Phóng sanh trở thành một tập quán của những người con Phật, từ lâu lắm rồi đã xuất hiện trên đất nước VN. Phóng sanh được xem như một hành động cứu vớt chúng sanh đang bị cầm tù, đang đi đến con đường chết chóc. Một sinh vật đang lâm nạn, như con vật mắc lưới, đang bị thương tật, tất cả là sự ngẫu nhiên không hề tính toán.
Sau nầy khi phóng sanh biến thành phong trào, trở thành dịch vụ; một số nơi đặt hàng cho người săn bắt, bán, nhốt... như việc thả gần 10 tấn cá đặt hàng từ bộ Thủy sản, sáng 5/2/2017 (mồng 9 tháng Giêng âm lịch). Hàng nghìn người từ các tỉnh, thành đã đổ về bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) tham dự lễ phóng sinh do Thượng tọa Thích Chân Quang chủ trì. 8 xe tải chở gần 10 tấn cá đã được phóng sanh.
Theo tin được biết, trước khi Thủy sản cung cấp lượng cá được đặt hàng, Nguyễn Hải Quân, đệ tử T. Chân Quang (chánh văn phòng BHD Phật tử tại Quán Sứ) nhờ nhân viên của BHD giới thiệu, bị HT phó BHD (T.Thanh Điện cự tuyệt). Thế là qua gặp thầy Tổng thư ký; Bản hợp đồng với Thủy sản được tiến hành.
Chuyện lạ, hàng năm nơi đây đều có tổ chức thả cá, tuy số lượng bằng phân nửa, nhưng đó là việc tự phát của Phật tử. Năm nay do T. Chân Quang chủ trương, tại sao phải kéo Giáo Hội vào làm gì để giáo hội mang tiếng vô lý? Việc làm của cá nhân mà pháp lý Giáo Hội chịu trách nhiệm, phải chăng việc làm nầy đã có mưu tính?
Khi mà HT Thanh Nhiễu ký giấy cho tay chân T. Chân Quang vào "ngự" ngay văn phòng BHD PT cũng là lúc quý HT phó BHD gặp nhiều khó khăn khi chúng tự ý qua mặt. Cũng may, mỗi khi chúng đưa ra những văn bản tự phát, quý HT phó BHD đều liên lạc lẫn nhau để xác định văn bản đó do ai chủ biên. Trong một lần BHD được chư tôn túc lãnh đạo Ban tổ chức công tác chuyên ngành tại các tỉnh phía Bắc, nhân sự của T. Chân Quang tuyên bố sẽ được "sư phụ" tài trợ từ A tới Z, nhưng giờ chót, nhờ quý ngài quá kinh nghiệm về sự bất thường, nên đã có phương án dự phòng, vì vậy mà công tác đã không gặp trở ngại khi "sư phụ" của Nguyễn Hải Quân cắt tài trợ.
Cũng như thời gian trước đây khi Bến Tre định tổ chức Hội Thảo về tổ Khánh Hòa, có ông Nguyễn Quốc Tuấn (viện nghiên cứu Tôn giáo) tham dự. T. Chân Quang cũng hứa sẽ tài trợ nhưng có điều kiện, vào giờ chót điều kiện không được chấp thuận thì việc tài trợ cũng bị cắt ngay.
Khi được chùa Quang Thọ - Hốc Môn mời về giảng, trước mặt chính quyền và đồng bào, T. Chân Quang hứa sẽ giúp bao nhiêu căn nhà Tình Nghĩa, hỗ trợ mấy trăm xuất quà giúp đồng bào vào dịp tết... Thế nhưng vẫn không thực hiện.
Một lần thứ hai về giảng cũng tại chùa Quang Thọ - Xuân Thới Thượng, nhờ BTS PG huyện tìm cho ngôi chùa để về sinh hoạt hợp pháp. Thầy Chánh thư ký huyện bôn ba tìm kiếm, hẹn chính quyền và quần chúng cùng Giáo Hội huyện đến ra mắt thì T. Chân Quang lặn luôn. Còn rất nhiều hành động mờ ám, kể cả khi cố HT T. Thiện Nhơn - Bình Định xây dựng chùa, T.Chân Quang mượn danh để vận động tiền, khi khánh thành, một Việt kiều điện về trực tiếp cho HT báo đã gửi tiền qua tài khoản Chân Quang, HT không hề nghe nói lại.
Từ đó mới biết nhiều hành động không rõ ràng của một giảng sư nổi tiếng. Dĩ nhiên còn rất nhiều vấn đề mờ ám mà mọi người không nghĩ rằng một tu sĩ bình thường có thể hành động chứ chưa nói là một "tổ" khai sơn Thiền Tôn Phật Quang.
Gần đây khi quả chuông do ông Nguyễn Thiện Nhân tài trợ, T. Chân Quang cũng để lại nhiều tai tiếng, nhất là những câu thơ như:
"NGUYỆN TIẾNG CHUÔNG NẦY RẤT LINH THIÊNG
AI NGHE RỒI CŨNG "RẤT" ƯU PHIỀN"
Những câu thơ khắc trên Đại hồng chung rõ ràng như thế, không thể nói bị vu khống.
* * * * *
Nhà Phật thường nói: - Phật cao một thước, Ma cao một trượng. Phật có thần thông thì Ma cũng không thua kém, chỉ thua Phật cái đức. Chính cái đức đó của Phật mà suốt hàng ngàn năm qua giáo lý và đời sống của đức Thế Tôn không hề bị suy giảm vì tai tiếng. Trái lại, khi Ma hành động, bề ngoài trông y như tốt đẹp, đúng với chân lý, y như sự thật, nhưng bề trái luôn bị lộ những hoen ố của tà mị, luôn bị chống đối bởi những người có trí tuệ.Ma từng hiện tướng Như Lai để gạt chư Thánh chúng đương thời, ngài Anan tưởng là Phật, liền đãnh lễ, Ma phải biến mất.
Những tai tiếng về giới hạnh và lạm dụng uy tín của một số anh em nghệ sĩ để in đĩa làm tiền, đó là chuyện nội bộ để rồi gần 70 Tăng Ni quyết định ra riêng để an tâm tu tập. Nhưng từ khi T. Chân Quang lòn lỏi vào Giáo Hội, cài người vào BHD Phật tử, cũng như vận động vào Ban Hoằng Pháp mà không được. Rồi kết nghĩa với chư Tăng có tiếng, có chức sự trong G.H để mượn oai hùm, mượn uy tín của Giáo Hội để chống lưng cho những mưu đồ bất chánh như vụ thả cá chẳng hạn; từ đó, quần chúng bắt đầu lưu tâm đến những ma mãnh bất chánh mà không một tu sĩ chân chánh nào dám nghĩ, dám làm. Với những việc làm bất minh, T. Chân Quang không bao giờ ra mặt mà chỉ đạo và vạch kế hoạch cho đệ tử tiếp xúc với chư tôn túc trong GH.
Trở lại việc thả cá, phóng sanh. Theo tinh thần từ bi của nhà Phật, phóng sanh là một nghĩa cử giúp những sinh vật bất chợt bắt gặp đang lâm nạn, chứ không thể đặt hàng cho chúng bắt nhốt, rồi mua lại đem đi thả; đó là trò diễn kịch thể hiện tâm từ; tạo thêm tội ác cho người sống bằng nghề đánh bắt để cung ứng cho kẻ đóng kịch phóng sanh. Phước cũng từ phóng sanh mà có, thì tội cũng từ phóng sanh mà thành.
Những năm về trước, chính T. Chân Quang khuyến khích ăn cá để những con vật đó thêm phước: CÁ SỐNG KO CÓ MỤC TIÊU CUỘC SỐNG, SỐNG BẦY ĐÀN, KO BIẾT ĐỌC BIẾT VIẾT, TA ĂN NÓ NÓ SẼ ĐƯỢC PHƯỚC... KHI TA BẮT NÓ LÀ LÀM ĐÚNG MỤC TIÊU ĐỂ CHO NÓ CÓ PHƯỚC... CÁ SỐNG BẦY ĐÀN, KO CÓ MỤC ĐÍCH, NÓ CHỈ ĐƯỢC PHƯỚC KHI AI ĂN NÓ... NÓ SINH RA CHỈ ĐỂ LÀM THỰC PHẨM. AI CÓ PHƯỚC ĂN NÓ, NÓ SẼ LÀM NGƯỜI, AI QUẬY ĂN NÓ NÓ SẼ BỊ ĐỌA. KHI TA BẮT NÓ LÀ TA LÀM ĐÚNG CHỨC NĂNG CỦA NÓ.
Ngoài cá, còn bao nhiêu sinh vật khác không biết chữ, không có mục đích, đều có quyền ăn để nó có phước???
Ai có phước ăn nó, nó sẽ làm người, ai quậy mà ăn nó nó sẽ bị đọa? Lý luận của tà giáo chứ đạo Phật không có kiểu lý luận Nhân Quả như thế. Nó bị hy sinh mà còn bị đọa là chuyện vô lý. Tóm lại, theo T. Chân Quang, những con vật như loài cá sống không có mục đích, không biết đọc biết viết, con người ăn đều làm đúng chức năng của nó? Vậy phóng sanh là không làm đúng chức năng của nó sao?
Thế mà bày trò phóng sanh, phô trương lên báo chí, phải chăng hành động và lời nói bất nhất của một chánh nhân quân tử?
Khi cứu giúp một chúng sinh nào đó, người có tâm cũng phải làm hết sức lặng lẽ và tế nhị. Chọn nơi vắng vẻ, hay môi trường thích hợp với con vật mình định cứu giúp. Nơi đó con vật phải có cơ hội để sinh tồn và sống sót.
Làm bất cứ việc gì cũng nên đặt cái tâm và sự hiểu biết vào đó chứ không nên làm theo phong trào. Có nhiều người đã bỏ tiền triệu để mua chim phóng sinh nhưng lại cổ vũ việc ăn thú rừng, chim chóc, động vật quý hiếm khác... Khi phóng sanh mà hô hào chẳng khác thông báo cho kẻ đánh bắt chuẩn bị vớt lên rồi bán lại để tiếp tục mua và phóng sanh? Cái trò lẩ̃n quẩn như thế không phải tâm từ của nhà Phật, chưa nói phô trương thanh thế để cầu danh cầu lợi (lúc phóng sanh tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội đã đặt dãy bàn tiếp nhận tiền của bá tánh).
Cùng một việc làm, tội và phước khác nhau ở tâm niệm. Qua những vụ tai tiếng nầy (chưa nói đến loài cá độc hại hay không), không thể bác bỏ việc phóng sanh, có nghĩa bác bỏ hành động thể hiện tâm từ khi cứu một sinh vật, nhưng cũng không khuyến khích kiểu phóng sanh phô trương như thế, không có đơn đặt hàng trước như T. Chân Quang đã làm.
Ngoài việc cứu mạng một sinh vật đúng nghĩa, còn tạo cho người làm thiện được một tâm thái thanh thản, an lành, ngược lại phóng sanh theo phong trào thì sự thanh thản tâm hồn là tự đánh lừa mình trước bao sinh mạng bị nhốt rồi thả, thả rồi nhốt.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trong đạo Phật phóng sinh là truyền thống tốt đẹp, thể hiện tôn trọng sự sống của mọi loài.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, đạo Phật không có quy chuẩn hay quy định cụ thể về việc phóng sinh. Còn người phóng sinh phải tự biết làm như thế nào để có lợi cho sự sống của loài khác.
“Việc phóng sinh những loài mà làm ảnh hưởng đến môi trường, đến sự sống khác thì mình cũng không nên và phải tránh”, Hòa thượng Thích Gia Quang nêu rõ.
“Trong hiện tượng phóng sinh chim, cá..., ta thấy tất cả sự ngu muội, gian dối và độc ác của con người, dưới vỏ bọc “niềm tin”!
Kẻ bắt giết có tội lỗi của người bắt giết... Đó là kiểu lý luận “sống chết mặc bây” mà không nhìn thấy sự liên đới chặt chẽ giữa hai sự việc ấy. Chỉ vì ham muốn phóng sinh mà ta đã lập một con đường tạo nghiệp ác cho người khác”.
Mong quý Phật tử cân nhắc khi phóng sanh, lúc phóng sanh cũng không cần phải đợi đem đến chùa nhờ thầy chú nguyện, thời gian kéo dài là thời gian làm giảm sinh lực của con vật. Có tâm cứu mạng làm ngay tại chỗ hoặc đem đến nơi thích hợp để con vật không bị bắt lại. Có thế mới là phóng sanh, bằng không trở thành phóng tử kèm theo tội lỗi, những đồng tiền phóng sanh trở thành tội, thà giúp cho bao nguời bệnh hoạn hiểm nghèo trong xã hội hiện nay, hoặc những gia cảnh không đủ sống.
Sau khi tai tiếng trên báo đài, trang mạng, nhà nước đã cho Bộ Thủy Sản và Tài nguyên Môi trường vào cuộc để làm giảm nhiệt. Đồng thời, đệ tử của T. Chân Quang là T. Nghiêm Giám cho rằng số cá thả không hề độc hại, dĩ nhiên phải nói như thế và hai bộ chuyên ngành cũng không thể nói khác.
MINH MẪN
19/02/2017
19/02/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét