nghe, chúng ta cứ ngỡ ông là một Thiền sư uyên
thâm đạo hạnh, đã vượt thoát được mọi lãnh vực thuộc phạm trù hình thức. Nhưng
xét cho cùng, đó lại là một câu nói công kích phỉ báng táo tợn. Nếu bảo người
tu không cần phải cạo bỏ râu tóc cũng có nghĩa là bảo họ để tóc.”…
Đức Huỳnh đang dạy đạo
lý tu nhân làm người cho tín đồ tại gia lúc bấy giờ chứ không phải Ngài đang giảng
đạo cho tu sĩ Thiện Huệ; chẳng lẽ Ngài bảo mọi người đều cạo đầu làm Tăng thì
ai sản xuất, để cúng dường người xuất gia? Khuyên người tu tại gia không cần phải
cạo tóc chẳng lẽ là sái quấy, sao bảo là công kích phỉ báng táo tợn? Thiện Huệ
ưa suy bụng ta ra bụng Thánh nên chột dạ khi bị chạm nọc thế thôi. Thiện Huệ kết
án đức Huỳnh giống “sứ Giả sự thực” kết
án cô Hương Nhũ cũng vấn đề “tu đầu tóc không cần phải cạo” hôm giảng cho giới
trẻ ở ngoài Bắc vào tháng 11/2012 vừa rồi, “Sứ giả sự thật” bị thiên hạ tát nước
bẩn vào mặt mà không có lời tự biện. Thiện Huệ nầy trình độ cũng chỉ đến thế thôi. Trong Thiền môn chúng ta
không thiếu các Thiền sư để tóc, Bồ Đề Đạt Ma, Lai Quả Thiền sư, Tuệ Trung thượng
sĩ, thậm chí Ngài Duy Ma Cật….Mục đích Thiện Huệ nêu ra để nhục mạ chứ không phải
không hiều vấn đề nầy. Thiện Huệ lý luận ấu trĩ: “Nếu bảo
người tu không cần phải cạo bỏ râu tóc cũng có nghĩa là bảo họ để tóc.”…nói
như Thiện Huệ thì: - “không nên xem cải lương có nghĩa buộc họ phải xem phim hề”? bảo Thiện Huệ không nên nói bừa có nghĩa bảo
Thiện Huệ câm? thế thì Thiện Huệ lại vướng vào lý luận nhị nguyên, chưa thoát
ra vòng đối đãi mà lại công kích phê phán lời dạy phương tiện cho quần chúng
còn mê đắm trong vòng đối đãi.
Cũng trong mục phê phán
tư tưởng Thiền tông, khi Thiện Huệ so sánh tinh thần trách nhiệm với giang san
xã tắc của các thiền sư đời Lý Trần, Đinh Lê và Đức Huỳnh: … “Các Thiền sư chủ trương, trong lúc phụng sự dân tộc, thực hành nghĩa
vụ và trách nhiệm của mình đối với đất nước, người tu sĩ vẫn giữ vững đạo tâm,
không để “một lần phôi pha”. Nhưng với Huỳnh Phú Sổ thì lại khác, ông cho rằng,
khi có giặc, người tu sĩ liền”rứt áo cà sa khoác chiến bào”, cho đến khi nào
“ngọn cờ độc lập phất phơ cao” thì coi như đã làm tròn trách nhiệm của người
trai. Lúc đó, người tu sĩ mới có thể an tâm trở lại đời sống tu hành như trước:
“Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô”.
Trình độ Thiện Huệ thế
nào mà không hiểu nỗi chữ “đạo tâm” và “hành trạng tu tập” khác nhau? Đạo tâm thì lúc nào không có, nhưng ngồi một
chỗ công phu bái sám sao được khi đất nước
còn loạn lạc? Chẳng qua vạch lá tìm sâu do tâm địa nhỏ nhen đố kỵ của Thiệh Huệ
mà có thôi.
Luận về giáo lý, Thiện
Huệ dùng luận lý sơ đẳng để đối lập với bình đẳng tánh khi đức Huỳnh hướng dẫn
quần chúng về thập thiện. Đồng ý trong cặp đối đãi nhị nguyên, không làm ác
chưa hẳn đã làm thiện, nhưng ác là mặt trái của thiện, ánh sáng là mặt trái của
bóng đêm, khi ánh sáng đến thì bóng đêm tự diệt. bóng tối lui thì ánh sáng tự
hiển lộ. Khi không còn niệm ác thì tâm thiện tự hiển lộ, sẽ tự hướng dẫn mọi
hành động đều làm thiện; Trình độ sơ cơ khuyến thiện tránh ác, nhưng vượt khỏi
đối đãi thì thiện ác cũng chỉ là một. Ông Thiện ông ác trong chùa cũng chỉ là một
vị Bồ Tát thị hiện cho thích ứng với từng căn cơ chúng sanh. Thiện Huệ dùng cái
vòng lẫn quẩn của trẻ con:’cắc ké là mẹ kỳ nhông, kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà
là cha cắc ké”…để phản bác hết sức vô duyên.
Thiện Huệ phê phán Đức
Huỳnh ảnh hưởng tinh thần Nho gia và Đạo giáo, không riêng đức Huỳnh mà giòng
máu tộc Việt ít nhiều ảnh hưởng nguồn gốc đó, vì thế cổ nhân mới bảo:”Tam giáo
quy nguyên”. Ngay cả một số chùa, kiến trúc không tránh khỏi ảnh hưởng văn hóa
Tàu, trên nóc chùa, cột chùa, cổng tam quan thường có cặp rồng hoặc Long Lân
quy phụng, lưỡng long tranh châu, thậm chí trong chùa còn thờ Thần tài thổ địa,
Quan Công; Tụng niệm khấn nguyện vẫn xài theo văn Tàu…Thế thì Đức Huỳnh dạy dân
pha màu Nho gia, Đạo học song hành với Phật lý có gì là sai? Người dân cũng ảnh
hưởng sấm trạng Trình nên đức Huỳnh dạy dân cũng phải thích nghi tập tục đó.
Ngày nay, khoa học phổ biến, người dân tại các quốc gia phát triển còn tin vào
ngày Tận thế thì thử hỏi dân ta vào thế kỷ 19 trở về trước sao tránh khỏi ảnh
hưởng nền văn hóa nô dịch ngàn năm của Tàu? Trong những ngày của tháng 12 năm
2012, một vài giảng sư của Phật giáo ở miền Tây Nam bộ, cũng vin vào tin Tận thế
mà suy diễn lung tung trong ba ngày đen
tối, ác thú trùng độc giết hại con người gây hoang mang sợ sệt cho người nhẹ dạ,
như thế đâu thể kết án những gì đức Huỳnh dạy cách đây gần 80 năm! Các minh sư,
Thánh nhân không thể phủ nhận tập tục văn hóa đương thời mà luôn nương vào đó để
dạy dỗ dân chúng. Đức Phật cũng không thể phủ nhận lễ tục của các ngoại đạo
đương thời, Ngài vận dụng trí huệ để hướng
dẫn lễ “lục phương” có ý nghĩa đạo đức hơn là mê tín. Đức Huỳnh Phú Sổ cũng
không vượt ngoài quy luật đó khi nói đến tiền định, thiên mệnh và vẽ ra viễn cảnh
bồng lai như một “hóa thành dụ” trong kinh Pháp Hoa vậy..
Đức Huỳnh nói theo tinh
thần nhà Phật, cuộc đời là bể khổ, là bức
bách nên cần phải tu tinh tấn, như thế có gì gọi là đe dọa???
c- về giáo lý. Thiện Huệ chỉ trích trong Bát Chánh Đạo, chỉ có chánh Tinh tấn là đúng. Nhưng trong cuốn “Tiểu
sử và giáo lý của Đức Huỳnh Phú Sổ” thì đức thầy viết là “ chánh tin-tấn” vì thế
Ngài giải thích: -“Tín ngưỡng chơn chánh và lướt tới”. Nếu viết là chánh tinh tấn
thì ngài giải thích như thế không ổn. suốt tập luận văn, Thiện Huệ phê bình hai chữ nầy là đúng. Nếu là”Tin-Tấn”
thì Thiện Huệ đả kích sai.
Trong mục V Nghi Thức, 1- cách thờ phượng, Đức huỳnh
y theo tinh thần Phật giáo, không nặng về hình tướng quá nhiều, nên không chủ
trương thờ tượng cốt, chỉ biểu tượng màu dà là màu tổng hợp các màu. “Màu của y
hoại sắc, biểu trưng cho sự thoát tục, và sự hòa hợp của nhân loại” thì Thiện
Huệ bảo là không đúng, vì chỉ cho sự hòa
hợp của chư Tăng, còn hai ngôi nữa thế nào; Thiện Huệ chỉ hiểu chư Tăng là
sự hòa hợp, vì thế màu dà biểu tượng cho sự
hòa hợp thì Thiện Huệ chỉ có khả năng hiểu đến Tăng bảo mà thôi. Chúng
ta thông cảm cho trình độ của Thiện Huệ chỉ có đến thế.
Trong phần phê phán chỉ
trích – bài nguyện trước bàn thờ Thông
Thiên. Thiện Huệ viết: “Một điều đáng
lưu ý nữa là trên bàn thờ Tam bảo, Huỳnh Phú Sổ không cho phép người tín đồ thờ
thêm bất cứ vị thần nào ngoài tấm “trần dà”tượng trưng cho Tam bảo. Thế nhưng,
khi cầu nguyện, các vị thần ở “năm non Bảy núi” lần lượt xuất hiện tại đây.
Vì
thế, trong vấn đề thờ phượng và cầu nguyện. chúng ta thấy, lời dạy của Huỳnh
Phú Sổ không mang tính đồng nhất với nhau.”
Vậy thì các chùa cũng
không đồng nhất với việc chỉ thờ Tam Tôn hoặc Tam thế trong khi lạy ngũ bách
danh, Tam thiên, nguyện cầu 10 phương chư Phật thì sao??? Có lẽ Thiện Huệ đang
cơn mê sản, thấy lọ mặt người mà không thấy mặt lọ chính mình.
Phần VI. Những lời khuyên của Huỳnh Phú Sổ đối với
các tín đồ Hòa Hảo.
Qua
8 điều khuyến của đức Huỳnh Phú Sổ đối với tín đồ:
(1)
Ta không nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàn điếm, phải giữ cho
tròn luân lý tam cang ngũ thường.
(2)
Ta không nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng, lo làm ăn và lo tu hiền chơn
chất, chẳng nên gây gổ lẫn nhau, hãy tha thứ tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận.
(3)
Ta không nên ăn xài chưng dọn cho thái quá và lợi dụng tiền tài mà đánh quên nhân
nghĩa và đạo lý, đừng ích kỷ và xu phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó.
(4)
Ta chẳng nên kêu Trời, Phật, Thần Thánh mà sai hay nguyền rủa vì thần thánh
không can phạm đến ta.
(5)
Ta không nên ăn thịt trâu, chó ,bò, vì không nên sát sanh hại vật mà cúng Thần
Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta
;làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiến mà làm hết bệnh là tà Thần;
nếu ta cúng kiến mãi thì chúng ăn quen sẽ nhiễu hại ta.
(6)
Ta không nên đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cỏi
Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để
tiền lãng phí ấy mà trợ cứu cho người lỡ đường, đói rách, tàn tật.
(7)
Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý, rồi
sẽ phá đoán việc ấy.
(8) Tóm tắt, ta phải
thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt nhau vào con đường đạo đức, nếu ai
giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây Phương an dưỡng mà học Đạo cho hoàn
toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh.
Thiện Huệ viết: “không giống như các tôn giáo khác, đạo
Hòa Hảo không có các điều luật hay giới điều nhằm răn cấm những việc làm sai
trái của người tín đồ đối với đạo mà chỉ có những lời khuyên mang giá trị đạo đức
học thức dụng mà thôi.”
Như đã nói, nếu Hòa Hảo
chỉ là một hệ phái như bao hệ phái của Phật giáo thì cần gì sáng chế thêm những
giới cấm mà nhà Phật đã có. Những lời khuyên đủ nói lên tính tôn trọng và nhắc
nhở mà không thể hiện tính chuyên quyền
độc đoán bắt buộc tín đồ phải theo. Nhà Phật cũng thế, không bắt buộc ai phải
chấp hành, giới luật tự mình nguyện giữ mà không hề có sự tra vấn, trừng phạt.Tại
sao Thiện Huệ lại kết án: …”Chúng ta nên
biết,trên đây chỉ là những lời khuyên chứ không phải là những lời răn cấm, do
đó, nó không có giá trị bắt buộc đối với người tín đồ”…
Vậy theo Thiện Huệ những
lởi đe dọa cấm đoán mới có giá trị, còn lời khuyên là vô nghĩa? Trẻ con hoặc kẻ
vô ý thức mới dùng sự cấm đoán đe dọa, người có ý thức chỉ cần khuyên nhủ cũng
đủ nói lên giá trị giữa người khuyên và người tiếp nhận lời khuyên. Một tín đồ
mà xem lời khuyên của giáo chủ không có giá trị thì Thiện Huệ cũng xem giới luật
tự nguyện của nhà Phật không có giá trị, thảo nào không thiếu những vị xé rào
phạm giới! Trong 250 giới Tỳ kheo cũng như 5 giới tại gia của nhà Phật là điều
bắt buộc hay tự nguyện của một giới tử? Phật giáo chưa bắt buộc ai một vấn đề
nào, tại sao Thiện Huệ lại bắt buộc Phật giáo Hòa Hảo phải có cấm giới mà không
nên khuyên bảo??? Tôn giáo nào, tổ chức nào cũng có kẻ phạm luật, không vì những
hiện tượng tiêu cực đó mà kết tội cho chủ trương của một tổ chức, một tôn giáo.
Thế mà Thiện Huệ viêt: … “Chẳng hạn,trong
điều thứ 5, Huỷnh Phú Sổ dạy: “không nên sát sanh hại vật…” thế mà người tín đồ
Hòa Hảo khi sát nhân lại không hề bị kết án…”Vậy có những tín đồ
Phật giáo cũng như một vài Tu sĩ phạm giới, trong Phật giáo có ai kết án họ
ngoài họ tự sám hối? Đọc những đoạn của Thiện Huệ, có cảm giác Thiện Huệ đang ở
cảnh giới nào đó.
VII Các hình thức tu tập; Thiện
Huệ viết: … “Theo tôi,”học Phật” là phải
tu theo Phật, còn muốn “tu nhân” thì phải học nhân cách làm người. Nếu học Phật
mà không hành theo Phật thì chúng ta “học Phật” để làm gì? Chẳng lẽ để tìm những
sơ hở của các ông thầy tu Phật giáo mà soi mói, bắt bẻ họ? Sự thật “học Phật”
và “tu nhân” là 2 vấn đề khác biệt, chúng ta không thể gán ghép chúng lại thành
một. “học Phật” là chúng ta học những gì Đức Phật Thích Ca đã dạy, tức học đạo
giải thoát; còn “tu nhân” là làm theo những lời dạy của Khổng tử, tức thiên về
những gì thuộc lĩnh vực đạo đức học thế nhân”…
Có lẽ Thiện Huệ nên học
lại giáo lý cơ bản của các trường Phật học cấp quận huyện trước khi nói chuyện
với Phật giáo Hòa Hảo. Trình độ học Phật của Thiện Huệ còn thua quá xa một người
thanh niên mới 20 tuổi đã đủ khả năng quy tập hàng triệu tín đồ với những đạo
lý uyên thâm mà chưa hề qua trường lớp như Thiện Huệ. Trước khi dẫn chứng tính
uyên thâm của đức Huỳnh, xin tiếp tục nói với Thiện Huệ về “học Phật” và “tu
nhân”. Trong giáo điển nhà Phật có ngũ thừa, một cư sĩ tại gia ai cũng phải biết,
thế mà Thiện Huệ cố tình không biết;
Ngũ thừa gồm có: Tam quy ngũ giới là căn bản của nhân thừa, Thập thiện là căn bản Thiên
thừa, Tứ đế là căn bản của Thanh văn thừa,
12 nhân duyên là pháp tu của Duyên giác thừa, và lục độ vạn hạnh là quy
trình của Bồ Tát đạo..
Như vậy tu nhân đâu chỉ có ở Khổng giáo? Theo như Thiện Huệ thì Phật
giáo chỉ có tu thành Phật, còn những căn cơ không tương thích thì bị Phật giáo
loại bỏ??? Giáo lý đạo Phật nghèo nàn nông cạn đến thế sao Thiện Huệ? Phải
chăng Thiện Huệ đã bôi bác giáo lý đạo Phật lẫn giáo lý Phật giáo Hòa Hảo trước
những tôn giáo khác? Thiện Huệ bảo học Phật là phải tu theo Phật? đúng là gà
què ăn quẩn cối xay,Thiện Huệ chỉ biết giáo lý Phật giáo trong những trang sách
sơ đẳng. Có lẽ Thiện Huệ khi vào Học Viện Vạn Hạnh chưa qua các lớp cơ bản Phật
học. Ai bảo học Phật là phải tu theo Phật? Các học giả, các nhà nghiên cứu tôn
giáo kể cả các tôn giáo bạn khi học hỏi
giáo lý nhà Phật bắt buộc họ phải tu theo Phật? Bằng không thì chụp mũ họ
là học để biết mà tìm những sơ hở của các ông thầy tu Phật giáo mà soi mói bắt
bẻ họ? Vàng thật đâu sợ lửa, mình tu đúng đắn, đừng lừa dối tín đồ để hưởng thụ
sa đọa thì sợ ai soi mói bắt bẻ phải không Thiện Huệ? Khi kết luận “tu nhân”,
Thiện Huệ phán một câu nghe rợn tóc gáy: … “Còn
”tu nhân” cũng chỉ là tư tưởng của sự tranh giành quyền trị quốc được che đậy bởi
hình thức “học Phật”. Vậy “nhân thừa” của
việc “học Phật” cũng là hình thức
“tu nhân” để tranh giành quyền trị quốc ? nói đến đây, có lẽ Thiện Huệ sẽ chứng
minh cho lời nói của mình là đúng khi dẫn chứng các triều đại Đinh Lê Lý Trần,
nhất là Lý Công Uẩn được sư Vạn Hạnh bố trí vào cương vị trị quốc an dân?
Phải chăng Thiện Huệ nhục mạ tu nhân của
Phật giáo nói chung và kết tội hàng cư sĩ của Phật giáo Hòa Hảo nói
riêng?
Chương II
Đạo Hòa Hảo có phải là một tôn giáo không?
Thiện Huệ đồng ý về cách định nghĩa và giá trị về người xuất gia lẫn tại
gia của đức Huỳnh, thế nhưng, Thiện Huệ cố tình không hiểu khi kết án đức Huỳnh qua đoạn “Sấm giảng khuyên
người đời tu niệm”, mà Thiện Huệ bảo rằng: …
“Ông cho rằng, các nhà sư chỉ có được lớp vỏ hình thức trang nghiêm bên ngoài
nhưng thực chất toàn là lũ “ác Tăng”, chẳng tốt đẹp chi cả:
“Thầy chùa như thể cây sơn,
Ngoài da coi chắc trong thời mối ăn.
Buồn thay cho lũ ác Tăng.
Làm điều dối thế cho hư đạo mầu.
Di Đà Phật tổ thêm rầu,
Giận trong Tăng chúng sao lừa dối dân.”
Có lẽ Thiện Huệ tự kỷ ám thị về những hành vi bất tịnh của chính mình
nên khi đọc đoạn trên như đĩa gặp phải vôi, la toán lên: … “Nói một câu ngắn gọn, Huỳnh Phú Sổ đã coi toàn thể các nhà sư là những
người xấu ác, những người chỉ tốt được lớp vỏ bên ngoài mà bên trong đã bị thối
nát, bị “mối ăn”…”
Xin thưa với Thiện Huệ, nên hiểu là “thầy Tu” và “thầy chùa” là hai thực
chất khác nhau. Thầy tu là bậc chuyên tu chân chánh, còn thầy chùa vào thời điểm
đó là những thầy tụng ma chay đám tiệc, có vợ con, ăn thịt uống rượu để giữ
chùa khi chưa có kế thế xuất gia…Đức Huỳnh có gọi là “thầy tu” đâu nào? Vả lại
chắc gì cộng đồng tu sĩ hiện nay đều là thánh thiện huống nữa vào thời loạn ly sao tránh khỏi ô tạp? Nếu mình chân
chánh thì sợ gì bị biếm nhẽ. Hãy tự xét
mình hơn là kết tội kẻ khác. Thiện Huệ cũng đã đọc những đoạn đức Huỳnh ca ngợi
các bậc xuất gia cơ mà. Đức Huỳnh tự thân đã tôn kính Tam Bảo, khuyên tín đồ
kính lễ Tam bảo trong đó có các bậc chân tu: … “Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ những điều kiện
xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, với
đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà Sư, Ni Cô đặng.Tuy vậy,họ cũng sẵn
sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật
nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên, ở tại nhà họ phượng thờ Đức Phật phát nguyện
quy y, giữ gìn ít nhiều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh răn lòng, ủng hộ
các Sư. Như thế họ cũng lần lần lên con
đường giải thoát.”…
Như vậy đức Huỳnh ám chỉ những kẻ mang hình thức tu sĩ mà không giữ đúng
Tăng phong đạo cách làm hoen ố Tam bảo, “lũ ác Tăng” ám chỉ những thành phần dối đời gạt đạo mà
thôi. Và thử đặt vấn đề, tại sao họ bảo mình là ác Tăng? Không lửa làm sao có
khói. Cộng đồng chân tu thì ai dám mạt sát, kể cả ngoại đạo? Thiện Huệ hãy bình
tĩnh xem lại chính mình.
Trong đoạn 5 của luận văn phê phán Tu
theo tinh thần Bát Nhã, Thiện Huệ viết: “Nếu
Huỳnh Phú Sổ không có được chút hiều biết gì về ý nghĩa của từ “vô vi” thì làm
sao ông ta có thể với tới được những thâm ý ẩn tàng trong tư tưởng Bát Nhã. Có
lẽ ông ta đã học lóm đâu đó được một vài chữ “có-không” trong tư tưởng Bát Nhã
rồi ngốc nghếch nói theo, còn tự cho mình là một nhà thông thái, có hiểu biết
sâu rộng về tư tưởng nầy: “Đạo Thích Ca
nhiều nẻo cao sâu,
Hãy
tìm kiếm cái không mới có”
Vâng, thưa ông Thiện Huệ, Đức Huỳnh không được cái may mắn ăn học như
ông nên không hiều hết ý nghĩa chữ “vô vi” và “có –không”; ông cho rằng Đức Huỳnh
là nhà thông thái của một đám người dốt nát, nhưng Ngài đã là giáo chủ của hàng
triệu người dốt nát đó, còn ông, tự nhận lả thông thái, có ăn học qua trường lớp,
ông đã nói được mấy người nghe hay chỉ là kẻ viết vu vơ để bao nhiêu giới trí
thức phỉ nhổ? Không những ông mạt sát Đức Huỳnh là dốt nát mà mạt sát hàng triệu
tín đồ Hòa Hảo, người dân Nam bộ đều dốt nát, vậy ông có khôn ngoan của người
có ăn học chăng? Thiện Huệ kết luận về nhà thông thái của đám dốt nát đó: “Xét cho cùng, Huỳnh Phú Sổ vẫn là một nhà
thông thái của một đám người dốt nát đang tôn xưng ông là giáo chủ, một giáo chủ
kiêu căng, khoác lác, hay lòe đời bằng một mớ kiến thức rơm rác do học lóm mà
được, một giáo chủ luôn tạo những mâu thuẩn trong lời dạy của mình, vậy mà có
ai hay biết gì đâu, vẫn cho đó là những khuôn vàng thước ngọc cần phải noi
theo.”
Hình như trên thế giới, chưa ai dám công khai mạt sát phỉ nhổ giáo chủ của
bất cứ tôn giáo nào bằng những lời lẽ hạ cấp, kiến thức nông cạn như Thiện Huệ.
Thiện Huệ xứng đáng lãnh một quả báo theo luật nhân-quả.
Phần II của chương II trong luận văn Thiện Huệ: Đạo Hòa
Hảo không phải là một Tông Phái Phật giáo. Thiện Huệ khẳng định như đinh đóng cột
khi dẫn chứng mẫu đối thoại sau đây, trong bài viết ”Đức giáo chủ và công đức
truyền giáo” do Hoài Dân thuật lại:
“Một hôm có hai người khách đến hỏi Huỳnh Phú Sổ
rằng “Kính xin thầy cho chúng tôi biết Thầy tu theo đạo nào?”
Huỳnh Phú Sổ đáp: “ Tôi tu theo đạo Phật”
Hai người khách hỏi tiếp:” Thầy thọ giáo với ai
và học những kinh nào trong Tam Tạng kinh điển?”
Huỳnh Phú Sổ đáp: “Tôi không thọ giáo với ai cũng
không học kinh luật nào hết”
………..”
Thiện Huệ luận bàn:”Theo truyền thống
Phật giáo, Nam truyền cũng như Bắc truyền, mọi người Phật tử dù xuất gia hay cư
sĩ tại gia, tất cả đều có ít nhất một người thầy dẫn dắt tiến tu trên con đường
đạo Pháp….”
Thiện Huệ nói đúng với cái đúng của kẻ phàm phu, nhưng trong Phật giáo
cũng từng đề cập đến “vô sư trí”, Thiện Huệ quên rồi sao? Những Thần đồng của
thế tục có học ai đâu mà vẫn thông tuệ? Hình như Thiện Huệ học nhiều quá hóa lú
lẫn! Trong cuộc sống luôn có những cái vượt ngoài khuôn thước bình thường, trường
hợp nầy, nếu ở lãnh vực trí tuệ gọi là
“vô sư trí”, ở lãnh vực chuyên môn gọi là Thần đồng. Thiện Huệ tiếp: “Học giáo lý, chúng ta đã biết, theo sự quyền
ký của Phật Thích Ca thì sau thời kỳ giáo pháp của Ngài duy chỉ có một vị Phật
ra đời, đó là Phật Di Lạc. Hơn nữa, thời kỳ nầy vẫn chưa phải là thời kỳ mà
giáo pháp của đức Phật Thích Ca đã tận diệt, và cũng chẳng phải lúc Phật Di Lặc
ra đời thì không thể nào lại có thêm một ông Phật khác xuất hiện. Cho nên ta biết
chắc, Huỳnh Phú Sổ không phải là một vị Phật, và cũng chẳng phải là một Phật tử
chân chính quyết tâm đi trên con đường giải thoát giác ngộ.
Trong đoạn vấn đáp, Ngài tự nhận là tu theo Phật chứ Ngài có bảo mình là
Phật đâu mà Thiện Huệ dông dài đính chính giữa Phật Thích Ca và Phật Di Lặc là
không có Phật nào xuất hiện nữa? Bảo đức Huỳnh không phải là một Phật tử chân
chính? Xin Thiện Huệ định nghĩa rõ thế nào là Phật tử chân chính? Tối ngày đi
chùa lễ bái, tụng niệm là chân chính? Dạy dỗ quần sanh, hướng dẫn nếp sống đạo
đức, tu niệm trai lạt, tưởng kính Tam Bảo, tri ân tiền bối, báo đáp “tứ ân”, chữa
bệnh giúp đời, xả thân bảo vệ tổ quốc…là không chân chính??? Nếu đức Huỳnh
không phải Phật tử chân chính thì chắc hẳn Thiện Huệ phải chân chính? Một người
tu chuyên vạch lá tìm sâu, công kích mạt sát giáo chủ khác là chân chính? Mạt
sát toàn bộ Phật giáo Hòa Hảo dốt nát là
chân chính???
Ngay cả “trị bệnh độ đời “ của đức Huỳnh cũng bị Thiện Huệ phủ nhận giá
trị tâm linh: “Do đó, xét ở góc độ của
người thầy thuốc thì Huỳnh Phú Sổ cũng không phải là một người lương y đúng
nghĩa theo tinh thần Phật giáo” mặc dù đó cũng chỉ là phương tiện để dẫn dắt
họ đến với đạo (thuyết pháp độ đời): “Ngài
nói về sắc diện, tính tình và tương lai của người đối thoại để gần cuối câu
chuyện Ngài khuyên làm lành lánh dữ và nên tin Phật, xem kinh” Thiện Huệ bảo:
“Thật ra, đây không phải là nghệ thuật
thuyết pháp đúng đắn của một nhà truyền giáo, nói đúng hơn Huỳnh Phú Sổ đã lợi
dụng phương pháp toán số đánh thẳng vào tâm lý của những người nhẹ dạ yếu lòng
bằng những lời nói phù phiếm để tìm cách lôi kéo họ vào tôn giáo của ông”.
Thiện Huệ có lẽ quên lịch sử truyền giáo của chư Tổ trong những hoàn cảnh khó
khăn cũng phải linh động uyển chuyển, Tất cả những phương tiện không hại ai mà
dẫn dắt họ đến với đạo đều là chính đáng. Trong số tu sĩ Phật giáo hiện nay,
không thiếu nhũng vị xem quẻ bói toán giúp cho thân chủ an tâm hướng vào đạo.
Cúng sao giải hạn cũng không phải của Phật giáo, tại sao vẫn tồn tại mà Thiện
Huệ không lên án??? Vậy theo Thiện Huệ, phương tiện nào là chánh đáng để truyền
pháp? Hình như Thiện Huê được sinh ra trong ống nghiệm nên hiểu mọi vấn đề thế
gian theo một mô hình cố định, trong khi nhà Phật bảo “Thế gian pháp tức Phật
Pháp”, và “Phật Pháp là bất định Pháp”, tức là tùy đối cơ và khế lý khế thời mà
dụng pháp.
IV Những thực tính phi tôn giáo
luôn tồn tại và được phát huy mạnh mẽ trong đạo Hòa Hảo. (đây là để mục
trong luận văn của Thiện Huệ):
“Chúng ta đã biết, tôn giáo là chỗ
dựa tinh thần cho tất cả mọi người, do đó nó phải thể hiện được thực tính của
nó. Nghĩa là nó phải có được tính đạo đức, tính tích cực,, tính thiêng liêng,
tính vị nhân sinh…điều quan trọng hơn hết là trong tôn giáo không thể có tính
chiến đấu, tính chính trị,…và mục tiêu hướng tới của tôn giáo ắt phải vì hòa
bình và hạnh phúc của muôn dân.
Xét lại thực tính của đạo Hòa Hảo, ta thấy,đạo
giáo nầy tự cho mình là một tôn giáo, có khi còn xưng là một tông phái của Phật
giáo, thế nhưng, những hoạt động của nó lại không mang tính tôn giáo, mà thiên
về tính chiến đấu, tính chính trị nhiều hơn; suy cho cùng, tất cả những hoạt động
nầy đều là chủ trương là đường hướng, là tôn chỉ do Huỳnh Phú Sổ đề ra ngay từ
lúc đạo giáo nầy mới được thành lập”.
Thiện Huệ nói để mà nói với những học sinh, những tín đồ ngây thơ; những
ai có trí thức hiểu biết thì những lời nầy nghịch nhĩ khó nghe. Vậy Thiện Huệ
hiểu thế nào câu: “đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”? Giữa lúc
nước nhà nghiêng ngữa vì ngoại xâm mà ngồi đó chỉ để giảng đạo, nhắm mắt mơ vể
cực lạc??? Nếu trong Phật giáo không có tính
chiến đấu làm sao bảo vệ dân tộc hòa bình suốt mấy thế kỷ khi đẩy được
ngoại xâm ra khỏi biên cương? Nếu không có tính chính trị thì các đời vua Đinh
Lê Lý Trần xây dựng đất nước thế nào??? Và không có yếu tố chiến đấu lẫn chính
trị thì lấy gì đạt mục tiêu vì hòa bình
và hạnh phúc của muôn dân.?
“tất cả những hoạt động nầy đều là chủ trương là
đường hướng, là tôn chỉ do Huỳnh Phú Sổ đề ra ngay từ lúc đạo giáo nầy mới được
thành lập”… Không thấy
Thiện Huệ dẫn chứng chương nào, sách nào về chủ trương nầy từ lúc đầu, nhưng
Thiện Huệ đã dẫn chứng trong sách “Sấm giảng Thi văn Giáo Lý toàn bộ” thì mãi 6
năm sau khai đạo, năm 1944 mới ra đời Việt Nam Nghĩa Sĩ đảng chứ không phải chủ
trương nầy có từ lúc đạo giáo nầy mới thành lập.
Chính vì những yếu tố trên với tinh thần nhập thế đầy trách nhiệm để
tương thích với tình thế đương thời mà Phật Giáo Hoà Hảo cần có những lực lượng đối kháng bảo vể chủ quyền dân tộc.
Một số nhà sư không đủ năng lực tập hợp quần chúng thì tự mình tham gia các tổ
chức lúc bấy giờ. Như thế có gì là sai với tinh thần và trách nhiệm của Đạo Phật???
Thiện Huệ viết: … “Sự thành lập của
đảng phái chính trị”: khi số tín đồ
Hòa Hảo ngày một đông, Huỳnh Phú Sổ bắt đầu nghĩ đến ý đồ xưng vương, xứng bá bằng
cách thành lập các đảng phái Hòa Hảo, tham gia vào các hoạt động chính trị”…
Ta nghe đức Huỳnh tuyên bố, trang 515 “Sấm giảng thi văn giáo lý –toàn bộ” với báo “Quần chúng”
vào năm 1946 : … “Tôi, một đệ tử trung
thành của đạo Phật, một chiến sĩ trì chí của phong trào giải phóng dân tộc Việt
Nam, sẵn sàng cùng đoàn thể mình cương quyết đứng dậy đáp lại tiếng gọi của non
sống, cương quyết tranh đấu bảo vệ quyền lợi chung cho nòi giống”…
Thế mà Thiện Huệ quy kết:… “Các tổ
chức nầy, ngay buổi đầu thành lập, chỉ có ý nghĩa duy nhất là đánh đuổi kẻ thù
xâm lược, tuy nhiên, bên trong, Huỳnh Phú Sổ vẫn âm thầm nuôi mộng đế vương. Do
đó, càng về sau, khi lực lượng quân đội Hòa Hảo càng đủ mạnh thì Huỳnh Phú Sổ
cũng không còn ngần ngại tiết lộ mộng vàng bằng việc lập nên kế hoạch kiến quốc
nhằm xây dựng một nền quốc gia độc lập cho tương lai”…
Ta nghe đức Huỳnh nói với báo “quần chúng” lúc bấy giờ:
… “Hôm nay, nhận rõ cuộc đấu tranh cho Tổ Quốc
còn dài và cần nhiều nỗ lực, hưởng ứng với tiếng gọi đại đoàn kết của chính phủ
Trung Ương, tôi quyết định tham gia hành chánh với những mục đích nầy:
1.- Để tỏ cho quốc dân và chính phủ thấy rằng
chúng tôi chủ trương thống nhất lãnh thổ và độc lập quốc gia.
2.- Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc
hầu mau đem thắng lợi cuối cùng.
3.- Để tỏ cho các đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham vọng
cao sang vương bá hay vì hiềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu nước.”…
Chính Thiện Huệ quy kết Hòa Hảo là phi tôn giáo nên Thiện Huệ viết:
2.6 Binh bị… “Cho nên Hòa Hảo lúc nầy đã không còn là một
tôn giáo nữa, nói đúng hơn, nó là một đảng phái mang hình thức tôn giáo để hoạt
động chính trị. Chính hình thức hoạt động nầy đã tạo nên bản tính hung hăng và
tàn bạo của những tín đồ Hòa Hảo. Bản tính nầy, càng về sau, nó càng được phát
huy mạnh mẽ, và các tín đồ Hòa Hảo càng trở nên cuồng tín hơn nhất là sau ngày
Huỳnh Phú Sổ biệt tích…Cho nên đạo Hòa Hảo dù ở thời điểm nào nó vẫn là một
quân đội tôn giáo, tức không phải là một tôn giáo thật sự.”…
Bản chất sân si, tự ái,
trong tâm ai cũng có hạt giống tiềm ẩn, do công phu tu tập nhiều ít mà phát khởi
ít nhiều. Một Hòa Thượng bị gọi nhầm là Thượng Tọa, thế là sân si lộ diện. Một
thầy tu bị dân gọi là chú hay anh, trong lòng cảm thấy phiền não. Không thiếu
những chú Tiểu bị thầy đánh lúc nổi sân mà phải bỏ chùa ra đi…thế thì, trong một
tổ chức mang tính thế tục, không tránh khỏi những phần tử hiếu chiến. Ta nghe Đức
Huỳnh trả lời cuộc phỏng vấn của ông Hồn Quyên: trang 517 Sấm Giảng Thi Văn Giáo
Lý toàn bộ…
“Vấn: Ông có thể cho chúng tôi biết về tổ chức
quân sự và hành chánh trong đoàn thể của ông chăng?
Đáp: …Về
hành chánh chúng tôi không có tổ chức nào riêng biệt. Chỉ có những tổ chức để ủng
hộ cuộc kháng chiến trong các làng mạc. Hiện thời chúng tôi đã ra chỉ dụ cho
các tổ chức ấy phải xem xét chương trình tổ chức chung của chính phủ để sáp nhập
vào các cơ quan chánh thức của chánh phủ.
Vấn:
Chúng tôi nghe nói hình như ở Hậu Giang còn vài cuộc rắc rối do tín đồ ông gây
ra. Có phải vậy không?
Đáp
: Từ trước tới nay, tôi đã nghe rất nhiều lời phê bình của một số đồng bào về
những hành động vô ý thức của một nhóm tín đồ tôi. Hôm nay, nhân dịp gặp ông,
tôi xin thanh minh và đính chánh về những lời đồn đãi đó.Tôi quả quyết với ông rằng: Tất cả tín đồ có học thức và những người
hiểu biết được rõ ràng một vài phần trong giáo lý chơn chánh của Đạo Phật thì
trong thời gian đã qua họ đã thiệt hành được lời dạy của Đức Phật là lấy lòng
nhơn hậu mà đối đãi với sự thù oán, mặc dù trong đó họ bị đau khổ nhiều.
Còn
riêng về những cuộc xô xát vừa qua là do sự phẩn uất của một nhóm võ sĩ mà tôi
đã kết nạp vào hàng ngũ Bảo An Đội…
Hiện
nay,nếu quả thật như lời ông nói, còn một vài cuộc rắc rối là do những bọn bất
lương, mà trong tất cả thời loạn nào cũng có”…
Thiện Huệ cũng phê phán
về tinh thần hội “Long Hoa, đời Thượng Nguơn trong giáo lý Hòa Hảo cho là viễn
vông, lừa gạt quần chúng ít học và kết luận: … “Theo chúng tôi, sở dĩ Huỳnh Phú Sổ mượn hình thức tôn giáo để hoạt động
chính trị là có hai nguyên do: thứ nhất, vì tôn giáo là nơi tín ngưỡng của mọi
tầng lớp nhân dân trong xã hội, và cũng là nơi chính quyền thực dân không dám
xâm phạm, do đó, hình thức tôn giáo đối với ông ta là nơi hoạt động an toàn nhất;
thứ hai, chính vì tôn giáo là nơi tín ngưỡng
của mọi người dân nên ông sẽ dễ dàng huy động được nhiều người vào những hoạt động chính trị của ông, nhất là với
tầng lớp nông dân ít học. Vì vậy, đạo
giáo nầy, cũng được gọi là đạo giáo của những người ít học.
Vâng, họ là Đạo giáo của
những người ít học, vậy Thiện Huệ là người có học và học nhiều mà vẫn nói bậy
là sao? Hội Long Hoa là tinh thần Phật giáo, Thượng Nguơn xuất phát từ Trung
Hoa. Dân chúng Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm Nho-Thích- lão, vì thế, đức Huỳnh cũng
phải tùy thuận căn cơ mà dùng phương tiện
để dẫn dắt tín đồ. Ngay cả Phật giáo Việt Nam đã trên 2000 năm mà kinh điển, chú nguyện ngày nay vẫn chưa
thóat hẳn ảnh hưởng Trung Hoa thì đừng trách cách đây gần một thế kỷ.
Kết
: Không
thể đi sâu từng chi tiết mà Thiện Huệ đã viết, vừa mất thời gian, vừa không cần
thiết đối với những lý sự cùn của Thiện Huệ. Vì Thiện Huệ cứ bảo Hòa Hảo không
là một Tôn giáo mà thực chất đức Huỳnh chưa hề tuyên bố như thế, Ngài luôn tự
nhận là một tín đồ trung thành của Đạo Phật. Bất cứ ai cũng có quyền chọn cho
mình một tín ngưỡng song song với những hoạt động xã hội; không thể bắt buộc
khi có tín ngưỡng là phải thuần túy tín ngưỡng, không có quyền tham gia hoạt động
bất cứ một tổ chức xã hội nào. Vào thời đất nước nhiễu nhương ngoại thuộc, tinh
thần đức Huỳnh như thế, vừa khuyến nông, chữa bệnh giúp dân, vừa chấn chỉnh tín
ngưỡng đạo đức bị suy thoái, và có tinh thần yêu nước, biết xả thân…của một
thanh niên còn trẻ, chấp nhận đưa lực lượng của mình tham gia hòa nhập vào chính
phủ Việt Minh, vì quyền lợi dân tộc; Những
biến cố xẩy ra ngoài ý muốn là do những thành phần bất hảo, cuồng nhiệt, nông nổi
tạo nên, mà bất cứ tổ chức nào cũng có; mấy chục triệu dân thời bấy giờ, ai đã
làm được như đức Huỳnh?
Mình chỉ biết phê phán
chỉ trích mà chưa làm được gì cho Đạo huống nữa cho đất nước mà còn khuấy đục
lòng hận thù trong khi đất nước hòa bình, tất cả các tôn giáo được nhà nước kêu
gọi đoàn kết. Hòa Hảo cho dù là một hệ phái của Phật giáo vẫn được nhà nước
công nhận. Vẫn sinh hoạt song song với những tôn giáo có mặt hiện nay, nhưng đặc
biệt Hòa Hảo là một tín ngưỡng nội sinh. Phát xuất từ tinh thần yêu Đạo, yêu nước từ những nông dân
Nam Bộ. Nếu không khích lệ những ưu điểm trong quá khứ, và hiện tại cộng đồng
Hòa Hảo đóng góp rất nhiều cho xã hội vế mặt từ thiện, thi hãy tôn trọng sự hiện
hữu của một cộng đồng dân tộc; Đừng đòi hỏi họ phải có mầu sắc thuần túy như của
mình, nếu vậy thì Hòa Hào không còn là Hòa Hảo mà đôi khi còn tệ hơn Thiện Huệ
hiện nay.
MINH MẪN
24/12/2012
Anh Minh Mẫn, bài viết của anh hay quá. Phật Giáo Hoa Hảo không ngờ vẩn còn nhiều khổ nạn như thế. Cám ơn anh đã giải thích PGHH bằng lý luận PG, rất thỏa đáng.
Trả lờiXóa