Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

NĂM MỚI, TA CŨNG MỚI

Làng Mai

Muốn cho năm mới thực sự mới thì bản thân ta cũng phải mới. Làm sao anh có thể hy vọng có một năm mới nếu như anh không có gì mới? Điều này hết sức đơn giản, ai cũng hiểu được. Nếu ta không có gì mới mẽ thì dù ta có gọi đó là năm 2014 hay 2015, 2016… thì cũng chẳng có gì khác, nó vẫn là năm cũ thôi. Vì vậy để có một năm mới thì ta phải làm mới chính mình.
NĂM MỚI, TA CŨNG MỚI
(Trích Pháp thoại Tết dương lịch 2014 tại thiền đường Hội Ngàn sao, xóm Hạ, Làng Mai – được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh)
new year 2014 plum village (4).jpg
Xây dựng ngôi nhà đích thực
Chúng ta đã có lần chia sẻ với nhau về chủ đề “ngôi nhà đích thực” (true home). Chúng ta biết rằng yếu tố đầu tiên để làm nên ngôi nhà đó là hình hài, thân thể của chúng ta. Nếu không biết cách chăm sóc thân thể mình thì chúng ta không thể nào có được một ngôi nhà đích thực. Vì vậy ta cần học cách thở, cách đi, cách trở về với thân và buông thư những căng thẳng trong thân. Đó là điều đầu tiên ta cần làm để xây dựng ngôi nhà đích thực của chính mình.
Yếu tố thứ hai làm nên ngôi nhà đích thực là cảm thọ (các cảm giác và cảm xúc trong ta). Nếu muốn có một ngôi nhà đích thực, chúng ta phải học cách chăm sóc các cảm thọ của mình, những cảm thọ dễ chịu cũng như những cảm thọ khó chịu, những cảm xúc đau buồn trong ta.
Ngôi nhà đích thực của chúng ta còn được làm bởi yếu tố thứ ba là tri giác. Phần lớn khổ đau, buồn giận của chúng ta đều phát sinh từ những tri giác sai lầm. Chúng ta có tri giác sai lầm về chính ta và về người khác. Căn cứ trên những tri giác ấy, chúng ta tạo ra biết bao giận hờn, sợ hãi, buồn đau và tuyệt vọng. Đó là lý do vì sao chúng ta phải học cách chăm sóc những tri giác của mình bằng sự thực tập nhìn sâu. Chúng ta không nên quá chắc chắn về những tri giác của mình, bởi vì có thể đó là nguyên nhân gây nên rất nhiều khổ đau cho chính chúng ta và cho kẻ khác. Vì vậy ta phải cẩn thận lắm mới được, ta nên  tự hỏi mình: Có chắc như vậy không? (Are you sure?) Có chắc cái tri giác mà mình tiếp nhận đó là đúng hay không?
Năm giác quan của chúng ta (gồm mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) là năm cánh cửa mở ra để tiếp nhận các thông tin từ thế giới bên ngoài. Vì vậy, nếu biết cách hộ trì các cánh cửa giác quan này, nếu có đủ năng lượng của niệm và định thì chúng ta có thể tránh được rất nhiều tri giác sai lầm và không tạo nên những hiểu lầm, giận hờn, sợ hãi, v.v. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta.
Bụt Shakya Muni từng nói rằng vị Bụt xuất hiện trong tương lai sẽ có tên là Maitreya, đức Bụt của tình thương. Từ “Maitreya” trong tiếng Phạn có nghĩa là tình thương. Ngoài ra, từ “maitreya” còn có gốc “mittra”, nghĩa là tình bạn, vì vậy đức Bụt tương lai của chúng ta sẽ là một người rất trẻ và có tên là đức Bụt của tình thương (the Buddha of Love hay Mr. Love).
Khi nói về tình thương, chúng ta thường nghĩ rằng: thương có nghĩa là thương một ai đó. Chúng ta tin chắc là mình biết thương mình rồi. Nhưng kỳ thực, không phải nhiều người trong chúng ta biết thương chính mình. Chúng ta chưa thực sự biết thương mình, hay nói cách khác, chúng ta chưa biết cách chăm sóc và thương yêu mình như thế nào cho đúng. Vì vậy đức Bụt của tương lai sẽ dạy cho chúng ta cách thương yêu và chăm sóc chính mình. Khi biết thương và chăm sóc chính mình, ta mới có khả năng thương yêu và chăm sóc những người khác. Làm sao anh có thể thương yêu và chăm sóc một ai khác nếu như anh không biết thương yêu và chăm sóc chính bản thân anh? Thương yêu chính mình là nền tảng để thương yêu một ai khác. Đây là một điều rất rõ ràng. Vì vậy ta cần phải học cách chăm sóc thân thể, cảm thọ và tri giác của mình, đó là điều rất quan trọng.
Mỗi khi nghĩ về năm mới, chúng ta luôn hy vọng rằng trong năm mới chúng ta sẽ làm hay hơn năm cũ. Nhưng làm hay hơn nghĩa là sao? Chúng ta có thể mong ước rằng trong năm mới ta sẽ chăm sóc mình tốt hơn, và nếu ta biết chăm sóc chính mình thì ta sẽ chăm sóc tốt hơn cho những người ta thương yêu. Và chúng ta có thể yểm trợ nhau trong sự thực tập chung này.
Năm 2013 có còn ở lại với chúng ta?
Bây giờ chúng ta cùng nhau quán chiếu về năm mới. Quý vị có thể nghĩ rằng năm 2013 đang rời chúng ta. Nhưng tôi thì không dám chắc về điều đó. Có thể năm 2013 còn ở lại với chúng ta dài dài. Bởi vì năm tháng không chỉ được làm bởi thời gian, mà còn được làm bởi không gian và đặc biệt bởi những hành động của chính chúng ta.
Những hành động bằng thân, bằng ý và bằng lời của chúng ta chính là nghiệp (karma) mà ta đã tạo nên trong năm qua. Có thể trong năm 2014, chúng ta bắt đầu gặt những nghiệp quả mà ta đã gieo trồng trong năm 2013. Vì vậy, cũng không chắc khi nói rằng năm 2013 sẽ rời chúng ta, vì nó vẫn có thể ở lại với chúng ta trong năm mới dưới hình thức những nghiệp quả.
Không có gì mất đi cả. Những lời dễ thương, từ ái mà ta đã nói trong năm cũ sẽ cho hoa, cho quả trong năm mới. Và những hành động từ bi, thương yêu mà ta đã làm trong suốt năm qua, ta sẽ gặp lại chúng trong năm mới, đó là nghiệp quả.
Năm Mới, ta cũng mới
Chúng ta có câu đối để thực tập trong năm mới, đó là: “Năm Mới, ta cũng mới” (“New Year New Me”). Nhưng muốn cho năm mớithực sự mới thì bản thân ta cũng phải mới. Làm sao anh có thể hy vọng có một năm mới nếu như anh không có gì mới? Không thể nào có được! Năm mới thì ta cũng phải mới. Nếu ta không mới thì cũng không có năm mới. Điều này hết sức đơn giản, ai cũng hiểu được. Nếu ta không có gì mới mẽ thì dù ta có gọi đó là năm 2014 hay 2015, 2016…thì cũng chẳng có gì khác, nó vẫn là năm cũ thôi. Vì vậy để có một năm mới thì ta phải làm mới chính mình.
“Ta cũng mới”, đó là một sự thực tập. Chúng ta cần phải học cách làm mới chính mình. Cách chúng ta đi, cách ngồi, cách ăn, cách cười…chúng ta cần biết cách thực tập như thế nào để mỗi khi đi, khi ngồi, khi ăn, khi cười đều có thể đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc và nuôi lớn tình thương trong ta. Đó là sự thực tập chánh niệm.
Ta có thể phát nguyện trong năm mới rằng: “Con xin nguyện thực tập đi trong chánh niệm trong cả năm 2014. Từ bãi đỗ xe cho đến văn phòng làm việc, con sẽ thưởng thức từng bước chân của mình”. Đó là điều mà chúng ta có thể làm được, vì ta không cần phải có thêm thời gian để thực tập. Chúng ta chỉ cần thay đổi cách đi mà thôi. Từ bãi đỗ xe, ta bắt đầu thực tập thiền đi. Ta đi như thế nào để trong mỗi bước chân ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong ta và xung quanh ta.
Mọi thứ xung quanh ta đều mầu nhiệm. Bông hoa này, không khí mà ta đang thở, ánh sáng, đám mây, mưa, ánh nắng mặt trời, cỏ hoa, cây cối, tất cả đều mầu nhiệm. Nếu ta không chánh niệm, không có mặt thật sự cho sự sống, hoặc nếu ta chìm đắm trong những đau buồn, sợ hãi, giận hờn hay trong những dự án ở tương lai thì tất cả những mầu nhiệm này của sự sống cũng không thực sự có mặt cho ta.
Anh đang ở trong nước Chúa, trong Thiên quốc, nhưng anh lại không tận hưởng được. Vậy anh hãy đến hỏi bông hoa về nước Chúa, anh sẽ nhận được câu trả lời, vì bông hoa này cũng thuộc về nước Chúa. Bông hoa có ngôn ngữ của nó, nó đang kể cho anh nghe về nước Chúa, nếu có đủ chánh niệm, có đủ sự chú tâm thì thế nào anh cũng nghe được. Bông hoa sẽ chỉ cho anh làm cách nào để tận hưởng được Thiên quốc đó.
Và vì thiếu chánh niệm, chúng ta cũng không thấy được rằng hình hài của chúng ta cũng là một đóa hoa, một mầu nhiệm của sự sống. Hình hài của ta cũng thuộc về nước Chúa. Ấy vậy mà chúng ta không biết cách chăm sóc bông hoa ấy, không biết chăm sóc hình hài ta.
Vì vậy, với sự thực tập thiền đi từ bãi đỗ xe đến nơi làm việc, ta phải đi như thế nào để mỗi bước chân có thể đưa ta trở về để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống và làm cho nước Chúa có mặt trong từng bước chân. Đó là sự thực tập chánh niệm.
new year 2014 plum village (1).jpg
Thời gian là sự sống
Ta chỉ cần chánh niệm và chú tâm thì mỗi bước chân đều có thể giúp ta tiếp xúc với nước Chúa và tất cả những mầu nhiệm của nước Chúa. Nếu không thì khi sắp sửa từ giã cõi đời này, nếu có ai đó hỏi: anh đã ở trong nước Chúa, vậy anh có tận hưởng được nước Chúa chưa? Ta trả lời rằng: chưa, tôi bận quá, làm gì có thời giờ để mà tận hưởng!
Cái thấy của tôi là nước Chúa – trong đạo Bụt sử dụng danh từPháp thân hay cõi Tịnh Độ - luôn có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Điều này không khó để thấy. Nếu anh là một nhà sinh học chuyên nghiên cứu về cơ thể người, anh có thể thấy rằng cơ thể con người là một mầu nhiệm. Anh sẽ rất thích thú tìm hiểu và khám phá sự tuyệt diệu của cơ thể, của đôi mắt hay của vỏ não. Thật là tuyệt vời!
Nước Chúa hay cõi Tịnh Độ thực sự có mặt đó cho chúng ta, nhưng chính chúng ta lại quá bận rộn, chúng ta không có thời giờ để tận hưởng. Vì vậy câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: chúng ta có mặt cho nước Chúa, cho cõi Tịnh Độ hay không? Năm mới mang đến cho chúng ta một cơ hội mới! Chúng ta đi như thế nào để nước Chúa hay cõi Tịnh Độ có mặt trong mỗi bước chân, để sau này chúng ta không hối tiếc là “mình đã từng ở trong nước Chúa, trong cõi Tịnh Độ nhưng mình chưa từng có thời giờ để tận hưởng nơi đó”.
Ở Làng Mai, mặc dù chúng tôi làm rất nhiều việc, nhưng mỗi ngày chúng tôi đều có thời giờ để đi cùng nhau. Chúng tôi gọi đó là thiền hành, là sự thực tập đi trong chánh niệm. Mỗi bước chân đều đưa chúng tôi trở về để tiếp xúc với nước Chúa, với cõi Tịnh Độ. Mỗi bước chân đều có khả năng chế tác hỷ, chế tác lạc. Điều này tất cả chúng ta đều có thể làm được. Mỗi bước chân có niệm, có định sẽ giúp chúng ta tiếp xúc được với tất cả những mầu nhiệm của sự sống.
Khi chúng ta đi cùng nhau, thực tập cùng nhau, chúng ta chế tác ra được một nguồn năng lượng chánh niệm tập thể rất hùng hậu, nhờ vậy mà mọi người có thể thực tập dễ dàng hơn. Chúng ta có thể dễ dàng tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống và hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không phải chạy về tương lai để tìm kiếm hạnh phúc. Chúng ta không còn nói “thời gian là tiền bạc”, mà chúng ta sẽ nói “thời gian là sự sống”.
Vì vậy chúng ta phải thách thức chính mình: “liệu tôi có thể đi từ bãi đỗ xe đến văn phòng với những bước chân chánh niệm và thảnh thơi hay không?”. Nếu bạn là giám đốc của một công ty, bạn có thể chia sẻ sự thực tập này với nhân viên của mình. Bạn có thể chia sẻ rằng: “mỗi buổi sáng khi đỗ xe và đi bộ tới văn phòng, tôi đều thực tập đi trong chánh niệm và tôi muốn mời các bạn cùng thực tập với tôi, vì khi đi như vậy, tôi thấy thật tuyệt vời. Với mỗi bước chân, tôi đều có thể tận hưởng những mầu nhiệm của sự sống. Khi đi, tôi không suy nghĩ, tôi chỉ cảm nhận sự hiện hữu của nước Chúa, của cõi Tịnh Độ trong giây phút đó mà thôi. Tôi thấy mình đang sống. Và trong thời gian đi như vậy, tôi buông bỏ tất cả những căng thẳng trong thân tâm. Tôi cũng dừng mọi suy nghĩ. Điều đó giúp thân tâm tôi được làm mới. Đó là sự thực tập chánh niệm".

1 nhận xét:

  1. nếu đã học phật pháp rồi thì sao lại còn nói mới với cũ nữa. đây là lời người dạy đạo đức học hay là tâm lý học chứ không phải là Phật học

    Trả lờiXóa