Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

CHẤP NHẬN NGƯỜI KHÁC


- Trích cuốn HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY của thầy Thích Nhật Từ (thuộc Chương 5: Bản chất hạnh phúc)

Chấp nhận người khác không phải để nịnh bợ hầu mong được quan tâm, giúp đỡ trở lại, mà là tin tưởng, vì thấy rằng họ đã phát huy hết tiềm năng. Sự chấp nhận người khác là một việc vô cùng khó.
Chấp nhận bản thân dễ hơn, vì sự chấp nhận bản thân nào cũng dựa trên bản ngã mà đôi lúc cũng cần phải dựa trên bản ngã để trở nên cao thượng, rồi sau đó diệt bản ngã đó đi. Người không tự tin thì khó thành công, nhưng người tự tin lại thường có bản ngã rất lớn, có cá tính mạnh, những tố chất gần như không giống ai, như vậy rất dễ thành công trong cuộc đời. Người không tự tin thường có phong cách bắt chước, cuốn theo chiều gió, gió thổi mây bay, cuộc đời thế nào thì nương theo thế ấy, không dám đặt ra khuynh hướng đi khác hơn để tạo những chất liệu rất riêng cho bản thân mình theo cách chấp nhận những tiềm năng vốn có. Chấp nhận người khác không phải là xu nịnh hay a dua theo thành công của họ, mà chấp nhận họ với tư cách là một con người có đủ tất cả những gì mà họ có thể làm được. Thái độ này giúp tâm xa lìa đố kỵ, ganh ghét, nhỏ mọn, tầm thường.
Đưa mình lên bàn cân với người khác là thái độ không chấp nhận được trong đạo Phật. Đức Phật chưa bao giờ khẳng định rằng chỉ có một đức Phật duy nhất trong lịch sử mà có vô số Phật, tam thiên, vạn thiên Phật, ngoài ra còn vô lượng vô số Phật, nhiều như số cát sông Hằng, không thể nào đếm được. Đó là cách thức chấp nhận người khác. Nếu đức Phật không có thái độ chấp nhận người khác, Ngài đã nói trên cuộc đời chỉ có duy nhất một đức Phật, và tất cả những người trong quá khứ, hiện tại, tương lai cũng chỉ trở thành đệ tử của đức Phật mà thôi. Điều này đã xuất hiện trong các tôn giáo hữu thần, và thậm chí vô thần, nhưng không hề có trong đạo Phật. Các tôn giáo khác chỉ thừa nhận một đấng Chúa, xuất hiện dưới nhiều danh hiệu: Allah, Brahma,… hay bất cứ danh hiệu Thượng đế, Chúa trời, đấng sáng tạo, đấng tạo hoá, là nguyên nhân khởi thủy, nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ. Có nhiều cách thức, nhiều danh xưng khác nhau nhưng tất cả đều biểu tỏ thái độ không bao giờ chấp nhận người khác có được vai trò, khả năng, thành công như mình đang có. Tu học theo các tôn giáo hữu thần trong trường hợp này con người sẽ trở thành một con người, không hơn được nữa.
Đức Phật dạy “Chất liệu giác ngộ của Ngài và mọi người đều ngang nhau”. Đến nay nhiều người vẫn không chấp nhận chân lý của lời tuyên bố đó. Đó là lý do trong kinh Pháp Hoa, năm trăm vị tỳ kheo A La Hán đã đứng dậy bỏ đi khi đức Phật tuyên bố “tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật”.
Chấp nhận người khác là hoan hỷ với những thành công về phương diện danh dự, nỗ lực, sự nghiệp, và tất cả tấm lòng yêu mến, kính trọng đối với người đó. Đặt mình và người lên bàn cân trong tình huống không đội trời chung chỉ làm cho mình trở nên ti tiện. Những vị vua Ai Cập là những người có thái độ đó. Các vị vua đã đổ dồn tất cả tiền bạc, ngọc ngà châu báu sau những cuộc chinh chiến, thu được từ những nước thuộc địa, để xây kim tự tháp hùng vỹ để chứng minh uy quyền của mình trong lịch sử Ai Cập và nhân loại. Có hàng trăm, hàng ngàn người đã đổ mạng trong quá trình xây dựng. Sau khi kim tự tháp hoàn thành, những nhà kiến trúc sư vĩ đại của công trình cũng bị giết chết, bởi vì nếu để họ sống họ có thể tạo ra những kim tự tháp tương tự hoặc tốt hơn. Đó là thái độ không chấp nhận người khác bằng mình. Các vị vua thường muốn mình là biểu tượng của chân lý, do đó, những ai muốn bằng vua là mang tội khinh quân và bị xử trảm.
Vì vậy, hạnh tùy hỷ là thái độ rất quan trọng, mặc dù tùy hỷ không hưởng được phần chia sẻ gì. Tùy hỷ trước thành quả của người khác, của thế hệ sau là việc nên làm. Thế hệ sau nắm bắt kinh nghiệm của những người đi trước, tổng hợp tinh hoa kinh nghiệm đó để tạo cho mình chất liệu mà người trước chưa bằng được. Sóng sau đẩy sóng trước, cứ như vậy mà tiếp nối nhau không dừng. Tiềm năng nếu có cơ hội phát triển nó sẽ được trưởng thành, đó là điều đáng trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét