Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu lần thứ VIII của GHPGVN vào gần cuối năm 2017 tại Hà Nội, các Đại hội từ cấp quận huyện lên đến Tỉnh Thành lần lượt tiến hành, trong những Đại hội công cử nhân sự như thế đã xẩy ra không ít vấn đề phức tạp từ nội bộ.
Truyền thống Phật giáo xa xưa cho đến năm 1975, nhân sự được chỉ định vào các nhiệm vụ đều "Y GIÁO PHỤNG HÀNH", không từng xẩy ra chống đối hoặc tranh chấp, vì chư tôn túc quan niệm rằng: - Mọi việc đều là Phật sự, phục vụ cho Giáo Hội và vì lợi ích cho quần chúng Phật tử.
Gần đây, Tỉnh Thừa Thiên - Huế là một Tỉnh có truyền thống Phật giáo lâu đời sống trong kỷ cương nề nếp tôn kính lẫn nhau, việc nhân sự chuẩn bị tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2017 - 2022, cũng gặp lắm vấn đề mà người Phật tử cảm thấy đau lòng.
* * *
Hiến chương GHPGVN - Chương VI: Tỉnh hội - Thành- Điều 25:
Ban Trị sự do Đại hội đại biểu Tăng Ni, cư sĩ thuộc tỉnh hay thành phố trực thuộc TƯ. suy cử trong hàng Tăng Ni và cư sĩ tại địa phương, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y bằng quyết định.
Trưởng Ban Trị sự phải là một vị Tăng sĩ (trừ trường hợp nếu tại tỉnh, thành không có Tăng sĩ, thì được cử một vị Ni tiêu biểu làm trưởng ban). Ban Trị sự có thể thỉnh quý Hoà thượng, Thượng toạ tại địa phương vào Ban chứng minh cho tài sản tại tỉnh, thành hội.
Có nghĩa nhân sự do Đại hội Đại biểu Tăng Ni, cư sĩ thuộc Tỉnh, thành trực thuộc TƯ. suy cử... rồi sau đó y cứ vào văn bản suy cử; Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y bằng quyết định. Thế nhưng, văn thư số 495/HĐTS do HT chủ tịch T. Thiện Nhơn ký, điều 2 quy định: "Nhân sự cấp cao của TƯ. GH do Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII quyết định.". Nghĩa là nhân sự cấp cao của TƯ. chứ không phải nhân sự cấp Tỉnh thành trực thuộc TƯ.
Văn bản trong điều 2 nói rõ: "Nhân sự trong nhiệm kỳ mới của tỉnh thành do Ban Thường Trực HĐTS và Ban chỉ đạo Đại hội TƯ. xem xét và chỉ đạo. Cá nhân không thể nhân danh TƯ. để sắp xếp nhân sự cấp cao của TƯ. GH nhiệm kỳ VIII và nhân sự BTS PG tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiệm kỳ VII, làm như thế là vi phạm Hiến chương và quy chế của GH."
Trong Hiến chương và quy chế GH không có mục nào quy định "Nhân sự trong nhiệm kỳ mới của tỉnh thành do Ban Thường Trực HĐTS và Ban chỉ đạo Đại hội TƯ. xem xét và chỉ đạo". Nếu thực sự có như thế thì Hiến chương và quy chế phạm phải "tự ngữ tương vi", tiên hậu bất nhất, hoặc là thầy Thiện Nhơn vi hiến???
Vả lại, văn bản ngày 29/12/2016, HT Thiện Nhơn quy tội cho HT trưởng BTS PG Thừa Thiên - Huế là vi phạm Hiến chương và quy chế Giáo hội, là lời kết tội khá nặng. So với tuổi đời và hạ lạp thì thầy Thiện Nhơn chỉ đáng học trò của HT Đức Phương. Cho dù chức sắc có cao nhưng không vì thế mà thể hiện tính cửa quyền như thế tục.
Do đó, "Trình thư" của HT Trưởng BTS PG Thừa Thiên - Huế gửi cho Đức Pháp chủ tha thiết cầu cứu: "Vì tiền đồ của GH, của dân tộc, nay chúng tôi thỉnh cầu đức Pháp chủ cùng quý Hội đồng có biện pháp cởi trói dây buộc "vi hiến" cho chúng tôi mà người buộc trói đó là HT Thiện Nhơn, để chúng tôi may ra được tự tại trong những ngày tháng cuối của cuộc đời".
HT trưởng BTS PG Thừa Thiên - Huế đề bạt nhân sự kế thừa là việc làm đúng nguyên tắc và tôn trọng thượng cấp, sao bảo là vi hiến?
Việc của GH là việc nội bộ, tuy nhiên không vì thế mà lạm quyền khống chế thuộc cấp. Hiện nay, ngoài xã hội cũng như trong GHPGVN, không ai mà không biết đến nhóm lợi ích vượt qua đạo nghĩa, công lý. Chính vì thế mà trong nội tình Phật giáo hiện nay đa phần nhũng nhiễu từ cấp trung ương đến các địa phương, một khi tu sĩ có quyền trong một địa vị khả dĩ thì quyền và lợi luôn làm mờ mắt.
Hàng Phật tử chúng tôi mong rằng chư Tăng luôn là những bậc thầy trong sáng, là nơi nương tựa cho tín chúng, là thạch trụ giúp ngôi nhà Phật pháp vững bền và xứng danh là trưởng tử Như Lai. Đây là lần đầu tiên tiếng kêu cứu thống thiết của một HT trưởng BTS cấp tỉnh, là một tỉnh được xem là cái nôi của PGVN. Chả lẽ thế sự loạn rồi Phật giáo cũng loạn thế sao???
Người Phật tử tại gia
Mồng bảy Tết năm Đinh Dậu
03/02/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét