Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

* LỄ HÚY KỴ



ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG NGỘ CHÂN TỬ

Sáng 07/12/2014 nhằm 16 tháng 10 năm Giáp Ngọ, chùa Hoằng –Pháp- Hốc Môn, làm lễ kỷ niệm 26 năm ngày viên tịch của cố đại lão Hòa Thượng Ngộ Chân Tử.

Hòa Thượng thế danh là Trần Rinh, sinh ngày 03/3/ Tân Sửu (1901) tại Thái Bình trong một gia đình Nho học. Tuy hấp thụ Nho học từ thuở thiếu thời, khi trưởng thành, Ngài lại thích nghiên cứu Phật học dưới sự hướng dẫn của tổ Quang Huy. Sau đó gặp được Tôn sư Hư Không Tử cảm hóa, Ngài thụ quy giới với Tôn sư sau khi được trao truyền giới pháp với đạo hiệu Ngộ Chân Tử. Và đắc pháp với cụ tổ chùa Bà Đá, Hà Nội.

Ngài từng chiêm bái nhiều danh lam cổ tích như: Yên Tử, Côn Sơn, Non nước, Tam Đảo, Tản Viên, Hương Tích, chùa Thầy.
Năm 1927 Ngài trùng tu chùa làng tại Cao Mai, Kiến Xương, Thái Bình. Ngài cảm hóa gia đình quy hướng Phật đạo, đem hết tài sản ruộng vườn hiến cúng Tam Bảo.
Từ 1929 đến 1932 Ngài trùng tu chùa Quan Âm tại Kiến An, chùa Úc Gián huyện Kiến Thụy, chùa Văn Đẩu huyện An Lão...
Năm 1935 mua đất lập chùa Hoằng Pháp tại Kiến An.
Năm 1938 lập hội Dục Anh nuôi trẻ mồ côi, nghèo khó.
Năm 1945 nạn đói tràn lan, Ngài giúp đỡ dân đói nghèo và nhặt xác mai táng nạn nhân chết đói.
Năm 1953 mua đất Hải Phòng lập Tùng Lâm tu viện, nay là chùa Phổ Chiếu, lập viện Dưỡng lão.
1955 Hòa thượng hành đạo tại miền Nam qua các vùng như: Gò Công, Cai Lậy, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Châu Đốc.
1957 Ngài mua đất tại xã Tân Hiệp, Hốc Môn lập chùa Hoằng Pháp tiếp Tăng độ chúng tu tập. Suốt thời gian chiến tranh, Ngài nuôi nấng giúp đỡ vô số đồng bào, xây cất khu định cư cho hàng trăm nạn nhân chiến cuộc.
1968 Ngài thành lập Giáo Hội Thiền học Đạo Tràng, trùng tu chùa Thiện Phước tại Nguyễn Trải quận 5- Sài Gòn.
1968 cuộc chiến khốc liệt, Ngài lập hội Dục Anh tại xã Tân Hiệp nuôi dưỡng trên 300 trẻ con lạc cha mất mẹ.
1974 Ngài mua 45 mẫu đất tại huyện Bình Chánh thực hiện chương trình làng Cô Nhi, khi thống nhất nước nhà, Ngài hiến cúng nhà nước để làm nông trường Lê minh Xuân hiện nay.
Sau 1975 Ngài tiếp tục công tác từ thiện, hàng tháng đóng góp cho trường Cao cấp Phật học và ba đợt cứu trợ cho 31 hộ nạn nhân hỏa hoạn tại đường Nguyễn Cảnh Chân, quận nhất, SG. Mặc dù năng động trong công tác xã hội, Ngài vẫn chuyên tâm biên soạn:
Kinh Nhật tụng cho chùa Hoằng Pháp
Nghi luật tu trì thiết yếu
Quy giới hành trì
Sự tích nhân quả báo ứng
Tuyên dương Diệu pháp
Đạo giải thoát
Tuyên dương chánh pháp
Trên đường hành đạo
Khóa niệm tùy thân
Lược sử Phật tổ...

Suốt đời hành đạo vì lợi ích nhân sinh, quên mình vì mọi người. Năm 1988, ngày 26 tháng 11 nhằm ngày 16 tháng 10 năm Mậu Thìn, lúc 13.30 g Ngài an nhiên thị tịch sau thời gian lâm trọng bệnh.
Hàng năm, môn đồ pháp quyến luôn tưởng nhớ công lao của cố Đại lão Hòa Thượng, tổ chức húy nhật lần thứ 26 năm nay với sự tham gia đông đảo chư Tôn túc và hàng ngàn Phật tử khắp nơi vân tập về chùa Hoằng Pháp. Đồng thời, trước đó một ngày, TT Chân Tính cũng đã có cuộc họp mặt tri ân trên 100 anh chị em văn nghệ sĩ, các mạnh thường quân, các nhà tổ chức sự kiện... đã đóng góp công tác văn hóa hoằng pháp do chùa khởi xướng.

Hoằng Pháp là ngôi chùa duy nhất hiện nay có số lượng quần chúng tu tập rất đông, làm được nhiều chương trình hữu ích như: Diệu Âm Hoằng Pháp –Hoa Mặt Trời –Ánh Sáng Phật Pháp – Phật Pháp Nhiệm Mầu- phim ảnh –kịch nhạc -ký sự... đều thành công và đạt phẩm chất. Riêng khâu tổ chức, phải nói  rất khoa học, nhân sự nhiệt tình từ chư Tăng đến tình nguyện viên rất lịch sự, điềm đạm. Cơm phục vụ khách vãng lai dự lễ sáng nay trên 50 ngàn phần cơm hộp, 5 ngàn ổ bánh mì ăn sáng. Băng đĩa kinh sách biếu không giới hạn.Hàng trăm tình nguyện viên thanh niên nam nữ mặc đồng phục màu cam, nhiệt tình, điềm đạm phục vụ người tham dự lễ. Mỗi lần tổ chức lễ, chư Tăng và người làm công quả vô cùng vất vả, nhưng tất cả đều vui tươi nhỏ nhẹ.Ngoài những hoạt động xã hội, việc tu tập thường xuyên tổ chức cho sinh viên, người khuyết tật và đồng bào các giới thật nghiêm túc. 


Mỗi lễ lớn hàng chục ngàn người tham dự trong trật tự, trang nghiêm. Đây là ngôi chùa hiếm có tại Việt Nam hiện nay, mặc dù TT trụ trì còn rất trẻ, làm được rất nhiều việc hoằng pháp hiệu quả, để lại trong tâm những người tham dự một sự kính nể, hài lòng.
Hy vọng sẽ có thêm những ngôi chùa như Hoằng Pháp để giúp xã hội và tuổi trẻ được tiếp nhận đạo lực của Phật giáo hầu đất nước an lành hơn, quy củ hơn.

MINH MẪN
07/12/2014













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét