Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

PHẬT TRÊN BỒN CẦU.




      Bên Czech, tại một cửa hiệu bán hàng nội thất mới xuất hiện bồn cầu in hình đức Phật Bổn sư trên nắp- dĩ nhiên đó không phải là một sản phẩm duy nhất, còn những bồn cầu khác trang trí hoa lá, ngôi sao, cá cảnh...nghĩa là nhà sản xuất xem đây chỉ là một trong những kiểu trang trí cho sản phẩm?
Những năm trước, tại Mỹ, đồ lót cũng dùng hình Phật để quảng cáo, rồi đến in Phật trên dép guốc của công ty Icon shoes, tại California; người phản đối đầu tiên là cộng đồng Phật giáo Tây Tạng-  Bhuchung Tsering thuộc “Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng” (International Campaign for Tibet) bày tỏ: "Thật là điều đáng tiếc, theo truyền thống Phật giáo, hình tượng của Đức Phật và Thánh chúng phải được đối xử một cách tôn kính. Việc đưa các hình ảnh này lên trên giày dép là thiếu tôn trọng đối với các Phật tử. Thành viên của Quốc hội Tây Tạng ở Bắc Mỹ, ông Tashi Namgyal, đã viết một lá thư phản đối gửi tới công ty giày dép Icon Shoes nói: "Xin vui lòng xem xét lại việc này và thu hồi lại những đôi giày như thế". Lần lượt một số tổ chức Phật giáo đều phản đối. Những kiểu dép guốc như thể chỉ có người Á Đông sử dụng, không phổ biến với người Âu Mỹ. Như vậy, người có sáng kiến quảng cáo như thế phải là người Á Đông.

Trung Quốc cũng nhập vào Việt Nam loại bia hình Phật Di Lặc, tuy bia sản xuất tại Úc, nhưng nhãn hiệu bao bì do Trung Quốc thiết kế, được một số nhà hàng tại Việt Nam tiếp nhận và quảng bá khắp nơi. Nếu họ không xác nhận đây là “Phật may mắn” trên nắp chai và đồ lót ly, lót chai, có thể ai cũng nghĩ là ông Địa, không có gì để nói. Rõ ràng đây là một ý đối nghịch với tinh thần giới cấm chất say của nhà Phật, dùng Phật để quảng cáo rượu bia.

Rồi có những nhà hàng, có lẽ vì ái mộ Đức Phật, xem Đức Phật là hình ảnh thời trang, dùng hình ảnh của Phật để trưng bày như quán rượu Funky Budha và Buddha Spa ở Hà Nội, Buddha Bar & Grill ở Sài Gòn.
Không có gì để nói khi một số tạp chí nước ngoài trang trí hình ảnh Đức Phật trên trang báo, thậm chí có tượng Phật được đặt trong vườn nhà hàng mà chủ quán tình cờ ngắm nhìn thích thú, mua tại Ngũ Hành sơn Đà Nẵng, chuyên chở về tận trời Tây. Rồi cũng có những tượng được bày trên trang thờ nhỏ tại góc đường bên Mỹ, hàng ngày có người đến lễ bái, mặc dù nơi đó chưa hẳn đủ tôn nghiêm và thanh tịnh. Và cũng không ai thắc mắc có người xăm hình Phật trên thân mình.


Điều rất lạ, chưa thấy ai sử dụng hình Chúa Jesus, mẹ Maria hay Thánh Allah, thậm chí Muhammad hay cây Thánh giá cho những dịch vụ tào lao như thế. Phải chăng hình ảnh Đức Phật có gì hấp dẫn? Hiện nay, Phật giáo được các nước phương Tây quan tâm tìm hiểu, như một luồng sinh khí mới. Một số dịch vụ doanh nghiệp liền chạy theo thị hiếu, quảng cáo như một biểu tượng thời thượng; hoặc giả, cũng có kẻ ác ý nhục mạ Phật giáo. Bởi lẽ, không ai lấy hình ảnh ông bà cha mẹ mình lót trên giường nằm, hay đặt tên con một cách bừa bãi, thì hà cớ dùng hình ảnh của một đấng giáo chủ của một tôn giáo khác để quảng cáo vào nơi khiếm nhã như thế. Không thể xem đây là việc làm tình cờ hay một trang trí thời hiệu.

Trước nhất, một sản phẩm đưa ra thị trường ắt hẳn phải được sự chấp thuận của ngành chuyên môn, một nhãn hiệu quảng cáo cũng phải được xét duyệt bởi ngành văn hóa-truyền thông hoặc cơ quan hữu trách. Những sự cố tung ra thị trường như thế, trách nhiệm thuộc về ai? Người sản xuất và cơ quan chức năng vốn có trách nhiệm chính, nhưng cửa hàng doanh nghiệp không thể nhắm mắt vì lợi nhuận mà phô bày quảng cáo sản phẩm xúc phạm niềm tin kẻ khác như thế. Thị trường tự do không có nghĩa tự do buôn bán, sản xuất những loại thành phẩm mất chất văn hóa. Tôn giáo là loại hình văn hóa thượng đẳng, đem hình ảnh tôn giáo đặt vào chỗ thiếu tôn kính như vậy là thể hiện một loại văn hóa phi đạo đức, thể hiện một ý thức hạ đẳng vô tôn giáo. Bất cứ quốc gia nào, tự do cũng phải nằm trong một khuôn khổ nhất định, tự do không có nghĩa có quyền xúc phạm danh dự, niềm tin, hay sinh mạng kẻ khác. Thế thì tự do kinh doanh, tự do sản xuất không có nghĩa có quyền kinh doanh bất cứ thứ gì, có quyền sản xuất bất cứ loại nào cho dù có hại cho tập thể, cho nhân loại.

Ngày nay, khoa học kỹ thuật hỗ trợ nhiều mặt giúp ích cho xã hội, trong đó các công ty xí nghiệp, doanh thương cũng hưởng một phần thành quả đó, rất tiếc, một vài cá nhân thiếu ý thức, lợi dụng phương tiện sản xuất để tự thể hiện bản chất u trệ của mình qua các sản phẩm thiếu chất văn hóa.

 Cộng hòa Séc vốn là quốc gia trong Thế chiến thứ hai, nằm trong đất nước Tiệp Khắc bị phát xit Đức chiếm đóng. Sau đó nước này trở thành một quốc gia Xã Hội Chủ Nghĩa cho đến năm 1989 khi cuộc Cách Mạng Nhung diễn ra, đưa đất nước trở về tiến trình dân chủ. Ngày 1 tháng 1 năm 1993, một cuộc li khai ôn hòa đã diễn ra, Tiệp Khắc lại tách thành hai quốc gia độc lập là Séc và Slovakia. Về tín ngưỡng, trước kia ảnh hưởng Kito giáo như các quốc gia Âu châu, nhưng khi thoát thân XHCN, đức tin cũng phai nhạt dần với nền kinh tế tự do và nếp sống dân chủ. Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, năm 2003 phải lên tiếng cảnh báo đất nước này đang bị thách đố bởi “việc sùng bái nền kinh tế thị trường” và các giá trị Kito giáo đang tiếp tục bị sa sút. Như vậy, vấn đề tôn giáo đã phai nhạt, kinh tế thị trường lấn át đức tin tôn giáo, phải chăng vì vậy mà sản phẩm đã lạm dụng hình ảnh tôn giáo để quảng cáo? Cho dù niềm tin tôn giáo không còn, nhưng không có nghĩa đạo đức và văn hóa doanh nghiệp cũng đánh mất. Dù cho bồn cầu có hình Đức Phật bán chạy hơn  bồn cầu có hình hoa ,cá cảnh khác thì nhà kinh doanh có nên bước qua tất cả để mà dung túng hay không ? Nhà doanh nghiệp tung ra thị trường một sản phẩm, phải xét đến giá trị thực dụng của sản phẩm, đối tượng sử dụng và hình ảnh, mô hình quảng cáo. Hình ảnh Phật giáo ngày nay trên thế giới không thể bảo là không ai biết, không biết thì tại sao dùng hình của một giáo chủ trang trí cho sản phẩm của mình? Nếu biết tại sao sử dụng vào những chỗ như vậy?Chúng tôi không nghĩ đây là dụng ý của những tâm địa đen tối lợi dụng sản phẩm để hạ nhục tôn giáo người khác. Nhưng người có lương tri và văn hóa không ai nỡ sử dụng bồn cầu như thế, vậy sản xuất ra bán cho ai ngoài những khách hàng có lương tri tương xứng với lương tri của nhà sản xuất hay sao? Và cũng có nghĩa công ty sản xuất đánh giá khách hàng là những hạng người thiếu văn hóa và lương tri khi mua bồn cầu nầy?

Một xã hội văn minh không chỉ căn cứ  vào mức sống của người dân, không chỉ căn cứ vào lượng số trí thức, tiện nghi cuộc sống, hay GDP mà còn  cần xét đến đời sống tinh thần, nhân cách tiếp xử. Giá trị tâm linh là nền tảng cơ bản tạo một xã hội đạo đức. Tâm linh không cần là một tôn giáo nhưng rất cần đến tình cảm, biết tôn trọng và chia xẻ lẫn nhau mà gọi chung là tình người. Khi tâm linh dồi dào thì không ai nỡ xúc phạm đến kẻ khác dù là lời nói, ánh mắt hay bất cứ hành động thương tổn tinh thần nào. Đây là bài học cần có cho những ai chỉ đề cao nhu cầu vật chất mà đánh mất tình người, tìm mọi cách thu lợi bằng mọi giá cho dù đạp lên sự tổn thương của người khác. Không thể bào chữa đó là quyền tự do kinh doanh!

 Có lẽ nhà chức trách tại quốc gia dân chủ như Czech đang bận quá nhiều việc nên  chưa nhìn thấy loại quảng cáo doanh nghiệp xúc phạm tôn giáo như thế này?

 

MINH MẪN

21/12/2014

 

 


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét