Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

MỘT VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ


VÀ CÔNG HẠNH CỦA TỔ TĂNG HỘI


Thiền sư Tăng Hội là Tổ sư của Thiền tông Việt Nam. Thân phụ của thầy là người Khương Cư (Sogdiane, Bắc Ấn), mẹ thầy là người Việt. Khi thầy mới hơn mười tuổi thì cả cha và mẹ đều qua đời. Sau tang lễ, thầy xuất gia và tu học rất tinh tiến.

Thầy Tăng Hội là một mẫu người lý tưởng cho giới xuất gia thời đó, bởi vì ngoài Phật học, thầy còn tinh thông Nho học, Lão học và những khoa học khác như đồ vỹ, thiên văn, địa lý, v.v.

Thầy đã thiết lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển tại Giao Chỉ. Tại đây, thầy Tăng Hội đã viết bài tựa cho Kinh An Ban Thủ Ý, cũng như biên tập Lục Độ Tập Kinh. Trung tâm hành đạo của thầy có thể đã được thiết lập ở chùa Diên Ứng, còn gọi là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân, ở thủ phủ Luy Lâu, tức phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Thầy Tăng Hội đã sử dụng những kinh căn bản về thiền tập như kinh Quán Niệm Hơi Thở và đã dạy cho mọi người thực tập những kinh điển nguyên thỉ về thiền theo phương thức thực tập của đại thừa. Nội dung thực tập mà thầy Tăng Hội dạy là phép an ban thủ ý. An ban thủ ý là phép quán niệm hơi thở, và hơi thở được thực tập chung với bốn lĩnh vực quán niệm là tứ niệm xứ.

Không những là Sơ Tổ của Thiền tông Việt Nam, thiền sư Tăng Hội còn là người đầu tiên đem thiền học phát huy ở Trung Hoa, vì vậy thầy cũng là Thiền tổ của Trung Hoa. Khoảng giữa thế kỉ thứ 3, thầy đã sang nước Ngô để dạy thiền. Trong Cao Tăng Truyện có ghi rõ là khi thầy Tăng Hội sang nước Ngô thì bên đó chưa có tăng sĩ Phật giáo. Chính thầy Tăng Hội đã tổ chức đàn truyền giới đầu tiên cho những người Ngô trở thành những vị xuất gia đầu tiên. Ngôi chùa mà thầy Tăng Hội thành lập có tên chùa Kiến Sơ - ngôi chùa đầu tiên, tại Kiến Nghiệp, kinh đô nước Ngô.

Sự nghiệp của thiền sư Tăng Hội rất lớn lao. Nhờ vào những trước tác của thầy, ta biết được hành tướng của sự thực tập thiền tại trung tâm Luy Lâu (Việt Nam) và tại trung tâm Kiến Nghiệp (Trung Quốc) ngày xưa. Tư tưởng Thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Tuy nhiên, thiền pháp của thiền sư Tăng Hội rất thực tiễn, không hề để thiền giả bay bỗng trong vòm trời lý thuyết. Căn bản của thiền pháp này vẫn là sự thực tập hơi thở ý thức và pháp quán chiếu về bốn lĩnh vực hiện hữu gọi là tứ niệm xứ và các pháp quán tưởng căn bản đã được nêu ra trong các thiền kinh nguyên thỉ.
_____________________
(1) Đây là bài kệ của Tôn Xước-một trí thức trong hoàng gia Đông Ngô ca ngợi Sư tổ.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

CẢM NIỆM SƠ TỔ THIỀN TÔNG VIỆT NAM
THIỀN SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI


Lặng lẽ một mình
Đó là khí chất
Tâm không bận bịu
Tình không vướng mắc
Đêm đen soi đường
Lay người thức giấc
Vượt cao, đi xa
Thoát ngoài cõi tục.(1)

THIỀN SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI

Kính bạch Sư tổ! Chúng con đang có mặt cho Sư tổ đây. Chúng con cảm thấy rất hạnh phúc và ấm áp khi được ngồi đây và nhớ nghĩ đến công hạnh của Sư tổ. Người đã sống cách xa chúng con gần hai nghìn năm, vậy mà mỗi khi lạy xuống chúng con vẫn thấy Sư tổ có mặt trong dòng sinh mạng tâm linh của chúng con.

Trong bài tựa kinh An Ban Thủ Ý, Sư tổ đã dạy rằng: “An Ban là đại thừa của các vị Bụt dùng để cứu độ chúng sanh.” Kính bạch Sư tổ, chúng con cảm thấy là chúng con đang thở được hơi thở của Người. Khi đem sự thực tập về Quán Niệm Hơi Thở chia sẻ cho mọi người, chúng con đã giúp được cho rất nhiều người tìm lại được cuộc sống đích thực, mà bấy lâu họ đã đánh mất. Chúng con thấy Sư tổ là một người lái thuyền rất vững chãi, đang cùng ngồi chơi với chúng con và cùng chèo một mái chèo với chúng con.

Kính bạch Sư tổ! Người là một bông hoa rất đẹp, mang trong mình hai dòng văn hóa. Cha là người nước Khương Cư (Bắc Ấn) và mẹ là người Việt. Nhưng tiếc thay, mới hơn mười tuổi Người đã mất cả song thân. Mang nặng nỗi đau khi phải sống thân phận mồ côi. Nhưng nhờ có duyên lành, Người đã tìm đến cửa Bụt để nương tựa, và có ai biết được rằng, chú tiểu đó sau này đã trở thành một bậc thầy lỗi lạc, không những là một niềm kính ngưỡng cho dân Việt mà còn cho cả vua dân Đông Ngô lúc bấy giờ.

Khi còn là một Thầy tu trẻ, Sư tổ là một mẫu người xuất gia lý tưởng ở Luy Lâu. Ngoài Phật học, Người còn rất giỏi về ngoại giáo, như Nho học, Lão học, đồ vĩ, thiên văn, địa lý..v.v. Với tài năng, nhiệt huyết và công phu tu tập, Người đã làm cho trung tâm Luy lâu trở nên phồn thịnh, một nơi đã khơi nguồn mạch sống tâm linh cho nước Việt. Sư tổ còn là người đem thiền tập nguyên thỉ về tắm mát trong dòng chảy đại thừa, làm giàu thêm gia tài tâm linh đạo Bụt. Cũng nhờ đó, mà ngày hôm nay, chúng con gặt hái được nhiều hoa trái trong công phu tu tập. Những hoa trái đó, chúng con kính dâng lên Sư tổ như một lời biết ơn của chúng con.

Kính bạch Sư tổ! Mang trong mình một hoài bão lớn, của một bậc Xuất trần Thượng sĩ có chí hướng đại thừa, Người đã một mình, một bát đi lên miền Bắc, không ngại khó khăn, gian khổ, Người quyết đem ánh sáng đến những nơi còn tối tăm. Người như đang nắm vững mái chèo trong tay và không còn lo sợ bất kỳ một cơn dông bão nào. Khi đến được Kiến Nghiệp – kinh đô nước Ngô, thì đây là lần đầu tiên người ta thấy được hình ảnh của người xuất sĩ. Trải qua những khó khăn của văn hóa, tôn giáo, chính trị, nhưng cuối cùng người đã gây được sự cảm mến và kính phục cho vua con nước Ngô, là Tôn Quyền và Tôn Hạo. Dưới sự hoằng pháp của Sư tổ, người Ngô đã được phép xuất gia, từ đây đạo Bụt đã bắt đầu cắm rễ ở Đông Ngô, làm nền tảng cho Phật giáo phát triển ở Trung Hoa sau này.

Kính bạch Sư tổ! Nhớ nghĩ đến công hạnh của Sư tổ, chúng con không biết làm sao để nói hết lòng cảm phục của chúng con đối với Người. Từ một chú bé mồ côi, Sư tổ đã trở thành một bậc thầy tâm linh lỗi lạc cho cả hai nước Việt, Hoa. Chúng con ngày hôm nay đang tiếp tục đi trên con đường mà Sư tổ đã dày công khai sáng. Cúi xin Sư tổ luôn bảo hộ và che chở cho chúng con.

Nam mô Sơ tổ Thiền tông Việt Nam Thiền sư Khương Tăng Hội chứng minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét