Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

HÀ NỘI TRỞ VỀ


Sau chuyến hoằng pháp tại TP.H.C.M. và Huế, đoàn PGQT và Thiền sư đã trở lại Hà Nội trên chuyến bay quốc nội VN 242 vào sáng ngày 15/3/05 tức mồng 06/2 â.l. Không khí thủ đô vẫn lạnh. Vài trăm người tiếp đón, sinh hoạt người dân bình thường, nhưng sinh khí có khác hơn những ngày đầu tiên đặt chân trên đất mẹ mà đoàn cảm nhận được.
Hơn hai tháng liên tục sinh hoạt từ ngày có mặt tại VN, có lẽ Thiền sư như thấm mệt với tuổi gần tám mươi, do vậy, thay vì vừa trở lại Hà Nội sẽ có buổi thuyết giảng trong ngày, tại Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo với chủ đề:Thiền học trong văn hóa VN và truyện Kiều, nhưng chương trình đành hủy bỏ, một phần ban tổ chức như không muốn có thêm buổi giảng mà trước đó 2 tháng họ cũng đã vất vả trong vấn đề nầy.hẳn nhiên vài bất đồng nhỏ không tránh khỏi trong tổ chức lần đầu do chưa hiểu nhau. Thiền sư có địp nghỉ ngơi, chùa Bồ Đề tiếp tục được đoàn lưu trú và sinh hoạt thư thái suốt ngày hôm đó.
Ngày hôm sau, 16/3, Thiền sư và đoàn viếng đền Hùng, quốc tổ VN, Thiền sư và Tăng đoàn kính cẩn nghiêng mình, tưởng niệm đến bậc tiền nhân khai sơn nước Việt. Trong im lặng tĩnh niệm, có lẽ Thiền sư câu thông một liên hệ vô hình giữa tổ tiên và con cháu, để thấm đượm tình huyết thống bàng bạc cả một dân tộc, liên đới ruột thịt đồng bào đó, tình thưong phát triển xoá tan ranh giới hận thù trong giòng máu anh em, tất cả cùng một quán niệm, chắc chắn VN chúng ta trở thành một khối keo sơn, khó ai xúi giục phân hóa, và rồi, sự tham quan biến thành những bước chân chánh niệm, các Tăng thân Âu Châu, tuy khác chủng tộc, như cùng một nhịp đập tình thương, hòa nhập sự hiện diện trên mãnh đất chữ S như đất mẹ của mình, Thiền sư đã đem Âu A về một mối, không còn ranh giới quốc gia chủng tộc; đứng trước anh linh Quốc Tổ, loài người chỉ còn là một anh em, tất cả là tình thương ruột thịt.
Ngày 17, như chương trình dự kiến, buổi thuyết giảng: sự kết hợp kỳ diệu giữa thờ cúng tổ tiên của người VN và tuệ giác đạo Phật Tại Học Viện Chính Trị Quốc Gia HCM, nhưng đành dời sang hội trường khác, vì đoàn đại biểu Lào đang sinh hoạt. Khách mời có hạn, khách không mời, kể cả cán bộ và dân, lên hai trăm rưỡi vị, trong khi bên trong chỉ có một trăm bảy lăm ghế, một số theo đoàn phải đi về trong niềm nuối tiếc ngẩn ngơ’ Lần nầy, nội dung được báo trước,không như ở SG đột xuất thay đổi rạp hát Hòa Bình qua Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nên nội dung cũng đột xuất đổi thay; thính giả tại H.V.C.T.Q.G. HCM gồm những cán bộ khoa học, chính trị chuẩn bị những câu hỏi khá hóc hiểm để chất vấn Thiền sư; Như chủ đề được nêu, tập quán tín ngưỡng nhân gian, trong đó có việc thờ cúng tổ tiên, bấy lâu do thói quen, chúng ta không thấy tầm quan trọng trong sự tương quan giữa người quá cố và kẻ hiện tiền; giới trí thức tân tiến cho đó là một tập quán lỗi thời, thậm chí mê tín, vì người đi rồi, ăn uống được gì của người còn lại, tứ đại tan hoại, thờ cúng, lễ lạy..ích gì...? Rất nhiều những câu hỏi mang nội dung phủ nhận con người quá khứ và tập quán thờ cúng, nghĩa là dưới cặp mắt của chủ nghĩa Duy Vật Thực Dụng, chỉ có hiện tại và hiện tại. Thiền sư không phủ nhận giá trị thực tại, nhưng không thể đoạn tuyệt quá khứ mang tính đạo đức; Cũng vì cái nhìn thực dụng đó, bao nhiêu thanh thiếu niên trở thành ma đói của xã hội, đói tình huyết thống, đói đạo đức tâm linh, đói sự ràng buộc vô hình của ông bà cha mẹ, nên họ không tin Trời Phật, những tín ngưỡng của cha mẹ ông bà, do thiếu sự kế thừa truyền thống đó, con người làm loạn xã hội, mọi tội ác và tệ nạn phát sanh; nhưng, những ai cảm nhận thân thể nầy, tế bào nầy là sự kế thừa của cha mẹ, ông bà, một ràng buộc vô hình của huyết thống tâm linh, đạo đức xã hội tức khắc sẽ được tái lập, vì không nỡ biến ông bà cha mẹ mình thành những tội phạm xã hội. Để minh chứng lý thuyết nầy, Thiền sư dùng Tế Bào học phân giải cụ thể, cả hội trường, các nhà khoa học, chính trị đều rạng rỡ khuôn mặt như hiểu được vấn đề quan trọng mà bấy lâu xem thường.
Hẳn nhiên còn rất nhiều cổ tục trong dân gian mà dưới cặp mắt của nhà khoa học, duy vật không thể chấp nhận, nhưng dưới cặp mắt tuệ giác của một Thiiền sư, vấn đề hoàn toàn khác; ví dụ người Việt lẫn Tàu đều thờ ông Địa như một mê tín, nhưng nếu hiểu ông Địa biểu tượng cho Sinh Môi, vùng đất sống cần bảo vệ tươi tốt ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Đốt áo mão vàng bạc, phải chăng thể hiện tình thương đối với người quá cố, con người không biết cách thể hiện tình thương nên phải mượn đồ giả đó ; Thiền sư đã biến Bông Hồng Cài Ao trỏ thành một tập quán văn hóa biểu hiện tình thương đối với người thân vào mùa Vu Lan, lập tức đồ vàng mã phải được thay đổi đối với người Phật tử, cũng thế, mọi cổ tục xuất hiện trong dân gian đều thể hiện một tình cảm sâu sắc, nhưng do trình độ chưa đủ nên sự biểu hiện khó chấp nhận với thời đại, nếu chúng ta chưa có phương thức đổi mới, không nên cấm đoán để làm mất con đường truyền thông tâm linh, tình cảm của quần chúng, đưa xã hội đến bất chấp tội lỗi; Từ đó suy ra, tín ngưỡng, tôn giáo, xã hội, chính trị...cần có óc cởi mở, làm mới, không bảo thủ, trong quan niệm đạo đức, sự đóng góp đó mới lành mạnh hóa xã hội; một PG không lành mạnh, PG sẽ bị tiêu diệt, một cơ chế xã hội không lành mạnh, cơ chế sẽ bị ung thối, do vậy trước khi về VN, Thiền sư tuyên bố với sứ quán VN tại Pháp: Chúng tôi không có Phong Bao, có lẽ Thiền sư và đoàn vì thế chấp nhận trể đến 06 giờ đồng hồ, ngài nói với đoàn: chúng ta chấp nhận khó khăn chứ không tiếp tay tha hóa xã hội, chúng ta lành mạnh hóa trong từng hành động, từng việc làm...Chính vì quan niệm làm mới cổ tục, Thiền sư thuận theo óc bói toán, chế tác bói Kiều, vẫn là hình thức bói toán, nhưng nội dung được cải tiến theo khoa học, những ngụ ý trong từng lời thơ tốt, được tác động bởi ý lực của mọi người chung quanh, của chính mình nên khi lật trang thơ, xuất hiện những điều có thể giảng giải theo ẩn dụ...Tóm lại, mọi sự vốn có trong đời sống, không cần hủy bỏ, chỉ cần thay đổi, làm mới nội dung, như một tế bào gốc được nạo bỏ phần ruột, cho phẩm chất mới của một tế bào khác, chắc chắn tế bào gốc đó phải đổi khác, nếu biết áp dụng thủ thuật nầy, không thể có bất cứ xáo trộn nào đáng tiếc xẩy ra trong cuộc sống.
Hơn hai giờ say mê những luận cứ giản dị của Thiền sư, cả hội trường cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, mọi áp lực như tan biến, các nhà chính tri, xã hội học chắn chắn hiểu rằng PG không còn là hình ảnh khô cứng, mê tín, một loại thuốc phiện vô bổ mà ngược lại đã giúp đổi mới tế bào thần kinh, não bộ của họ để nhìn xã hội, nhìn cuộc sống, nhìn tôn giáo một sự mới mẽ đáng yêu. Một buổi nói chuyện chưa đủ giải tỏa nhiều nghi vấn về giá trị của đạo Bụt, mọi người nôn nóng ngày kế tiếp, cũng tại hội trường nầy, nằm trên lầu của một Building, có sự canh gác cẩn mật, nhưng tâm hồn họ vượt xa khỏi vòng vây tăm tối một chiều, khô đặc bấy lâu.
14 giờ chiều, Thiền sư và Tăng đoàn Làng Mai viếng thăm chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội; hàng trăm chư Tăng, tháp tùng số lượng Phật tử và những người hiếu kỳ thong thả rảo bước trên đường phố; Đám trẻ con reo hò : ông Tây mũi lỏ mắt xanh đi tu bây ơi...hai bên phố, người dân im lặng chiêm ngưỡng một hình ảnh lạ chưa bao giờ xẩy ra trong đời họ. Một chuyện lạ mà cách đây không bao lâu, quốc tế vẫn kết án VN không có tự do Tôn giáo; thủ đô một nước CS đang chào đón những bước chân an lạc làm thơm quê mẹ bởi tâm lành và hạnh vị tha; Nhưng không lạ, vì những hình ảnh xuất thế đó, Tăng phong siêu phàm đó đã có từ lòng mẹ hàng ngàn năm, người dân vì bận và quen sự xô bồ kinh tế, quên tất cả truyền thống tốt đẹp của cha ông, bỏ xó vào góc tăm tối của báu, bây giờ tái hiện, đâm ngỡ ngàng;Trong im lặng,tất cả rảo bước, trật tự, êm đềm như hoà nhập với nhịp thở đất trời, tổ tiên nơi chính mình. Phố cổ vẫn dẽ thương và mến khách
Sáng ngày 18 – Vai trò PG trong xã hội đương đại được thuyết giảng; Hình như hôm nay, lượng người tham dự đông hơn, họ ngồi ngay cả lối đi; sự quan tâm của thính giả không chỉ ở chủ đề, mà ở lực thu hút của Thiền sư. Từng lời nói từ tốn của Ngài, họ rót vào não bộ một cách cẩn thận như sợ rơi rớt, và trong từng trái tim đang thổn thức, đang rộng mở cánh cửa ái từ mà bấy lâu bị khép bởi thành kiến.Trong hơi thở như cất đi gánh nặng bởi những ưu tư vô lý từ cuộc sống, đáng ra những ưu tư đó không đáng có, bởi tâm hồn nhiều vướng mắc; Những đóng góp của PG trong quá khứ, trên mãnh đất thân yêu nầy, qua nhiều thời đại mang đậm nét văn hóa, lành mạnh hóa xã hội trong những thời cực thịnh, chẳng những thề, sự hiện diện PG trên các quốc gia cũng đã lưu lại nhiều dấu ấn như Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên, An, Tây Tạng, Srilanca.Lào.Miến, Thái...và giờ đây, trên đất Thánh Thập tự, cũng được nhuốm màu Giải thoát trong hiện thực; Các đại sư Đài Loan, Hồng công, Nhật, Tây Tạng, và nhất là VN, Thiền sư đã làm mới PG theo luồng sinh khí phương Tây, người Au đón nhận PG một cách êm dịu, không bị dị ứng, công phạt, vì vậy xã hội công nghiệp đã giảm stress nhờ tinh thần Thiền đem lại. Ngày trước chiến tranh, có nhiều tổ đình ảnh hưởng lớn trong nề nếp xã hội, bởi đạo lực các Thiền sư tỏa nhiều năng lượng cảm hóa, đó là cái gốc đạo đức của một đất nước, con người say mê phù phiếm, phủ nhận giá trị cơ bản đó, thậm chí lên án, đưa xã hội vào loạn lạc. Tập thể tu sĩ PG mà Tăng thân Làng Mai là một biểu tượng, một cộng đồng Vô Sản đúng nghĩa, một Xã hộ Chủ Nghĩa chuyên chính, vì quý thầy không có của riêng, không sở hữu bất cứ cái gì ngoài ba bộ đồ và chiếc bình bát, không thủ đắc kiến thức riêng tư, không thụ hưởng niềm hoan lạc tự chứng, tất cả chia xẻ đồng đều, nâng đỡ học hỏi lẫn nhau, một xã hội lý tưởng như vậy từ PG, tại sao không nhân rộng và ảnh hưởntg cả một cộng đồng dân tộc? Thế mà vẫn có những cán bộ muốn đến chùa, muốn thăm làng Mai, vẫn e ngại, lại mạnh dạng tha hóa những nơi công cộng!
Ai bảo PG vô bổ, sống bám xã hội, mê tín, làm chậm bước tiến loài người? PG không những tự chết do bảo thủ, tham ô, bè cánh, mà còn chết vi được lạm dụng bởi thế quyền. Hãy trả PG về vị trí ban đầu của chính nó, tính hiệu quả chắc chắn sẽ lành mạnh hóa xã hội.

Ngay chiều hôm đó, tại chùa Bồ Đề, hàng ngàn người chăm chú, thích thú nghe Thiền sư nói đến Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng. Hà Nội có duyên lành hai lần Tăng đoàn có mặt; chùa Bồ Đề đầy phước được Thiền sư, Tăng thân lưu trú nhiều ngày; Độc giả thắc mắc tại sao đoàn phải quây lại Hà Nội, thêm mười lăm ngày nữa,, thay vì từ Hà Nội, vào Huế, ghé Bình Định, đi Sàigòn đoạn cuối để đáp tàu về thẳng Paris, nhưng , ai cũng cảm thông, người dân Hà Nội cần được thấm đượm thêm nhiều chất liệu tâm linh, bởi vì cuộc chiến đã cày xới, hoang hóa lòng người, thời gian đầu đến Hà Nội chưa đủ cảm thông, qua hai tháng hoằng pháp tại SG và Huế, đã tạo niềm tin về phong cách sinh hoạt của Tăng đoàn, về sự lợi ich của Thiền sư trong công cuộc giáo hóa; Người dân Hà Nội được tham dự những ngày tu tiếp theo tại chùa Bồ Đề, những hạt giống mới sẽ trổ hoa, VN trong tương lai khi có cởi mở, đạo tâm càng phát triển, PG được làm mới, chắc hẳn dân tộc sẽ trở nên thịnh vượng, vững mạnh, một đóng góp của PG đối với dân tộc, một lần nữa thời Lý Trần tái xuất hiện.


MINH.MẪN
18/3/200

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét