NHÂN - QUẢ là một hệ luận diễn tiến khá chặt chẽ, đành rằng NHÂN - QUẢ tương tục, nhưng không chỉ đơn thuần nhân nào quả đó một cách đơn giản. Ví dụ anh A bị anh B làm khổ vì kiếp trước anh B làm khổ anh A. Nếu truy nguyên mãi người nầy làm khổ người kia do người kia làm khổ người nầy, cứ lòng vòng kéo dài mãi thì nguyên nhân đầu tiên do ai và tại sao?
Theo Đại Tự điển Phật Quang thì: "Trong hệ thống giáo nghĩa của Phật giáo, LUẬT NHÂN QUẢ sử dụng như là lý luận cơ bản để thuyết minh tất cả sự quan hệ của thế giới. Bởi vì trong sự hình thành của hết thảy các pháp thì NHÂN là năng sinh, QUẢ là sở sinh. Tức là pháp nào có năng lực sinh ra kết quả là NHÂN, còn pháp nào từ NHÂN mà sinh ra là QUẢ. Nếu nói về quan hệ NHÂN QUẢ theo thời gian thì NHÂN trước, QUẢ sau, thì gọi là NHÂN QUẢ khác thời. Nhưng nếu nói về mặt không gian thì giống như những cây lau trong bó lau nương tựa vào nhau mà đứng vững, đó là quan hệ NHÂN QUẢ theo nghĩa rộng, gọi là NHÂN QUẢ cùng thời.
Về luận điểm NHÂN QUẢ của ngoại đạo ở Ấn Độ thời xưa, có thể chia làm 4 loại: "NHÂN TÀ-QUẢ TÀ, KHÔNG NHÂN CÓ QUẢ, CÓ NHÂN KHÔNG QUẢ, KHÔNG NHÂN KHÔNG QUẢ".
Theo Tự điển Phật học Tuệ Quang: thì NHÂN QUẢ gồm có: "Nhân quả bát vô, nhân quả bất nhị môn, nhân quả lịch nhiên, nhân quả tương tục, nhân quả tỷ lượng, nhân quả báo ứng".
Cho dù phân tích chi li thì vẫn tựu chung Nhân nào Quả đó, đó là cách nói chung chung, nhưng đi sâu vào chi tiết khó mà quả quyết. Ví dụ trong tập truyện tranh NHÂN QUẢ của Thích Chân Quang viết:
Không thể cả quyết dùng tay làm điều ác độc sẽ đọa làm loài không tay, chả lẽ tất cả loài không tay hay con người sanh ra không có tay đều do làm điều ác độc? Kẻ giết người cũng làm điều ác độc, vô vàn cách làm ác kết quả cũng chỉ làm loài không tay sao? Trong luật nhân quả của nhà Phật, có ba loại nhân đưa đến ba loại quả: cố ý ác tâm mà không hành động; hành động mà không cố ý, hành động có tác ý. Như vậy dùng tay làm điều ác mà tâm không tác ý, đều là loài không tay sao? Vả lại, không tay còn nhiều nguyên nhân, chặt tay chân chúng sanh, sanh tâm hoan hỷ khi thấy hoặc xúi dục người chặt tay chân chúng sanh... dĩ nhiên một hậu quả xấu xẩy đến do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ đơn thuần một nhân.
Nhân phải có Duyên hỗ trợ mới thành Quả. Luận Câu Xá phân tích có 6 nhân và 4 duyên: Năng tác nhân, câu hữu nhân, tương ứng nhân, đồng loại nhân, biến hành nhân và dị thục nhân. Bốn duyên là: Nhân duyên, sở duyên duyên, đẳng vô gián duyên và Tăng thượng duyên.
Như vậy NHÂN là hạt giống, DUYÊN là những gì hỗ trợ bên ngoài để hạt nhân nẩy mầm phát triển. Hạt giống cần có đất, phân, nước và ánh sáng thì nghiệp nhân cần có duyên từ cuộc sống cá nhân, tập thể và xã hội hỗ trợ mới thành quả báo.
Việc xem một hiện tượng rồi kết luận đưa đến quả báo cố định là không đúng với giáo lý nhà Phật, mang tính chất chủ quan hàm hồ, là cớ để ngoại đạo xuyên tạc giáo lý NHÂN QUẢ uyên thâm của nhà Phật. Giáo lý NHÂN QUẢ của Phật giáo là một hiện tượng khách quan đương nhiên, dù có Phật ra đời hay không thìNHÂN QUẢ không hề thay đổi.
Những hiện tượng xẩy ra tương thích với hạt nhân đã gieo thì chỉ có chính đương sự cảm nhận và chuyển hóa từ tâm thức. Trong khi giáo lý Thần học quan niệm: "Cọng lông sợi tóc trên đầu rơi xuống không ngoài ý muốn của Thượng đế".
Đạo Baha'i quan niệm: "Nếu sự xấu đến với ta mà tự do ta gây ra thì đương nhiên ta phải hứng chịu. Nhưng điều không may mắn đến không do ta làm ra thì chắc chắn đó là Ý chí của Đấng Tối cao và người Baha'i vui vẻ nhận lấy và tạ ơn, ví như các bậc phải chịu tử đạo để bảo vệ đức tin, hoặc cha mẹ sinh em bé nhưng em bé chết ngay thì người Baha'i tin đó là Ý chí của Đấng Tối cao".
Tóm lại, một quả báo xấu thì chắc chắn là nguyên nhân xấu, nhưng không thể nguyên nhân xấu sẽ đưa đến quả báo tương ứng mà còn do duyên từ hoàn cảnh hỗ trợ mà biến cách khác nhau. Ví dụ giống xoài ngọt ở miền Tây, đem trồng trên cao nguyên, chắc chắc hương vị phải khác. Mít Long Khánh ngon hơn mít Mỹ Tho, cùng loại giống nhưng hương vị khác, phải chăng do đất nước của mỗi vùng. Chuối Tiền Giang mắc hơn chuối Long Khánh do đâu?
Từ đó ta hiểu rằng nhân như vậy, duyên như vậy sẽ ra quả như vậy. Nhân như vậy mà duyên sai biệt sẽ đưa đến quả sai biệt. Tốt sai biệt theo tốt, xấu sai biệt theo xấu.
Một giảng sư cần cẩn trọng không nên chủ quan đưa cái hiểu cá nhân không y cứ vào giáo lý sẽ dẫn dắt chúng sanh mù quáng lạc vào vô minh.
MINH MẪN
05/02/2017
(mồng 9 tháng giêng Đinh Dậu)
(còn tiếp)
05/02/2017
(mồng 9 tháng giêng Đinh Dậu)
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét